Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 02/06/2014, 15:17 PM

Hoa hậu xuống tóc đi tu

Hoa hậu Vương Dự Lâm từng là Hoa hậu Á châu. Vào cuối tháng 5 năm 2014 cô đã cho phổ biến hình ảnh mình xuống tóc đi tu, tìm bình yên nơi cửa Phật. 

Hình ảnh cô được cạo đầu đã xuất hiện trên mạng internet và gây xôn xao dư luận vì cô từng giành được thiện cảm của khán giả khi đoạt giải thí sinh được yêu thích nhất qua bình chọn online trong cuộc thi Miss Asia ATV 2008. Hơn nữa vào năm 2009, cô lại giành thêm thắng lợi trong một cuộc thi người mẫu. Sau các cuộc thi nói trên Vương Dự Lâm không tiếp tục góp mặt trong các hoạt động của làng giải trí nữa, cô chuyển hướng sang lãnh vực kinh doanh. Rồi cô đảm nhiệm chức vụ quản lý một công ty và khá thành công.    
     
Các bản tin cho biết cô vốn là một Hoa hậu Châu Á xinh đẹp nên khi cô cho phổ biến công khai hình ảnh xuống tóc đi tu khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và sửng sốt. Trước ống kính, người ta thấy Vương Dự Lâm tĩnh tâm để sư thầy xuống tóc. 
     
Kể từ đầu năm vừa rồi, Vương Dự Lâm đã tỏ ra quan tâm rất nhiều đến các vấn đề Phật pháp. Cô đã dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu về Phật Giáo. Sau một thời gian, cô quyết định quy y để có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về nhân sinh quan của nhà Phật. 
 
Cô cũng đặc biệt dành nhiều thời gian để tham Thiền mỗi ngày. Cô cho biết niềm vui khi ngồi Thiền: “Ngồi thiền có thể giúp ta quên đi những điều xấu xa, những chuyện mệt nhọc trong cuộc sống.” Ai tìm được niềm vui trong thiền tập tất nhiên dần dần sẽ không bị dính líu gì với trần gian nhiều. Đây cũng chính là lí do khiến cô quyết định muốn gắn bó lâu hơn với Phật pháp. Vương Dự Lâm cũng cho biết cô quyết định xuống tóc vì nhờ vậy mà tinh thần cô cũng dễ chịu và sáng suốt hơn. Cô giải thích: "Cạo đầu giúp tôi bỏ đi những thói quen xấu, làm tâm thanh tịnh, bình lặng hơn."
     
Gần đây, Dự Lâm còn góp mặt trong một đoạn MV quảng bá cho đạo Phật có tên đệ tử quy y. 
     
Để giải thích về câu chuyện xuống tóc và quyết định học tập, tu dưỡng trong thiền viện của mình Vương Dự Lâm cho biết là vào năm 2013 sau khi đọc được cuốn sách “Đạo Làm Con” một cuốn sách giáo huấn của người xưa về đạo lý làm người, cô bắt đầu nghiền ngẫm và có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động.

Quan niệm của cô về cuộc sống hoàn toàn khác: "Trước đây, với vòng xoáy của công việc kinh doanh, mỗi ngày tôi đều vui chơi không dứt, bạn bè tụ tập toàn nói về công ăn việc làm, đàn bà thì bàn về các thương hiệu thời trang, các thương hiệu xe giúp đánh bóng tên tuổi v.v… Nội dung các câu chuyện thường là làm thế nào kinh doanh có lời, phụ nữ mặc đồ hiệu gì, phối hợp với túi xách loại nào, đi xe nào mới chứng tỏ được đẳng cấp..."
     
Năm 2013, sau khi đọc cuốn sách “Đạo Làm Con”, Vương Dự Lâm bắt đầu áp dụng giáo lý vào đời sống. Theo quy tắc này, cô chỉ chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu, không bỏ tiền mua hàng hóa cao cấp, không còn vung tiền mua xa xỉ phẩm. Cô dùng tiền đó làm từ thiện... Với những món đồ đắt tiền có sẵn thời cô đem tặng lại bà con họ hàng hay bạn bè. Vương Dự Lâm cho biết cô cũng từ bỏ các cuộc hội họp bạn bè ăn uống. Cô dùng thời gian chủ yếu để gặp gỡ các phật tử và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cô dành phần lớn thời gian để học tập, tu dưỡng, đọc tài liệu sách vở, chiêm nghiệm những giáo lý cao siêu của Phật giáo và đến làm từ thiện tại các viện dưỡng lão, các trung tâm phúc lợi xã hội với tư cách tình nguyện viên. Năm 2010, cô đã giành giải Nhân Vật Từ Thiện của năm cho những đóng góp của mình với xã hội và cộng đồng...”
     
Trước đây trong làng giải trí Hoa ngữ, cũng có một nữ diễn viên tên là Trần Hiểu Húc, cũng từng xuống tóc Quy y. Nhưng đó cũng là sau khi cô phát hiện mình mắc bệnh ung thư ngực. 
     
Năm 1984, Trần Hiểu Húc, sinh năm 1965, nhờ ngoại hình liễu yếu đào tơ cùng gương mặt xinh đẹp, thanh tú phảng phất nét u sầu đã khiến cô chiếm được cảm tình của đạo diễn Vương Phù Lâm khi nhận được vai diễn “em Lâm” (tức Lâm Đại Ngọc) trong bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần. Cô được công chúng hâm mộ biết đến qua vai nhân vật Lâm Đại Ngọc này. Đây là bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, một trong Tứ đại kì thư của văn học cổ Trung Quốc. Vai diễn này kể từ đó đã trở thành kinh điển và gắn liền với tên tuổi của Trần Hiểu Húc kể từ khi phim được trình chiếu. Cho đến tận bây giờ, khán giả và người yêu điện ảnh vẫn chưa đánh giá một diễn viên nào khác vào vai Lâm Đại Ngọc thể hiện thành công như Trần Hiểu Húc. 
     
Vào cuối tháng 2 năm 2007, Trần Hiểu Húc chính thức xuất gia xuống tóc với pháp hiệu Thích Diệu Chân tại chùa Bách Quốc Hưng Long.
     
Trần Hiểu Húc từng thổ lộ: “Tôi đã hai lần kết hôn nhưng đều không có được cái kết đẹp. Có lẽ khi duyên phận đã hết, tôi lại tìm thấy một niềm vui yên bình khác cho cuộc đời. Năm 1999, khi vô tình nghe được lời giảng đạo của pháp sư Tinh Không mang tựa đề “Vô lượng thọ kinh” khi ngồi trên xe ô tô của 1 người bạn, tôi bắt đầu làm quen và đam mê giáo lí nhà Phật. Tôi luôn nghĩ rằng cuộc sống của tôi đắm chìm trong bi kịch như nàng Lâm Đại Ngọc. Tôi cũng tin rằng với đạo Phật, tôi sẽ thoát được số phận của em Lâm (tức vai “hồng nhan bạc mệnh” Lâm Đại Ngọc). Dù đôi khi mong manh. Tôi bị ung thư ngực và tôi muốn dành những ngày tháng cuối của mình thanh thản trong chùa.
     
Tuy nhiên đến tháng 5/2007, do bệnh tình quá nặng, Trần Hiểu Húc đã từ giã cõi đời, hưởng thọ 41 tuổi.

Với trường hợp của Vương Dự Lâm người ta cho rằng khi cô quyết định xuống tóc theo cuộc sống tu hành là để tìm được sự bình yên nơi cửa Phật. Nhưng cạo đầu đi tu không nên hiểu lầm như thế là “chạy trốn cuộc đời.”
     
Kinh sách nói về đời sống xuất gia thời ghi rằng “Đời sống tại gia đầy trở ngại, là nơi thiếu thanh tịnh, sống xuất gia thì nhẹ như khí trời. Khó khăn thay sống tại gia mà giữ được một đời không uế nhiễm” Xuất gia là xuất li khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh, đồng thời kính mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh, quyết tâm dứt bỏ các phiền não, quyết tâm đắc quả Bồ đề. Khi xuất gia là bước vào cuộc sống không nhà cửa, bỏ tài sản lớn, bỏ cả tài sản nhỏ, bỏ quyến thuộc lớn, bỏ cả quyến thuộc nhỏ, đắp y vàng và rời bỏ nhà ra đi.    
     
Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng từng dạy rằng “...việc xuất gia rất là siêu việt. Bởi vì khi xuất gia sẽ giải quyết được những vấn đề đã trói buộc con người từ vô lượng kiếp đến nay, như tình ân ái của gia đình cha mẹ, anh em, quyến thuộc, bạn bè..., nếu vượt qua được thì điều này không phải tầm thường, đâu phải dễ làm, không những vậy mà còn hướng đến việc giải thoát sanh tử nữa”
     
Xuất gia là một công đức. Do vậy mà nhiều vị lãnh đạo quyền bính ở Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Hàn, Tây Tạng đã bỏ ngôi báu để đi xuất gia học đạo. Nếu ngai vàng là một chốn quyền uy và danh vọng tột đỉnh và nơi đó không có khổ đau, tục lụy thì những ông Vua, bà Hoàng Hậu, Công Chúa đã không từ bỏ đời sống vinh hoa phú quý ấy để đi xuất gia. Cho nên trong kinh Kim Cang cũng như nhiều kinh điển của Phật giáo đều nêu cao tính cách tối thượng của công đức qua việc xuất gia này.
     
Khi nghe đạo Phật nói “đời là bể khổ”, có người đã hiểu lầm rằng đức Phật có quan niệm bi quan. Sự thật không phải như vậy. Đức Phật không bao giờ chủ trương bi quan như vậy và Phật cũng không hề nói trên đời này không thể có hạnh phúc. Đức Phật chỉ nói rằng sống thì phải chịu khổ về thể xác cũng như về tinh thần. Nhận định của đức Phật rất khách quan, rất đúng và không ai có thể phủ nhận những sự thật ấy được.

Giáo lý của đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm sống dựa trên sự thật, trên một thực tế mà mọi người đều biết, đều có trải qua và đều cố gắng phấn đấu để khắc phục. Đạo Phật đi thẳng vào điều lo ấu chính yếu của mọi người trên thế gian là sự “khổ đau” và “làm thế nào để tránh cho khỏi khổ”.     

Những điều nhận xét của đức Phật về con người, về cuộc đời chính là những mối suy tư giúp nhân sinh có một quan niệm đúng đắn về cuộc đời để sử dụng đời mình làm sao cho có lợi ích. Lợi ích cho chính bản thân mình và lợi ích cho cả các chúng sinh khác. Chính đây là những lời khuyến khích con người tìm cách thực hiện mau những điều đáng làm và cần thiết phải làm để khỏi chết đi trong niềm tiếc nuối và ân hận là mình đã sống một cuộc sống vô nghĩa đầy uổng phí. 
     
Những người chưa vào đạo Phật, hoặc chưa hiểu đạo Phật, thường nghĩ rất sai lầm, tưởng rằng đạo Phật là một đạo chán đời, bi quan, yếm thế, thối chí, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm với xã hội và hèn yếu đối với thân tâm mình. 
     
“Đạo Phật là một đạo rất yêu đời”, nhưng yêu cái đời sống thật, yêu cái bộ mặt thật, (bản lai diện mục) đẹp đẽ, trong sạch, yên vui của đời. Vì yêu bộ mặt thật của đời nên mới sinh ra lòng yêu người, yêu tất cả mọi người, mọi loài không phân biệt. Lòng yêu bao la rộng khắp, trùm bọc hết thẩy chúng sinh, vì chúng sinh dưới những hình tướng sai biệt, đều cùng có một bộ mặt thật, đẹp đẽ, sáng sủa như nhau, tuy rằng bộ mặt ấy hiện nay còn bị nhơ bụi phủ đầy.
     
Chúng ta nhớ lại đức Phật thoạt tiên là một thái tử, sống trong cung vàng điện ngọc, đầy sung sướng, đầy quyền uy. Sống sung sướng trong cảnh vương giả như vậy mà thái tử vẫn quyết chí buông xả tất cả để xuất gia. Đi tu không phải vì những lý do tầm thường như người không hiểu đạo thường nói tới như là: thất tình, nghèo khổ, chán đời, thối chí, thiếu hạnh phúc v.v… Ngài ra đi là muốn giải thoát muôn loài, muốn tìm cho chúng sinh một hạnh phúc thật sự. Ngài đi là mong tìm phương cách diệt khổ đau cho chúng sinh. Đạo Phật là đạo diệt khổ, là đạo giải thoát. 
     
“Đời sống của đức Phật Thích Ca là hiện thân hoàn toàn của lòng yêu đời”. Vì yêu đời và yêu chúng sinh đau khổ nên Đức Phật mới bỏ gia đình, bỏ cha mẹ, vợ con, bỏ ngôi báu, lìa xa cung vàng điện ngọc… để tu tập, tìm phương thuốc chữa khổ cho đời. Vì yêu đời và yêu chúng sinh nên trong gần nửa thế kỷ, Đức Phật đã xông pha khắp đó đây, trong mọi tầng lớp xã hội, để giảng dạy cho mọi người tìm ra và nhận thấy bộ mặt thật của đời mà sống. Bộ mặt ấy là “bản thể, thật tánh, Niết Bàn”.
     
Nhưng cũng như sóng không thể lìa nước mà có, “bản thể, thật tánh, Niết Bàn” không thể lìa đời, lìa người và vạn vật mà có. Cho nên người Phật tử luôn luôn sống tích cực với mình và với đời. Với mình để tu sửa mình, giác ngộ mình. Với đời để thức tỉnh người, cứu độ người. Có thức tỉnh mình hoàn toàn và có cứu độ người đầy đủ mới có thể đạt tới Niết Bàn. Đạo Phật là đạo tích cực hoạt động.
     
Người phật tử không phải là kẻ chán đời rồi tìm cách xa lánh cuộc sống, chạy trốn cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm với xã hội. Đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động. Người phật tử từ lúc bắt đầu vào đạo đã phải hoạt động hăng say để mở mang trí tuệ, chiến thắng Tham, Sân, Si đồng thời phải tập chiến đấu với hoàn cảnh, xông pha trong xã hội để cứu giúp người khác.
   
Theo gương chư Phật và Bồ tát, phật tử không sống cho riêng mình, không tìm giác ngộ và giải thoát riêng cho mình, mà còn phải sống và giác ngộ, giải thoát cho kẻ khác. Đời của phật tử là một đời hoạt động không ngừng, đi từ chiến công này đến chiến công khác, đem lòng từ bi và bình đẳng gieo rắc nhân lành khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức.
     
Kinh Phật từng dạy: “Trong hoạt động của người phật tử, không một việc lành nào mà không làm, không một vật gì mà không cứu độ”. Quả thật đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động. Quả thật đạo Phật là đạo yêu đời. 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm