Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/08/2022, 08:21 AM

Hành trạng xuất gia tu hành của Ni trưởng Thích nữ Như Giác (1926 - 2022)

Ni trưởng là một bậc chân tu có đức tính cần kiệm, sống giản dị, mộc mạc chất phác, nghiêm kỷ với chính mình, hòa ái với mọi người, luôn giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, được rất nhiều chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử thương kính.

Ni trưởng Thích nữ Như Giác, Chứng minh Ni giới Phật giáo quận Phú Nhuận, Chứng minh Ni giới môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm, viện chủ Quan Âm tu viện quận Phú Nhuận.

I. Thân thế

Ni trưởng Thích nữ Như Giác, thế danh Nguyễn Thị Dần, sinh năm Bính Dần (1926), tại xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình có 6 anh em, 5 trai, 1 gái. Ni trưởng là con thứ ba và là con gái duy nhất trong gia đình.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Công Nghinh, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tý. Ni trưởng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thờ kính Tam bảo nên từ thuở thiếu thời đã có duyên lành ăn chay trường, thích niệm Phật, một lòng kính mộ Phật pháp, sớm giác tỉnh cuộc đời là vô thường giả tạm nên quyết chí thực hiện xuất ly, noi gương chư Tổ và Kiều Đàm Di Mẫu xuất gia hành đạo giải thoát.

Di ảnh Ni trưởng Thích nữ Như Giác

Di ảnh Ni trưởng Thích nữ Như Giác

II. Xuất gia

Năm 1941, khi vừa 16 tuổi trăng tròn, nữ Phật tử Nguyễn Thị Dần vào chùa Hoằng Pháp - Kiến An, Hải Phòng bái Hòa thượng Ngộ Chân Tử làm nghiệp sư, xuất gia tu học theo hệ phái Đại đạo sư, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Huệ Giác.

Vài năm sau đó, Ni trưởng Huệ Giác xin chuyển về chùa Tây Khánh, Cao Mại, Thái Bình tu học, được một thời gian thì Hòa thượng Bổn sư lại gọi về chùa Hoằng Pháp để tu học và hành đạo.

Năm 1945 trong khi miền Bắc xảy ra chiến tranh ác liệt, nạn đói hoành hành, người chết la liệt, Hòa thượng Bổn sư quyết định đưa Ni trưởng cùng chúng đệ tử di cư vào miền Nam hoằng hóa.

Lúc ban đầu, Ni trưởng ở chùa Tam Bảo, số 17 đường Trần Quang Khải, rồi về tạm trú ở nhà ông Sáu tại Vườn Chuối.

Trong thời gian này, Ni trưởng theo hầu Hòa thượng Bổn sư xuống Gò Công vừa làm kinh tế mới vừa hóa đạo một thời gian rồi trở về Hóc Môn lập chùa Hoằng Pháp và viện dưỡng lão, giáo hóa đồ chúng và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học, nuôi dưỡng người già.

Năm 1961, nguyện vọng muốn được thọ giới để tu tập, trau dồi thân tâm nên Ni trưởng xin phép Hòa thượng Bổn sư đến đảnh lễ Ni trưởng thượng Chí hạ Kiên làm y chỉ sư, được Ni trưởng cho phép thọ giới Sa-di rồi Thức-xoa, đồng thời xin nhập chúng chùa Từ Nghiêm để thuận lợi cho việc tu học và hành đạo. Ngày 25-8-1968, Ni trưởng thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Pháp Quang, TP.Hồ Chí Minh, lấy pháp hiệu là Như Giác.

III. Sự nghiệp

Năm 1963, Phật giáo bị kì thị nên cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo bùng phát, Ni trưởng về chùa Phước Hải, quận 10 để cùng Tăng Ni và Phật tử tham gia đấu tranh bảo vệ màu cờ Phật giáo, đồng thời hàng ngày thị giả việc ăn uống cho Ban Giám đốc và chư Tăng tại Viện Hóa đạo sau khi GHPGVNTN thành lập. Sau đó, Ni trưởng được đề cử về Quan Âm tu viện để trông nom và đèn nhang kinh kệ, giáo hóa tín đồ và tìm cách phát triển ngôi tu viện giữa cù lao sông nước. Hàng ngày Ni trưởng đã không quản ngại đi sớm về khuya, đội nắng mưa đi bộ nhiều tiếng đồng hồ từ Quan Âm tu viện tới Viện Hóa đạo để hộ trì chư Tăng, rồi về lại Quan Âm tu viện trong điều kiện Thành phố đang có nhiều bất ổn, đi lại còn nhiều khó khăn lúc bấy giờ.

Khi ấy. Quan Âm tu viện còn rất đơn sơ, tường tranh vách lá, quanh năm nắng sớm mưa chiều, giao thông đi lại còn rất khó khăn do chưa có cầu bắt qua sông mà chùa nằm trên Cù lao sông nước, ngăn sông cách chợ. Ni trưởng là người đầu tiên đứng ra thỉnh Phật, di chuyển bằng đò vào chùa, tổ chức lễ an vị Phật tại ngôi chùa này dưới sự chứng minh của Hòa thượng khai sơn Thích Tâm Châu.

Là người vốn nói ít làm nhiều, thích độc cư tịnh tu, năm 1968, Ni trưởng tìm mua đất và dựng lên một cái cốc nhỏ để tịnh tâm tu tập. Sau đó tại mảnh đất này vào năm 1972, Ni trưởng cất lên ngôi chùa nhỏ lấy tên là chùa Kiều Đàm - ý Ni trưởng muốn nhắc lại và noi gương Di Mẫu Kiều Đàm - vị Thánh Ni đã có công xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia, sáng lập Ni đoàn trong lịch sử Phật giáo để tưởng nhớ công ơn cao cả của ngài.

Năm 1998, chùa Kiều Đàm nằm trong khu quy hoạch đô thị nên phải di dời giải tỏa, Ni trưởng được Phật tử địa phương gửi đơn thỉnh nguyện lên môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm cử Ni trưởng về trụ trì Quan Âm tu viện thay cố Ni sư Thích nữ Như Duyên để tiếp quản ngôi chùa, điều hành Phật sự và hoằng tuyên chánh pháp. Cùng lúc trong thời gian này, Ni trưởng chỉ đạo cho trưởng pháp tử là Ni sư Thích nữ Như Tín xây dựng chùa Bảo Minh, quận Bình Thạnh. Có thể nói rằng Quan Âm tu viện và chùa Bảo Minh ngày nay được huy hoàng tráng lệ phần lớn là nhờ công đức của Ni trưởng thượng Như hạ Giác.

Vốn là người giản dị, từ bi đôn hậu, luôn quan tâm chia sẻ niềm đau nỗi khổ của chúng sanh, Ni trưởng ngoài việc xây dựng chùa Kiều Đàm và trùng tu tôn tạo Quan Âm tu viện và chùa Bảo Minh, tiếp Ni độ chúng, Ni trưởng còn mở Tuệ Tĩnh đường Quan Âm tu viện khám chữa bệnh phát thuốc điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong và ngoài Thành phố, Tuệ Tĩnh đường hoạt động tuần 3 buổi, mỗi buổi có hàng trăm bệnh nhân từ các nơi đổ về khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân điều trị hậu tai biến.

Ni trưởng cũng thực hiện nhiều chuyến từ thiện về các tỉnh vùng sâu vùng xa. Trong lần về quê phát quà từ thiện cho bệnh nhân trại phong Vân Môn tỉnh Thái Bình, xót xa đồng cảm với nỗi đau thể xác và chơi vơi tinh thần của các bệnh nhân phong cùi nơi đây. Ni trưởng đã phát tâm xây dựng một ngôi chùa cho bệnh nhân được nương tựa nơi cửa Phật, đồng thời Ni trưởng cũng cho xây các công trình phụ như nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh trong trại phong để bệnh nhân tránh khỏi tình trạng chết đuối vào những năm lũ lụt nước dâng cao hay chấm dứt tình trạng bệnh nhân chết thảm do bước hụt xuống hầm cầu mở.

Với mong muốn các công trình phụ và ngôi chùa sớm hoàn tất để bệnh nhân sinh hoạt, Ni trưởng đã đích thân chỉ đạo xây dựng, ngày ngày Ni trưởng đem theo cơm nắm muối vừng từ quê nhà tới trại phong để ăn trưa lót dạ ròng rã trong nhiều tháng như thế.

Chùa xây xong, Ni trưởng thỉnh Thượng tọa Thích Thanh Định - Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh phát tâm về chùa Vân Môn điều hành Phật sự, hướng dẫn cho bệnh nhân tu học, tụng kinh niệm Phật, tổ chức quy y cho các bệnh nhân phong cùi và đồng bào Phật tử tại địa phương. Ni trưởng cũng thường xuyên gửi về phát tặng chuỗi và kinh sách cho bệnh nhân Phật tử, phát quà tình thương với tâm niệm là an ủi chia sẻ những con người bất hạnh cả về tinh thần lẫn vật chất. Ngoài ra, Ni trưởng còn thỉnh kinh sách, tượng Phật về ấn tống cúng dường cho các chùa nghèo vùng quê miền Bắc để dân chúng được kết thiện duyên với Phật pháp.

Dù bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước, ở đâu có nhu cầu thì Ni trưởng đều đứng ra vận động xây nhà tình thương, đóng giếng cho đồng bào tại các vùng khan hiếm nước. Vào những lúc thiên tai lũ lụt, Ni trưởng thường xuyên tổ chức những chuyến cứu trợ đến với đồng bào khó khăn. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan, Tết Nguyên đán, Ni trưởng đều tổ chức phát quà từ thiện cho đồng bào nghèo tại địa phương và các tỉnh vùng sâu vùng xa một cách miệt mài không gián đoạn.

Một điều đặc biệt mà khi nhắc tới Ni trưởng ai cũng nhớ tới, đó là tại các chùa trong thành phố hoặc các tỉnh thành, mỗi khi có lễ lớn thì Ni trưởng đều đưa các em Phật tử trẻ tới chùa dâng hoa và dâng y cúng dường. Ni trưởng đã hướng dẫn các em thanh thiếu niên Phật tử dâng hoa dâng y theo bản sắc văn hóa Phật giáo và dân tộc Việt Nam kết hợp với văn hóa Ấn Độ, được chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử hết lòng hoan hỷ và tán thán.

Đồng thời, để trợ duyên cho các hành giả yên tâm tu học trong 3 tháng an cư kiết hạ, tạo thắng duyên cho Phật tử tô bồi công đức, thực hiện nhiệm vụ ngoại hộ của người Phật tử tại gia, hàng năm Ni trưởng tổ chức cho chư Ni và Phật tử đi cúng dường các trường hạ trong và ngoài thành phố.

Đáp ứng tâm nguyện tu học của chư Ni và Phật tử, Ni trưởng đã mở đạo tràng Đại bi vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần cho chư Ni và Phật tử hành trì, học theo hạnh nguyện đại bi của Bồ tát Quán Thế Âm, thỉnh giảng sư trong và ngoài thành phố về chùa thuyết giảng cho đạo tràng học hiểu chánh pháp, hàng tháng mở khóa tu Gieo hạt Từ tâm cho thanh thiếu nhi về chùa tu học, mở khóa tu thiền Tâm An lạc, thỉnh mời các phái đoàn Phật giáo quốc tế về chùa cử hành các khóa lễ theo truyền thống Kim cương thừa góp phần cầu nguyện quốc thái dân an và hướng dẫn chư Ni và Phật tử hữu duyên tu học theo Phật giáo Kim cương thừa.

Có thể nói, Ni trưởng là một bậc chân tu có đức tính cần kiệm, sống giản dị, mộc mạc chất phác, nghiêm kỷ với chính mình, hòa ái với mọi người, luôn giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, được rất nhiều chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử thương kính. Suốt cả cuộc đời tu học và hành đạo, Ni trưởng chỉ có một tâm niệm là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” đúng với tôn chỉ, mục đích của người xuất gia học đạo.

IV. Những ngày cuối cùng

Có sinh ắt có tử, đó là định luật muôn đời không ai tránh khỏi. Sinh ly tử biệt vẫn là nỗi đau muôn thuở của kiếp nhân sinh. Nhưng đối với người xuất gia thì trần gian là cõi tạm phù hư, cuộc đời là quán trọ ven đường, Tây phương Cực lạc mới là quê hương để trở về, là bảo sở thường trú tịch lạc.

Trong những tháng ngày bệnh duyên, tuy đi lại khó khăn nhưng tâm trí Ni trưởng rất tinh tường minh mẫn, thường vân tâp môn đồ đệ tử, di huấn những lời tâm huyết, nhắc nhở những điều cần làm. Khi những việc cần làm Ni trưởng đã làm xong, thuận thế vô thường, Ni trưởng an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 12 giờ 30 ngày 2 tháng 8 năm 2022 (5-7-Nhâm Dần) tại Quan Âm tu viện, trụ thế 97 tuổi, 55 Hạ lạp. Ni trưởng ra đi để lại vô vàn niềm kính tiếc khôn nguôi cho môn đồ pháp quyến. Một đời Ni trưởng đã dâng trọn cho đạo pháp và chúng sinh.

“Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi

Hạ vàng cất cánh ngắm phương trời

Huyễn thân trả lại nơi trần thế

Giã biệt hôm nay thật ngậm ngùi.”

Nam-mô Quan Âm tu viện đường thượng Tỳ-kheo-ni Bồ-tát giới thượng Như hạ Giác giác linh Ni trưởng thùy từ chứng giám.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức

Tăng sĩ 10:30 01/11/2024

Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60

Tăng sĩ 09:39 07/10/2024

Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)

Tăng sĩ 14:27 02/10/2024

Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...

Trung ương Giáo hội tưởng niệm Tiểu tường Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn

Tăng sĩ 23:58 20/09/2024

Sáng 20/9, Trung ương Giáo hội và Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trang nghiêm tưởng niệm một năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn - Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, tại chùa Cần Đước (tỉnh Sóc Trăng).

Xem thêm