Hàn Quốc: Chương trình Templestay mang đến trải nghiệm tâm linh an lành
Sinh hoạt vài ngày trong một ngôi chùa Phật giáo là trải nghiệm tâm linh vô cùng đặc biệt dành cho các du khách cũng như người dân ở xứ sở Kim chi thông qua chương trình Templestay (lưu trú tại chùa).
Suốt 20 năm qua, đã có khoảng 130 tu viện tại Hàn Quốc chào đón khách tham quan theo hình thức này.
Một căn phòng nhỏ hẹp, đơn giản, không có giường hay tủ quần áo, chỉ có đệm sàn là đủ cho những ngày lưu trú tại chùa. Cũng giống như những người khác trong tu viện, du khách mặc một chiếc áo choàng được cắt may đơn giản bằng vải lanh thô, chỉ vừa đủ giữ ấm trong điều kiện khí hậu mát mẻ. Mọi người ở tại chùa suốt 2 ngày để thực hành thiền, cầu nguyện và sinh hoạt cùng với các nhà sư.
Tại chùa Jikji ở Gimcheon, tỉnh Bắc Gyeongsang, vào một buổi sáng yên tĩnh của ngày 22-7, sau khi khóa trì tụng thần chú “yebul” kết thúc, 23 sinh viên đại học đã xếp thành một vòng tròn để tham gia buổi trò chuyện với thầy Inwol xung quanh những ly trà maesil ấm áp. Các sinh viên lần lượt đặt những câu hỏi mà họ đã tò mò suốt 2 ngày họ sinh hoạt tại chùa: Bao lâu thì các thầy cạo tóc một lần? Mục đích của “baru gongyang” (quá đường) là gì? Ý nghĩa giác ngộ trong Thiền tông là gì? Các nhà sư có bao giờ xem Netflix không?...
Mỗi câu hỏi được thầy Inwol trả lời một cách rõ ràng, sâu sắc và dí dỏm. Kết thúc buổi thiền trà, thầy chia sẻ: “Ngôi chùa là nơi chào đón bạn đến với cuộc hành trình để trút bỏ những muộn phiền, lo lắng và bất an đang bao trùm tâm trí bạn. Tiếp cận một cách nhẹ nhàng đối với con đường tu tập tự thân - đó chính là mục tiêu của chương trình lưu trú tại chùa…”.
Trước đó, vào ngày 11-5-2002, chỉ vài tuần trước khi FIFA World Cup 2002 diễn ra, 50 thành viên của phái đoàn ngoại giao Hàn Quốc đã tập trung tại ngôi chùa nép mình dưới chân núi Hwangak để trải nghiệm một đêm hiếm hoi về cuộc sống giản dị của thiền môn. Sau đó khoảng 32 ngôi chùa khác trên toàn quốc đã sớm làm theo.
Ban đầu, chương trình lưu trú tại các ngôi chùa được triển khai với hai mục đích là cung cấp thêm nơi ở cho khách tham quan trong mùa thi đấu thể thao và giới thiệu lối sống truyền thống của Phật giáo Hàn Quốc, đặc biệt là những hoạt động của chư Tăng nơi cửa thiền.
Trải qua 20 năm, chương trình này hiện đã có mặt tại 136 tự viện Phật giáo ở khắp các trung tâm thành phố lớn, trên các sườn núi và thậm chí trên các hòn đảo của Hàn Quốc. Theo Tổ chức Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc, tính đến tháng 12-2021, số lượng người tham gia Templestay tổng cộng vượt quá con số 6 triệu người, bao gồm hơn 650.000 du khách đến từ 205 quốc gia.
Chùa Jikji đứng đầu trong danh sách Templestay; thầy Inwol cho biết nơi đây có Mandeokjeon, một hội trường từng tổ chức các buổi lễ thọ giới cho tất cả các nhà sư thuộc tông phái Jogye của Phật giáo Hàn Quốc đến từ khắp đất nước. Thầy nói với tờ The Korea Times rằng: “Hội trường cũng giống như nơi ở của những người xuất gia, bao gồm cả tôi. Và ngôi chùa này có hệ thống cơ sở vật chất cần thiết cho lễ thọ giới của các vị tu sĩ, vì vậy, đây được xem là một nơi thích hợp cho các du khách đến để trải nghiệm cuộc sống nơi cửa thiền”.
Ngoài ra, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm tổ chức chương trình, nhiều ngôi chùa đã mở rộng phạm vi những người tham gia với nhiều độ tuổi và điều kiện khác nhau - thanh niên ở độ tuổi 20, người già trên 65 tuổi, cũng như những người neo đơn, các gia đình đa văn hóa và trẻ em.
Chương trình trải nghiệm ở chốn thiền môn được tổ chức từ ngày 21 đến này 22-7 tại chùa Jikji là một trong những sự kiện như vậy dành cho các sinh viên đại học ở độ tuổi 20.
Ngoài việc học hỏi giáo pháp và tu tập theo lời hướng dẫn của quý thầy, những người tham gia còn có cơ hội để tìm hiểu bề dày lịch sử và những giá trị văn hóa Phật giáo Hàn Quốc thông qua các hình ảnh, kiến trúc và vật dụng nơi cửa thiền. Bởi từ lâu, các ngôi chùa ở Hàn Quốc đã trở thành biểu tượng của văn hóa Thiền tông trong hơn 1.700 năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào quốc gia này ở thế kỷ thứ IV.
Trong 2 ngày lưu trú tại chùa Jikji, các sinh viên đã thực sự rất ngạc nhiên về lịch sử của ngôi chùa cổ kính này. Được xây dựng vào năm 418, Jikji là một trong những tự viện lâu đời nhất được xây dựng trên bán đảo Triều Tiên và trải qua các thời kỳ Silla Thống nhất, Goryeo, Joseon, cũng như các cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử của Hàn Quốc.
“Tôi đã tìm kiếm trên Google về ngôi chùa trước khi đến đây, nhưng những bức ảnh trên đó không thể sánh bằng vẻ đẹp thực sự của nó. Bạn có thể cảm nhận nét cổ kính và cách mà người ta giữ gìn ngôi già-lam này thực sự rất tuyệt vời. Ở Ấn Độ, chúng tôi không thể tìm thấy những chương trình như thế này, không thể lưu trú qua đêm tại các ngôi đền. Đối với tôi, chương trình này thực sự độc đáo và ý nghĩa”, Sampurna Balde, một sinh viên Ấn Độ tại Đại học Ewha Womans, cho biết.
Park Sung-eun từ Đại học Quốc gia Jeonbuk ở Jeonju, tỉnh Bắc Jeolla, nhớ lại những cảm xúc của mình khi đối diện trực tiếp với 3 bức tranh Tam thế Phật có tuổi đời hàng thế kỷ được treo bên trong chánh điện: “Tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng các bức vẽ trong suốt khóa trì tụng yebul vào buổi sáng, chúng thực sự rất ngoạn mục”. Những bức tranh cổ này được xem như báu vật ở Hàn Quốc, vì cả ba đều thể hiện các quy ước thẩm mỹ tuyệt vời vào cuối triều đại Joseon.
Đối với Lim Seo-yoon, sinh viên năm nhất Đại học Hàng hải ở Busan, chính sự hài hòa của hình ảnh tu viện cùng với những rặng núi Hwangak gợn sóng đã khiến cô cực kỳ ấn tượng: “Ngay cả tôi, một người không biết gì về kiến trúc, cũng có thể cảm nhận được sự kết hợp hoàn hảo giữa ngôi chùa và thiên nhiên xung quanh. Thật ấn tượng khi tận mắt chứng kiến ngôi chùa có bề dày 1.600 năm lịch sử vẫn còn giữ được dáng vẻ uy nghi của nó”.
“Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy không có ai bên cạnh mình, kể cả cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Chúng ta bắt buộc phải tự mình gánh vác tất cả mọi thứ. Nhưng khi nhận ra rằng đâu đó trên trái đất này, vẫn còn có những nhà sư vẫn luôn cố gắng giúp đỡ tất cả những loài hữu tình, bao gồm cả tôi. Điều này trở thành một nguồn an ủi tuyệt vời cho bản thân tôi”, cô chia sẻ.
Cuối cùng, cả thân và tâm đều có thể trải nghiệm lối sống truyền thống trong một môi trường cổ xưa được giữ gìn và phát triển cho đến ngày nay. “Những nơi như Seowon (học viện Nho giáo của thời đại Joseon) và cung điện hoàng gia, mặc dù rất có giá trị về mặt lịch sử, nhưng đã không còn ai sinh hoạt ở đó nữa. Ngày nay, chúng chỉ là những vật chứng của một nền văn hóa xưa cũ. Nhưng ở đây thì khác, các vị xuất gia vẫn còn cư trú tại đây, giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa lâu đời. Tôi nghĩ đó là điểm thu hút của các ngôi chùa Phật giáo”. Thầy Inwol nhấn mạnh.
Theo BBC, hiện nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nhiều người thiếu ngủ nhất thế giới. Nước này cũng có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước phát triển, tiêu thụ lượng đồ uống có độ cồn mạnh nhiều nhất và có số người dùng thuốc chống trầm cảm rất cao. Trong bối cảnh đó, những khóa tu học như Templestay mang đến rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cũng như giải quyết vô số vấn nạn về tinh thần mà mỗi cá nhân có thể gặp phải.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Quốc tế 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Khám phá ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới nơi Đức Phật giác ngộ
Quốc tế 08:45 16/11/2024Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ) là một bảo tháp Phật giáo ở Bodh Gaya, Ấn Độ, được biết đến là một trong những Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo UNESCO, ngôi đền hiện tại có công trình kiến trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Nghi lễ Xaybath - Lễ cúng dường lớn nhất của người dân Lào
Quốc tế 16:00 15/11/2024Đây là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Bhutan khởi động “thành phố chánh niệm” gần biên giới Ấn
Quốc tế 09:40 13/11/2024Thành phố chánh niệm Gelephu của Bhutan khuyến khích mọi người đi bộ và đi xe đạp, thúc đẩy giáo dục chánh niệm cùng nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe và thể chất, du lịch sinh thái...
Xem thêm