Giáo dục khai phóng trong giáo dục Phật giáo ở nước ta hiện nay
"Giáo dục khai phóng” đã trở thành triết lý hiện đại mà nhiều đại học hàng đầu trên thế giới theo đuổi. Triết lý này đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa sự sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, năng lực của con người tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân.
1. Dẫn nhập
Giáo dục khai phóng (tiếng Anh: liberal education) là triết lý giáo dục nhắm tạo ra con người phát triển toàn diện, hạnh phúc tự do tự tại. Giáo dục khai phóng toàn diện là xu thế tất yếu của thời đại. Điều quan trọng là chúng ta có thể thấy bóng dáng lời dạy của đức Phật trong những nội dung cơ bản nhất của triết lý giáo dục khai phóng hiện đại.
Hiệp hội các Trường và Viện Đại học Mỹ (Association of American Colleges and Universities) mô tả giáo dục khai phóng là một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được, và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức. Nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.
Những năm gần đây, giáo dục khai phóng được nhắc tới nhiều ở Việt Nam, được biết đến như một xu hướng tất yếu trong giáo dục đào tạo đại học và sau đại học.
2. Giáo dục Phật giáo Việt Nam
Trước thế kỷ XX, về giáo dục, người Việt ở xứ thuộc địa Nam Kỳ đã bắt đầu học và sử dụng chữ quốc ngữ. Đến năm 1907, nhận biết giá trị của chữ quốc ngữ, các nhà trí thức đương thời đã vận động thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, lấy quốc ngữ làm phương tiện giảng dạy. Đến năm 1919, sau khi nền giáo dục khoa bảng sử dụng chữ Hán cáo chung thì việc học và sử dụng chữ quốc ngữ trở thành nhu cầu bắt buộc. Có thể suy đoán rằng, hoạt động giáo dục Phật giáo trong các nhà chùa cũng đã bắt đầu chuyển biến để bắt nhịp với sự thay đổi của thời cuộc, nhất là việc làm chủ chữ quốc ngữ từ sau phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời, có thể nhận định rằng nền giáo dục Phật giáo trong các chùa không phải là không nắm bắt được những biến chuyển của thời cuộc, nhờ vậy, sự hưởng ứng phong trào chấn hung Phật giáo tại Việt Nam vào những năm 1930 thực sự có một không khí sôi động. Trong thời gian này, các Phật học viện đào tạo tăng tài lại được mở ra trên khắp nước, từ Hà Nội đến Huế, Bình Định, Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn, Trà Vinh, An Giang…
Vào giữa thế kỷ XX, hệ thống trường Bồ Đề dạy theo chương trình phổ thông (tương đương từ lớp 1 đến lớp 12 hiện nay) do Phật giáo chủ trương đã lần lượt được mở ra ở các trung tâm văn hóa chính như Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… thu hút nhiều học sinh. Điểm đặc biệt của hệ thống trường Bồ Đề là học sinh có thêm một số giờ học giáo lý Phật giáo và thực hiện các nghi thức Phật giáo vào đầu các buổi học.
Năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo ra đời, đào tạo các chương trình cử nhân và cao học, có các khoa Phật học; khoa Văn học và Nhân văn gồm các ban Văn học Việt Nam, Đông phương học, Triết học, Tâm lý học Thực nghiệm, Sử địa, Văn học Anh – Mỹ, Báo chí. Đến năm 1967, viện mở thêm khoa Khoa học xã hội có các ban Xã hội học, Chính trị học, Kinh tế, Thương mại, Nhân chủng và năm 1970 mở thêm khoa Giáo dục. Năm 1973, Viện có định hướng xây dựng khoa Khoa học ứng dụng nhưng chưa kịp triển khai.
Sau khi đất nước thống nhất, hoạt động Phật giáo tạm dừng để chờ có chính sách mới. Đến tháng 2 năm 1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo khắp ba miền Bắc, Trung, Nam có cơ hội ngồi lại bàn bạc việc thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ngày 7 tháng 11 năm 1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã triệu tập một Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tổchức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về giáo dục Phật giáo, Hội đồng Trị sự có một Ban Giáo dục tăng, ni với nhiệm vụ giúp Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo thực hiện việc hình thành hệ thống các trường Phật học để đào tạo các tăng, ni trẻ có năng lực phục vụ mọi hoạt động của Giáo hội. Cho đến nay, về mặt quản lý, tổ chức Ban Giáo dục Phật giáo đã được kiện toàn từ trung ương tới địa phương, những tỉnh có Ban Trị sự Giáo hội tỉnh đều có Ban Giáo dục Phật giáo cấp tỉnh và những quận, huyện có Ban Trị sự Giáo hội quận, huyện cũng đều có Ban Giáo dục Phật giáo cấp quận, huyện để giúp đỡ Ban Trị sự cùng cấp quản lý vấn đề giáo dục tăng, ni. Cùng với sự phát triển của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó hệ thống giáo dục Phật giáo phát triển vượt bậc.
Hiện tại, trên cả nước đã có 4 Học viện Phật giáo có nhiệm vụ đào tạo ở bậc đại học và sau đại học gồm: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Các học viện này đã đào tạo hàng ngàn tăng, ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học và sau đại học. Theo thống kê sơ bộ có khoảng hơn 500 tăng, ni sinh du học tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka… Có khoảng 200 tăng, ni tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học tại các nước.Trên đây là tóm lược những đặc điểm và thành tựu của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, tuy có nhiều thăng trầm nhưng ở từng giai đoạn đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ, nhất là trong thời điểm hiện tại có khá nhiều tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng, hệ thống giáo dục tại Việt Nam nói chung, chắp cánh cho mơ ước về sự phát triển nền giáo dục Phật giáo Việt Nam
3. Các Trường đạo tạo cấp đại học, sau đại học Phật giáo ở nước ta hiện nay
3.1. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Là trường cao cấp Phật học Việt Nam đầu tiên trong hệ thống giáo dục đào tạo Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo một thế hệ tăng, ni có tầm nhìn mới, có kiến thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển Phật giáo Việt Nam theo khuynh hướng tiến bộ, có thể đảm nhận được các trọng trách trong việc truyền bá thông điệp từ bi trí tuệ của Đức Phật, góp phần vào việc xây dựng xã hội loài người trên tinh thần biết đủ và ít ham muốn, từng bước đem lại hòa bình an lạc và sự phát triển bền vững của nhân loại, là điều hết sức thiết thực để phục vụ lợi ích dân sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc.
Từ năm 1981, bấy giờ còn mang danh xưng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Học viện đã tổ chức khóa Cử nhân Phật học đầu tiên tại chùa Quán Sứ. Cho đến năm 2006, Học viện đã tổ chức được 4 khóa học, đào tạo được 600 vị Cử nhân Phật học. Đến ngày 8/9/2006, Học viện khai giảng khóa V tại ngôi trường xây dựng trên một khu đất rộng 11 hecta mới vừa được khánh thành tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thu nhận 281 tăng, ni sinh từ 34 tỉnh, thành hội Phật giáo theo học. Ngoài việc đào tạo cử nhân hệ chính quy, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội còn tổ chức đào tạo các hệ tại chức, cao đẳng, chuyên tu ngắn hạn, không chỉ dành cho các tăng, ni sinh mà còn mời gọi các cư sĩ muốn nghiêncứu Phật học trong và ngoài nước; hoàn tất các khóa học, học viên được trao học vị Cử nhân Phật học theo nhiều phân ngành khác nhau. Theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tăng, ni sinh được đào tạo hai khối kiến thức căn bản là khối kiến thức nội điển (Phật học) và khối kiến thức ngoại điển (thế học); ngoài ra, học viện còn tổ chức nhiều chương trình học tập bổ trợ thiết thực khác để tạo điều kiện cho tăng, ni sinh có cả trình độ trên giảng đường và phương pháp giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, góp phần cung cấp nguồn lực tăng, ni tài đức có thể đảm trách công tác Phật sự tại địa phương. Về mặt rèn luyện và các chương trình ngoại khóa, tăng, ni sinh được khuyến khích tham gia nhiều hoạt động phù hợp với môi trường giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng tu học cũng như duy trì quy củ thiền môn qua việc chấp tác hành trì để thúc liễm thân tâm trong quá trình tu học. Đặc biệt, để đảm bảo triển khai nội dung chương trình đào tạo của học viện cũng như tạo sự yên tâm tu học của tăng, ni sinh, vừa qua Học viện đã quyết định miễn giảm 100% kinh phí ăn ở và 90% kinh phí đào tạo của tăng, ni sinh.
Ngoài việc đào tạo hệ cử nhân Phật học trong thời gian 4 năm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội còn đào tạo hệ cao đẳng Phật học với thời gian đào tạo 3 năm. Từ năm 2018, Học viện đã hoạch định một chương trình khung cho việc đào tạo hệ cao đẳng Phật học. Học viên được đào tạo từ lớp sơ cấp học trong 1 năm, chuyển sang trung cấp học tiếp 2 năm và sau cùng tham dự khóa học 3 năm để hoàn tất bậc cao đẳng Phật học. Như vậy, các đơn vị cơ sở đào tạo sơ cấp và trung cấp theo chương trình chung, và sau khi trúng tuyển 3 năm học trình sơ trung cấp ở đơn vị cơ sở, mọi học viên đều có đầy đủ khả năng theo học 3 năm nữa tại học viện để hoàn tất chương trình đào tạo cao đẳng, cho dù học viên đã theo học sơ trung cấp tại bất kỳ đơn vị cơ sổ nào. Trong tương lai sẽ xây dựng lại khung chương trình và hệ cao đẳng sẽ được gọi là Lớp nguồn Học viện. Năm 2018, sau khi quy trình đào tạo Thạc sĩ Phật học được chấp thuận theo Công văn số 556/TGCP-PG ngày 6/6/2018 của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Học viện đã và đang đào tạo cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh, đã có nhiều học viên cao học và 1 tiến sĩ ra trường.
3.2. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Huế đặt trụ sở tại chùa Hồng Đức, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, được thành lập từ năm 1997 và cho đến năm 2009, Trường đã đào tạo được 4 khóa với 571 vị tăng, ni được cấp bằng Cử nhân Phật học. Từ năm 2009, Trường đổi tên và trở thành một học viện Phật giáo có tầm nhìn hướng đến trở thành một trung tâm giáo dục đại học Phật giáo Việt Nam ở khu vực miền Trung với hoạt động đào tạo đa ngành, đa chức năng, ngang tầm với các đại học khác trong nước, khu vực và quốc tế. Học viện đã xác định sứ mệnh của mình là đào tạo tăng tài, bồi dưỡng và cung cấp nhân lực có phẩm chất lượng thực cả về tri thức lẫn đạo Đức Phật giáo không chỉ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà cho cả dân tộc; Học viện cũng kế thừa và phát huy những truyền thống tri thức văn hóa tốt đẹp của đạo Phật nói chung và của đạo Phật Việt Nam nói riêng, nghiên cứu những khả năng ứng dụng sáng tạo các nguyên lý triết học và đạo Đức Phật giáo vào đời sống cá nhân và cộng đồng. Học viện cũng mong muốn đảm nhận vai trò tiên phong trong việc đổi mới hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam. Thực hiện chương trình nghiên cứu Phật học và các mảng về xã hội, Học viện đã liên kết hợp tác giáo dục với các học viện Phật giáo trong nước, Đại học Huế, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Trong định hướng phát triển, Học viện luôn tìm cách kiện toàn cả về công tác tổ chức, chất lượng và quy mô đào tạo cũng như cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu đào tạo ngày càng mở rộng và chuyên sâu. Từ năm 2015, Học viện chuyển về cơ sở mới tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế đã được xây dựng trên một khu đất rộng trên 25 hecta. Về cơ sở mới, Học viện đã cấu tạo lại bộ máy tổ chức và hệ thống hóa các môn học thành các bộ môn theo hướng phân ngành chuyên môn, gồm Nguyên thủy và Phật giáo bộ phái, Phật giáo Đại thừa Phát triển, Luật học Phật giáo, Triết học và Triết học Phật giáo, Văn học và Văn học Phật giáo, Lịch sử và Lịch sử Phật giáo, Cổ ngữ Phật học Sanskrit và Pali, Hán Nôm và Sinh ngữ (Anh văn, Trung văn). Học viện cũng trao đổi kinh nghiệm đào tạo và quản lý giáo dục với các đại học Phật giáo quốc tế như Đại học Hoàng gia Mahachulalonkorn, Đại học Mahamakut, Đại học Nakhon ở Thái Lan; các Đại học Phật Quang Sơn, Đại học Tam Tạng ở Đài Loan; giới thiệu tăng, ni sinh đã tốt nghiệp đi du học ở các nước như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản…
Sau khi chuyển về cơ sở mới ở phường An Tây, cơ sở ban đầu Học viện tại chùa Hồng Đức có kế hoạch xây dựng thành trung tâm nghiên cứu, trao đổi học thuật, lưu trữ thư tịch và đào tạo chuyên sâu. Trong năm học 2020-2021, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đang đào tạo Cử nhân Phật học 3 khóa IX, X và XI với số lượng 485 tăng, ni sinh; bên cạnh đó là một khóa Thạc sĩ Phật học đào tạo 61 vị tăng, ni. Tăng sinh các tỉnh, thành phố khác được bố trí nội trú tại Học viện ở phường An Tây trong lúc các ni sinh các tỉnh, thành phố khác nội trú tại chùa Hồng Đức ở phường Thủy Xuân. Chương trình học từng năm của bậc Cử nhân đang được áp dụng tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
3.3. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà tiền thân cũng là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1983 tại Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học cho tăng, ni sinh, học viên và nghiên cứu sinh. Kế thừa Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), một trường đại học tổng hợp đào tạo đa ngành khoa học và nhiều thành phần xã hội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được khai sinh với tên gọi là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam từ năm 1983, có chức năng đào tạo chuyên ngành Phật học cho tăng, ni sinh, tuyển sinh 4 năm một lần với số lượng giới hạn. Từ năm 1997, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến bấy giờ, Học viện đã đào tạo được 3 khóa Cử nhân Phật học. Quan hệ ngoại giao quốc tế và quốc nội của Học viện ngày càng đa dạng, có quy mô của một trường đại học Phật giáo. Kể từ niên học 2006 của khóa VI trở đi, Học viện thay đổi chương trình học niên chế thành tín chỉ theo hệ thống giáo dục tiên tiến và phổ quát trên thế giới. Bắt đầu từ khóa IV, từ năm 2005, Học viện tuyển sinh 2 năm một lần. Đến năm 2017, tuyển sinh mỗi năm một lần. Khóa VII (2007-2011) bắt đầu có sinh viên thế tục theo học hệ chính quy cùng với tăng, ni sinh. Từ năm 2009, Học viện mở khóa Cử nhân Phật học hệ đào tạo từ xa, 2 năm một lần.Từ năm 2012, Học viện lần đầu tiên đào tạo Thạc sĩ Phật học. Đến năm 2019, Học viện chính thức được phép đào tạo Tiến sĩ Phật học. Năm 2016, cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 23,8 ha được khánh thành giai đoạn I, Học viện tổ chức tu học nội trú bắt buộc cho 750-850 tăng, ni sinh mỗi năm. Sau mỗi khóa, số lượng sinh viên và học viên ghi danh thi tuyển sinh và theo học ngày càng nhiều. Hiện tại, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới. Đến năm 2020, Học viện đã và đang đào tạo 15 khóa Cử nhân, có 4.720/12.785 sinh viên hệ chính quy và 1.404/3.060 sinh viên hệ đào tạo từ xa đã tốt nghiệp Cử nhân, số còn lại đang bổ túc các tín chỉ còn lại để hoàn tất chương trình Cử nhân.Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo thí điểm khóa Thạc sĩ Phật học (2012-2017) có 22/50 học viên tốt nghiệp; khóa 2017-2019 có 58/171 học viên tốt nghiệp; khóa 2018-2020 có 35/48 chuẩn bị tốt nghiệp và khóa 2019-2021 có 54 học viên đang học. Từ năm 2019 đến nay, Học viện chính thức đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học.
Hiện nay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học Phật giáo Việt Nam đầu tiên tổ chức 13 khoa. Nỗ lực của Học viện là nhằm xây dựng và phát huy truyền thống đào tạo các thế hệ tăng, ni có đủ tài đức cho Phật giáo Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu Phật sự, giải quyết các vấn nạn của thời đại. Hàng trăm sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp Học viện đã du học nhiều nước, tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ của nhiều khoa và chuyên ngành khác nhau. Từ năm 2018, Học viện đã ký kết đào tạo cao đẳng liên thông với 3 Trường Trung cấp Phật học: Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Cần Thơ…
3.4. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer
Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, cộng cư theo nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, có đặc điểm chung là đều có nền văn hóa chịu ảnh hưởng văn minh Hoa – Ấn, trong đó văn hóa Phật giáo là yếu tố nổi trội, mặc dù theo các tông phái khác nhau. Do đó, nền Phật giáo thống nhất ở Việt Nam luôn có tinh thần dung hợp, tôn trọng mọi đặc trưng của các thành phần; không những thế, còn có ý thức tiếp thu và xiển dương những nét đặc sắc của từng tông phái. Chính vì thế, Giáo hội vẫn chú trọng đến một nền giáo dục đại học Phật giáo Nam tông.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ra đời (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) là thể hiện tính tất yếu của mối quan tâm ấy. Trong nhiều năm qua, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh… đã mở các Trường Trung cấp Phật học. Bên cạnh việc đào tạo tăng, ni sinh, các trường này có tổ chức các lớp học trung cấp và sơ cấp cho chư tăng người Khmer cũng như những lớp học tiếng Khmer dành cho thanh niên địa phương. Qua đó đã có những đóng góp nhất định cho việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Việc Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được xây dựng ở Cần Thơ là một tin vui cho cộng đồng người gốc Khmer vì Phật giáo Nam tông vốn được coi là máu thịt đối với họ. Năm 2006, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập, đặt trụ sở tạm thời trong khuôn viên chùa Pôthisômrôm thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Đây là cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên được thành lập dành cho đối tượng được phục vụ chính là đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không bao lâu sau khi có quyết định thành lập Học viện và quyết định bố trí nhân sự Hội đồng điều hành Học viện, cơ sở này đã nhanh chóng tổ chức tuyển sinh và tiến hành đào tạo. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức đào tạo theo niên chế, mỗi khóa học kéo dài 4 năm, mỗi năm học có hai học kỳ, thời lượng học tập của mỗi học kỳ là bốn tháng rưỡi. Cuối mỗi học kỳ đều có thi kiểm tra. Điểm trung bình của học kỳ mỗi năm phải đạt điểm 10/20 mới được cấp chứng chỉ cuối năm và được học năm kế tiếp. Các tăng sinh nếu đạt yêu cầu trong 4 năm học và hoàn thành luận văn tốt nghiệp sẽ được Học viện cấp văn bằng Cử nhân Phật học. Hiện nay, Học viện đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đào tạo chuyên ngành Tôn giáo học phù hợp với người xuất gia trong thời đại hội nhập, nhằm giúp cho người học nâng cao trình độ Phật học, thế học, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, có ý thức cộng đồng và có khả năng giảng dạy các lớp, các trường sơ cấp, trung cấp Phật học.
Cho đến nay, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã đào tạo được 5 khóa. Năm 2017, công trình xây dựng cơ sở chính thức cho Học viện đã được khởi công trên một khu đất có diện tích gần 7 hecta cũng thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Đầu năm 2019, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1. Trong buổi lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã lưu ý: “Việc xây dựng Học viện rất cần thiết, không chỉ đóng góp cho sự tu học của chư tăng ở đồng bằng sông Cửu Long, mà còn mang tầm khu vực, khi có nhiều nước như SriLanka, Thái Lan, Campuchia… ngỏ ý được giao lưu, liên kết với Học viện”. Nói chung, cả ba học viện Phật giáo Việt Nam tại ba miền đều hướng tới các hoạt động đào tạo đại học và sau đại học. Các học viện quan tâm đến việc đào tạo liên thông trong hệ thống đào tạo cao đẳng và đại học trong nước, có quan hệ liên kết quốc tế với các đại học Phật giáo trong khu vực châu Á và thế giới.
Nhìn chung, Nếu từ góc độ 5 phương diện cơ bản: Trí dục, đức dục, thể dục, thẩm mỹ và lao động thì giáo dục Phật giáo Việt Nam chúng ta, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, chỉ tập trung chú ý hai phương diện: trí dục và đức dục, còn các phương diện khác chưa được chú trọng đúng mức. Điều này rất cần xem xét kỹ lưỡng.
Giáo dục Phật giáo mang tính thời đại sâu sắc
4. Giáo dục khai phóng với giáo dục đại học Phật giáo Việt Nam hiện nay
Giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) là mô hình giáo dục đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ, được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu và nhiều nước Châu Á.
Đặc trưng của mô hình này là đào tạo linh hoạt, cả chiều rộng cũng như chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng quyền lựa chọn cho sinh viên.
Giáo dục khai phóng, giáo dục toàn diện là một hệ thống giáo dục được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng mong muốn và khả năng học hỏi, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo, trở thành công dân có ích, có trách nhiệm với xã hội.
Tại Việt Nam, đến nay khái niệm “giáo dục khai phóng” hiện đã xuất hiện trong khẩu hiệu, triết lý giáo dục của một số trường đại học cả nước.
Giáo dục khai phóng giúp người học nâng bản thân mình lên một tầm cao, thông qua các môn học khai phóng mà “xác định ta là ai, ta có những năng lực gì, ta có thể làm những việc gì và sẽ trở thành con người như thế nào trong tương lai”.
Những môn học khai phóng không chỉ nằm trong chương trình đào tạo chuyên nghiệp thuộc một lĩnh vực nào đó, mà bao gồm những bài học có tính huấn nghiệp hay kỹ thuật. Ví dụ, một sinh viên khoa Luật có thể học môn khai phóng về nghệ thuật hùng biện, năng lực biện hộ, trình bày vấn đề mạch lạc và logic, tinh thần đạo đức trong các phiên tòa.
Các môn học khai phóng mang tính mở. Sinh viên khoa Tâm lý học có thể vừa học môn khai phóng về tâm lý học, nhưng đồng thời vẫn có thể theo học các môn khai phóng về lịch sử, triết học, ngôn ngữ học.
Giáo dục khai phóng hướng tới đào tạo những con người tự chủ, tự tại, tự do, tức là tạo ra mẫu người nhận thức được những quy luật của cuộc sống để tự vươn lên thành chính mình, không là “cái bóng” của người khác. Cụm từ “Tự do” ở đây theo tư tưởng triết học của Hegel: “Tự do là sự nhận thức được cái tất yếu”.
Quốc gia được coi là mảnh đất màu mỡ của giáo dục khai phóng là Hoa Kỳ. Những trường khai phóng hàng đầu của họ như Williams, Amherst, Swarthmore, Wellesley, Pomona, Bowdoin, Claremont McKenna, Middlebury, Carleton, Washington and Lee… Cựu Tổng thống Barrack Obama vốn là sinh viên trường đại học khai phóng Occidental College ở Los Angeles (California).
Những trường đại học khai phóng trên thế giới có rất nhiều, như Viện đại học Mount Allison, Viện đại học Bishop, Viện đại học St.Thomas (Canada); Viện đại học John Cabat ở Rome (Ý); Viện đại học Bard Berlin (Đức); Trường đại học Maastricht (Hà Lan); trường đại học Shalem ở Jerusalem (Israel); Trường đại học Campion ở Sydney (Australia); Trường đại học Yale – NUS (Singapore)…
Ở Việt Nam ta, hiện có trường Đại học Việt – Nhật (Thành lập ngày 21/7/2014 theo Quyết định 1186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), trường Đại học Fulbright (thành lập vào ngày 16/5/2016 theo Quyết định 819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Đại học của VinGroup… có chương trình đào tạo khai phóng.
"Giáo dục khai phóng” đã trở thành triết lý hiện đại mà nhiều đại học hàng đầu trên thế giới theo đuổi. Triết lý này đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa sự sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, năng lực của con người tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân. Triết lý này đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, Trường Đại học KHXH và NV Đại học Quốc gia TP HCM….giai đoạn hiện nay.
Triết lý giáo dục khai phóng giúp người học tự do phát triển năng lực tích cực một cách toàn diện, ý thức sâu sắc về chính mình và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội, đất nước không đi ra ngoài lời dạy của đức Phật cũng như định hướng của giáo dục Phật giáo nói chung, giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng.
5. Thay lời kết
Giáo dục khai phóng là xu thế tất yếu của thời đại mà không có bất cứ nền giáo dục nào đứng ngoài được, kể cả giáo dục Phật giáo. Với mục đích là nhắm tạo ra con người phát triển năng lực toàn diện, hạnh phúc tự do tự tại, biết rõ chính mình và ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, đất nước và chúng sinh. Chúng ta có thể thấy rõ ràng bóng dáng của nó trong Tam tạng thánh giáo Kinh, Luật và Luận; trong lời dạy của đức Phật trong những nội dung cơ bản nhất của triết lý giáo dục khai phóng hiện nay.
Nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản về những thành tựu mới nhất của giáo dục khai phóng hiện đại, vận dụng cho phù hợp với yêu cầu thực tế của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay ở cấp đại học và sau đại học là rất cần thiết để góp phần vào việc ổn định và phát triển nền giáo dục Phật giáo nước nhà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm