Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 14/04/2017, 15:57 PM

Gieo trồng phước đức (P.2)

Làm người trong trời đất ai cũng từ cha mẹ sinh ra, cha mẹ làm nên thân người, vì vậy ta phải có trách nhiệm, bổn phận hiếu thảo với mẹ cha bằng cách chăm sóc về tình cảm, tinh thần và cung cấp, dưỡng nuôi lúc cần thiết. Trong kinh Phật dạy, gặp thời không có Phật thì cha mẹ là hai vị Phật (Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế). Làm người chúng ta cần nhớ lời dạy quan trọng này.

Bố thí để tăng trưởng lòng từ bi

Vậy bố thí, cúng dường có ý nghĩa gì? “Bố thí” tiếng Phạn là Dana, có nghĩa là sự cho; còn theo từ ngữ Hán Việt “bố” là cùng khắp, “thí” là cho, nghĩa là cho cùng khắp không giới hạn. Thông thường, ta chỉ bố thí cho người thân, rộng hơn nữa là cho người nghèo khổ, ít ai bố thí cho người ta đang ghét bỏ hay hận thù. Chính vì không hiểu biết tới nơi tới chốn nên ta chỉ bố thí có giới hạn dẫn đến không được nhiều lợi ích, có khi còn tham lam, ích kỷ nữa là khác. 

Từ “cúng dường” là nói trại của hai chữ “cung dưỡng”, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để cho phù hợp với đối tượng thọ nhận; ta cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí; còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
 
Thí dụ, cha mẹ là hai đấng sinh thành mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gả chồng, tạo cho ta gia tài sự nghiệp, ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc bệnh hoạn, ốm đau… (nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ.) Cung cấp những nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng cha mẹ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn; ăn trái nhớ kẻ trồng cây” trong tập quán của người Việt Nam.

Làm người trong trời đất ai cũng từ cha mẹ sinh ra, cha mẹ làm nên thân người, vì vậy ta phải có trách nhiệm, bổn phận hiếu thảo với mẹ cha bằng cách chăm sóc về tình cảm, tinh thần và cung cấp, dưỡng nuôi lúc cần thiết. Trong kinh Phật dạy, gặp thời không có Phật thì cha mẹ là hai vị Phật (Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế). Làm người chúng ta cần nhớ lời dạy quan trọng này.

Một thời lúc Phật còn tại thế, gặp năm hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ, thiếu thốn, khó khăn, đức Phật cũng không ngoại lệ. Một vị tỳ kheo thấy Phật thiếu ăn liền đem chiếc y của mình đổi lấy bát cơm dâng lên cúng Phật. Phật hỏi rằng: “Ông còn cha mẹ không?” “Bạch Phật, cha con chết rồi, con chỉ còn mẹ già thôi ạ”. Phật hỏi tiếp: “Mẹ ông dùng cơm chưa?” “Dạ chưa!” Phật nói: “Người xứng đáng nhận bát cơm này là mẹ ông chứ không phải Ta”. Sau đó Phật dạy tiếp: “Người xuất gia còn cha mẹ không ai nuôi dưỡng thì người đó có quyền khất thực đem về cúng dường cha mẹ”. Ngoài việc cúng dường cha mẹ, người phật tử còn có trách nhiệm và bổn phận cúng dường người tu hành chân chính có đạo đức, có nhân cách, suốt đời phục vụ vì Tam bảo, vì lợi ích chúng sinh.

Tại sao ta phải cúng dường người tu hành chân chính? Cha mẹ làm nên thân ta, thầy Tổ giúp ta biết được điều hay lẽ phải để vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không rơi vào hố sâu tội lỗi. Vì vậy, từ cúng dường được dùng đối với các bậc trưởng thượng, tôn kính như cha, mẹ, thầy Tổ… là những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, chỉ dạy, giúp ta nên người. Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường còn có nhiều từ ngữ khác như kính tặng, kính biếu… để nói lên lòng tôn kính của người cho. 

Từ ngữ “bố thí” được người Việt Nam sử dụng với nhiều ý nghĩa như cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ… Tất cả đều mang ý nghĩa tốt đẹp của hành động cho. Khi gặp người nghèo khổ ta thương tình giúp đỡ gọi là “cho” hay gọi là “bố thí” cũng được. Người có tâm từ bi rộng lớn không những biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ cho người mà còn giúp các loài vật nữa. Đó là người biết gieo trồng phước đức đúng Pháp. Người tu hành theo đạo Phật rất cần thực tập để có được tâm từ bi rộng lớn này. 

Con cháu đem vật phẩm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thì gọi là cúng dường phẩm vật; còn ông bà cha mẹ đem của cải vật chất lo cho con cháu thì gọi bằng từ cho, giúp đỡ hay chia sẻ; hoặc người dân bình thường muốn đem phẩm vật cho những người có địa vị trong xã hội thì gọi là kính biếu hay kính tặng. Cùng một hành động bố thí nhưng tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh mà ta dùng từ ngữ sao cho phù hợp để không làm mất đi sự tôn kính và lòng thương cảm của ta.

Là người phật tử chân chính, chúng ta phải học hiểu rõ ràng chỗ này để dùng từ ngữ không bị sai lệch làm ảnh hưởng không tốt đến hành động bố thí của mình. Bố thí, cúng dường là hành động cao thượng biết san sẻ, giúp đỡ cho người mỗi khi cần thiết. Theo luật nhân quả, nó là điều kiện thiết yếu để ta tiêu trừ đau khổ, chuyển hóa nghèo cùng, khó khăn, không còn sợ nghèo đói và vượt qua nỗi bất an, sợ hãi trong cuộc đời, như mũi tên chỉ đường để ta không bị đi lạc. Hai từ này tuy viết khác, nói khác, nhưng nó cùng một ý nghĩa, tùy theo đối tượng của sự cho (người nhận) mà ta có cách gọi khác nhau để phù hợp, làm đẹp, làm hài lòng cả hai đối tượng cho và nhận mà thôi.

Phật dạy pháp bố thí
Giúp ta gieo trồng phước
Giúp ta bỏ tham, si
Để an vui, hạnh phúc.

Việc thiện dù nhỏ mà ta chịu khó làm như đức Phật đã làm thì vinh hoa phú quý sẽ đến với ta trong hiện tại và tương lai. Nhờ bố thí mà lòng tham lam, ích kỷ của ta được giảm bớt. Nếu chất chứa lòng tham lam quá đáng sẽ tạo cho ta nhiều tội lỗi, khiến ta lo lắng, sợ hãi bất an và nuôi dưỡng lòng hiềm hận mà oán giận thù hằn khi mất mát. Để xả bỏ lòng tham lam, ích kỷ, pháp bố thí được xếp hàng đầu trong Lục Độ Pháp Môn. Trong đó, theo thứ tự đức Phật dạy: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Bố là cùng khắp; Thí là cho, dâng, tặng, hiến cúng. Bố thí là từ ngữ thông dụng để chỉ lòng từ bi của người biết san sẻ và giúp đỡ.

Trong nhà Phật, việc bố thí được phân làm ba loại: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là bố thí của cải vật chất, tiền bạc cho người. Pháp thí là dùng tri thức hiểu biết của mình về Chánh pháp hướng dẫn mọi người về chân lý giác ngộ, giải thoát trên tinh thần học hỏi và cầu tiến.

Bố thí không sợ hãi

Vô úy thí là thí không sợ hãi, bảo vệ công lý, chính nghĩa. Nhờ vào vô úy thí khiến người ta không sợ hãi bằng cách dùng lời nói hay hành động thể hiện lòng từ bi để dẹp trừ bạo loạn, khủng bố, đem lại an lành cho cá nhân, gia đình và xã hội; bên cạnh đó còn cổ xúy, tổ chức cho nhiều người làm việc thiện lành như đi đến những vùng bị lũ lụt, thiên tai, hạn hán, sóng thần, động đất để giúp đỡ, sẻ chia người thiếu thốn, khó khăn. Sợ hãi là dấu hiệu phản ứng tâm lý của trạng thái dao động như bất an, lo lắng, kinh hoàng, khủng hoảng xuất hiện và tồn tại ở mỗi con người. 

