Đối thoại với Hoà thượng về sinh tử của Thánh nhân và người thường
LTS: Đối thoại sau đây của nhà báo Chu Minh Khôi và Hoà thượng T.G (do yêu cầu không nêu danh tính của Hoà thượng) cung cấp kiến thức dễ hiểu về sinh tử và sự khác biệt về sinh tử giữa Thánh nhân và người thường.
Sinh hay tử là khởi đầu của sự sống?
PV: Bạch Hòa thượng! Vạn vật đều tuân theo định luật: Thành - Trụ - Hoại - Không, trong đó có người đọc thành: Sinh - Trụ - Hoại - Diệt. Như vậy, “Sinh là khởi đầu, “Tử” là kết thúc”, phải không, thưa Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Không đúng! Con người đi theo những vòng tròn luân hồi, không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc, vì vậy không thể nói rằng “Sinh” là bắt đầu, “Tử” là kết thúc.
Riêng các vị Phật và các Thánh nhân, họ đã ra khỏi luân hồi sinh tử. Như vậy, “Tử” mới chính là điểm khởi đầu của hành trình Phật hoặc Thánh nhân. Có những vị Phật, hoặc Thánh nhân khi đang là Phật hoặc Thánh nhân, nhưng phát đại nguyện đầu thai trở lại làm kiếp người để thực hiện một sứ mệnh nào đó. Khi đó, trạng thái Phật hoặc Thánh nhân sẽ tạm thời kết thúc, để đi vào kiếp người. Như vậy, “Tử” chính là bắt đầu, còn “Sinh” là kết thúc trạng thái Phật, Thánh nhân.
Thầy xin nhấn mạnh: Tử là bắt đầu, sinh là kết thúc; chứ không thể nói sinh là bắt đầu, Tử là kết thúc trong hành trình Sinh - trụ - hoại - diệt, bởi vì con người hay vạn vật đều phải diệt (Tử) rồi mới sinh ra.
PV: Động lực nào thúc đẩy mỗi người sinh ra và ta có chọn được nơi sinh không, thưa Hòa thượng. Ví dụ một thần thức muốn chọn sinh ra vào làm con nhà quan lớn, hoặc nhà đại gia để được sống sung sướng, thì có được không, bạch Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Thần thức đi vào thai trong người mẹ chỉ bằng một trong hai động lực: Đó là đại nguyện (đối với các vị đã đắc A-la-hán) hoặc Nghiệp (sự dẫn dắt, năng lượng hấp dẫn của tập hợp nghiệp cũ, nếu là chúng sinh chưa chứng đắc A-la-hán). Như vậy, động lực sinh ra có sự khác biệt giữa người thường và Phật, Thánh nhân.
- Đối với người bình thường, việc sinh ra làm người là do Nghiệp thúc đẩy. Nghiệp chính là quả được tạo từ các Nhân từ kiếp trước của chính người đó, điều khiển họ đi vào một trong 6 con đường (lục đạo). Do đó, khi đầu thai, Thần thức của người bình thường không thể được chọn nơi để đầu thai, không thể tự chọn được mình sẽ làm con nhà ai, ở đâu.
- Đối với những bậc Phật, Thánh, A-la-hán, do họ đã ở trạng thái ra khỏi luân hồi sinh tử, hoặc đang ở cõi Thánh (Phạm Thiên), nhưng vì họ tự phát đại nguyện đầu thai vào kiếp người để thực hiện một sứ mệnh nào đó, vì vậy họ có thể chọn được nơi, cha mẹ để đầu thai. Tuy nhiên, các Phật, Thánh không nhất thiết chọn đầu thai vào nơi cha mẹ làm quan hay giàu có, mà rất nhiều bậc chọn đầu thai vào làm con nhà nghèo, nhà thường dân.
Thần thức có mặt trong bào thai và sự sống
PV: Thưa Hòa thượng, Thần thức có mặt trong bào thai từ khi nào?
- Hòa thượng T.G: Bào thai do tinh cha huyết mẹ cùng Thần thức hòa hợp mà thành. Thần thức là một trong ba thành tố căn bản hình thành nên bào thai, mầm sống trong giai đoạn nguyên thủy và sơ khai nhất.
Đức Phật nói rõ: “Này các Tỳ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình” (Kinh Trung bộ I, Đại kinh Đoạn tận ái, số 38).
Kết hợp tuệ giác kinh Phật với những khảo nghiệm của khoa học hiện đại, chúng ta có thể xác định, thời khắc thụ thai (lúc tinh trùng xâm nhập vào trứng) cũng chính là lúc Thần thức có mặt để hội đủ nhân duyên hình thành bào thai. Muốn bào thai xuất hiện, cần hội đủ các yếu tố: Có giao hợp, người cha có tinh trùng khỏe mạnh, người mẹ có trứng tốt và đúng thời kỳ trứng đã rụng hoặc sắp rụng sẵn sàng tiếp nhận được tinh trùng, và điều quan trọng nhất là có Thần thức xâm nhập.
PV: Nếu có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng, nhưng không có Thần thức, thì sẽ xảy ra chuyện gì, thưa Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Khi đó, bào thai chỉ như một cục máu, một cục thịt vô tri, sẽ tự thoái hóa và bị đào thải ra cơ thể mẹ. Thông thường các trường hợp sảy thai là ở trường hợp này. Nhưng cũng có khi sảy thai, trong bào thai đã có thần thức, nhưng do nhân quả của Thần thức đó quá ngắn, nên phải lìa trần trước khi chào đời.
Ba yếu tố đưa đến sự chết
PV: Bạch Hòa thượng, điều gì dẫn con người đi vào thời khắc “Tử”?
- Hòa thượng T.G: Con hãy nhìn ngọn nếu đang cháy. Có 3 động lực khiến ngọn nến tắt. Một là, dầu (sáp nến) hết. Hai là, tim (bấc) lụn. Ba là, gió thổi tắt nến.
Con người cũng vậy. Tim trong nến là hình ảnh ẩn dụ cho Thần thức của con người. Dầu (sáp) tượng trưng cho thân xác của con người.
Hình ảnh gió thổi tắt nến, chính là hình ảnh ẩn dụ cho người đang khỏe mạnh, nhưng bị ngoại cảnh tác động mà bất ngờ chết. Như, người đang đi đường gặp tai nạn và chết, hoặc bất ngờ bị giết chết.
Với đa số con người bình thường, khi chết cũng như ngọn nến đã cạn hết dầu (sáp) và bị tắt. Thông thường sẽ theo các bước, dầu sáp cạn kiệt trước, sau đó tim lụn và rồi nến tắt. Thân xác con người già đi (lão) cùng với bệnh, khiến thân xác khô kiệt, tim ngừng đập và hệ hô hấp ngừng thở. Cuối cùng, Thần thức sẽ buộc rời khỏi thân xác.
Với các vị Phật, A-la-hán, Thánh nhân thì lại khác, có thể hình dung như ngọn nến vẫn còn dầu sáp, nhưng bất ngờ tim lụn và nến tắt. Các Phật, A-la-hán, Thánh nhân cũng vậy. Khi họ nhận thấy sứ mệnh mà họ phát nguyện trước khi đầu thai làm người đã hoàn thành, thì Thần thức sẽ rời đi. Như vậy, Thần thức sẽ rời khỏi cơ thể trước, sau đó, mới dẫn đến hiện tượng tim ngừng đập và tắt thở.
Thiên tượng
PV: Bạch Thầy, trưa 18/7 con nhìn thấy Thiên tượng, trong mưa lớn, rực rỡ nắng chiếu xuống, và một ngôi sao rời khỏi bầu trời đi xuống phía Bắc Thành phố. Ngày hôm qua (19/7), một trái tim lớn đã ngừng đập. Điều này có trái quy luật Cận Tử không thưa Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Thầy không ở Hà Nội lúc đó, nên không nhìn thấy Thiên tượng, nên không biết hiện tượng Thiên tượng như con nói có chính xác hay không. Nhưng nếu đúng là có hiện tượng đó, thì cũng không trái với quy luật Cận Tử. Bởi vì, với các bậc Thánh, khi thấy sứ mệnh của mình đã hoàn thành, muốn trở về cõi Thánh, thì Thần thức sẽ rời khỏi thân xác trước, có khi vài tiếng đồng hồ sau, thậm chí vài ngày sau, thì triệu chứng tắt thở, tim ngừng đập mới xảy ra. Nên, sao sa xuống trước, rồi mới tắt thở thì âu cũng là bình thường với bậc Thánh.
PV: Các bác sĩ có thể nhận biết được lúc Thần thức rời khỏi thân xác của mỗi người không, thưa Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Các bác sĩ chỉ có thể nhận biết được tình trạng tim ngừng đập, thường là căn cứ vào hình ảnh hiện lên trên máy điện tâm đồ, và tình trạng tắt thở. Hầu hết các bác sĩ trên thế giới ngày nay chưa đủ trình độ và công nghệ để nhận biết được khoảnh khắc Thần thức rời khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, khoa học ngành y tế hiện nay cũng đã phân chia quá trình “Tử” ra nhiều giai đoạn, trong đó có chết lâm sàng và chết sinh vật. Chết lâm sàng, là khi đã bất tỉnh, không còn đo được bất cứ hoạt động nào của thần kinh, tức là rơi vào tình trạng hôn mê sâu, bất động, mất hết ý thức. Chết sinh vật là khi tim ngừng đập, và phổi ngừng hoàn toàn việc hô hấp.
Với người bình thường, quá trình Cận Tử sẽ xảy ra 2 trường hợp: Một là, khi thân xác đã đến độ suy kiệt. bệnh đến mức thân xác không còn trú ngụ được nữa, Thần thức sẽ bất ngời rời khỏi thân xác trước khi tim ngừng đập và phổi ngừng hô hấp, khi đó cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê sâu, bất tỉnh. Cũng có trường hợp khi Thần thức đã rời khỏi cơ thể, nhưng sau đó các bác sĩ hồi sức cấp cứu làm cho tim đập bình thường trở lại, phổi hô hấp trở lại, thì Thần thức vẫn còn có cơ hội quay trở lại. Đó là những trường hợp người chết rồi, vẫn sống lại được. Nhưng đa số với người thường, thì Thần thức đã rời khỏi cơ thể thì không thể quay về lại vào trong thân xác.
Hai là, tim ngừng đập và phổi ngừng hô hấp, sau đó vài tiếng đồng hồ sau, thì Thần thức mới rời khỏi thân xác. Trong trường hợp này, những người xung quanh nhìn thấy người thân, người bệnh đã chết, nhưng thức tế người chết nằm đó vẫn còn có thể nghe được tiếng nói của người thân, của bác sĩ. Người thân khóc, hay người thân oán trách, thì người chết vẫn có thể còn nghe thấy. Chỉ đến khi Thần thức thật sự ra khỏi thân xác, thì mới thực sự Chết.
Với bậc Thánh nhân, Bồ-tát, thì quá trình Cận Tử sẽ khác. Khi nhận thấy sự mệnh của mình đã hoàn thành, Thần thức sẽ chủ động rời khỏi thân xác. Do không còn Thần thức trong thân xác, nên người sẽ rơi vào trạng thái hôn mê sâu, nhưng hệ hô hấp vẫn còn có thể còn hoạt động, và hình ảnh điện tâm đồ cho thấy tim vẫn còn đập. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, thậm chí có thể dài 1-2 ngày.
Khi đó, Thần thức của bậc Thánh đó có thể sẽ về cõi Phạm Thiên ngay. Nhưng cũng có thể Thần thức thoát ra rồi, nhưng do Thần thức của Thánh khác với người thường, vẫn có thể nhận thức được khi ngoài thân xác, nên Thần thức của Thánh sẽ vẫn dõi nhìn các bác sĩ, nhìn mọi người xung quanh và có thể nhìn lại cả xã hội, xem mọi người đang làm gì…
PV: Nhiều người cho rằng, hàng Thánh nhân khi đã đầu thai làm kiếp người thì thường sống lâu, có tuổi thọ cao. Có đúng không, Bạch Hòa thượng?
- Hòa thượng T.G: Không đúng! Lúc đương thời, Bồ-tát Thích Phổ Tuệ từng nói: Tuổi thọ không phải thước đo của đời người. Vấn đề là sống để làm gì cho đời. Người bình thường thì do tham đắm vật chất, nên muốn thân xác được tồn tại càng lâu càng tốt, nhưng sống lâu hay ngắn ngủi thì người bình thường không thể tự quyết định được, mà phụ thuộc vào nghiệp (nhân quả) đưa đẩy.
Với các bậc Phật, Bồ-tát, Thánh thì họ có thể tự chọn thời gian ở cõi người của mình. Các Thánh sẽ tự chủ động rời đi khi nhìn thấy sứ mệnh của mình đã hoàn thành. Vì thế, có rất nhiều vị Phật, Bồ-tát, Thánh ở trên dương thế với thời gian không dài. Ví dụ như Ngài Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệp thì bất khả tư nghì. Bồ-tát Thích Quảng Đức trụ thế chỉ 66 năm, nhưng đã để lại trái tim bất diệt hiện vẫn còn.
Sự nghiệp quốc gia, dân tộc không ngừng được tiếp nối
PV: Có người cho rằng, Trái tim vĩ đại vừa ngừng đập, để lại sự nghiệp “đốt lò” còn dang dở, Hòa thượng nghĩ thế nào về điều này?
- Hòa thượng T.G: Nghĩ như vậy là không đúng! Sự nghiệp của quốc gia, dân tộc không phải là của riêng một người, mà là việc tiếp nối không ngừng của nhiều đời, nhiều kiếp. Sứ mệnh của riêng Ngài Tổng Bí thư thì đã hoàn thành, nên đã Ngài đã trở về nơi hiện tiền.
PV: Cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian cho chúng con cuộc trò chuyện thú vị này!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm