Giới sát trong đạo Phật
Đạo Phật có mặt từ hơn 26 thế kỷ trước, giáo lý của đạo Phật lấy từ bi làm gốc nên hình ảnh của Phật giáo đi đến đâu là tinh thần từ bi, thương yêu được lan truyền đến đó.
Sát sinh ắt phải chịu nghèo hèn
Tinh thần từ bi của đạo Phật không chỉ giữa con người với nhau mà còn yêu thương tất cả mọi loài chúng sinh từ hữu tình cho đến vô tình. Khi chế định giới luật đức Phật luôn luôn coi trọng việc giữ giới là không sát hại các chúng sinh hữu tình. Ở năm giới của cư sĩ tại gia, mười giới của Sa di và tỳ kheo thì đều lấy giới sát làm trọng. Mục đích đức Phật khuyến khích việc không sát sinh là vì tôn trọng Phật tánh bình đẳng; tôn trọng sự công bằng; thể hiện lòng từ bi yêu thương chúng sinh và nếu không sát sinh thì không phải chịu quả báo khổ đau.
Thứ nhất là vì tôn trọng Phật tánh bình đẳng của mỗi chúng sinh. Như trong kinh Pháp Hoa có dạy “đức Phật ra đời vì mục đích khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”. Qua đó để chúng ta thấy rằng trong bản tánh của mọi loài chúng sinh từ loài người cho đến loài vật, từ hữu tình cho đến vô tình đều có chủng tử Phật, hạt giống Phật, nghĩa là bình đẳng với nhau về khả năng thành Phật. Ta tự tôn trọng bản thân vì trong ta có hạt giống Phật nhưng ta đồng thời cũng phải tôn trọng cả hạt giống Phật trong mỗi chúng sinh. Đã thấy hạt giống Phật trong mỗi chúng sinh mà ta còn nhẫn tâm sát hại chúng sinh chẳng khác nào một ông Phật tương lai lại đi sát hại một ông Phật tương lai. Vì vậy nên khi đã thấy rõ Phật tánh bình đẳng chúng ta nguyện dứt việc đoạn mạng sống chúng sinh.
Thứ hai là tôn trọng sự công bằng nên không sát sinh. Có lý thuyết cho rằng “Vật dưỡng nhân” có nghĩa là mọi sinh vật sinh ra đều có mục đích làm thức ăn cho con người. Quan điểm này liệu có đúng chăng? Nếu ta nói vậy thì một ngày kia chúng ta đi lạc vào rừng rồi vô tình gặp phải các loài hùm beo, sư tử. Nếu chúng nói được thì chúng cũng sẽ nói “Nhân dưỡng vật”, con người là thức ăn của muôn loài, lúc đó chúng ta liệu có hoan hỷ nằm xuống cho nó thoải mái ăn thịt mình hay không? Qua đó mới thấy rằng không có chuyện “vật dưỡng nhân” hay “nhân dưỡng vật” mà con người và con vật đều bình đẳng với nhau. Thế nhưng con người chúng ta thường hay ỷ mình là sinh vật thượng đẳng, có sức mạnh và hiểu biết vượt trội rồi lấy sự vượt trội đó mà lấn hiếp các loài sinh vật khác, để rồi săn bắt giết hại và ăn thịt các loài khác. Chúng ta là người học Phật nên cần phải tôn trọng sự công bằng, đừng vì ỷ mình có sức mạnh mà làm thương tổn các loài chúng sinh.
Lý do thứ ba, đức Phật chế giới cấm sát sinh là vì lòng từ bi thương yêu chúng sinh. Có câu “Không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”. Ta muốn có hạnh phúc, ta sợ hãi đau khổ, không lẽ chúng sinh không phải như vậy hay sao? Ta hãy tưởng tượng có người đè xuống, cắt cổ, chọc huyết, mổ bụng ta có chịu nỗi hay không? Vậy sao ta có thể bình thản khi dùng những hành động đó với chúng sinh. Các con vật không biết nói nên ta cứ tưởng chúng không biết sợ chết, có những con vật trước lúc chết, chúng chảy nước mắt và rống lên tha thiết, thế mà chúng ta vẫn dửng dưng. Vậy thì lòng từ của chúng ta còn hay không? Người đệ tử Phật với lòng từ yêu thương mọi loài thì làm sao nỡ giết hại chúng sinh.
Thứ tư là vì sợ hãi quả báo xấu ác nên cần giữ giới bất sát. Chúng ta thấy trên thế giới hiện nay ở một số quốc gia, hàng ngày chiến tranh vẫn nổ ra liên miên. Con người có thể nêu ra một vài nguyên nhân chiến tranh nổ ra như tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp tài nguyên, tranh giành quyền lợi địa vị,… Nhưng có một nguyên nhân sâu xa mà không phải ai cũng biết. Đó chính là nhân sát hại chúng sinh dẫn đến oán đối chất chồng. Những chúng sinh bị mất mạng dưới bàn tay ta, trong lòng chúng mang một nỗi oán hận, sau nhiều kiếp tái sinh, chúng trở thành con người, khi có thân người chúng sẽ tìm chúng ta để trả đũa. Đó là nguyên nhân sâu xa bắt nguồn cho những cuộc chiến tranh. Ngoài ra, đức Phật chế giới sát còn là vì không muốn con người chịu khổ đau. Trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn “Người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê” đó là vòng luân hồi ân oán chảy mãi. Trong bài kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, bài kinh 135 thuộc Trung Bộ kinh có đoạn “Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục nếu được đi đến loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải đoản mạng” Qua đây, ta thấy người sát sinh hiện đời gặp nhiều bệnh tật chết đọa ba đường ác.
Thiên tai, động đất, sóng thần có phải do chiêu cảm của việc sát sinh?
Có rất nhiều kinh điển cũng nói về quả báo sát sinh. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng có đoạn “Người tu chánh định cốt để ra khỏi trần lao. Nếu tâm sát hại chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt sát hại ắt phải lạc vào đạo quỷ thần … A nan ông tu thiền định nếu không trừ tâm sát hại mà muốn cầu được đạo thì cũng như người tự bịt hai lỗ tai, la tiếng thiệt lớn mà muốn cho mọi người không nghe thì không thể được. Hàng tỳ kheo trong sạch và chư Bồ Tát đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. Làm sao người có lòng đại bi lại ăn thịt chúng sinh”. Đoạn kinh đã cho ta thấy nếu người tu hành mà trong tâm vẫn chưa trừ bỏ được ý muốn sát hại chúng sinh thì chỉ có thể lạc vào đạo quỷ thần (cảnh giới A Tu La, một trong lục đạo luân hồi). Vậy nên muốn giải thoát khỏi luân hồi thì cần học theo chư Bồ Tát, A La Hán khởi từ tâm đến độ không nở làm tổn thương đến một ngọn cỏ huống nữa là sát hại chúng sinh. Trong kinh Địa Tạng có đoạn “Việc giết hại cho đến tế lễ không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi. Giả sử người chết đã chứng phần thánh quả thì việc hàng thân thuộc gây nghiệp không lành cũng làm người đó mắc ương lụy chậm sinh vào chốn lành. Huống gì là người kia chết lúc sinh tiền chưa từng làm được chút phước lành đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo. Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm! Cũng ví như có người từ xứ xa đến tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật người đó mang vác nặng hơn trăm cân ,bỗng gặp kẻ lân cận lại gửi một ít đồ vật nữa vì vậy mà người đó càng phải khốn khổ, nặng nề thêm”. Khi trong nhà có người mất, chúng ta thường làm ma chay đám tiệc linh đình, trong đó thường hay giết hại rất nhiều chúng sinh để cúng lễ. Nhưng như trong kinh đã cho ta thấy rõ việc giết hại chúng sinh để cúng lễ không có một chút gì lợi ích cho người mất mà ngược lại còn gây tổn hại cho người mất.
Người học Phật nếu từ bỏ ý muốn hại mạng chúng sinh thì trên bước đường tu sẽ đạt được nhiều quả báo thiện lành. Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt cũng có đoạn “Này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà từ bỏ sát sinh, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sinh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Nếu người ấy sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy được trường thọ”. Trong kinh Thập Thiện có đoạn “Nếu xa lìa sát sinh thời được thành tựu những công đức: Dứt sạch tập khí giận hờn; Thân thường không bệnh; Mạng sống lâu dài; Thường được phi nhân (quỷ thần) ủng hộ; Thường không ác mộng, thức ngủ an vui; Diệt trừ oán nghiệp, oán thù tự giải; Không sợ sa đường dữ; Khi chết sinh lên cõi trời”. Đó là những phước báu mà chúng ta thành tựu được khi từ bỏ sát hại chúng sinh.
Nguyên nhân Đức Phật chế giới không sát sinh và diệu dụng
Chúng ta cũng cần hiểu về giới sát một cách rộng hơn nữa. Chúng ta không nên cho rằng chỉ khi nào cầm dao, cầm gậy đoạt mạng sống của một hữu tình mới gọi là sát sinh, mà đôi khi chỉ cần một lời nói cũng đã được xem như là sát sinh rồi. Hình thức sát sinh này không gây ra bất kỳ một vết thương nào trên cơ thể vật chất nhưng lại có khả năng làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần của một hữu tình. Những vết thương vật chất do dao gậy gây ra còn có thể lành, nhưng những vết thương tinh thần do miệng lưỡi gây ra thì không thể nào lành nhanh chóng được. Ví như có những người không ưa nhau, thù ghét nhau, họ sẽ sẵn sàng dùng những ngôn từ tệ hại nhất nói chuyện với nhau, những ngôn từ này khi gieo vào lòng người thì sức tàn phá không thể tưởng tượng được.
Ông bà ta thường nói: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trong kinh đức Phật hay dùng cụm từ “Sát hại nhau bằng hung khí miệng lưỡi” để chỉ cho những lời nói này. Trong gia đình cũng vậy, nếu những thành viên trong cùng một nhà không có sự thấu hiểu cảm thông cũng dễ dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc. Cha mẹ không hiểu con, hay la mắng con khiến cho con mình đau khổ hay con cái không hiểu cha mẹ, không nghe lời cha mẹ thì cũng khiến cho cha mẹ đau lòng. Vì vậy là người học Phật phải có sự tu tập, tư duy quán chiếu, phải cẩn thận trong từng lời nói để tránh làm tổn thương người khác, làm tổn thương họ bằng lời nói cũng chính là ta đã phạm giới sát sinh về mặt tinh thần.
Như có người sắp chết mà được người khác cứu sống thì chắc chắn người đó sẽ sung sướng hạnh phúc. Các loài chúng sinh khác cũng vậy, trước ngưỡng cửa của cái chết mà được con người cứu sống thì cũng hạnh phúc không kém. Suy người ra vật, niềm vui khi được sống, sự đau khổ khi đối diện cái chết đều như nhau. Hiểu được giá trị của sinh mạng, chúng ta nguyện không sát hại chúng sinh mà phải biết yêu thương sự sống, yêu thương hữu tình.
Người và vật cùng chung sống hòa bình thì cảnh oan gia oán đối không còn và những thảm cảnh chiến tranh tan tốc sẽ không còn diễn ra trên địa cầu nữa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Xem thêm