Đồng tính luyến ái dưới góc nhìn của Phật giáo
Đồng tính luyến ái (ĐTLA) không phải là một chủ đề quá xa lạ đối với xã hội hiện đại, khi số lượng người trong cộng đồng này ngày càng gia tăng ở các nước phát triển.
Có nhiều quan điểm cho rằng, hiện tượng ĐTLA chỉ là một sản phẩm của xã hội đương thời và khi xã hội càng phát triển thì vấn đề ĐTLA lại càng gia tăng. Tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn không chính xác; vì lịch sử đã cho thấy rằng hiện tượng này đã có từ thời cổ đại và không hề co cụm trong một phạm vi nhỏ hẹp, mà nó hiện diện ở tất cả các quốc gia cổ đại phương Đông lẫn phương Tây. Chính vì như vậy, ĐTLA là một lĩnh vực thuộc phạm trù của con người, gắn liền với con người và mang tính chất của lịch sử, xã hội và tôn giáo.
Không như những tôn giáo khác chỉ đề cao niềm tin vào một đấng tạo hoá và cho rằng mọi vấn đề của con người đều phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay của đấng sáng thế. Đạo Phật đã vượt lên trên những tôn giáo như vậy, khi mang trong mình một kho tàng triết lý về các vấn đề của vũ trụ, nhân sinh, đạo đức, giải thoát với nội hàm cực kỳ sâu sắc. Thông qua cái nhìn và bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề trên, đức Phật đã cho mọi người thấy được trí tuệ siêu việt đi trước thời đại của Ngài về những vấn đề mà xã hội ngày nay vẫn con đang tìm cách giải thích hay hướng tới. Và vấn đề về ĐTLA là một trong những khía cạnh như vậy về lĩnh vực Nhân sinh quan của Phật giáo.
Định nghĩa
Đồng tính luyến ái là một từ Hán Việt (同性戀愛), nghĩa là “yêu người cùng giới tính”, còn gọi tắt là đồng tính, là sự hấp dẫn tình yêu, hấp dẫn tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Từ “Đồng tính luyến ái” trong tiếng Anh là “Homosexual” – là từ lai giữa tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh, với yếu tố đầu tiên “homo” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “homos” mang ý nghĩa là “giống nhau”. Như vậy, Homosexual chỉ cho hành vi tình dục và tình cảm giữa những người cùng giới tính, kể cả nam và nữ.
Lịch sử
Tuy khái niệm ĐTLA chỉ mới xuất hiện trong xã hội đương đại, nhưng sự thật hình thái của nó đã có từ rất xa xưa ở cả các quốc gia cổ đại từ đông sang tây. Ơ châu Phi, đồng tính đã được các nhà khảo cổ học khám phá qua các bức hình khắc hoạ của Khnumhotep và Niankhkhnum trong tư thế hôn mũi – một tư thế thân mật nhất trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại khoảng 2400 trước Tây lịch. Hay như ở Trung Quốc, tình cảm ĐTLA nữ cũng được biết qua tác phẩm Hồng Lâu Mộng của tác giả Đào Tuyết Cần và ĐTLA nam qua tác phẩm Biên Nhi Thoa. Và dưới sự ghi chép của Lưu Tống và Vương Thư Nô cũng đã cho thấy ĐTLA cũng phổ biến vào cuối thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch. Tại Nhật Bản, ĐTLA được ghi nhận từ hơn 1000 năm với tên gọi là “Chúng đạo” hay “Nam sắc” và từng là một phần trong đời sống Phật giáo và truyền thống của Samurai. Vấn đề này cũng xuất hiện tại Thái Lan với tên gọi là Kathoey trong nhiều thế kỷ và quốc vương Thái Lan cũng có các “cung phi” là nam bên cạnh các người nữ.
Vấn đề ĐTLA còn được ghi nhận tại Trung Đông như Ả Rập và Ba Tư trong thời Trung cổ qua thơ ca về những cậu bé phục vụ rượu và ngủ chung giường với những thương nhân trên con đường tơ lụa. Hay tại Trung Á, những người Bacchá là những người trang điểm và ăn mặc lộng lẫy như phụ nữ và họ sẽ hát và múa những bài hát khiêu dâm cho khán giả.
Tại châu Âu thời kỳ cổ đại, hiện tượng ĐTLA là một hiện tượng rất bình thường của một người đàn ông. Nhà triết học người Plato từng ca ngợi về nó trong những tác phẩm của ông. Riêng ĐTLA nữ ở thời cổ đại vẫn không được biết đến nhiều. Trong đó, nổi bật chính là thi nhân trữ tình Sappo, sinh ra trên đảo Lesbos. Những tác phẩm của bà tập trung vào sự say mê và tình yêu đến cả hai giới, trong đó có những bài thơ bà bày tỏ sự mê đắm và tình yêu đối với nhiều nữ giới. Những tính từ bắt nguồn từ tên và nơi sinh của bà (Sapphic và Lesbian) đã được dùng để chỉ ĐTLA nữ từ đầu thế kỉ 19.
Đến thời kỳ Phục Hưng, tại Florence va Venice (Ý) được biết đến là những thành phố với nhiều mối tình đồng tính và những trường hợp như vậy đều bị nhà cầm quyền xử phạt và giam giữ. Từ nửa sau thế kỷ 13, những người đồng tính đều bị xử tử. Các mối quan hệ giữa những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội như giữa vua giữa Vua James đệ Nhất và bá tước xứ Buckingham đã góp phần làm nổi bật vấn đề vì mối quan hệ đồng tính của họ.[1]
Quan điểm của các tôn giáo về Đồng tính luyến ái
Các Tôn giáo khởi nguồn từ Abraham: Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Công giáo, Anh giáo,... theo truyền thống là cấm kê gian (quan hệ qua đường hậu môn) vì cho đó là hành vi tội lỗi. Trong Kinh thánh Cựu ước, Thiên Chúa Giavê đã phạt dân thành Sodoma vì tội giao hợp cùng phái này.[2]
Theo Kinh thánh Tân ước, Chúa Giêsu phán với những người Pharisêu rằng: “Từ đầu tiên Thiên Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình trở thành một xương một thịt “.[3]
Đó là định nghĩa hôn nhân là một nam một nữ, chứ không phải là đồng tính như ngày nay người ta muốn định nghĩa: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa 2 người”.
Với những lý do trên và những lý do khác như giáo luật quy định, và các Đức Giáo Hoàng, nhất là đức Gioan Phaolô 2 trình bày, Giáo hội Công giáo sẽ không bao giờ đi ngược lại Kinh Thánh mà chấp nhận hôn nhân đồng tính.
Giáo hội Công giáo chủ trương rằng trạng thái đồng tính nằm ngoài lựa chọn của cá nhân và bản thân khuynh hướng đồng tính không phải là tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo hội coi hành vi tình dục đồng tính là vô trật tự về mặt luân lý và trái với luật tự nhiên, trong khi đó Giáo hội dạy rằng những người đồng tính phải được đón nhận với “sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Người ta phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ.[4]
Ấn Độ giáo: Ấn Độ giáo nói về vấn đề đồng tính không rõ ràng như các tôn giáo Abraham. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức tôn giáo có thẩm quyền hiện nay trong các truyền thống khác nhau nhìn nhận ĐTLA một cách rất tiêu cực và khi được bàn luận đều cấm đoán hay không được khuyến khích. Sách kinh cổ xưa như kinh Veda thường xem những người như vậy là giới tính như ba, không phải nam cũng không phải nữ.
Trong Ấn Độ giáo, nhiều thần thánh cũng là người ái nam ái nữ và một số vị đã thay đổi giới tính ban đầu của mình để trở thành ĐTLA. Trong sử thi nổi tiếng Mahabharata của Ấn Độ giáo cũng có một nhân vật chuyển giới tên là Sikhandin đóng một rất vai trò quan trọng.
Hôn nhân trong Ấn Độ giáo được cho là thực hiện ba chức năng: Prajaa, Dharma và Rati. Prajaa có nghĩa là sinh sản ra con cháu để duy trì nòi giống của gia tộc. Dharma là hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm và Rati có nghĩa là vừa có một người bạn vừa có thể thụ hưởng niềm vui (tình dục) như những người tình. Những người phản đối ĐTLA thì có quan điểm rằng:
+ Tình yêu lãng mạn là lẽ tự nhiên giữa một người nam và một người nữ, và không thể có chuyện hai người nam hay hai người nữ cùng quan hệ thân thích với nhau dưới hình thức tình yêu. Vì tình yêu lãng mạn chỉ có thể có giữa một người nam và một người nữ, nên tình yêu giữa hai người nam hoặc hai người nữ chỉ có thể là sản phẩm của dục vọng, và dục vọng là sai; do đó hoạt động ĐTLA là sai lầm.
+ Một trong ba chức năng của hôn nhân là Prajaa, nghĩa là sinh ra con cháu để duy trì sự bền vững của gia đình. Một cặp ĐTLA không thể sinh sản, và do đó không thể kết hôn được. Quan hệ tình dục trước hôn nhân và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là sai lầm, và vì những người đồng tính không thể kết hôn nên họ không được quan hệ tình dục.
Nhưng những người ủng hộ ĐTLA lập luận:
+ Không thể tìm một chi tiết nào trong các văn bản thiêng liêng của Ấn độ giáo cấm đoán tình yêu giữa những người cùng giới tính, vì vậy không có cơ sở để cấm đoán họ.
+ Vì những người ĐTLA cũng có thể trải qua một tình yêu lãng mạn nên các mối quan hệ tình dục đồng giới không phải là sản phẩm của dục vọng.
+ Ba chức năng của hôn nhân được đưa ra trong Dharma Shastras, những cuốn sách không ràng buộc đối với người theo đạo Hindu, và do đó Prajaa không phải là yếu tố quyết định trong hôn nhân của người Ấn độ giáo. Ngay cả khi ba chức năng của hôn nhân là ràng buộc về mặt hôn nhân, Prajaa có thể được giải thích theo một số cách không liên quan đến việc sinh sản. Vì vậy, những người đồng tính vẫn được phép kết hôn.
+ Việc quan hệ tình dục trong một mối quan hệ yêu đương giữa nam và nữ được Ấn Độ giáo khuyến khích vì nó không phải là biểu hiện của dục vọng, mà là biểu hiện của tình yêu và hiến dâng thể xác vì hạnh phúc của nhau. Vì vậy, những người ĐTLA trong các mối quan hệ yêu đương (tức là hôn nhân) nên được phép bày tỏ tình yêu của họ thông qua tình dục.[5]
Các Tôn giáo ở Đông Á: Đạo giáo không khuyến khích đồng tính vì cho rằng nó làm cho người ta không hoàn thành nhiệm vụ, và các tài liệu của một số trường học cấm điều đó. Khổng Tử hay các truyền thống Khổng giáo không đề cập vấn đề đồng tính.
Hồi giáo: Kinh Qur’an trích dẫn câu chuyện về “dân tộc Lut” bị phá hủy bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì họ tham gia vào các hành vi xác thịt đầy dục vọng giữa những người đàn ông. Các hành vi đồng tính bị cấm trong luật học Hồi giáo truyền thống và phải chịu các hình phạt khác nhau, bao gồm cả án tử hình, tùy thuộc vào tình huống và trường hợp vi phạm. Tuy nhiên các chủ đề đồng tính đã được đề cập trong thơ và các thể loại văn học khác viết bằng các ngôn ngữ chính của Hồi giáo từ thế kỷ thứ 8 đến thời kỳ hiện đại. Các quan niệm về ĐTLA được tìm thấy trong các văn bản Hồi giáo cổ điển giống với các truyền thống của thời cổ đại Graeco-La Mã, hơn là các quan niệm phương Tây hiện đại về khuynh hướng tình dục. Người ta hy vọng rằng nhiều hoặc hầu hết đàn ông trưởng thành sẽ bị thu hút tình dục đối với cả phụ nữ và thanh thiếu niên nam, và đàn ông được mong đợi chỉ đóng vai trò tích cực trong quan hệ tình dục đồng giới khi họ đến tuổi trưởng thành. Thái độ của công chúng đối với ĐTLA ở đế chế Ottoman và các nơi khác trong thế giới Hồi giáo đã trải qua một sự thay đổi rõ rệt bắt đầu từ thế kỷ 19 dưới ảnh hưởng của các quan niệm và chuẩn mực tình dục phổ biến ở châu Âu vào thời điểm đó, và chủ nghĩa ĐTLA bắt đầu bị coi là bất thường và đáng xấu hổ.[6]
Quan điểm của Phật giáo
Phật tử tại gia
Phật giáo đối với vấn đề đồng tính có rất nhiều quan điểm khác nhau. Trong bài kinh Người áo trắng,[7] một bài kinh được đức Phật giảng dạy cho hàng Cư sĩ tại gia, có đề cập đến năm điều đạo đức như sau: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Đây là năm điều rất cơ bản được đức Phật khuyến khích hàng cư sĩ tại gia cam kết thực hiện nhằm đảm bảo một đời sống hạnh phúc bình an của mỗi người. Trong 5 điều đạo đức đó, có nói đến điều đạo đức “không được tà dâm”. Tà dâm ở đây được hiểu là các hành vi giới tính vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường. Nhưng phạm trù “đạo đức thông thường” lại có sự khác nhau giữa các truyền thống Phật giáo và cả chuẩn mực đạo đức của từng cộng đồng, văn hoá.
Tuy nhiên, đa số đều chấp nhận phạm trù “tà dâm” chính là hành vi quan hệ tình dục ngoài vợ chồng hợp pháp được gia đình và xã hội công nhận hay quan hệ với với người chưa vợ chưa chồng. “Tà dâm” trong một số nền văn hoá còn được cho là quan hệ tình dục ở địa điểm hoặc thời gian không thích hợp (ban ngày), quan hệ tình dục với vợ/chồng mình nhưng lại nghĩ đến người khác, thủ dâm, thị dâm, ấu dâm, cưỡng bức, ...
Trong những bản kinh, đức Phật không khuyến khích cũng không kết tội với vấn đề đồng tính, vây nên Phật giáo cũng sẽ không can dự tới vấn đề một người có tình cảm với một người đồng giới. Điều này khác xa với các tôn giáo khác, khi có sự kết tội về vấn đề ĐTLA.
Về vấn đề quan hệ tình dục đồng giới, thì nó còn tuỳ thuộc vào từng truyền thống, tông phái, cộng đồng quốc gia. Như đã trình bày ở trên, điều đạo đức thứ 3 của năm điều đạo đức của người Phật tử tại gia là không được tà dâm, tức là không quan hệ với vợ chồng không hợp pháp. Từ đó, có thể cho rằng, việc quan hệ tình dục đồng giới tại các quốc gia chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới chắc chắn cũng là sai phạm.
Hơn nữa, một số truyền thống Phật giáo (như truyền thống Phật giáo Tây Tạng), chỉ chấp nhận quan hệ tình dục giữa dương vật và âm đạo, các hình thức khác như thủ dâm, khẩu dâm, quan hệ đường hậu môn,... bất kể giới tính nào cũng đều vi phạm giới dâm.
Theo quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma – một vị đứng đầu truyền thống Phật giáo Tây Tạng, thì ngài không kỳ thị nhưng cũng không hề ủng hộ vấn đề quan hệ tình dục đồng giới. Theo Ngài, thì đây là vấn đề cá nhân, chỉ cần hai người hợp ý, an toàn, không vi phạm pháp luật thì các hành vi kì thị, áp bức người đồng tính và việc quan hệ đồng tính là vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, Ngài vẫn công nhận quan hệ tình dục không sử dụng dương vật và âm đạo là không hoàn toàn hợp lý.[8]
Tu sĩ xuất gia
Khác với phật tử tại gia, người xuất gia đều bị ngăn cấm các hành thức quan hệ tình dục và tình cảm yêu đương. Vì thế, khi đã chính thức trở thành một người xuất gia, đã không còn tồn tại vấn đề tình cảm đồng tính hay quan hệ tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, người đồng tính, song tính, chuyển giới... có được thọ giới hay không lại là một câu chuyện khác.
Trường hợp đầu tiên, liên quan đến vấn đề khác thường về giới tính, chính là câu chuyện của Tôn giả Vakkali. Trưởng lão tăng kệ kể rằng: Khi đến tuổi trưởng thành, và học xong kinh điển Veda, trở thành thuần thục trong những thành tích Bà la môn, Ngài thấy bậc Đạo sư, ngài nhìn không chán thân hình tuyệt vời của đức Phật, và Ngài đi theo bậc đạo sư. Khi Ngài trở về nhà, Ngài nghĩ nếu ở lại nhà, Ngài sẽ không có dịp luôn luôn thấy được đức Phật. Do vậy, Ngài xuất gia, và từ khi ăn uống và tắm rửa, Ngài để toàn bộ thời giờ để chiêm ngưỡng đức Phật. Bằng tuệ nhãn của mình, đức Phật thấy rõ tâm ái nhiễm của Tôn giả này nên khởi tư duy: “Tỳ kheo này, nếu không xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh”, nên Phật đã vận dụng một phương cách đặc thù để cuối cùng, tôn giả Vakkali cũng được chứng Thánh quả.[9]
Theo Cullavagga (Tiểu phẩm), những trường hợp đặc thù như người vô căn (paṇḍaka) tức là không có bộ phận sinh dục (do bẩm sinh hay bị hoạn) và người lưỡng căn (ubhatobyañjanaka), tức là có cả bộ phận sinh dục nam và nữ sẽ không được xuất gia và thọ giới. Nhưng trên thực tế, hai khái niệm này thường được hiểu là những người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Đặc biệt, đối với phái nam, những khái niệm này thường chỉ cho những người có xu hướng nữ tính hơn chuẩn mực thông thường.
Theo chú giải Đại phẩm Mahāvagga – aṭṭhakathā, và đối chiếu với các bộ luật khác trong Hán tạng, đặc biệt là bộ Luật Tứ phần [10] có 5 trường hợp đặc thù về giới tính không được xuất gia, thọ giới. Năm trường hợp này gọi là Hoàng môn (黃門), bao gồm:
1. Āsitta – paṇḍaka, Biến hoàng môn (變黃門), nghĩa là khi muốn hành dâm thì mất nam căn (變者與他行淫時失男根變為黃門). Trong xã hội hiện đại gọi là Đồng tính nam (gay) và Đồng tính nữ (lesbian).
2. Usūya – paṇḍaka, Đố hoàng môn ( 妒黃門 ), nghĩa là khi thấy người khác hành dâm thì khởi tâm dâm (nam căn) khởi lên (妒者見他行婬己有婬心起). Theo tâm lý học hiện đại gọi là Thị dâm.
3. Opakkamika – paṇḍaka, Kiền hoàng môn (犍黃門), nghĩa là người bị thiến, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục (犍 者生己都截去作黃門).
4. Pakkha – paṇḍaka, Bán nguyệt hoàng môn (半月黃門), nghĩa là người thay đổi giới tính trong nửa tháng, nửa tháng nam, nửa tháng là nữ (半月者半月能男半月不能男). Tương đương là song tính luyến ái trong xã hội hiện đại (bisexual).
5. Napuṃsaka – paṇḍaka : Sinh hoàng môn (生黃門), nghĩa là khi sinh ra đã là hoàng môn (生者生己來黃門), người sinh ra không có cơ quan sinh dục, nếu có thì cũng không rõ ràng. Tương đương như người vô tính (nonsexuality).[11]
Khái niệm người vô căn, không chỉ có riêng với phái nam, mà có còn có với phái nữ. Các người nữ vô căn được nhắc tới trong một vài trường hợp. Người vô căn nữ được cho là khi họ có một số bất thường về tử cung, và đôi khi cũng được đánh đồng với người ĐTLA nữ khi vị ấy bị hấp dẫn về mặt tình dục đối với người nữ.[12]
Luật Ma – ha – tăng – kỳ đã ghi nhận một trướng hợp đặc thù về câu chuyện hoàng môn như sau:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỳ kheo ban đêm đang ngủ trong phòng thì có kẻ đến rờ mó từ gót chân lên đến bắp vế, đến bụng, rồi lần tới chỗ kín. Tỳ kheo định chụp bắt, thì anh ta liền chạy thoát. Rồi anh ta lại đến những nơi khác như hội trường, phòng sưởi, nơi nào cũng làm như thế. Sáng hôm sau, các Tỳ kheo tập trung một chỗ bàn tán nhau: “Này các Trưởng lão, đêm qua trong khi ngủ thì có người đến rờ mó khắp người rồi lần tới chỗ kín, tôi định bắt lấy thì anh ta chạy thoát”.
Lại có Tỳ kheo khác nói: “Tôi cũng gặp trường hợp như thế”. Cho đến nhiều người cũng gặp như thế. Rồi một Tỳ kheo suy nghĩ: “Ðêm nay ta phải rình để bắt hắn”. Ðoạn, Tỳ kheo này đến tối, liền ngủ sớm, rồi thức dậy rình. Trong khi các Tỳ kheo đang ngủ thì hắn ta lại đến sờ mó như trước. Tỳ kheo liền chộp cổ được, bèn kêu lớn lên: “Các trưởng lão, hãy đem đèn lại đây”. Khi đã đem đèn tới, liền hỏi y:
– Ngươi là ai?
– Tôi là con gái của vua.
– Thế nào là con gái?
– Tôi thuộc lưỡng tính, phi nam, phi nữ.
– Vì lý do gì mà ngươi xuất gia?
– Tôi nghe nói Sa-môn không có vợ, tôi muốn đến làm vợ.
Các Tỳ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật nói: “Ðó là kẻ bất năng nam. Bất năng nam có sáu loại. Ðó là: 1) Sinh; 2) Bị phá hỏng; 3) Cắt bỏ; 4) Nhân người khác (mà cương cứng); 5) Tật đố; 6) Nửa tháng có tác dụng.
1. Sinh: Từ khi sinh đã không có nam căn, đó gọi là sinh.
2. Bị phá hỏng: Vợ lớn vợ bé sinh con, ganh ghét nhau, rồi họ tìm cách phá hỏng. Ðó gọi là bị phá hỏng không thành đàn ông.
3. Cắt bỏ: Hoặc vua, hoặc đại thần chọn những người đã cắt bỏ nam căn để hầu hạ nơi phòng the. Ðó gọi là bị cắt bỏ không còn là đàn ông.
4. Nhân người khác: Nhân có người xúc chạm mà nam căn cương cứng. Ðó gọi là nhân người khác mà bất năng nam.
5. Tật đố: Thấy người khác hành dâm mà nam căn cương cứng. Ðó gọi là tật đố, không thành đàn ông.
6. Nửa tháng (có tác dụng): Nửa tháng có tác dụng, nửa tháng không có tác dụng. Ðó gọi là nửa tháng không thành đàn ông.
Trong đây, sinh không thành đàn ông, bị phá hỏng không thành đàn ông, cắt bỏ không thành đàn ông, ba loại không thành đàn ông này không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì phải đuổi đi. Còn nhân người khác mà không thành đàn ông, tật đố không thành đàn ông, nửa tháng không thành đàn ông, ba loại không thành đàn ông này không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia, thì không nên đuổi đi, về sau, nếu sinh khởi dâm dục thì phải đuổi đi. Sáu loại không thành đàn ông này không nên cho xuất gia. Nếu ai độ cho họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tỳ-ni.[13]
Không chỉ trong luật Ma – ha – tăng – kỳ, mà cả luật Tứ phần cũng cho thấy những trường hợp đặc thù như vậy về giới tính. Và trong những trường hợp này, đức Phật đều không chấp nhận cho các vị ấy xuất gia, vì có thể phá huỷ tính thanh tịnh của bản thể Tăng già. Theo tác phẩm A – tỳ – đạt – ma – tỳ – bà – sa, có bốn nguyên nhân nên xả giới và một trong bốn nguyên nhân ấy chính là nam biến thành nữ và nữ biến thành nam, thuật ngữ gọi là Nhị nhị hình sinh (二二形生).[14]
Trong Luật Tứ phần, Phật nói: “Hoàng môn ở trong pháp của Ta không phát triển được ích lợi gì, nên không cho xuất gia thọ cụ túc. Nếu đã cho thọ, cần phải diệt tẫn”.[15]
Việc đức Phật không cho người Hoàng môn xuất gia có thể liên quan đến hai nguyên nhân:
1. Vì xét theo giới tính sinh học, họ sẽ phải sinh hoạt đối với những người mà bản thân mình bị hấp dẫn giới tính. Nên việc xếp họ sinh hoạt với những người thuộc giới tính còn lại sẽ gây ảnh hưởng tới cộng đồng đó, bằng cách khiến cho những người đồng tu ham muốn và thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
2. Việc từ chối cho những người đồng tính xuất gia còn vì lý do hình ảnh của Tăng đoàn. Các vị tu sĩ thường xây dựng hay cố gắng tu tập để xây dựng hình ảnh oai nghi, mẫu mực, đức hạnh trong mắt cộng đồng. Trong khi đó, theo quan niệm phổ thông
hiện tại, những người đồng tính (Ở đây muốn đề cập tới đối tượng nam giới có xu hướng nữ tính quá chuẩn mực thông thường) thường khó có thể có hình ảnh như vậy có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của tăng đoàn.[16]
Nhưng cũng có trường hợp liên quan đến sự bất ổn giới tính như trên, nhưng vẫn được đức Phật cho phép được xuất gia, thọ giới và ổn định tu học, thì tự nhiên bị chuyển giới.
Trong chú giải kinh Pháp cú (Dhammapada aṭṭhakathā) có kể về câu chuyện của Soreyya cùng bạn bè cung đón trưởng lão Kaccayana (Ca – chiên – diên). Do sự cảm mến dung mạo đẹp như vàng ròng của Tôn giả mà Soreyya đã khởi niệm rằng: “Ồ! Phải chi trưởng lão này là vợ ta! Hoặc giả vợ ta có nước da đẹp như thế!”. Ý nghĩ vừa chấm dứt thì ngay lập tức Soreyya biến thành phụ nữ. Do vì sự hoảng sợ mà Soreyya trốn biệt về Takkasilā và sau đó kết hôn với con trai chưởng khố thành Xá – vệ và sinh ra hai người con. Sau những thăng trầm, Soreyya có duyên gặp lại Trưởng lão Ca – chiên – diên và thành tâm sám hối. Và Trưởng lão hoan hỷ với lời sám hối đó của Soreyya và ngay lập tức chuyển lại thành thân nam.
Sau đó, người chồng cũ của Soreyya vẫn muốn Soreyya sống cùng để nuôi dạy hai đứa con chung của họ. Nhưng Soreyya đã nói rằng:
“Này bạn, tôi trải qua hai lần chuyển hoá trong một đời người. Trước tiên tôi là đàn ông, biến thành phụ nữ giờ trở lại làm đàn ông. Ban đầu tôi là cha hai đứa bé, mới đây lại làm mẹ hai đứa đứa nữa. Bạn đừng nghĩ rằng sau khi trải qua hai lần chuyển hoá trong một kiếp sống, tôi bằng lòng sống đời tại gia nữa. Tôi sẽ đi tu theo Trưởng lão của tôi. Bổn phận của bạn là nuôi dưỡng hai đứa bé này. Chớ xao lãng”.
Nói xong Soreyya ôm hôn hai đứa con và theo Tôn giả Ca – chiên – diên xuất gia thành tu sĩ.[17]
Câu chuyện trên có sự pha trộn giữa huyền thoại và sự thực nên chỉ có giá trị tham khảo. Ngoài ra có hai sự kiện sau được ghi nhận trong luật tạng Pāli như sau:
Vào lúc bấy giờ, tướng trạng người nữ đã xuất hiện ở vị Tỳ – kheo – ni nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn như sau:
“Này các Tỳ kheo, Ta cho phép chuyển sang (sinh hoạt) với các Tỳ kheo ni (và vẫn giữ nguyên) thầy tế độ ấy, sự tu lên bậc trên ấy, các năm (thâm niên) ấy. Những tội nào của các Tỳ kheo có liên quan đến các Tỳ kheo ni, các tội ấy được làm cho hết tội trong sự chứng minh của các Tỳ kheo ni. Những tội nào của các Tỳ kheo không có liên quan đến các Tỳ kheo ni thì được vô tội với các tội ấy”.
Vào lúc bấy giờ, tướng trạng người nam đã xuất hiện ở vị Tỳ kheo ni nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn như sau:
“Này các Tỳ kheo, Ta cho phép chuyển sang (sinh hoạt) với các Tỳ kheo (và vẫn giữ nguyên) thầy tế độ ấy, sự tu lên bậc trên ấy, các năm (thâm niên) ấy. Những tội nào của các Tỳ kheo ni có liên quan đến các Tỳ kheo, các tội ấy được làm cho hết tội trong sự chứng minh của các Tỳ kheo ni. Những tội nào của các Tỳ kheo không có liên quan đến các Tỳ kheo ni thì được vô tội với các tội ấy”.[18]
Từ đó, ta có thể thấy được quan điểm của đức Phật về vấn đề này như sau:
Thứ nhất: khi một vị Tỳ kheo chuyển thành một Tỳ kheo ni vì một lý do nào đó, hay ngược lại thì được phép sống chung với đoàn thể Tăng, Ni tương ứng. Điều này dẫn đến việc, một sự chuyển giới hợp pháp sẽ được đức Phật chấp thuận.
Thứ hai: khi chuyển giới, họ được giữ nguyên thầy tế độ, giới phẩm, hạ lạp, ... Điều này chứng tỏ khi chuyển giới vẫn được đảm bảo các phẩm vị cơ bản của con người theo đặc thù giới tính. Điều này thể hiện được tinh thần bình đẳng, tính chất nhân văn vì tôn trọng đối với người chuyển giới.
Thứ ba: mặc dù chuyển giới nhưng tội lỗi vẫn được thẩm xét theo đặc thù giới tính và căn cứ vào thời điểm chuyển giới. Trong thực tiễn đời thường, điều này có nghĩa là, tuy có sự chuyển đổi giới tính nhưng vẫn phải đảm bảo trách nhiệm đối với những hành vi mà mình đã gây tạo trươc hoặc sau khi chuyển giới.[19]
Như vậy, với vấn đề người chuyển giới (trans) là một sự thật lịch sử đã được đề cập trực tiếp trong luật tạng dưới sự hướng dẫn của đức Phật.
Nguyên nhân của hiện tượng Đồng tính luyến ái
Theo quan điểm Khoa học hiện đại
Ngay từ thập niên 1960 đã có nhiều giả thuyết giải thích tại sao người ta trở nên ĐTLA. Các giả thuyết này nhấn mạnh đến các yếu tố môi trường xã hội trong giai đoạn
đứa trẻ đang phát triển, sự ảnh hưởng của cha mẹ, và sự gắn bó với cha hay mẹ.Chưa có sự thống nhất tuyệt đối giữa các nhà khoa học về nguyên nhân tại sao hình thành và phát triển một thiên hướng tình dục đặc biệt ở một người. Nhiều nhà khoa học thống nhất rằng các yếu tố tự nhiên và nuôi dưỡng, một sự kết hợp của di truyền, nội tiết tố giai đoạn thai nhi và ảnh hưởng từ môi trường xã hội là các yếu tố ảnh hưởng tới việc hình thành thiên hướng tình dục.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) khẳng định rằng “Thiên hướng tình dục được quyết định bởi sự tổng hợp của kiểu gen, hoocmon và ảnh hưởng môi trường”.
+ Kiểu gen: Nhiều người nghĩ ĐTLA là bẩm sinh và do gen quyết định. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mới nhất tuyên bố rằng không có gene gây ra ĐTLA, và điều này nói lên rằng xu hướng ĐTLA không phải có ngay từ lúc mới sinh ra. Những nguyên nhân khác nhưảnh hưởng từ văn hoá, xã hội và gia đình với trẻ em đóng vai trò quan trọng hơn.
+ Môi trường sống và sự dạy dỗ:
Sự tương quan với môi trường sống: Mức độ đô thị hóa càng cao thì tỷ lệ đồng tính càng có xu hướng tăng, vì ở các thành phố lớn có các chuẩn mực đạo đức lỏng lẻo hơn, lối sống cá nhân cao hơn cũng như có nhiều tác động văn hóa-xã hội khó kiểm soát, khiến vị thành niên tại đó dễ có thiên hướng đồng tính hơn, nhất là đối với nam.
Yếu tố gia đình: sự thiếu bảo bọc của người cha và sự gắn bó quá mật thiết với người mẹ là nhân tố chính hình thành ĐTLA ở nam giới.
Chấn thương tâm lý: Một nghiên cứu trongTạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ phát hiện ra rằng việc bị chấn thương tâm lý do bị lạm dụng tình dục cũng là một yếu tố đưa đến ĐTLA.
Ảnh hưởng từ văn hoá xã hội: Khuôn mẫu tình dục của mỗi cá nhân là một sản phẩm của văn hóa xã hội. Những xã hội có xu hướng chấp nhận đồng tính thì sẽ có nhiều cá nhân có khuynh hướng đồng tính hơn. Những yếu tố văn hóa có tác động mạnh mẽ trong việc khuyến khích các hành vi đồng tính, và ít nhất là gián tiếp, làm suy yếu toàn bộ lý thuyết về việc “đồng tính là bẩm sinh”.
+ Hoocmon trong bào thai: Các chuyên gia của Viện Toán và Tổng hợp sinh học quốc gia (Mỹ) cho rằng ĐTLA có liên hệ với “ngoại tố di truyền học”, gọi là epi-mark. Epi- mark về giới tính được sản sinh trong giai đoạn đầu bào thai, nhằm bảo vệ giới tính không bị testossterone ảnh hưởng, ngăn bào thai nữ phát triển theo hướng nam tính và ngược lại. Tuy nhiên trong một số trường hợp, những epi-mark đó được truyền từ cha sang con gái hoặc từ mẹ sang con trai, gây hiệu ứng đảo nghịch về sự hấp dẫn giới tính.[20]
Và cho đến thời điểm hiện đại, vẫn có những cuộc tranh luận dựa trên các yếu tố sinh học và/hoặc tâm lý dẫn đến vấn đề ĐTLA.
Theo quan điểm Phật giáo
Vào thế kỷ thứ 7, một tác phẩm được sáng tác ở Trung Quốc hoặc Trung Á mang tên là Kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật (大乘造像功德經),[21] đã đưa ra những giải thích về nguyên nhân dẫn đến nghiệp mang thân hai hình đối với một người đàn ông như sau:
(1) Loạn dâm nhơ nhớp ở chốn tôn nghiêm (2) Với thân người nam mà đắm nhiễm bậy (3) Chính tự nơi mình làm việc dâm dục (4) Mua bán sắc cho những người khácCũng có bốn thứ nhân duyên, khiến những người nam chịu thân hoàng môn:
(1) Tàn hại hình dáng người và súc sinh.
(2) Đối với Sa – môn gìn giữ tịnh giới mà nổi sân hận chế giễu chê bai.
(3) Tình nhiều tham dục, cố tâm phạm giới.
(4) Bốn là: Gần người phạm giới, lại khuyên người phạm.
Và Bốn duyên khiến những người nam, tâm thường sinh ái dục của nữ:
(1) Hoặc ngờ, hoặc giỡn báng bổ người khác.
(2) Ưa lối phục sức trang điểm của nữ.
(3) Làm chuyên dâm nhơ với người nữ bà con.
(4) Thật không đức tốt, vọng nhận người lạy.
Kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật, cũng nói rằng tái sinh làm Người vô căn (paṇḍaka) là do bốn nhân duyên:
(1) Thiến người khác.
(2) Cười khinh bỉ và vu khống một kẻ ẩn dật giữ giới luật.
(3) Tự mình vi phạm giới luật vì ham muốn sắc dục.
(4) Không chỉ vi phạm giới luật bản thân mà còn khuyến khích người khác làm điều tương tự.
Việc trở thành người có giới tính khác biệt nằm trong chuỗi các quả báo trong một số trường hợp ngoại tình. Trong khi Pravrajynātarayā Sutra (Kinh Chướng ngại xuất gia) nói rằng nếu một cư sĩ cản trở ai đó xuất gia đọc lại Giáo pháp, hoặc tức giận với các vị Sa – môn hoặc Bà – la – môn, thì khi tái sinh, người ấy phải chịu quả báo của một người vô căn (paṇḍaka).
Ở đây, Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) cho rằng những hoạt động tình dục với người đồng giới sẽ dẫn đến lưỡng tính. Tuy nhiên, bản kinh này cho rằng có thể tránh được những quả báo như trên nếu có lòng sám hối với đức tin sâu sắc, và tôn tạo tượng Phật.
Buddhaghosa nhìn thấy một loại tâm thức đặc biệt, đi kèm với một cảm giác trung tính, xảy ra vào thời điểm thụ thai, làm nền tảng cho tâm hộ kiếp (bhavanga) giúp hình thành nên người mù, điếc, ngu ngốc, điên, người lưỡng tính, người vô tính và thậm chí là người vô căn (không có bộ phận sinh dục). Do đó, một người được coi không phải là nam, hoặc vô căn đã có từ lúc thụ thai chứ không phải là từ kiếp này hay bị thiến.[22]
Điều này khá tương đồng với giáo lý Nghiệp của đạo Phật. Theo quan điểm của Phật giáo, một con người chịu sự chi phối bởi Cộng nghiệp và Biệt nghiệp. Công nghiệp là loại nghiệp chung của một cá thể liên quan tới gia đình, cộng đồng, hay cả một quốc gia. Nhưng trong cộng nghiệp ấy, mỗi một cá nhân lại có những nghiệp riêng biệt của chính bản thân mình chi phối. Những nghiệp riêng và nghiệp chung tuỳ theo những tạo tác trong những kiếp trước mà đi theo chúng ta trong những lần tái sinh. Chính biệt nghiệp là yếu tố then chốt vá quyết định được cảnh giới tái sinh, hình thức tái sinh trong tương lai.
Trong kinh Trung bộ, đức Phật nói rằng: điều kiện để một cá thể được sinh ra bao gồm 4 yếu tố : tinh cha, trứng mẹ, giao phối trong ngày thọ thai, và tâm tái tục. Việc một người mang vấn đề khác biệt về giới tính như trên, có thể do những kiếp về trước, họ đã có sự mong muốn hay huân tập những tập khí của người phụ nữ vào trong kho tàng nghiệp thức của mình. Hay mang thân xác của người nữ, nhưng vì một lý do khách quan nào đó, họ chán ghét thân nữ giới, và mong muốn được thân người nam. Vì thế, khi tái sinh, theo như ý nguyện từ kiếp trước của họ đã được huân tập trong tàng thức, nên ở kiếp này, họ được thân tướng người nam, nhưng những chủng tử vẫn là của người nữ từ kiếp trước, vì thế có xu hướng luyến ái với người nam. Và hoàn toàn có thể lý giải tương tự với trường hợp là người ĐTLA nữ.
Chính vì có những vấn đề như vậy, mà trong Luật tạng, đức Phật đã chế ra những giới để tránh tình trạng bị Phật tử tại gia phàn nàn, phê phán, chê bai, và hơn hết là tránh tình trạng nảy sinh tình cảm giữa những người cùng giới tính khi có sự tiếo xúc quá gần gũi với nhau. Như trong Phân tích Giới Tỳ kheo ni, chương Pācittiya, phẩm nằm chung, đức Phật đã chế giới như sau: “Các Tỳ kheo ni nào hai (người) nằm chung trên một chiếc giường thì phạm tội Pācittiya”, hay “Các Tỳ kheo ni nào hai (người) nằm chung trên một tấm trải tấm đắp thì phạm tội Pācittiya”.[23]
Kết luận
Vào ngày 17/5/1990 Tổ chức Y tế Thế giới Liên Hiệp Quốc (WHO: World Health Organization) và Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đã loại bệnh ĐTLA ra khỏi danh sách các chứng bệnh thế giới vì nó không phải là một dạng bệnh lý mà đơn thuần chỉ là một xu hướng tính dục. Và bản chất của nó không phải tốt hay xấu vì nó không y cứ trên quan điểm đạo đức. Phật giáo là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng; không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da và giới tính. Đạo Phật chủ trương rằng một người tốt hay xấu không phải do ngoại hình, xuất xứ, giai cấp, giới tính của họ tạo ra, mà do chính tư cách hành xử của mỗi con người trong cuộc sống với môi trường xã hội chung quanh tạo nên. Với tinh thần đề cao tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh, đạo Phật không chống đối hay chỉ trích người khác chỉ vì họ thuộc giới tính thứ ba – điều mà họ không thể tự mình lựa chọn khi mới chào đời. Vì thế, xuyên qua những lời dạy của Ngài, ta thấy Ngài không phê phán những người đồng tính về phương diện đạo đức, như những tôn giáo khác đã làm. Với hàng phật tử tại gia, đức phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề này, mà Ngài chỉ khuyên mọi người nên chung thuỷ với người bạn hôn phối của mình. Nhưng đứng dưới góc độ tu tập để đạt được giải thoát, thì đức Phật không cho phép những người đồng tính được thọ giới Tỳ kheo, trong đó bao gồm cả người đồng tính và cả loại người mà kinh điển Pāli gọi là Paṇḍaka, mà khuyên họ chỉ nên làm người cư sĩ áo trắng vâng giữ năm điều đạo đức và hộ trì tam bảo vì những giới hạn của họ trong vấn đề thực hành lời Phật dạy một cách rốt ráo so với hàng ngũ Xuất gia.
Thêm vào đấy, dưới cái nhìn của đạo Phật, việc phải mang giới tính thứ ba hay là Người vô căn paṇḍaka đều là do những nghiệp nhân bất thiện từ quá khứ đem lại. Đạo Phật chủ trương mọi vật trên thế giới này là vô thường, cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch không ngừng theo dòng chảy của nghiệp thức chúng sinh. Giới tính cũng có thể thay đổi được từ đời này sang đời khác bằng cách tu tập theo những điều mà đức Phật đã chỉ bảo: “Làm tất cả việc lành, không làm các điều ác, và tự thanh tịnh hoá tâm”.
Và vì mỗi một chúng sinh đều là một vị Phật sẽ thành, tuy có khiếm khuyết hay hạn chế về phương diện nào đi nữa, nhưng nếu có niềm tin vào khả năng giác ngộ của nơi chính mình, gia công tu tập theo sự hướng dẫn của đức Phật, thì chắc chắn mỗi người chúng ta, dù thuộc tầng lớp nào, giới tính nào, xã hội nào, thì vẫn có thể thành Phật. Đấy là tính nhân bản nhân văn, rất phù hợp với sự phát triển về nhân quyền trong xã hội hiện đại.
Chú thích:
[1] “Đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia, , truy cập ngày 17/5/2021, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái.
[2] Kinh Thánh Cựu ước, St 19, 1-29, Nhóm Các giờ kinh phụng vụ dịch, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2011.
[3] Kinh Thánh Tân ước, Mt 19, 4-6, Nhóm Các giờ kinh phụng vụ dịch, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2011.
[4] “Tôn giáo và đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia, Truy cập : 12/5/2021, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_giáo_và_đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái
[5] “Hinduism and Homosexuality”, Đăng tải : 31/1/2021, Truy cập : 16/5/2021, https://religionfacts.com/hinduism/homosexuality
[6] “Tôn giáo và đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia, Truy cập : 12/5/2021, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_giáo_và_đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái.
[7] Trong Đại tạng chữ Hán, Kinh này có tên là Kinh Ưu – bà – tắc (Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ; Kinh Trung A-Hàm, tập 1, 128. Kinh Ưu-Bà- Tắc; NXB.Tôn Giáo; Hà Nội; 2008; tr. 915 – 920) và tương đương trong văn hệ Pāḷi là Kinh Gia chủ (Thích Minh Châu dịch; Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Chương V Năm Pháp XVIII. Phẩm Nam Cư Sĩ, Viện NCPH Việt Nam, Tp. HCM, 1996, tr.663).
[8] Phong Trung, “Tôn giáo và đồng tính – Phần 1 : Phật giáo”, Đăng tải : 6/8/2019, truy cập: 17/5/2021, https://phongtrungchimuc.wordpress.com/2019/08/16/ton-giao-va- dong-tinh-phan-1-phat-giao/.
[9] Thích Minh Châu dịch; Kinh Tiểu Bộ, tập II, Chương V: Phẩm Năm Kệ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.339 – 340.
[10] Hán dịch: Tam Tạng Phật-Đà Da-Xá Và Trúc-Phật-Niệm,Việt dịch: Tỳ kheo Thích Đỗng Minh; Luật Tứ Phần, tập 1~4, Chương I: Thọ Giới; NXB. Phương Đông; Tp. Hồ Chí Minh; 2013, tr.1237.
[11] Thích Chúc Phú; Biện chính Phật học, tập 3; NXB. Hồng Đức; Tp. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 246.
[12] Peter Harvey, An introduction to Buddist Ethics, Cambridge University Press, 2000, tr.415.[13] Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển, Việt dịch: Thích Phước Sơn; Luật Ma Ha Tăng Kỳ, tập 3, Các Già Nạn; NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr.159.
[14] Thích Tịnh Hạnh dịch, Linh Sơn Pháp Bảo đại tạng kinh, Đại Tập 98, Bộ Tỳ Đàm X, Số 1554 – Luận Nhập A Tỳ Đạt Ma , Quyển Thượng, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Đài Loan, 2000, tr.661.[15] Hán dịch: Tam Tạng Phật-Đà Da-Xá Và Trúc-Phật-Niệm,Việt dịch: Tỳ kheo Thích Đỗng Minh; Luật Tứ Phần, tập 1~4, Chương I: Thọ Giới; NXB. Phương Đông; Tp. Hồ Chí Minh; 2013; tr.1237.
[16] Phong Trung, “Tôn giáo và đồng tính – Phần 1 : Phật giáo”, Đăng tải : 6/8/2019, truy cập: 17/5/2021, https://phongtrungchimuc.wordpress.com/2019/08/16/ton-giao-va- dong-tinh-phan-1-phat-giao/ .
[17] Viên Chiếu dịch; “Tích truyên Pháp cú”, tập 1; NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 332 – 333.
18 Tỳ khưu Indacanda dịch; Phân tích giới Tỳ khưu, Điều Pārājika Thứ Nhất; NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 72.
[19] Sđd 12, tr.251.
[20] “Đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia, , truy cập ngày 17/5/2021, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái.
[21] Thích Thiện Thông dịch, Kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 1993, tr. 24 – 25.
[22] Sđd 13, tr.413 – 414.
[23] Tỳ khưu Indacanda dịch; Phân tích giới Tỳ kheo ni, Phẩm Nằm chung, Điều học Thứ Nhất và thứ Nhì; NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr.185,187.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ dịch, Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2011.[
2]. Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ; Kinh Trung A-Hàm, tập 1; NXB.Tôn Giáo; Hà Nội; 2008.
[3]. Thích Minh Châu dịch; Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2; Viện NCPH Việt Nam; Tp. Hồ Chí Minh; 1996.
[4]. Thích Thiện Thông dịch, Kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 1993.
[5]. Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Pháp Hiển; Việt dịch: Thích Phước Sơn; Luật Ma Ha Tăng Kỳ, tập 3; NXB. Tôn Giáo; Hà Nội; 2011.
[6]. Hán dịch: Phật Đà Da Xá Và Trúc Phật Niệm; Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh; Luật Tứ Phần, tập 1~4; NXB. Phương Đông; Tp. Hồ Chí Minh; 2013.
[7]. Tỳ khưu Indacanda dịch, Phân tích giới Tỳ kheo ni, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.
[8]. Tỳ khưu Indacanda dịch, Phân tích giới Tỳ kheo, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.
[9]. Thích Tịnh Hạnh dịch, Linh Sơn Pháp Bảo đại tạng kinh, Đại Tập 98, Bộ Tỳ Đàm X, Số 1554 – Luận Nhập A Tỳ Đạt Ma , Quyển Thượng, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Đài Loan, 2000.
[10]. Peter Harvey, An introduction to Buddist Ethics, Cambridge University Press, 2000.
[11]. Thích Chúc Phú; Biện chính Phật học, tập 3; NXB. Hồng Đức; Tp. Hồ Chí Minh, 2018.
[12]. Viên Chiếu dịch; Tích truyên Pháp cú, tập 1; NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2007.
[13]. “Đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia, Truy cập : 10/5/2021, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái.
[14]. “Hinduism and Homosexuality”, Đăng tải : 31/1/2021, Truy cập : 16/5/202, https://religionfacts.com/hinduism/homosexuality.
[15]. Phong Trung, “Tôn giáo và đồng tính – Phần 1 : Phật giáo”, Đăng tải : 6/8/2019, truy cập: 17/5/2021, https://phongtrungchimuc.wordpress.com/2019/08/16/ton-giao-va- dong-tinh-phan-1-phat-giao/.
[16]. “Tôn giáo và đồng tính luyến ái”, Từ Wikipedia – bách khoa toàn thư mở, Truy cập : 12/5/2021 https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_giáo_và_đồng_t%C3%ADnh_luyến_ái.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bài kệ “Vô thường thị thường” của Thiền sư Minh Chính
Nghiên cứu 09:18 25/11/2024Bài thơ là lời nhắn nhủ của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính đến mọi người rằng, cuộc đời con người dù vinh hoa phú quý, giàu có hay nghèo hèn... cũng chỉ như một giấc mộng dài hư ảo, không phải là cái chân thật lúc nào cũng có.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Bịnh “trời cho”
Nghiên cứu 18:05 24/11/2024Đầu năm 1994 Giả tiên sinh, chồng Lý nữ sĩ bị bịnh ghẻ. Toàn thân anh nổi đầy ghẻ, vừa chảy mủ vừa nhức nhối khó chịu, đã chữa chạy khắp đông y tây y nhưng đều không thấy kết quả.
Lược giải về Phật giáo
Nghiên cứu 13:09 24/11/2024Phật giáo là một tôn giáo lâu đời, khởi thủy từ một vị là Tất đạt Đa Cồ Đàm. Đạo Phật là một học thuyết hướng tới giải thoát và chấm dứt mọi đau khổ của con người.
Xem thêm