Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 11/09/2014, 09:41 AM

Giới luật là nguồn sinh lực Tăng già và nền tảng xây dựng đạo đức xã hội

Ngay từ thời cổ đại, khi con người biết tụ tập nhóm họp, sinh hoạt thành bầy đoàn và phân công lao động thì cũng chính là lúc họ biết định đặt ra những điều lệ, quy ước để cho mọi người cùng nương theo đó thực hành nghĩa vụ cũng như có thể nhờ đó mà bảo đảm được lợi ích và quyền lợi của những người sống trong tập thể quần cư đó.

I. DẪN NHẬP

Ngay từ thời cổ đại, khi con người biết tụ tập nhóm họp, sinh hoạt thành bầy đoàn và phân công lao động thì cũng chính là lúc họ biết định đặt ra những điều lệ, quy ước để cho mọi người cùng nương theo đó thực hành nghĩa vụ cũng như có thể nhờ đó mà bảo đảm được lợi ích và quyền lợi của những người sống trong tập thể quần cư đó. Dần dần theo thời gian, xã hội ngày một văn minh và phát triển, khi họ biết xây dựng quốc gia chủng tộc thì cũng là lúc họ xây dựng nên nền hiến pháp, luật lệ của đất nước và chủng tộc ấy. Cứ như vậy, mỗi một nhóm, tổ chức ra đời lại đặt ra những pháp luật, nguyên tắc, luật lệ của những tổ chức ấy, ngay cả giới luật của các tôn giáo.

Như vậy, pháp luật hay giới luật là những điều ước, quy định mà như ta thấy nhằm để bảo vệ, xây dựng và phát triển cộng đồng ấy ngày càng văn minh, vững mạnh.

Phật giáo cũng vậy, theo quy luật tất yếu của tự nhiên, xuất hiện trong một xã hội lắm biến động và tham vọng, con người luôn luôn biến đổi bởi những điều kiện vật dục, tất nhiên không thể nào không lấy giới luật làm nền tảng để bảo vệ đời sống thanh tịnh và hoà hợp tăng già. Thế nhưng, vượt lên trên, Giới luật Phật giáo không những bảo vệ đời sống, là nguồn sinh lực của tăng già mà như chúng ta thấy, nó còn là nền tảng để xây dựng đạo đức xã hội, là con đường đưa đến bến bờ giải thoát.

“Giới luật là thọ mạng của phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn”.[1] Vì thế cho nên trong kinh Di giáo, lúc sắp nhập Niết bàn, đức Phật đã ân cần tha thiết dặn dò các hàng Tỳ Kheo: “các Thầy Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các Thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới, như người mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy…” (Kinh Di Giáo, HT.Trí Quang dịch)

Xem thế thì đủ biết giới luật trong Phật giáo quan trọng đến mức nào. Tuy nhiên, để thấy rõ giá trị “Giới luật là nguồn sinh lực tăng già và là nền tảng xây dựng đạo đức xã hội” một cách sâu rộng chúng ta sẽ tìm hiểu những chi tiết dưới đây.
 
II. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI GIỚI LUẬT

1. Định Nghĩa

Giới luật là tiếng gọi chung cho tất cả hệ thống giới luật của Phật giáo. Về đại thể thì có sự tương đồng bởi tất cả đều chỉ chung cho những quy tắc, luật lệ nhưng về chi tiết thì chúng có sự khác nhau.

a. Giới (Sìla): nghĩa là “phòng ngừa tội lỗi, ngăn cấm hành động ác, kìm hãm dục vọng và câu thúc đời sống tư hữu của mình hầu mong tiến dần đến quả vị giác ngộ”.[2]

Giới cũng có nghĩa là “phòng phi chỉ ác” (ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt điều ác). Nó chính là phương tiện để giúp cho hành giả đạt đến một cảnh giới giải thoát cao xa bằng cách loại trừ dần những tâm niệm xấu xa, vị kỷ, tư dục thấp hèn.

b. Ba La Đề Mộc Xoa (Pràtimoksa): có nghĩa là Biệt giải thoát luật nghi, xứ xứ giải thoát hay còn gọi là tuỳ thuận giải thoát. Trong Thực Dụng Phật Học Từ Điển định nghĩa: “Các giới luật mà bảy chúng lãnh thọ mỗi mỗi đều hướng đến việc giải thoát ba ác nghiệp và thất chi tội, vì để phân biệt sự khác nhau với Định cộng giới và Đạo Cộng giới nên gọi Biệt giải thoát giới. Cũng còn dịch làTuỳ thuận giải thoát bởi giới luật tuỳ thuận theo hai quả giải thoát hữu vi và Vô vi nên gọi như vậy”.[3]

c. Luật hay còn gọi Tỳ Ni (Vinaya) có nghĩa là pháp luật hay cấm chế. Tức là những nguyên tắc, quy luật, điều lệ nhằm quy định những lối hành xử của tăng già trên nguyên tắc hành xử pháp yết ma của tập thể tăng già đó. Như vậy, Giới là những điều bảo vệ cá nhân người trì giới thì luật lại là những điều để bảo vệ sự thanh tịnh và hoà hợp trong tăng già. “Giới là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của sinh hoạt Tỳ kheo, và luật lại chính là phương thuốc ngăn ngừa sự hư hỏng của giới”.[4]

Do vậy, Giới luật được ví như hàng rào, tường thành thành bảo vệ, như chiếc phao nổi để cứu vớt những người đang sắp chết chìm và cũng như những tràng hoa để trang sức. Người muốn an lạc, thánh thiện và trang nghiêm không thể không thọ trì giới luật

2. Phân loại

Giới luật được đức Phật tuỳ theo từng hạng người mà chế định những điều giới khác nhau thế nhưng tóm lược lại thì chỉ nằm trong ba loại chính yếu như sau:

a. Nhiếp luật nghi giới: giữ gìn tất cả các luật nghi không cho phạm ác pháp, bao gồm tất cả các loại giới tại gia và xuất gia: Ngũ giới, thập thiện, Sa di và Tỳ Kheo.

b. Nhiếp thiện pháp giới: lấy việc thực hành tất cả các điều thiện làm giới.

c. Nhiêu ích hữu tình giới: lấy việc nhiếp thọ, hoá độ tất cả chúng sanh làm giới.

Ngoài ra còn có Định cộng giới là giới do tu tập thiền định mà thân tâm thanh tịnh, giới được cụ túc. Giới định tương ưng nên gọi Định cộng giới.

Đạo cộng giới là sự giải thoát mọi trói buộc thân khẩu nghiệp nhờ nơi trí tuệ, lấy trí tuệ làm giới. Do tu tập vô lậu nghiệp mà được vô lậu trí. Giới Tuệ tương ưng nên gọi Đạo cộng giới.

III. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH GIỚI LUẬT

1. Về Thời gian: Như mọi người đều biết, không phải ngay sau khi đức Phật thành đạo hay lúc thành lập tăng đoàn giới luật được ra đời mà phải đợi đến năm thứ 13 theo bộ Đàm Vô Đức (năm thứ 5 theo bộ luật Ngũ Phần) giới luật mới bắt đầu xuất hiện.

Trong thời kỳ đầu của Phật pháp, tăng đoàn Phật giáo là một tập thể hoà hợp thanh tịnh, không cần có bất cứ một điều giới nào ràng buộc. Tất nhiên chư tăng lúc ấy được gọi là Vô sự tăng, là những người hoàn toàn thanh tịnh mà chưa có bất cứ dục vọng hữu lậu nào. Bất cứ người nào muốn xuất gia, tham gia vào đời sống sinh hoạt vô dục thanh tịnh và hoà hợp thì đức Phật chỉ cần nói: “thiện lai Tỳ kheo”, tức khắc vị ấy trở thành một tỳ kheo như pháp và là thành viên của tăng đoàn ấy.

2. Nguyên Nhân: Càng về sau, do tăng đoàn ngày càng đông, đời sống bắt đầu có sự hỗn tạp cộng với sự cung dưỡng ngày càng nồng hậu của các hàng vua chúa, quý tộc, đại thần nên bắt đầu có nhiều kẻ lợi dụng trà trộn vào. Do đó nếp sống thuần thanh tịnh hoà hợp của cuộc sống Vô sự tăng bị ô nhiễm.

Cũng như xã hội loài người, khi chưa có sự tạo tác, cất chứa của cải riêng tư thì con người trong xã hội ấy sống rất hoà hợp, đoàn kết nhưng bắt đầu từ khi có sự tích tụ tư sản thì sự chiếm hữu và chiến tranh giành giật nảy sinh. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến sự đấu tranh và chiếm hữu là bởi tích tụ tư sản.

Tăng đoàn Phật giáo cũng thế, trong thời gian đầu, mỗi người chỉ có 3 y, bát, cụ nên tăng già thanh tịnh. Khi có sự chất chứa, tích tụ thì ai cũng muốn chiếm hữu phần lợi về mình, tham tâm nổi lên, chơn tâm xuất gia bị phai nhạt và biến mất. Lúc ấy ai cũng chỉ lo bồi đắp, xây dựng cho cá nhân mình sung túc mà đánh mất tinh thần đoàn kết, hoà hợp và thanh tịnh của tăng đoàn lẫn những sự đấu đá về sau.[5] Chính từ những hữu lậu bắt đầu phát sinh ấy, để bảo vệ đời sống tăng già, đức Phật mới chế giới luật. Và từ đó, giới luật Phật giáo được hình thành.
 
IV. ĐẶC ĐIỂM GIỚI LUẬT

Từ sự hình thành trên ta có thể thấy giới luật Phật giáo có những đặc tính sau:

1. Giới Luật Vì Con Người, Của Con Người: Xuất phát từ sự muốn bảo vệ sự thanh tịnh và hoà hợp trong tăng đoàn, cũng như tránh mọi hữu lậu phát sinh về sau để tăng thêm nguồn an lạc cho các Tỳ kheo, giới luật được chế định. Như vậy, nó đã thõa mãn điều kiện thứ nhất là vì con người, xuất phát từ con người và hoàn toàn không mang bất cứ bóng dáng của thần thánh hay thượng đế nào. Nó không phải là một loại giới do Thượng đế áp đặt, bắt con người phải tuân theo một cách tuyệt đối, nếu không sẽ bị đoạ hoả ngục như một số tôn giáo khác rêu rao.

2. Ba Yếu Tố (Mục Đích) Của Việc Chế Giới: Xã hội không phải là một cá nhân đơn lẻ mà cả một tập thể. Do đó, trong cuộc sống, nếu không không có giới luật quy ước thì sẽ khó mà bảo vệ được đoàn thể tăng già và sự an lạc của tự thân và tha nhân. Do vậy, giới pháp Phật chế ra cũng không ngoài ba yếu tố chính:

a. Phòng ngừa sự chướng ngăn thánh đạo
b. Bảo vệ sự hoà hợp trong Tăng thân
c. Tránh sự cơ hiềm của thế gian.

3. Tinh Thần Tùy Phạm Tùy Chế: là một tinh thần mang dấu ấn sâu sắc, đặc biệt nhất mà không phải tôn giáo nào cũng có được. Điều ấy có nghĩa rằng tuỳ theo sự hư hoại hạnh thanh tịnh và hữu lậu phát sinh tới đâu thì giới luật của Phật giáo được chế định đến đó. Chưa bao giờ và cũng không bao giờ giới luật Phật giáo đặt ra những giới luật vô cớ để ràng buộc, gò bó đời sống giải thoát của con người. Khi một tỳ kheo phạm phải một vấn đề nào đó thì một điều giới được ban hành. Sau đó, tuỳ theo nhu cầu, nếu thấy vấn đề đó cần được cải đổi hay gia tăng thì ngài liền tuỳ theo đó mà chế định. Bằng chứng là năm thứ 13 ngài mới chế giới.

Có lần Ngài xá Lợi Phất nhập định thấy chư Phật trong đời quá khứ do chế định giới luật mà chánh pháp được tồn tại lâu dài. Do đó, tôn giả mới thỉnh đức Phật chế định giới pháp. Ngài liền dạy: “thôi xá Lợi Phất, ta biết thời mà, bây giờ người nhỏ nhất trong chúng của ta cũng chứng Sơ quả Tu Đà Hoàn thì cần gì phải chế giới”.[6] Ngài từ chối lời đề nghị này bởi ngài biết thời cơ và lúc nào thì nên làm. Ngài không muốn chế định giới luật theo kiểu áp đặt, bởi tự dưng chế giới thì chúng tỳ kheo có thể lầm hiểu rằng đức Phật không thật sự tôn trọng họ. Như vậy, giới Phật giáo là giới luật tuỳ phạm tuỳ chế.

4. Tính Linh Hoạt Khi Trì Giới: Từ tinh thần “tuỳ phạm tuỳ chế” nên khi thọ trì giới pháp, giới luật được vận dụng hết sức linh động. Trong luật Ngũ Phần, quyển 22, đức Phật dạy: “Tuy là điều ta cấm chế, mà nơi khác không cho đó là thanh tịnh, đều không nên dùng; tuy chẳng là điều chính ta chế cấm, nơi khác thấy cần nên làm, thì chẳng được chẳng làm”.[7] Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, địa phương mà giới luật của Phật cũng biến đổi khác nhau, miễn sao phù hợp với tinh thần giải thoát và bảo đảm được sự thanh tịnh, hoà hợp trong tăng đoàn. Tuy nhiên, những điều khai mở và linh động trên cũng chỉ thuộc những điều về Giá (già) giới, tức là những phương tiện, còn Tánh giới (bản chất của việc làm ấy là ác) thì tuyệt đối đức Phật không khai, dù bất cứ lí do gì và ở nơi đâu. Tất nhiên sự ngăn cấm hay linh động ấy cũng chỉ vì bảo hộ chứ không phải ràng buộc hay gò bó đời sống an lạc của chư tăng. Trong giới luật có rất nhiều những câu chuyện nói về tính linh hoạt này và đó chính là nét đặc trưng quý báu thể hiện tính nhân bản, tính tự do của Phật giáo. 

V. GIỚI LUẬT-NGUỒN SINH LỰC TĂNG GIÀ

1. Tăng già là gì?

Tăng già đựơc phiên âm từ tiếng Phạn là Samgha, có nghĩa là một hội chúng trong đó mọi người “cùng sinh hoạt dưới sự chi phối của một số nguyên tắc của nội quy và quy luật của tập thể, cùng có những quan hệ bình đẳng và hợp lí về các nghĩa vụ quyền lợi, cùng hướng đến mục đích chung”.[8]

Danh từ tăng già, do vậy, không phải chỉ để dành chỉ riêng cho đoàn thể tăng già Phật giáo mà ngay từ trước đức Phật, nó đã được dùng để chỉ cho những đoàn thể tăng già khác như Bà la môn v.v… tuy nhiên khi nó được áp dụng vào Phật giáo thì từ này nó cũng mang một ý nghĩa khác, với một ý nghĩa tích cực và hướng thượng hơn bởi nó vượt ra ngoài những ý nghĩa ước lệ thông thường. Tăng già Phật giáo “không đơn giản là một cộng đồng hoà hợp, mặc dù tinh thần hoà hợp là sinh mạng của bất cứ cộng đồng nào trong xã hội loài người. Nó cũng không đơn giản là một cộng đồng gồm những người có cùng chung mục đích, một lí tưởng mặc dù đó là động lực cơ bản cho bất cứ sự đoàn kết và hoà hợp tăng già, cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật, trong ý nghĩa mà đức Phật thiết lập, phải là mảnh đất tốt cho sự tăng trưởng của thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi sự tiến bộ tâm linh, tức là những phát triển của nhận thức chân chính về sự thật của đời sống vì chỉ có nhận thức ấy trí tuệ vô lậu mới có thể giải thoát những khổ đau của con người”.[9] Theo ý nghĩa này thì cộng đồng tăng già của Phật giáo không phải là một sự ngẫu hợp của những người cùng một mục đích lí tưởng để bảo vệ quyền lợi của họ.

2. Thành Phần Cấu Tạo Nên Tăng Già

Để hình thành nên tăng già, theo Phật giáo phải có ít nhất từ 4 vị tỳ kheo trở lên, không được dưới. Và tư cách của những thành viên trong ấy phải là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, những người có đầy đủ tư cách và phải thanh tịnh để hình thành nên một đoàn thể hoà hợp và thanh tịnh. Tất nhiên, ngoài hai hạng trên, những hạng người khác dù có vượt con số 4 người, cho đến đông vô số cũng không thể được gọi là tăng.

3. Giới Luật Là Nguồn Sinh Lực Tăng Già

a. Thanh Tịnh, Hoà Hợp Là Nền Tảng Của Tăng Già

 Để hình thành Tăng già thì cần có nhiều nhiều điều kiện nhưng đặc tính để tăng già tồn tại chính là tức tinh thần hoà hợp và thành tịnh. Nhờ tinh thần này mà tăng già mới là nơi nương tựa an ổn và vững chắc nhất cho tất cả mọi người và là mảnh đất tốt để phát sinh công đức. Trong 45 năm hoá độ, tuỳ theo những hữu lậu phát sinh từ các hàng tỳ kheo mà đức Phật đã chế ra không biết bao nhiêu giới luật, mỗi mỗi giới đều mang những đặc tính và ý nghĩa riêng, đối trị từng căn bệnh, thế nhưng tất cả các giới ấy đều có chung hai đặc tính cơ bản đó là sự thanh tịnh và hoà hợp.

“Thanh tịnh và hoà hợp là điều kiện chính yếu để hình thành một giáo hội tăng già lớn mạnh đặc trưng cho tinh thần giải thoát”.[10] Và bởi do thanh tịnh và hoà hợp tạo nên bản thể đích thực của tăng già từ đó tạo nên chỗ nương tựa xứng đáng, là chỗ ý cứ cho phật tử tại gia. Do vậy, bất cứ lúc nào và ở đâu hai tinh thần này không thể thiếu. Nếu tăng già nhóm họp trong tinh thần hoà hợp mà không phản ánh đúng tinh thần giáo lý cơ bản của phật pháp, tức là không thể diệt trừ được những ác nghiệp từ thân khẩu ý (thanh tịnh) và phát sinh nên nghiệp quả vô lậu - giải thoát - thì vẫn gọi là hoà hợp phi pháp.[11] Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của sự hoà hợp, giữa hai yếu tố này nó tương quan mật thiết với nhau, chúng bổ túc cho nhau để tạo nên một nền tảng vững chãi, là “mảnh đất tốt sinh trưởng thiện pháp”. Hoà hợp và thanh tịnh cũng như hai chân của con người, nhờ nó mà chúng ta có thể đi, thiếu một trong hai thì không thể nao đứng vững được.

b. Giới Luật Bảo Hộ Sự Thanh Tịnh Và Hoà Hợp

Như đã trình bày, trong 13 năm đầu tiên sau khi Phật thành đạo tăng già hoàn toàn thanh tịnh và hoà hợp mà không cần bất cứ một thứ gì ràng buộc, gò bó mà phải đợi khi có hữu lậu phát sinh thì giới luật mới được hình thành. Nếu không có giới luật phòng ngừa, ngăn chặn những ác pháp và xử trị những trường hợp phi pháp ấy thì không những cá nhân gây nên những ác nghiệp sa đoạ mà tăng già cũng không còn được giữ nguyên vẻ đẹp trinh nguyên của nó, bởi tăng già được hình thành từ những cá nhân. Một tập thể mà trong đó cá nhân không thanh tịnh thì làm sao xây dựng nên xã hội thanh tịnh, hoà hợp.

Tuy nhiên, để các cá nhân thanh tịnh và có thể hoà hợp thì không thể nào khác hơn là phải dùng tới giới luật. Nhờ giới luật mà các thành viên trong ấy biết khắc phục, điều tiết những hành động của mình và tuân thủ các nguyên tắc chung. Không có giới luật làm nền tảng, mỗi người sinh hoạt mỗi cách thì sự ô hợp nảy sinh là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Do vậy, chính giới luật mới là nguồn sinh lực của tăng già, giới là vòng hoa trang sức các cá nhân cũng là những tràng hoa trang hoàng ngôi nhà tăng đoàn Phật giáo. Trong “Mười điều lợi ích của giới luật” [12] ta thấy hầu hết những điều ấy đều nhằm xây dựng và bảo vệ sự an lạc tăng thân. Đặc biệt điều thứ 10, nếu giữ gìn giới pháp không những cá nhân thanh tịnh, tăng đoàn an lạc mà còn khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài.

Vì lợi ích và sự quan trọng như thế nên giới luật luôn luôn được đề cao và ca ngợi. Kinh Hoa nghiêm nói: “Giới là gốc của vô thượng bồ đề”; hay “thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị” v.v… nghĩa là muốn bước lên quả vị vô thượng giác, muốn hoàn thành nhân cách (theo Phật giáo) thì không thể nào không thọ Phật giới, từ giới pháp này mà các thiện pháp được phát sinh, tăng trưởng.

Trong luật Thiện Kiến đức Phật dạy A Nan có năm điều khiến chánh pháp tồn tại lâu dài:

- Một, sau khi như Lai diệt độ phải lấy giới luật làm thầy.
- Hai, ở đời ít nhất có năm người trì giới.
- Ba, khi truyền cụ túc ở trung thiên trúc thì cần 10 vị, biên địa cần 5 vị.
- Bốn, khi xuất tội tăng tàn cần phải đủ 20 vị tăng.
- Năm, nhờ vào các vị luật sư.[13]

Lại trong Tứ Phần Luật San Bổ Yết Ma Huyền Ty Sao cũng nêu lên năm nguyên nhân khiến cho tăng già suy vi, chánh pháp mau hoại diệt:

- Tỳ kheo không lóng nghe kỹ tụng luật, ưa quên văn cú lại dạy người khác, khiến cho văn đó không đủ, nghĩa bị thiếu sót.
- Bực thượng toạ hơn người mà không trì giới mà làm ác khiến hậu sanh bắt chước.
- Tỳ kheo trì pháp, luật, luận mà không dạy người.
- Tỳ kheo khó dạy bảo không nghe, các tỳ kheo khác xả trí (không ai nói đến).
- Mắng nhiếc và tìm việc tốt xấu lẫn nhau.[14]

Trong trường hợp một tỳ kheo không thanh tịnh sống trong tăng đoàn thì cần phải có phương pháp xử trị như trong kinh Tăng Chi đã nói: “Nếu Tỳ kheo nào không giữ được hạnh thanh tịnh thì tăng thân sẽ không sống chung với người ấy, hãy nhanh chóng tụ họp và loại kẻ ấy ra”.[15]

Lịch sử hình thành và tồn tại của tăng già Phật giáo trải qua nhiều thời kỳ đã nói lên điều đó. Khi nào chúng tăng thọ trì tịnh giới tinh nghiêm và trong tăng hoà hợp thanh tịnh thì chánh pháp tồn tại lâu dài và hưng thịnh. Ngược lại là sự suy vi như chứng ta đã từng thấy. Do vậy, “sự toàn thiện đạo đức của mỗi cá nhân là nét đẹp trang nghiêm của đoàn thể. Mỗi tỳ kheo hay Tỳ kheo ni sống đúng như pháp, như luật là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh tăng già”.[16]
 
VI. GIỚI LUẬT – NỀN TẢNG XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

1. Quan Niệm Về Đạo Đức

Nói đến đạo đức là nói đến một phạm trù khái niệm rộng lớn được thể hiện qua những quan niệm của những tập thể, dân tộc hay quốc gia nào đó. Có thể ở mỗi quốc gia có những quan niệm về đạo đức khác nhau nhưng vấn đề cơ bản vẫn không ra ngoài quan niệm về luân lý nhân sinh của con người như thiện ác, hạnh phúc, công bằng, tự do v.v… theo chuẩn tắc chân thiện mỹ. Và tất nhiên, nền đạo đức chân chính phải vì con người. Socrate, một triết gia cổ Hy Lạp nói:“một nền đạo đức thì không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lí không phụ thuộc vào thần học, hoàn toàn thích hợp với những người có tôn giáo cũng như không tôn giáo thì xã hội mới ổn định”.[17]

2. Nền Tảng Xây Dựng Đạo Đức Theo Giới Luật Phật Giáo 

Đạo Phật sống không phải vì cá nhân mà vì xã hội do đó đạo Phật tồn tại cũng không ngoài xã hội. Tuy hướng về mục đích giải thoát nhưng tinh thần của Phật giáo là tinh thần nhập thế dấn thân, đặt nền tảng lợi ích của tập thể, của số đông lên trên mọi lợi ích của cá nhân. Chính ý nghĩa của Tăng già đã khẳng định nên tinh thần đó. Do vì Phật giáo luôn đề cao lợi ích của con người nên giới luật Phật giáo không thể tách rời hay biệt lập với nền đạo đức thế gian.

Trong một chừng mực nào đó thể coi đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc. Do vậy, nếu hạnh phúc là đích đến của xã hội thì giới luật Phật giáo hoàn toàn đáp ứng một cách đầy đủ các điều kiện để xây dựng nền tảng đạo đức, hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp và thái bình. Bởi giới luật Phật giáo được xây dựng trên căn bản Giới Định Tuệ. Giới định tuệ là ba mặt của một vấn đề, không thể tách rời nhau. Trong giới luôn có sự hiện hữu của Định, Tuệ. Định và Tuệ làm điểm tựa và soi sáng cho Giới.

Đời sống xã hội từ xưa đến nay luôn luôn biến động và đầy dẫy những sự bất công, thù nghịch. Hết chuyện này đến chuyện khác, từ sự giành giựt nhau một miếng ăn nho nhỏ đến sự tranh chấp giữa những quyền lợi giữa các gia đình, xóm làng và cả chiến tranh thôn tính lẫn nhau; Rồi nào là ỷ mạnh hiếp yếu, tàn sát những lương dân vô tội; đâm thuê chém mướn; trong gia đình vợ chồng không tin tưởng nhau, cha mẹ con cái bất hoà; người lường kẻ gạt; kẻ say người xỉn dẫn đến những hành động không biết đến lương tri đạo đức v.v… những sự việc như vậy ta có thể bắt gặp, nghe thấy ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời điểm nào. Tại sao lại như vậy, tại họ thiếu tình thương, thiếu sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau nên mới đưa đến những sự việc như vậy.

Trước tình cảnh ấy, Phật giáo xây dựng nên năm giới như là thước đo, là thành trì để bảo vệ, xây dựng hạnh phúc, đạo đức xã hội. Tuy nhiên, năm giới là điều kiện tối thiểu mà không phải là tất cả của người phật tử. Nếu thực hành được năm giới này một cách hoàn chỉnh chính là đã xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc, hay một nhân gian tịnh độ, theo Phật giáo. Vậy năm giới ấy là gì? Đó là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu.

Trong năm giới ấy, mỗi mỗi đều được xây dựng trong tinh thần xây dựng, bảo vệ lợi ích cá nhân và cộng đồng. Khi mình giữ giới không những cá nhân được lợi ích mà cả những người chung quanh cũng hưởng những hạnh phúc theo. Như các bậc cổ nhân thường nói: “Nhất nhơn tác phước thiên nhân hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương” là bởi ý ấy. Ngoài ra năm giới còn có một số tính chất tiêu biểu cơ bản như sau:

a. Mọi người ai cũng muốn bảo vệ đời sống, thân mạng, của cải, hạnh phúc của mình mà không muốn có bất cứ sự xâm hại nào từ người khác. Không muốn người làm tổn hại mình thì mình cũng không làm tổn hại người. Như vậy hạnh phúc ở đây luôn được bảo vệ bởi tính chất hai mặt của sự thọ trì giới. Ngoài ra, mình sẽ không bị quả báo cũng như kết những mối oán thù bởi do mình thọ trì giới này.

b. Ý thức được rằng, nếu không thực hành những điều giới trên thì không những cá nhân mình bị tổn hại mà gia đình, xóm làng và xã hội mình chung sống không những không bảo toàn được sự an lạc, hạnh phúc mà còn có thể là nguyên nhân dẫn đến những sự đấu tranh, xung đột và có thể tiêu diệt lẫn nhau. Do đó, không làm điều ác mà cần phải làm điều thiện; không gây tổn hại mạng sống, của cải, phẩm hạnh mà còn phải bố thí; không trộm cướp mà phải phóng sanh; không tà hạnh mà phải bảo vệ phẩm hạnh của tất cả mọi người; không nói dối, dua nịnh mà nói những lời ngay thẳng, chân thật, lợi ích; không uống, sử dụng những thứ chất làm cho say đắm tâm hồn mà cần phải xoá tan những thứ ấy và làm cho cuộc sống trong sạch hơn.

c. Thọ trì năm giới là thực hành năm sự bố thí vô hạn hay còn gọi là Ngũ đại thí giới. Bởi không giết hại thì mọi người chung quanh không có còn lo sợ sát hại; không trộm cắp thì mọi người không còn sợ mất trộm và cướp giựt; không tà hạnh thì mọi người không còn lo sợ có người quấy nhiễu… Chính nhờ thọ trì giới mà mọi người luôn yên ổn, hạnh phúc, tin tưởng lẫn nhau, cuộc sống không còn sợ sệt thì tất nhiên bóng dáng của khổ đau cũng không còn.

d. Giới luật của Phật giáo được xây dựng trên nền tảng Từ bi và trí huệ cho nên ngũ giới cũng có nền tảng là từ bi và trí tuệ. Điều cần phải chú ý khi thọ trì ngũ giới là phải luôn thực hành, xây dựng tình thương và trí tuệ. Tình thương để bồi đắp, xây dựng cuộc sống thêm đáng yêu đáng sống; trí tuệ để thấy, để nhận biết những ác pháp, lỗi lầm mà tranh xa. Vì thế, trì ngũ giới cũng chính là thực tập tâm từ bi và trí tuệ. Và đây cũng chính là nét đặc biệt nhất của Ngũ giới hay Phật giới.

Với những điều trình bày ở trên, tuy có thể chưa đầy đủ những nét đăc sắc của giới luật Phật giáo nhưng ở một chừng mực nào đó đã cho chúng ta thấy được những điểm trọng yếu, cơ bản để xây dựng nền tảng đạo đức thế gian. 
 
VII. GIỚI LUẬT PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

Giới luật Phật giáo ngay từ xưa đã khẳng định được vai trò trọng yếu của nó trong đời sống tăng đoàn cũng như sự trường tồn của chánh pháp. Và ngày nay, giới luật không những không còn giá trị mà ngược lại nó lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Chúng ta cần lưu ý rằng, thời Phật tại thế, Tăng đoàn đa phần là những bậc thánh giả vô lậu tu tập, sinh hoạt thế mà vẫn còn có những hữu lậu phát sinh làm quấy nhiễu đời sống thanh tịnh, hoà hợp đến nỗi khiến đức Phật phải chế giới luật để ngăn chặn và bảo vệ. Còn trong thời đại ngày nay, tăng đoàn Phật giáo không những bị những vật lợi ích vật chất chi phối một cách sâu nặng, tâm trí u ám, nghiệp chướng sâu dày mà bên cạnh đó còn có những kẻ lợi dụng những danh nghĩa khác nhau trà trộn vào Phật giáo để phá huỷ đạo Phật.

Hiện tượng này không phải hiếm mà nhan nhãn khắp mọi nơi, mọi tự viện và tỉnh thành. Điều đáng buồn hơn là tăng già Phật giáo lại bị điều khiển bởi những nhân vật này khiến cho Phật giáo không còn đúng với nguyên nghĩa của nó. Tất nhiên trong những trường hợp ấy, giới luật không phải không phát huy được tác dụng mà bởi vì sự lãng quên của những người hành trì hay bởi sự cố tình vùi dập của một vài thành phần bất chánh trà trộn vào trong tăng già đó.

Cũng có một số tỳ kheo, không biết vì vô tình hay cố ý, mà rêu rao huỷ bỏ giới luật hay không công nhận những giá trị của giới luật mang lại. Họ cho rằng giới luật thật sự không cần thiết trong thời đại mà ta chỉ cần bấm nút là có thể lên tới cung trăng, rằng những những người thọ trì giới luật là những người cổ lỗ xỉ, là lạc hậu. Đối với họ, chỉ cần thâu thập thật nhiều kiến thức khoa học thế gian là có thể làm thầy thiên hạ và có đủ mọi thứ cung dưỡng rồi.

Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là người thọ trì Phật giới ngày hôm nay không quyết tâm, chí thiết trong thọ trì cũng như không am hiểu về luật tạng nên khi vướng mắc vào sự việc liền lúng túng không biết cách xử sự, đôi khi thành ra phá giới, phá kiến. Đức Phật dạy: “chỉ có trùng trong sư tử mới ăn thịt của sư tử”. Cũng vậy, sự hoà hợp thanh tịnh của tăng đoàn, sự trường tồn của Phật pháp nếu có hoại diệt cũng bởi chính những thành phần đệ tử Phật không thọ trì giới luật mà thôi.

VIII. KẾT LUẬN

Cần phải hiểu giới luật không phải là điều kiện tối ưu mà là điều kiện cuối cùng. Quan trọng nhất là phải tự giác ngộ bản thân và cải đổi tâm ý. Khi tâm thanh tịnh thì mọi cảnh giới đều thanh tịnh, nghiệp chướng cũng tiêu trừ. Trong trường hợp không thể bảo vệ đời sống thánh thiện giải thoát thì lúc ấy giới luật là hàng rào bảo vệ những phạm hạnh, đạo đức cũng như sự thanh tịnh, hoà hợp.

Khi nào xã hội còn có những vương mang trong vòng tội lỗi, khi nào tăng đoàn phật giáo còn có những hữu lậu phát sinh thì khi ấy vẫn cần sự hiện hữu của giới luật.

Xã hội biến đổi, thời gian biến đổi, con người cũng thay đổi thế nhưng giới luật vẫn giữ nguyên trạng thái cũ tất sẽ không phù hợp với lối sống và hoàn cảnh hiện tại. Do vậy, muốn giới luật mãi còn được lợi ích và giữ vững giá trị của nó thì đòi hỏi chúng ta cần phải có những cái nhìn thông thoáng về giới luật. Ngoại trừ những tánh giới, những điều còn lại chúng ta cần phải có một cái nhìn và ứng xử cho thật linh động phù hợp.

Tuy nhiên công việc ấy thật rất khó khăn, khó có ai dám đảm đương. Nhưng thiết nghĩ, thuở xưa, văn hoá tập tục khác nên dân tộc ta ăn mặc những trang phục khác, còn thời điểm hiện tại, thuận theo trào lưu chung, lối trang sức ăn mặc của chúng ta cũng thay đổi theo, miễn sao không có sự lập dị và trái với thuần phong mỹ tục thì sự thay đổi ấy là cần thiết. Nếu cứ khăng khăng giữ lề lói cũ thì đó chính là kẻ không nhìn thấy được giá trị của việc ăn mặc, trang sức.

“Nếu chúng ta giữ gìn những quy chế mà thực tế nó không có mội trường để “dừng ác sinh thiện” thì quả là vô bổ, nhọc sức”.[18] Do đó, Thánh giới của phật giáo sở dĩ còn mãi giá trị chính là ở tính linh hoạt và bảo đảm được sự thanh tịnh và hoà hợp trong tăng đoàn. Một khi giới luật không thoả mãn các điều kiện ấy thì thiết nghĩ giới luật chỉ là một mớ giáo điều ràng buộc con người trong khổ đau mà thôi.

Thích Nguyên Tuấn - khóa 6
Nguồn: http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-533/Gioi-luat-la-nguon-sinh-luc-Tang-Gia-va-nen-tang-xay-dung-dao-duc-xa-hoi.html

[1] Thích Trí Thủ, Tâm Như Trí Thủ Toàn Tập. TPHCM: NXB TPHCM, 2002, Tr.116
[2] Trí Thủ 102
[3] Thật Dụng Phật Học Từ Điển (chữ Hán). Trung Hoa Dân quốc thứ 23, Hương Cảng Phật Kinh xuất bản, tr. 918
[4] Tuệ Đăng dịch, Giới Luật Cương Yếu, tr. 320
[5] Xem Tập san Pháp luân số ….. trg
[6] Thích Đổng Minh (dịch). Luật Ngũ Phần Tập I, Quyển 1 (lưu hành nội bộ). 1997, tr. 6
[7] Thích Đổng Minh dịch, Luật Ngũ Phần Tập II, Q.22 (lưu hành nội bộ). 1997, Tr. 204
[8] Thích Trí Thủ, Yết Ma Yếu Chỉ. TPHCM, Trường Cao Cấp PHVN , 1991, tr.11
[9] Sđd, tr. 11-12
[10] Thích Minh thông., Theo Dấu Chân Xưa. TPHCM: NXB Tôn Giáo, 2003, tr.70
[11] Xem chi tiết bảy Phi tướng yết Ma trong Yết Ma Yếu Chỉ, sđd, tr. 36-38
[12] Mười điều lợi ích của việc thọ trì giới: 1. nhiếp thủ ư tăng. 2. linh tăng hoan hỷ. 3. linh tăng an lac. 4. linh vị tín giả tín. 5. dĩ tín giả linh tăng trưởng. 6. nan điều phục giả điều phục. 7. tàm quý giả đắc an lạc. 8. đoạn hiện tại hữu lậu. 9 đoạn vị lai hữu lậu. 10. linh chánh pháp cữu trụ.
[13] Lược trích Chú Giải Luật Thiện Kiến doTâm Hạnh dịch,. (Lưu hành nội bộ 1999). Tr. 661
[14] Thich nữ Như Pháp dịch, Tứ Phần Luật San Bổ Yết Ma Huyền Ty Sao. Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2006, tr. 391-2.
[15] Thích Minh thông sđd, trg.70
[16] sđd tr. 72
[17] Trí Hải & Bửu đích dịch, Câu Chuyện Triết Học của Will Durant. SaiGòn, Tu thư vạn hạnh. 1971. tr.18
[18] Thích Minh Thông, sđd, tr. 45
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm