Khất sĩ - nhân sự hành động và lý tưởng chủ đạo
Khất sĩ với nghĩa ban đầu là người tu đi xin thực phẩm, nói gọn là “khất thực” như trong định nghĩa của từ Tỳ-kheo mà chúng ta đã khảo cứu trên đây. Khất sĩ với nghĩa đơn giản đó chỉ cho vị Tăng sĩ Phật giáo thực hành Chánh Mạng mà Chánh Mạng là một dạng kiếm sống chân chánh của vị Tỳ-kheo
Trong những nhân sự cụ thể làm việc của Ban mà chúng tôi có duyên hội ngộ và trở nên thân thiết là HT. Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS ngày nay, nguyên là Thượng tọa Giác Toàn lúc ấy còn rất trẻ, vừa tròn 30 tuổi. Trong thời kỳ đó, Thượng tọa là vị giáo phẩm nhỏ tuổi nhất trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tuy trẻ tuổi nhưng Thượng tọa có một phong cách chững chạc vững chãi và khiêm cung, thể hiện bằng việc kính trên nhường dưới và thân thiện với tất cả mọi người.
Điểm đáng kể là tính hài hòa và tính hiệu qủa trong những công việc được giao phó. Thượng tọa có tặng cho tôi bộ Chơn Lý mà tôi còn giữ đến bây giờ.
Trong những phiên họp chính thức của ban, chúng tôi được diện kiến thêm những vị Khất sĩ hàng trưởng bối như Hòa thượng Giác Nhu, Phó Pháp chủ trong HĐCM và Ni trưởng Huỳnh Liên, Ủy viên Kiểm soát HĐTS. HT.Giác Nhu thể hiện một phong cách trầm hùng, bình dị, nguyên là Tổng Thư ký của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, tiền thân của Hệ phái Khất sĩ, thành viên trong ngôi nhà chung GHPGVN. Ni trưởng Huỳnh Liên lại có phong cách đặc trưng của một vị trưởng Ni có tinh thần cống hiến và không ngại khó khăn, là vị có công trong sự nghiệp đấu tranh chính trị thời kỳ kháng chiến. Song thân thiết với chúng tôi vẫn là HT. Giác Toàn.
II. Khảo sát ngữ nghĩa của thuật ngữ “Khất sĩ”
Ba vị Khất sĩ trên đã tạo nên những ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi có đối với Hệ phái khá mới mẻ này. Về mặt học thuật thì chúng tôi biết thuật ngữ “Khất sĩ” khá sớm khi chúng tôi chuẩn bị thụ giới Tỷ-kheo hay còn gọi là Đại giới. Hầu như tất cả những giới tử thuở ấy đều thuộc lòng cách định nghĩa: Tỷ-kheo gồm có ba nghĩa, thứ nhất là Khất sĩ, thứ hai là Bố ma và thứ ba là Phá ác. Với tham luận này chúng tôi bước đầu tìm hiểu thêm một bước từ Khất sĩ ngang qua từ gốc là Tỷ-kheo.
Theo sách Luật Tứ Phần Giới Bổn Như Thích do Hòa thượng Thích Hành Trụ[1] dịch, có đoạn: "Tỳ-kheo tăng là gì? Tỳ-kheo dịch là Khất sĩ. Khất là tên xin cầu. Sĩ là tiếng gọi thanh nhã. Nghĩa là, bên trong tu đức thanh nhã, bên ngoài lìa cơm tứ tà..." Như vậy, nghĩa chính yếu của Tỳ-kheo là Khất sĩ.
Tỳ-kheo nguyên ngữ Sanskrit là Bhikshu, dịch âm sang tiếng Tàu là “比 丘”, đọc theo âm Hán Nôm là Tỳ-kheo, dịch nghĩa sang tiếng Việt là Khất sĩ. Như vậy, chúng tôi có thể có một tiểu kết sơ khởi nếu không phải là quá sớm là: Hệ phái Khất sĩ là tổ chức của những vị Tăng sĩ Phật giáo hành trì phạm hạnh với điểm nhấn là khất thực hóa duyên.
Bước chân khất thực... |
Có một cách giảng giải về chữ Tỳ-kheo khác mà theo chúng tôi cho là lý thú, sinh động và đáng chú ý nằm trong quyển Danh Từ Phật Học Thực Dụng của Tâm Tuệ Hỷ[2]. Thuật ngữ Tỳ kheo được Tâm Tuệ Hỷ định nghĩa khá đầy đủ như sau:
2. Phá ác: Diệt trừ các phiền não tham sân si, đoạn trừ các nghiệp ác.
3. Bố ma: Nhờ công đức thọ trì giới luật, do chuyên tâm tu hành mà khiến cho các loài ma đều phải khiếp sợ.
Ngoài các Tỳ-kheo tu hành chân chánh, còn có hạng Tỳ-kheo (hữu danh vô thực), và Tự ngôn Tỳ-kheo (người tự xưng mình là Tỳ-kheo). Trong bảy chúng đệ tử của Phật thì Tỳ-kheo được xem là trưởng tử của Như Lai hay còn gọi là Như Lai sứ giả (S: Dharmaduta).
Kinh Pháp Cú, kệ 266 định nghĩa Tỳ-kheo:
"Chỉ khất thực nhờ người,
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ".
Và kệ 267:
"Ai vượt qua thiện ác,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh Tỳ-kheo"
Theo quan niệm của Phật giáo Nguyên Thủy thì chỉ có những người xuất gia, sống viễn ly thế tục mới có thể đạt được Niết-bàn.
Hoạt động chính của những vị này là Thiền định và giảng dạy giáo pháp. Họ không được phép làm việc để sinh sống. Họ không được phép đụng chạm đến tiền bạc. Những vật dụng hàng ngày chỉ gồm trong 6 món tùy thân là y và bình bát khất thực, dao cạo râu tóc, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy đi đường.
Theo thời gian phát triển của Phật giáo, một vài quy luật được sửa đổi để thích nghi với điều kiện xã hội và địa lý. Chẳng hạn như các Tỳ-kheo ở Trung Quốc và Việt Nam làm việc đồng áng, trồng trọt, điều mà Tỳ-kheo ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng.
Ngày nay, tu sĩ Nhật Bản, một phần tu sĩ Tây Tạng và Đại Hàn có thể lập gia đình.
Để tu tập có kết quả, một vị Tỳ kheo cần có năm điều kiện sau đây:
1. Có thiện hữu tri thức, có được những bạn đồng tu có trí tuệ và đạo hạnh
3. Có cơ hội học hỏi giáo pháp
4. Phải tinh tấn chuyên cần
5. Phải có sự hiểu biết[3]
Có hai điều mà chúng tôi muốn thưa ở đây: (1) Điều có thể cảm nhận ngay là định nghĩa trên có hơi dài nhưng người đọc vẫn không cảm thấy dư, nếu đọc là để tu như chính soạn giả đề nghị và (2) Nếu được chọn bản dịch cho hai câu kinh Pháp Cú thì chúng tôi sẽ không chọn bản dịch trên và sẽ chọn dùng bản dịch và thi hóa của Minh Đức Triều Tâm Ảnh:
266.
Chẳng gì bình bát xin ăn,
Sống đời tri túc, tri ân,
Dự hàng khất sĩ, dự phần sa-môn!
267.
Với ai thiện, ác vượt qua,
Gẫm suy thế giới đảo điên,
Những người như vậy, thiện hiền sa-môn![4]
Trên đây là ý nghĩa của Tỳ-kheo hay Khất sĩ còn trong thời kỳ nguyên sơ của Phật giáo. Tựu trung trong thời kỳ này, Tỳ-kheo và Khất sĩ trong văn cảnh Phật học thì là tương đương với nhau. Có lẽ vì vậy mà Thiền sư Nhất Hạnh đã dùng hẳn từ Khất sĩ trong nhiều tác phẩm của mình, cụ thể như tác phẩm Giới Bản Khất Sĩ Tân Tu[5] và Con Đường Chuyển Hóa[6].
Theo đà phát triển về mặt giáo nghĩa của Phật giáo về sau này thì ý nghĩa của từ Tỳ-kheo cũng thay đổi. Một sự thay đổi mà chúng tôi cảm thấy không thỏa đáng. Ý nghĩa đầu tiên mà cũng là chủ yếu của Tỳ-kheo không còn là Khất sĩ nữa mà chuyển thành Bố ma, một đại diện cho chủ trương thay đổi này là Tông Mật[7]. Chúng tôi nghĩ sự chuyển đổi ngữ nghĩa theo hướng này là đi qúa xa tính nguyên chất của đạo Phật. Đây là cách nói của HT. Minh Châu khi đề cập đến những phát triển qúa đà so với những lời dạy tinh khôi thời kỳ đầu. Để trả lời câu hỏi: Tại sao lại gọi là qúa xa? Chúng ta cần một bài viết khác.
III. Chữ “Khất sĩ” trong Chơn Lý
Chơn Lý là tác phẩm quan trọng nhất về mặt tư tưởng mà Tổ sư Minh Đăng Quang lưu lại cho hàng môn nhân của Hệ phái này. Đọc qua tác phẩm, chúng ta sẽ thấy Tổ sư đã có một quan điểm nhất quán, rõ ràng và vững chắc về ý nghĩa của chữ Khất sĩ cũng như phương pháp hành trì của một vị Khất sĩ chân chánh. Chúng tôi xin nêu một vài nhận thức như sau:
1. Độ trong sạch trong nhu cầu nuôi mạng:
Đối với mạch sống của tất cả sinh thể thì trao đổi chất với môi trường bên ngoài và chuyển hóa sinh học ở môi trường bên trong là một vòng tròn tất yếu. Vòng tròn trao đổi chất với môi trường bên ngoài, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng lành mạnh.
Ngay cả vòng tròn trao đổi chất tương đối lành mạnh mà Thái tử Sĩ Đạt Ta lúc còn nhỏ chứng kiến được trong buổi lễ Hạ điền: Con chim sẻ vì nhu cầu sống mà phải ăn con côn trùng, con rắn vì nhu cầu sống mà phải bắt con sẻ.... Mối quan hệ của thế giới tự nhiên và mang tính thiên nhiên như vậy mà còn làm cho Ngài lay động tâm tư, từ ngữ hiện đại là “bị sốc” huống hồ gì những vòng tròn trao đổi chất đầy tính sát phạt khác trong thế giới ngày nay. Cụ thể chỉ vì nhu cầu tích lũy mà sát phạt để thu gom thêm tài sản, thậm chí không cần thức ăn mà vẫn ra tay giết hại hay bức bách để củng cố thêm quyền lực.
Vì vậy mà quan điểm "Đem pháp thí cho người, xin đổi lại miếng ăn nuôi mạng sống, tự người hảo tâm biết ơn mà dâng cho, chẳng hề đòi hỏi ép buộc; sáng, chiều, đêm, khuya, lòng không nhớ tưởng, chẳng dạ lo cất để dành, vì vậy, nên mới gọi là ăn chay, ăn trong sạch, là miếng ăn của người khất sĩ.[8]" trở thành một cách trao đổi chất lý tưởng với môi trường bên ngoài mà con người nói chung khó lòng mà đạt được.
2. Hưởng thụ ít và cống hiến nhiều
Một câu mà Ni trưởng Huỳnh Liên đã nói có lẽ là nhiều vị Ni Khất sĩ tâm đắc và xem đó là lý tưởng là: "Nhận đời manh áo chén cơm / Cho đời cả một tâm hồn thanh cao" và người ta rất có thể tìm thấy nguồn gốc ý tưởng của câu nói trên trong tác phẩm Chơn Lý. Cụ thể là đoạn: "Lại nữa, Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại, là người đạo đức hiền lương, nết hạnh, qúy giá cho đời biết mấy, gương đức hạnh, dạy đạo lý, chẳng kể công đòi lương, mà cơm dư ai hảo tâm đem cho thì ăn, chớ không ép buộc rầy rà. Khất sĩ hy sinh chịu sống cực thân, để lo tô đắp nền đạo cho thế gian, trang sức hạnh phúc cho cõi đời.[9]"
3. Những tố chất cần có để trở thành vị Khất sĩ
Lý tưởng đạo đức hay sở đắc mà vị Khất sĩ hướng đến là mắt tai mũi lưỡi thân ý phải cho trọn lành trong sạch. Thật ra, đây là chuẩn mực lý tưởng mà mọi người con Phật đều hướng đến, chỉ có cách trình bày hay phác đồ tu tập để đạt được lý tưởng này có mức độ khác biệt mà thôi.
Đó chính là bậc thang cao nhất trong những bậc thang tu chứng của một vị A-la-hán. Về phương diện này, vị Khất sĩ gần gũi với lý tưởng của kinh tạng truyền thống.
Chơn Lý nêu lên lý tưởng cuối con đường tu tập tự thân và những tố chất tiền đề để bước lên con đường đó với đoạn: "Giá trị của người khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý, phải cho trọn lành trong sạch, do nhờ đời trước có tu hiền, phải là người có tu tập bố thí phước lành không bỏn xẻn, phải là người có nhơn đức biết thương yêu cứu giúp chúng sanh, không tham sân si tật đố ích kỷ tự cao, phải là người trước có nhơn duyên gặp Phật nghe Pháp gần Tăng, tập giữ giới hạnh, hoặc đã có theo hầu thầy được dạy dỗ. Người khất sĩ phải có đủ điều kiện của một người học trò không dính dấp vợ con nhà cửa, bịnh hoạn thiếu nợ, tà ma nhập xác, hoặc kẻ trốn tránh, tội lỗi chi chi, phải trên mười tám tuổi, phải hiền hậu thông minh, có nết hạnh.[10]"
4. Điểm nhấn trong giáo lý Khất sĩ
Theo chúng tôi thì Giáo lý Khất sĩ nhìn chung là giáo lý nhà Phật được tái dung hợp với điểm nhấn là y bát để có thể áp dụng hiệu qủa cho thực tiễn của người miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Giáo lý nhà Phật được thể hiện ở chỗ vừa có tính phân biệt, vừa có tính hỗ tương, vừa có tính đồng nhất, đồng thời của ba pháp Giới Định Tuệ.
Trong đó Giới được xem là nền tảng. Giới thường được định nghĩa gồm giới thể và giới tướng. Giới tướng thường được phân ra làm giới của cư sĩ, Sa-di, Tỳ-kheo, của Bồ-tát.
Nơi giáo lý Làng Mai, chúng ta có thể thấy điểm nhấn là "chánh niệm mọi lúc mọi nơi". Nơi giáo lý Khất sĩ chúng ta có thể thấy điểm khác biệt hay điểm nhấn là, Giới được đồng nhất với việc hành trì y bát "giới luật là y bát là khất sĩ, khất sĩ là định huệ. Nếu khất sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là khất sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với qủa linh, bằng pháp tu định huệ; tu tức là học, hay học, tức là tu, bởi tại hành, mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát khất sĩ. Như vậy là trong tiếng khất sĩ, đủ gồm cả giới định huệ. Có giới hạnh mới được làm khất sĩ, nên trước khi vào đạo cũng phải học giới và tu tập cho thuộc nhuần.[11]" Nhìn vào góc độ khác, chúng tôi thấy vị Khất sĩ chủ trương lấy thực tế làm nơi tu và hành, dạy và học - Bốn pháp này không hề rời nhau. Điểm cuối cùng về ý nghĩa của chữ Khất sĩ mà chúng tôi muốn trình bày trong bài tham luận này là.
5. Ý nghĩa thuật ngữ Khất sĩ - Những chặng đường phát triển
Khất sĩ với nghĩa ban đầu là người tu đi xin thực phẩm, nói gọn là “Khất thực” như trong định nghĩa của từ Tỳ-kheo mà chúng ta đã khảo cứu trên đây. Khất sĩ với nghĩa đơn giản đó chỉ cho vị Tăng sĩ Phật giáo thực hành Chánh Mạng mà Chánh Mạng là một dạng kiếm sống chân chánh của vị Tỳ-kheo.
Như vậy, thuật ngữ “Khất sĩ” ban đầu đồng nhất với hạnh khất thực. Vì ý nghĩa đơn giản như vậy nên mới có cụm từ "Khất sĩ không, không đủ" trong câu kinh Pháp cú 266. Lời trách: "Khất sĩ không, không đủ" có thể hiểu là: Chỉ có Khất thực không thì không đủ để đạt đến lý tưởng giải thoát Niết bàn, chỉ có Chánh Mạng không thì không đủ. Người tu Phật cần có thêm Chánh Kiến, Chánh Tư duy... Chánh Định, thì mới đủ. Đó là chặng thứ nhất. Ở chặng thứ hai, chữ “Khất sĩ” không còn mang nặng ý nghĩa “Khất thực” nữa mà chuyển sang ý nghĩa “Hóa duyên”, có thể hiểu là tạo duyên cớ để giáo hóa một cách khéo léo, nêu cao hình ảnh tinh tấn hành trì giáo pháp mỗi ngày, hình ảnh giải thoát xuất ly khỏi sự ràng buộc khỏi tất cả loại vật chất mà thế gian hay tích trữ, như Chơn Lý nói: “Đi xin vật chất để làm cớ sự để bố thí tinh tấn, phước lạc, nhắc nhở, độ khuyên người”. Tóm lại, ở chặng thứ hai, khất thực chỉ là cái cớ để giáo hóa, chứ không phải vì "Đói khát, sợ chết mà xin". Phát triển đến chặng đường thứ ba thì Khất thực không còn là phương tiện được vận dụng để giáo hóa nữa. Chơn Lý nói: “Giáo lý của khất sĩ là trung đạo, chánh đẳng chánh giác vô thượng, cốt yếu để đem lại chữ hòa cho muôn loài, xin cái cao ban vào cái thấp, để tạo sự bằng phẳng giữa cõi đời. Đi xin để kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, đức từ ái cho nhơn loài, xin cái tham lam sân giận si mê: là địa ngục ngạ quỉ súc sanh để đưa người lên cõi người Trời Phật Thánh, là dắt cho người bước lên con đường bố thí nhẫn nhục tinh tấn đạo mầu. Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh tấn phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy. Mỗi ngày đi xin một lần, lập một công đức dẫn đạo ban hành, dìu dắt chúng sanh, đền ơn chư Phật lưu truyền chánh pháp”.[12]
Ở chặng này, Khất thực chính là giáo hóa, khất thực chính là một cách hoằng pháp, không phải hoằng pháp bằng lời nói hay ngôn giáo nữa. Khất thực có trọng tâm là thân giáo, có tư tưởng dẫn đạo là ý giáo và dĩ nhiên vẫn có khẩu giáo hay ngôn giáo. Khi thân khẩu và ý giáo liên thông với nhau, hòa nhập làm một với nhau thì sẽ xuất hiện một hiệu ứng hạnh phúc tuyệt vời cho cả hai phía: Nhân sự hoằng pháp và đối tượng hoằng pháp. Đó là hiệu ứng nhất như của trạng thái hòa nhập hoàn toàn với Pháp. Chữ Pháp ở đây xin được hiểu theo nghĩa cao nhất.
IV. Kết luận
Đối với chúng tôi, Hòa thượng Giác Nhu, Ni trưởng Huỳnh Liên, Hòa thượng Giác Toàn là những gương mặt tiêu biểu của Hệ phái Khất sĩ. Những vị này đã trở thành những ví dụ cụ thể và sinh động về những đạo sư Phật giáo được nuôi dưỡng từ lúc mới xuất gia chủ yếu bởi dòng tư tưởng chủ đạo của Hệ phái này.
Những vị Khất sĩ trên, ở một mức độ nhất định, đã thể hiện được những đặc điểm mà chúng tôi đã nêu: Trong sạch trong việc nuôi mạng, có tinh thần cống hiến cao và tối giản trong sự hưởng dụng, có những tố chất đạo đức cần thiết cho một vị Khất sĩ nói riêng và cho một vị tu sĩ Phật giáo nói chung, có ý hướng muốn duy trì hạnh khất thực của Phật tăng xưa và đặc biệt là nuôi hoài bão phát triển ý nghĩa của Khất sĩ từ nghĩa đơn giản là Khất thực đến ý nghĩa cao nhất, hoàn thiện nhất là trạng thái nhất như của thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.
Chúng tôi xin dè dặt nhắc lại cụm từ "ở một mức độ nhất định" và xin xác định rằng chúng tôi nói như vậy không hàm chứa một nhận định mang tính tích cực hay tiêu cực mà chỉ muốn nói rằng có những lý tưởng mà chỉ có những vị A la hán hay Bồ-tát mới có thể đạt đến độ hoàn hảo hay hoàn thiện.
Thật ra người tu luôn luôn có những chặng đường cần phải vượt qua, những thử thách đang đối diện trước mắt và những thử thách sẽ ở đâu đó trên con đường tu tập và hành hoạt. Hòa thượng Giác Nhu và Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên thuộc về thế hệ đã công viên qủa mãn.
Những vị Khất sĩ đang ở thế hệ hiện tiền và những thế hệ tiếp nối, những vị còn đang và sẽ đi trên con đường đạo, trên con đường tu học và hoằng pháp, cần phấn đấu hơn nữa cho lý tưởng mà mình đã chọn. Nguyện cầu oai linh của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng gia hộ cho tất cả thành tựu những đạo nghiệp, những lý tưởng cao nhất mà hầu hết mỗi người tu sĩ Phật giáo đều đặt ra cho mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo
Sách Phật giáo 07:16 23/11/2024Có cuốn sách nhỏ gọn, rất phù hợp để giới thiệu trong một sáng cuối tuần thế này - “Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo” của tác giả Vân Nguyễn (Nxb Phụ nữ Việt Nam).
Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật
Sách Phật giáo 16:32 20/11/2024Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.
Vì sao nên đọc "Logic học Phật giáo"?
Sách Phật giáo 16:23 16/11/2024Đại đức Thích Vạn Lợi, đại diện Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đơn vị liên kết NXB Dân trí ấn hành cuốn sách "Logic học Phật giáo" cho biết đây là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo.
Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"
Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.
Xem thêm