Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 24/09/2022, 08:25 AM

Về bài tựa sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” của Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích

Xu hướng chủ đạo của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là “dĩ Nho giải Phật” (dùng triết lý Nho gia để lý giải Phật giáo). Ngay trên tiêu đề cũng đã thể hiện rõ tinh thần quay về, xiển dương giáo lý tư tưởng chân truyền, chính thống của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng.

1. Bảo chân đạo nhân Phan Huy Ích

Phan Huy Ích 潘輝益 (1750-1822) là người viết lời Tựa cho sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, trước có tên là Phan Công Huệ 潘公惠, nhưng do trùng tên của Đặng Thị Huệ - chính phi của chúa Trịnh Sâm - nên phải đổi thành Phan Huy Ích 潘輝益, tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am, biệt hiệu Bảo Chân đạo nhân 葆眞道人.Ông sinh ngày 12 tháng chạp năm Canh Ngọ (1750)2, tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), về sau cha ông dời đến làng Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Ông mất năm 1822, thọ 72 tuổi.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, quan lại, có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to thời Lê - Trịnh. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, được thân phụ là Tiến sĩ Phan Huy Cẩn (1722-1789) trực tiếp dạy học. Ông là con rể của Ngô Thì Sĩ và là em rể của Ngô Thì Nhậm. Năm 1772, lúc hai mươi hai tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở trường Nghệ An, bốn năm sau thi Hội đỗ Hội nguyên, rồi thi Đình đỗ Đệ tam giápĐồng tiến sĩ xuất thân (1776).

Một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử nước nhà là cả ba cha con Phan Huy Cẩn (1722-1789), Phan Huy Ích ((1750-1822), Phan Huy Ôn (1755-1786) cùng đỗ đại khoa, cùng làm quan dưới triều Lê - Trịnh.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, Phan Huy Ích phụng mệnh chúa Trịnh Sâm vào Quảng Nam phong tước cho Nguyễn Nhạc. Rồi ông được bổ chức Đốc đồng trấn Thanh Hoa, sau đó được triệu về kinh giữ việc Hình ở phủ Chúa.

Năm 1786, Phan Huy Ích được bổ làm Tán lý quân vụ Thanh - Nghệ để đối đầu với quân Nguyễn Hữu Chỉnh. Bị Chỉnh bắt, nhưng Chỉnh mến tài nên tâu xin vua bổ ông vào làm việc ở Tòa Hàn lâm. Năm 1788, sau khi bình định được Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã mời Phan Huy Ích cộng tác. Phan Huy Ích nhận lời vào Phú Xuân đảm nhận chức Thị lang bộ Hình dưới triều Tây Sơn, và ông cùng với Ngô Thì Nhậm đảm trách việc bang giao với nhà Thanh. Năm 1792 ông được phong tước Thuỵ Nham hầu, thăng Thị trung Ngự sử ở tòa Nội các. Năm 1800, khi Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, Quang Toản chạy ra Bắc thành, ông được cử làm Thượng thư Bộ Lễ. Khi Tây Sơn sụp đổ ông bị tống giam cùng với Ngô Thì Nhậm, cả hai cùng bị Tổng trấn Bắc thành và Đặng Trần Thường đánh đòn trả thù trước Văn miếu. Sau khi bị đánh, Ngô Thì Nhậm bị đau mà mất. Còn ông, sau khi được thả ra, về quê mở trường dạy học cho đến cuối đời.

Phan Huy Ích là một trong những tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm Hán và Nôm xuất sắc. Hai tập Dụ Am ngâm lục (thơ), Dụ Am văn tập (văn) ra đời khoảng từ năm 1778 đến năm 1814, tất cả khoảng sáu trăm bài thơ và bốn trăm bài văn gồm đủ các thể tấu, biểu, chiếu, thư, bạt, văn bia, văn tế…

Mấy thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu uy tín đã căn cứ vào một số tư liệu mới phát hiện để khẳng định có thể ông là dịch giả bản Chinh phụ ngâm khúc bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm thể song thất lục bát đang lưu hành và phổ biến hiện nay, mà trước đây theo lưu truyền thường cho bản dịch Nôm ấy là của bà Đoàn Thị Điểm. Tập Tinh sà kỷ hành là tập thơ ông viết khi đi sứ Trung Quốc năm 1790. Hầu hết các tác phẩm của ông sáng tác trong khi làm quan cho nhà Tây Sơn, còn Vân du tuỳ bút có mười một bài thơ Nôm được làm vào đầu nhà Nguyễn. Những sáng tác bằng chữ Nôm như văn tế, thơ… của ông góp phần xác định vị trí của thể loại này trong nền văn học dân tộc.

Phật giáo Việt Nam - Những công trình nghiên cứu mới nhất

bc360db6774ab314ea5b

2. Lời tựa sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh

Tiếng là để đánh động cho chúng sinh nghe, gọi những kẻ mê muội tỉnh dậy mà chứng kiến tuệ giác chân lý, tức là cái đạo thường vang vọng vào khoảng trời đất bất diệt. Có lẽ, cái tinh vi uyên áo của nghĩa lý được tỏ rõ ra ở lời nói, còn do cái kín đáo của tạo hóa phát ra thành sấm gió. Vậy thì ý nghĩa và hình tượng của tiếng chẳng lớn lao lắm thay!

Kìa như! Cái lớn lao của Đạo, xuất phát từ trời, rồi lưu hành trong vũ trụ, thể hiện ra ở vạn vật. Tuy cái thể thì như nhau, nhưng cái dụng thì khác, cũng như cùng một gốc mà vạn cành riêng biệt. Đường đi của nó dường như khác nẻo, nhưng thâu tóm lại đến tận gốc, tới chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu, thì vẫn không vượt ra khỏi cái lý lẽ ấy.

Giáo lý của Đức Phật Thích Ca, tuy nói rằng “hư không tịch diệt,” nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là làm sao trừ bỏ được mọi  u mê si chướng, hiểu rõ được chân như, làm sao đến được với “minh tâm kiến tính”, so với cái học “thành ý trí tri” của nhà Nho, mà không có điều gì trái ngược. Từng nghe đức Phu Tử nói : “ Tây phương có bậc đại thánh nhân.” Thế thì Phu tử vốn chưa hề chê bai đạo Phật là dị đoan bao giờ.

Học giả ở đời, hay chấp nê nông cạn, ngày càng mâu thuẫn với nhà Phật, khiến cho Nho và Phật thành ra môn hộ riêng, mà đạo Nho ta lưu hành rộng khắp, lại còn có phần của Thích giáo nữa. Như vậy chỉ là soi mói cái ngọn của sự việc, chứ không tìm tòi chỗ quy kết của tôn chỉ. Như thế khác nào chim cưu mất thì nhao nhao cãi là chim hồng, sao mà phân biệt cho được? Ý kiến đã hẹp hòi, thói quen tích tụ cũng lại càng sâu dày khó bỏ.

Ông anh vợ tôi, là Hy Doãn Công, quan Thị trung đại học sĩ, học thức cao rộng, hơn hẳn người thường. Kinh nghiệm đúc kết càng uyên thâm, sự nghiệp càng thêm tinh túy, Tam giáo cửu lưu, Bách gia chư tử không gì là không thâu tóm được đầy đủ, hợp với tấm lòng rộng lớn, đủ để điều khiển được muôn vật, nắm vững được Tam huyền. Bộ sách “ hai mươi muốn thanh âm” của ông soạn ra, đã đem hết những chỗ mà lời lẽ của nhà Phật còn lờ mờ huyền bí, chia cắt thành từng đoạn, thâu tóm, tập hợp thành đầu mối theo thứ tự từng tiết rõ ràng, cho nên những gì là tinh túy, uẩn súc đã được mở rộng ra, rồi đem công hành trên bản in, để tỏ rõ cho giới Thiền lưu được biết.

Sau Trúc Lâm Tam tổ, phong khí nhà Thiền rất vắng lặng. Cái tôn chỉ của tuệ giác ở năm trăm năm về trước, nay đã có Tân thanh này lại bắt đầu được phát huy. Vì vậy, các đệ tử trong phái Trúc Lâm tôn ông làm Đệ tứ tông, điều đó không có gì là quá đáng. Thuyết Tân thanh của ông tục Nho nghe thấy, chắc sẽ sinh ra nghị luận: “ Lý lẽ của Xương Lê bài Phật, sau lại theo Phật, Tượng Sơn chủ trương “tĩnh” rồi lại nhập vào dòng Thiền.” Dường như những lời ức đoán tầm thường như thế để phẩm bình ông thì làm sao đủ để đánh giá được sở học của ông! Những luận thuyết “Tận tính nhi cùng lý”, “Khu Thích dĩ nhập Nho,” của ông đã khiến cho tám bộ Phạn vương không vượt ra ngoài ngôi nhà và bức tường của Phu tử. Thế thì Tân thanh này chính là cái thanh âm đứng đầu để dắt dìu Đạo lớn, hẳn không thể sánh với kẻ mù quáng hời hợt, mà chỉ có thể nói được với những ai biết Đạo mà thôi.

Tôi và đại sư là tri âm tri kỷ, nên tôi hiểu sâu sắc được cái ý của ông làm ra sách này, vậy mới dám dùng mấy lời để mào lên đầu sách. Xin chờ các bậc quân tử hiểu Đạo chỉ dẫn cho. Nay tựa.

Trước ngày lập đông năm Bính Thìn niên hiệu Cảnh Thịnh (1796) đời Đệ nhị đế, triều Hoàng Nguyễn.

Em rể: Dực vận công thần đặc tiến thượng đại phu Thị trung ngự sử, Thụy Nham hầu, biệt hiệu Bảo Chân đạo nhân, người Nghệ An, Phan Huy Ích Chi Dụ kính đề.

3. Vấn đề ‘Khu Thích dĩ nhập Nho’

Sự ảnh hưởng qua lại giữa các hệ tư tưởng triết học, nếu chúng có cơ hội giao lưu, là một vấn đề mang tính tất yếu, tức là nếu có giao lưu ắt có sự tiếp thu, tiếp biến. Mối tương quan giữa Phật giáo (khởi nguyên từ Ấn Độ) và Nho giáo (xuất phát từ Trung Quốc), vốn được xem là những cái nôi của nền văn minh nhân loại, cũng không đi ngoài quy luật này.

Ở Trung Quốc, quan niệm Tam giáo nhất gia xuất hiện từ thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều do Cát Hồng đề xướng. Cát Hồng là một Đạo sĩ sinh năm 284, mất năm 364. Ông là người thiên tư thông tuệ, tinh thông ba giáo, đạo hạnh cao siêu, là người đặt nền móng cho sự ra đời của "Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên", rồi được Đào Hoằng Cảnh (456 - 536) đời Tề kế thừa và phát triển. Sau đó, tư tưởng này ngày càng được tiếp thu và phổ biến không chỉ ở Trung Quốc mà còn truyền sang các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,…

Có lẽ do ảnh hưởng của quan niệm Tam giáo nhất gia, dẫn đến sự ra đời một xu hướng mới: xu hướng "Khu Thích dĩ nhập Nho" (Đưa Phật giáo vào Nho giáo). Xu hướng này, có lẽ đã manh nha từ lâu. Khi đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, các nhà truyền đạo phải mượn chữ Hán (những thuật ngữ của Nho gia và Đạo gia) để truyền đạo. Trong số các nhà truyền đạo đó, có không ít các nhà Nho mộ Phật, nên không khỏi ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo. Đến đời Tống, Nho giáo truyền thống dần dần suy yếu, các đại biểu xuất sắc của Nho gia như Trình Di, Trình Hiệu (Hạo) ở thế kỷ XI, Chu Hy (1137 - 1200), Lục Tượng Sơn (?), Vương Dương Minh (1472 - 1529) đã thấy được rằng, Nho giáo đang đứng trước nguy cơ, thách thức tồn vong vì sự nghèo nàn và đơn điệu của học thuyết Nho gia truyền thống, không thể "cạnh tranh" với tư tưởng học thuyết uyên thâm của Phật giáo, Đạo giáo, với những cống hiến lớn cho nền triết học đương thời và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp của xã hội, nhất là giai cấp thống trị và tầng lớp thức giả.

Hơn nữa, đây còn là một yêu cầu cấp bách, vì các đại biểu xuất sắc của Nho gia cho rằng đường lối, tư tưởng của hai đối thủ là những mối nguy hại không nhỏ cho nền đạo đức, chính trị. Bởi vì, trước hết cả hai nhà đều xem nhẹ tam cương, ngũ thường, việc thực hành nhân, lễ,… và nghĩa vụ của con người trong xã hội, bao gồm cả chủ trương vô chính phủ, lãng mạn, phóng nhiệm của Đạo giáo và ý thức xem cuộc đời là biển khổ, là vô thường, cố gắng tu hành để đạt đến cảnh giới vô ngã của Phật giáo. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự ra đời của cuộc cải cách Nho giáo. Nhưng có một điều không thể không nói đến, đó là tuy các nhà Nho một mặt gióng trống phất cờ đả kích các quan điểm mà họ cho là phi đạo đức của Đạo giáo và Phật giáo, mặt khác họ kế thừa các tư tưởng triết học uyên thâm của hai đối thủ, khéo léo tiếp thu, tinh lọc và dung hợp các yếu tố này vào trong hệ thống tư tưởng của họ để tạo thành học thuyết Tân Khổng giáo với chủ trương "tìm hiểu sự vật" của dòng chính thống mà đại biểu là Trình Di, Trình Hiệu, Chu Hy và dòng không chính thống chủ trương "tìm hiểu tâm", đại biểu là Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh…

Ở Giao Châu (Việt Nam) vào khoảng thế kỷ thứ II, nhà Phật học lừng danh Mâu Bác (Mâu Tử) với tác phẩm kinh điển Lý hoặc luận là đại biểu. Quan điểm của ông là mặc dù Tam giáo có một số chủ trương mới nhìn thì thấy rất khác biệt, vì lý do xuất xứ, không gian và thời gian, nhưng sự khác nhau đó chỉ thuộc về phương tiện, chứ cứu cánh vẫn đồng nhất: "Châu dư dị lộ, câu tứ hành dã" (Thuyền - xe không đi chung đường, nhưng đều đưa người đến chốn) [Nguyễn Đăng Thục (1974) Phật giáo Việt Nam, tr.287].

Tư tưỏng Tam giáo nhất gia được kế thừa và liên tục phát triển qua nhiều thời đại bởi nhiều giới thức giả, từ Thiền sư, Đạo sĩ, Nho sĩ cho đến vua, quan, như: Thiền sư Viên Chiếu, vua Lý Nhân Tông, vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Thiền sư Hương Hải, nhà Nho bác học Lê Quí Đôn, hai cha con nhà Nho sùng Phật và Đạo Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, rồi Phan Huy Ích, tể tướng Trịnh Tuệ, Thiền sư Toàn Nhật, sĩ phu Nguyễn Đình Chiểu, sư Giác Lâm,… Trần Thái Tông lý giải sự tương đồng của Phật - Đạo - Nho về mặt tích đức, hành thiện như sau: "Nho điển thi ân báo đức, Đạo kính ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thị trì (Sách Nho dạy thi ân bố đức, kinh Đạo giáo dạy yêu mọi vật, quý sự sống, đạo Phật dạy giữ giới không sát sinh) [Khóa hư lục ‘giới sát sinh văn’, tr.49, Nguyễn Đăng Thục dịch]. Thiền sư Hương Hải luận chỗ giống nhau của Phật, Nho ở sự thâm sâu, uyên áo bằng hai câu thơ đầy hình tượng:

Nho nguyên đãng đãng đăng nhi khoát,

Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm.

(Rừng Nho bát ngát vào thêm rộng/Biển Phật mênh mông tới càng sâu) [Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục (1977), tr.409 - 410, NXB KH-XH, HN].

Thiền sư Toàn Nhật bày tỏ tư tưởng Tam giáo nhất gia, chúng hỗ tương lẫn nhau làm lợi ích cho cuộc đời trong Hứa Sử truyện vãn như sau:

"… Nho ra sửa trị đời nên thanh bình,

Thích ra độ tử cứu sinh,

Đạo ra tẩn diệt mị tinh yêu tà.

Thánh hiền phân chế làm ba,

Tam giáo so lại nhất gia khác gì…".

[Lê Mạnh Thát (1979), Toàn Nhật thiền sư toàn tập, tập 1, tr.189-190, Viện Phật học Vạn Hạnh]

Mối quan hệ giữa Phật và Nho trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh ra đời năm 1796 do thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm và một số pháp hữu, đệ tử sáng tác tại thiền viện Trúc Lâm, phường Bích Câu, Hà Nội. Trong đó, Hải Lượng đại thiền sư Ngô Thì Nhậm viết phần chính văn; Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích viết lời tựa; Hải Huyền Ngô Thì Hoành - em ruột Ngô Thì Nhậm, viết thanh dẫn; Hải Âu Hòa thượng Vũ Trinh và Hải Hòa tăng Nguyễn Đăng Sở - hai người bạn của Ngô Thì Nhậm, viết thanh chú; Hải Điền Nguyễn Đàm - cháu ruột Nguyễn Du, viết thanh tiểu khấu. Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một tác phẩm luận thuyết triết học mang đậm nét áo bí của tư tưởng phương Đông, mặc dù nêu lên tông chỉ kế thừa, xiển dương tinh thần vô ngã, nhập thế cứu đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, thể hiện rõ trên tiêu đề, nhưng cảm hứng chủ đạo vẫn là xu hướng dung hợp ba nguồn tư tưởng Phật - Đạo – Nho, nhất là Phật và Nho.

Có thể nói rằng dòng máu chảy trong người Ngô Thì Nhậm là dòng máu Nho gia, do kế thừa huyết thống của dòng họ "danh gia vọng tộc" Ngô Thì, mà trực tiếp là ông nội Ngô Thì Ức và thân phụ tài năng Ngô Thì Sĩ. Từ nhỏ Ngô Thì Nhậm đã được cha dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc, theo hướng "giữ nghiệp Nho", nên dòng nhiệt huyết kinh bang tế thế theo kiểu nhà Nho sớm hình thành trong ông. Và ông đã không những không làm cho cha ông thất vọng, mà còn rất tự hào về ông. Ông đỗ đạt và nổi danh rất sớm, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, hơn nữa ông đã đạt được những thành tựu lớn trong việc cống hiến hết tài năng và sức lực của mình phục vụ cho nước, cho dân.

Có một điều ai cũng lấy làm lạ là, trong cuộc đời của một nhà Nho từ trong máu huyết như Ngô Thì Nhậm, lại đã từng làm quan lớn cho cả triều Lê Trung Hưng và Tây Sơn. Phải chăng như thế là đã đi ngược với tôn chỉ "Trung thần bất sự nhị quân" (bề tôi trung thành không thờ hai vua) của Nho gia? Câu trả lời, có thể là do ông chịu ảnh hưởng tư tưởng phóng khoáng và tuỳ duyên của Phật giáo và tư tưởng hòa quang đồng trần của Lão Trang trong xu hướng Tam giáo đồng nguyên mà thân sinh của ông cũng là một trong số những người có quan niệm đó.

f39de4617f9cbbc2e28d

Sách mới ra: Văn hóa Phật giáo Việt Nam

Nhưng có một sự thật không thể không quan tâm là giai đoạn vàng son nhất của thời kỳ phong kiến Việt Nam với những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, thương mại,… nhất là, tinh thần hào hùng của thời đại và nhân cách siêu việt của những đứa con tinh thần trong thời đại đó, được hầu hết các sử gia công nhận đó là thời Lý - Trần. Thời này, tư tưởng Tam giáo (Phật - Đạo - Nho) ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội, trên từ vua, quan và các tầng lớp thức giả, dưới cho đến thứ dân. Vấn đề ở chỗ, mặc dù lúc này tư tưởng chính thống của xã hội là tư tưởng Tam giáo nhưng trục trung tâm vẫn là Phật giáo. Lời của Thiền sư Trí Thiền thể hiện rõ điều đó: "Như Lai lục ngữ cái bất hư thuyết. Thế gian chư pháp hư huyễn bất thực, duy đạo vi thực, ngã phục hà cầu. Thả Nho gia khả thuyết quân thân phụ tử chi đạo, Phật pháp khả ngôn Bồ tát, Thanh văn chi công. Nhị giáo tuy thù, kỳ quy tắc nhất. Nhiên, xuất sinh tử, nhược đoạn hữu vô kế phi Thích tắc bất năng dã". (Lời nói của Như Lai chẳng phải là lời nói suông. Các pháp ở trên thế gian này đều là hư ảo, không thực, chỉ có đạo mới là thực, ta còn cần gì nữa; vả lại, Nho gia nói đạo vua tôi, cha con; Phật pháp nói về công đức của các vị Bồ tát, Thanh văn. Hai tôn giáo tuy có chỗ khác nhau nhưng quy về một mối mà thôi. Chỉ là, muốn vượt qua nỗi khổ sinh tử, dứt khỏi sự cố chấp hữu vô, ngoài Phật giáo ra thì không thể nào đạt được). (Thiền uyển tập anh, bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A.3144, tờ?). Từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIV về sau, những nhân sĩ của Nho gia dần dần chiếm vị trí quan trọng trên chính trường, Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, tình cảnh nước ta vô cùng đen tối, các thế lực phong kiến xâu xé lẫn nhau, nội chiến liên miên giữa các thế lực của nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại các thế lực phong kiến, đã làm cho nhân dân khốn khổ, cơ cực không bút mực nào tả xiết. Lúc này tư tưởng Tam giáo vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Ở đây chúng tôi muốn bàn thêm vấn đề "Khu Thích dĩ nhập Nho" trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích khẳng định trong Đại chân viên giác thanh tự như sau: "Thuyết tân thanh của ông, tục Nho nghe thấy chắc sẽ đâm ra nghị luận, mà ví ông như Xương Lê (Hàn Dũ) trước thì bài Phật, sau lại nghiêng theo. Tượng Sơn (Lục Cửu Uyên) chủ trương tịnh chính là bắt gốc ở đạo Thiền. Đem những lời ức đoán tầm thường như thế để phẩm bình ông thì làm sao mà đánh giá được sở học của ông! Tận tính nhi cùng lý, khu Thích dĩ nhập Nho, ông đã khiến cho tám bộ Phạn vương (Phật) không ra ngoài cung của Tố vương (Khổng Tử).

Phan Huy Ích còn luận giải rõ: "Đạo lớn phát ra tự trời, lưu hành khắp vũ trụ, phân tán thành vạn vật. Cái thể thì đồng, nhưng cái dụng thì dị. Đồng là gốc, còn dị là ngọn, xem bề ngoài thì tưởng như khác đường khác nẻo, nhưng thống hội lại cho đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu thì chẳng có gì là vượt ra ngoài đạo lớn kia được. Giáo lý của Thích Ca tuy nói là không tịch hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng lụy, thấy rõ Chân như. Cho rằng minh tâm kiến tính là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết thành ý trí tri của nhà Nho ta thật chẳng có gì trái ngược". (NTN-TP, tập 3, tr. 141).

Tăng sĩ Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở phân tích chỗ tương đồng của Nho và Phật từ góc độ dùng lý thuyết của Nho gia để lý giải Phật giáo như sau: "Vạch cái lý huyền diệu, mở cái tâm sâu kín để trỏ cho người ta, ấy là công việc thứ nhất của Thiền gia. [thế mà] Phải dùng luận thuyết của nhà Nho để luận thuyết điều đó, là vì đạo chỉ có một mà thôi. Chỗ huyền diệu của Nho tức Thiền, chỗ tác dụng của Thiền tức là Nho. Gạt bỏ văn từ kỹ xảo [Nho] và giới hạnh tầm thường [Phật] mà tìm cái gọi là đạo, thì [Nho và Phật] có thể nhất quán được". (NTN-TP, tập 3, tr.149). Cái lý có thuận, có nghịch không thể noi theo hết thảy được không khác gì cây Ưu đàm tương truyền không có hoa mà:

"Ưu đàm ra hoa,

Giáng sinh Di Đà,

Xuất thế Thích Ca".

(Ngô Thì Nhậm -Tác phẩm, tập 3, tr.150)

Hải Lượng đại thiền sư Ngô Thì Nhậm dung hòa cái nghĩa bình đẳng của Phật gia vào cái nghĩa đại đồng của Nho gia: "Khổng Tử tịch tĩnh bất động, nhưng có tác dụng với sự cố trong thiên hạ. Đại Thế Chí Bồ tát vào trong vô lượng nghĩa, ở trong tam muội, thân tâm bất động , phóng ánh sáng bạch hào nơi lông mày chiếu rọi một vạn tám nghìn thế giới ở Đông phương khắp hết mọi chỗ, như thế gọi là Pháp gia… Ta nghe Khổng Tử nói ‘chim muông ta không thể cùng bầy được, nếu không bạn bè với người thì ta còn bạn bè với ai?’. Kinh Liên Hoa nói rằng ‘Ta xem hết thảy bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham cái gì, cũng không có cái gì hạn định và trở ngại ta cả’. Đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia". (NTN-TP, tập 3, tr.174).

Nhà Phật nói chúng sinh bình đẳng trong tính bản thể với ý nghĩa tuyệt đối bao gồm Phật, Trời, Thần, Thánh, người, và muông thú. Phàm các loài hữu tình có mạng sống, biết khổ đau đều là chúng sinh theo lý nhà Phật. Lý bình đẳng dựa trên cơ sở "Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật". [Kinh Phạm Võng, Thích Trí Tịnh dịch, NXB TP.HCM, tr.13]. Khả năng thành Phật chính là nền tảng vững chắc nhất, mang giá trị nhân văn cao nhất, với ý nghĩa tuyệt đối nhất về sự bình đẳng vô giới hạn giữa mọi chúng sinh. Trong khi Khổng Tử chỉ nêu lên tính đại đồng giữa người và người, loại biệt chim muông ra khỏi tính này. Bình đẳng không phải là không phân biệt Có, Không, Thiện, Ác, Đúng, Sai… (NTN-TP, tập 3, tr.170, phần chú thích).

Trong chương Nhất thanh, phần thanh dẫn, Hải Huyền Ngô Thì Hoàng dung hợp Nho và Phật trong nghĩa chữ Nhất: "Nhất là tinh chất, không tạp, hợp tất cả muôn việc trong thiên hạ lại làm một. Ý nghĩa ấy bao gồm rất rộng. Thái Cực tóm âm dương lại làm một, Âm Dương tóm ngũ hành lại làm một. Đạo lý vần xoay, đi đâu chẳng phải là một (Nhất). Nhà Nho nói: ‘Lý không có hai bên cùng phải’ không có hai phải tức là Nhất (một). Thích có bất nhị pháp môn, bất nhị cũng là Nhất (một). Nho có cái gọi là nhất cá lý, Thích có cái gọi là nhất thiết pháp, nhất nọ với nhất kia đều là Nhất cả. Vì vậy cho nên làm Hoàng đế, làm Vương bá, cũng là một Nho ấy, làm Thánh thần, làm Ma quỷ cũng là một Thích ấy, làm Nho hay làm Thích cũng là một đạo ấy. Đạo ở trong trời đất, chia ra thì có muôn khía cạnh khác nhau, tóm lại thì không có hai khía cạnh. Chương này đem Nho và Thích đúc lại làm một, đó là chỗ tâm đắc và nhất quán của Đại thiền sư, phát huy nó ra làm một trong hai mươi bốn thanh, là một áng văn chương cao cả, một pho nghị luận lớn lao, nào phải lấy ống hóp mà nhìn, lấy vỏ hến mà đong được… Trời được cái nhất cho nên trong, đất được cái nhất cho nên an, Thánh nhân được cái nhất mà thiên hạ hòa bình" (NTN-TP, tập 3, tr.187-188).

Cùng thời với thiền sư Hải Lượng có trạng nguyên Trịnh Tuệ, làm quan đến chức Tể tướng, tự xưng Trúc Lâm cư sĩ, viết bài Tam giáo nhất nguyên thuyết với quan niệm không khác với quan niệm của Ngô Thì Nhậm: "Nhà Nho có tam tài, nhà Phật có tam thế, nhà Đạo có tam thanh, cũng chẳng khác gì trời có mặt trời, trăng, sao; như vạc có ba chân, quan hệ mật thiết với nhau và không tách rời nhau được. Nói cho rõ là lễ, nhạc, hình, chính của nhà Nho dùng để ngăn ngừa lòng người khiến cho người ta xu hướng về điều thiện và cấm chỉ các điều ác, xa rời cái xấu và tăng thêm cái đẹp, hiển nhiên là như vậy. Thanh tịnh từ bi của nhà Phật, trừ bỏ nghiệp chướng, cứu người độ vật, cùng đi đến chỗ giác ngộ, thì đó lại là uyên vi trong uyên vi. Nhà Nho chủ trương chỉnh đốn luân thường, duy trì giáo hoá, làm cho người ta bỏ thói bạc làm thói hậu, bỏ điều bạo chăm điều nhân. Đó là công việc rõ ràng. Nhà Đạo chủ trương rửa sạch lụy trần, từ bỏ tham dục, vượt cõi phàm vào cõi thánh, cùng chung duyên lành thì đó lại là huyền diệu trong huyền diệu…Thế mới biết Nho tức là Thích mà Thích tức là Nho. Đạo cũng là Nho mà Nho cũng là Đạo". Và Trịnh Tuệ kết luận quan niệm của mình bằng hai câu thơ: "Ai hay Tam giáo bất đồng/Thích Ca, Lão Tử cùng dòng Nho gia" (Viện Triết học, 1984, Một số vấn đề lý luận về lịch sử tư tưởng Việt Nam, tr.145, KHXH, Hà Nội).

Thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm luận giải chỗ tương đồng giữa thuyết Luân Hồi của nhà Phật và lẽ Tuần Hoàn mà nhà Nho đề cập đến: "Luân (cái bánh xe) cho nên Hồi (xoay vòng), cũng như nhà Nho nói Tuần Hoàn, vì Hoàn (cái vòng) cho nên Tuần (ven theo), không phải cái vòng thì không xoay. Nhà Phật nói Luân (cái bánh xe), nhà Nho nói Hoàn (cái vòng). Luân và Hoàn là đạo trời vậy… Tròn là cái thể của trời, nhật, nguyệt, ngũ tinh đều tròn, cho nên chu lưu, vận hành được. Thích Ca Mâu Ni chuyển cái bánh xe Vô Ngại, Khổng Tử đi xe vòng quanh các nước. Đi xe vòng quanh tức cũng là luân hồi... nhà Nho có chữ Biến Thông, Cảm Thông, Hội Thông; nhà Phật có chữ Thần Thông, cùng một nghĩa như nhau" (NTN-TP, tập 3, tr.217).

Chúng tôi cho rằng, xu hướng chủ đạo của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là “dĩ Nho giải Phật” (dùng triết lý Nho gia để lý giải Phật giáo). Ngay trên tiêu đề cũng đã thể hiện rõ tinh thần quay về, xiển dương giáo lý tư tưởng chân truyền, chính thống của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng.

Nhưng vì sao Bảo chân đạo nhân Phan Huy Ích nhấn mạnh xu hướng quan trọng của tác phẩm  “khu Thích dĩ nhập Nho”.

Từ khoảng đầu thế kỷ XV, những nhân sĩ của Nho gia dần dần chiếm vị trí quan trọng trên chính trường, Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, tình cảnh nước ta vô cùng đen tối, các thế lực phong kiến xâu xé lẫn nhau, nội chiến liên miên giữa các thế lực của nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại các thế lực phong kiến, đã làm cho nhân dân khốn khổ, cơ cực không bút mực nào tả xiết. Lúc này tư tưởng Tam giáo, nhất là Phật và Nho vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Cụ thể là tư tưởng “cư Nho mộ Phật”, “Phật – Nho nhất trí”. Nếu ở đời Trần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm là trục trung tâm, thì thời kỳ này luân lý Nho giáo chiếm ưu thế. Phải chăng, chính sự khinh hay trọng tư tưởng Phật hoặc Nho là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hệ quả là sự hưng hay suy của dân tộc ta?

Thành phần trí thức có ảnh hưởng lớn trong xã hội giai đoạn này là tri thức Nho giáo và trí thức Phật giáo. Nếu hai bộ phận này mâu thuẩn, đối nghịch thì khó có thể tập trung toàn bộ nguyên khí, sức mạnh của dân tộc mà phục hưng đất nước. Cho nên, mấu chốt của vấn đề là hoá giải hiểu lầm sâu đậm trong giới Nho sĩ đối với Phật giáo. Và hơn ai hết, Phan Huy Ích hiểu rõ thâm ý của Thiền sư Hải Lượng khi làm sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

Có thể nói rằng, với tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử văn học Việt Nam, Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm đã  lý giải mối quan hệ Tam giáo nói chung, Phật - Nho nói riêng, một cách có hệ thống, có lý luận. Nhưng do tư tưởng Nho gia đã thâm nhập vào trong máu huyết của ông ngay từ nhỏ, nên đôi khi ông đã “Dĩ Nho giải Phật”, kéo các phạm trù triết học sâu sắc, cao thâm và áo bí của nhà Phật về với các nguyên lý mang đậm chất thực tiễn nhằm hoá giải hiểu nhầm giữa Nho  và Phật, phát huy nguyên khí toàn dân tộc. phục hưng đất nước. Đây là chí nguyện lớn nhất của thiền sư Hải Lượng và các danh sĩ pháp hữu đệ tử của ông.

4. Tạm kết

Càng đọc kỹ Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, chúng ta càng thấy rất rõ ràng rằng, nội dung chủ đạo xuyên suốt tác phẩm chính là tư tưởng “dĩ Nho thích Phật”. Vì sao trong giai đoạn lịch sử này, thiền sư Hải Lượng và các pháp hữu phải làm như vậy?

Vì chúng ta có thể thấy, trong giai đoạn này, tầng lớp Nho sĩ rất thịnh, chiếm vị trí quan trọng trong chính trường, hơn nữa, một bộ phận lớn Nho sĩ, do không thông hiểu rành mạch triết lý nhà Phật và có sẵn thành kiến cố chấp, nên kịch liệt đả kích Phật giáo, khiến nguyên khí đất nước bị phân tán không thể tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.

Và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho nguyên khí quốc gia suy yếu, dẫn đến nội chiến, loạn lạc, bất ổn trong một thời gian dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Ngô Thì Nhậm (1978), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 1,2 Cao Xuân Huy, Thạch Can, Mai Quốc Liên biên soạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.Ngô Thì Nhậm, (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Mai Quốc Liên (chủ biên), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Nxb Văn học, Hà Nội.

3.Ngô Thì Nhậm, (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, Mai Quốc Liên (chủ biên), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học, Hà Nội.

4.Ngô Thì Nhậm, (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Mai Quốc Liên (chủ biên), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học, Hà Nội.

5.Ngô Thì Nhậm, (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 4, Mai Quốc Liên (chủ biên), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn học, Hà Nội.

6.Ngô Thì Nhậm, (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, Lâm Giang (chủ biên), Viện KHXH Việt Nam - Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb KHXH, Hà Nội.

7.Ngô Thì Nhậm, (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Lâm Giang (chủ biên), Viện KHXH Việt Nam - Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb KHXH, Hà Nội.

8.Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb KHXH

9.Thích Hạnh Tuệ (2019),Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm