Khi thấy ra tất cả nơi tâm thì biết rằng tâm là cội gốc thân cận và thiết thực nhất mà mình có!
Thưa thầy, thực tại hiện tiền quả là chìa khóa mở ra chân tướng trong mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc, và mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc càng làm cho thực tại hiện tiền của con vững chắc hơn.
Câu hỏi:
Quả là thấy cái thực nơi cái thực hay thấy cái ảo nơi cái ảo thì dễ nhưng thấy cái cực chân thực nơi cái cực huyễn ảo và thấy cái cực huyễn ảo nơi cái cực chân thực thì không dễ chút nào, nhưng khi đã thấy rồi thì sẽ không còn bị lay động nữa.
Năm xưa các Tổ thường đặt đệ tử vào giữa hai thái cực, mới nhìn dường như không có mối liên hệ gì với nhau, rồi mới thúc đẩy họ tự đột phá được ranh giới giữa cái cực ảo và cái cực thực, giữa sắc và không, giữa tục và chân, giữa hóa thành và bảo sở, giữa cái cực cao siêu và cái cực bình thường,... để khai thị và củng cố một cách dữ dội "nhất chân pháp giới". Khi đã lên tới tận cùng trời (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên), xuống tới tận cùng đất (Địa Ngục), điên đảo một phen rồi thì không còn gì có thể làm cho mình điên đảo nữa, chỉ còn lại thực tại thân, thọ, tâm, pháp trong lành, định tĩnh, sáng suốt hiện tiền.
Hôm qua con chợt nhớ tới Tâm Địa Pháp Môn khi trước con thấy trong ngữ lục Thiền Tông. Ban đầu con suy nghĩ chi ly và xa vời quá thành ra không thấy tâm địa pháp môn (cửa vào đất tâm), nhưng với tâm trực quan, đơn giản thì tự nhiên con lại có sở ngộ. Hóa ra trong tâm như mặt đất, như lăng kính, có khả năng nhuốm trùm thực tại. Như tâm nhuốm trùm sân hận đau khổ thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Địa Ngục; tâm nhuốm trùm tính chất tham xan đói khát thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ A-tu-la; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục ngũ giới thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ người Tứ Đại Bộ Châu; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục thập thiện thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Lục Dục; tâm nhuốm trùm tính chất ly dục nhập sắc thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Sắc Giới; tâm nhuốm trùm tính chất ly sắc nhập không thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Vô Sắc; tâm nhuốm trùm tính chất mê lầm bấn loạn thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Ma; tâm cần mẫn tu tập tứ đế mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Thanh Văn; tâm cần mẫn quán chiếu nhân duyên mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Duyên Giác; tâm cần mẫn lục độ vạn hạnh mà thành Đẳng Giác thì thâm nhập quốc độ Bồ Tát; tâm trong lành định tĩnh sáng suốt mà thành Diệu Giác thì thâm nhập quốc độ Như Lai.
Như vậy tính chất của thế giới biến chuyển theo tâm, tâm của chúng sinh như thế này sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế này, tâm của chúng sinh như thế kia sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế kia. Khi đã qua được cửa Tâm Địa Pháp Môn hay khai được mắt Tâm Địa Pháp Nhãn thì có thể liễu giải các Phương Tiện Thiện Xảo. Chẳng hạn như những mô tả về Tam Giới của Vọng Tâm có nói đến Tam Luân, Cửu Sơn, Bát Hải, Tứ Đại Bộ Châu, Địa Ngục, Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên. Qua Tâm Địa Pháp Môn, khi nói về Hư Không là nói về sự vô biên vô chất của tâm, khi nói về Phong Luân là nói về sự dao động của tâm, khi nói về Kim Luân là nói về sự kiên cố của tâm, khi nói về Thủy Luân là nói về sự nhu nhuận của tâm, khi nói về Địa Luân là nói về sự thô ráp của tâm, khi nói về Tu Di Sơn phong phú cao quý là nói về nơi tích thiện kiên cố của tâm, khi nói về Thiết Vi Sơn nghèo nàn thô lậu là nói về nơi tích ác kiên cố của tâm, khi nói về Tứ Đại Bộ Châu là nói về nơi thiện ác giao thoa của tâm, khi nói về Bát Hàn Địa Ngục là nói về nơi lạnh lẽo khổ cực của tâm, khi nói về Bát Nhiệt Địa Ngục là nói về nơi bức bối khổ sở của tâm, khi nói về Địa Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa trên tâm thiện dục, khi nói về Không Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa vào tâm ly dục hoặc tâm ly sắc, càng gần núi Thiết Vi thì càng sống chật vật, càng gần núi Tu Di thì càng sống thoải mái, càng lên cao trên núi Tu Di thì càng hoan hỷ tự tại,…. Hoặc khi nói về hỏa tai là nói về sự bùng lên của lửa sân hận, khi nói về thủy tai là nói về sự ngập tràn của nước tham dục, khi nói về phong tai hủy hoại từ Địa Ngục đến cõi Tam Thiền là nói về sự dao động của gió si mê, khi nói về Bất Sát Sinh là không đối kháng và tiêu diệt mà bao dung và tôn trọng mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Thâu Đạo là không ôm giữ và chiếm hữu mà buông bỏ và hoàn trả mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Tà Dâm là không nhập nhằng và lai tạp mà mạch lạc và tinh thuần mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Võng Ngữ là không ngụy trang và biến tướng mà phô bày và trình diện mọi trạng thái hiện hữu của tâm, Bất Ẩm Tửu là không đắm đuối và lệ thuộc mà tỉnh thức và làm chủ mọi trạng thái hiện hữu của tâm. Bất sát sinh là không giết hại chúng sinh, nhưng chúng sinh không phải chỉ là thân vật lý mà xét cho cùng cái làm nên giá trị của các dạng sống là tâm. Như sự hiện hữu của trạng thái tâm có thiện quả nhưng còn nặng tật đố chính là sự hiện hữu của chúng sinh a-tu-la, thiện quả làm nên sức mạnh to lớn của a-tu-la, tật đố làm nên tính cạnh tranh để thống trị của a-tu-la. Bất sát sinh là khi trạng thái tâm ấy hiện ra thì ta không đối kháng tiêu diệt nó vì mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân hợp lý của nó, nó là nguyên liệu quý giá cho sự giác ngộ giải thoát, điều cần thiết không phải là lựa cái này bỏ cái kia mà phải trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là thì mới học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Hoặc Cuộc chiến giữa A-tu-la được trợ giúp bởi Phi Pháp Long với Chư Thiên được trợ giúp bởi các Hành Pháp Long, qua Tâm Địa Pháp Nhãn là sự xung đột nổi lên giữa trạng thái tâm hoan hỷ tích thiện và trạng thái tâm tật đố tích thiện, tâm hoan hỷ tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường thiện, tâm tật đố tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường bất thiện. Cuộc chiến giữa Ma Vương được trợ giúp bởi ma nữ ma quân với Thánh Nhân được làm chứng bởi đại địa là sự mâu thuẫn nổi lên giữa tâm mê lầm bấn loạn và tâm trong lành định tĩnh sáng suốt, tâm mê lầm bấn loạn được trợ lực bởi sự lừa phỉnh cám dỗ từ vẻ bề ngoài hấp dẫn hay sự đe dọa bức bách từ vẻ ngoài dữ dằn, tâm trong lành định tĩnh sáng suốt được phát minh và chứng minh bởi từng sát na thực tại hiện tiền kiên cố. Khi thấy ra tất cả nơi tâm thì biết rằng tâm là cội gốc thân cận và thiết thực nhất mà mình có. Tâm ấy không phải là một linh hồn vĩnh cửu mà là tính biết vốn tròn đầy, không sinh, không diệt sẵn có nơi mình.
Trả lời:
Sādhu lành thay! Rất đúng!
Theo: Trung tâm Hộ tông
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Con quan sát nhưng không thay đổi được gì?
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 15:00 04/11/2024Hỏi: Khi con chán nản thấy mọi sự điều vô nghĩa thì con nên làm gì? Dù con quan sát tâm nhưng không thay đổi được gì và tình trạng này kéo dài mấy ngày. Xin Sư giúp con!
Niết bàn, sinh tử thị không hoa
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 12:48 03/11/2024Xin Thầy giảng về câu “Niết-bàn sinh tử thị không hoa”. Con xin cám ơn Thầy.
Đạo ở ngay chỗ dừng lại mọi tìm cầu
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:17 02/11/2024Thầy từng nói Đạo Phật vốn không có giáo lý, và có rất nhiều vị đã phản đối điều này. Vì Tam Tạng Kinh Điển của Phật giáo vô số mà nói “không có giáo lý” sao được!
Không có kiểu học bình yên trong tháp ngà
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 09:40 02/11/2024Hỏi: Thưa Thầy ý nghĩa thật sự của cuộc đời đầy thăng trầm đau khổ này là gì?
Xem thêm