Kho báu bên trong mỗi chúng ta
“Lòng từ bi là kho báu bên trong mà mỗi chúng ta cần trân trọng bảo vệ. Hãy học cách ban tặng không do dự, cho đi không hối tiếc và chiến thắng trong cao thượng”.
Nhiều người không dám yêu thương bản thân mình, họ cho rằng như vậy là ích kỷ và nhu nhược. Tuy nhiên, để thực hành lòng từ bi đối với người khác, trước tiên chúng ta phải biết yêu thương chính mình. Ở đây tôi không khuyên bạn nuông chiều bản ngã mà nên suy ngẫm về cuộc đời, về động cơ, về mục đích cuộc sống và biết trân trọng cuộc sống quý giá này. Khi đã hiểu bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người cũng giống như mình. Hiểu biết này giúp bạn có thêm lý do chân chính để phát triển lòng từ bi với tất cả mọi người. Chỉ khi biết cách cải thiện cuộc sống của chính mình, bạn mới có thể giúp đỡ người khác. Đây là công việc đúng đắn và sáng tạo mà chúng ta cần làm ngay. Tôi thích gọi điều này là tâm chí thành. Bạn có thể trở thành một người tử tế và thành tâm, nhưng nếu không biết cách trân quý bản thân mình, sẽ rất khó để bạn có thể yêu thương kẻ khác.
Tình yêu là gì? Khi ta hiểu và cảm nhận được tình yêu, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp. Mọi người thường ngộ nhận tình yêu vị kỷ với tình yêu đích thực, lầm lẫn bản năng và ham muốn dục vọng với trí tuệ và tình yêu thương chân thực. Khi biết chia sẻ, phát khởi lòng từ bi, chúng ta sẽ đối xử và giúp đỡ mọi người một cách chân thành vô điều kiện. Tôi tin rằng trong sâu thẳm tim mình, tất cả chúng ta đều có thể nhận ra đâu là tình yêu thương đích thực do đã từng trải nghiệm điều này không chỉ trong hiện đời mà còn từ nhiều kiếp trước.
Hãy nghĩ về những khoảnh khắc yêu thương chân thành vô vị kỷ mà bạn từng trải nghiệm trong đời, dù đó là món quà bạn nhận được từ bên ngoài hay tự mình dành tặng cho ai đó. Hãy sống lại ký ức này và bạn sẽ cảm nhận được sự ấm ấp của tình yêu thương. Biết rộng mở trái tim kết nối lại với suối nguồn của tình yêu thương sẽ giúp bạn đón nhận thêm tình yêu và cảm hứng trong cuộc sống hiện tại.
Khi muốn lợi ích cho mọi người, ta cần phải sẻ chia với nhau. Trong thực hành Phật pháp, trước hết chúng ta phải có được sự an lạc rồi mới có thể mang lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Đây chính là ý nghĩa của tình yêu. Tình yêu là sự sẻ chia: sẻ chia và ban tặng chính là thực hành yêu thương. Cùng với lòng từ bi được vun đắp, bạn sẽ nhận được nguồn an lạc lớn lao. Khi hạnh phúc, lòng nhân ái và sự ân cần đã nhậm vận hiển lộ, bạn có thể chia sẻ niềm vui, hạnh phúc tới tất cả mọi người.
Tôi thường nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay, từ “từ bi” nghe có vẻ đậm chất tín ngưỡng, nhưng tôi vẫn thích nói về đề tài này bởi vì từ bi là một điều thực sự cao đẹp. Từ bi là sự hiểu biết, là thấu hiểu hoàn toàn. Lòng từ bi là cha, là mẹ, là cốt tủy của giác ngộ. Đức Phật là hiện thân của lòng từ bi và tình yêu thương. Khi có từ bi, tôi sẽ cho bạn những thứ bạn thực sự cần một cách vô điều kiện, không trói buộc, để bạn được hoàn toàn tự do mà không trông đợi bất kỳ sự đáp trả nào.
Tất cả các thiện hạnh đều xuất phát từ tâm từ bi. Đây là nền móng vững chắc để xây dựng các khái niệm về yêu thương, lòng tốt… tất cả mọi thứ đều xuất phát từ đó. Từ bi là cách cả vũ trụ này vận hành, cách con người làm việc và tình bạn gắn kết.
Để thực sự trưởng dưỡng được lòng từ bi, trước tiên bạn hãy vứt bỏ nhãn mác, những cách bạn định danh và đặt điều kiện cho mọi vấn đề. Đồng thời, nghĩ về những nhu cầu chân thật của mình một cách rõ ràng, minh bạch. Nếu nhận ra việc được là chính mình có ý nghĩa thực sự thế nào, bạn sẽ thấy vô cùng hạnh phúc. Đây là nền tảng để bạn tạo dựng tình yêu thương và tâm từ bi chân thật. Điều đó sẽ đem lại cho bạn hạnh phúc tự do, món quà vĩ đại nhất ta có thể tự kiếm tìm trên đời và mang lại cho mọi người. Trong một thời pháp, có một học trò đã đặt cho tôi câu hỏi này: “Nếu con chăm sóc người khác, ai sẽ là người chăm sóc con?”. Anh ta lo lắng cho bản thân mình. Đây là một câu hỏi thú vị. Tuy nhiên, trên thực tế, cách tốt nhất để chăm sóc bản thân chính là chăm sóc người khác. Đó là chân lý nhưng chúng ta lại thấy khó thực hiện và thậm chí khó có thể chấp nhận điều này. Chúng ta muốn tự tay chăm sóc chính mình. Đó là cách chúng ta nuôi dưỡng bản ngã, học cách tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhưng tiếc thay, đây lại không phải phương thức đúng đắn để phát triển chính mình và giúp đỡ mọi người.
Cũng như tình yêu, cảm giác sợ hãi và dễ tổn thương là hoàn hoàn tự nhiên. Sợ hãi là đồng minh của bản ngã, nó luôn muốn mọi thứ giữ nguyên trật tự, bất biến thay vì rộng mở đón chào điều mới mẻ bất ngờ. Dĩ nhiên, tâm lý sợ bị tổn thương được xây dựng trên thực tế là tương lai vốn không hề chắc chắn, song nếu chịu khó học hiểu và nhìn thấu tâm lý này, chúng ta sẽ không tự xây lên những rào chắn cản trở tình yêu thương đích thực đến với mình. Cách chúng ta nhìn và định nghĩa tình yêu phản chiếu một phần hình ảnh chính mình. Nhiều người tự kỷ ám thị rằng: “Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được tình yêu”, “Tôi luôn luôn bị khước từ”, “Tôi chỉ muốn được yêu thương”... Đây là những khuôn mẫu định kiến mà bản ngã tạo ra để giam hãm tâm hồn. Cũng có khi chúng ta tìm thấy tình yêu nhưng lại lo sợ sẽ đánh mất hoặc nghĩ rằng nó không hoàn hảo. Sở dĩ có sự lo lắng này là vì chúng ta luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ. Khi bị kiểm soát, đó không còn là tình yêu thương đích thực nữa. Tình yêu thương là sự tự do và biết đón nhận mọi điều xảy ra.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Xem thêm