Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 05/06/2017, 14:54 PM

Hãy lấy tình thương xóa bỏ hận thù

Người mang tâm niệm hận thù muốn hại người khác như người đốt đuốc đi ngược chiều gió, chưa hại được ai mà đã tự hại chính mình. Nóng giận là thói quen thông thường của tất cả mọi người, không ai trên đời chưa một lần nóng giận, vả chăng chỉ có các bậc đại Bồ tát thị hiện vào đời vì lợi ích chúng sinh.

Một người vì tức tối với ông hàng xóm, đem lòng oán giận và cố công tìm cách trả thù. Có người biết chuyện nên tìm cách an ủi, khuyên nhủ anh không nên thù hằn, bởi chưa hại được ai đã tự khiến mình bị bủa vây trong tức tối, khó chịu, sinh ra phiền muộn, đau khổ. Anh ta nhất quyết không nghe theo những lời khuyên, một mực chỉ muốn trả thù mới thỏa lòng, mát dạ. 

Người bạn do thương anh bị vô minh che lấp, phương tiện nói rằng đã có cách giúp anh, bảo anh cứ yên tâm vì thù xưa sẽ được rửa; chỉ cần anh đọc mật chú là người kia tức khắc sẽ chết ngay. Tuy nhiên, loại chú này rất linh ứng, và hiệu nghiệm; anh sẽ phải chết trước còn người kia sẽ bị chết sau. Kẻ tiểu nhân nghe vậy thì mừng quýnh, hắn nói rằng miễn kẻ thù chết là hắn mãn nguyện rồi. Quả thật, kẻ ngu si đã thù ghét ai, chỉ luôn mong cho họ mất mát, đau khổ hoặc chết đi mới vừa lòng, hả dạ.

Sân có nghĩa là nóng giận bộc phát ra bên ngoài, khi ta không hài lòng hay bất bình về một điều gì đó. Sân được biểu lộ qua những trạng thái như đỏ mặt tía tai, bực tức, la hét, xỉa xói, nguyền rủa, chửi mắng, đánh đập, thậm chí có thể giết người khi không làm chủ được bản thân. Song song với sân là hận, có nghĩa là hờn, là dỗi, còn gọi là oán hờn, bứt rứt, khó chịu trong tâm. Theo từ Hán Việt, ta gọi chung là “sân hận”, một trạng thái của tâm được thể hiện ra bên ngoài gọi là sân, âm ỉ sôi sục bên trong gọi là hận.

Người nóng tính khi việc qua rồi sẽ không nhớ lại vì lời bộc trực họ nói rồi thôi, nhưng khi hận ai thì họ nhớ hoài, lâu ngày sinh ra thù ghét, mà đã thù ghét thì họ cố tình tìm đủ mọi cách để hại được người, nên mới gọi là hận thù. Nhất là những người làm chính trị; họ luyện tập để cơn giận không thể hiện ra bên ngoài, nhưng được đè nén, kìm hãm bên trong, nên đối phương không hề phác giác. Hạng người này rất nguy hiểm, họ giết người không bằng gươm đao, giết không gướm tay vì quyền lực, danh vọng, và có thể giết luôn cả người thân.

Ai mang tâm niệm thù hận này vào lòng mà không biết cách buông xả, trước nhất sẽ làm chính mình bất an, bực tức, khó chịu mỗi khi gặp hoặc nghe nói đến người. Như kẻ ngu kia vì ôm vào lòng tâm niệm hận thù, nên lúc nào cũng bức bách, khổ đau, phải tìm cách trả thù mới yên lòng, thỏa dạ. Dù được bạn bè khuyên nhủ thế nào cũng không bỏ qua, cứ một bề cố chấp trả thù cho bằng được. Hạng người này thật sự đáng thương hơn là đáng ghét. 

Họ bị vô minh, mê muội che lấp, nên dù có học Phật pháp nhiều năm họ cũng vậy, khó lòng thay đổi. Họ luôn thấy mình là thầy thiên hạ, càng ở chùa lâu càng si mê, sân hận, chấp trước, bám víu và dính mắc vào đó. Người mang tâm niệm hận thù như thế, trước mắt chưa hại được ai, mà đã tự hại chính mình, có khác gì kẻ đốt đuốc mà đi ngược chiều gió vậy. Kẻ ngu cũng sẽ như thế, chưa hại được ai mà đã tự đốt mình bằng ngọn lửa sân hận bốc cháy bên trong.

Nóng giận là thói quen thông thường của nhiều người, nhưng giận mà biết điều phục cơn giận, hay chuyển hóa cân bằng cơn giận thì lại rất khó đối với phàm phu, tục tử chúng ta. Có người vì chút nóng giận mà ôm hận cả đời, thề chết đem theo chứ một lòng không dứt. Cũng như kẻ ngu, nhất quyết trả thù dù phải chết trước nhưng lòng vẫn vui mà không hề buồn phiền. Hắn chỉ mong sao kẻ thù phải chết là được rồi, hắn không cần cầu mong gì hơn. Đúng là ngậm máu phun người dơ miệng mình, như kẻ ngu xịt thuốc trừ sâu, lại đứng ngược gió để hứng trọn bao nhiêu chất độc, nhẹ thì sơ cứu, nặng thì tàn tật, hoặc chết người như chơi.

Một tu viện nọ ở gần núi Lớn có một chú chó tên là Ky nô. Chú trông rất dễ thương, nhưng lại dễ ghét vì tật sủa dai mỗi khi có khách thập phương qua lại. Một hôm, có đoàn phật tử đến viếng chùa, chó Ky nô sủa dai làm mọi người cảm thấy khiếp sợ. Thiền sư trong thất bước ra hứ hứ mấy tiếng, nhưng chẳng tác dụng gì. Con chó sủa mãi khiến sư ngại quá nên nện mấy hèo, khiến nó đau, kêu cẳng cẳng rồi bỏ chạy luôn mà không quay lại. Cũng sáng hôm đó, có một chú tiểu vì mê chơi game, lơ là bỏ học. Thiền sư bắt chú quỳ hương răn dạy, nhưng chú một bề ngoan cố, không nhận lỗi mình, nên vừa quỳ lại vừa cự nự. Thiền sư đánh cho mấy hèo, chú cũng giận quá, liền bỏ đi, không một lời từ giã.

Cũng trong ngày ấy, thiền sư có việc xuống núi đến chiều tối mới về. Con chó Ky nô đứng trước cổng chùa, ra vẻ sợ sệt, quẫy đuôi lia lịa và đứng lên bằng hai chân sau, hai chân trước sá sá như lạy, hai hàng nước mắt tuôn trào bên má như ăn năn hối lỗi rất nhiều. Còn phần chú tiểu đi luôn mất hút mà không hẹn ngày về. Một ngày rồi lại hai ngày, một tuần rồi đến một tháng, rốt cuộc một năm trôi qua nhưng chú tiểu ngoan hiền, dễ thương ngày nào nay không còn và cũng không biết đã đi đâu, về đâu.

Tội nghiệp cho chú tiểu quá chừng, nhờ có phúc duyên tốt nên mới được vào chùa tu học từ nhỏ, ấy thế mà chỉ vì nông nổi, bồng bột ham chơi mà đành cam chịu bỏ cuộc nửa chừng, khiến đường tu bị gián đoạn. Lửa địa ngục sẽ thiêu đốt những ai không biết cách kiềm chế cơn giận, làm mất hết bình tĩnh, lý trí lu mờ, không làm chủ bản thân, gây bao lầm lỗi và khổ đau cho người khác. Chú tiểu tuy có phúc duyên lớn được mang thân người, lại sớm được thọ giáo và sự chỉ dạy tận tình của thiền sư, nhưng trong lòng lại oán hận mà đành đoạn bỏ đi. 

Vì sân hận nên chú đã đánh mất cơ hội làm con người “tâm linh” trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Con chó tuy bị thiền sư đánh đau, nhưng nó là con vật trung thành, không tính toán so đo, nhờ vậy vẫn còn cơ hội ở lại tu viện, học cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui hạnh phúc, giúp thay đổi nghiệp báo ngu si để sau này được thân tâm tốt đẹp.
 
Chú tiểu và con chó, hay con người và con vật. Con người có lợi thế ý thức cùng sự hiểu biết, nếu biết vận dụng, hướng theo chiều tốt đẹp thì đời sống đạo đức tâm linh ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Ngược lại, nếu đi theo chiều hướng xấu xa, gây tạo tội lỗi thì bị đọa lạc vào ba đường dữ: địa ngục, quỷ đói và súc sinh. Địa ngục ở đây là địa ngục trần gian, chỉ người quản lý tội phạm và người phạm tội mới biết được mà thôi. Tùy theo tội nặng hay nhẹ mà có mức án cân xứng với nó; ngoài ra còn vô số địa ngục như nhà bếp gia đình, nhà hàng tươi sống, lò mổ sát sinh, phòng cấp cứu tai nạn, nhà đánh bắt bẫy lưới và vô vàn vô số địa ngục khác trên cõi đời này.

Địa ngục tâm thức là cái tâm toan tính hại người, hại vật, nóng giận quá đáng, đánh đập, chửi mắng, hành hạ người khác; đó là địa ngục hiện tiền. Với loài súc sinh thì ta đã thấy rất rõ ràng, vô số, vô vàn chủng loại từ nhỏ đến lớn ăn nuốt, giết hại lẫn nhau theo kiểu mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ và còn bị con người tiêu thụ, giết làm thức ăn bằng nhiều hình thức. Với loài quỷ đói thì ta khó thấy, ai có nghiệp duyên mới rõ được kiếp sống của chúng, như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng đã từng nhìn thấy.

Sân giận là một trong những nguyên nhân có thể làm cho con người bị đọa địa ngục hiện tiền, khi không biết làm chủ bản thân, đã lỡ tay giết một ai đó. Không phải ai vào chùa cũng đều ý thức được giá trị cuộc sống, biết được trách nhiệm và bổn phận tu hành của bản thân. Con người và loài vật khác nhau ở chỗ nào? Đa số con vật đều sống theo quán tính tập quán, vì không có ý thức suy nghĩ nên rất trung thành và biết ơn, nhất là loài chó.

Có nhiều con chó dù bị người đánh đập, xua đuổi thường xuyên, nhưng loài chó không bao giờ giận lâu, khi bị đánh đau thì kêu ẳng ẳng hay bỏ chạy một lúc rồi cũng quay trở lại. Tuy nhiên, con chó vẫn biết lỗi khi không làm vừa lòng chủ, nhưng nó vẫn biết ơn con người vì thương mà nuôi nó, nên lúc nào nó cũng quẫy đuôi mừng. Điểm đặc biệt của loài chó là sự trung thành và biết ơn tuyệt đối. Với chú tiểu lại không được như vậy. Tuy có phúc duyên lớn nhưng bồng bột, ham vui, không ý thức việc tu hành là tối quan trọng nên lơ là, dễ duôi, bị bạn bè xấu tác động hoặc đam mê chơi game quá sớm. Chính vì vậy, chú dễ dàng bị cuốn vào dòng đời, bởi những trò chơi hấp dẫn, ma mị ảo, luôn kích thích lòng tham con người cùng ước muốn hưởng thụ cá nhân.

Hiện nay, con ma game bạo lực đang xâm nhập vào học đường mạnh mẽ, làm vẩn đục tâm hồn các em, khiến các em mê muội bởi sức hấp dẫn kích thích tài năng ảo. Về mặt nhận thức, ai cũng biết game chỉ là thế giới ảo, nhưng tuy biết ảo, ý thức hệ con người vì nhạy bén nên dễ tiếp thu nhanh, do thói quen xấu nhiều đời luôn muốn hưởng thụ và chiếm hữu. Chính quan niệm chấp ngã của cái TÔI cá nhân và cái muốn chiếm hữu đã làm các em cảm thấy mình là trung tâm vũ trụ, mỗi khi chơi game là có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của mình, để được làm game chủ.

Người nghiện game luôn mang tư tưởng ảo, vì muốn chứng tỏ tài năng của mình mà mê muội dính mắc vào những điều huyền hoặc không thật có. Thường trẻ em lần đầu tiên tiếp xúc với con ma game, không biết phân biệt điều hay, điều dở mà luôn nghĩ rằng thế giới ảo có gì là tác hại. Các em đâu biết, tuy thực là ảo nhưng có công năng kích thích lòng tham, nâng cao bản ngã hơn thua, làm trẻ sớm bị tha hóa do sức hấp dẫn mà vướng vào tệ nạn xã hội. Thật ra, game bạo lực ngay với người trưởng thành, nếu không có sự hiểu biết chân chánh, cùng nhận thức sáng suốt thì vẫn bị chi phối, lôi cuốn, làm hỏng cả cuộc đời huống chi là trẻ em.

Thiền viện Thường Chiếu hiện nay có khoảng 150 chú tiểu đang tập sự thực hành lời Phật dạy, nhưng nếu ai trong lúc đi học vướng vào con ma game thì trước sau gì cũng bỏ cuộc ra đời. Tôi năm nay 53 tuổi, vào chùa đã 18 năm, nhưng gặp ai chơi cờ tướng vẫn bị cuốn vào như con thiêu thân. Bản thân tôi là một bằng chứng thiết thực, vì tập khí nhiều đời huân tập biết bao thói quen tật xấu, chỉ sơ hở, lơ là một chút là thói quen cũ sai xử ta dễ dàng.

Phim ảnh đồi trụy cùng game bạo lực, kích động tâm lý tiêu cực như chiến thắng, dẫn đến sân hận, thù hằn, ganh ghét, tật đố khiến các em chai lỳ, lạnh lùng, mất dần tính người, nên vô cảm quá độ. Xã hội ngày nay có quá nhiều vụ án còn trong lứa tuổi thành niên đã trộm cướp, hiếp dâm, giết người vô cùng dã man và tàn bạo. Tất cả cũng vì các em tiếp xúc quá sớm với phim ảnh đồi trụy và con ma game bạo lực.

Trẻ em tiếp xúc nhiều với game bạo lực dễ dẫn đến bốc đồng, háo thắng, vì trong đó chỉ có đấu tranh, hơn thua, thắng bại, chết chóc, đau thương, không chút tình người. Thế giới ấy không có tình thương, không sự cảm thông, không có hòa bình, nếu thắng thì sống, còn bại thì chết.

Tôi có đứa con bị bỏ rơi từ một tháng tuổi. Khi ấy, tôi vô trách nhiệm bởi đam mê tứ đổ tường. Ngày tôi khuyên mẹ xuất gia, bà đã đồng ý, nhưng phải tìm được hai đứa cháu nội, tức là con tôi, để bà nhìn mặt cháu nội đích tôn. Tôi và thầy Nhật Từ cùng mẹ đi về Đức Hòa Long An tìm lại hai con lưu lạc mà tôi bỏ rơi trước khi xuất gia học đạo. Vì duyên nợ còn nên cha con, bà cháu được gặp lại nhau mừng vui khôn xiết. Đó là ngày sum họp, đoàn tụ có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chúng tôi.

Sau đó, mẹ tôi xuất gia, đứa con thứ hai cũng phát tâm làm đệ tử thầy Thích Nhật Từ khi được 13 tuổi. Ai cũng nói sao tôi hay quá, không ngờ duyên xấu lại chuyển thành tốt. Thời gian đầu mới vào chùa chú Ngộ Đức ngoan hiền, thật thà hết mực. Chú nói với tôi Phật pháp hay quá thầy ơi, nên con sẽ về độ mẹ và ngoại cùng tu luôn. Thời gian đó, chú đã ngồi thiền được trên một tiếng rưỡi. Vậy mà chỉ mấy năm sau, chú bị con ma game quyến rũ nên không còn thiết tha với việc tu hành nữa. 

Tôi thấy tình thế không xong, sau nhiều lần khuyên nhủ vô ích, nên tôi thay đổi chỗ tu cho chú ở vùng xa, hẻo lánh với hy vọng chú thay đổi mà cố gắng tu lại từ đầu. Mặc dù thế nhưng lực bất tòng tâm, chú vẫn tiếp tục chơi game, nên cuối cùng hết thuốc trị, tôi đành bó tay, trả chú về lại cho gia đình ở quê. Tôi chỉ mong sao chú tự ý thức làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình bằng sự suy nghĩ chín chắn. Cuộc sống ở quê vì thiếu thốn khó khăn nên chú phải tự làm việc để trang trải miếng ăn. Ấy vậy mà cố tật chơi game chú vẫn không chừa bỏ, ngày đi làm tối về chơi game đến tận nửa đêm.

Đầu xuân Nhâm Thìn, mẹ tôi bị bệnh tai biến mạch máu não lần thứ năm. Chú đã xuống thăm bà trong những ngày hấp hối. Sau khi gặp lại chú, bà mừng rơi nước mắt rồi an nhiên, nhẹ lòng ra đi. Chắc bà cũng đã dặn dò mong chú tiếp tục con đường tâm linh, vì hai bà cháu có sự cảm thông với nhau nhiều hơn. Do hiểu được mong muốn của bà trong giờ phút cuối cùng và ý thức sự vô thường của kiếp người, nên chú động lòng bi mẫn, phát tâm ở lại chùa Giác Ngộ, theo thầy Nhật Từ phụ quay phim cho đến ngày hôm nay.

Hiện giờ, mỗi tháng chú vẫn theo tôi đến những trung tâm bảo trợ xã hội, tiếp cận thực tế hoàn cảnh bi đát của những người bất hạnh, nhằm cố gắng để điều phục chính mình, vượt qua sức hấp dẫn của con ma game vô bổ. Thật ra, thế gian này kẻ khôn thì ít còn người dại thì nhiều. Do ma lực ảo từ sự chấp ngã của cái tôi, cái ta này, mà ta chẳng biết mình là ai. Con người vì thế nên mãi lao đầu vào các thú vui thấp hèn, rồi dính mắc vào vòng tệ nạn, tự làm khổ mình và làm khổ người thân. Còn biết bao thứ tệ nạn khác như rượu chè, cờ bạc, hút chích, đàn điếm khiến con người mất dần nhân cách, xã hội tha hóa cùng những khoái lạc ảo, tuy có mà không bền chắc lâu dài, gây nên những thiệt hại nặng nề cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Có nhiều gia đình vì quá thương con nên đã tập chúng chơi game từ khi mới vừa ba tuổi. Chính con ma game sẽ giết chết đời các em từ tuổi ấu thơ, làm thiệt hại cho gia đình và hủy hoại nhân tài của đất nước, ảnh hưởng đến tương lai tươi sáng của xã hội. Trách nhiệm này thuộc về ai? Gia đình, nhà trường, xã hội hay những người nắm cán cân công lý. Đất nước cần có cuộc hội thảo toàn dân để tìm ra giải pháp tốt đẹp, nhằm giúp các em không rơi vào hố sâu tội lỗi bởi con ma game bạo lực.

Đôi lời tâm sự chân thành mong được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống với chư huynh đệ pháp lữ gần xa nhằm cùng nhau chia vui, sớt khổ qua cách thức chuyển hóa những sân hận, hơn thua.

Thích Đạt Ma Phổ Giác 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm