Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 03/02/2017, 15:59 PM

Hoạt động tôn giáo và xã hội của Hòa thượng Thích Trí Độ (1898 - 1979)

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Pháp sư Thích Trí Độ cùng trường Tăng học Quán Sứ tản cư về chùa Phúc Chỉnh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, sau đó ngài vào vùng tự do tỉnh Thanh Hóa tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trên cương vị là một tăng sĩ Hội Phật giáo Cứu quốc.

Ngày 3 tháng 3 năm 1950, Pháp sư Thích Trí Độ đại diện cho Phật giáo Cứu quốc Thanh Hoá ra huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên Việt, Sau đó ngài được bầu làm Uỷ viên Ủy ban Liên Việt tỉnh Thanh Hóa. Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam thành lập, năm 1953 ngài được chỉ định làm Uỷ viên Ủy ban này.

1. Tham gia các tổ chức chính trị xã hội như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Ngày 19 tháng 10 năm 1956, Pháp sư Thích Trí Độ và Thượng tọa Tâm Nguyệt Phó ban đại diện Phật giáo Thủ đô tham gia Ủy ban đoàn kết châu Á của Việt Nam. Sau, Uỷ ban này đổi tên là Uỷ ban Đoàn kết Á –Phi của Việt Nam

Sau ngày Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được phép hoạt động ít lâu, ngày 13 tháng 5 năm 1958, Hội trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hoà thượng Hội trưởng Thích Trí Độ là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận.

Ngày 10 tháng 1 năm 1961: Bác sĩ Lê Đình Thám và Pháp sư Thích Trí Độ tham gia Ban Trù bị Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 4 năm 1961 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 đã diễn ra tại Hà Nội. Hoà thượng Thích Trí Độ được bầu vào Ủy viên Chủ tịch đoàn.

Từ năm 1961 đến năm 1979, Hoà thượng liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại các cuộc bầu cử Quốc hội khóa 2, 3, 4 và 5 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hòa thượng Thích Trí Độ được nhân dân bầu là Đại biểu Quốc hội và được Quốc hội cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 1976, với tư cách là Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ quốc hội ngài là thành viên phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất đất nước tại Sài Gòn.

Trên cương vị Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ngài đã tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Từ ngày 10 đến 13 tháng 3 năm 1963, vua nước Lào Xri Xvang Vátthana và Hoàng thân Xu van na Phu ma Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp ba phái Lào sang thăm Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã đưa vua Lào đến thăm chùa Quán Sứ, Hà Nội. Người cùng đoàn đã ngồi nơi chính điện nghe Hòa thượng Thích Trí Độ tụng kinh.

Tháng 4 năm 1973, Hoàng thân Xi Ha Núc, Quốc trưởng vương quốc Campuchia, Chủ tịch  Mặt trận dân tộc thống nhất Campuchia từ vùng giải phóng Campuchia đến thăm chính thức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng Đoàn đến thăm chùa Quán Sứ trụ sở Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Độ Hội trưởng đã long trọng tiếp đoàn.
 
2. Tham gia các hội nghị quốc tế

Về đối ngoại, ngài tham gia nhiều Hội nghị quốc tế, các phong trào hoà bình tại các nước như:

2.1. Năm 1956, đi Ấn Độ dự lễ kỷ niệm 2.500 năm của đạo Phật. Từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 17 tháng 11 năm 1956 nhận lời mời của Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Nepal dự Hội nghị Phật giáo thế giới (WFB) lần thứ 4 và dự lễ kỷ niệm đức Phật nhập diệt, đoàn đại biểu Phật giáo miền

Bắc do Bác sĩ Lê Đình Thám dẫn đầu và Pháp sư Thích Trí Độ đã đến Catmanđu thủ đô vương quốc Nepal. Vua Nepal đã thân hành chủ lễ khai mạc và bế mạc. Đoàn đã gặp gỡ đoàn đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm trưởng đoàn, Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Phó trưởng đoàn và đoàn đại biểu Phật giáo Tiểu thừa Việt Nam. Ba đoàn gặp nhau mừng mừng tủi tủi, mừng được gặp nhau sau bao năm xa cách, tủi vì chỉ được gặp nhau nơi đất khách quê người. Với cảm tình chan chứa ấy, mặc dù không có sự chuẩn bị hiêp đồng từ trước, ba trưởng đoàn đã đề nghị Ban Tổ chức sát nhập các đoàn thành một đoàn Phật giáo Việt Nam duy nhất, không phân biệt Bắc Nam, không phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa. Cả ba đoàn đi cùng nhau, cùng ngồi với nhau, cùng góp ý kiến cho nhau, làm cho đại biểu Phật giáo các nước đều nhận thấy Phật giáo Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Tổ quốc Việt Nam là một, quyết không một lực lượng nào có thể chia cắt được.

Lễ kỷ niệm đức Phật nhập diệt cử hành trong một cuộc mít tinh long trọng tại thủ đô New Delhi nước Cộng hoà Ấn Độ có Tổng thống Praxat, Phó tổng thống và Thủ tướng Neru đến chủ tọa. Pháp sư Thích Trí Độ đã đọc bài tham luận về sự cống hiến của Phật giáo đối với văn học Việt Nam. Đoàn đã gặp gỡ ông Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt và Tỷ khiêu Thích Bảo Chân thuộc phái Tiểu thừa Phật giáo Nam Bộ.

2.2. Năm 1962, Hoà thượng Thích Trí Độ là Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ VI của Hội Phật giáo Thế giới (WFB) tại Campuchia. WFB được thành lập tháng 5 năm 1950 tại Colombo thủ đô Tích Lan Sri Lanca), Việt Nam là một trong 26 thành viên sáng lập, Trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam là Hoà thượng Tố Liên được bầu làm Phó Chủ tịch WFB.

2.3. Năm 1964, Hoà thượng đi Trung Quốc dự lễ kỷ niệm ngài Trần Huyền Trang, Hội nghị có 11 nước châu Á tham dự. Tại Hội nghị, ngài Trí Độ đã đọc tham luận nói về công trạng của Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang đối với Phật giáo châu Á và mối quan hệ giữa Phật giáo Trung Quốc với Phật giáo Việt Nam.

2.4. Năm 1969, cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo các nước Ấn Độ, Liên Xô, Mông Cổ, Sri Lanca, tiếp tục (công việc từ năm 1961) bàn việc thành lập một tổ chức Phật giáo châu Á, và Mông Cổ được đề nghị đứng ra triệu tập Đại hội thành lập tổ chức này với sự hợp tác của Phật giáo Liên Xô.

- Năm 1970, Đại hội lần thứ nhất Tổ chức Phật giáo châu Á được triệu tập tại Ulan Bator, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Tại Đại hội này Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (viết tắt ABCP) được chính thức thành lập. Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Pháp sư Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam dẫn đầu gồm các Hòa thượng: Thích Tâm An, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thích Đôn Hậu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Liên minh các Lực lượng dân tộc và dân chủ và Hoà bình Việt Nam, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; Thích Thiện Hào, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi dự.

- Năm 1972, Đại hội ABCP lần thứ 2 họp tại Colombo thủ đô Sri Lanca. Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đi dự do Pháp sư Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam dẫn đầu gồm các Hòa thượng: Thích Tâm An, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thích Đôn Hậu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Liên minh các Lực lượng dân tộc và dân chủ và Hoà bình, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; Thích Thiện Hào, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1974, ABCP tổ chức Đại hội lần thứ 3 tại New Delhi, Ấn Độ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Độ dẫn đầu cùng các Hòa thượng Thích Tâm An, Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Hào đi dự.

ABCP là một tổ chức xã hội - tôn giáo do các tổ chức Phật giáo ở Liên Xô, Mông Cổ và Việt Nam làm nòng cốt lập ra từ năm 1970 nhằm ủng hộ phong trào đấu tranh cho hoà bình ở châu Á, trước mắt ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ. Phật giáo Việt Nam là một thành viên tích cực trong tổ chức này, luôn giữ một chức vụ Phó Chủ tịch và một chức vụ Uỷ viên thư ký ABCP ngay từ ngày thành lập.

Qua các cuộc hội nghị, tiếp xúc giữa Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Trí Độ làm trưởng đoàn và Phật giáo quốc tế đã giúp cho bạn bè năm châu hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, từ đó tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các hội Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là Phật giáo các nước châu Á trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân tộc và tiến bộ xã hội.

Hoạt động của Hoà thượng Thích Trí Độ và đoàn Phật giáo Việt Nam tại các hội nghị nói trên đã góp phần nâng cao và khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trong trách nhiệm với quốc gia dân tộc cũng như ý nghĩa quốc tế.

Thích Nữ Đàm Trà
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2016

-
CHÚ THÍCH:
1. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành hội Phật giáo Tp HCM, 1995.
2. Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Văn học, 2012.
3. Kỷ yếu Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam năm 1958, 1964, 1972.
4. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc từ 1954-1981 (bản thảo)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tư liệu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Tư liệu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Thắp sáng hiện hữu

Tư liệu 10:04 19/03/2024

Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh.

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Tư liệu 21:21 18/03/2024

Thời gian cứ dần trôi, lịch sử lần sang trang mới nhưng đạo Phật vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức xã hội loài người. Giáo pháp của Ngài đã tạo một dấu ấn vàng son cho lịch sử nhân loại.

Xem thêm