Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/11/2019, 08:19 AM

Đức Phật hàng ma

Tóm lại hư vọng biết là hư vọng, chân thật biết là chân thật, thường tỉnh sáng luôn luôn, đó là diệu pháp hàng ma, mà cũng chính là yếu chỉ tu hành. Vòng sanh tử từ đó mà cắt đứt, nhẹ nhàng vượt qua mọi khủng bố, lo âu, an lành chiến thắng tất cả loại ma ở trong tâm lẫn ở ngoài cảnh.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật 

Như vậy tôi nghe: Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelã bên bờ sông Neranjara dưới cây Nigrodha Ajapãla khi Ngài mới giác ngộ. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời trong bóng đêm tối và trời đang mưa từng hột một.

Rồi ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.

Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn, ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi ví như đầu cái cày lớn.

Thế Tôn biết được “đây là ác ma” liền nói bài kệ cho ác ma:

Ngươi luân hồi dài dài

Hình thức tịnh bất tịnh

Thôi vừa rồi ác ma

Ngươi đã bị bại trận.

Rồi ác ma biết được “Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta”, buồn khổ thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy. (Tương Ưng Bộ Kinh).

Lời bình:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng ta thấy đức Phật với cái gì Ngài thắng được ác ma?

Bài liên quan

Với sức mạnh, với khí giới hay với bùa chú? Đây là điểm rất quan trọng, chúng ta cần nhận định cho thật rõ ràng, không thôi tuy sống trong chánh pháp tuyệt vời mà trở thành yếu đuối. Thường người tu chúng ta hay có cái lo sợ bị ma quấy phá, rồi nghe theo người này người kia mà học bùa niệm chú hoặc bắt ấn trừ ma ếm quỷ. Thế là chúng ta tự chôn vùi chính mình mà hướng về bên ngoài để nhờ vả những cái xa xôi mờ ảo. Quả thật chúng ta đã đánh mất những gì sáng ngời của chính mình thuở trước. Hãy nhớ kỹ lại, Phật đối với ác ma, Ngài có dùng chú thuật gì đâu. Trước sự khủng bố thách thức của ác ma, Ngài chỉ nhận rõ: “Đây là ác ma”, rồi nhẹ nhàng bảo: “Thôi vừa rồi ác ma, ngươi đã bị bại trận”. Thế là ác ma thất bại rút lui. Ngài thắng một cách an lành. Ví như trong một ngôi nhà, nếu người chủ mà mê mờ điên đảo, phán đoán sai lầm thì kẻ ngoài mới có cơ hội nhiễu loạn quấy phá.

Trái lại, với người chủ sáng suốt, chánh trực, không ỷ lại, phán đoán đúng như pháp thì kẻ ngoài chẳng tài nào quấy phá. Cũng vậy, Đức Phật với trí tuệ ngời sáng của chính mình không do ai đem lại, chẳng từ lòng tin đưa đến, cũng không do sách vở ghi chép, Ngài tự thắng ác ma. Vì sao? Chúng ta nên nhớ rằng, ác ma có biến hiện trăm ngàn tướng trạng lạ lùng đi nữa cũng chẳng qua một thứ huyễn hóa hư vọng. Đã là cái huyễn hóa hư vọng thì không thể tồn tại! Chính vì vậy, khi ta biết được nó tức thì nó tự rút lui.

Chúng ta hãy nghe kỹ câu này: Khi ác ma được biết: “Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta” liền buồn khổ thất vọng bỏ đi. Không niệm một câu chú, không vẽ một chữ bùa. Nói một cách nôm na là nếu ông chủ sáng suốt thì khách phải tùy phục. Đức Phật đã như thế, chúng ta những hàng hậu thế đã sống dậy từ trong nguồn pháp ấy, lẽ nào lại yếu đuối làm mất đi cái dũng khí của thuở ban đầu! Chúng ta hãy mạnh mẽ rống lên tiếng rống oai hùng của dòng giống sư tử cho loài tà ma phải khiếp vía vỡ mật nát gan!

Quý thay bậc Mâu Ni

Sống trong nhà không tịch

Biết chế ngự tự ngã

Tại đây vị ấy trụ

Sống từ bỏ tất cả

Với hạnh tu tương xứng

Nhiều loại thú bộ hành

Nhiều sự vật khủng khiếp

Nhiều ruồi muỗi độc xà

Không mảy may rung động

Sợi tóc bậc Mâu Ni

Sống trong nhà không tịch

Dầu trời nứt đất động

Dầu muôn loài khủng bố

Dầu bị giáo đao tên

Quăng ném vào ngực Ngài

Chư Phật không tạo nên

Những căn cứ sanh y.

Nghĩa là với tâm lặng lẽ dứt mọi chấp trước ở đời thì không còn điều gì phải sợ hãi. Thế là một lần nữa đức Phật lại thắng ác ma (khi ác ma hiện hình con đại xà vương đến khủng bố Ngài).

Rồi đến đệ tử Ngài, một vị Tỳ Kheo Ni Uppalavanna, lúc bấy giờ ở Savatthi, bà Uppalavana đứng dưới gốc cây Sa La có trổ hoa. Ác ma đến nói lên bài kệ:

Này nàng Tỳ Kheo Ni

Dưới gốc cây Sa La

Đang nở nụ trăm hoa

Nhan sắc nàng tuyệt đẹp

Không ai dám sánh bằng

Tại đây nàng đã đến

Trong tư thế như vậy

Nàng ngu dại kia ơi!

Không sợ cám dỗ sao?

Tỳ Kheo Ni Uppalavanna liền trả lời ác ma với bài kệ:

Trăm ngàn người cám dỗ

Có đến đây như ngươi

Mẩy lông ta không động

Ta không gì sợ hãi

Ác ma, ta không sợ

Ta đứng đây một mình

Ta có thể biến mất

Hay vào bụng nhà ngươi

Ta đứng giữa hàng mi

Ngươi không thấy ta được

Với tâm khéo điều phục

Thần túc khéo tu trì

Ta thoát mọi trói buộc

Ta đâu có sợ ngươi

Này hiền giả, ác ma!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Chúng ta thấy, là một người nữ mà đã từng bị coi là yếu đuối, bà Tỳ Kheo Ni Uppalavanna có đáng cho chúng ta kính phục hay không? Một mình trước sự cám dỗ của ác ma bà đã dõng dạc nói lên những lời mạnh mẽ khiến ác ma đành rút lui. Thế mà chúng ta ngày nay ở trong nhà kín một mình còn hồi hộp đêm không dám bước ra đi tiểu vì sợ ma, thật đáng hổ thẹn biết chừng nào!

Với tinh thần người tu Phật, chúng ta phải gan dạ, dũng mảnh, tự mình sáng ngời với trí tuệ đập tan mọi bóng dáng đe dọa hão huyền. Hãy nhìn thẳng vào mặt thật của nó không rụt rè không trốn tránh! Điều mà chúng ta phải nhận định cho thật kỹ là “Thắng ma không bằng thắng mình”. Nếu tâm chúng ta chứa đầy những tư tưởng điên đảo, đen tối thì dù có niệm chú thuật gì cũng khó tránh khỏi bị nhiễu loạn. Tâm lặng, trí sáng dứt mọi điên đảo vọng tưởng thì vượt mọi thứ ma. Cho nên nói: “Quý thay bậc Mâu Ni, sống trong nhà không tịch. Biết chế ngự Tự ngã”... Nếu trong tâm không còn chỗ nào đắm trước sanh khởi, tức ma không còn chỗ để rình rập. Đâu chẳng nghe nói: “Ly tham vậy, tâm an, mọi kiết sử siêu thoát, dầu tìm mọi xứ sở, ma quân không gặp được”.

Do đó, ác ma với bảy năm theo dõi Thế Tôn để mong tìm được lỗi lầm của Ngài, nhưng không tìm được, cuối cùng trước mặt Thế Tôn, ác ma trong nỗi niềm thất vọng nói lên bài kệ:

Như quạ liệng hư không

Thấy đá như miếng mỡ

Tưởng rằng sẽ tìm được

Miếng gì mềm và ngon

Không tìm được gì ngon

Liền từ đó bay đi

Như quạ mổ hòn đá

Thất vọng ta bỏ đi

Giã từ Gotama!

Bài liên quan

Như có vị Tăng hỏi Thiền Sư Huệ Thanh ở Ba Tiêu: “Giặc đến cần đánh, khách đến cần xem, chợt gặp giặc khách đồng thời đến phải làm sao?” Sư đáp: “Trong thất đá có một đôi giầy cỏ rách”. Sở dĩ trong nhà có chứa chấp của cải nên mới bị giặc cướp; trái lại nếu trong nhà trống không thì cướp cái gì? Cũng vậy, tâm nếu không thì vọng không chỗ khởi, ma từ đâu thấy được? Khác nào quạ mổ hòn đá, chỉ nhọc nhằn rồi bỏ đi. Ta đã chiến thắng!

Tóm lại hư vọng biết là hư vọng, chân thật biết là chân thật, thường tỉnh sáng luôn luôn, đó là diệu pháp hàng ma, mà cũng chính là yếu chỉ tu hành. Vòng sanh tử từ đó mà cắt đứt, nhẹ nhàng vượt qua mọi khủng bố, lo âu, an lành chiến thắng tất cả loại ma ở trong tâm lẫn ở ngoài cảnh. Hãy tỉnh sáng và vươn lên!

Trích Giảng Kinh A Hàm - Sách "Nhặt Lá Bồ Ðề"

HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại

Đức Phật 12:00 20/11/2024

Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.

Đức Phật lịch sử

Đức Phật 08:45 20/11/2024

Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.

Đức Phật đến với chúng ta

Đức Phật 09:12 05/11/2024

Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.

Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại

Đức Phật 11:05 28/10/2024

Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.

Xem thêm