Kinh A Di Đà thực giải (Nội dung cốt lõi của Kinh A Di Đà)
Thực tập theo kinh A Di Đà là thực tập giới định tuệ, thực hành trung đạo hướng đến giải thoát giác ngộ vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi. Trong tâm có Phật, thời thường niệm Phật là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề của nhân thế.
Kinh A Di Đà là mô tả chi tiết cảnh quan tuyệt diệu trang nghiêm thế giới Tây Phương Cực Lạc - một nơi hoàn toàn vắng bóng các khổ đau phiền não của thế gian; trình bày công đức vô lượng, những lời dạy quý báu và phát nguyện rộng lớn của đức Phật A Di Đà, cách làm, cách sống để có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc, sự gia hộ độ trì của chư Phật, Bồ Tát và thánh chúng cõi Tây Phương Cực Lạc.
Một nội dung rất quan trọng về giáo lý cốt lõi trong kinh nhưng hình như các Phật tử ít chú ý đến, các Phật tử thường chỉ chú tâm vào nội dung niệm Phật từ một đến bảy ngày để nhất tâm bất loạn mà vãng sanh chứ ít chú ý đến đoạn kinh văn: Các loại chim quý bạch hạc, khổng tước, ca lăng tần già, cộng mạng ngày đêm sáu thời cất tiếng hót vang diễn nói các pháp ngũ căn ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần...
Muốn được vãng sanh, muốn được đức Phật A Di Đà, Quan Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát tiếp dẫn thì phải từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn (định). Chúng tôi hay nói vui là người có khả năng, có định lực nhất tâm bất loạn trong bảy ngày thì ở đâu cũng là Tịnh Độ, không cần phải về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Nghi thức tụng kinh A Di Đà Việt nghĩa chuẩn nhất
Có thể nói là đoạn kinh quan trọng nhất nói về ba mươi bảy phẩm Bổ đề đã thâu tóm những giáo nghĩa cốt lõi của Phật pháp, dù là nam tông, bắc tông; nguyên thủy hay Đại thừa Phật giáo.
Ngũ căn, ngũ lực gồm Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ
Ngũ căn là năm nền tảng của sự tu chứng đã được đức Phật khéo tu tập, khéo chứng đắc, khéo truyền dạy.
Tín căn là cội rễ căn bản của lòng tin chân chính
Tấn căn là cội rễ căn bản của tinh cần siêng năng
Niệm căn là cội rễ căn bản của chánh niệm tỉnh giác
Định căn là cội rễ căn bản của tập chuyên nhất
Tuệ căn là cội rễ căn bản của trí huệ
Thất Bồ đề phần gồm Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Xả.
Bát thánh đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh Định.
Nói đơn giản Chánh kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ.
Chánh kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chánh.
Chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý.
Chánh ngữ là lời nói chân chánh, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng đúng chánh pháp, vì sự thật.
Chánh nghiệp là nghề nghiệp chân chánh không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh.
Chánh mạng là sống có giá trị, nuôi mạng sống bằng cách chân chính.
Chánh tinh tấn là siêng năng nỗ lực chân chánh.
Chánh niệm là nghĩ nhớ chân chánh như niệm thân thọ tâm pháp trong tứ niệm xứ.
Chánh định là sự tập trung tâm ý, chuyên nhất chân chính hướng đến giải thoát giác ngộ
Bát thánh đạo chính là giới định tuệ, là con đường Trung đạo giải quyết khổ đau
Đây là các pháp cần tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát, vượt thoát khổ đau trong sinh tử luân hồi
Tiếng chim hót ở cõi Cực Lạc đã tuyên thuyết con đường trung đạo, tuyên thuyết ba mươi bảy phẩm trợ đạo. là tất cả cốt lõi của Phật pháp.
Tịnh Độ là pháp môn tu học phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Pháp môn niệm Phật thâm nhập sâu rộng trong đời sống quảng đại quần chúng vì dễ thực hành. Sức hấp dẫn lớn nhất của kính là thế giới trang nghiêm thanh tịnh đẹp đẽ, không có khổ đau phiền muộn mà ai cũng mong ước và pháp môn niệm Phật vô cùng dễ dàng ai cũng làm được
Niệm Phật là một cách tu luyện tâm, thanh tịnh tâm, chuyển hóa tâm, trụ tâm vào Phật hiệu thay vì trụ vào ngũ dục lục trần. Câu Phật hiệu A Di Đà giúp người người thức tỉnh. Tướng hảo quang minh của Phật A Di Đà khác gì ngọn hải đăng để chúng sanh vô minh, lặn hụp trong bể khổ mênh mông tìm được hướng đi về
Một câu niệm A Di Đà Phật đúng pháp có thể giải quyết được tất cả những nỗi khổ niềm đau của thế gian.
Nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy nếp sống của cư dân Cực Lạc mô tả trong kinh giống như nếp sống trong thiền môn chùa, viện chúng ta: Hằng ngày tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, ngồi thiền, đi thiền, cúng dường chư Phật, học Phật, nghe pháp sống tinh tấn trong chánh niệm tỉnh thức.
Điều này rất quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà chư tổ lấy kinh A Di Đà làm kinh thường tụng trong các thời công phu.
Chúng ta sống đúng như lời dạy trong kinh A Di Đà dạy, tức là chúng ta như đang sống ở Tây Phương Cực Lạc hiện tiền, không phải đợi tới khi chết vãng sanh về Cực Lạc. Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau thiết lập Tịnh Độ ngay tại nhân gian, tại ngôi chùa chúng ta đang tu tập.
Tóm lại thực tập theo kinh A Di Đà cũng là thực tập giới định tuệ, thực hành trung đạo hướng đến giải thoát giác ngộ vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi. Trong tâm có Phật, thời thường niệm Phật là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề của nhân thế.
Lợi ích của kinh A Di Đà, của pháp môn niệm Phật to lớn thâm diệu khó có thể dùng ngôn từ diễn tả hết được, chỉ có thể sống tu tập thực hành mới thế nghiệm chân thực được.
Kinh Di Đà
Pháp niệm Phật
Tịnh độ nhân gian
Hàm giới định tuệ
Nên học tu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm