Hãy sống với giáo pháp
Đức Phật dạy chúng ta phát triển giá trị nội tại bằng cách thiền quán về thiện ý, nhưng bạn phải có ý định thực hiện điều đó thì mới thực sự có kết quả.
- Đức Phật dạy chúng ta đừng bám chấp vào vật chất. Hãy để chúng phù hợp với bản chất của chúng và chỉ sử dụng sự lợi ích mà chúng cung cấp. Vật chất là cặn bã, những thứ bỏ đi; chất dinh dưỡng của chúng là niềm vui mà ta cảm nhận được khi ta sẵn sàng cho chúng đi. Vì vậy, đừng ăn thứ đồ thừa này. Hãy nhổ ra để chúng có thể còn hữu ích, cho bản thân ta và cho cả tha nhân khi ta cảm nhận được giá trị nội tại do bố thí.
- Những người không tin vào điều tốt hiếm khi làm điều tốt, nhưng những người không tin vào cái ác, luôn làm điều ác.
- Điều ác không phải tự nhiên xảy ra. Nó chỉ xảy ra nếu ta thực hiện nó.
- Đức Phật dạy chúng ta phát triển giá trị nội tại bằng cách thiền quán về thiện ý, nhưng bạn phải có ý định thực hiện điều đó thì mới thực sự có kết quả.
- Chánh niệm, tỉnh giác là phẩm chất của Đức Phật. Cảm giác hạnh phúc tuyệt vời mà chúng mang đến là phẩm chất của Pháp. Nếu bạn có thể duy trì sự mát mẻ đó cho đến khi nó đông cứng thành một khối băng - tức là, bạn làm cho điều thiện vững chắc, mạnh mẽ trong tâm mình - đó là phẩm chất của Tăng. Một khi bạn đã có một khối vững chắc của tâm thiện lành như thế đó, bạn có thể nhặt nó lên và sử dụng theo ý bạn thích.
- Khi đến tu viện, chúng ta tìm kiếm sự bình an, tĩnh lặng nơi đó, vì vậy đừng thả hổ, cá sấu hay chó dại vào khuôn viên chùa, gây nguy hiểm cho tất cả những người đến đây. Hổ, cá sấu và chó dại chính là tâm tham, sân và si của ta. Chúng ta phải xích, nhốt, cột chặt chúng lại. Hãy chắc chắn rằng chúng không thoát ra ngoài qua những suy nghĩ, lời nói và hành động bằng bất cứ cách nào.
- Khi ta lắng nghe Pháp, giống như vị giảng sư đang cho chúng ta mỗi người một con dao; tùy ta có nhận nó hay không. Khi trở về nhà và gặp phải những vấn đề trong gia đình, ta có thể sử dụng dao đó để cắt đứt chúng. Nhưng nếu ta ném con dao xuống ngay đây hoặc đưa lại cho nhà sư, ta sẽ không có vũ khí để sử dụng khi đối mặt với các vấn đề.
- Học Pháp giống như đọc một cuốn sách dạy nấu ăn. Việc thực hành Pháp giống như chuẩn bị thức ăn. Việc đạt được Pháp giống như được nếm hương vị thức ăn. Nếu chúng ta chỉ đọc sách mà không đưa chúng vào thực tế, thì giống như biết rằng có những thứ như ớt, tiêu, nhưng không biết sử dụng chúng trong bữa ăn.
- Nếu bạn học Pháp mà không thực hành nó, giống như bạn đang thiếu các bộ phận thân thể. Nếu bạn học và thực hành, giống như bạn có đầy đủ hai mắt, hai tay và hai chân. Bạn có thể làm mọi thứ dễ dàng hơn nhiều so với người chỉ có một mắt, một tay hoặc một chân.
- Có lòng tự trọng nghĩa là bạn tôn trọng những suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Tôn trọng hành động có nghĩa là bất cứ điều gì bạn làm, bạn luôn tuân theo ba nguyên tắc của hành động thiện lành: không giết người, không ăn cắp, không quan hệ tình dục bất chính. Tôn trọng lời nói có nghĩa là bất cứ điều gì bạn nói, bạn luôn tuân theo bốn nguyên tắc của lời nói khéo léo: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô lỗ và không nói chuyện phiếm. Tôn trọng ý nghĩ có nghĩa là bất cứ điều gì bạn nghĩ, bạn luôn tuân theo ba nguyên tắc của tâm thiện lành: cố gắng giữ quan điểm thẳng thắn, không tham lam hay ác ý.
- Có phá giới vẫn tốt hơn là không có bất kỳ giới gì để phá. Như có mặc quần áo rách vẫn tốt hơn là đi loanh quanh trần trụi.
- Trước khi nói bất cứ điều gì, bất kể ý định của bạn là gì, hãy nhìn sang phải, sang trái và chỉ nói khi bạn chắc chắn rằng lời bạn nói phù hợp với tình huống. Đừng cư xử tồi tệ.
- Riêng nói về chánh mạng, mưu sinh chân chính: Ngay cả khi sinh kế cơ bản của chúng ta là trung thực, nhưng ta áp dụng nó một cách không trung thực, cũng là sai. Thí dụ, chúng ta là nhà nông, nhưng lấy đất người khác làm của mình. Đó là tà mạng, thu hoạch trên đất đai đó sẽ mang lại tai họa cho ta.
- Có hai loại cấu uế: một loại Đức Phật chấp nhận và một loại Ngài chê trách. Loại Ngài chấp nhận được là sự cấu uế của thân, vì nó giúp cho ta thấy rõ sự lão hóa và không hấp dẫn của những thứ tạp hợp, để tâm đạt được cảm giác xả ly, biết kiềm chế, và trở nên nhàm chán với sự gắn bó vào đau khổ, từ đó đặt mục tiêu phát triển giá trị nội tại để thoát khỏi khổ đau.
Đối với loại cấu uế mà Đức Phật chê trách, đó là sự cấu uế của tâm bất thiện, làm ô uế suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Đức Phật đã nghiêm khắc chê trách điều đó. Vì vậy, chúng ta phải luôn thanh lọc hành động của mình trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trong sạch, các bậc thiện tri thức mới khen ngợi chúng ta là không tự mãn và thiện lành.
- Thu thúc, gìn giữ các căn có nghĩa là chúng ta khiến cho các giác quan và đối tượng của chúng tương xứng với nhau. Thí dụ, thu thúc mắt có nghĩa là chúng ta không để cho mắt ta to hơn cảnh mà chúng nhìn, và cũng không để cảnh ta nhìn to hơn mắt của ta. Nếu cảnh lớn hơn mắt, chúng sẽ bị mắc kẹt trong đó. Chúng ta sẽ đêm ngày nghĩ tưởng đến chúng. Nếu mắt to hơn cảnh, có nghĩa là ta chưa nhìn đủ, còn muốn được nhìn nhiều hơn nữa. Trong cả hai trường hợp, tâm tham và si đã phát sinh. Ngọn lửa tham, sân và si sẽ đốt cháy đôi mắt của ta, khiến ta khổ đau.
- Kho báu cao quý, quan trọng là thiền định. Nó giữ cho tâm trí không lang thang vô định trong tất cả các loại vấn đề. Khi chúng ta gìn giữ Phật, Pháp, và Tăng trong tâm, thì như thể chúng ta đang thấm đẫm mình trong giới hạnh của các ngài. Khi đó, tâm sẽ phải trở nên thấm đẫm với giá trị nội tại. Giống như khi ta lấy một nắm thảo mộc đắng và ngâm chúng trong xi-rô cho đến khi xi-rô ngấm đầy vào chúng. Vị đắng của thảo mộc sẽ biến mất và được thay thế bằng vị ngọt của xi-rô. Cho dù tâm của một người kém cỏi đến thế nào, nếu nó liên tục được ngâm trong sự thiện lành, nó sẽ phải trở nên ngày càng tinh tế hơn.
- Dầu bạn làm gì, hãy làm với tâm chân thật, nếu bạn muốn đạt đến chân lý. Nếu bạn thực sự chơn chánh trong việc mình làm, bạn chỉ cần cố gắng một chút là đủ. Một triệu đồng tiền thật, tốt hơn mười triệu đồng tiền giả. Khi nói, bạn hãy giữ đúng lời. Khi làm, hãy làm cho đúng. Khi bạn ăn, hãy trụ vào việc ăn; khi bạn đứng, hãy đứng vững; khi đi, hãy chánh niệm việc đi của bạn; khi ngồi, hãy trụ vào việc ngồi; khi nằm, hãy niệm việc nằm. Đừng để tâm của bạn đi trước sự thật.
- Tâm giống như thức ăn trong đĩa. Chánh niệm giống như nắp đậy thức ăn. Nếu bạn thiếu chánh niệm, thì giống như thức ăn không được che đậy: Ruồi nhặng (ô nhiễm) chắc chắn sẽ đến, bu vào đó, làm ô nhiễm thức ăn với đủ loại vi trùng khiến thực phẩm trở nên độc hại và có thể khiến bạn bệnh. Vì vậy, bạn luôn phải cẩn thận che đậy các món ăn. Đừng để ruồi đậu lên đó. Có như thế tâm bạn mới trong sạch, thuần khiết, khiến phát sinh trí tuệ.
- Một ngôi nhà hoang, một ngôi nhà nơi có người đã chết, sẽ khiến bạn ớn lạnh. Chỉ khi có người trong nhà, bạn mới cảm thấy an toàn. Người không chú tâm đến hiện tại, giống như một ngôi nhà hoang.
- Ô nhiễm giống như những đụn cát hoặc gốc cây trên một dòng sông, ngăn cản thuyền bè vào bờ. Nói cách khác, tâm tham là thứ trì kéo chúng ta, sân là thứ va chạm vào ta, và si khiến ta quay cuồng và chìm xuống. - Làm người tốt cũng có những nguy hiểm. Nếu bạn là người tốt nhưng không biết cách sử dụng lòng tốt ấy - tức là bạn sử dụng nó không đúng lúc hoặc đúng nơi, hoặc theo cách khiến người khác khó chịu - nó sẽ không có lợi cho bạn, thay vào đó nó sẽ khiến bạn bị tổn hại.
- Cái tốt đến từ cái xấu, trong ý nghĩa là khi bạn chăm chú nhìn vào cái xấu, nó sẽ biến mất đi. Bất cứ bạn nhìn gì, hãy nhìn nó từ mọi phía. Đây là lý do tại sao người ta không cho phép bạn nhìn lâu những thứ đẹp đẽ (hoặc phụ nữ xinh đẹp), bởi vì sau một thời gian ngắm nhìn, bạn sẽ thấy rằng họ không đẹp đến vậy. Vì vậy, nếu bạn thấy một cái gì đó đáng ưa, hãy nhìn nó thật lâu, thật kỹ, cho đến khi bạn thấy rằng nó không hoàn hảo như bạn nghĩ. Nếu ai đó khiến bạn tức giận, hãy suy ngẫm về họ cho đến khi bạn cảm thấy thương cảm cho họ. Đối với tâm si mê cũng thế.
- Nếu khôn ngoan, thì tham, sân và si có thể giúp bạn. Ngay cả tham ái cũng có thể giúp bạn bằng cách khiến bạn muốn phát triển giá trị nội tại. Vì vậy, đừng coi thường những điều này. Bạn đang ngồi đây nghe giảng Pháp. Điều gì đã khiến bạn đến? Chính là tham. Khi người ta xuất gia làm Sa-di, làm Tỳ-kheo, ai đã khiến họ làm vậy? Chính là tham. Vì vậy, đừng chỉ nhìn vào những tiêu cực của tâm tham. Nếu không muốn làm người tốt, bạn không thể phát triển các giá trị nội tại. Những người muốn phát triển giá trị nội tại phải bắt đầu với ý muốn làm điều đó.
- Có ba điều lợi ích khi chúng ta thực hành Pháp: Chúng ta giúp bản thân và người khác thoát khỏi đau khổ, và chúng ta gìn giữ mạng mạch cho tín ngưỡng của mình.
Diệu Liên Lý Thu Linh trích dịch
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Tâm chú Lăng Nghiêm có lợi ích vô cùng
Kiến thức 09:35 24/12/2024Nếu sáng sớm bạn tụng niệm Chú Lăng Nghiêm một lần, sau đó tụng tâm Chú 108 lần, thì sẽ được phước báu vô lượng vô biên. Cho nên nói, nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời.
Ngũ giới là gì?
Kiến thức 09:20 24/12/2024Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử.
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Kiến thức 16:17 23/12/2024Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.
Xem thêm