Có thể nói, từ khi còn tấm bé cho đến tuổi trưởng thành, chúng ta có quá nhiều nỗi sợ hãi: sợ cô đơn, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật, mất mát, chia lìa; nhất là sợ chết và vô vàn nỗi sợ hãi khác. Chúng ta thường sợ hãi những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo sợ điều bất hạnh sẽ đến trong tương lai. Thậm chí, có những nỗi sợ hãi không dính vào đâu hết nhưng ta vẫn cứ sợ. Do đó, “thí không sợ hãi” (vô úy thí) giúp con người đủ sức tự chủ đối diện với hoàn cảnh thực tế.

Tại sao con người thường hay sợ hãi? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Từ sự không có niềm tin nơi chính mình, không hiểu thấu nguyên lý nhân quả, nghiệp báo, sống phó thác cho số phận… Tất cả đều do vô minh, mê muội mà ra. “Thí không sợ hãi” là phương cách tốt nhất giúp con người vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Có người không vượt qua nổi những cơn khủng hoảng tinh thần vì quá sợ hãi mà dẫn đến nguy cơ tự tử. Bồ tát thực hành “thí không sợ hãi” giúp chúng sinh an bình trong cuộc sống, hiểu rõ thực chất cuộc đời để dễ dàng vượt qua những khổ đau, bất hạnh.

Trong đạo Phật, Quán Thế Âm là vị Bồ tát phát nguyện lớn thực hành “thí không sợ hãi” giúp người không còn sợ hãi thông qua việc nhất tâm niệm danh hiệu Ngài “Nam Mô Đại Từ Bi Cứu Khổ, Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ tát.” Nơi nào có sự khổ đau và sợ hãi mà niệm câu danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm thì trong lòng an ổn, nhẹ nhàng.

Muốn diệt trừ lo lắng, sợ hãi thực ra không phải là điều quá khó, chúng ta phải biết cách đối diện với nỗi khổ niềm đau mà nhận ra chân tướng thật của nó là từ sự chấp ngã, vì lo cho ta, cho mình không được như ý nên đau khổ, sợ hãi. “Bố thí không sợ hãi” là phương pháp làm an ổn, mát mẽ lòng người. Nó làm cho người nghèo khó không đau khổ vì thiếu thốn, người giàu có không lo sợ bị hao tổn, mất mát tiền tài, của cải. 

Tóm lại, thực hành “bố thí không sợ hãi” (vô úy thí) là nguồn phúc lạc, vô biên luôn giúp cho mọi người bất luận trẻ già, trai, gái, người sang, kẻ hèn, miễn là người đó phát tâm bố thí với tấm lòng chân thật, không mưu cầu, không vụ lợi ngoài việc vì lợi ích cho tha nhân.

Muốn thực hành thành công bố thí phải hội đủ ba yếu tố:
1. Người bố thí (người cho)
2. Vật bố thí ( của cho)
3. Đối tượng bố thí (người nhận)

Nó giống như cái đỉnh ba chân muốn đứng vững không thể thiếu một, vì nếu thiếu một chân thì không phải là cái đỉnh. Thực hành bố thí cũng vậy! Nếu ta có vật để bố thí mà không có người nhận thì cũng không thể bố thí được. Vì vậy, người bố thí cũng phải biết ơn người đã nhận.

Bố thí tài thí, nội thí

Tài thí là dùng phương tiện tiền bạc, của cải vật chất chia sẻ cho người nghèo khổ, thiếu thốn, bất hạnh.

Nội thí là bố thí chi phần trong thân thể mình như hiến máu, hiến các bộ phận của cơ thể để cấy ghép chữa bệnh cho người khác hay hiến xác cho khoa học… Người bố thí bằng hình thức nội thí tức là thực hành Bồ tát đạo. Đức Phật đã từng kinh qua thực hành Bồ tát đạo; trong một kiếp quá khứ, Ngài đứng trên núi trông thấy một con cọp mang thai bị đói, không săn được mồi, thương cho tình cảnh con cọp sẽ bị chết trước khi sinh con, Ngài từ trên cao nhảy xuống làm thức ăn cho cọp. Nhờ đó con cọp được khỏe lại đi tìm thức ăn và sinh con vẹn toàn.

Việc thực hành tài thí (bố thí tài sản) là việc dễ dàng, ai cũng có thể làm được; nhưng việc thực hành nội thí (bố thí thân xác) là việc khó làm hơn, rất hiếm có ở thế gian. Ngày nay, với nền khoa học hiện đại, việc bố thí bộ phận cơ thể người hay hiến xác cho khoa học tương đối phổ biến; vào thời xưa chỉ có các bậc Bồ tát mới thực hành hạnh nguyện này nhờ lòng từ bi cao cả mới dám xả thân vì lợi ích chúng sinh. 

Thực hành bố thí với tâm chân thành, hoan hỷ và đúng lúc thì mới đạt được giá trị cao như người khát cần nước, người rét cần lửa, kẻ trần truồng cần y phục… Thực hành bố thí với tâm vô lượng và đúng thời, đúng lúc như vậy theo Kinh Pháp Hoa thì cả người cho và người nhận đều được lợi lạc.

Khi bố thí giúp người
Mặt, thân tâm vui vẻ
Cảm ơn người đã nhận
Chẳng cần cầu đáp nghĩa
Người nhận vật bố thí
Hoan hỷ vì được của
Người thí hạnh phúc hơn
Vì gieo được phước lành.

Theo lời Phật dạy, sự sống trong vũ trụ này luôn được gắn bó với nhau từ con người cho đến muôn loài. Cho nên, nhân quả ở người làm phước cũng rất đa dạng, như có người dệt vải ta mới có áo mặc, có người làm ruộng ta mới có cơm ăn… Người xuất gia theo đạo Phật thọ nhận vật phẩm cúng dường của đàn na tín thí để nuôi sống bản thân tức là đang vay nợ theo luật nhân quả. Vậy người xuất gia trả nợ bằng cách nào? 

Người xuất gia phải tu hành miên mật, chân chính, hướng dẫn cho phật tử biết điều hay lẽ phải, tránh xa tội lỗi. Đó là cách trả nợ cao thượng cho đàn na tín thí; nếu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận, người xuất gia cũng phải trả món nợ này theo định luật nhân quả.

Thực hành pháp thí phước báo thông minh trí tuệ

Pháp thí là sự truyền đạt đến người những điều hay, lẽ thật giúp họ hiểu được đạo lý làm người, cách sống ở đời sao cho có đạo đức, nhân cách, đúng pháp luật, biết thương yêu người và vật. Trong nhà Phật, việc dịch thuật, ấn tống kinh sách, thuyết pháp, truyền giảng những lời Phật dạy đến với mọi người được gọi là bố thí pháp. 

Trong các công đức, bố thí pháp là phước đức rộng lớn và thù thắng hơn hết; bởi bố thí pháp là ban bố đến người lời nói chân thật, chân lý, vui vẻ, hòa giải và đoàn kết, có lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Những điều này có thể cứu khổ và mang lại hạnh phúc cho người nghe. Pháp là chân lý, là lời dạy phù hợp với lòng người, người nghe pháp sẽ dứt ác làm lành. Pháp thí có lợi ích lâu dài và công đức lớn lao, giúp người hiểu rõ sự thật cuộc sống, bớt mê lầm, hiểu thấu nhân quả, nghiệp báo, biết tránh xa những điều tội lỗi.

Thời Phật còn tại thế, một số đệ tử của Ngài sau khi nghe giảng liền chứng quả bởi các lầm lạc si mê nhiều đời, nhiều kiếp của họ được chuyển hóa tận sâu trong tâm thức, biến xấu thành tốt, biến khổ đau thành hạnh phúc, thay đổi cuộc đời tăm tối bằng ánh sáng giác ngộ. Rồi họ đem chân lý ấy truyền đạt rộng khắp cho nhiều người biết được việc thành bại, khổ đau, hạnh phúc trên đời này đều do tâm tạo tác; nhờ đó họ mau đến chỗ giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.

Phật pháp cứu khổ chúng sinh nhiều đời lầm lạc vì si mê, chấp ngã. Nhờ học Phật pháp ta phá vỡ, lột bỏ những thành trì kiến chấp, mê lầm huân tập từ nhiều đời, nhiều kiếp. Pháp thí là đem những lời dạy chân lý, tốt đẹp của đức Phật truyền đạt đến mọi người, là điều cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp, an vui, hạnh phúc. 

Sở dĩ trên thế gian này luôn xảy ra nhiều tệ nạn xã hội như giết người, cướp của, trộm cắp, tham nhũng, bóc lột, quan liêu cửa quyền, ganh ghét, hận thù, sống không có luân thường đạo lý đều do không hiểu biết về chân lý cuộc đời. Vì vậy, ta cần phải học và hành trì những lời Phật dạy. Pháp thí chân chính giúp cho con người biết được điều hay, lẽ phải, thấu rõ lý chân thật của cuộc đời; từ đó, con người làm chủ được bản thân, tạo cho mình cuộc sống tốt đẹp không lệ thuộc vào những điều mơ hồ như thần linh, thượng đế hay một đấng quyền năng nào cả.

Bà già bán cái nghèo

Nói đến sự đau khổ, bất hạnh của con người trên thế gian này thì nhiều vô số kể nên chúng tôi chỉ nói đến cái khổ do nghèo. Ta nên làm gì để vượt qua cảnh nghèo? Đó là điều mà ai cũng mong muốn và mơ ước. Người ta thường đặt câu hỏi, “tại sao mình nghèo mà người khác lại giàu? Không lẽ thượng đế lại sắp đặt như thế sao?” Nghèo hay giàu đều có nguyên nhân của nó, không có gì bỗng dưng khi không mà thành. Do ta không nhận thức sáng suốt, nhận định sai lầm, rồi cho rằng con người sinh ra nghèo hay giàu đều do trời định, số định; nói như vậy là oan cho trời quá.

Bố thí là sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần quý kính, tôn trọng vì tình người trong cuộc sống. Nhờ bố thí ta giảm bớt lòng tham lam, ích kỷ nhỏ nhoi và rộng mở lòng từ bi đối với mọi người. Ta phải:

Biết rõ gốc nghèo khổ
Từ bỏn sẻn mà ra
Muốn không khổ, oán sầu
Phải thực hành bố thí.

Nói đến bố thí, ta không nên nghĩ đến khi giàu có, nhiều tiền của mới thực hành bố thí. Như chúng tôi đã nói, bố thí có nhiều cách như bố thí tấm lòng, bố thí lời nói, bố thí sự hiểu biết hay bố thí hành động của mình… Việc thực hành bố thí cho người thân, người thương thì dễ; còn bố thí cho người mình từng oán hận, căm ghét trước đây mới là khó. Chúng ta nên học tập hạnh bố thí của Bồ tát là bố thí bình đẳng, không phân biệt đối tượng nào.

Ngày xưa, đức Phật có người đệ tử tên Ca Chiên Diên đã chứng quả A La Hán. Trên đường du hóa, ông gặp một bà lão nghèo than vãn sự đói khổ của mình đã gần 80 năm. Nghe xong, Ca Chiên Diên giải thích nguyên nhân cái nghèo của bà và bảo: “Bà hãy bán cái nghèo đi để hết khổ”. Bà lão mừng hỏi: “Cái nghèo có thể bán được sao thầy? Như vậy, nếu có ai mua con sẽ bán”. 

Cái nghèo mà bán được thì trên đời này không còn ai nghèo nữa nên ai mà không ham bán cái nghèo đi. Nghèo là do hậu quả của việc không biết bố thí, cúng dường, lại hay trộm cướp, lừa gạt của người, hoặc không biết tiết kiệm, làm một xài mười, hưởng thụ quá mức. Bố thí là cách bán cái nghèo tốt nhất.
 
Ngài Ca Chiên Diên đã giải thích cho bà lão hiểu rằng, việc giàu nghèo đều có nguyên nhân sâu xa của nó chứ không tự dưng mà bà bị nghèo như vậy. Người nghèo hèn thời nay là do đời trước không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ với ai. Do đó, thực hành bố thí là cách bán cái nghèo tốt nhất. Sau khi nghe Ngài Ca Chiên Diên giải thích, bà lão cảm thấy những nỗi buồn khổ về thân phận nghèo hèn của mình đều tan biến trong tâm tưởng; nhưng nghĩ lại, bà cũng tủi thân vì nhìn quanh mình chẳng có cái gì để bố thí hay cúng dường. 

Khi thấy tâm thành kính muốn cúng dường của bà đến cao độ, ngài Ca Chiên Diên mới nói: “Bà lấy cái chén ra ngoài mé sông múc cho tôi chén nước, chắc chắn trong tương lai bà sẽ bán được cái nghèo”. Bà lão hoan hỷ trong lòng, nhanh chân ra sông mang về một chén nước trong và thành kính dâng lên cúng dường cho ngài Ca Chiên Diên. Từ đó, bà lão lúc nào cũng cảm thấy trong lòng vui vẻ, hạnh phúc. Mấy ngày sau, bà lão qua đời trong bình an, tự tại. 

Do phước báu cúng dường với tâm thành kính, bà lão được sinh lên cõi trời làm một Tiên nữ đầy đủ phước báu muốn gì được nấy. Bà vận dụng thần thông trở về trần gian thăm lại cái xác thân nghèo khổ ngày nào nay đang tan rã. Bà thầm cảm ơn Phật pháp, cảm ơn ngài Ca Chiên Diên đã hướng dẫn, giúp bà vượt qua kiếp nghèo khổ thế gian một cách dễ dàng. Bà bây giờ được thân Tiên nữ xinh đẹp, lộng lẫy, muốn gì được nấy chỉ nhờ vào công đức cúng dường cho bậc A La Hán một chén nước sông với tất cả tấm lòng tôn kính và hoan hỷ; nay trong cảnh Tiên, bà lập nguyện cúng dường mãi mãi để tăng trưởng tình thương, lòng hỷ xả và nuôi dưỡng phước báu.

Ở thế gian, việc bố thí, cúng dường là ruộng phước cho nhân loại. Người có tâm bố thí là tập cho mình có đời sống cao thượng, an vui trong hiện tại và hạnh phúc cho mai sau. Việc thực hành bố thí, cúng dường không cần phải người giàu có, tiền dư, bạc hậu mới có thể làm được. Người nghèo khổ, thiếu thốn khó khăn nếu biết cách vẫn có thể thực hành bố thí, cúng dường, tích lũy phước báu thì có cơ hội sống an vui, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.

Dân gian có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Không ai phải chịu nghèo hèn mãi mãi. Người biết làm việc thiện, biết bố thí, cúng dường thì cuộc sống sẽ được thay đổi, không đời này thì đời sau. “Không ai khó ba đời” là vậy. Trong kho tàng ca dao Việt nam cũng có câu: “Ai ơi ăn ở cho lành, kiếp này không gặp để dành kiếp sau”. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng làm lành, làm thiện, bố thí, cúng dường, đừng quan niệm giàu, nghèo là do số trời đã định; nói như vậy là không đúng, làm gì có ông trời nào xử sự bất công như thế.

Người có phước báu nên đời này được giàu sang, quyền quý; nhưng nếu hưởng phước mà không biết gieo trồng thêm, đến khi hết phước thì gặp tai hoạ nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn “không ai giàu ba họ” là ở chỗ này. Tóm lại, người sinh ra phải chịu cảnh nghèo hèn, khốn khó là do hậu quả của lòng tham lam, ích kỷ từ nhiều đời, nhiều kiếp và người được giàu sang là do kết quả của việc biết làm lành, làm thiện, biết giúp đỡ, chia sẻ, bố thí, cúng dường. 

Vì nhân quả khác nhau ấy mà trong đời này con người sinh ra đã có sự bất đồng về mọi phương diện giàu nghèo, tốt xấu, thông minh, đần độn… Người nghèo khổ dễ khởi tâm oán giận. Vì sao? Bởi họ thấy mình luôn khốn khổ, gian nan, đầu tắt mặt tối mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn trăm bề; vì vậy họ thường sinh tâm oán giận, căm ghét lung tung, trên trách trời, dưới trách đất, đố kỵ, ganh ghét với người tài cao đức trọng; do đó họ dễ gây ra nhiều tội lỗi.

Biết được điều này, chúng ta sẽ không than oán, trách móc, đổ thừa tại-bị-thì-là rồi không chịu vươn lên làm mới lại chính mình, cố gắng thay đổi đời sống. Chúng ta phải biết gieo trồng phước đức, để đủ điều kiện giúp đỡ người khác khi cần thiết. Muốn có quả xoài ta phải gieo trồng hột xoài, chăm bón cây xoài; còn không, ta phải có tiền mới mua được trái xoài đó, nhân quả là vậy. Nhân quả là giáo lý nền tảng của đạo Phật, ta không gieo nhân tốt mà muốn được quả tốt thì không thể được.

Theo quan niệm Phật giáo, giàu nghèo không phải ở nơi tiền tài, vật chất mà sự giàu nghèo đặt nặng trên nền tảng của đạo đức, tư cách và tấm lòng. Người có lòng nhân ái, sống biết thương yêu, giúp đỡ mọi người, bằng tình người trong cuộc sống thì mới xứng đáng được cung kính và tôn trọng. Ngược lại, người tuy có nhiều tiền bạc của cải, cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất mà không có được những yếu tố trên thì họ vẫn là người nghèo hèn. 

Trong làm ăn kinh tế, đức Phật dạy “tài sản, của cải ta làm được nên chia ra làm bốn phần: Phần thứ nhất dùng chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày; Phần thứ hai tích lũy, dự phòng cho hậu sự hoặc chi dùng khi gặp chuyện bất trắc; Phần thứ ba lo việc phụng dưỡng, hiếu sự với ông bà, cha mẹ; Phần thứ tư làm việc phước thiện, chia sẻ nỗi khổ đau với những người bất hạnh.

Người nghèo khổ thường hay oán giận trời đất sao quá bất công, ai theo truyền thống tín ngưỡng này sẽ oán giận trời đất vì số phận của họ đã được an bài. Nếu có ông trời sắp đặt mọi việc như vậy, tại sao không đem phước lành đến cho tất cả mọi người trên thế gian này hết khổ, được vui? Người nghèo khổ trên họ oán trời, dưới đổ thừa xã hội bất công; bởi khi nghèo khổ tâm trí họ túng quẫn, đầu óc thiếu minh mẫn, sáng suốt, lại không chịu suy tư cho chín chắn nên oán trách lung tung. 

Có khi họ oán trách người thân, gặp chuyện không vui ở đâu rồi về nhà trút đổ nỗi buồn cho cha mẹ, vợ con hoặc khi thất nghiệp không tìm được công ăn việc làm thì oán trách thầy bạn sao không mở lòng giúp đỡ. Người nghèo khổ thường không biết tu tạo phước đức, bởi phải làm lụng vất vả mà vẫn thiếu trước hụt sau, do đó đã nghèo lại càng nghèo thêm. Họ không có điều kiện hay cơ hội giúp đỡ ai, không tích lũy được phước báu, vì vậy mà oán hận chứa chất trong lòng mỗi ngày càng nhiều thêm.

Vì vậy, trách nhiệm xã hội là phải quan tâm đến người nghèo nhiều hơn, không những giúp đỡ họ về phương diện vật chất mà còn phải chăm lo đời sống tinh thần để họ vơi đi những nỗi khổ niềm đau luôn chất chứa trong lòng. Điều tốt nhất để giúp cho họ vượt qua bất hạnh nghèo khó, chính quyền nên hỗ trợ vay vốn làm ăn, khuyên nhủ họ tin sâu nhân quả và biết làm việc lành. Chúng ta có nhiều cách để tạo ra phước đức. 

Về mặt xã hội, ta thực hiện đắp đường, xây cầu, khoan giếng, trồng cây, tạo công viên, hoa viên, lập ra các nơi khám chữa bệnh miễn phí, bệnh viện từ thiện... Đối với đạo Phật ta cần những trách nhiệm cao hơn, ngoài việc giúp đỡ vật chất còn phải hỗ trợ tinh thần để họ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, bế tắc cuộc đời. Tại các chùa hay các cấp của Giáo hội cần lập ra các đoàn từ thiện đi đến vùng sâu, vùng xa thăm hỏi, động viên, trợ duyên cho họ bằng những món quà vật chất với tấm lòng của ít lòng nhiều, khuyến tấn họ đến chùa tu tập nương theo lời Phật dạy, hướng dẫn họ biết cách gieo trồng phước báu, không phải chờ đến khi giàu có mới làm phước được.

Còn nữa...

Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm