Nhật báo Washington Post ngày 13/06/2016 đã dẫn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Gần 6 thập niên trôi qua kể từ khi tôi rời quê nhà Tây Tạng và trở thành người tỵ nạn. Nhờ vào từ tâm của Chính phủ và Nhân dân Ấn Độ, người Tây Tạng chúng tôi tìm được quê hương thứ hai, nơi chúng tôi có thể sống trong phẩm cách và tự do, có thể duy trì truyền thống Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ chúng tôi.
Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều bạo lực – một số sử gia ước tính rằng có hơn 200 triệu người bị giết trong các trận xung đột ở thế kỷ 20.
Hôm nay, chưa thấy viễn ảnh kết thúc bạo lực khủng khiếp ở Trung Đông, nơi như trong trường hợp Syria đã dẫn tới khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất trong một thế hệ. Các vụ khủng bố tấn công kinh hoàng – như chúng ta mới được nhắc một cách buồn bã hồi cuối tuần qua – đã gây nỗi sợ hãi sâu thẳm. Trong khi dễ dàng cảm nhận sự tuyệt vọng và vô vọng, vẫn cần thiết hơn trong những năm đầu của thế kỷ 21 giữ tâm thực tế và lạc quan.
Có nhiều lý do để chúng ta hy vọng. Sự công nhận quyền con người có tính phổ quát, trong đó quyền tự quyết, đã lan tỏa vượt qua mọi thứ có thể được hình dung hồi một thế kỷ trước. Ngày thêm nhiều đồng thuận quốc tế về ủng hộ bình đẳng giới và tôn trọng phụ nữ. Một cách đặc biệt là trong thế hệ trẻ, đã có sự bác bỏ rộng rãi đối với chiến tranh như một phương tiện giải quyết vấn đề. Khắp thế giới, nhiều người đang làm những việc làm giá trị để ngăn cản khủng bố, công nhận những chiều sâu của ngộ nhận và ý tưởng chia rẽ cực kỳ nguy hiểm về “chúng ta” và “họ”. Đây là điều rất nguy hiểm. Tình hình cắt giảm nhiều trong các kho vũ khí nguyên tử trên thế giới có nghĩa là đang định ra thời biểu để giảm nhiều hơn, và tận cùng sẽ xóa bỏ vũ khí nguyên tử - một cảm nhận mà Tổng Thống Obama mới đây lập lại ở Hiroshima, Nhật Bản - không còn đơn giản là một giấc mơ đơn thuần.
Khái niệm về chiến thắng tuyệt đối cho một phía và thảm bại hoàn toàn cho phía kia đã rất mực lỗi thời; trong một số trường hợp, sau cuộc chiến xung đột, đau khổ khởi dậy từ một trạng thái không thể mô tả như là chiến tranh hay hòa bình. Bạo lực tất yếu dẫn thêm bạo lực. Thực sự, lịch sử cho thấy sự đề kháng bất bạo động dẫn tới các nền dân chủ hòa bình và bền vững hơn, và thành công hơn là chiến đấu bạo lực, khi lật đổ các chế độ độc tài toàn trị trong sự đấu tranh bất bạo động.
Sẽ không đủ, khi chỉ đơn giản cầu nguyện. Đã có giải pháp cho nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt; cơ chế mới để đối thoại cần dựng lập ra, cùng với các hệ thống giáo dục để khắc sâu các giá trị đạo đức. Những việc như thế phải được đặt làm nền tảng trong viễn ảnh rằng chúng ta tất cả đều thuộc vào một gia đình nhân loại và rằng chung sức chúng ta có thể giải quyết các thách thức toàn cầu.
Điểm khích lệ rằng chúng ta đã nhìn thấy nhiều người dân bình thường trên khắp thế giới bày tỏ lòng từ bi rộng lớn đối với thảm cảnh của những người tỵ nạn, từ những người đã cứu họ ra khỏi biển sóng, tới những người đón nhận họ vào và cung cấp tình thân hữu và sự hỗ trợ. Bản thân tôi là một người tỵ nạn, tôi rất cảm thông và hiểu rõ cho hoàn cảnh của họ, và khi chúng ta thấy nỗi khổ của họ, chúng ta nên làm mọi thứ có thể để giúp họ. Tôi cũng có thể hiểu nỗi sợ của những người trong các quốc gia tiếp nhận, những người có thể cảm thấy bị tràn ngập. Kết hợp của những hoàn cảnh đã gợi sự chú ý tới tầm quan trọng chủ yếu của hành động tập thể về hướng hồi phục hòa bình chân thực cho các vùng đất nơi những người tỵ nạn này đang bỏ chạy.
Người tỵ nạn Tây Tạng đã kinh nghiệm trực tiếp của cuộc sống qua các hoàn cảnh như thế, và mặc dù chúng tôi chưa có thể về lại quê hương, chúng tôi mang ơn sự hỗ trợ nhân đạo mà chúng tôi nhận được trải qua các thập niên từ bạn hữu, trong đó có nhân dân Hoa Kỳ.
Một nguồn hy vọng thêm nữa là sự hợp tác chân thực giữa các Quốc gia trên thế giới hướng đến mục tiêu chung được nhìn thấy trong hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Khi sự hâm nóng địa cầu đe dọa sức khỏe hành tinh, nơi ngôi nhà duy nhất của chúng ta, chỉ bằng cách cứu xét lợi ích toàn cầu lớn hơn, rồi mới đạt được các lợi ích địa phương và quốc gia.
Bản thân tôi có liên hệ vấn đề này, bởi vì Tây Tạng là bình nguyên cao nhất thế giới, và là tâm điểm của biến đổi khí hậu toàn cầu, hâm nóng nhanh gấp ba lần phần còn lại của thế giới. Đây là nơi cất giữ lớn nhất nguồn nước ngoài hai cực địa cầu và nguồn của hệ thống sông lan rộng nhất của địa cầu, quan trọng đối với 10 quốc gia có mật độ đông dân nhất thế giới.
Để tìm giải pháp cho khủng hoảng môi trường và các cuộc xung đột bạo lực chúng ta đang đối phó trong thế kỷ 21, chúng ta cần tìm câu trả lời mới. Cho dù tôi là một tăng sĩ Phật giáo, tôi tin rằng các giải pháp này vượt ngoài tôn giáo, trong việc quảng bá khái niệm tôi gọi là đạo đức thế tục. Đây là một phương pháp tự giáo dục chúng ta dựa vào các khám phá khoa học, vào kinh nghiệm chung và vào cảm nhận đời thường – một phương pháp phổ quát hơn để đề cao giá trị nhân loại chung của chúng ta.
Trong hơn ba thập niên, những cuộc thảo luận của tôi với các khoa học gia, nhà giáo và nhân viên xã hội từ khắp thế giới đã hiển lộ quan tâm chung. Do vậy, chúng tôi đã dựng lên một hệ thống hướng đến nền giáo dục cho tâm trí, nhưng là một nền giáo dục dựa vào nghiên cứu về sự vận hành của tâm và cảm xúc xuyên qua các học bổng và các nghiên cứu khoa học, hơn là “dựa vào” thực hành tôn giáo. Bởi vì chúng ta cần các nguyên tắc đạo đức, từ bi, tôn trọng người khác, tử tế, nhận trách nhiệm trong mọi lĩnh vực của hoạt động nhân loại, chúng ta đang làm việc để giúp các trường học và các đại học tạo ra cơ hội cho giới trẻ tự ý thức hơn, để học cách đối trị các cảm thọ bất thiện và vun trồng kỹ năng xã hội. Chương trình học đó đang đưa vào học trình nhiều trường ở Bắc Mỹ và Châu Âu, tôi có tham dự với việc này ở Emory University về một học trình mới về nền đạo đức thế tục, và đang được giới thiệu đến nhiều trường ở Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trách nhiệm chung của chúng ta là phải bảo đảm rằng thế kỷ 21 không lập lại các nỗi đau và các trận thảm sát của quá khứ. Bởi vì bản chất con người là từ bi trong căn bản, tôi tin có thể sẽ hiển lộ ra trong các thập niên tới là một kỷ nguyên hòa bình, nhưng chúng ta phải cùng nhau chung sức đồng lòng chia sẻ như những công dân toàn cầu của một hành tinh.
Vân Tuyền (Nguồn: Washingtonpost)