Học hạnh yêu thương của Bồ tát Quán Thế Âm
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, sao mình lại khổ sở trong các mối quan hệ thương yêu như vậy hay không? Chúng ta liên tiếp làm tổn thương lẫn nhau, chỉ vì quan tâm những người thương của mình mà thiếu đi sự thấu hiểu.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, sao mình lại khổ sở trong các mối quan hệ thương yêu như vậy hay không? Chúng ta liên tiếp làm tổn thương lẫn nhau, chỉ vì quan tâm những người thương của mình mà thiếu đi sự thấu hiểu.
Mỗi người sống trong cuộc đời này, ai cũng muốn yêu thương và được yêu thương, đó là những cảm xúc, biểu hiện ra thành hành động và cử chỉ mỗi ngày, giúp ta có động lực, yêu thương mọi người xung quanh và biết yêu thương cả chính bản thân mình, nó như sợi dây gắn kết chúng ta lại với nhau vậy.
Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự yêu thương, cho sự đại từ, đại bi. Ở nơi đâu có khổ đau, có khó khăn thì Ngài luôn xuất hiện ở đó, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn. Do đó ở văn hóa phương Đông, Bồ tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, được ví như người mẹ hiền luôn luôn lo lắng, yêu thương, giúp đỡ con cái của mình.
Để dễ hiểu, tâm từ bi nghĩa là tâm yêu thương, tâm ban vui, cứu khổ cho chúng sinh. “Từ” có nghĩa là ban vui mà “Bi” có nghĩa là cứu khổ. Ngài hiện thân trên đời này, có pháp môn tu đặc biệt, là tu nhĩ căn viên thông, tức là quán sát âm thanh trong pháp giới này. Cho nên danh hiệu của Ngài mới có hiệu là Viên Thông Giáo Chủ Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn, ban giải lòng từ bi, tức tâm yêu thương của Ngài cho chúng sinh được mát lành.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, đức Phật Thích ca nói cho hàng tứ chúng nghe về hạnh nguyện của đức Bồ tát Quán Thế Âm như sau: “Quán Thế Âm nghĩa là quán sát các âm thanh giữa thế gian mà hiểu suốt hết thảy nỗi thống khổ của chúng sinh. Nếu có chúng sinh nào trong lúc lâm nạn, thiết tha kêu cầu vị Bồ tát này, tức thời Ngài quán chiếu nghe được tiếng kêu cầu kia liền đến cứu độ”. Động cơ thúc đẩy khiến có sự linh cảm giữa một bên "hô" và một bên "ứng" như thế là lòng đại bi rộng lớn của Ngài. Vì vậy, Ngài thường được tôn xưng là đức Bồ tát Đại bi Linh cảm ứng Quán Thế Âm.
Chính vì thế mà trong các đức Bồ tát, đức Đại bi Quán Thế Âm có nhiều oai quyền thần lực hơn hết và có nhiều nhân duyên cảm hoả đến với loài hữu tình trong thế giới chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta tu học, thực tập tâm từ bi, đem niềm vui đến cho người, giải nỗi khổ cho người, cho chúng sinh, từng bước thăng tiến trên đường giải thoát khổ đau, lần lần điều chỉnh được thân tâm tốt đẹp, tạo được công đức và đầy đủ tâm hạnh yêu thương.
Hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm là cứu độ hết thảy chúng sinh thoát ly ra khỏi tai ách khổ nạn: lòng thương xót của Ngài rộng lớn bao la.
Trong Kinh dạy rằng “Chúng sinh do nghiệp mà sinh, Bồ tát do nguyện mà hiện”. Nguyện lực vĩ đại của Bồ tát trong mười phương, trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành, un đúc hai đức bi và trí đến lúc gần viên mãn không còn bị nghiệp lực chi phối níu kéo. Nghiệp lực đã dứt thì Trí huệ của ngài bừng sáng chói lọi. Với bi tâm và trí huệ un đúc tu luyện qua hằng sa kiếp, Ngài nguyện giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau sinh tử luân hồi.
Thực tập hạnh nguyện Bồ tát Quan Thế Âm, mở được cánh cửa “Phổ Môn”
Đầu tiên, Ngài xuống cứu độ cõi Địa ngục, tiến lên dần đến cõi Ngạ quỷ, cho đến các cõi Trời. Từ đấy, Ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy mặc dù vừa cứu vô số chúng sinh thoát khỏi Địa ngục, vẫn còn có vô số chúng sinh khác đang tiếp tục đọa lạc. Điều này khiến Ngài đau thương vô tận. Trong khoảnh khắc đó, với thần lực nhiệm màu, Đức Quán Âm có mười một đầu, một ngàn tay, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, là sự biểu hiện hợp nhất giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo, chính là Đại bi chân thực.
Xuất phát từ tâm nguyện vị tha, lòng từ bi vô lượng cùng Bồ đề nguyện vô tận, Đức Quán Âm còn hiện thân trong hình tướng chư Thượng sư giác ngộ nơi cõi luân hồi, với mục đích duy nhất, đem đến niềm an vui chân thật cho tất cả chúng hữu tình, và đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn đủ từ bi và trí tuệ nơi mỗi người.
Lòng yêu thương là một đạo đức cao quý trong đạo Phật. Người không có lòng thương yêu thì chúng ta sẽ trở thành cây đá. Nếu một người tu mà diệt lòng thương, thì họ là người không có đạo đức, đạo đức đối với con người và đạo đức đối với mọi loài chúng sinh. Nếu con người không có lòng thương yêu thì hành tinh này sẽ bị hủy diệt, nhờ thương yêu mà con người không hủy diệt hành tinh này.
Lòng thương yêu được triển khai theo chiều hướng của đạo Phật: “Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện”. Vì thế, người ta mới gọi đạo Phật là đạo từ bi.
"Bể cả triều dâng tiếng Phổ môn,
Chín tầng sen ngát hiện đồng chơn
Cam lồ giọt nước cành dương rải
Nhuần thấm sơn hà cảnh sắc xuân".
Thần lực và Trí lực tự tại của đức Quán Thế Âm thường được hình dung bằng một pho tượng có ngàn tay, ngàn mắt. Ngàn tay ngàn mắt ở đây chỉ để hiển cái dụng tướng vô biên của chân thể đại bi và đại trí qua muôn ngàn hóa thân của Ngài mà thôi. Một thể đại bi và đại trí ấy uyển chuyển tùy nguyện phát khởi nhiều ứng dụng sai khác trong nhiều hóa thân sai khác, lẽ dĩ nhiên không thể dùng hình tướng thông thường mà hội được hết ý nghĩa đại bi và đại trí, vì ý nghĩa ấy quá sức vi diệu và bất khả tư nghì.
"Thủ nhãn thông thiên đại tổng trì
Chấn động tam thiên thế giới thì
Hữu duyên vô duyên hàm nhiếp hóa
Từ bi phổ độ Diêm phù đề".
Đối với Phật giáo, trí tuệ và từ bi là hai tiêu chuẩn cốt lõi cần thiết bảo đảm cho một đời sống an lạc, hạnh phúc của tự thân và tha nhân. Dĩ nhiên, hai phẩm chất đó là bất khả phân, khi nào một trong hai yếu tố ấy được toàn thiện… Bởi vì “Bất cứ ở đâu có sự thương yêu, ở đấy có từ bi; và từ bi có khía cạnh trí tuệ riêng của nó.” Vì vậy, mục đích của cuộc sống đòi hỏi cả tình thương lẫn trí tuệ mà Phật giáo gọi là Bồ tát đạo là khuynh hướng sống điển hình thứ hai trong thế giới hiện nay.
Vì vậy, trong cuộc đời này chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người mới làm chủ nhân quả; mới chấm dứt mọi sự khổ đau. Con đường đó là con đường làm thay đổi nhân quả. Muốn thay đổi nhân quả thì chúng ta phải bất động tâm trước các ác pháp. Muốn bất động tâm trước các ác pháp thì chúng ta phải rèn luyện và tu tập lòng tha thứ, yêu thương mọi người và mọi vật trên hành tinh này, dù người ác hay người thiện.
Muốn có lòng tha thứ và yêu thương mọi người, mọi vật trên hành tinh này, thì chúng ta phải thường tu tập Chính Tư Duy: Đây là nhân quả của đời trước khiến ta mới gặp người này để trả nợ tiền kiếp. Vậy trả nợ tiền kiếp sao ta lại buồn. Trả nợ hết là hết nợ, hết nợ là hết khổ. Phải không? Vậy hết nợ là hết khổ sao ta lại buồn? Nhờ có người này mà ta đã trả nợ tiền kiếp, vậy ta phải biết ơn người này mặc dù người này có đối xử với ta như thế nào, ta hãy tha thứ và biết ơn họ. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện ông Phú Lâu Na… Một hôm ông Phú Lâu Na đến một biên cương hành pháp, đức Phật dạy:
“-Nơi ấy người ta hung dữ lắm sẽ làm khổ ông.
– Họ còn thương con, chỉ làm khổ con nhưng chưa giết con.
– Họ sẽ giết ông.
– Họ còn thương con, vì con mang thân này là mang ổ bệnh tật, tai nạn, ngày nay chưa có gì ngày mai sẽ có. Nên có thân này là có khổ nên họ giết con là họ thương con”.
Câu chuyện trên đây rút ra một bài học đạo đức làm người rất tuyệt vời, còn có ác pháp nào tác động vào thân tâm chúng ta được, khi ta biết áp dụng lòng tha thứ và thương yêu đó đúng thời. Phải không?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, sao mình lại khổ sở trong các mối quan hệ thương yêu như vậy hay không? Từ gia đình, bạn bè cho đến người bạn đời của mình. Chúng ta liên tiếp làm tổn thương lẫn nhau, chỉ vì quan tâm những người thương của mình mà thiếu đi sự thấu hiểu. Bạn biết không, chỉ quan tâm và đem hết những gì mình có để cho họ thì chưa chắc đã khiến cho người kia hạnh phúc đâu. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta đều là một chúng sinh có cảm xúc, làm sao có thể yêu thương mà không cần sự hồi đáp.
Chúng ta cũng hy vọng người kia yêu thương mình, bởi mình cũng cần được đáp lại. Tuy vậy, sự áp đặt thái quá lẫn nhau sẽ dần dần khiến cho các mối quan hệ trở nên rạn nứt, điều quan trọng vẫn là sự thấu hiểu và cảm thông. Con đường của tình yêu thương là một trong những trải nghiệm phức tạp và đáng trân quý nhất của con người. Sự thấu hiểu chính là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho cha mẹ, những người thân hay là người bạn đời của mình.
Thương người, giúp đỡ người khác bằng lòng từ bi, bác ái, biết chia sẻ những khó khăn với người khác bằng lòng trắc ẩn là điều vô cùng đáng quý mà trong giáo lý nhà Phật luôn khuyến khích con người hướng đến, thế nhưng sự giúp đỡ đó, tùy vào khả năng, tùy vào cảm nhận của mỗi người khi người ta thấy rằng điều đó có thật sự mang lại lợi lạc và ý nghĩa nào đó hay không để người ta tự quyết định việc giúp đỡ của mình chứ không phải do ai yêu cầu hay áp đặt.
Quan Thế Âm Bồ Tát giữa đời thường
Thương mình, thương người là phải biết đặt lòng tốt của mình đúng chỗ bởi vì tình thương, lòng tốt mình khi đặt đúng chỗ mới mang lại điều tích cực, mới giúp người khác một cách trọn vẹn. Cho nên, Giáo lý của nhà Phật luôn dạy cho người ta biết sống tốt, khiêm nhường, biết giúp đỡ, yêu thương chúng sinh bằng tâm bác ái, đó là tính nhân văn, cốt lõi không thể tách rời trong đạo Phật.
Đức Phật dạy con người phải biết yêu thương chúng sinh và không phân biệt thân mạng ai quý giá hơn ai, không phân biệt thân mạng nào thắp kém hơn thân mạng nào vì sự sống, thân mạng mọi người, mọi loài đều quý giá như nhau.
Khi chúng ta giúp cho ai đó giải quyết được một khó khăn gì thì lòng tốt đó phải xuất phát từ tâm, từ sự hoan hỷ, tự nguyện của mình chứ lòng tốt đó không thể đến từ sự gượng gạo, ép buộc mà người giúp đỡ chưa sẵn sàng, chưa mong muốn. Thương người là khi tình thương đó phải có ý nghĩa ở người cho và người nhận, giúp mang lại hạnh phúc, hoan hỷ từ hai phía thì tình thương đó mới đúng là tình thương của người trí tuệ.
Đức Phật đi tìm chân lý, tìm ra lẽ thật của cuộc đời vì Ngài thương muôn loài, Ngài dạy cho chúng ta những bài học vô cùng thực tế. Tuy nhiên, đức Phật chưa bao giờ bắt buộc chúng ta phải tuân theo những giáo điều, những lời dạy của Ngài cả. Bởi vì Ngài có một tình yêu vô điều kiện, Ngài thương yêu tất cả với tâm không phân biệt, không mong cầu. Lòng từ bi đó không có sự ràng buộc, chỉ mong muốn chúng ta ngày càng hạnh phúc và an lạc hơn mà thôi.
Vì thế, chúng ta học được sự yêu thương từ đức Phật và Bồ tát Quán Âm, biết yêu thương chúng sinh, là cũng biết yêu thương chính bản thân mình, vì chỉ khi có yêu thương chính mình, thì mình mới biết vun bồi trí tuệ, nuôi dưỡng đạo hạnh, làm lành tránh dữ, biết thương mình thì mình mới có năng lượng, sức khỏe để tiếp dẫn cho người khác những điều tốt đẹp từ mình, ngược lại, nếu không biết thương mình thì con người sẽ tự đọa đày thân xác trong mê lầm, chấp ngã, hữu lậu, tham sân, độc ác, gây ra tội lỗi, nguy hại đến người, tổn hại đến mình.
Vì vậy cần phải trọng tình, trọng nghĩa, yêu thương đồng loại. Sống có đức, có nhân. Lòng nhân vượt mọi thời gian tạo nên kết quả “Trồng cây đức để con ăn”. Tình thương con người không phải là sự ban phát mà là một sự hòa nhập nhất thể: “Thương người như thể thương thân”. Giá trị của tình thương không theo kết quả vật chất mà là ở ý nghĩa tinh thần.
Chúng ta đã hòa nhập vào tự tính Đại từ bi của chư Phật Bồ tát, của toàn bộ vũ trụ và đạt được diệu dụng cứu độ không thể nghĩ bàn. Giây phút hướng về bản thể Đại bi là lúc chúng ta dẹp tan hiểm nạn tai ương, tai ách chướng nạn để trở về với tự tính Từ bi, sống trong tự tại, bình an, giải thoát, giác ngộ, không phân biệt giàu nghèo, địa vị cao hay thấp, chỉ cần có lòng hướng Phật, tu tâm tu thân, hướng thiện hành thiện, thì ai ai cũng sẽ được Ngài che chở và phổ độ, Ngài không ghét cũng không ruồng bỏ bất cứ ai.. Con người nương tựa vào Bồ Tát, chính là để tìm một chỗ dựa tinh thần để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
"Nương theo giáo pháp Phật Ðà
Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời.
Ðến bờ giác ngộ thảnh thơi
Thoát ly phiền não cuộc đời an vui."
Bồ tát Quán Thế Âm là biểu tượng của lòng đại bi, nền tảng của mọi công hạnh tu tập, mà cũng là chỗ nương cậy mong cầu cứu khổ của tất cả chúng sinh. Nói đến Quán Âm Bồ tát là phải nhớ tu hạnh của Quán Âm Bồ tát, thì cũng là phải tu tâm từ, tâm bi. Người đệ tử Phật khi học theo hạnh Quán Âm Bồ Tát, thì phải thường lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của mọi người, của chúng sinh.
Chúng ta phải tập hạnh lắng nghe để cảm thông với mọi người, để chia sẻ với mọi người. Mong muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc, tránh xung đột là một nhu cầu hợp lý và cần thiết với mỗi người mà ko ai có thể áp đặt, trách móc chúng ta vì nhu cầu được sống hạnh phúc là nhu cầu chính đáng của mỗi chủ thể, mỗi cá nhân. Cho nên khi chúng ta đặt lòng tốt đúng chỗ, biết dừng lại đúng lúc trước những việc làm không mang lại lợi ích tích cực, biết vận dụng lòng từ bi trong tinh tấn cũng là một cách sống biết thương mình.
*Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Kiến thức 16:17 23/12/2024Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Xem thêm