Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 23/03/2016, 17:03 PM

Góc nhìn về sự kiện 50 năm "Bàn Phật xuống đường"

Việc Phật giáo Việt Nam lãng tránh, im lặng chỉ làm cho những tác giả Diemist được nước lấn tới và làm công chứng ngỡ là các Diemist nói đúng, phía Phật giáo Việt Nam không có gì để bác bỏ hay bình luận gì hết.

1. Bài viết này là tóm tắt những suy nghĩ của tôi sau khi đọc quyển sách “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung chủ biên, nhà xuất bản Tp.HCM xuất bản năm 2015.

Vì vậy, trước tiên, đây là lời giới thiệu quyển sách nói trên. Bạn đọc sẽ hiểu bài viết này hơn khi đọc quyển sách do Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung chủ biên.

2. Trong quyển sách, cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính quyền Nguyễn Cao Kỳ năm 1966 được gọi chung là sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, tuy việc đưa bàn Phật xuống đường chỉ có trong giai đoạn gần cuối của cuộc đấu tranh. 

Đây là cách gọi có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu nghiên cứu mà chính quyển sách “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” đã ghi nhận (trang 349): “Trong những ngày cuối cùng của phong trào, hàng ngàn bàn thờ Phật được đưa ra đường để chống trả sự đàn áp quyết liệt của kẻ thù. Do vậy, một số nhà nghiên cứu đã gọi phong trào chính trị trên đây là “Sự kiện bàn Phật xuống đường”.

“Bàn Phật xuống đường” một cụm từ, tuy rằng là sự thật, nhưng hết sức cay đắng cho Phật giáo Việt Nam.

Cụm từ này cũng được các tác giả Diemist thường xuyên sử dụng. Nhưng tôi chỉ sử dụng nó khi chính các nhà nghiên cứu ở các đại học Việt Nam sử dụng.

Sự kiện chỉ là bộ phận, còn lịch sử là toàn thể. Nhưng, với sự kiện “Bàn Phật xuống đường” lịch sử Phật giáo Việt Nam bị phủ một bức màn đen u ám.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” là trở ngại chính trong việc Phật giáo Việt Nam biên soạn một bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, giai đoạn từ sau tháng 1/1964. Đơn giản là vì ghi nhận sự việc thì dễ, nhưng sẽ không biết bình luận, đánh giá ra sao trước ngổn ngang các lời nhận xét, thẩm định, đánh giá từ nhiều phía, còn chính những tác giả, nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thì im lặng, nếu không muốn nói là tránh né.
 
Nhưng rõ ràng không thể tránh né mãi được, trong khi ngoài những cuốn sách của các Diemist ở hải ngoại, nhiều công trình nghiên cứu trong nước như “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” đã được xuất bản. Nhưng trên hết vẫn là sự thật về một sự kiện lịch sử.

Dưới đây chỉ là những ý kiến của riêng một cá nhân là phật tử, có ý muốn đối mặt với sự thật lịch sử.

3. Theo nội dung quyển “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, sự kiện “Bàn Phật xuống đường” tuy là chống Mỹ và chính phủ  miền Nam lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương, nhưng không phải là một phong trào chính trị do Đảng Lao Động Việt Nam chủ động lãnh đạo từ miền Bắc (dù rằng có sự tham gia của phía Giải phóng vào giai đoạn sau).

Trang 292, quyển “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” bài “Phong trào Đô thị miền Nam Việt Nam năm 1966” của Lê Thành Nam (TS, Trường ĐHSP Huế) có dẫn lại nhận xét của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong “Thư vào Nam” (Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985, trang 181): “Cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng chống Thiệu – Kỳ, từ tháng 3 đến tháng 5-1966, tuy không đem lại thắng lợi, nhưng đã cho ta một bài học bổ ích về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Lúc đầu, cuộc nổi dậy đó không do ta chủ động, mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta đã biết tập hợp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố.

Mặc dù, cơ sở Đảng mỏng và lực lượng trong thành phố không nhiều, các đồng chí ở Đà Nẵng đã làm được việc đó. Thiếu sót ở đây là Đảng bộ thành phố chưa tập trung lực lượng lãnh đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh, nên đã bỏ lỡ cơ hội giành thắng lợi…”.

Đây là câu trả lời rất rõ ràng cho những Diemist cứ trước sau cho rằng các phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tổ chức, thực hiện các mục tiêu của Đảng Cộng sản. Đây cũng là ý kiến của một số ít người trong Phật giáo nghe theo cách lý giải như thế.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” là sự kiện đấu tranh nóng bỏng nhất của Phật giáo miền Nam, ngay cả khi so sánh với pháp nạn lịch sử 1963 (nhất là ở cường độ xung đột và thiệt hại nhân mạng), nhưng không phải do phía Giải phóng chủ động, được xác định rõ như thế, thì ở sự kiện 1963 thuần túy tôn giáo và các sự kiện sau đó cũng có tính tôn giáo và ôn hòa hơn, một sự lãnh đạo từ ngoài Phật giáo là không thể.

Còn việc phái chính trị nào tác động vào những sự kiện khi thấy sự kiện diễn ra là có lợi cho bên nào đó thì đó là điều bình thường đối với mọi sự kiện, mà tác động thì không có nghĩa là lãnh đạo. Chúng ta chú ý đến cụm từ “nhân cơ hội” trong lời văn trích dẫn ở trên.

Sự khó xử của Phật giáo Việt Nam cũng chính là ở đây. Với mục tiêu chống Mỹ, chống chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, thì rõ ràng Bàn Phật xuống đường” là phong trào chính trị (khác với yếu tố tôn giáo trong sự kiện 1963) nhưng lửng lơ!

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây và sau này là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều không tổ chức kỷ niệm sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, chưa có trực tiếp tôn vinh những người tăng, ni, phật tử hy sinh trong sự kiện “Bàn Phật xuống đường”. Phía chính quyền cũng như thế không có kỷ niệm chính thức, dù có ghi nhận sự kiện “Bàn Phật xuống đường” là một một cuộc nổi dậy ở đô thị qua một số tài liệu nghiên cứu lịch sử.

Sự lửng lơ, mập mờ đó ở tất cả các bên khiến cho việc đánh giá sự kiện “Bàn Phật xuống đường” càng khó khăn hơn. Nên chỉ có những cây bút Diemist (kẻ theo Diệm) là mạnh miệng lăn xả vào, theo kiểu nói hễ mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam đều là cộng sản.

Để biết thực hư, chúng ta căn cứ vào chính những tài liệu nghiên cứu chính thức trong nước để làm sáng tỏ, mà gần đây nhất là quyển “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)”. Trong đó, sự kiện “Bàn Phật xuống đường” chỉ được nhìn nhận như một phong trào yêu nước thuần túy, đi xa hơn thì chỉ đến mức một phong trào cánh tả, vậy thôi.

Không nên nói quá, để hóa ra là Diemist nói đúng, như có một số ý kiến bên lề từ tu sĩ Phật giáo.

4. Cũng cần xác định “Bàn Phật xuống đường” là một sự kiện Phật giáo nhưng chỉ ở tầm mức địa phương. Lời hiệu triệu “Bàn Phật xuống đường” tuy phổ biến trên phạm vi toàn miền Nam, như sự kiện “Bàn Phật xuống đường” chỉ tập trung ở Huế và Đà Nẵng, nóng nhất là ở Đà Nẵng.

Nhật xét của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng cho thấy tính chất địa phương của sự kiện này: “Đà Nẵng”.

5. Đối với Phật giáo đây là một cuộc đấu tranh hoàn toàn thất bại. Thất bại này nằm ở tính chất địa phương của “Bàn Phật xuống đường”. “Bàn Phật xuống đường” không được hưởng ứng trên phạm vi cả nước, và tại Sài Gòn, “Bàn Phật xuống đường” là không đáng kể. Việc chỉ thu hẹp ở Huế - Đà Nẵng báo trước về khả năng thất bại của “Bàn Phật xuống đường”, tuy nhiên, những nhà lãnh đạo Phật giáo đã hoặc không thấy được khả năng này, hoặc có thấy ra mà bất chấp hậu quả.

6. Tuy là địa phương, nhưng “Bàn Phật xuống đường” là phong trào do Phật giáo phát động trước tiên, do những nhà lãnh đạo Phật giáo chỉ đạo. Thành phần tham gia chủ yếu là tăng ni Phật tử (những người tham gia là tăng ni Phật tử nên mới có “Bàn Phật xuống đường”, không có tăng ni Phật tử thì không có vấn đề gì xung quanh “bàn Phật”).

Hậu quả của việc thất bại xảy đến rõ ràng và hiển nhiên đối với Phật giáo 2 địa phương nói trên và với Phật giáo Việt Nam nói chung. Do đó, không chỉ Phật giáo Huế - Đà Nẵng chịu trách nhiệm đối với sự kiện “Bàn Phật xuống đường” là trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam, dù là sự kiện “Bàn Phật xuống đường” không mạnh mẽ đều khắp trên phạm vi cả nước, không được sự tham gia và đồng thuận cao của các hệ phái như sự kiện Pháp nạn 1963. Trách nhiệm tập trung ở nhà lãnh đạo tinh thần của sự kiện “Bàn Phật xuống đường” lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Trí Quang.

Sau khi xét qua đối tượng gánh hậu quả và chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, và về sự thất bại, chúng ta tìm hiểu chi tiết những hậu quả của sự kiện “Bàn Phật xuống đường”.

7. Trong sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, Phật giáo đã lao vào một cuộc đấu tranh chính trị, mà bản chất là cuộc xung đột phe phái trong nội bộ giới cầm quyền ở miền Nam, và tiên lượng thất bại của cuộc đấu tranh chính trị này đã thấy từ trước (tính chất địa phương của nó), do đó, sự kiện “Bàn Phật xuống đường” đã làm tổn thương hình ảnh tinh thần và vị thế của Phật giáo Việt Nam.

Người theo đạo Phật kể cả tu sĩ, đều có quyền có chính kiến, bày tỏ chính kiến, đấu tranh cho chính kiến, cũng như ủng hộ một chính khách nào đó. Tuy nhiên, những việc trên nếu được thực hiện trong vai trò tôn giáo thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tôn giáo mình. Đó là điều tất yếu, hiển nhiên.

Trong sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966 ở Huế - Đà Nẵng, thì ảnh hưởng ngược trở lại đến Phật giáo Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ. Hơn nữa, vì đây là cuộc đấu tranh có sử dụng bạo lực (chạm súng chết nhiều người) nên ảnh hưởng của nó là hết sức tiêu cực.

Tham gia vào sự kiện chính trị, ủng hộ một bên (các tướng lĩnh và quan chức ly khai ở quân khu 1 miền Nam), chống lại một bên (chính quyền Trung ương miền Nam ở Sài Gòn), Phật giáo miền Trung đã làm rạn vỡ nội bộ Phật giáo. Việc chia rẽ Ấn Quang/Việt Nam Quốc Tự có nguyên nhân gần là sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966.

Cùng là những người theo một tôn giáo, nhưng nếu có quan điểm chính trị khác nhau thì ắt sẽ phân hóa. Sự phân hóa sẽ lên đến cao điểm nếu có những hành động chính trị trong vai trò tôn giáo. Trong sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, diễn tiến nêu trên đã phát triển đến tột đỉnh bằng việc sử dụng biểu tượng tôn giáo là bàn Phật và bùng nổ bạo lực, dẫn đến đổ máu. Cho nên, sự chia rẽ trong nội bộ Phật giáo theo lằn ranh quan điểm chính trị tiếp ngay sau đó (vụ Hiến chương 1967) là không thể tránh khỏi.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” thật sự là một tai họa cho Phật giáo Việt Nam.

Tai họa ở đây còn được hiểu theo nghĩa đen với số lượng người chết (do tự sát, tự thiêu, bạo lực chạm súng, trả thù). Chỉ riêng cuộc tử chiến ở chùa tỉnh Hội Đà Nẵng đã có 80 người chết. Tất nhiên, những người tử trận là phật tử. Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” như thế là một sự kiện đẫm máu, hiện lên hình ảnh một Phật giáo bạo lực cầm súng nã đạn và tử thủ (ở Đà Nẵng một hỏa điểm khác được nhắc đến trong sách “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” là chùa Phổ Đà). Hình ảnh này trái ngược với bản chất từ bi của đạo Phật và không thể không làm xấu đi nét cao thượng, trong sáng, hòa ái của Phật giáo Việt Nam.

Cụm từ sự kiện “Bàn Phật xuống đường” diễn tả rất cụ thể một hành động, đó là đưa bàn thờ Phật tham gia cuộc đấu tranh chính trị như là một công cụ. Trang 249, sách đã dẫn có đoạn “Sau khi chiếm lại Đà Nẵng, Thiệu – Kỳ đưa quân ra đánh chiếm Huế. Trước tình hình đó, giới lãnh đạo Phật giáo ra lời kêu gọi: “Các chùa chiền, các nơi thờ phụng và tất cả các phật tử hãy chuyển bàn thờ ra đường phố để cho chính phủ và Mỹ tự do đập phá. Phật tử cần thi hành những chỉ trị trên nếu họ không muốn cho đạo của mình bị tiêu diệt”” (lời trích trong ngoặc kép được dẫn từ Lê Cung “Phong trào đô thị Huế trong kháng chiến chống Mỹ 1954-1975”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 109).

Như vậy, sự tôn nghiêm của đức Phật đấng tối thượng của Phật giáo cũng bị ảnh hưởng. Trong tình huống “Bàn Phật xuống đường”, những người bên phía đàn áp bị kẹt vào một tình thế phải đối đầu với biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Nếu họ tháo dỡ, chưa nói đến đập phá, thì càng kích thích lòng căm thù. Nhưng căm thù là điều mà Phật giáo loại trừ.

Do đó, sợi dây căng ra để buộc chân nhà cầm quyền miền Nam lúc đó đã trở lại cột chính Phật giáo. Nói cho dễ hiểu về “chiến thuật” “Bàn Phật xuống đường” là không thắng, nhưng về “chiến lược” “Bàn Phật xuống đường” rõ ràng đã thua. Nó kéo Phật giáo Việt Nam vào một vũng lầy lịch sử, dai dẳng cho tới nay và còn nữa về sau.

Cho nên đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam, sự kiện “Bàn Phật xuống đường” không phải là một ván bài chính trị, thua rồi thì thôi, xóa bàn, quên đi chơi ván mới, mà hậu quả nó còn kéo dài qua nhiều năm tháng, là điểm tựa cho những cuộc tập kích truyền thông kéo dài vô tận của những Diemist.

Trên hết đó là sự ảnh hưởng đến hình ảnh đạo Phật và hình ảnh Đức Phật tại Việt Nam.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” nổ ra chỉ sau Pháp nạn Lịch sử 1963 hơn 2 năm. Với thời gian rất gần như vậy, sự kiện “Bàn Phật xuống đường” tạo ảnh hưởng không có lợi cho việc nhìn nhận Pháp nạn lịch sử 1963. Không thể tránh được sự kiện “Bàn Phật xuống đường” ảnh hưởng bất lợi đối với sự kiện Pháp nạn lịch sử 1963. Cũng những tăng, ni, phật tử Huế - Đà Nẵng từng tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ Phật giáo năm 1963 nay đến năm 1964 lại lao vào cuộc đấu tranh mới, quyết liệt, mâu thuẫn gia tăng, xung đột dẫn đến chiến sự.

Nếu cuộc đấu tranh năm 1963 chỉ có chết người do chính quyền Diệm đàn áp biểu tình, người tự sát, người tự thiêu… thì đến sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966, phương cách đấu tranh trước đó vừa được tận dụng và phát triển với những hình thức mới mà cao điểm là chạm súng, vũ khí của phe binh sĩ, sĩ quan ly khai.

Trong Pháp nạn lịch sử 1963, phía Phật giáo dùng chỉ phương thức bất bạo động, biểu tình ôn hòa, nêu năm nguyện vọng, tính chất của cuộc đấu tranh 1963 là chịu đựng sự đàn áp, với tự thiêu, tự chặt tay là những hình thức được chọn.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” tiếp thu phương thức tranh đấu từ Pháp nạn lịch sử 1963, nhưng tình hình diễn biến phức tạp, dẫn đến số người tự thiêu, tự sát ngày càng nhiều, rồi đến chiến đoàn Nguyễn Đại Thức, các lực lượng quyết tử…

Những người chỉ đạo sự kiện “Bàn Phật xuống đường” cố gắng tiếp thụ, tiếp nối, thừa tiếp tinh thần của cuộc đấu tranh năm 1963, nhưng đưa lên một tầng nấc mới và cố ý tạo sự liên tục nối giữa 2 cuộc đấu tranh.

Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” thất bại ảnh hưởng xấu tột cùng đến hình ảnh Pháp nạn Lịch sử 1963, khi mọi người nhìn vào Phật giáo cứ thấy đấu tranh, biểu tình, xung đột với cảnh sát, tự thiêu…

Có người ngờ vực ngược lại đối với chính nghĩa và sự trong sáng của Pháp nạn Lịch sử 1963 khi đứng từ thời điểm “Bàn Phật xuống đường” năm 1966 mà nhìn lại. Hình ảnh rất rõ ràng là Phật giáo nhiều kẻ thù quá, nhiều cuộc đấu tranh. Hết lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình, lại xuống đường hạ bệ Thủ tướng Hương, người được cho là tiêu diệt đạo pháp, rồi sau đối tượng là Nguyễn Cao Kỳ. Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966, sau Kỳ là Thiệu…

Pháp nạn cứ nối tiếp nhau, hết pháp nạn này lại đến pháp nạn khác. Pháp nạn về sau càng chết nhiều người do xung đột. Trước cảnh lộn xộn Pháp nạn đó, công chúng không khỏi dè dặt nhìn về Pháp nạn đầu tiên từ năm 1963 với sự nghi ngờ, hoang mang.

Điều tất nhiên, hình ảnh thiêng liêng của Pháp nạn Lịch sử năm 1963 không tránh khỏi ảnh hưởng không tốt.

Hiện nay, Diemist xâu tất cả Pháp nạn Phật giáo 1963-1965-1967 thành một loại để đánh giá chung thành một kết luận là Phật giáo thù địch với tất cả chính quyền miền Nam và liên tục tập kích, lúc lật đổ, lúc gây chia rẽ nội bộ chính quyền, lúc vũ trang đấu súng, lúc chiếm chính quyền, đài phát thanh, lúc phá rối trật tự trị an…

Việc làm này ảnh hưởng hình ảnh đạo Phật, nhưng chi tiết hơn, nó tập trung gây thiệt hại cho hình ảnh Pháp nạn Lịch sử năm 1963.

8. Sự kiện “Bàn Phật xuống đường” đã  tiêu hao nặng nề sinh lực Phật giáo Việt Nam. Vừa mới thoát ra một cuộc pháp nạn, Phật giáo Việt Nam lại lao mình vào cuộc đấu tranh mới ác liệt, bạo lực và đẫm máu hơn. Các tôn giáo khác nhìn vào đạo Phật cứ liên tiếp lao mạnh vào các cuộc đấu tranh chắc chắn thất bại mà vui lòng vì đạo Phật tự làm tổn thương mình để suy yếu hơn.

9. Bài viết này không nhắc đến sự kiện “Bàn Phật xuống đường” một cách thụ động, tức là không chỉ điểm lại sự kiện, mà còn đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả.

Cần nhận thức rõ việc Phật giáo Việt Nam để lửng việc bình luận đánh giá về sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, trong một quá trình cố quên đi, là điều không có lợi cho chính Phật giáo Việt Nam. Cần phải tháo chướng ngại lịch sử trên con đường biên soạn một bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Nhưng trên hết là không để cho Diemist tiếp tục làm quan tòa lịch sử để duy nhất ghi nhận, bình phẩm, khai thác sự kiện “Bàn Phật xuống đường” để bài xích Phật giáo Việt Nam như trong thời gian qua.

Mục tiêu của các Diemist là lợi dụng sự kiện này làm công cụ cải đạo. Diemist ra sức chứng minh Phật giáo Việt Nam đều là cộng sản, rằng Phật giáo Việt Nam từng là tác nhân bạo loạn, lật đổ, rằng không có một đạo Phật thực sự ở Việt Nam mà chỉ có những người nói theo Phật nhưng rất manh động, tàn nhẫn, bạo lực, lợi dụng cả việc thờ Phật để đấu tranh chính trị. Các hình thức thể hiện nội dung như thế đều nhắm vào việc phá hoại tình cảm dành cho Phật giáo của đông đảo người dân Việt Nam, phá hoại lòng tin Phật của tăng, ni, phật tử. Những điều đó có mục tiêu cao hơn là cải đạo tín đồ Phật giáo.

Việc Phật giáo Việt Nam lãng tránh, im lặng chỉ làm cho những tác giả Diemist được nước lấn tới và làm công chứng ngỡ là các Diemist nói đúng, phía Phật giáo Việt Nam không có gì để bác bỏ hay bình luận gì hết.

Kỷ niệm tròn 50 năm sự kiện “Bàn Phật xuống đường”, là dịp thích hợp để Phật giáo Việt Nam lên tiếng.

10. Phật giáo Việt Nam có thể lên tiếng về vấn đề gì đối với sự kiện “Bàn Phật xuống đường”?

Việc thẳng thắn đề cập đến sự kiện “Bàn Phật xuống đường” nên được coi là trong mục tiêu khắc phục hậu quả của sự kiện. Khắc phục hậu quả của sự kiện là việc cần làm và làm lâu dài, trước tiên là giải trừ những đòn tập kích truyền thông của Diemist.

Các Diemist đã xuyên tạc lịch sử bằng cách cường điệu sự kiện “Bàn Phật xuống đường”. Khi Diemist nói dối thì đó là lúc họ bộc lộ những điểm yếu.

Phía Phật giáo Việt Nam nên xoáy vào việc xuyên tạc cường điệu bằng việc công bố những tư liệu và bài viết nghiên cứu chỉ ra tính chất địa phương và tính chất cá nhân của sự kiện.

Tính địa phương là điều rõ ràng, vì sự kiện “Bàn Phật xuống đường” chỉ giới hạn ở 2 thành phố Huế và Đà Nẵng. Miêu tả sự kiện “Bàn Phật xuống đường” như là một sự kiện toàn quốc Việt Nam và toàn thể của Phật giáo Việt Nam là điều không đúng sự thật.

Tính cá nhân cũng là sự thật hiển nhiên với vai trò lãnh đạo chỉ riêng của Thượng tọa Thích Trí Quang, không phải là sự lãnh đạo tập thể, thống nhất, đồng thuận như trong Pháp nạn Lịch sử năm 1963.

Nếu sự kiện Pháp nạn Lịch sử năm 1963 là cuộc vận động lớn của toàn Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc Việt Nam thì sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966 hoàn toàn không có tính chất như thế.

Khẳng định tính địa phương và tính cá nhân của sự kiện “Bàn Phật xuống đường” giúp định hình lại trên truyền thông tầm mức của sự kiện này. Nó không là sự kiện của Phật giáo Việt Nam mà là sự kiện Phật giáo địa phương gắn liền với sự lãnh đạo, theo đó đương nhiên là trách nhiệm của chỉ một nhà lãnh đạo Phật giáo địa phương.

Đó là sự thật và sự thật đó không bất lợi cho Phật giáo Việt Nam thì nên xác nhận rõ. Cá nhân chịu trách nhiệm thì việc xác nhận đâu ra đó để giải tỏa áp lực không đúng sự thật và không đáng có lên toàn Phật giáo Việt Nam.

Có thể tổ chức hẳn một hội nghị khoa học về sự kiện “Bàn Phật xuống đường” nhân kỷ niệm tròn 50 năm sự kiện “Bàn Phật xuống đường” hay ở mức giới hạn hơn, một cuộc vận động viết bài về sự kiện này theo hướng khẳng định sự thật về tính chất địa phương và tính chất lãnh đạo cá nhân của sự kiện.

Sự thật chính là sự giải thoát của Phật giáo Việt Nam ra khỏi những ràng buộc của sợi dây thắt ngặt từ lịch sử. Chúng ta có sự thật, nhưng sao không nói lên sự thật, chủ động nắm lấy đầu dây buộc mà thay nhau siết lấy Phật giáo.

Cách đây vài năm, một nhà lãnh đạo Phật giáo ở TP.HCM đã chủ động phủ nhận mọi liên hệ đến cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1966. Tôi thấy những phát biểu như vậy đã theo hướng xác định tính chất địa phương và tính chất cá nhân của sự kiện “Bàn Phật xuống đường” năm 1966, không thể hiện đó là sự kiện không tiêu biểu của toàn Phật giáo Việt Nam.

Minh Thạnh

Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả, một cư sĩ Phật giáo ở Tp.HCM
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm