Học lời Phật dạy qua Kinh Chúng sanh
Qua Kinh Chúng Sanh, người học giáo lý của Phật muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân.
Khái niệm về chúng sanh được Phật dạy trong Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật như sau: “Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác, cũng không phải không có tri giác”. ( 所有一切眾生之類。若卵生。若胎生。若溼生。若化生。若有色。若無色。若有想。若無想。若非有想。若非無想[1]。
Nhược nhất thiết chúng sanh chi loại. Nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tướng, nhược vô tướng, nhược phi hữu tướng, phi vô tướng).
Đó là lời dạy của Phật, về nguồn gốc của chúng sanh. Vậy chúng sanh phải tu học thế nào để đạt được trí tuệ của bậc giác ngộ mà có cuộc sống an lạc từng phút giây, mời quý vị đọc và học lời dạy của Phật Kinh Chúng sanh (Tạp A Hàm, quyển 6, số 122, 雜阿含經 第6卷,一二二, 眾生[2]).
Nội dung Kinh chúng sanh như sau:
“Một lần nọ Phật ở tại núi Ma Câu La. Lúc đó có vị thị giả tỳ kheo tên La Đà bạch Phật: Bạch Thế Tôn, tại sao lại gọi là chúng sanh. Vậy thế nào là chúng sanh? Phật dạy La Đà: Ở nơi sắc mà nhiễm đắm triền miên, do đó gọi là chúng sanh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà nhiễm đắm triền miên, nên gọi là chúng sanh.
Sắc (色) là vẻ đẹp bên ngoài. Sắc quyến rũ, mê hoặc. Chúng sanh luôn có cái nhìn sai lệch về sắc nên bị mê hoặc. Với sắc, chúng sanh luôn tìm cách giữ lấy, ôm ấp làm riêng mình.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, chúng sanh luôn tìm cách giữ lấy, ôm ấp làm riêng mình. Làm cho chúng sanh, nhiễm trước triền miên.
Ngược với chúng sanh, bậc thánh đệ tử, không bị nhiễm trước với sắc thọ, tưởng, hành, thức. Bởi các vị ấy, có trí tuệ, biết ái dục là thứ làm mình đau khổ cần phải xa lìa và buông bỏ.
Đoạn Kinh văn sau Phật dạy chúng sanh cách phải tư duy và hành trì để không bị nhiễm trước triền miên:
Phật dạy La Đà: Ta nói, ở nơi cảnh giới của sắc, hãy phá sập, tiêu diệt. Ở nơi cảnh giới của thọ, tưởng, hành, thức phá sập, tiêu diệt, đoạn tận ái dục. Ái hết thì khổ hết. Khổ hết, ta nói đó là sự thoát ra khỏi khổ đau.
Ái (愛) ở đây phải được hiểu là ái dục. Bởi ái dục là khao khát, thèm muốn, gây ra đau khổ. Đối tượng của ái dục là sắc. Phật dạy: “Ai đối với sắc mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ, thì đối với khổ không được giải thoát (於色愛喜者,則於苦愛喜;於苦愛喜者,則於苦不得解脫、不明、不離欲。如是受、想、行、識愛喜者,則愛喜苦,愛喜苦者,則於苦不得解脫[3]- ư sắc ái hỉ giả, tắc ư khổ ái hỉ, ư khổ ái hỉ giả, tắc ư khổ bất đắc giải thoát, bất minh, bất ly dục. Như thị thọ tưởng hành thức ái hỉ giả, tắc ái hỉ khổ, ái hỉ khổ giả, tắc ư khổ bất đắc giải thoát).
Trong Kinh văn, Phật đưa một ví dụ để chúng sanh chánh kiến, chánh tư du, thực hành diệt, đoạn, tận ái dục mà vượt qua khổ đau.
“Giống như trong làng xóm, những trẻ con trai gái chơi đùa, nhóm đất lại tạo thành nhà cửa, thành quách. Tâm chúng yêu thích, say đắm. Khi tâm yêu thích chưa hết, ước muốn chưa tan, nhớ nghĩ chưa dứt, thèm khát chưa tiêu, thì tâm chúng luôn luôn có sự yêu thích, giữ gìn và bảo là thành quách của ta, nhà cửa ta.
Đối với những đống đất kia mà lòng yêu thích hết đi, ước muốn không còn, nhớ nghĩ đã dẹp, thèm khát đã tan, thì tay xô, chân đạp, khiến cho tiêu tán.
Cũng vậy, này La Đà, đối với sắc mà phá sập, tiêu diệt; đoạn hết ái dục. Ái hết thì khổ hết. Khổ hết, ta nói đó là sự thoát ra khỏi khổ đau.”
Người có chánh kiến, chánh tư duy, muốn giải thoát khổ đau phải tránh xa ái dục, bởi Phật dạy: vị hành giả đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.( 於色不愛喜者,則不喜於苦;不喜於苦者,則於苦得解脫 – Ư sắc bất ái hỉ giả, tắc bất hỉ ư khổ, bất hỉ ư khổ giả, tất ư khổ đắc giải thoát).
Qua Kinh Chúng Sanh, người học giáo lý của Phật muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không đi vòng quanh, bám víu trong cõi luân hồi ( nhiễm trước triền miên染著纏綿). Xa lìa được ái dục thì không còn lo lắng(離 愛 則 無 憂, ly ái tất vô ưu).
Năng đoạn được ái dục, người học Phật tất có được cuộc sống an lạc của một bậc giác ngộ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Xin mời quý vị đọc lại toàn bộ Kinh Chúng Sanh.
Bản Việt văn
KINH 122. CHÚNG SANH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma Câu La.
Bấy giờ có thị giả tỳ kheo tên là La Đà, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, tại sao gọi là chúng sanh. Vậy thế nào là chúng sanh?”
Phật dạy La Đà:
“Ở nơi sắc mà nhiễm đắm triền miên, do đó gọi là chúng sanh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà nhiễm đắm triền miên, nên gọi là chúng sanh.”
Phật dạy La Đà:
“Ta nói, ở nơi cảnh giới của sắc, hãy phá sập, tiêu diệt. Ở nơi cảnh giới của thọ, tưởng, hành, thức phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái hết thì khổ hết. Khổ hết, ta nói đó là sự thoát ra ngoài ranh giới của khổ.
“Giống như trong làng xóm, những trẻ con trai gái chơi đùa, nhóm đất lại tạo thành nhà cửa, phố xá. Tâm chúng yêu thích, say đắm. Khi tâm yêu thích chưa hết, ước muốn chưa tan, nhớ nghĩ chưa dứt, thèm khát chưa tiêu, thì tâm chúng luôn luôn có sự yêu thích, giữ gìn và bảo là nhà cửa của ta, phố xá của ta.
Đối với những đống đất kia khi lòng yêu thích hết đi, không còn ước muốn, không còn nhớ nghĩ, không còn thèm khát, thì tay xô, chân đạp, khiến cho tiêu tán. Cũng vậy, này La Đà, đối với sắc mà phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái hết thì khổ hết. Khổ hết, ta nói đó là sự thoát ra ngoài ranh giới của khổ.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bản Hán văn
雜阿含經 (一二二) 眾生
如是我聞:
一時,佛住摩拘羅山。
時,有侍者比丘名曰羅陀,白佛言:「世尊!所謂眾生者,云何名為眾生?」
佛告羅陀:「於色染著纏綿,名曰眾生;於受、想、行、識染著纏綿,名曰眾生。」
佛告羅陀:「我說於色境界當散壞消滅,於受、想、行、識境界當散壞消滅,斷除愛欲,愛盡則苦盡,苦盡者我說作苦邊。譬如聚落中諸小男小女嬉戲,聚土作城郭宅舍,心愛樂著,愛未盡、欲未盡、念未盡、渴未盡,心常愛樂、守護,言:『我城郭,我舍宅。』若於彼土聚愛盡、欲盡、念盡、渴盡,則以手撥足蹴,令其消散。如是,羅陀!於色散壞消滅愛盡,愛盡故苦盡,苦盡故我說作苦邊。」
佛說此經已,羅陀比丘聞佛所說,歡喜奉行。
Xin nguyện hồi hướng công đức cho cụ bà Trương Thị Giao, Pháp danh Quảng Thiện được vãng sanh tịnh độ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chú thích:
[1] http://tripitaka.cbeta.org/T08n0235_001-金剛般若波羅蜜經
[2]https://tripitaka.cbeta.org/T02n0099_006-雜阿含經 第6卷,一二二, 眾生- Kinh Tử Pháp
[3] https://tripitaka.cbeta.org/T02n0099_006-雜阿含經 第6卷, 七- Kinh Hỉ lạc sắc
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật dạy về bốn hạng người không nên xem là bạn?
Lời Phật dạy 18:00 22/11/2024Người nào bạn càng gần gũi, người ấy càng có ảnh hưởng đến bạn.
Thân bệnh mà tâm không khổ
Lời Phật dạy 08:20 22/11/2024Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Đánh mất sơ tâm
Lời Phật dạy 17:15 21/11/2024Với người hảo tâm xuất gia, tâm ban đầu khi đến với đạo thật đẹp đẽ, trong veo. Họ nhàm chán sinh tử cùng với những não phiền, nhiễu nhương của đời sống thế tục mà quyết chí ra đi.
Phật dạy 5 điều thân kính với bà con
Lời Phật dạy 08:05 21/11/2024Mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Xem thêm