Đức Phật cứu Nanda thoát khỏi cạm bẫy nữ sắc
Còn phàm phu thì ai cũng có lòng tham, nhất là tham sắc dục. Vì tham mà ta bị chúng xúi giục làm những điều bất thiện, những thứ nhiễm ô, khiến chúng ta phải chịu khổ đau.
Nếu quá khứ ta có gieo trồng chút thiện căn phước đức, kết duyên lành với bậc thiện tri thức thì trong tương lai bậc thiện tri thức thành tựu đạo quả, ta sẽ có cơ hội gặp lại các Ngài và được các Ngài soi đường dẫn lối cho chúng ta đi. Như tích truyện Pháp Cú số 9, đức Phật nhắc lại tiền thân của Nanda trong một kiếp nọ có duyên lành gặp được tiền thân của đức Phật giáo hóa. Đến kiếp cuối cùng tiền thân đức Phật thành tựu đạo quả, Ngài khéo dùng miếng mồi nữ sắc để thuyết phục Nanda. Nhờ phương tiện thiện xảo đó mà Nanda nhận ra đâu là thấp hèn đâu là cao thượng, nên đã nỗ lực tu hành, chứng đắc Thánh quả A-la-hán, giải thoát khổ đau.
Đức Phật thuyết kệ ngôn chỉ rõ tâm trạng của Nanda, để chúng ta thấy rõ được tâm người không tu và tâm của bậc đã liễu ngộ:
“Như mái nhà vụng lợp
Mưa liền xâm nhập vào
Cũng vậy tâm không tu
Tham dục liền xâm nhập”.
“Như mái nhà khéo lợp
Mưa không xâm nhập vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập”.
Đức Phật thuyết kệ Pháp Cú này tại Kỳ Viên, đề cập đến Đại đức Nanda. Trong lúc thái tử Nanda đang tưng bừng cử hành hôn lễ, lúc đó đức Phật cũng vừa thọ thực xong, Ngài trao bình bát cho Nanda cầm, rồi thong thả bước đi trước. Mặc dù trong lòng Nanda rất nhớ người vợ mới cưới, nhưng vì tôn kính đức Phật, đành phải ôm bình bát lẽo đẽo theo sau.
Cô vợ hay tin Nanda đi theo đức Phật, nàng sụt sùi, ứa lệ chạy theo gọi với:
- Hoàng tử ơi! Hãy về đây với em, em nhớ chàng nhiều lắm!
Nanda nghe những lời kêu than, thiết tha của công nương, khiến Nanda đau nhói đến tận tâm can. Nanda bị đức Phật đưa vào thế kẹt, đành phải theo Phật đến chùa Kỳ Viên. Nanda miễn cưỡng để đức Phật làm lễ xuất gia. Ít hôm sau, thấy Nanda trong lòng buồn chán, đức Phật kêu Nanda đến hỏi:
- Có phải ông không còn hứng thú tu tập phải không?
Nanda đáp:
- Con không thể nào quên được công chúa Kaḷyānī. Con muốn hoàn tục.
Đức Thế Tôn liền dùng thần thông đưa Nanda lên cung trời Đao Lợi. Trên đường đi, Ngài chỉ Nanda hãy nhìn con khỉ cái sứt tai, sứt mũi, cháy nám ngồi dưới gốc cây. Sau đó, Ngài dùng thần lực đưa Nanda tới chỗ Ngọc Đế thấy năm trăm thiên nữ đẹp tựa Hằng Nga. Rồi đức Phật mới hỏi:
- Này Nanda! Ông nghĩ thế nào? Nếu đem so sánh năm trăm ngọc nữ yểu điệu này với thích nữ Kaḷyānī thì ai diễm lệ, ai mỹ miều, ai khả ái hơn ai?
Nanda đáp:
- Bạch Ngài, đương nhiên là các tiên nữ này rồi. Còn nàng thích nữ Kaḷyānī chẳng khác gì con khỉ bị cháy nám trong rừng.
Đức Phật bảo:
- Vậy ông hãy ráng tu đi, sau này được làm Hoàng đế sẽ có năm trăm tiên nữ hầu hạ.
Nói xong, đức Phật đưa Nanda xuống hạ giới. Từ đó, trong lòng Nanda rất vui mừng phấn khởi và ra sức tu trì. Nanda bị các thầy Tỳ-kheo chế giễu, chê bai vì mê năm trăm tiên nữ mà siêng năng tu hành, chứ chẳng có gì cao thượng hơn. Nghe vậy, Nanda rất bực bội, khó chịu nên đã thay đổi tư tưởng từ bỏ ý định gần gũi các tiên nữ, tìm nơi vắng vẻ chuyên tâm tu tập.
Ngay sau khi chứng Thánh quả La-hán, Đại đức Nanda đến bên đức Phật bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hủy bỏ lời hứa đứng chủ hôn cho con với năm trăm tiên nữ kia.
Đức Phật bảo Nanda:
- Như Lai đã biết rõ chuyện này nên mới dùng phương tiện thiện xảo, để cho ông buông bỏ chấp thủ, đạt được tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Các vị Tỳ-kheo mới hỏi:
- Sao hôm trước Đại đức nói không còn hứng thú trong việc tu hành nữa, chỉ muốn hoàn tục thôi. Mà bây giờ lại nói tôi không còn muốn hoàn tục đâu là sao? Nên chư Tăng đưa việc này bạch đức Phật rằng Nanda là người nói dối. Đức Phật dạy rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Đó là quá khứ tâm tư Nanda giống như gian nhà mái lợp thưa thớt, còn bây giờ tâm ông ta giống như gian nhà mái lợp kín đáo rồi vậy. Dứt lời, đức Thế Tôn xướng lên hai bài kệ sau đây:
“Như mái nhà vụng lợp
Mưa liền xâm nhập vào
Cũng vậy tâm không tu
Tham dục liền xâm nhập”.
“Như mái nhà khéo lợp
Mưa không xâm nhập vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập”.
Dứt bài kệ, nhiều vị Tỳ-kheo chứng quả Dự lưu. Đức Phật nói tiếp với các Tỳ-kheo rằng đây không phải là lần đầu Ta dùng miếng mồi nữ sắc này để nhử Nanda đâu. Rồi đức Phật kể cho các vị Tỳ-kheo nghe về tiền kiếp của Nanda.
Thưở xưa, trong thành Bārāṇasī, dưới triều quốc vương Brahmadatta, có một người lái buôn tên là Kappaka, thường bán các loại đồ gốm. Lúc dừng lại việc bán hàng cho lừa nghỉ, khi ấy nó thấy một con lừa cái, bèn mon men tới làm quen. Cô lừa hỏi:
- Anh ở đâu đến? Một ngày phải đi bao nhiêu dặm? Những lúc mệt mỏi ai là người chăm sóc cho anh? v.v… Những lời quan tâm đó làm cho chàng lừa say đắm.
Bán hàng xong, người lái buôn thúc lừa lên đường. Lừa không chịu đi. Người chủ suy nghĩ tại sao hôm nay nó lại giở chứng như vậy, mới dùng lời nhỏ nhẹ vuốt ve, nhưng nó cứ lì ra. Ông ta quát lớn hăm dọa “nếu mày không đi thì bị ăn no đòn cho chừa cái tật bướng bỉnh”. Nhưng lừa cứ trơ ra như có vẻ thách thức lại, chẳng khiếp sợ gì.
Phương pháp tu tập để tiêu diệt sắc dục
Ông chủ nhìn sang bên đường thấy có con lừa cái. Đoán ngay rằng vậy là nó bị con lừa cái kia mê hoặc. Thấy vậy, ông mới nhẹ nhàng, vuốt ve bảo nó rằng:
- Ta sẽ kiếm cho ngươi con vợ đẹp hơn cô bạn kia.
Lừa nghe chủ hứa vậy êm tai mới chụi kéo xe hàng về. Vài hôm sau lừa nhắc:
- Ông có nhớ lời hứa sẽ kiếm vợ cho tôi không?
Ông chủ đáp:
- Có chứ, nhưng ta giao ước với nhà ngươi như vầy. Ta chỉ kiếm thức ăn cho mình ngươi thôi. Khi ngươi có vợ thì phải san sẻ phần ăn của mình cho vợ và con đàn cháu lũ của ngươi đó.
Nghe ông chủ nói rõ ràng như vậy, lừa không còn hứng thú muốn kết bạn nữa.
Đức Bổn sư thuyết tích đến đây, bèn kết luận rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Con lừa cái xưa kia nay là công chúa Kaḷyānī, con lừa đực nay là Tỳ-kheo Nanda, còn ông lái buôn Kappaka nay chính là Như Lai vậy.
Trong quá khứ, Nanda đã từng được Như Lai giáo hóa bằng cách dùng mồi nữ sắc để thuyết phục. Sở dĩ Nanda dễ dàng nhiếp phục như vậy, là do trong quá khứ đã được tiền thân của đức Phật giáo hóa nên sợ không dám kết bạn với lừa cái nữa, chăm chỉ lo hoàn thành bổn phận của mình. Nhờ sự vun bồi căn lành trong kiếp sống bàng sanh, mà phước báu ngày một tăng trưởng, nên được trở lại làm người. Do biết được tập khí, tâm tư và nguyện vọng của Nanda, nên bây giờ đức Phật khéo dùng phương tiện thiện xảo để hóa độ Nanda, giúp cho Nanda cố gắng tu tập, buông bỏ miếng mồi nữ sắc, chứng đắc đạo quả A-la-hán, chấm dứt khổ đau trong sanh tử luân hồi.
Tích truyện Pháp Cú cho ta thấy giữa nhân, duyên và quả của Nanda trong quá khứ và nhân, duyên và quả của Nanda trong hiện tại, để chúng ta tự lo liệu cho bản thân mình. Đức Phật dạy rất rõ khi mình không chịu tu thì tham dục liền xâm nhập khiến mình phải chịu nhiều đau khổ. Nhưng nếu chúng ta khéo tu thì tham dục không thể nào xâm nhập được, nên chúng ta được tự tại, như trong kinh Tám Điều đức Phật dạy:
“Đoạn tuyệt hẳn đường sanh nẻo tử
Đời đời thường ở chỗ an vui”.
Như vậy, chúng ta cũng phải cố gắng kết duyên lành với các bậc thiện tri thức, để vun bồi thiện căn phước đức cho mình. Để trong tương lai, chúng ta cũng thành tựu đạo quả, chấm dứt khổ đau.
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Tu thân theo lời Phật dạy":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Năm công việc hàng ngày của Đức Phật
Đức Phật 09:47 08/12/2024Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.
Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới
Đức Phật 10:20 02/12/2024Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Xem thêm