Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 15/11/2022, 16:00 PM

Khái quát văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê Nguyễn (1)

Các tác gia văn học Phật giáo là những vị sáng tác với mục đích chuyển tải giáo lý đạo Phật, triết học Phật giáo hoặc phục vụ cho các hoạt động tu tập, nghi lễ, trong đó có ghi nhận thi kệ hay ngữ lục của các Thiền sư.

I.Bối cảnh lịch sử xã hội thời Lê Nguyễn

Thời Lê Nguyễn là khái niệm chỉ thời kỳ lịch sử Việt Nam từ triều đại quân chủ Lê sơ (1428-1527) đến hết triều đại quân chủ thuộc nhà Nguyễn (1802-1945) trải suốt 517 năm. Trước đây, các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam thường gọi thời kỳ này là từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, so với khái niệm thời Lê Nguyễn thì ngắn hơn gần nửa thế kỷ.

Thời kỳ lịch sử này hết sức phức tạp và có nhiều biến động, diễn tiến cùng chiều với cuộc Nam tiến của người Việt. Mở đầu thời kỳ này, Đại Việt vừa một lần nữa thoát ra khỏi ách đô hộ của phương Bắc, đất nước mới chỉ mở rộng đến Chiêm Động (phía nam Quảng Nam) và Cổ Lũy (phía bắc Quảng Ngãi). Thời kỳ này kết thúc khi lãnh thổ Việt Nam đã kéo dài thành hình chữ S đến tận mũi Cà Mau và có diện mạo gần như ngày nay.

Đại Việt phát triển về nhiều mặt trong khoảng vài chục năm đầu thời Lê sơ (1428-1526) khiến uy tín mở rộng khắp vùng nhưng nhanh chóng trở nên rối loạn về chính trị hồi đầu thế kỷ XVI khiến nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê sơ vào năm 1527.

Sau đó không lâu, nhà Lê trung hưng (1533-1789) tiếp quản. Sự phân quyền lực chính trị trên đất Bắc giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn làm thể chính càng ngày càng rối ren. Bấy giờ Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm (Lượng Quốc công) nắm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng Quận công Uông (anh cả của Nguyễn Hoàng) bị Trịnh Kiểm hãm hại. Trịnh Kiểm nhận thấy Nguyễn Hoàng trong tương lai có thể là mối nguy hại lớn cho sự nghiệp của mình nên sinh lòng ganh ghét. Nguyễn Hoàng thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ. Nguyễn Hoàng nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được). Sứ giả đem chuyện ấy về thuật lại, Nguyễn Hoàng hiểu ý. Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt Tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ huyện để cai trị nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng. Nguyễn Hoàng mới nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo, xa xôi nên đồng ý ngay. Anh Tông lên ngôi, Trịnh Kiểm dâng biểu nói: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam” [5.305].

Văn học Phật giáo Việt Nam - Một hướng tiếp cận

1

Từ động lực đó đã thúc đẩy tâm tư Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng dẫn theo cư dân vùng Gia Miêu - Ngoại Trang vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Năm Mậu Ngọ (1558), mùa Đông (tháng 10), Nguyễn Hoàng lúc ấy 34 tuổi, được lệnh vua Lê - chúa Trịnh vào trấn thủ đất Thuận Hóa, dựng dinh ở xã Ái Tử (thuộc huyện Vũ Xương, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Về sự kiện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi: “Chính từ vùng đất xa xôi biên địa này, Nguyễn Hoàng hoàn toàn thuận lợi để thực 11 hiện sách lược đầu tiên của mình; Vừa làm tốt chức trách của một vị quan trấn thủ, mở mang vùng đất mới vừa bắt tay xây dựng trên bãi đất trống một căn cứ địa, làm vùng đất khởi nghiệp, để xây dựng thực lực chuẩn bị chính sách lâu dài của Chúa Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên khi mới vào trấn nhậm, toàn xứ chỉ có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu, nhà Lê đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và một bộ máy cấp huyện để cai quản” [3.158]. Sau đó, Nguyễn Hoàng nhận thấy vùng đất Quảng Trị chưa phải là vị thế địa linh nhân kiệt, chưa phải là nơi Thiên định nên ông đã tiếp tục dời vào vùng đất xứ Huế ngày nay để lập nghiệp. Bằng sự khôn khéo trong cách ứng xử, kết hợp với tài năng vốn có, Nguyễn Hoàng đã trở về lại đất Bắc và được vua Lê giao phó trấn nhậm thên tỉnh Quảng Nam. Từ đó, Nguyễn Hoàng đã cai quản vùng đất rộng lớn và được gọi là xứ Thuận Quảng. Sự kiện này đã mở ra một trang lịch sử mới của dân tộc về hệ tư tưởng, thể chế chính trị, lãnh thổ, địa giới cũng như là về văn hóa, văn học,... Nhìn lại vấn đề, sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào Nam là vấn đề giới sử gia đang còn tranh luận và khá phức tạp, có quan điểm lịch sử cho rằng: Vào năm 1554, Trịnh Kiểm đã ngoài 50 tuổi và Nguyễn Hoàng sắp bước vào tuổi mà Trịnh Kiểm theo về với Nguyễn Kim (ba mươi). Trịnh cối và Trịnh Tùng còn quá nhỏ (Trịnh Tùng sinh 1550). Nếu chẳng may Trịnh Kiểm gặp nạn như Nguyễn Kim thì sự nghiệp Nam triều chắc chắn sẽ rơi vào tay Nguyễn Hoàng như trường hợp Trịnh Kiểm thừa hưởng quyền bính của Nguyễn Kim trước đây. Nguyễn Hoàng có mặt ở Nam triều vào giai đoạn này là một mối lo cho Trịnh Kiểm. Nguyễn Ư Kỷ và những người phò tá Nguyễn Kim buổi đầu cũng hiểu như thế. Tranh giành quyền với Trịnh Kiểm là điều không thể, vậy là tốt nhất lánh thân một thời gian để Trịnh Kiểm yên tâm sắp đặt kẻ kế thừa.

Trịnh Kiểm chấp nhận cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa như ta đã thấy không phải là với dã tâm như các sử gia nhà Nguyễn suy diễn là đưa em vợ vào chỗ “xa xôi, lam chướng” và mượn tay nhà Mạc để loại trừ một kẻ “đối lập”.[6.50]

Dù mang danh nghĩa chịu sự quản lý dưới vương triều Lê trung hưng nhưng quyền bính nằm trong tay họ Nguyễn (1558-1771) và họ Trịnh (1545-1788). Kế tiếp đó, họ Nguyễn và họ Trịnh tranh chấp quyền lực tạo ra cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 45 năm không phân thắng bại, hai họ phải lấy sông Gianh làm ranh giới. Họ Trịnh ở Đàng Ngoài áp chế vua Lê, tiếp tục truy quét nhà Mạc đến 1677 mới xong; họ Nguyễn ở Đàng Trong, không chấp nhận mệnh lệnh từ Thăng Long, lần lượt mở rộng bờ cõi về phương Nam, đến năm 1698 thì làm chủ đến tận mũi Cà Mau.

Giữa thế kỷ XVI, thương nhân Tây phương đã vào buôn bán với cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hai Đàng đều có chính sách ôn hòa, có giao thương ở mức độ vừa phải với phương Tây. Dưới sự tác động của thể chính lúc bấy giờ, sự giao thương ở xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài đã tạo nên sự vận động lớn trong công cuộc trao đổi hàng hóa cũng như văn hóa. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri đã miêu tả rất thực tế: Họ sẵn lòng cho người ngoại quốc dùng hải cảng và rất vui sướng được trông thấy không chỉ dân vùng lân cận mà cả những vùng xa xôi nhất tới đây buôn bán. Trong thương mại, họ chẳng cần mánh lới gì: người ngoại quốc rất yêu mến xứ sở phì nhiêu này và ham muốn làm giàu nên đã ồ ạt kéo tới đây. Họ không chỉ tới Đàng Ngoài, Cao Miên, Cinceos và những xứ lân cận khác, mà cả những miền xa hơn như Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Manilli và Malacca, tất cả đều đem bạc tới Đàng Trong đổi sản vật. Xứ này coi bạc cũng là một loại hàng hóa có giá trị thay đổi tùy từng lúc. Ngoài ra họ còn đổi lấy sẩn vật lấy lụa và những mặt hàng khác. [1.122]

Đầu thế kỷ XVIII, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài lần lượt rơi vào suy thoái, các cuộc khởi nghĩa nông dân thường xuyên nổ ra. Năm 1771, phong trào Tây Sơn khởi phát từ vùng An Khê thuộc phủ Quy Ninh nhanh chóng trở thành ngọn lửa lần lượt thiêu sạch cơ nghiệp của cả họ Nguyễn, họ Trịnh lẫn nhà Lê. Trong quá trình này, ở miền Nam, nhà Tây Sơn từng diệt liên quân Xiêm-Nguyễn do Nguyễn Ánh cầu viện tại mặt trận Rạch Gầm-Xoài Mút ở Mỹ Tho (1785) và ở miền Bắc, đuổi quân xâm lược nhà Thanh đã vào chiếm đóng Thăng Long vì sự cầu cứu của tông thất nhà Lê nhân danh ông vua cuối cùng là Lê Chiếu Thống (1789).

Tuy nhiên, một phần vì nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ, một phần vì người thực hiện những thắng lợi cho nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ mất sớm khi mới 39 tuổi (1792). Điều quan trọng ở đây là nhà Tây sơn khi chưa thống nhất đất nước luôn mang trong mình khẩu hiệu “anh hùng áo vải” đánh tan cựu quốc để phục vụ đời sống nhân dân. Nhân dân tin tưởng sẽ có một thể chế nhà nước mới hơn, cuộc sống con người sẽ có hướng đi tích cực hơn. Nhưng kể từ khi Nguyễn Huệ lên nắm chính quyền thì vẫn thực thi theo hướng nhà nước quân chủ chuyên chế, cũng theo mô hình, vết xe đổ của nhà Lê. Nhà Tây Sơn lúc này chưa tìm ra được mô hình tổ chức nhà nước nào mới lạ mang tính chất hấp dẫn quần chúng, họ vẫn dùng mô hình nhà nước tiền nhiệm. Chính vì vậy, uy tín nhà Tây Sơn giảm đi đáng kể, họ đã không thống nhất được đất nước mà lại còn tạo cơ hội cho nhà Nguyễn phục hồi.

Đối với họ Nguyễn, những thành tựu của họ Nguyễn đã bị Tây Sơn tàn phá. Đứng trước nguy kịch mất nước, mất quê hương, vận mệnh của dòng họ, sự sống còn của đất nước đành phải giao vào trong tay cậu bé 17 tuổi mang tên Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh đã trải qua nhiều lần truy đuổi của quân Tây Sơn, đã phải sống tỵ nạn trên đất Xiêm nhưng tinh thần phục quốc vẫn được nuôi dưỡng trong mạch huyết của cậu bé này. Nguyễn Ánh đã cầu viện, dựa vào sự giúp đỡ của người Pháp và những người ngoại quốc mà đắc lực nhất là Bá Đa Lộc. Bá Đa Lộc với tham vọng thu phục nhân tâm của Nguyễn Ánh, chớp lấy cơ hội biến đất nước này trở thành nước Chúa, ông đã không màn đến khó khăn, nguy hiểu và khổ đau để giúp đỡ cho Nguyễn Ánh, cưu mang hoàng tử Cảnh. Năm 1802, Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước nhưng sau đó lại xin cầu phong với nhà Thanh.

Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân lấy hiệu là Gia Long, bắt tay vào việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền chuyên chế theo mô hình nhà Thanh. Nhà Nguyễn vẫn đề cao Tống Nho, học thuyết Nho giáo được cải cách mang đậm triết lý về vũ trụ quan, đặc biệt là hình thái tổ chức chính trị. Hình thức Tống Nho rất đắc lực trong sự củng cố cũng như phát triển nhà nước phong kiến. Trong lúc đó, nhà Nguyễn phải đối phó với sự xâm nhập của tư tưởng phương Tây, chủ yếu là sự xâm nhập của Thiên chúa giáo, được người Pháp sử dụng làm cớ để xâm lăng Việt Nam.

Những cố gắng ổn định kinh tế xã hội của nhà Nguyễn tuy cũng có kết quả nhưng hạn chế vẫn rất nhiều và không ngăn được các cuộc nổi loạn xảy ra liên tục. Điều đó đã làm suy yếu năng lực đối phó với dã tâm xâm lăng của người Pháp.

Trước tình thế khó khăn của Việt Nam và sự do dự của nhà Nguyễn, người Pháp đã sử dụng các biện pháp đe dọa, quân sự, chính trị và ngoại giao. Với mục đích, người Pháp buộc nhà Nguyễn lần lượt ký các hiệp ước nhường hẳn Nam Kỳ làm thuộc địa của Pháp, công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nhưng để cho Pháp có quyền kiểm soát quan lại nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ trong lúc đồng ý giao thêm cho Pháp tỉnh Bình Thuận giáp Nam Kỳ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh giáp Bắc Kỳ.

Dã tâm của Pháp và sự nhu nhược của triều đình Huế đã gây nên sự phẫn nộ của đại đa số nhân dân Việt Nam. Nhiều cuộc kháng cự tự phát đã nổ ra ngay khi quân Pháp tiến đánh thành Gia Định năm 1859 nhưng với vũ khí thô sơ của người Việt thì không thể sánh với kỹ thuật tân tiến của người Pháp.

Năm 1885, vua Hàm Nghi bỏ hoàng thành chạy ra Tân Sở ở Quảng Trị ban chiếu Cần vương, tạo nên phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Phong trào bồng bột nổ ra cho đến khi vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt được vào năm 1888 thì bắt đầu lắng dịu nhưng lại đi vào chiều sâu với những trung tâm kháng chiến lớn. Quân Pháp phải mất nhiều công sức đánh dẹp, cho đến khi cuộc khởi nghĩa ở Hương Sơn và Hương Khê do Phan Đình Phùng (1847-1895) lãnh đạo bị dẹp yên thì phong trào Cần Vương mới kết thúc (năm 1896). Từ đó, Pháp bắt đầu việc khai thác thuộc địa ở Việt Nam.

Tuy vậy, những hoạt động nhằm khôi phục độc lập cho Việt Nam đã chuyển mình theo các khuynh hướng khác có yếu tố thời đại và chịu ảnh hưởng quốc tế. Nhiều tổ chức đưa người ra nước ngoài tìm hiểu văn minh phương Tây để có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học vào việc giành lại độc lập, cao điểm là cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 do đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh tổ chức. 

II.Tình hình Phật giáo thời Lê Nguyễn

Triều đại nhà Lê sơ được xây dựng trên cơ sở khôi phục nền độc lập dân tộc sau một cuộc kháng chiến gian khổ để đánh đuổi quân Minh, thế lực ngoại xâm đã cai trị Đại Việt suốt 20 năm với chủ tâm xóa bỏ nền văn hóa truyền thống được xây dựng dưới thời Lý-Trần. Có thể nói văn hóa Đại Việt đã chịu đựng một sự đứt gãy, tổn thương nghiêm trọng trước những biện pháp đồng hóa của quân Minh. Thêm vào đó, cũng có thể thấy nhà Lê sơ buộc phải xóa những dấu tích còn sót lại của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần vì áp lực chính trị từ phương Bắc. Trong dòng chảy văn hóa Việt, sự độc tôn Nho học mà nhà Lê sơ chủ trương có thể được coi là một bước ngoặt lịch sử. Đấy cũng là do ý thức hệ quân chủ chuyên chế áp đặt vào văn hóa Việt trong thời nội thuộc nhà Minh đã để lại dấu ấn sâu sắc, khiến các vua nhà Lê sơ vì mặc cảm muốn sánh vai cùng Hoa Hạ, đã tự nguyện chấp nhận mô hình tư tưởng Tống Nho, điều mà các vua nhà Trần đã từng kiên quyết bác bỏ.   

Dưới triều Lê sơ, Tống Nho được xem trọng hơn Phật giáo. Đối với giới trí thức, Nho giáo lại là bậc thang đưa họ tiếp cận giai cấp cầm quyền. Tuy nhiên, được phổ biến trên nền tảng cái học cử nghiệp. Cho nên, Nho giáo không thể giải quyết được những khao khát tâm linh. Vì vậy,“…có những nhà Nho trong khi hăm hở tạo sự nghiệp thì bài bác Phật giáo nhưng đáo đầu lại trở về quy y cửa Phật…”. Nhà Mạc bị coi là “ngụy triều” nên tài liệu lịch sử để lại không bao nhiêu nhưng gần đây cũng có một vài nghiên cứu về Phật giáo thông qua các văn bia triều Mạc. Điều đó cho thấy trong phạm vi ảnh hưởng của nhà Mạc, số lượng chùa chiền được tân tạo là khá nhiều.

Việt Nam Phật giáo Sử luận (VNPGSL) của Nguyễn Lang đã nhận định chung về  Phật giáo thời Lê-Mạc như sau, “…đứng về phương diện đóng vai trò lãnh đạo văn hóa trí thức và chính trị, đạo Phật trong thời Lê Mạc lâm vào trạng thái suy đồi nhưng đứng về phương diện tín ngưỡng dân gian, đạo Phật trong thời đại ấy vẫn tiếp tục phát triển”.

Cũng có thể thấy Phật giáo khởi sắc trở lại ở phương vị có thể tác động đến giới cầm quyền là kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. VNPGSL viết, “Ngay sau khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558), ông đã để ý đến việc lập chùa…”. Về việc này, VNPGSL nhận định,  “…trong thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cũng vì vậy cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật…”.

Sự có mặt của họ Nguyễn ở đất Thuận Hóa năm 1558 đã là tiền đề cho việc hình thành hai chính quyền đối địch Đàng Trong và Đàng Ngoài vào giai đoạn từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII. Ở Đàng Ngoài, với quyền chính trị nằm trong tay họ Trịnh, Phật giáo cũng bắt đầu khởi sắc. Nói chung, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều ủng hộ Phật giáo, mặc dù vẫn sử dụng Nho học làm nền tảng trị quốc. Nhà Tây Sơn nổi lên trong vòng hai thập kỷ (1778-1802), về võ công là nổi bật và văn trị cũng có những nét đặc sắc nhưng chưa mang lại ảnh hưởng nào đáng kể.

Về nhà Nguyễn (1802-1945), VNPGSL ghi nhận các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức đều có quan tâm phục hưng đạo Phật qua việc tu bổ xây mới chùa tháp; năm 1830, vua Minh Mạng triệu cao tăng các tỉnh về Kinh, nhờ Bộ Lễ xem xét rồi ban cấp giới đạo và độ điệp. Kể từ đời vua Tự Đức cho đến hết thế kỷ XIX, việc đối phó với sự xâm lăng của người Pháp về mọi mặt đời sống cùng với sự xâm nhập tích cực của tôn giáo mới là Thiên Chúa giáo đã thu hút mọi sinh lực của người Việt. Tuy vậy, vẫn có những tiền đề để đến thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX, giới Phật giáo tiến hành một công cuộc chấn hưng. 

I.  Văn học và văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn

Văn học có thể được hiểu là một hình thức biểu hiện tâm tư tình cảm bằng ngôn ngữ viết hay ngôn ngữ nói, theo một cách có phương pháp, chứa đựng một giá trị nghệ thuật hay trí tuệ. Hiểu như vậy, văn học mang tính thời đại. Hơn nữa, văn học còn đại diện cho tư tưởng của chủ thể sáng tạo. Văn học thời Lê Nguyễn tất yếu biểu thị tâm tư tình cảm con người sống trong bối cảnh lịch sử của thời Lê Nguyễn. Ở đây, văn học Phật giáo có thể được tạm hiểu theo nghĩa hẹp là văn học nhằm chuyển tải giáo lý đạo Phật, triết học Phật giáo hoặc những tác phẩm phục vụ cho các hoạt động tu tập, nghi lễ của Phật giáo, những bài thi kệ, những tập ngữ lục của các Thiền sư. Như vậy, ở đây sẽ trình bày văn học Phật giáo như một dòng văn học riêng. Mặc dù trong rất nhiều tác giả được nêu ở phần đầu dưới đây vẫn có những tác phẩm mang thể hiện sự cảm nhận tinh thần Phật giáo.

1. Khái lược văn học thởi Lê Nguyễn  

Khởi đầu bằng việc xây dựng cuộc sống mới sau khi đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, văn học thời Lê sơ có những áng văn hùng tráng như Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn, Quân trung Từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi, Xương Giang phú của Lý Tử Tấn, những bài thơ trong Hồng Đức Quốc âm Thi tập của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn… Tuy nhiên, chỉ sau 100 năm đầu, nhà Lê đã bước vào suy thoái dẫn đến việc nhà Mạc soán ngôi, sự tranh giành chém giết nhau của tầng lớp vua quan khiến lòng người ngao ngán. Những bản văn Tịch cư Ninh thể phú, Đại Đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hãng cho thấy thái độ nhàn tản buông trôi trong khi Bạch Vân am Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện tâm trạng bất lực trước thời cuộc. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng dùng ngòi bút mong cảnh tỉnh nhân tâm hoặc Truyền kỳ Mạn lục của Nguyễn Dữ thu góp những câu chuyện kỳ dị nhưng cũng có tính cách răn đời. Những tác phẩm khuyết danh của thời này như Tô công Phụng sứ, Bạch Viên Tôn Các, Vương Tường, Truyện Trê Cóc… cũng là những áng văn phản ánh thời thế bằng những ngôn từ ẩn dụ. 

 Bước sang thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước có vua lại có chúa. Hẳn là hai họ này có trách nhiệm gây nên thảm cảnh nồi da nấu thịt nhưng trong giai đoạn đầu, hai họ đều có những vị chúa thực tâm chăm sóc dân, giúp dân ổn định được cuộc sống khi chấm dứt chiến tranh, giữ vững biên cương, mở mang thương nghiệp, công nghiệp khoáng sản, mở mang bờ cõi. Dù sao thì tình trạng mập mờ của nền chính trị cũng kéo theo tâm trạng hoang mang của lòng người khiến văn học thời này có vẻ nhạt nhẽo. Văn học Đàng Ngoài ghi nhận Hoàng Sĩ Khải viết Tứ Thời khúc ca ngợi vua Lê chúa Trịnh mặc dù ông là một viên chức nhà Mạc. Văn học Đàng Trong nhớ đến Đào Duy Từ với bài Ngọa Long cương ngâm tự so sánh mình với Khổng Minh thời Tam Quốc và bài Tư Dung vãn xưng tụng nền thịnh trị của Đàng Trong, cho thấy ông xứng đáng là một nhà tư tưởng. Thời kỳ này còn một tác phẩm khuyết danh là Thiên Nam Ngữ Lục dài tới 8.316 câu lục bát và 31 bài thơ Đường luật, là một thiên lịch sử dân tộc chứa nhiều chi tiết tưởng tượng viết để ca ngợi họ Trịnh mà mạt sát họ Nguyễn.

Khi các nhà chúa bắt đầu hư hỏng thì xã hội trở nên hết sức ngột ngạt. Văn học sau năm 1729 mang tính hiện thực, chua cay, phản ánh cực độ sự xấu xa của thời đại với tinh thần trào lộng, châm biếm; đặc biệt, hình ảnh và tiếng nói của người phụ nữ bỗng nổi bật với những truyện dài bằng thơ mang tính triết lý. Chứng nhân của thời đại là Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, Vũ Trung Tùy Bút và Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ, Truyền Kỳ Tân Phả của Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ Ngâm khúc của Đặng Trần Côn với bản dịch của Đoàn Thị Điểm (có người cho là Phan Huy Ích dịch), Cung oán Ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Thượng Kinh Kỷ Sự của Lê Hữu Trác,  Lịch Triều Thi Sao của Bùi Huy Bích, Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh… Khuyết danh có những tác phẩm Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoàng Trừu, Nữ Tú Tài, Truyện Trạng Quỳnh, Truyện Trạng Lợn…Trong giai đoạn này có Lê Quý Đôn (1726–1784), một cây bút tài hoa có nhiều tác phẩm luận thuyết, nghiên cứu về nhiều lĩnh vực với tinh thần nghiêm cẩn của một nhà khoa học như Đại Việt Thông Sử, Phủ Biên Tạp Lục, Vân Đài Loại Ngữ, Kiến Văn Tiểu Lục.

Từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ thứ XIX, văn học Việt Nam có nhiều thành tựu với sự xuất hiện rất nhiều tác giả như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Huy Lượng, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huy Hổ, Cao Bá Quát, Lý Văn Phức, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Công Trứ, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, các vị hoàng thân như Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và ngay cả các vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,... cũng là những tác gia được biết đến nhiều. Các tác giả nêu trên đều sáng tác bằng Hán văn và cũng có một số vị chuyên viết bằng văn Nôm. Vào cuối thế kỷ XIX, bắt đầu xuất hiện nền văn học quốc ngữ.

2.Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn

Như trên đã nói, các tác gia văn học Phật giáo là những vị sáng tác với mục đích chuyển tải giáo lý đạo Phật, triết học Phật giáo hoặc phục vụ cho các hoạt động tu tập, nghi lễ, trong đó có ghi nhận thi kệ hay ngữ lục của các Thiền sư. Ở đây chỉ giới thiệu một vài vị tiêu biểu: 

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715)

Thiền sư Minh Châu Hương Hải tục gọi là Tổ Cầu, không rõ thế danh, dòng dõi làng Áng Ðộ huyện Chân Phúc ( thời Tây Sơn đổi thành Chân Lộc mãi đến năm 1889 đổi thành Nghi Lộc), phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, ngày nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì ông tổ năm đời của thiền sư Minh Châu Hương Hải làm quan chức Quản chu tựợng tức là chức quan trông coi thợ đóng thuyền cho triều đình. Sinh thời ông có hai người con. Người con đầu (không rõ tên tuổi) có tước Hùng quận công, trông coi Lãng Doanh, quản đốc hơn ba trăm lính thợ. Con thứ làm chức Phó cai quan, tước Trung lộc hầu, là ông Tổ bốn đời của Ngài. Khoảng niên hiệu Chính Trị (1558-1571) đời vua Lê Anh Tông, Trung lộc hầu theo Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông do có nhiều uy tín nên nhận được sự tín nhiệm của chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng đã thăng chức Chánh cai, quản lãnh các lính thợ đóng thuyền.  Về sau vì lòng ưu ái nên Nguyễn Hoàng đã tâu sớ ra triều Lê kể rõ về những đóng góp của ông. Do đó, vua Lê phong đã phong cho ông chức hiệu Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, cấp cho ba mươi mẫu ruộng và con cháu được thế tập. Khi Trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh được đổi về làm Trấn thủ Nghệ An, Nguyễn Hoàng kiêm quản luôn trấn Quảng Nam (1570), thì Trung Lộc hầu được cử vào Quảng Nam và đến định cư tại phủ Thăng Hoa.

 Thiền sư Minh Châu Hương Hải sinh năm 1628, ở làng Bình Yên thượng, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa nay là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thiền sư là người thông minh hiếu học nên khi mới 18 tuổi (1646) ông đã thi đỗ Hương tiến, được bổ làm văn chức trong phủ Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Tiếp sau đó ông được bổ làm Tri phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 25 tuổi (1652), qua nhiều lần tham vấn và tìm hiểu về Thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ, một vị du tăng người Trung Hoa lúc bấy giờ đang hành đạo ở Đàng Trong nên ông đã bắt đầu nghiên cứu Phật học với vị Thiền sư này. Ba năm sau, tức vào năm 1655, Minh Châu Hương Hải đã từ quan, xuất gia với Thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ và được đặt cho pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Sau đó Minh Châu Hương Hải còn được học đạo với một du tăng người Trung Hoa khác tên là Đại Thâm Viên Khoan. Minh Châu Hương Hải đã nối dòng thiền Trí Bản - Đột Không thuộc đời thứ 14 Thiền phái Lâm Tế:

Hán văn:

智 慧 清 浄

道 德 圓 明

真 如 性 海

寂 照 普 通

心 源 廣 續

本 覺 昌 隆

 能 仁 聖 果

常 演 寬 弘

惟 傳 法 印

証 悟 會 容

堅 持 戒 定

永 繼 祖 宗

Âm:

Trí Huệ Thanh Tịnh

Đạo Đức Viên Minh

Chân Như Tánh Hải

Tịch Chiếu Phổ Thông

Tâm Nguyên Quảng Tục

Bổn Giác Xương Long

Năng Nhân Thánh Quả

Thƣờng Diễn Khoan Hoằng

Duy Truyền Pháp Ấn

Chứng Ngộ Hội Dung

Kiên Trì Giới Định

Vĩnh Kế Tổ Tông.

Để chuyên sâu trong những công án thiền, sau khi trở thành người xuất gia, thiền sư Minh Châu Hương Hải đã vượt sóng gió ba đào đến Cù Lao Chàm (nay thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An), lên núi Tiêm Bút La dựng thảo am để thực nghiệm công án. Tuy nhiên quá trình tu tập của Thiền sư phải gặp nhiều khó khăn sau tám tháng tu tập, nhiều lúc thiền sư hành thiền thì có nhiều ma quỷ đến quấy phá. Theo Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi lại rằng: Một hôm vào quãng trống canh hai, đệ tử chợt trông thấy một con quỷ lớn đen đủi, thân cao hai trượng, từ từ đi đến trước mặt, một lúc lại biến đi mất; sau đó, vào trống canh ba, có con rắn quấn quanh lấy mình Thiền sư không thể cử động được... [4. 470]. Ngài tuyệt nhiên không bị dao động. Dù vậy, Ngài cảm thấy chỗ này nhiều kẻ hung hiểm khó giáo hóa được nên bỏ Tiêm Bút La (đảo Cù Lao Chàm) quay trở về cố hương với dự tính lập am ở làng Bình Yên Thượng, phủ Thăng Hoa Thăng Hoa (nay là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để tiếp tục thực nghiệm công án thiền. Tuy nhiên, với đạo hạnh của thiền sư rất lớn, thiền sư đã cảm hóa được quần chúng nơi đây nên quần chúng Tiên Bút La mời thiền sư trở lại đảo.

Công hạnh và uy đức của thiền sư Minh Châu Hương Hải đã lan rộng khắp mọ nơi, chúa Nguyễn Phúc Tần (tức chúa Hiền) đã mời thiền sư về Thuận Hóa, đã cho xây đựng Thiền Tĩnh Viện trên núi Qui Kính (nay là núi Linh Thái thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) với mục đích hoằng pháp và hộ quốc an dân. Quốc Thái phu nhân (mẹ Nguyễn Phúc Tần) và ba công tử Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ  vì cảm mến đạo hạnh nên đã quy y với Thiền sư. Nói khái quát hơn là toàn bộ nội Phủ của chúa Nguyễn Phúc Tần đều quy y với Minh Châu Hương Hải. Các quan trong triều, nhân dân các tỉnh và những người trong quân ngũ đến xin quy y rất đông, cả thảy hơn 1.300 người. Thiền Tĩnh Viện trở nên một trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Đàng Trong [4. 110]. 

Đặc biệt những người đến quy y, tham vấn học đạo với thiền sư có Quan thị nội giám Gia Quận Công, ông là tù binh nhưng sau khi bị bắt giữ vì thấy được những khả năng tri thức vốn có nên chúa đã dùng ông trong việc dạy học ngay trong phủ. Vì đam mê tri thức nên thích giao du với những người có học thức uyên bác, ông thường đến pháp đàm với Thiền sư Minh Châu Hương Hải trên núi Quy Kính. Vì lòng đố kỵ nên xảy ra những lời dèm pha bất thiện, cho rằng thiền sư Minh Châu Hương Hải đang tính mưu cách đi Bắc với Quan thị nội giám Gia Quận Công. Chúa Nguyễn lâu dần cũng sinh ra nghi ngờ, có những hành động không ưu ái với Thiền sư, đã cho thiền sư về lại quê cũ là Quảng Nam. Vì thấy được tâm người khó đoán, vị thế chưa hòa, hoằng pháp chưa thuận duyên nên Minh Châu Hương Hải đã dẫn 50 đệ tử ra Đàng Ngoài.

Ở Đàng Ngoài, lúc đã 56 tuổi, ông được chúa Trịnh Căn giúp thành lập viện Thiền Tịnh. Vài năm sau, ông mở đạo tràng ở chùa Nguyệt Ðường, tổng An Tảo, huyện Kim Ðộng, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, dạy nhiều đệ tử. Ông mất năm Ất Mùi (1715), thọ 88 tuồi.

Thiền sư Hương Hải chú giải các kinh, dịch ra và sáng tác bằng tiếng Nôm hơn ba mươi tác phẩm. Học giả Lê Mạnh Thát trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (TTHH) khẳng định là trước tác của Minh Châu Hương Hải hiện chỉ còn:

- Văn vần: năm bài thơ chữ Hán được ghi nhận trong Hương Hải Thiền Sư ngữ lục và một tập luận viết chữ Nôm theo thể song thất lục bát có tựa là Sự Lý Dung Thông.

- Văn xuôi: bốn tập chú giải bằng chữ Nôm gồm Giải Kim Cương Kinh Lý Nghĩa, Giải Di Ðà Kinh, Giải Tâm Kinh Ngũ Chỉ và Lý sự Dung Thông. Đây là những tác phẩm được xem là văn xuôi vì những tác phẩm được địch từ kinh Phật bằng Hán tự nhưng được tác giả diễn Nôm. Cách dịch của những tác phẩm không phải dịch đúng nguyên văn, sát nghĩa chương cú. Tác giả đã dịch những tác phẩm này dưới dạng dịch ý, phỏng dịch lại nội dung ban đầu với mục đích là để cho đối tượng tiếp cận được nắm bắt dễ dàng. Trước thời kỳ Minh Châu Hương Hải đã có rất nhiều tác phẩm được dịch từ văn bản Hán sang văn bản Nôm. Xét trong thời kỳ văn học Lê Nguyễn thì có thể nhận định Thiền sư Minh Châu Hương hải là người đã khai phóng hệ thống dịch thuật cho nền văn học thời kỳ này.

Hương Hải Thiền Sư ngữ lục là tập sách xuất hiện lần đầu vào năm 1747 nói về hành trạng của Hương Hải do đồ chúng của ông viết lại, trong có chép tổng cộng 59 bài thơ và 14 đoạn văn xuôi chữ Hán. Qua khảo sát, TTHH đề nghị chỉ coi 5 bài thơ là của Hương Hải. Ở đây giới thiệu một bài thơ ông viết đáp lại quan trấn thủ Tiền hòa Quân doanh Quốc lão đã về hưu là Ứng quận công Tiến sĩ Đặng Đình Tướng và một bài kệ thị tịch, đều bằng chữ Hán

a. Họa thơ của Ứng Quận công

Chữ Hán:

向明歸命事君王

謁見尊公慶壽長

才用經綸兼德行

恩施禮義貴文章

外除盗賊兵民愛

內養禎廉士卒強

權鎭南郊名四海

匡扶國政樂羣方.

Âm:        

Hướng minh quy mệnh sự quân vương

Yết kiến tôn công khánh thọ đường

Tài dụng kinh luân kim đức hạnh

Ân thi lễ nghĩa quý văn chương

Ngoại trừ đạo tặc bình dân ái

Nội dưỡng chinh liêm sĩ tốt cường.

Quyền trấn Nam giao danh tứ hải.

Khuông phù quốc chính lạc quần phương. (trang 19, TTHH)

Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch thơ

Theo về trời sáng thờ quân vương,

Gặp được ngài đây chúc thọ trường.

Tài đã kinh luân gồm đức hạnh,

Ân vừa lễ nghĩa quí văn chương.

Ngoài trừ giặc trộm dân binh mến,

Trong dưỡng liêm trinh quân sĩ cường.

Quyền trấn vùng Nam danh bốn biển,

Giúp lo trị nước vui các phương.

b.Kệ thị tịch:

Chữ Hán:

時當八十八

忽然登坐脫

有來亦有去

無死亦無活

法性等虚空

色身如泡沫

東土離婆婆

西方蓮華發

Âm:

Thời đương bát thập bát, Hốt nhiên đăng tọa thoát. Hữu lai diệc hữu khứ, Vô tử diệc vô hoạt. Pháp tánh đẳng hư không, Sắc thân như bào mạt. Đông độ ly Ta-bà, Tây phương liên hoa phát. (trang 16, TTMCHH)

Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch thơ:

Giờ đúng tám mươi tám,

Bỗng nhiên lên ngồi thoát.

Có đến cũng có đi,

Không chết cũng không sống.

Pháp tánh đồng hư không,

Sắc thân như bọt nước.

Đông độ rời Ta-bà,

Tây phương hoa sen nở.

Số lượng thơ do Thiền sư Hương Hải sáng tác không nhiều có thể cho thấy ông không quan tâm đến ngôn chí. Thơ của ông đều được làm trong những dịp ngẫu nhiên. Tuy vậy, dù có sẵn Nho học, thơ của Hương Hải cho thấy ông chỉ coi Nho học như một nền học bổ túc về phương diện trị thế cho Phật giáo. Tuy số lượng tác phẩm của Thiền sư sáng tác không nhiều nhưng mỗi thi phẩm luôn hàm chứa đầy đủ hội hàm triết mỹ của Thiền học. Những giá trị nội tại của Thiền học được thiền sư thể hiện qua từng câu chữ, khái quát lên được những cung bậc, cấp độ, trạng thái đạt đến thiền. Từ đó cho thấy, Thiền sư Minh Châu Hương Hải đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học thời kỳ này, góp phần làm phát triển hệ thống tư tưởng văn học Phật giáo trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Mọi hình thái xã hội phần lớn chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, đối với văn học thì có sự phát triển và vận động riêng của nó. Điều đó khẳng định rằng trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì cũng là thời điểm thuận lợi nhất để thi nhân đạt đến đỉnh cao của triết lý, hình thành nên những thi phẩm có giá trị và có tầm ảnh hưởng lớn cho tương lai.

Có thể lấy Minh Châu Hương Hải như là một minh chứng. Tuy sống trong bối cảnh lịch sử phân chia Đàng Trong và Đàng ngoài. Sự phân quyền giữa các tập đoàn phong kiến đã thúc đẩy tình hình đất nước rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Ngay chính bản thân của Minh Châu Hương Hải cũng là nạn nhân của sự phân quyền đó. Ông cũng phải chịu sự đố kỵ và nghi ngờ cấu kết với Đàng Ngoài, nên đành phải bỏ lại nơi mình tâm huyết nơi mình đang hoằng pháp để đến nơi thuận tiện nhất cho quá trình truyền giáo. Nhưng đó cũng là điều kiện thuận tiện nhất để cho Minh Châu Hương Hải phát triển thi ca. Những tác phẩm của Minh Châu hương Hải phần lớn được ghi chép trong Hương Hải Thiền sư ngữ lục. Phần lớn những tác phẩm này được Thiền sư làm ở Đàng ngoài.

4

Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726)

Thế danh Nguyễn Nghiêm, tự là Đình Lân, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông đã theo học cử nghiệp; nhưng khi 19 tuổi, nhân đọc hành trạng của Thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm, ông tìm đến chùa Hoa Yên núi Yên Tử xuất gia với Chân Trú Tuệ Nguyệt, được pháp danh là Tuệ Ðăng. Do thầy mất sớm, ông tìm đến tham học thiền sư Minh Lương, đệ tử của thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết, được đặt pháp hiệu Chân Nguyên. Ông đốt hai ngón tay khi nguyện giữ Bồ tát giới. Được truyền thừa y bát Trúc Lâm, ông trú trì chùa Long Ðộng và Quỳnh Lâm, vốn là những trung tâm lớn của phái Trúc Lâm. Năm 1722, đã 76 tuổi, ông được phong Tăng Thống. Ông tịch năm 1726, thọ 80 tuổi.

Theo học giả Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên Thiền sư Toàn tập (CNTT), ông để lại 11 tác phẩm bằng cả chữ Nôm lẫn chữ Hán. Những tác phẩm đó là: Thiền tông bản hạnh, Thiền tịch phú, Ngộ đạo nhân duyên, Tịnh độ yếu nghĩa, Đạt Na thái tử hành, Hồng mông hành, Nam Hải Quan Âm bản hạnh,... Ở đây giới thiệu Tôn sư Phát sách Đăng đàn Thọ giới  viết bằng chữ Hán và Thiền tịch phú viết bằng chữ Nôm 

a. Tôn sư Phát sách Đăng đàn Thọ giới

CNTT cho biết tập tài liệu chữ Hán này nêu những vấn đề về việc tiếp nhận người vào tổ chức Phật giáo. Chân Nguyên đã cố gắng lý giải giới luật theo yêu cầu thực tiễn của người Việt Nam, trong đó có việc đưa giới tà dâm đối với sa-di vào hàng tám giới dành cho người thọ mười giới bát quan trai, hàm ý không hoàn toàn cấm chỉ việc sinh hoạt tình dục của nam nữ, cho thấy người Việt Nam đã tiếp thu Phật giáo như thế nào một cách cụ thể, những quy định gì của Phật giáo đã bị biến chất khi đi vào xã hội Việt Nam, để có thể phù hợp và tồn tại với xã hội đó.

b.Thiền tịch phú

VNPGSL cho biết đây là một bài phú Nôm về chùa Long Ðộng, rất giàu từ ngữ thuần Việt, nói về cái thú của người sống trong cảnh thiền. Bài phú gồm 72 câu, nghĩa là có 72 vế đối nhau, chỉ dùng một vần ích (dùng thông vận thì có các chữ mang vần ách, ịch, ạch, ếch). Nội dung chia làm bốn phần. Phần nhập đề (1-8) giới thiệu thế nào là thiền tịch; phần tiếp theo (9-28), tả cảnh chùa nơi tác giả đang sống; phần thứ ba (29-59) nói chí hướng và cuộc sống thường nhật đầy thích thú của tác giả. Phần kết luận (60-74) đưa ra lời khuyên và kêu gọi những người khác cùng gia nhập thưởng thức cuộc sống được tác giả nêu rõ ở phần ba. Ở đây trích hai phần đầu:

1-2. Vui thay tu đạo Thích, Vui thay tu đạo Thích.

3-4. Lọ phải thành đô, nào nề tuyền thạch.

5-6. Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam, hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích.

7-8. Đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm, Đây cũng vốn công tu thiền tịch.

9. Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não xà cừ;

10. trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, võ vàng san hô hổ phách.

11. Thần Bát bộ Kim cương đứng chắp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;

12. tượng Tam thân Bảo tướng ngồi bầy, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.

13. Tả A Nan Đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vân vi;

14. hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ loang xốc xếch.

15-16. Am thờ tổ ngói rập gỗ dăm; nhà trú tăng vách vôi tường gạch.

17-18. Mấy bức kẻ chữ triện mặc rời; Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.

19. Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm nam mô nhẹ tiếng boong boong;

20. lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách.

21. Phướn tràng phan nhuộm vàng khe, lúc gió đưa phấp phới nhởn nhơ;

22. dù boòng boong nhuộm đen sì, khi trập mở nhập nhù thì thích.

23-24. Sư quân tử cấy trúc ngô đồng; đệ trượng phu trồng thông tùng bách

25-26. Trăm thức hoa đua nở kề hiên; bẩy giống báu chất đầy kẽ ngạch

27-28. Ngào ngạt mùi xạ lan; thơm tho hương trầm bạch

Thiền sư Liễu Quán (1667-1742)

Thế danh không rõ, người làng Bạc Má (những tư liệu trước đây đều ghi là Bạch Mã vì tất cả đều căn cứ vào thông tin trên văn bia tháp Liễu Quán. Văn bia này do Thiền sư Thiện Kế người Trung Hoa biên soạn. Có thể do những yếu tố đặc thù về ngôn ngữ mà danh từ Bạc Má mang âm hưởng Nôm chưa được ghi chính xác. Trung tâm văn hóa Liễu Quán Huế đã khảo khảo sát thực tế và căn cứ vào địa bạ tỉnh Phú Yên, khẳng định rằng Bạc Má là tên gọi đúng của quê hương thiền sư Liễu quán), huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Đất Phú Yên như chúng ta biết, vốn là vùng đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt, là nơi hun đúc nên khí chất con người qua bao đời nay với truyền thống trượng nghĩa, yêu nước.[8.65]

Thiền sư xuất thân nghèo khổ, sáu tuổi mồ côi mẹ, mười hai tuổi đi chùa Hội Tôn với cha để gặp thiền sư Tế Viên xin ở lại chùa để học đạo, được cha ưng thuận. Ở chùa Hội Tôn, ông được học chữ Hán, luật sa di và những kinh điển dễ học. Khi mới mười chín tuổi thì thầy viên tịch, ông quyết chí một mình lên đường học đạo. Ông đã sống trọn vẹn với lý tưởng Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần, Phật sự môn trung, bất xã nhất pháp. Năm 1690, ông ra núi Hàm Long ở Thuận Hóa xin ở lại tu học; được một năm, nghe tin cha bệnh ông xin về chăm sóc. Bốn năm sau, cha mất, ông lại lên đường học đạo. Năm 1695 tại Thuận Hóa, ông thọ Sa di tại giới đàn của Hòa thượng Thạch Liêm; năm 1697, ông thọ Tỳ kheo tại giới đàn của Hòa thượng Từ Lâm. Năm 1702 ông gặp thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Long Sơn của Thuận Hóa, nhận công án rồi về Phú Yên tự tham khảo. Năm 1708 ông trở ra Long Sơn trình công phu và được Thiền sư Tử Dung ấn chứng. Bấy giờ Liễu Quán 46 tuổi, đã có nhiều đạo tràng để hành đạo: chùa Thiền Tông, chùa Viên Thông và chùa Viên Giác ở Thuận Hóa; các chùa Hội Tông, Cổ Lâm và Bảo Tịnh ở Phú Yên. Chùa Viên Thông nằm dưới chân núi Ngự Bình thường được chúa Nguyễn Phúc Khoát đến viếng vì Liễu Quán luôn từ chối vào phủ. Từ 1733 đến 1735 tại Thừa Thiên, ông liên tiếp đứng chủ bốn giới đàn lớn. Mùa xuân năm 1742, ở tuổi 76, ông lại chủ trì một giới đàn tại chùa Viên Thông. Ông nhập niết bàn vào mùa thu năm ấy. Ông chỉ để lại một bài kệ thị tịch và vì ông lập ra một Thiền phái riêng mang tên mình nên có viết một bài kệ truyền pháp, đều bằng chữ Hán.

a.Kệ thị tịch

Chữ Hán:

七十餘年世界中

空空色色亦融通

今朝願滿還家裏

何必奔忙問祖宗

Âm:   

Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn mang vấn tổ tông.

VNPGSL dịch thơ:

Ngoài bảy mươi năm cõi sắc không

Sắc không không sắc đã dung thông

Sáng nay vẹn ước, về quê cũ

Há phải tìm cầu hỏi tổ tông.

b. Kệ truyền pháp

Chữ Hán:

實際大導

性海清澄      

心源廣潤      

德本慈風      

戒定福慧      

體用圓通      

永超智果      

密契成功      

傳持妙里      

演暢正宗      

行解相應      

達悟真空

Âm:    

Thiệt tế đại đạo

Tính hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận,

Ðức bổn từ phong

Giới định phúc tuệ

Thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả

Một khế thành công

Truyền trì diệu lý

Diễn xướng chính tông

Hành giải tương ứng

Ðạt ngộ chân không

VNPGSL dịch:

Ðường lớn thực tại

Biển thể tính trong

Nguồn tâm thấm khắp

Gốc đức vun trồng

Giới định cùng tuệ

Thể dụng viên thông

Quả trí siêu việt

Hiểu thấu nên công

Truyền giữ lý mầu

Tuyên dương chính tông

Hành giải song song

Ðạt ngộ chân không

VNPGSL nhận định, Liễu Quán “… đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Ðàng Trong”. Tất cả hành trạng của Thiền sư Liễu Quán được đề cặp gần như là đầy đủ và duy nhất trong văn bia tại bảo tháp của Thiền sư. Những thi kệ về vấn đáp công án thiền hay thi kệ thị tịch cũng được ghi chép cụ thể trong văn bia. Văn bia này cũng được rất nhiều dịch giả dịch và công bố. Về cơ bản, cho thấy Thiền sư là bậc tu hành phạm hạnh, có công hoằng hóa và phát triển dòng Thiền Lâm Tế. Trên cơ sở của dòng thiền Lâm Tế và Tào Động, thiền sư đã xuất kệ và tạo ra cho mình một dòng thiền riêng. Điều đó đã thể hiện rõ qua kệ truyền thừa của thiền sư, thiền sư đã không sử dụng tiếp dòng kệ của thiền phái Lâm Tế. Cảnh quan của khu tháp cũng như hành trạng của thiền sư sau này cũng được học giả B.A.V.H khảo cứu qua tác phẩm Những người bạn cố đô Huế. Ngay cả văn bia Hán văn cũng được học giả này cho chuyển ngữ và tích hợp trong tác phẩm của mình. Điều đó cho thấy, thiền sư Liễu Quán đã có tầm ảnh hưởng không chỉ về phương diện tu hành mà trong phương diện văn hóa, lịch sử và văn học đều có sự ảnh hưởng lớn. Sự ảnh hưởng đó không chỉ hạn cuộc ở trong giới nghiên cứu nội địa và cả giới nghiên cứu quốc tế.

Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài (1757–1834)

Căn cứ vào Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài (TTQĐ) của học giả Lê Mạnh Thát, có thể tóm lược hành trạng của vị thiền sư này như sau:

Thế danh không rõ, có nhiều khả năng quê Thuận Hóa, có căn bản Nho học, từng là tướng trong quân đội Tây Sơn. Vào năm 1786, chứng kiến sự chia rẽ của lãnh đạo phong trào, ông bỏ Tây Sơn và xuất gia với thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền tại Phú Yên, lúc này ông đã 30 tuổi. Ông đã nối pháp của dòng Lâm Tế, thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

Trong lời bạt của kinh Vô Lượng Nghĩa, Toàn Nhật Quang Đài đã ghi lại những khó khăn cũng như sự phấn đấu tu học trong những ngày đầu tiên ông mới tập sự xuất gia: Ta lúc mới vào đạo (1786), trì tụng kinh Pháp Hoa, chỉ thấy đề mục kinh Vô Lượng Nghĩa mà không đọc được bản văn, thầm mong tìm kiếm, song không do đâu để gặp. May nhờ tổ sự đại lão Hòa thượng Diệu Nghiêm chùa Từ Quang thuở còn ở đời, năm thứ chuyên cần, sáu căn trong sạch, trí vượt người đương thời, đức phủ lên mọi kẻ, trong khi xem kinh tạng, đã chép để lại toàn bản.[2.501].

Trong cuộc đời hành đạo, hẳn Toàn Nhật đã có nhiều cơ hội sống gần gũi với nhân dân, thể nghiệm được giá trị nhân bản và nhân đạo của cuộc sống, lý hội được giá trị của lao động, tiếp thu được kiến thức từ kho tàng trí tuệ của nhân dân, hiểu rõ tình cảnh cơ cực của người dân trong xã hội phong kiến đang trên đà suy thoái.

Có lẽ trong cuộc sống ấy, từ năm 1786 đến năm 1800, Toàn Nhật đã hình thành những điều cốt yếu cho các tác phẩm chính của mình là Hứa Sử truyện vãn và Tam giáo Nguyên lưu ký; bên cạnh những trước tác khác như Tống vương truyện, Lục tổ truyện diễn ca, Xuất gia tối lạc tình thế tu hành vãn, Tham thiền vãn, Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm vãn, Xuất gia vãn. Toàn Nhật có nhiều lần thay thiền sư Pháp Chuyên giảng kinh và có soạn tập “Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên” để dạy chúng, cho thấy ông có sở đắc vững vàng về Hán văn bác học nhưng không tỏ lộ, thể hiện việc khéo giữ hạnh khiêm cung. Có dấu hiệu cho thấy, nếu không trực tiếp thì gián tiếp, Toàn Nhật cũng có liên hệ với triều đình Tây Sơn. Điều này phản ánh qua việc Toàn Nhật hành đạo 32 năm dưới thời nhà Nguyễn (18 năm dưới triều Gia Long và 14 năm dưới triều Minh Mạng) là một danh tăng, mà không hề được sử gia nhà Nguyễn nhắc đến. TTQĐ cho rằng hầu như Toàn Nhật không thừa nhận sự hiện diện của nhà Nguyễn qua việc ông chưa bao giờ sử dụng niên hiệu của các vua nhà Nguyễn để ghi nhận những niên đại cần nhớ. Toàn Nhật viên tịch năm 1834, thọ 78 tuổi.

TTQĐ liệt kê 20 trước tác của Toàn Nhật gồm 14 tác phẩm cả truyện lẫn phú viết bằng chữ Nôm, một bản tiểu luận và 3 bài bạt dùng cho việc in lại các bản kinh được viết bằng chữ Hán. Ở đây giới thiêu sơ lược về Tam giáo nguyên lưu ký và Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm vãn.

a.Tam giáo nguyên lưu ký

Tam giáo nguyên lưu ký là tập văn vần viết theo thể lục bát có kèm những câu song thất, dài 1.210 câu. Trong tác phẩm thỉnh thoảng có những bài thơ bảy chữ, trong đó có một bài thơ chữ Hán ở cuối đoạn nói về Đạo giáo và môt bài kệ gần cuối đoạn nói về Phật giáo. Cơ cấu của tập văn vần này như sau: Phần đầu, từ câu 1 đến câu 28, giới thiệu tính thống nhất của Tam giáo và quan hệ chức năng giữa chúng với nhau. Phần hai, từ câu 29 đến 226, trình bày về nguyên lưu của Nho giáo. Phần ba, từ câu 227 đến 386, mô tả về lai lịch của Đạo giáo. Phần bốn, từ câu 387 đến 1210, giới thiệu Phật giáo.

Trong Tam giáo nguyên lưu ký, từ câu 1133 đến 1146, có lẽ ngài Toàn Nhật nói đến cuộc đời tu hành của mình, có ý cho thấy Phật giáo hơn hẳn trong tam giáo.

b.Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm vãn

Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm vãn gồm 324 câu, chia làm ba đoạn là Sơ đoạn Hạ thừa; Nhị đoạn Trung thừa và Tam đoạn Thượng thừa. Về hình thức, Sơ đoạn viết theo lối Cổ phong; Nhị đoạn viết theo lối lục bát và Tam đoạn viết bằng những câu bảy chữ là chính.

TTQĐ cho rằng với Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm vãn có thể ngài Toàn Nhật đã đề cập tình hình văn hóa Việt Nam thời Gia Long về đóng đô ở Huế, khi các giáo sĩ phương Tây đã có dịp du nhập những lối sống, những tập tục khác với truyền thống dân tộc. Đứng trước tình hình đó, trước hết ngài Toàn Nhật kêu gọi người ta quay trở về với những gì phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc bằng hạ thừa. TTQĐ nhận định rằng Bát nhã Ngộ đạo Quốc Âm văn tượng trưng cho một cố gắng tổng hợp những nếp sống được truyền thụ vào Việt Nam trên cơ sở khả năng tiếp thu và bản lĩnh lựa chọn của dân tộc.

Toàn Nhật Quang Đài xuất hiện trong một thời đại mang tính bản lề của lịch sử, có thể hoàn cảnh đã khiến ngài phải có hành trạng khác thường và tư tưởng khác thường. Tác phầm của ông thể hiện nhiều nét đặc sắc mà không dễ lĩnh hội ngay.

Hải Lượng Thiền sư (1746-1803)

Có thể Hải Lượng là pháp danh đã được thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều (1740-1780) thuộc dòng Minh Hành Tại Tại trao cho Binh bộ Thượng thư, Thị lang Đại học sĩ Hy Doãn công Ngô Thì Nhậm.

Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là con của danh nho Ngô Thì Sĩ, có tự là Hy Doãn, hiệu là Ðạt Hiên, đậu tiến sĩ năm 1775, được bổ làm Ðông các hiệu thư rồi thăng chức Công bộ Hữu Thị lang. Vì phạm lỗi, ông bị cách chức nhưng sau vì có công với chúa Trịnh Sâm trong việc phế Trịnh Khải nên lại được bổ dụng. Năm 1782 khi Trịnh Sâm qua đời, Trịnh Tông cướp ngôi Trịnh Cán và trị tội những người tham dự trong cuộc tranh chấp năm 1780, ông phải đi trốn, mãi cho đến năm 1786 mới được vua Lê Chiêu Thống bổ nhiệm Hộ bộ đô Cấp sự trung rồi thăng Hiệu thảo kiêm Toản tu Quốc sử quán. Năm 1787, ông được tiến cử với vua Quang Trung và được bổ Công bộ thị lang, sau thăng Thượng thư và Thị lang Đại học sĩ. Năm 1793, vua Cảnh Thịnh cử ông làm chánh sứ sang triều Thanh cầu phong. Năm 1800 ông về ở ẩn. Năm 1803, ông và Phan Huy Ích được lệnh ra trình diện Tổng trấn Bắc thành. Vua Gia Long sai đánh đòn hai ông tại Văn Miếu. Ngô Thì Nhậm bị đánh nặng tay cho nên chết. Năm ấy ông 57 tuổi.

Hải Lượng Ngô Thì Nhậm xuất thân trong một danh gia, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, sớm trước tác Nhị thập tứ sử toát yếu từ lúc mới mười sáu tuổi, lớn lên là một nho gia thành đạt và đầy chí khí nhưng không ngừng đọc sách, có một sở học uyên thâm, đã đạt được danh vọng ở mức cao nhất, nhưng hẳn là ông đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo từ rất sớm nên đã có thái độ hành xử phóng khoáng, không câu nệ, không chấp nhận ngu trung mà sẵn sàng mang tài năng phục vụ đích thực cho dân cho nước.

Tác phẩm của Ngô Thì Nhậm thật là đồ sộ. Từ năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đã tổ chức xuất bản Toàn tập Ngô Thì Nhậm gồm năm tập sách, mỗi tập dầy bẩy, tám trăm trang, bao gồm các tác phẩm Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Kim mã hành dư, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Hảo mân ai lục, Hàn các anh hoa, Hoàng hoa đồ phả, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Cẩm đường nhàn thoại, và đặc biệt là bộ luận Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh.

Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh là một tác phẩm tập thể, trong đó Hải Lượng chỉ viết phần chính văn gọi là Đại chân Viên giác thanh thể hiện 24 thanh có sự tương đồng với 12 chương của kinh Viên Giác, một bộ kinh Đại thừa của Phật giáo nhằm chỉ rõ sự viên giác tròn đầy sáng suốt có sẵn nơi tự tính mỗi chúng sinh. Trước phần chính văn viết về mỗi thanh, có một đoạn văn nhằm giới thiệu chính văn, gọi là Thanh dẫn, do Hải Huyền Ngô Thì Hoàng là em ruột của Ngô Thì Nhậm viết. Sau phần chính văn, lại có phần chú thích và giảng rộng về nội dung của thanh vừa được nêu, gọi là Thanh chú do Hải Âu Vũ Trinh và Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở soạn. Cuối cùng, có phần yếu chỉ của từng thanh, gọi là Thanh tiểu khầu do Hải Điền Nguyễn Đàm nêu tóm tắt. Kết cấu đó được áp dụng cho tất cả 24 thanh.

Về giá trị của Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh, các tác giả bài viết “So sánh bố cục kinh Viên Giác và Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh” đăng trên Giác Ngộ đã kết luận: “Giá trị nội dung tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn thể hiện ở chỗ, toàn bộ tác phẩm là một lộ trình tu tâm dưỡng tính hoàn chỉnh và xuyên suốt không chỉ phù hợp với thời đại ông sống mà còn thích hợp với cả con người đương đại. Tám chương đầu tiên, tác giả chú trọng vào việc giác ngộ chân tâm thanh tịnh của mỗi người, tự tính của vạn pháp, bản chất của vạn vật (lý) để làm kim chỉ nam cho việc thanh lọc nội tâm, loại bỏ tạp niệm, khai thông căn bản trí tuệ (Bát-nhã). Tám chương giữa là sự hòa quang đồng trần, thiên về tinh thần nhập thế, làm lợi ích cho chúng sinh theo kiểu Bồ-tát hạnh, để phát huy trí tuệ và nâng cao đạo hạnh trong thử thách chướng ngại. Và tám chương kết chính là sự kiểm nghiệm lại toàn bộ sự trải nghiệm trong quá trình tu tập ở trên và xác định rõ ràng con đường đi tới tự do tự tại, giác ngộ và giải thoát”. 

Với một nhà nho như Ngô Thì Nhậm, hẳn là Phật giáo phải có một giá trị nhân bản vượt trội, mới khiến ông dành tâm huyết thực hiện một tác phẩm như Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh. 

Thiền sư Phúc Điền (1784-1863)

Thế danh không rõ, thân phụ họ Vũ, thân mẫu họ Lê, quê thôn Trường Thịnh, xã Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa (nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Mười hai tuổi, xuất gia học đạo với Thiền sư Hải Tiềm tại chùa Đại Bi. Ba năm sau, thầy mất, ông  đến thọ giới Sa di với Hòa thượng Hải Quýnh ở chùa Phúc Thung, có pháp danh Tịch Tịch; năm 1803, lại thọ Tỳ kheo Bồ tát giới với tổ Tịch Giảng, được ban pháp hiệu An Thiền. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), bấy giờ đã 51 tuổi, ông vào Huế dự kỳ sát hạch Tăng sĩ, được triều đình ban giới đao và độ điệp, được tặng sắc hiệu Phúc Điền Hòa thượng. Ở Huế, ông chịu khó tìm hiểu và thu thập được nhiều tư liệu về tình hình Phật giáo đương thời, dành được thiện cảm của một số nho sĩ tại đây. Nhiều người sau này hết lòng giúp ông trong các hoạt động Phật sự.

Sau khi trở về Bắc, ông tích cực thu thập tài liệu lịch sử, biên soạn dịch giải, tu bổ chùa chiền, ấn loát kinh sách, giáo hóa đồ chúng. Khi ông được mời trùng tu và trụ trì chùa Đại Giác xã Bồ Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh vào năm 1840 thì năm sau, 1841, một người quen với ông lúc ông ở Huế là Nguyễn Đăng Giai được bổ về làm Tổng đốc Ninh Thái. Đến năm 1848, khi ông chủ trì kiến tạo chùa Liên Trì huyện Thọ Xương, Hà Nội thì Nguyễn Đăng Giai đã là Thượng thư bộ Hình kiêm Quốc sử quán Tổng tài và cũng tích cực giúp đỡ ông. Chùa Liên Trì sau đó trở thành một trung tâm ấn loát kinh sách. Năm 1854, nhận lời mời của sư Phổ Minh, ông sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái, tích cực khuyến hóa thập phương trùng tu chùa. Ông hành đạo ở đấy đến khi viên tịch vào năm Tự Đức thứ 16 (1863), thọ 80 tuổi.

Ông viết nhiều sách thuộc nhiều thể loại khác nhau với khuynh hướng lịch sử và giáo dục. Bàn về tư tưởng của Thiền sư Phúc Điền, Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988) do Giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ biên có nêu, “Phúc Điền không bàn nhiều đến tư tưởng, nhưng qua tác phẩm của ông, ta vẫn thấy tinh thần tư tưởng của ông. Đó là tinh thần dung hợp, tinh thần thừa nhận tất cả các quan điểm của các học thuyết, các tôn giáo, các tông phái, bất luận là chúng có thực như thế nào…” và “…tinh thần dung hợp của Phúc Điền còn thể hiện trong việc chấp nhận cả Thiền, Tịnh, Mật, không phân biệt đối xử. chỗ nào sử dụng Phật phái nào có lợi thì sử dụng, không nề hà”.

Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam (Tổng tập VHPGVN) cho biết: Trong bài tựa Quốc âm tiểu luận viết ở đầu sách Khóa hư giải âm, chính Phúc Điền đã ghi 34 bộ kinh sách Phật giáo do ông dịch quốc âm và được một nhóm trưởng lão lo liệu việc khắc bản ấn loát từ 1840 đến 1861.

Cuối đời, ông có để lại một bài kệ như là một tổng kết về cuộc đời và tư tưởng của mình:

Âm:

Các thuyết trần ngộ nhập

Dĩ ngộ hoạch viên thông

Đạo ngoại nguyên vô đạo

Không trung cánh bất không

Vu kim truyền chánh pháp

Tụ tích diễn chân tông

Dĩ vô sở đắc cố

Bất tại cá ngôn trung

Nghĩa:

Các thuyết đều giải bày sự giác ngộ của mình 

Lấy giác ngộ để đạt tới sự viên thông

Bên ngoài đạo thì vốn không có đạo

Trong không thì càng không phải là không

Như nay truyền bá chánh pháp

Là kéo dài chân tông tự ngày xưa

Do vô mà thu được

Không phải là ở lời nói2.

Ở đây điểm qua hai tác phẩm là Thiền uyển truyền đăng lục và Đạo giáo nguyên lưu, được giới nghiên cứu đánh giá là hai tác phẩm xuất sắc của ông.

a.Thiền uyển truyền đăng lục

Sách Thiền uyển truyền đăng lục gồm một bộ có tất cả năm quyển: Quyển thượng còn có tên là Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục biên tập lại dựa vào Thiền uyển tập anh; ba quyển kế tiếp sao lại quyển Thiền uyển Kế đăng lục của Thiền sư Như Sơn, còn quyển hạ có tên là Thiền uyển kế đăng lược lục do chính Phúc Điền biên soạn. Nội dung của sách Thiền uyển kế đăng lược lục trình bày khái quát lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, thuật truyện của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, ghi chép tình hình Phật giáo đương thời, trong đó nhấn mạnh đến sự truyền thừa của hai phái Tào Động và Lâm Tế, chép lại truyện một số danh tăng của các đời trước cùng những hoạt động trùng tu, sửa sang chùa chiền của một số vua quan… Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên cho rằng  “…Thiền uyển kế đăng lược lục có giá trị như một cuốn lịch sử, giúp ích nhiều cho việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam trước đó cũng như tình hình sinh hoạt Phật giáo đương thời của nước ta”3.

b. Đạo giáo nguyên lưu

Sách Đạo giáo nguyên lưu, còn được gọi là Tam giáo Quản khuy lục (theo bài tựa do Nguyễn Đăng Giai viết) hay Tam giáo thông khảo (theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận) gồm ba quyển Thượng, Trung và Hạ, dày 549 trang, ngoài phần giải thích về nguồn gốc của ba tôn giáo Nho, Thích, Lão, sách còn là phần hướng dẫn người sơ cơ nhập đạo, học chữ Hán, học giáo lý. Vì là các bài giảng được viết để phục vụ việc học tập trong lúc an cư của chư Tăng Ni đương thời, nội dung sách không được sắp xếp theo thứ tự thời gian hay chuyên mục nào. Đặc biệt, sách có các bảng tra cứu ở cuối quyển Hạ cũng được xem là có ích cho việc dạy và học chữ Hán, các bảng Phạn Hoa danh nghĩa, bảng tra chữ khó, bảng quốc âm. Đạo Giáo Nguyên Lưu còn được coi là bộ sách nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam có niên đại sớm nhất mà chúng ta biết được. Đạo giáo nguyên lưu được xuất bản năm 1845 và đã được sử dụng làm sách giáo khoa trong các trường Phật học đương thời. 

(Còn tiếp) 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm