Hãy sống với tâm từ để hóa giải xung đột và thù hận
Năng lượng yêu thương của tâm từ rất lớn, bản thân người tu tập cũng như những người xung quanh có thể cảm nhận về nó một cách rõ ràng. Tâm từ như dòng nước cam lồ, tưới tẩm thân tâm luôn mát mẻ và an lành.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:
Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt.
Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh
Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện.
Với tâm ý từ mẫn
Ðối với mọi chúng sanh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành.
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu từ tâm.
Như ánh sáng mặt trăng
Ðối với các vì sao
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.488)
Tâm từ bi giúp ta mang thiện nghiệp bước qua cánh cửa tử vô hình

Lời bàn:
Từ bi là một phẩm tính đặc thù của Phật giáo đồ nói chung, đồng thời là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hành giáo pháp nhằm thanh tịnh và thăng hoa tâm linh. Thương yêu tất cả mọi chúng sanh không phân biệt và vô điều kiện chính là tâm từ. Phẩm tính thương yêu của tâm từ thì ai cũng có nhưng vì nhiều nhân duyên mà hiển lộ hoặc bị che lấp nhiều ít khác nhau tùy mỗi người. Vì thế, phải thực tập thiền quán rải tâm từ hàng ngày để nuôi dưỡng và phát triển từ bi.
Năng lượng yêu thương của tâm từ rất lớn, bản thân người tu tập cũng như những người xung quanh có thể cảm nhận về nó một cách rõ ràng. Tâm từ như dòng nước cam lồ, tưới tẩm thân tâm luôn mát mẻ và an lành.
Mặt khác, tâm từ có thể tuôn chảy đến những người khác, những người chúng ta yêu thương và cả những người từng oán ghét hay làm cho chúng ta đau khổ. Nhờ sống với yêu thương nên những não phiền được dập tắt, sự căm ghét oán hận được thay thế bằng tha thứ xả buông, và cuộc sống chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thênh thang hơn.
Cũng từ đây, từ tâm trở thành một chất liệu kết nối những tấm lòng nhân ái để tạo ra vô số công đức tốt lành bằng hạnh nguyện làm lợi mình và lợi người. Yêu thương mọi loài với từ tâm là nhân tố chính yếu tạo ra tất cả các công đức thiện lành ở thế gian. Khi mà người ta ở trong các cộng đồng biết yêu thương nhau như ruột thịt (từ bi), biết nhìn nhận sự có mặt trong nhau (trí tuệ) nên không làm tổn hại thì những cộng đồng ấy tất yếu sẽ gặt hái thật nhiều an lành và hạnh phúc.
Tâm bình thì thế giới bình. Do vậy trong bối cảnh xung đột, bạo lực cùng nguy cơ chiến tranh ngày càng bùng phát mạnh mẽ và có tính toàn cầu thì tâm từ càng được tôn vinh nhằm ứng dụng thực hành như là một giải pháp tất yếu để cứu nguy cho nhân loại. “Khéo tu tập tâm từ” tức là tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người, mỗi nơi mà vận dụng thực hành thiền quán từ bi, khơi nguồn cam lộ tưới mát thế gian. Đây là lời dạy của Thế Tôn từ xa xưa nhưng lại trở nên cấp thiết và quan yếu nhất đối với nhân loại hiện nay.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Bốn pháp mang đến an lạc ngay hiện tại cho người cư sĩ
Lời Phật dạy
Người đệ tử Phật, tu học theo Phật, dù xuất gia hay tại gia đều phải thiết lập được lợi ích và an lạc ngay trong hiện tại. An lạc ngày sau là lẽ tất nhiên của vận trình nhân quả nếu hiện tại có an lạc. Vì thế, mỗi người hãy vận dụng giáo pháp một cách uyển chuyển và thông minh, phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của mình sao cho thực sự có lợi ích và an vui.

Dùng pháp trị bệnh
Lời Phật dạy
Tu hành chứng đạo mà thân đau ốm cũng là chuyện bình thường. Đức Phật cũng đôi lần bị bệnh đau, hoạn nạn. Các Tỳ-kheo đang tu học thì bệnh nghiệp, bệnh do thời tiết cũng ốm đau la liệt. Tôn giả Tu-bồ-đề, bậc nhất Giải Không cũng ngoại lệ.

Lời Phật dạy về đẹp và xấu
Lời Phật dạy
Mỗi con người khi được sanh ra trên cõi đời đã mang một thân phận. Ai cũng mong muốn mình đẹp đẽ, khả ái đồng thời chẳng ai muốn mình xấu xí, khiếm khuyết và khó nhìn.

Như Lai ở rừng
Lời Phật dạy
Người tu thì ở trong rừng, luôn quán chiếu về rừng tâm để chặt rễ, cắt dây phiền não. Tu thì vẫn sống trong cuộc đời nhưng dứt hẳn mọi sự trói buộc, thong dong nơi đời.
Xem thêm