Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/03/2013, 10:26 AM

Giải mã phần mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh

Thế giới chúng sinh không ngoài sắc (vật chất) và tâm (tinh thần). Bới thể nên nói thế giới đều không, không có tự thể, tức là nói thế giới và chúng sinh hay tất cả sự vật trong vũ trụ đều không. Ngũ uẩn giai không là như vậy



Câu mở đầu của bản Bát Nhã Tâm Kinh là: Quán Tự Tại bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Dịch nghĩa là : Ngài Quán Tự Tại Bồ tát sau khi hành trì sâu vào Pháp Bát nhã Ba la mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền vượt qua tất cả khổ ách.

Lời mở đầu này bao hàm tất cả nội dung của giáo nghĩa Bát nhã. Tất cả các phần kế tiếp về sau của bản kinh, chỉ làm công việc diễn giải một cách rộng rãi nội dung này về hai mặt triết học và đạo học mà thôi. Ta có thể nói rằng, nếu lời Tâm kinh Bát nhã gồm 260 chữ này là tinh túy cốt yếu của hệ thống Ðại Bát nhã dày 600 quyển, thì đoạn mở đầu gồm có 25 chữ này lại thêm một lần nữa cô đặc súc tích cốt yếu của bài Bát Nhã Tâm kinh. Vì vậy tất cả giáo nghĩa Bát nhã được kết tinh trong lời mở đầu này. Bây giờ ta tìm hiểu từng phần một:

 

+ Nói về Quán Tự Tại Bồ tát

Bồ tát là tiếng gọi tắt danh từ Bồ đề tát đỏa (phiên âm từ chữ Boddhisattva). Bồ đề dịch nghĩa là giác ngộ, tát đỏa dịch là hữu tình hay chúng sanh. Hai chữ ghép chung với nhau thành ra Bồ đề tát đỏa, có nghĩa là chúng sinh cầu đạo giác ngộ. Tiếng Trung Hoa dịch nghĩa Bồ đề tát đỏa giác hữu tình, tức hữu tình hướng về giác ngộ, hoặc sắp được giác ngộ. Vì vậy bất cứ chúng sinh nào phát tâm bồ đề cầu đạo giác ngộ, đều gọi là Bồ tát. Tuy nhiên, từ cấp mới hướng về, đến cấp sắp đạt được, khoảng cách giữa hai bên thật là xa thẳm mù khơi. Trong khoảng cách ấy, có nhiều cấp bậc khác nhau. Từ những kẻ sơ phát tâm là hạng thập tín đến những bậc công hạnh sâu dày là hàng thập địa, có tất cả là 50 bậc.

Bồ tát Quán Tự Tại nói đây, ít nhất cũng từ bát địa (trong thập địa) trở lên. Thập địa của Bồ tát Đại thừa như trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh gồm 10 địa vị: 1 là Hoan hỉ địa, 2 là Ly cấu địa, 3 là Phát quang địa, 4 là Diệm tuệ địa, 5 là Cực nan thắng địa, 6 là Hiện tiền địa, 7 là Viễn hành địa, 8 là Bất động địa, 9 là Thiện tuệ địa và 10 là Pháp vân địa. Vì chỉ sau khi trải qua địa vị bất động (tức Bát địa) ở Thập địa, bấy giờ mới được tự tại. Và cũng đến cấp đó mới đương nổi công việc thượng cầu hạ hóa, nghĩa là trên cầu Phật quả, dưới hóa độ chúng sanh. Quán Tự Tại là tên riêng của đức Bồ tát này. Quán có nghĩa là xem xét. Trong lúc hành trì, hành giả lắng lòng trầm tư mặc tưởng để suy cứu đề tài tham khảo thì gọi là quán.

Quán Tự Tại, là dịch nghĩa Phạn ngữ Avalokitesùvara. Từ này gồm hai chữ ghép lại: Avalokita có nghĩa là quán, chiếu kiến hay nhìn khắp mọi phương; và isùvara có nghĩa là vị chúa tể, vì có quyền năng hành xử mọi việc một cách tự do. Vì thế, vị Bồ tát dùng pháp quán chiếu bát nhã để quan sát đối tượng đương thể tức không, không bị chướng ngại bởi các yếu tố giả hợp tạo nên các ảo tượng của đương thể, gọi là Bồ tát Quán Tự Tại. Giống như trường hợp một vị Bồ tát chuyên tu hạnh Không mong khởi tâm khinh mạn bất cứ ai, dù đó là kẻ ngu hèn thấp kém nhất trong xã hội, đó là Bồ tát Thường Bất Khinh. Theo công hạnh riêng mà đặt tên, đó là công lệ chung trong Phật giáo Ðại thừa.

Do vì công hạnh riêng mà đặt tên, Cho nên, Bồ tát Quán Tự Tại  còn có nghĩa là Bồ tát Quán Thế Âm vì quán chiếu được mọi âm thanh trên cõi thế. Theo truyền thống Trung Hoa, Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát được thờ phụng phổ biến nhất tại phương Ðông, với công hạnh quan sát nghe thấy tất cả những tiếng kêu cứu của chúng sinh trên cõi ta bà này. Lời tụng “Nam mô Ðại từ Ðại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát”, là lời khấn cầu vị bồ tát này mà tất cả Phật tử đều khấn vái hằng ngày. Phẩm Phổ môn thuộc kinh Pháp hoa là phẩm dành riêng để xưng tán đức Bồ tát Quán Thế Âm trong công phu nhật tụng triêu mộ cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

Các ngài Pháp Hiền (du hành những năm 399 - 413) Huyền Trang (du hành những năm 629 - 645) và Nghĩa Tịnh (du hành những năm 671 - 695) sang Ấn Độ về, đều có ghi lại trong các quyển Phật Quốc ký, Ðại Ðường Tây Vực ký và Nam Hải ký quy nội pháp truyện nhận xét của các ngài là Bồ tát Quán Thế Âm rất được tôn thờ ở tất cả mọi nơi mà dấu chân các ngài trải qua, từ Tây Tạng, Nepal, ngay cả Ấn Ðộ. Bắt đầu khoảng thế kỷ thứ nhất là đã được dân gian sùng bái, cho đến thế kỷ thứ bảy là thịnh hành nhất. Bấy giờ Bồ tát Quán Thế Âm hiện thân nam, tượng thờ đứng, một mặt hai tay; hoặc ngồi trên tòa sen một mặt hai tay hoặc sáu tay, đôi khi từ mười tay đến hai mươi tay. Biểu tượng của ngài là tràng hạt (màlà) và hoa sen (padma). Mantra (tức Mạn trà) tức chú xưng tán ngài là Om, mani padme, hùm. Ðến vào khoảng thế kỷ XII trở đi thì Bồ tát Quán Thế Âm được sùng bái với tượng thân nữ và tôn thờ là Bồ tát Quán Thế Âm, tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam. Từ đây, Bồ tát Quán Thế Âm còn có các tên khác như Tống Tử Quan Âm, Quan Âm Diệu Thiện, hay Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm (Nghìn mắt nghìn tay), Bạch Y Quan Âm, Tử Trúc Quan Âm, Quan Âm Quá Hải, đều rất phổ biến trong dân gian.

Bồ tát Quán Tự Tại, do vì quán sát thấy rằng “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc...” tất cả là hai mà chẳng phải hai, Cho nên, ngài còn là biểu tượng của Bồ tát Bất Nhị, Trí tuệ Bát nhã là công đức mà ngài hành trì, Cho nên, ngài cũng là Bồ tát Bát Nhã.

Tất cả các truyền thống đều tin rằng nơi ngự của Bồ tát là đỉnh núi Potala. Pháp sư Huyền Trang ghi rằng đức Quán Thế Âm xuất hiện trên đỉnh Potala ở miền Nam Ấn. Tự viện của Ðạt Lai Lạt Ma ở Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, cũng được gọi là Potala, vì Mật giáo Tây Tạng tin rằng Bồ tát là chúa tể của thế giới chúng ta, mà Ðạt Lai là hóa thân của người. Quần đảo Châu Sơn, ngoài khơi Triết Giang, gần Ninh Ba (Ningpo) ở Trung Quốc, nơi Đức Quán Thế Âm rất được sùng bái, còn được gọi là P'u t’o, tức Phổ Ðà. Dân gian còn truyền tụng rằng núi Phổ Ðà ở ngoài khơi Nam Hải là nơi Quán Thế Âm thường ngự.

+ Tiếp theo : Hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời dịch nghĩa là Sau  khi hành trì sâu vào pháp Bát nhã Ba la mật đa  hay là Sau khi đi sâu vào trí tuệ Bát Nhã

Sáu chữ Bát nhã Ba la mật đa đã nói rõ ở phần trên. Đó là pháp tu dùng trí tuệ siêu việt, trí tuệ Bát nhã sâu xa và vi diệu. Thâm là sâu xa, ý nói rằng trí tuệ Bát nhã Ba la mật đa là sâu xa vi diệu, không dễ gì thể nhập mà đòi hỏi một quá trình hạ thủ công phu hành trì một cách thâm sâu. Hành có nghĩa là hành trì, tức là tu tập và thực hành. Cần nhắc lại là trí tuệ Bát nhã không do cái học mang lại mà phải do công phu hành trì mới tựu thành, nên nói là hành. Vì do sâu xa vi diệu, nên Bát nhã Ba la mật đa đòi hỏi phải công phu tu hành mới tựu thành, chứ không phải một cái gì có thể tự nhiên mà có.

+ Tiếp theo : Chiếu kiến ngũ uẩn giai không có nghĩa là :Soi thấy năm uẩn đều không.

Chiếu kiến là soi thấy, là ý nghĩa vi diệu của quán chiếu Bát nhã. Nói soi thấy, tức tự mình trực tiếp thấy rõ, như người uống nước, tự mình biết rõ nước ấy nóng hay lạnh, ngọt hay mặn, không qua trung gian của khái niệm hay ngữ ngôn văn tự.

Ngũ uẩn là năm uẩn, là năm nhóm họp thành một chúng sanh, tức là một con người. Chữ uẩn là do ngài Huyền Trang dịch từ tiếng Phạn, tiếng Phạn là Skandha, phiên âm là Kiện đà. Ngài Cưu Ma La Thập dịch là ấm với nghĩa là che phủ. Các dịch giả về trước nữa thì dịch là chúng, nghĩa là tập họp nhiều yếu tố lại. Sản phẩm do năm chúng, tức năm uẩn giả hợp lại mà thành thì gọi là chúng sinh. Vì vậy nói cho dễ hiểu, khi nói đến tập họp của năm uẩn tức chỉ con người; con người là sản phẩm của năm uẩn. 

Ngũ uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc uẩn gồm có năm căn và sáu trần. Năm căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tức là con mắt, lỗ tai, lố mũi, cái lưỡi, thân thể. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc uẩn chỉ nhóm vật chất bao gồm bốn thành tố gọi là bốn đại, tức đất, nước, gió, lửa, tạo nên xác thân con người.

Thọ uẩn. Thọ là lãnh thọ. Sau khi tiếp xúc với cảnh rồi thì sinh lãnh thọ. Thọ có 5 thứ là thọ khổ, thọ vui, thọ buồn, thọ mừng, thọ không vui buồn. Thọ uẩn chỉ nhóm cảm giác, bao gồm mọi khía cạnh sinh hoạt tâm lý hạ đẳng nơi con người, cái mà con người cảm thọ được.

Tưởng uẩn. Tưởng tức là tưởng nhớ hình tượng của các cảnh do sau khi tiếp xúc và lãnh thọ các cảnh của khổ vui rồi sinh ra tưởng nhớ. Tưởng uẩn, chỉ nhóm suy tư bao gồm mọi khía cạnh sinh hoạt tâm lý cao cấp, cái mà con người tưởng đến được.

Hành uẩn. Hành là sự thay đổi biến chuyển của tâm niệm. Hành uẩn chỉ nhóm ý chí bao gồm những sinh hoạt và hoạt động có tính chất bản năng và ý chí. Hành là dấu vết của nghiệp cũ đang tạo tác và dìu kéo các sinh hoạt hạ đẳng và cao cấp nơi con người, đấy là loại ý chí mù quáng. Chính vì vậy, nó đóng một vai trò quyết định trong suốt đời người

Thức uẩn. Thức là hiểu biết phân biệt có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Thức chia ra làm 8 loại: nhãn thức là cái biết của mắt, nhĩ thức là cái biết của tai, tỷ thức là cái biết của mũi, thiệt thức là cái biết của lưỡi, thân thức là cái biết của thân xác, ý thức là cái biết của ý, mạc na thức và a lại da thức. Thức uẩn chỉ nhóm tri giác bao gồm mọi kiến thức trong việc nhận diện sự vật bên trong và bên ngoài con người.

 

Trong số năm uẩn vừa nêu, sắc uẩn thuộc sắc pháp, bốn uẩn kia thuộc tâm pháp. Sắc tâm hòa hợp tạo nên con người, mệnh danh là thân năm uẩn.

Phật giáo trong các bộ kinh được gọi là nguyên thủy đã trịnh trọng xác nhận tính chất vô ngã của tập hợp năm uẩn này rồi. Riêng từng uẩn có vô ngã hay không, Tiểu thừa chưa xác nhân, nên đó là đối tượng khảo sát của trường phái Bát nhã Đại thừa. Theo trường phái này, không một uẩn nào trong năm uẩn là có tự thể hay thực thể, không có tự thể tức là vô ngã. Tập hợp của năm uẩn là vô ngã, tức nhân không; từng uẩn một trong tập hợp ấy cũng vô ngã, tức pháp không. Cả nhân lẫn pháp đều không, vì vậy nói là giai không, đó là nội dung trong nghĩa tính không của Bát nhã.

Giai không: Không ở đây phải hiểu là không có tự thể, là tính không tự thể của mọi sự vật hiện tượng, không phải là không ngược với có, mà cũng không phải là thủ tiêu hết các vật hữu tình mà nói là không. Mà với cái không đây là bản tính thanh tịnh không có các hình tướng, nó vẳng lặng trong xuốt, thuật ngữ Phật giáo gọi cái không ấy là Tính không.

Trong thân năm uẩn ấy, các thần giáo Ấn Ðộ cho rằng có một thần ngã (atman) ngự trị bên trong bất di bất dịch, không chịu sự chi phối của vô thường, cái thần ngã ấy là cố định. Nhưng Phật giáo vốn xây dựng trên lý duyên khởi, triệt để đánh ngã cái lý thuyết thần ngã ấy. Giáo lý vô ngã là câu trả lời đanh thép của thuyết có thần ngã vừa nói. Về sau, giáo lý vô ngã tuy càng ngày càng thêm bền gốc chắc rễ, nhưng lại bị hạn chế trong phạm vi của lý thuyết nhân vô ngã. Ðến lúc Ðại thừa xuất hiện với giáo nghĩa Bát nhã, thì vô ngã mới bao trùm lên hết thảy các pháp, tức là bao trùm lên toàn bộ sự vật, hiện tượng, hữu tình và vô tình, đó là pháp vô ngã.

Vì sao vậy? Vì do hàng Thanh Văn và Duyên Giác tu theo pháp Tứ Diệu Đế và Thập nhị nhân duyên nên mới chỉ phá được cái chấp vô ngã ở thân năm uẩn, đó là nhân vô ngã, chưa phá được cái chấp vô ngã thuộc về từng uẩn trong năm uẩn, tức là cũng chưa phá được cái chấp vô ngã ở các pháp tức pháp vô ngã. Chỉ đến khi hàng Bồ tát phát triển giáo nghĩa Bát Nhã, hành trì với pháp Lục độ ba la mật, dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu mới phá được cả nhân và pháp đều không, nghĩa là cả nhân vô ngãpháp vô ngã, vì vậy mới nói là năm uẩn đều không, tức nói ngũ uẩn giai không.

Tóm lại tất cả sự vật trong vũ trụ không ngoài thế giới và chúng sinh, không ngoài ngũ uẩn. Thế giới chúng sinh không ngoài sắc (vật chất) và tâm (tinh thần). Bới thể nên nói thế giới đều không, không có tự thể, tức là nói thế giới và chúng sinh hay tất cả sự vật trong vũ trụ đều không. Ngũ uẩn giai không là như vậy

Ðoạn kinh trên nói tới việc năm uẩn đều không, bởi vì vô ngã cả nhân lẫn pháp chính là nội dung của giáo nghĩa Tính không Bát nhã trong Bát Nhã Tâm Kinh. Với giáo nghĩa Tính không, thuyết vô ngã như một trong hai hệ luận của duyên khởi, đã được triển khai, thuyết minh đến mức tận cùng của nó. Vì thế có thể nói học thuyết Tính không chính là Vô NgãVô thường vậy. Thuyết vô ngã này không phải thuần túy là một khái niệm triết học tinh túy, mà còn thể hiện một thực tế sống động tựu thành nhờ pháp trực quán tổng hợp, nghĩa là bằng hành trì mà chứng đắc.

+ Tiếp theo : Ðộ nhất thiết khổ ách có nghĩa là :Vượt qua tất cả các khổ ách. Khổ ách có ba loại gồm: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

          - Khổ khổ: Đây là loại khổ thứ nhất do chính thân tâm tạo ra gồm có tám thứ khổ là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ tức thương yêu mà phải chia lìa, cầu bất đăc khổ tức là mong cầu mà không đạt được, oán tắng hội khổ tức là oán ghét mà phải gặp mặt và ngũ uẩn xí thạnh khổ, tức là khổ do năm uẩn sinh ra tức là do sắc, thọ tưởng, hành thức sinh ra. Toàn bộ tất cả những cái đó là loại khổ thứ nhất mà trong kinh Phật gọi là khổ khổ.

          - Hoại khổ: Là loại khổ ách thứ hai do thiên nhiên mang lại như các loại thiên tai do bão lụt, gió mưa, nắng hạn, núi lửa, động đất, sóng thần…. 

          - Hành khổ: Là loại khổ thứ ba là khổ do xã hội tạo ra như bóc lột, giai cấp xung đột, chế độ hà khắc, chiến tranh, khủng bố….

Tất cả những loại khổ ách này, nhờ hành trì Bát nhã Ba la mật đa, hành giả có thể vượt qua chúng một cách dễ dàng. Vượt qua có nghĩa là không còn bị chúng chi phối, làm cho đau đớn, phiền não.

Tóm lại, đoạn này nói rằng Bồ tát Quán Tự Tại khi hành trì Bát nhã Ba la mật đa một cách sâu xa thì soi thấy năm uẩn hợp thành thế giới và chúng sinh, hợp thành mọi sự vật trong vũ trụ, không một uẩn nào là có tự thể, tất cả đều là không, nhờ đó mà giác ngộ tính khônggiải thoát tất cả mọi ách khổ đau. Do tất cả chúng sinh vì mê bản thể chân tâm thanh tịnh của mình nên vọng niệm cho rằng tất cả các cảnh là thật, khởi ra tham sân si, tạo đủ các nghiệp, nên phải sinh tử luân hồi rồi chịu đủ điều khổ sở. Bồ tát dùng trí tuệ Bát Nhã thấy rõ các pháp, thế giới chúng sinh đều không, do vậy Bồ tát không còn các khổ do vô minh vọng tưởng gây ra, nên vượt qua tất cả các khổ ách, đoạn nhất thiết khổ ách là vì vậy.

Chỉ trong một đoạn này thôi, tất cả yếu lý căn bản của Bát nhã đã được trình bày đầy đủ. Các đoạn tiếp theo chỉ để triển khai yếu lý ấy về cả hai mặt triết học và đạo học.


Phạm Đình Nhân

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm