Đức Phật giáo giới về pháp thần thông
Đức Phật cùng chư đại đức tỳ khưu Tăng, an cư nhập hạ tại núi Makula trong xứ Magadha. Một sự việc xảy ra, ông phú hộ Rājagaha có một gốc cây trầm đỏ rất quý giá, ông cho thợ tiện một cái bát rồi treo trên một cây cao và thông báo rằng:
- Trong đời này, nếu có vị nào là bậc Thánh Arahán, có thần thông, thì xin vị ấy bay lên lấy cái bát trầm này, tôi sẽ phát sinh đức tin nơi vị ấy.
6 nhóm ngoại đạo thường tự cho mình là bậc Arahán có nhiều thần thông, đều đến xin ông phú hộ dâng cái bát trầm ấy, nhưng ông phú hộ thưa rằng:
- Nếu Ngài là bậc Arahán có thần thông, thì xin Ngài bay lên lấy cái bát trầm xuống đây.
Đã 6 ngày qua, không có một vị nào bay lên lấy cái bát trầm ấy được. Dân chúng trong thành Rājagaha thầm nghĩ rằng trong đời này không có bậc Thánh Arahán chăng?
Đến ngày thứ 7, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja đi vào khất thực trong kinh thành Rājagaha. Khi nghe tin như vậy, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bảo Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja bay lên lấy cái bát trầm, để đem lại đức tin cho mọi người.
Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja hóa phép thần thông bay lên lấy cái bát trầm ấy, bay 3 vòng quanh kinh thành Rājagaha, rồi đáp nhẹ xuống ngôi nhà ông phú hộ. Ông phú hộ phát sinh đức tin trong sạch, thỉnh Ngài vào lâu đài, ngồi trên chỗ cao quý, đảnh lễ Ngài và đón nhận cái bát, cúng dường vật thực ngon lành dâng lên Ngài Đại đức.
Đại đức Piṇḍobhāradvāja trở về chùa, có số đông dân chúng chưa được tận mắt nhìn thấy Ngài biểu diễn thần thông, nên họ kéo nhau đến tìm Ngài, xin Ngài biểu diễn thần thông cho họ xem.
Khi ấy, đức Thế Tôn biết sự việc xảy ra, nên hội họp chư tỳ khưu Tăng lại và đức Thế Tôn quở trách Đại đức Piṇḍobhāradvāja rằng:
- Này Piṇḍobhāradvāja, chỉ có cái bát trầm này, mà ngươi biểu diễn thần thông cho người tại gia xem. Đó không phải là phận sự của Samôn, không làm phát sinh đức tin đối với người chưa có đức tin.
Đó là nguyên nhân đầu tiên, đức Phật chế định cấm tỳ khưu không được biểu diễn thần thông cho người tại gia xem. Tỳ khưu nào biểu diễn thần thông, Tỳ khưu ấy phạm giới tác ác (dukkaṭa).
Sau đó, đức Phật truyền dạy đập bể cái bát trầm ra từng mảnh nhỏ, tán mịn làm thuốc nhỏ mắt cho tỳ khưu đau mắt.
Nguyên mẫu trong Tạng Luật Vinaya Pitaka, Cullavagga:
“Vào lúc bấy giờ, nhà đại phú ở thành Rājagaha có được khúc gỗ đàn hương thuộc loại đàn hương rất quý giá. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã khởi ý điều này: “Hay là ta cho đẽo thành cái bình bát với khúc gỗ đàn hương này? Và phần gỗ vụn sẽ là sở hữu của ta, còn cái bát ta sẽ cho đi làm quà biếu”.
Sau đó, nhà đại phú thành Rājagaha đã cho đẽo thành cái bình bát với khúc gỗ đàn hương ấy rồi buộc với một sợi dây và bảo treo ở trên ngọn một cây tre, xong buộc nhiều cây tre tiếp nối nhau và tuyên bố rằng:
- Vị sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là vị A-ra-hán và lại có thần thông nữa thì hãy lấy quà biếu chính là cái bình bát xuống.
Khi ấy, Pūraṇa Kassapa đã đi đến gặp nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha điều này:
- Này gia chủ, chính ta là vị A-ra-hán và lại có thần thông nữa, ngươi hãy dâng cái bình bát cho ta.
- Thưa ngài, nếu ngài là vị A-ra-hán và lại có thần thông nữa thì ngài hãy lấy quà biếu chính là cái bình bát xuống đi.
Sau đó, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya Velaṭṭhaputta, Nigaṇṭha Nāṭaputta đã đi đến gặp nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha điều này:
- Này gia chủ, chính ta là vị A-la-hán và lại có thần thông nữa, ngươi hãy dâng cái bình bát cho ta.
- Thưa ngài, nếu ngài là vị A-ra-hán và lại có thần thông nữa thì ngài hãy lấy quà biếu chính là cái bình bát xuống đi.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahāmoggallāna và đại đức Piṇḍolabhāradvāja vào buổi sáng đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Rājagaha để khất thực. Đại đức Piṇḍolabhāradvāja là vị A-rahán và lại có thần thông nữa. Đại đức Mahāmoggallāna cũng là vị A-ra-hán và lại có thần thông nữa. Khi ấy, đại đức Piṇḍolabhāradvāja đã nói với đại đức Mahāmoggallāna điều này:
- Này đại đức Mahāmoggallāna, hãy đi và lấy xuống cái bình bát kia đi. Cái bình bát ấy là của đại đức.
Đại đức Mahāmoggallāna cũng đã nói với đại đức Piṇḍolabhāradvāja điều này:
- Này đại đức Piṇḍolabhāradvāja, hãy đi và lấy xuống cái bình bát kia đi. Cái bình bát ấy là của đại đức.
Khi ấy, đại đức Piṇḍolabhāradvāja đã bay lên không trung, cầm lấy cái bình bát, và đi (trên không) quanh thành Rājagaha ba vòng.
Vào lúc bấy giờ, nhà đại phú thành Rājagaha cùng vợ và con đang đứng ở tại nhà của họ, hai tay chắp lên, thành kính làm lễ rằng:
- Thưa ngài, xin ngài đại đức Bhāradvāja hãy ngự đến nhà của chúng tôi ở ngay chỗ này.
Sau đó, đại đức Piṇḍolabhāradvāja đã ngự đến tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã nhận lấy cái bình bát từ tay của đại đức Piṇḍolabhāradvāja, chất đầy vật thực cứng loại đắt giá rồi dâng lại cho đại đức Piṇḍolabhāradvāja. Khi ấy, đại đức Piṇḍolabhāradvāja đã nhận lại bình bát ấy rồi đi về chùa.
Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói cái bình bát của nhà đại phú thành Rājagaha đã được lấy xuống bởi ngài đại đức Piṇḍolabhāradvāja”. Và các người ấy với âm thanh ồn ào ầm ĩ đã nối đuôi nhau đi phía sau đại đức Piṇḍolabhāradvāja. Đức Thế Tôn đã nghe âm thanh ồn ào và ầm ĩ, sau khi nghe đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, âm thanh ồn ào và ầm ĩ ấy là gì vậy?
- Bạch Ngài, cái bình bát của nhà đại phú thành Rājagaha đã được lấy xuống bởi đại đức Piṇḍolabhāradvāja. Bạch Ngài, dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói cái bình bát của nhà đại phú thành Rājagaha đã được lấy xuống bởi ngài đại đức Piṇḍolabhāradvāja”. Và bạch Ngài, những người ấy với âm thanh ồn ào và ầm ĩ đã nối đuôi nhau đi phía sau đại đức Piṇḍolabhāradvāja. Bạch Thế Tôn, âm thanh ồn ào và ầm ĩ kia là chuyện ấy.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi đại đức Piṇḍolabhāradvāja rằng:
- Này Bhāradvāja, nghe nói cái bình bát của nhà đại phú thành Rājagaha đã được nhà ngươi lấy xuống, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này Bhāradvāja, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này Bhāradvāja, vì sao ngươi lại để lộ pháp thượng nhân tức là sự kỳ diệu của phép thần thông trước hàng tại gia vì mục đích cái bình bát gỗ tầm thường? Này Bhāradvāja, giống như người đàn bà cho xem chỗ kín vì mục đích của đồng xu tầm thường; này Bhāradvāja, tương tự như thế vì mục đích cái bình bát gỗ tầm thường, pháp thượng nhân tức là sự kỳ diệu của phép thần thông đã bị ngươi để lộ ra trước hàng tại gia. Này Bhāradvāja, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này Bhāradvāja, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.
Sau khi khiển trách, Ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên để lộ pháp thượng nhân, tức là sự kỳ diệu của phép thần thông trước hàng tại gia; vị nào để lộ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, hãy đập vỡ bình bát ấy, nghiền thành bột vụn, rồi hãy dâng đến các tỳ khưu làm hương liệu của thuốc cao. Này các tỳ khưu, không nên sử dụng bình bát bằng gỗ; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác)” (Khuddakavatthukkhandhakaṁ - Chương các tiểu sự).
Nguồn: Phật học Từ Quang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đem tâm đời mà làm việc đạo
Phật giáo thường thức 20:32 27/01/2025Người đem tâm Đời (danh, lợi, sân, si v.v...) mà làm việc Đạo (làm các Phật sự) thì việc Đạo biến thành việc Đời.
Phật giáo là gì?
Phật giáo thường thức 15:16 27/01/2025Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:
Thân tâm thường an lạc
Phật giáo thường thức 13:30 27/01/2025Đề tài nói chuyện hôm nay là "Thân tâm thường an lạc". Như đã giới thiệu ở phần dẫn nhập, đây là câu chúc thiện lành, chúng ta thường nghe các Phật tử chúc lẫn nhau khi Xuân về Tết đến.
Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn
Phật giáo thường thức 09:00 27/01/2025Hỏi: Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn được biết đến ra sao?
Xem thêm