Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 13/09/2022, 08:56 AM

Đức Phật cũng cạo tóc như các tỳ kheo khác

Ngày nay, chúng ta thấy hầu hết các ảnh, tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều được tạo hình có tóc, điều này khiến một số người băn khoăn không biết Đức Phật ngày xưa có cạo tóc như những Tăng Ni khác hay không.

Theo kinh điển thì Đức Phật cũng mang hình thức “đầu tròn áo vuông”. Bài viết này xin được nêu ra một số bản kinh để chứng minh cho điều này.

Hình ảnh đức Phật cạo tóc

Hình ảnh đức Phật cạo tóc

Kinh Ambattha (A-ma-trú) thuật lại rằng: Một thời Thế Tôn đang du hành tại nước Kosala (Câu-tát-la), và đến tại một làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Icchānankala. Bà-la-môn Pokkharasàdi trong làng nghe đồn Sa-môn Gotama là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nên muốn đến yết kiến. Ông bèn sai đệ tử là thanh niên Ambattha đi đến gặp Đức Thế Tôn để tìm hiểu xem Ngài có được tốt đẹp như lời đồn không. Khi gặp Thế Tôn, thanh niên Ambattha đi qua đi lại, thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi. Thấy vậy, Thế Tôn nói với thanh niên Ambattha:

- Có phải, đối với các bậc Bà-la-môn Trưởng lão, đứng tuổi, các bậc giáo sư và Tổ sư, ngươi cũng nói chuyện như vậy, như ngươi đã đi qua lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi?

- Không phải vậy, này Gotama. Phải đi mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đi. Phải đứng mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đứng. Chỉ với những vị Sa-môn hèn hạ, trọc đầu, đê tiện, đen đủi, sanh từ nơi chân của bà con ta, thì ta mới nói chuyện như vậy, như với ngươi, Gotama(1).

Kinh Sangārava thuật lại rằng: Một thời Thế Tôn du hành trong nước Kosala. Lúc bấy giờ, một nữ Bà-la-môn tên Dhananjāni (Ða-na-xa-ni) có lòng tín thành Phật, Pháp và Tăng. Rồi nữ Bà-la-môn khi bị trượt chân, thốt lên ba lần cảm hứng ngữ: “Ðảnh lễ Đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác!”. Thanh niên Bà-la-môn tên Sangàrava là người tinh thông ba tập Veda, nghe nữ Bà-la-môn Dhananjāni nói như vậy liền tức giận nói: “Nữ Bà-la-môn Dhananjāni này thật là hạ liệt, vì rằng trong khi các Bà-la-môn đang còn sống lại nói lời tán thán Sa-môn trọc đầu ấy”(2).

Kinh Dhananjāni kể rằng: Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá). Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn Dhananjāni, có lòng tín thành đối với Phật, Pháp và Tăng. Khi bưng cơm cho chồng đã hứng khởi thốt lên ba lần lời cảm hứng: “Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!”. Nghe nói vậy, Bà-la-môn nói với nữ Bà-la-môn Dhananjāni: “Như vậy, trong mọi thời, mọi dịp, kẻ hạ tiện này nói lời tán thán vị Sa-môn trọc đầu ấy”(3).

Kinh Sundarika kể rằng: Một thời Thế Tôn ở giữa dân tộc Kosala. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja làm lễ cúng dường lửa. Rồi Bà-la-môn sau khi tế lửa, làm lễ cúng dường lửa xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn xung quanh tất cả bốn phương và nghĩ: “Ai có thể hưởng thọ món ăn cúng tế còn lại này?”. Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, đầu được bao trùm liền tay trái cầm món ăn cúng tế còn lại, tay phải cầm bình nước đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja liền tháo đồ trùm ở đầu. Và Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja nghĩ: “Đầu vị này trọc, vị này là người trọc đầu”, nghĩ vậy, muốn trở lui”.(4)

Hình ảnh Đức Phật với đầu được cạo trọc là một hình ảnh bình thường trong mắt mọi người lúc bấy giờ.

Hình ảnh Đức Phật với đầu được cạo trọc là một hình ảnh bình thường trong mắt mọi người lúc bấy giờ.

Kinh Khomadusa kể rằng: Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại thị trấn tên là Khomadussa. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào thị trấn Khomadussa để khất thực. Lúc bấy giờ các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa đang tụ họp tại hội trường để giải quyết một vài vấn đề và trời đang mưa nhỏ hột. Rồi Thế Tôn đi đến hội trường ấy. Các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa thấy Thế Tôn từ xa đi đến, bèn nói: “Những Sa-môn đầu trọc ấy là ai?”.(5)

Qua những bài kinh trên, chúng ta thấy rằng hình ảnh Đức Phật với đầu được cạo trọc là một hình ảnh bình thường trong mắt mọi người lúc bấy giờ. Kinh Giới phân biệt kể rằng: Tôn giả Pukkusati một lần tình cờ gặp Đức Thế Tôn tại nhà thợ gốm Bhaggava nhưng vẫn không biết đó là Thế Tôn: “Này Tỷ-kheo, trước đây ông đã thấy bậc Thế Tôn ấy chưa? Và nếu thấy, ông có nhận ra được không? - Thưa Hiền giả, trước đây tôi chưa từng thấy bậc Thế Tôn ấy. Và nếu thấy, tôi không nhận ra được”.(6) Điều đó cho thấy rằng về mặt hình tướng, Đức Phật cũng giống như những tu sĩ Phật giáo khác. Mặc dù Đức Phật có tướng tốt nhục kế trên đỉnh đầu nhưng đó có thể là bởi đỉnh đầu của Ngài chỉ hơi nhô cao lên một chút thôi, chứ không phải một búi tóc cao, to thường thấy ở các hình tượng hay tranh ảnh về Ngài. Nếu Đức Phật để tóc một cách đặc biệt như những hình tượng mà chúng ta thờ ngày nay, chắc chắn Tôn giả Pukkusati vừa nhìn thấy đã biết ngay đó là Đức Phật.

Không chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cạo tóc, hình thức “đầu tròn áo vuông” còn là truyền thống của ba đời chư Phật. Kinh Ghaṭīkāra ghi rằng: Thuở xưa vào thời Đức Phật Kassapa (Ca-diếp) có người thợ gốm tên là Ghaṭīkāra. Thanh niên Jotipāla là người bạn chí thân của thợ gốm Ghaṭīkāra. Vì muốn cho bạn mình được lợi ích nên thợ gốm Ghaṭīkāra rủ thanh niên Jotipāla đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, nhưng thanh niên Jotipāla không có lòng tin và nói với thợ gốm Ghaṭīkāra rằng: “Thôi vừa rồi, bạn Ghaṭīkāra, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?”.(7)

Nếu Đức Phật cũng cạo tóc, cũng “đầu tròn áo vuông” như những Tăng Ni khác thì tại sao các nghệ nhân, họa sĩ khi tạo hình tượng của Ngài lại có búi tóc nhô cao như vậy? Đó là vì khi tạo hình Đức Phật, người ta muốn khắc họa nổi bật, thể hiện rõ nét tướng nhục kế và tướng tóc xoăn thành vòng theo chiều bên phải của Đức Phật để ai nhìn vào đều có thể biết được Ngài có những tướng đó. Đây là một sự “cách điệu hóa” được phép sử dụng trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm nhấn mạnh hay chuyển tải một ý nghĩa nào đó của đối tượng nghệ thuật. Cùng ý nghĩa này, ta thấy các nghệ nhân thường hay vẽ một vòng hào quang bao quanh đầu Đức Phật hay các vị Bồ-tát, trong khi hầu hết người thường đều không thể nhìn thấy hào quang.

Theo lịch sử Đức Phật Thích Ca, sau khi vượt thành Ca-tì-la-vệ, Ngài đã cắt tóc xuất gia, vậy thì không lý nào sau khi thành đạo Ngài lại để tóc. Khi đắc đạo, hóa độ đệ tử, thành lập Tăng đoàn, Thế Tôn và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng đều cạo tóc. Nhân đây người viết cũng mạn phép xin có một ý kiến nhỏ như sau. Mỗi nửa tháng Tăng Ni đều cạo tóc một lần vào ngày 14 và 30 âm lịch, trước khi làm lễ sám hối và bố-tát, đây là quy định của Tăng đoàn từ xưa đến nay. Nhưng gần đây chúng tôi thấy rằng một số Tăng Ni rất tùy tiện trong việc cạo tóc. Họ muốn cạo khi nào thì cạo chứ không cần đúng ngày quy định. Có người mỗi tuần cạo một lần. Có người trước khi dự đám xá hay lễ lộc gì thì cạo tóc… cho đẹp (do vậy mà nhìn vào một buổi lễ người ta thấy chư Tăng Ni có người tóc dài có người tóc ngắn rất không thuận mắt). Chúng ta nên biết rằng việc cạo tóc đối với người tu không hề giống như người ngoài đời hớt tóc. Hớt tóc thì khi nào thích thì hớt và hớt kiểu gì cũng được. Nhưng cạo tóc là một pháp tu, cạo tóc không phải để cho sạch, cho đẹp mà là để “hủy hình” nhằm trừ bỏ tham ái. Chúng ta phải cạo tóc đúng nửa tháng là để giữ cái “đạo thường”, không nôn nóng, không giải đãi, không rơi vào hai cực đoan bất cập và thái quá. Nếu chúng ta không hiểu được những điều này thì hình thức “đầu tròn áo vuông” có lẽ không còn ý nghĩa gì nhiều nữa.

Chú thích:

(1) Kinh Trường bộ, kinh A-ma-trú số 3.

(2) Kinh Trung bộ, kinh Sangàrava số 100.

(3) Kinh Tương ưng bộ 1, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất.

(4) Kinh Tương ưng bộ 1, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất.

(5) Kinh Tương ưng bộ 1, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, phẩm Cư sĩ thứ hai.

(6) Kinh Trung bộ, kinh Giới phân biệt số 140.

(7) Kinh Trung bộ, kinh Ghaṭīkāra số 81.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa

Nghiên cứu 16:00 02/09/2024

Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.

Xem thêm