Hạnh phúc đội chiếc nón khó khăn
Tôi còn nhớ ngày mình lên 8, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi tại sao mình lại là con của ba mẹ mình, tại sao các bạn lại là con của những người kia, tại sao lại có những người khi sinh ra lại bị tật nguyền về tứ chi mà không đi lại được...
Tôi chỉ biết hỏi chứ không hề biết câu trả lời sẽ nằm ở đâu. Nhưng có một điều quan trọng, ít nhất tôi đã biết đặt ra câu hỏi...
Vốn là một đứa trẻ cứng đầu, khó bảo, tôi chỉ tin vào chủ nghĩa duy vật biện chứng và những gì phải thấy bằng mắt. Chính hệ thống niềm tin đó đã đóng khung suy nghĩ và hành động của tôi lại. Và, cho đến một ngày... Tôi tình cờ biết được cái gọi là "hiệu ứng cánh bướm" đã được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học, từ đó đưa đến một thông điệp của vũ trụ là "luật nhân quả".
Sau ngày hôm đấy tôi bắt đầu quan sát cách thế giới vận hành, tôi nhận thấy một sự thật khi mình cho tiền những người ăn xin ở đường thì ngay trong hôm đó tôi được một người lái xe chở miễn phí về nhà, tôi nói với cô lao công " để con nhặt giúp cô vỏ chai cho cô bớt vất vả " và ngay ngày hôm sau có người giúp tôi dắt xe kèm một câu nói khiến tôi giật mình " để mình giúp bạn cho bạn bớt cực " và còn vô vàn sự việc khác đã xảy ra làm thế giới quan của tôi bị đảo lộn.
Quan sát, nhận định, đúc kết, vậy là tôi đã thật sự tin vào nhân quả. Mà khoan đã, nếu nhân quả không sai một ly như thế thì chứng tỏ rằng trong quá khứ hẳn tôi đã làm gì sai trái cho nên cuộc sống của tôi mới sống trong nước mắt từ bé đến lớn như vậy. Đỉnh điểm trong thời gian ấy tôi đã bị người mà mình dốc lòng yêu thương lừa dối. Sau bao nhiêu phiên trị liệu tâm lý, sau bao nhiêu ngày tháng triền miên với rượu cùng nước mắt, quá đau đớn cùng cảm giác không chấp nhận nổi sự thật lên tới tận cùng đau khổ này. Nhưng như một quy luật của cuộc đời, cái gì đến cực sẽ tự động đảo chiều. Ngày hôm ấy tôi đã ra một quyết định, mình sẽ lên chùa công quả để cho tâm hồn thanh thản.
Tôi nhớ rất rõ ngày hôm ấy, tôi khoác một chiếc áo mưa, vừa đi bộ vừa khóc. Tưởng tượng lại lúc ấy, tôi thấy mình không khác gì chú chim cánh cụt trên đường cao tốc, dù sao đi nữa thì cũng thật đáng yêu. Tôi dùng hết số tiền ít ỏi còn lại trong túi để bắt một chuyến xe về chùa. Và cũng chính từ đây, cơ duyên đưa tôi đến với đường Đạo chính thức mở ra...
Tại đây tôi được gặp những vị minh sư đã mang chánh pháp của Đức Phật để soi rõ con đường tối tăm của mình, cũng tại đây tôi gặp được bốn người bạn mà sau này đây chính là một trong những gia tài lớn nhất mà tôi có.
Ngày đấy Hà Nam là một trong những địa điểm bùng dịch đầu tiên của miền Bắc, vậy mà tôi lại chọn lao đầu vào cái chết. Khi đặt chân đến chùa tôi mới biết, nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất, vì cách biệt với thế tục, vả lại đang trong thời gian giãn cách xã hội, nhà chùa lại chính là nơi an toàn nhất. Cuộc đời tôi sang một bước ngoặt từ khi tôi biết bước chân vào cửa Phật. Tôi biết buông bỏ dần chất đời, chẳng còn thích những bài nhạc sôi động như trước, tôi bắt đầu nghe thiền ca, những bài nhạc với tiết tấu nhẹ nhàng. Hành trình khai mở tâm thức của tôi mới thật sự bắt đầu...
Tôi nghĩ không quá để kết luận rằng mình đã đánh đổi gần như tất cả may mắn để gặp được Sư Phụ, chính người đã khai tâm mở tuệ cho tôi. Giờ phút này tôi đã quá tin nhân quả rồi, người mà mình yêu quý như thế thì hẳn thầy trò tôi phải có nhân duyên sâu dày từ nhiều đời nhiều kiếp. Tôi không thể viết tiếp thêm về thầy vì ngôn ngữ lúc này thật giới hạn. Nhưng có một điều tôi biết rằng mình đã gặp đúng người.
"Trăm hạt mưa rơi không có hạt nào rơi nhầm chỗ, tất cả những người ta gặp là người chắc chắn phải gặp", "gặp nhau đâu phải tình cờ, mà vô lượng kiếp đã chờ gặp nhau". Tôi tin những nhân duyên trong cuộc đời đều có ý nghĩa, vì có những con người thậm chí cả đời này còn chẳng gặp được nhau. Thầy cho tôi biết bài học mà tôi cần học mang tên tha thứ - "tha thứ cho người khác không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà vì mình xứng đáng được thanh thản". Không có sai lầm nào cả, tất cả chỉ là bài học, nếu năm đó tôi không học được bài học này thì có lẽ những năm sau tôi tin vũ trụ sẽ đưa đến tôi những trải nghiệm còn đau đớn hơn để tôi biết ngộ.
Phật dạy rằng: "Đừng tin ta chỉ vì ta là Phật" và đây cũng chính là lí do lớn tôi quyết định đi theo ánh sáng của Đức Thế Tôn. Ngài không cưỡng cầu, không độc đoán, Ngài nói rằng đừng tin Ngài chỉ vì Ngài là Phật mà hãy trải nghiệm từ chính bản thân mình. Thâm nhập kinh tạng và tôi bắt đầu hiểu bản thân mình hơn, tôi đã biết những chất liệu gì đã làm nên con người của mình ngày hôm nay. Vì chấp nhận được mình, tôi dần hài lòng hơn với hiện tại và hạnh phúc hơn. Tôi đã bắt đầu biết niềm vui đích thực và hạnh phúc không nằm ở bên ngoài mà bên trong chính nội tâm của mỗi người.
Trên thế giới này không có nhiều người hạnh phúc, vì không hạnh phúc nên sẽ rất khó để họ tin vào một người hạnh phúc như Đức Phật. Họ không tin Đức Phật có thật và tồn tại vì Ngài ấy quá đỗi bình an, không một tác động ngoại cảnh nào có thể làm lay động sự an lạc và niềm hạnh phúc của Ngài ấy. Ứng dụng lời dạy của Phật trong đời sống hằng ngày tôi mới thấy con đường Đức Phật để lại là quá đỗi trí tuệ và tuyệt vời. Tôi có biết Anhxtanh, tôi cũng có đọc những câu chuyện về việc gặp gỡ tư tưởng giữa Anhxtanh và đạo Phật. " Người vô thần tin vào khoa học còn các nhà khoa học lại tin vào thần học".
Đạo Phật không phải một điều gì đó thần tiên, huyền học. Với tôi, Phật giáo gần gũi như hơi thở trong cuộc sống hằng ngày và sự giác ngộ cũng có thể nằm ngay trong chính căn bếp của mình. Giáo lý của Đức Phật vô cùng dễ nghe và thực hành vô cùng dễ chịu.
Người ta đặt ra quá nhiều khái niệm về hạnh phúc. Hạnh phúc với nhiều người là được sống cùng những người mình yêu thương, số khác thì hạnh phúc với họ có khi là đạt đến mục tiêu nào đó về tài chính. Tôi cũng có nghe một người định nghĩa về hạnh phúc là sống đúng "hạnh nguyện" sẽ có "phúc đức", cũng hay. Một trong những nguyên nhân khiến con người ta bất hạnh đó chính là đi tìm cầu hạnh phúc. Ta đã nghe quá nhiều rằng hạnh phúc không phải đích đến mà là một con đường. Tại sao phải đi tìm? Hạnh phúc chỉ có thể có mặt tại đây, vào ngay lúc này. Đức Phật gọi đây là chánh niệm.
Chánh niệm là khả năng tập trung và tiếp xúc với những mầu nhiệm của hiện tại: trời xanh, mây trắng, bông hoa đang nở, em bé đang cười, ta có một căn nhà để che mưa che nắng,... Vạn vật hữu linh, tất cả vạn sự trong chúng đều có linh hồn, từ những sinh vật sống cho đến những vật ta cho rằng bất định như cái ghế, cái bàn, cái bút. Tất cả đều có Phật tính và tất cả đều đang cho ta hết tất cả những gì chúng có. Điều tốt nhất một cái cây có thể làm là xanh tươi, điều tốt nhất một chú chim có thể làm là hót tiếng hót líu lo và tự do bay lượn trên bầu, điều tốt nhất một bông hoa có thể làm là bung nở... Cái cây không xanh vì ta khen nó, chim không hót vì ta ca ngợi chúng, hoa không nở vì để cho ta ngắm. Dù ta có không công nhận chúng, chúng vẫn cứ sống hết sức mình, và vì vậy chúng trở nên đẹp. Chúng sống trong hiện tại, không truy vấn về quá khứ, không tìm kiếm tương lai, dù ta có không công nhận chúng, chúng vẫn cứ sống hết sức mình và vì vậy chúng đẹp hơn bao giờ hết. Thế rồi ta cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Đủ tỉnh thức bạn sẽ nhận ra vạn vật quanh ta đều đang thuyết pháp. Nếu như ta cũng sống trọn vẹn khoảnh khắc của hiện tại, ta cũng tươi mát như cái cây, chú chim, bông hoa quanh ta thì những người xung quanh cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc đó từ ta. Giống như những người bất hạnh không thể chịu được một mình mà khiến những người xung quanh bất hạnh theo, những người hạnh phúc cũng chính là nguồn vui cho vô số người khác. Hạnh phúc chỉ có thể có được tại đây, ngay lúc này. Dừng lại để thấy rằng ta đã có quá nhiều điều kiện để hạnh phúc trong hiện tại. Không chạy theo mục tiêu, mục đích nào cả, đạo Phật gọi đây là vô tác.
Mọi người đều ít nhiều thắc mắc và tìm lời giải cho một câu hỏi lớn: "Tôi là ai? Mục đích tôi đến cuộc sống này để làm gì?". Rồi họ bắt đầu vạch ra các mục tiêu để chạy theo một lối sống vật chất nào đó. Trong quá trình đuổi bắt theo mục đích, ta bỏ lỡ biết bao nhiêu điều kiện của hạnh phúc đang hiện diện quanh mình. Đức Phật là một thái tử, Ngài từ bỏ cả một cung điện với cuộc sống giàu sang phú quý để đổi lấy ba y và một bình bát. Tôi có thể hiểu rằng vì chúng ta không được giàu có như Đức Phật nên chúng ta mới bám chấp vào những điều kiện về vật chất như thế. Khi nghèo, bạn khó có thể nhận thấy vật chất là vô nghĩa. Bạn chưa trải nghiệm chúng nên bạn mới không thấy được sự phù phiếm của chúng. Phải cho đến khi mệt nhoài, thấm đẫm đau khổ chúng ta mới nhận ra mình đã nắm trong tay quá nhiều thứ vô dụng. Thành công của thế tục là sự thịnh vượng, thành tựu về mặt của cải. Thành công mà không hạnh phúc lại chính là đỉnh cao của thất bại. Điều đó lí giải rằng tại sao những người đau khổ trong những phòng khám tâm lý phần nhiều lại là những người thành công. Lời thầy đã dạy tôi rằng thành công không phải trở thành một vị nào đó hay đạt được một điều gì đó, thành công của đời người là xem mình sống được bao nhiêu ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc. Hãy quay về bên trong, nương tựa vào nơi hải đảo tự thân, tự khắc sẽ có hạnh phúc. Muốn an được an.
Hạnh phúc là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, từ sự tập trung này ta sẽ có định và từ định khởi phát nên trí tuệ - " điềm tĩnh sinh trí tuệ ". Tâm an trí sẽ sáng. Khi mới thực tập, mỗi ngày ta chỉ cần dành từ năm đến mười phút, ngồi đó và tập trung vào hơi thở, tập trung vào những điều kiện đang có quanh mình ta sẽ nhận ra mình có vô vàn điều kiện về hạnh phúc. Thở vào tôi biết tôi đang sống trong hiện tại, thở ra tôi tập trung hoàn toàn vào hiện tại. Nếu thực tập thói quen chánh niệm thì khi khó khăn, bạn sẽ biết bản thân phải làm gì.
May mắn của tôi chính là gặp được sư phụ, tiếp xúc với các bạn đồng tu và biết được phương pháp chế tác hạnh phúc tự thân. Tôi vẫn giữ thói quen về ngôi chùa mình gắn bó một đến hai lần một tháng. Nhiều lúc nhìn lên bầu trời, tôi thầm cảm ơn người ngày nào đã lừa dối tôi để tôi có cơ duyên được bước chân vào cửa Phật. Cảm ơn những đau khổ đã xảy ra, nếu không trải qua đau đớn tôi sẽ không là ai và không đạt được sự trưởng thành nào cả. Sư phụ đã dạy tôi rằng:" Người trẻ thấy được là được, mất là mất. Người từng trải sẽ thấy được là được, mất cũng chính là được". Chuyện gì xảy ra là chuyện bắt buộc phải xảy ra, người đời đau khổ bởi họ chỉ nhìn thấy một mặt của trải nghiệm. Không phải ngoại cảnh, chính thái độ của chúng ta đối với những cảnh tượng bất như ý đó, chính chúng ta mới là người quyết định đau khổ hay hạnh phúc của mình. Hạnh phúc tùy cách nhìn.
Chúc tất cả các tăng, ni, Phật tử một năm mới có thật nhiều chất liệu bình an nơi thân tâm. Chúc cho Phật giáo phát triển để soi sáng đến những người có duyên lành. Để làm được điều này, mỗi người con Phật trong chúng ta hãy sống hạnh phúc nhất có thể và thế giới xung quanh ta cũng sẽ cảm nhận được sự tươi mát của ta và sự trí tuệ của Đạo Phật.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Vũ Thị Kiều Trinh; địa chỉ: Võ Thị Sáu, Tân Định, Đa Kao, quận 1.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm