Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 30/08/2020, 11:16 AM

Hoàn lương bên cửa Phật

Cuộc đời là kết tinh của biết bao tương tác và định hình. Thiện ác là cuộc giằng co muôn thủa của nhân sinh. Mỗi ứng xử trong cuộc sống đều là một nhát chạm khắc, tác động và góp phần hình thành nhân cách cho những vòng đời.

Chuyến xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí

Đó là những chiêm nghiệm rút ra từ cuộc đời đầy biến cố của anh Lê Thừa Dương Hùng.

Dương Hùng từng tâm sự: “Tôi đã gây thống khổ cho rất nhiều gia đình, nhiều xóm làng. Trong cuộc sống, nếu mình không hung dữ thì không có tiền để sống. Muốn người đời nể thì anh phải hết mình. Trong giới giang hồ, muốn khuất phục kẻ khác thì phải lì lợm, không biết sợ là gì, không biết chết là gì!”.

Từng là đại ca giang hồ khét tiếng hung bạo, hai lần vào tù, nhưng Lê Thừa Dương Hùng đã biết dừng lại, quy y cửa Phật và làm những điều thiện.

Từng là đại ca giang hồ khét tiếng hung bạo, hai lần vào tù, nhưng Lê Thừa Dương Hùng đã biết dừng lại, quy y cửa Phật và làm những điều thiện.

Suốt 20 năm ròng cuối thế kỷ XX, Lê Thừa Dương Hùng là một tay giang hồ nhiều tội lỗi, là đại ca của một số băng đảng khét tiếng chuyên bảo kê, đòi nợ thuê, đâm chém, hút xách. Nhắc tới Dương Hùng ngày ấy, không chỉ dân lành, mà nhiều băng đảng giang hồ tại miền Trung, miền Đông Nam Bộ và cả miền Bắc đều khiếp sợ.

Bảy tuổi, cậu đã bỏ nhà đi bụi, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Năm 14 tuổi bị bắt đi cải tạo vì chém người. Năm 19 tuổi, độ tuổi mà bất cứ thanh niên nào cũng khát khao vào đại học, thì Dương Hùng có tên trong lệnh truy nã toàn quốc. Liên tục phạm tội, bốn lần vào tù ra khám và nghiện nặng ma túy.

Trong cuộc sống, mỗi số phận hay mọi hành vi đều có căn nguyên, không bao giờ bất ngờ, mà từng giây từng phút tác thành. Vì sao Lê Thừa Dương Hùng lại sớm vào đời trong bộ dạng của cái ác?

Dương Hùng sinh năm 1973 tại một vùng quê nghèo ven biển, thuộc xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dân miền biển thường gan góc và quyết đoán. Tuổi thơ của cậu thật ngắn ngủi và đầy tổn thương. Nếu có tình yêu thương chăm sóc của gia đình, cuộc đời cậu chắc chắn sẽ rẽ sang một lối khác. Cậu bé ra đời là kết quả của cuộc tình trắc trở giữa mẹ với một người đàn ông đang có vợ. Cậu mang họ mẹ và không hề biết mặt cha. Lên bốn tuổi, người mẹ lấy chồng, một người đàn ông nát rượu. Từ đây, đứa con riêng của vợ bắt đầu bị cha dượng đối xử tàn nhẫn, cả khi say lẫn lúc tỉnh. Dường như đối với người cha dượng, những đòn roi hắt hủi trút lên đầu đứa bé là sự trả thù cho việc trở thành kẻ đến sau trong cuộc hôn nhân của mình.

Dương Hùng kể: “Gặp ông bố dượng rượu chè be bét. Tuổi nhỏ không cho học hành, tối ngày bắt tôi đi xin cá của những người đi biển làm mồi nhậu. Không có cá thì ông ta kiếm chuyện, đánh đập, bắt đi làm củi. Đủ mọi việc mà một đứa trẻ mới năm, sáu tuổi không thể làm được. Nhiều đêm bão tố, tôi nằm co ro trên bờ biển, dùng lưới của ngư dân phủ lên người, nước mắt cứ tuôn trào”.

Không phải tất cả người lớn đều đã trưởng thành. Những ứng xử độc đoán trong gia đình khiến cho Dương Hùng dường như trở thành đứa trẻ hư hỏng trong mắt bạn bè. Hàng xóm đóng sập cửa khi thoáng thấy bóng dáng cậu bé. Đòn roi, cô đơn, thiếu tình thương của gia đình và cộng đồng khiến cho cậu trở nên lạc lõng ngay chính trên quê hương mình. Và từ đây bắt đầu nhen nhóm cho ý định thoát khỏi gia đình. Trong tâm tưởng non nớt của cậu bé, đi bụi đời là sự giải thoát cho những bất công tại quê nhà. Đi về đâu khi một đứa trẻ mới bẩy tuổi đầu, thiếu học hành dạy bảo nhưng thừa uất ức, cô đơn?

Lang thang vào Huế. Nhảy tàu lửa, bán trà đá, canh giữ sạp chợ hay bốc vác thuê là những công việc lương thiện đầu đời của Lê Thừa Dương Hùng. Những lần bị đạp văng ra khỏi tàu, những đêm nằm rét mướt, co ro trên sạp chợ hoặc dưới gầm cầu, đã khiến cậu luôn dằn vặt một câu hỏi không lời đáp, rằng vì sao những đứa trẻ cùng trang lứa lại có được gia đình đầm ấm, được yêu thương, chở che, học hành, còn mình thì không?

Dương Hùng nhớ lại: “Bụi đời suốt hai năm, vẫn ray rứt nhớ mẹ. Trên đường quay về tìm mẹ, rất háo hức. Chắc mọi chuyện đã đổi thay. Về nhà, hy vọng sẽ được đối xử khác trước. Bởi nếu không, mọi người sẽ sợ mình bỏ đi lần nữa. Nhưng thực ra, suy nghĩ của tôi không đúng. Về tới nhà, thấy ông bố dượng vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Ông báo tôi là đồ không cha, đi bụi đời ngon thì đi luôn đi, về nhà này làm gì. Thời điểm đó, chuyện ăn học thì đã qua rồi nhưng tôi thèm khát được người lớn dạy dỗ cho mình biết đúng sai và nên làm gì. Nhưng tìm tới người thân thì ai cũng ngoảnh mặt quay lưng”.

Trở về nhà trong khao khát tình thương, khao khát hướng thiện nhưng không được mãn nguyện. Những hắt hủi, dị nghị của gia đình và xóm làng khiến thêm một lần nữa cậu bé phải bỏ nhà ra đi, tiếp tục bụi đời. Thiện tính nếu không được dung dưỡng sẽ bị lấn lướt bởi cái xấu, cái ác. Với cậu, lòng yêu thương, từ bi sao hiếm hoi, khó tìm đến vậy. Cùng cực, khổ đau có thể làm cho con người thêm khát vọng đẹp, mạnh mẽ hơn, và ở chiều ngược lại, cũng có thể hung bạo, tàn ác hơn. Sống lang thang, không nơi nương tựa, những trò ma mãnh đường phố thấm dần, đã dẫn cậu bé gia nhập băng đảng bụi đời. Với bản tính gan lì, chỉ trong một thời gian ngắn, Dương Hùng đã trở thành đệ tử ruột của Lê Nam, hơn mình 11 tuổi, kẻ đứng đầu một băng đảng giang hồ khét tiếng. Luật đường phố mạnh được yếu thua đã chi phối mọi hành xử của cậu. Phải trở thành kẻ mạnh nhất dù sắt máu, để không bao giờ bị bắt nạt, lép vế trong cuộc sống. Trong những cơn cuồng nộ, cách hành xử của cậu khiến mọi người khiếp vía. Chỉ một ánh nhìn khác thường của người đối diện, cậu cũng có thể ra tay: nhìn thương hại: đánh; nhìn khinh khi: chém; nhìn thù hận: giết!

Thực ra, từ sâu thẳm cõi lòng, trong những khoảnh khắc đơn côi, hình bóng mẹ vẫn thấp thoáng hiện về trong cậu. Mẹ dẫu có những lúc yếm thế, vẫn mãi là người yêu thương duy nhất của đứa con giang hồ. Đã năm lần cậu trở về với mẹ, mong tìm được cảm thông, chở che, mong nhen lên chút hương khói nẻo thiện.

Nghĩ về những năm tháng tủi hờn, Dương Hùng và mẹ, bà Lê Thị Quyên, thổ lộ:

– Tôi về với mong muốn mẹ quan tâm tới tôi một chút, lo lắng cho tôi một chút, để tôi cảm nhận được tình thương, để tôi ở lại nhà không còn sống lang thang, bụi đời nữa.

– Ngày ấy, mình không quan tâm nhiều tới con cái. Mạnh con con sống, mạnh mẹ mẹ sống. Cuộc sống quá khó khăn. Đi đâu cũng không có tiền. Muốn đi tìm con cũng không có tiền.

– Nhiều lúc, tôi rất hận. Vì sao những đứa trẻ khác lại được cha mẹ thương yêu, đưa đón đi học, đi chơi, còn bản thân tôi lại không được. Tôi rất hận gia đình, hận tất cả mọi người. Thậm chí những lần tôi đi đánh lộn, mẹ tôi quỳ lạy van vỉ, tôi cũng dẹp bỏ. Tôi hành xử cho thỏa mãn lòng mình, cho mẹ càng tức hơn, bởi bà sinh tôi ra mà đã bỏ tôi!

– Tôi phải chịu biết bao người sỉ nhục. Có chết cũng không thỏa. Mà chết thì mấy đứa con sau còn khổ nữa. Tôi đành phải bỏ quê hương. Đất miền Nam này không có chỗ nào mấy mẹ con tôi không giẫm chân tới.

– Đi tù lần thứ ba về, tôi rất buồn chán. Cuộc sống của mình sao mãi vào tù ra tội… Bỗng một lần, nghe đứa em gái nói, anh hai ơi, anh có biết vì anh mà mẹ phải bán nhà, bỏ quê vào Nam. Mẹ không chịu nổi nhục nhã. Lòng tôi chợt bùi ngùi. Tại sao mình làm cho mẹ đau khổ hết ngày này sang năm nọ?

Lòng nhớ thương mẹ được lấp ló nhen dậy trong lòng kẻ giang hồ. Thêm vào đó là những ê chề, mỏi mệt trước thời vận, trước cuộc sống chui rúc. Những chết chóc của đồng bọn cũng lay lòng kẻ lỡ bước.

Dương Hùng nhớ lại: “Từ năm 1994, anh em đang rất đông, hơn trăm đứa nhưng chết lần chết mòn, có ngày sáu, bảy đứa. Sida, sốc ma túy, những bệnh tật nan y, đụng độ chém giết nhau, chết quá trời… Cô em gái bảo tôi, một tướng cướp lừng danh như Lê Nam mà còn gác kiếm quy y nhà chùa, sao anh không lo làm lại cuộc đời, để cho má đỡ khổ?”.

Những tâm tình hiếm hoi đã khơi dậy lòng nhân ái âm ỉ. Đi về đâu nếu vẫn tiếp tục con đường tội lỗi. Kẻ giang hồ đầy mặc cảm với quá khứ và cũng đầy âu lo khi lần đầu tiên mon men đến cửa Phật, những mong được sám hối, chở che. Phật nâng bước và Phật cũng tự tâm. Làm lại cuộc đời, nhất là cuộc đời tội lỗi, luôn bắt đầu từ tâm nguyện của chính mình, không bao giờ là dễ dàng và cũng không bao giờ là không thể.

Cậu bé bụi đời thành thạc sĩ nhờ lời hứa 'ngược đời' của Ni sư

Một điều tưởng chừng không thể, lại trở thành hiện thực, khi Lê Thừa Dương Hùng cai nghiện được ma túy. Cai nghiện theo cách riêng của mình. Anh thuê một căn phòng trọ rẻ tiền, mua mấy thùng mì gói và nước suối loại bình dân. Nhờ bạn khóa trái cửa bên ngoài và chỉ được phép quay lại sau 16 ngày. Sống thì cai được ma túy. Còn chết thì đành chấp nhận. Bởi nghiện ma túy thì cũng sẽ chết sớm vì ma túy. Những ngày cai nghiện cô đơn cũng là những ngày ăn năn hối lỗi, hành xác và hành tâm. Bởi nghiện và tái nghiện là một vòng tròn ma mị. Bứt ra khỏi vòng tròn này là đến được cửa hiền. Khát khao hoàn lương của kẻ lầm lỡ được tiếp thêm sức mạnh, sớm trở thành hiện thực, khi có thêm những vòng tay nhân ái, ấm áp tình người giúp sức.

Từ bỏ quá khứ tội lỗi, 29 tuổi, Lê Thừa Dương Hùng mới bắt đầu đau đáu với câu hỏi: Làm gì để sống? Làm gì để nuôi dưỡng sự hoàn lương, khi trắng lòng về học vấn, trắng tay vì tiền bạc… Như một cơ duyên, anh đã đến với nghề chạm khắc sau những tháng ngày trăn trở. Đầu tiên là xin được vào phụ việc trong một cơ sở làm đồ gỗ. Tiếp đó là may mắn được một nghệ nhân chạm khắc nổi tiếng thu nhận làm đệ tử. Trong vòng ba năm, một thời gian không dài, Dương Hùng đã trở thành thợ điêu khắc lành nghề. Dường như mỗi người đều có một hay vài năng khiếu tiềm ẩn, có thể thui chột hay tỏa sáng nếu được khêu gợi, bồi đắp thỏa đáng.

Tích góp được chút tiền và tay nghề, năm 2002 Lê Thừa Dương Hùng thành lập cơ sở điêu khắc gỗ mang tên Tịnh Tín, cũng là pháp danh của mình, đặt tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở này giờ đây đã được chuyển thành Công ty Điêu khắc mộc-mỹ nghệ Dương Hùng. Chọn một hướng đi riêng, công ty hướng tới dòng sản phẩm tâm linh. Đó là những điện thờ, tượng gỗ, phù điêu, tranh khắc gỗ, liên quan đến Phật giáo. Sự tinh xảo của đường nét chạm khắc khiến các pho tượng rất sống động, đầy biểu cảm. Để tạo ra những pho tượng này, không chỉ cần đôi tay vàng khéo léo của người thợ, mà quan trọng hơn, là sự tìm tòi, ấp ủ, thôi thúc, như duyên nợ. Sáng tạo trước hết phải xuất phát từ tâm chứ không phải từ tiền. Chất lượng và chữ tín đã tạo nên niềm tin trong kinh doanh của doanh nhân Dương Hùng. Các pho tượng quý từ nơi đây đang ngày càng xuất hiện tại nhiều đền chùa ở khắp mọi miền đất nước, với sự trọng thị cao nhất. Thầy trò anh đã hoàn thành ba pho tượng gỗ cao năm mét, nặng sáu tấn, thuộc hàng kỷ lục tượng gỗ lớn nhất Việt Nam.

Năm 2013 Lê Thừa Dương Hùng được vinh danh “Nghệ nhân văn hóa – nghệ thuật làng nghề Việt Nam” và sản phẩm của anh được công nhận là “Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam”. Những pho tượng, công trình của Công ty Điêu khắc mộc-mỹ nghệ Dương Hùng hiện diện ở nhiều vùng miền trên cả nước. Trong đó phải kể đến toàn bộ phần tượng và chạm khắc gỗ ở chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên ở Đăk Nông và đặc biệt là công trình khu du lịch tâm linh, rộng gần 600 hecta tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, đang được thi công, tạo việc làm trong khoảng 20 năm tới cho thợ điêu khắc của công ty.

Dẫu chưa đi hết nửa vòng đời nhưng ở Lê Thừa Dương Hùng đã dung hợp bao xung khắc khốc liệt giữa thiện và ác.

Dẫu chưa đi hết nửa vòng đời nhưng ở Lê Thừa Dương Hùng đã dung hợp bao xung khắc khốc liệt giữa thiện và ác.

Cuộc sống thanh tịnh của Angela Phương Trinh sau khi rời sân khấu

Một điều lạ ở doanh nghiệp này, ngay khi mới thành lập, tất cả thợ chạm khắc đều là những em từng có quá khứ đau buồn. Đến nay, đã có khoảng 150 nhân công là những em nghèo, thất học, bụi đời, hút xách, phạm pháp từ Quảng Trị và nhiều vùng miền trên cả nước hợp về. Các em được hoàn lương, học nghề, hành nghề, sống lương thiện, nhiều ý nghĩa hơn hẳn người chủ của mình thời thơ dại.

Hiện nay, trong đội ngũ hơn một trăm lao động của công ty, có tới hơn 60% là người từng cơ nhỡ. Dương Hùng tâm sự: “Tôi ước mơ mở cơ sở điêu khắc mộc và may mắn đã thực hiện được. Tôi đã tìm kiếm những em mồ côi, tù tội, xì ke ma túy, để dạy cho các em một nghề. Con người ta lớn lên không được học hành đầy đủ thì phải có nghề để làm lụng. Mong những em có hoàn cảnh như tôi ngày xưa, đừng đi theo vết xe đổ của tôi, có tương lai tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn tôi ngày xưa”.

Dẫu chưa đi hết nửa vòng đời nhưng ở Lê Thừa Dương Hùng đã dung hợp bao xung khắc khốc liệt giữa thiện và ác. Sóng gió cuộc đời này đã truyền xúc cảm cho nhiều người. Một cô gái trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, thấu hiểu cuộc đời anh, đã chọn anh làm chồng. Một cậu con trai kháu khỉnh, năm 2020 này đã tròn mười tuổi, bước ra từ cuộc đời kẻ giang hồ. Trang đời mới đầy sức sống và niềm tin yêu lại được mở ra cho người cha từng lầm bước.

Có những giá trị bất biến cần được khơi dậy trong nhân gian. Đó là lòng trắc ẩn, vị tha, tình yêu thương, tương ái. Giống như trong điêu khắc, mỗi ứng xử luôn là một nhát chạm vào cuộc đời. Nhát chạm, dù chỉ một nét chấm phá, nhưng có thể nâng bước, hay ngược lại, có thể phá hỏng một cuộc đời. Cõi nhân gian đang cần lắm sự nâng niu, ứng xử đẹp, dù có khi chỉ là khoảnh khắc thoảng qua của vòng đời.

Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người

Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024

Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.

Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90

Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024

Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng. 

5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ

Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024

Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.

Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời

Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Xem thêm