Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 17/02/2024, 20:15 PM

Dừng lại và buông thư

Thiền, Dhyana, nghĩa là dừng lại và làm cho buông thư. Sự dừng lại và buông thư được gọi là thiền chỉ. Trong sự thực tập, nếu chưa có khả năng dừng lại và buông thư thì hành giả sẽ không thể đi xa hơn được.

Bởi vì nếu không thành công được trong thiền chỉ thì khó có thể nhìn sâu (thiền quán) để thấy rõ bản chất của các hiện tượng.

Mỗi người đều sẵn có hạt giống rong ruổi, tìm kiếm. Chúng ta không thể ở yên lâu được. Hạt giống này chúng ta được tiếp nhận từ tổ tiên. Sở dĩ ta không dừng lại được bởi vì ta thiếu khả năng buông thư. Những căng thẳng trong cơ thể bị dồn nén khiến cho yếu tố trầm tĩnh của đời sống mất đi. Nếu thực tập vững vàng phương pháp thở và đi trong chánh niệm thì ta sẽ dừng được sự chạy đua. Lúc ấy, sự buông thư và niềm an lạc sẽ lập tức có mặt.

Ảnh: Làng Mai.

Ảnh: Làng Mai.

Ngồi thiền là cơ hội để thực tập dừng lại hoàn toàn. Trong khi ngồi, chúng ta sử dụng hơi thở có ý thức để hỗ trợ cho việc dừng lại ấy. Dừng lại được là bắt đầu có chủ quyền đối với thân và tâm của chính mình. Ngồi thiền trước hết là dừng lại và buông thư. Nếu trong khi ngồi mà phải đấu tranh, phải gồng mình và xem việc ngồi thiền như một lao tác mệt nhọc thì đó chưa phải là cách ngồi thiền đúng. Khi ngồi, tư thế phải thật thoải mái, lưng thẳng nhưng buông thư. Và sau đó mới bắt đầu theo dõi hơi thở. Thở vào, tôi ý thức về toàn thân của tôi; thở ra, tôi buông thư toàn thân. Ta phải đem cái tâm đi vào cái thân. Cái tâm của ta chỗ nào cũng có cái thân hết, tức là tâm đầy trong thân. Giống như việc ta ngâm đậu xanh với nước ấm vậy, đậu xanh được ngâm trong nước ấm một hồi, nước sẽ thấm vào trong hạt đậu, hạt đậu sẽ nở ra gấp hai lần ban đầu. Sở dĩ cái thân khô héo là bởi vì cái tâm không thấm được vào trong thân. Nếu muốn cái thân được tươi mát, được thấm nhuận thì cần phải để cho tâm đi vào trong thân. Lúc ấy, thân của ta sẽ trở thành một thực thể linh động chứ không còn là một xác chết nữa vì tâm đã được thấm vào trong từng tế bào. Tức là cái thân đầy cả cái tâm. Trong khi ngồi thiền, thiền hành, phải làm như thế nào để thân của ta đầy tâm mà tâm cũng đầy thân. Khi thân và tâm hợp nhất, là khi ta có được những giây phút sống sâu sắc.

Thiền là một phương pháp thực tập, và nếu thực tập đúng thì hạnh phúc sẽ có liền tức khắc. Hạnh phúc này bắt đầu từ sự dừng lại và buông thư. Không có sự dừng lại và buông thư, thì không thể nào có hạnh phúc được. Hạnh phúc này được gọi là thiền duyệt. Thiền duyệt tức là niềm vui do sự thực tập thiền đem lại. Và người tu phải lấy niềm an lạc mà thiền tập đem lại làm thực phẩm hàng ngày (Thiền duyệt vi thực). Trong nghi thức cúng ngọ có câu: “Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”. (Khi ăn cơm, con nguyện cho chúng sinh nếm được niềm vui mà thiền tập đem lại, hạnh phúc luôn tràn đầy). Mỗi lần ăn cơm, cúng ngọ, lúc nào ta cũng nguyện cho tất cả chúng sanh đều hưởng được niềm vui của thiền tập nhưng chính ta đã làm được chưa? Có khi ta đã để cho chính ta bị đói và để cho những người bạn đến với ta cũng bị đói. Những người bạn tin tưởng vào ta, trông cậy vào ta, nhất là khi ta là một vị giáo thọ, nhưng ta quên mất vai trò của chính mình. Đôi khi ta bỏ đói đại chúng, bỏ đói các bạn đến với ta. Nếu ta bắt đầu dừng lại và buông thư được, tức khắc ta sẽ có được hỷ lạc. Khi có được hỷ lạc, ta mới bắt đầu quán chiếu vào lòng sự vật để thấy được bản chất của sự vật.

Chúng ta có thể thực tập theo những hướng dẫn của đức Thế Tôn để dừng lại. Thở vào, con ý thức về hình hài của con. Thở ra, con ý thức về toàn thể hình hài con. Lúc đó, cái tâm đi vào cái thân và cái thân đi vào cái tâm. Tiếp tục thực tập như vậy, ta để cho tâm thấm dần vào trong thân. Ta có thân đầy trong tâm và tâm cũng đầy trong thân. Kế tiếp, nương vào hơi thở chánh niệm ta buông thư cả thân và tâm. Thở vào, con buông thư thân thể con, tâm hồn con. Thở ra, con tiếp tục để cho tâm hồn con, thân thể con được buông thư. Hãy cho ra ngoài hết tất cả những dồn nén, những căng thẳng. Sự buông thư này sẽ mang lại sự trị liệu. Do vậy, khi đề cập đến khổ hay gọi tên những nỗi khổ, ta đừng quên đề cập đến những căng thẳng trong thân thể và tâm hồn. Bởi nó đích thực là một nỗi khổ và rất cần được chúng ta quan tâm đến.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiết lập một đời sống an lành

Sống an vui 09:22 23/11/2024

Trong cuộc đời đầy biến động, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng ao ước một cuộc sống an lành, nơi tâm hồn không còn bị cuốn theo những lo toan, phiền muộn. Là một Phật tử, tôi nhận ra rằng an lành không phải điều gì quá xa vời.

Bình yên của hiện tại

Sống an vui 08:08 23/11/2024

Sau những cơn bão đời, khi tâm hồn tôi dường như chẳng còn gì ngoài những vết thương chằng chịt, tôi mới nhận ra một điều: bình yên chẳng nằm ở đâu xa, mà là trong chính giây phút hiện tại này.

Bạn đối xử tốt với ai?

Sống an vui 07:30 23/11/2024

Sống ở đời, chờ người khác biết điều với mình, chi bằng tự biết điều với mọi người, và cả với bản thân mình trước.

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Xem thêm