Chủng tánh Như lai
Luận Hiển dương Thánh giáo (31) thuyết minh ý nghĩa bồ-đề dưới năm hạng mục: chủng tánh, phương tiện, thời gian, chứng giác và giải thoát.
Về chủng tánh, bồ-đề có ba lớp. Y trên chủng tánh trì độn, tức chậm lụt, mà thiết lập bồ-đề của Thanh văn. Y trên chủng tánh trung bình, thiết lập bồ-đề của Độc giác. Y trên lợi căn mà thành Vô thượng bồ-đề.
Về phương tiện, Thanh văn thành tựu bồ-đề do phương tiện thiện xảo trong sáu xứ.(32) Độc giác do phương tiện thiện xảo về quán chiếu duyên khởi tánh. Vô thượng bồ-đề do phương tiện thiện xảo về ngũ minh.(33)
Về thời gian, bồ-đề Thanh văn được chứng đắc do tu tập ít nhất trải qua ba đời, tức ba lần tái sanh. Bồ-đề của Độc giác do tu hành qua một trăm đại kiếp. Vô thượng bồ-đề trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp.
Về chứng giác, bồ-đề của Thanh văn do Thầy chỉ dẫn. Bồ-đề của Độc giác do phát thệ tự lợi, chứng giác không nhờ Thầy. Vô thượng chánh đẳng bồ-đề, đủ tự lợi và lợi tha, chứng giác bằng vô sư trí.
Về giải thoát, Thanh văn bồ-đề và Độc giác bồ-đề sở chứng chuyển y, giải thoát phiền não chướng, thuộc giải thoát thân.(34) Vô thượng bồ-đề sở chứng chuyển y là giải thoát cả phiền não chướng và sở tri chướng, gồm đủ cả giải thoát thân và pháp thân.
Chủng tánh tức tộc họ,(35) tập hợp của những người cùng chung một tổ phụ. Trong mỗi tộc họ còn phân thành nhiều nhánh dựa trên sự thuần chủng của huyết thống không lai tạp trong nhiều đời. Như Đức Thích tôn thuộc tộc họ tức chủng tánh Cù-đàm, nhánh huyết thống họ Thích-ca.(36)
Trong xã hội tổ chức có giai cấp, hoạt động chức nghiệp là căn cứ để phân chia thứ bậc trong xã hội, và từ thứ bậc đó mà phân chia quyền lợi. Nhưng sự kế thừa quyền lợi thì dựa trên tộc họ và huyết thống. Để bảo đảm quyền lợi và địa vị xã hội, nhiều quy ước được đặt ra làm rào cản ngăn cách giữa các thành phần xã hội, như rào cản phân bò thành từng đàn, và từng chuồng để tiện quản lý.
Cơ cấu tổ chức xã hội ấy cũng được phản ánh trong các cộng đồng đệ tử Phật. Sự phản ánh này không phải để hình thành những tổ chức của Phật tử, mà chỉ được sử dụng để giải thích sự sai biệt trong cứu cánh chứng đắc của những người tu tập. Chẳng hạn, theo quy ước xã hội, một người thuộc dòng họ Chiên-đà-la không thể làm vua được, cũng vậy, vì sao có người chỉ có thể chứng đến A-la-hán là cứu cánh, mà không thể chứng quả cao hơn nữa, như thành Phật? Đó là do sự sai biệt về chủng tánh. Trong kinh Lăng-già,(37) Phật y trên năm hạng chủng tánh mà thành lập năm thừa: chủng tánh Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa, Như lai thừa, bất định thừa, và vô tánh. Hạng chủng tánh bất định, là không nhất định sẽ chứng thừa nào, mà tùy theo điều kiện ban đầu; gặp nhân duyên với thừa nào thì phát tâm và thành tựu cứu cánh trong thừa đó. Hạng vô chủng tánh, mà kinh gọi là nhất-xiển-đề,(38) là hạng không có chủng tánh niết bàn.
Cũng như trong một tộc họ còn phân thành nhiều nhánh huyết thống, cũng vậy, luận Du-gia sư địa (39) phân chủng tánh Bồ-tát thành nhiều nhánh khác nhau, cơ bản y trên sự thực hành sáu ba-la-mật. Với Bồ-tát chuyên hành bố thí, lập thành chủng tánh tướng của Bồ-tát về bố thí ba-la-mật.(40)
Khi được Duy-ma-cật hỏi về chủng tánh của Như Lai, Văn-thù trả lời, mà trên tổng thể, hết thảy các phiền não, ác, bất thiện, đều là chủng tánh Phật. Chủng tánh ở đây cũng đồng nghĩa với chủng tử, hay hạt giống.(41) Do đó, Văn-thù nêu thí dụ, như hoa sen chỉ có thể mọc lên trong chốn bùn sình thấp trủng, chớ không thể trên các cao nguyên được. Tất nhiên là Phật tánh tồn tại bình đẳng trong tất cả chúng sanh không phân biệt cao thấp, nhưng trong một mức độ nào đó, điều kiện thuận tiện nhất để Phật tánh được phát hiện là trong những chốn tối tăm cùng khổ, nơi những chúng sanh còn bị chất nặng bởi các thứ phiền não, bất thiện.
Nếu câu trả lời của Văn-thù được hiểu trong ý nghĩa xã hội học, tức chủng tánh như là những tầng lớp xã hội, thì câu trả lời ấy hàm ngụ ý nghĩa cách mạng dân chủ hiện đại rất bất ngờ. Bởi vì người ta không do theo dòng họ huyết thống mà đi tìm quốc chủ. Trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, các bậc nhân chủ thường xuất hiện từ đám người cùng khổ. Đây không phải là điều chúng ta cưỡng gán ý nghĩa cho kinh. Từ chương mở đầu, kinh đã nêu lên tông chỉ là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh. Vậy thì, ý nghĩa chủng tánh như đã thấy cần được hiểu trong nội hàm xã hội học của nó.
Trong nhận thức như vậy, ý kiến của Ma-ha Ca-diếp có tính chất khích lệ đặc biệt. Ý kiến ấy cũng nêu lên một tinh thần bảo thủ, mà kinh Pháp hoa gọi là tăng thượng mạn. Các bậc đã ở trong hàng ngũ chánh vị, trong hàng Thánh giả của Thanh văn, các ngài không còn có ý tưởng tiến hướng đến cứu cánh cao hơn nữa.
Đoạn dẫn sau đây, qua quan điểm của Ma-ha Ca-diếp, cho thấy tính tự mãn trong thiên hướng mỗi cá nhân tạo thành tinh thần bảo thủ xã hội, gây sức trì trệ, cản trở sự phát triển của xã hội tiến lên trạng thái cao hơn:
“Lành thay, Văn-thù-sư-lợi, lành thay, lời ông nói thật tuyệt. Đúng như những điều được nói, những đám trần lao đều là chủng tánh Như Lai. Chúng tôi nay thật chẳng thể phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.(42) Cho đến người phạm năm tội vô gián cũng còn có thể phát ý sanh nơi Phật pháp nhưng chúng tôi thì vĩnh viễn không thể phát. Cũng như người mà căn đã hư hoại thì chẳng còn hưởng lợi được gì nơi ngũ dục. Cũng vậy, hàng Thanh-văn đã đoạn các kết sử chẳng còn thu hoạch gì thêm nơi Phật pháp, vĩnh viễn không có chí nguyện. Cho nên, Văn-thù-sư-lợi, phàm phu còn quay trở lại với Phật pháp chứ Thanh-văn thì không. Vì sao? Vì phàm phu khi nghe Pháp thì có thể phát khởi đạo tâm(43) vô thượng, để cho Tam bảo không gián đoạn. Giả sử Thanh-văn trọn đời nghe Pháp và thấy lực, vô úy của Phật, v.v… nhưng vĩnh viễn không thể phát Đạo tâm vô thượng”.
Phát biểu của Ma-ha Ca-diếp, trong ý nghĩa đích thực của nó, là cái nhìn từ lịch sử động, theo đó mọi tồn tại tất yếu và cứu cánh tiến đến Vô thượng bồ-đề, tức thành Phật. Nhưng nhiều người học tập Duy-ma-cật nhìn phát biểu này trong nội dung tĩnh tại, thành ra như có cái nhìn miệt thị đối với chủng tánh được liệt vào hàng Tiểu thừa. Hiểu như vậy là có phần xuyên tạc Duy-ma-cật.
Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
(*Luận về Phẩm VII Quán Phật Đạo. Kinh Duy Ma Cật Sơ thuyết). TIN, BÀI LIÊN QUAN: