Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 11/07/2023, 12:30 PM

Quá trình tiếp nhận Kinh A Di Đà ở Việt Nam

Đức Phật tùy theo căn cơ mà dạy rất nhiều phương pháp giúp vọng tâm yên lắng. Một trong các con đường ấy không gì hơn là pháp môn niệm Phật A Di Đà vì hạnh nguyện của Ngài phù hợp với căn cơ và nghiệp lực của chúng sanh trong thời mạt pháp này.

Audio

1. Dẫn nhập

Kinh A Di Đà (Sukhavativyuhah- 小無 量壽經, Tiểu Vô lượng thọ kinh) là bản kinh văn thuộc hệ thống kinh tạng của Phật giáo Đại thừa. Tuy không thể biết chính xác năm kết tập của kinh A Di Đà nhưng có thể khẳng định kinh này xuất hiện sớm trong thời kỳ Phật Giáo chuyển mình phát triển theo thời đại ở Ấn Độ từ những năm đầu kỷ nguyên tây lịch. Trong khi kinh Bát Nhã với tư tưởng chủ về trí được kết tập tại nam Ấn thì kinh A Di Đà với tư tưởng chủ yếu về tình được kết tập tại bắc Ấn. Hiện nay, nguyên bản tiếng Phạn của kinh A Di Đà vẫn còn tại Nhật Bản và trong Đại tạng kinh Tây Tạng. Bản Hán ngữ trong Đại Chính Tân Tu có hai bản dịch: bản thứ nhất của ngài Cưu Ma La Thập dịch kinh A Di Đà vào năm 401TL (đời Diêu Tần) bản dịch này hiện nay rất phổ biến; bản thứ hai của ngài Huyền Trang Kinh xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ được dịch năm 650 TL (đời Đường) cùng với đó là một số bản sớ giải về kinh A Di Đà.

Đối với Tịnh Độ tông, kinh A Di Đà còn gọi là Tiểu bản A Di Đà là một trong 3 bài kinh quan trọng nhất làm cơ sở lý luận cho tông này gọi là Tịnh độ tam kinh. Hai bài kinh khác trong 3 bộ này là kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ. Danh hiệu A Di Đà dịch từ tiếng Phạn là Amita hay Amitabha hoặc Amitayur có nghĩa là Vô Lượng Thọ hay Vô Lượng Quang nói gọn là Vô Lượng. Trong kinh có đoạn: “Xá-Lợi-Phất! Bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A-Di-Đà. Hựu Xá-Lợi-Phất! Bỉ Phật thọ mạng, cập kỳ nhơn dân, vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, cố danh A-Di-Đà”. Theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện trong sách Tư tưởng kinh A Di Đà giải thích như sau: Vô Lượng là biểu tượng cho thật cảnh hay thật trí vốn ngoài phạm trù tư duy và diễn đạt. Vô Lượng Quang là biểu tượng cho Pháp Thân, Tuệ giải thoát. Vô Lượng Thọ là biểu tượng cho giải thoát thân (Vimukti-kaya), tâm giải thoát, đại định. Như vậy, hồng danh A Di Đà là danh hiệu biểu tượng cho tự tánh giác ngộ và giải thoát của chúng sanh nên còn được tôn xưng là Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà cùng 1250 vị Tỳ kheo trong đó có các bậc đại đệ tử lớn của Phật, ngoài ra còn có các vị Bồ Tát, chư Thiên ... nhiều đến vô lượng. Nhân lúc ấy Đức Thích Ca chủ động tuyên thuyết (vô vấn tự thuyết) một pháp môn không thể nghĩ bàn, trong đời trời người cũng rất khó tin nhưng pháp ấy lại được tất cả chư Phật trong mười phương hộ niệm tán dương. Đức Thiện Thệ vì muốn lợi lạc các loài hữu tình nên Ngài đã chủ động tuyên thuyết pháp môn ấy - chính là kinh A Di Đà. Nội dung kinh là lời giới thiệu về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà với y báo và chánh báo trang nghiêm, thù thắng do hạnh nguyện Đức A Di Đà tạo ra. Cõi Cực lạc ấy cách xa cõi ta bà mười vạn ức cõi Phật về hướng Tây. Đồng thời chỉ dạy phương pháp để chúng sanh có thể sanh về cõi Cực Lạc phương Tây ấy.

Đặc biệt tư tưởng triết lý cùng hình ảnh biểu tượng trong kinh A Di Đà vừa có thể chuyển tải nội dung cốt tủy sâu xa của Phật Đà nhưng lại có thể phổ cập mọi căn cơ trình độ chúng sanh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: đối với kinh Di Đà ta có thể hiểu một cách rất sâu nhưng cũng có thể hiểu một cách rất cạn. Người hiểu sâu cũng có thể thực tập và người hiểu cạn cũng có thể thực tập. Nên từ xưa Vua Trần Thái Tông dù tu tập và chứng ngộ thiền nhưng cũng rất quan tâm đến pháp tu Tịnh độ. Ông đã liệt kê ba căn trí của người tu niệm Phật là thượng trí, trung trí và hạ trí. Bậc thượng trí thì tâm chính là Phật không cần thêm gì vào, chủ thể và đối tượng là một; Bậc trung trí cần phải mượn phương pháp niệm Phật chuyên tâm, tinh cần, niệm trước nối tiếp niệm sau không gián đoạn, tự tâm thành ra thuần thiện.... dùng thiện niệm để ý thức sự có mặt của khái niệm và dùng khái niệm để diệt trừ khái niệm. Khái niệm diệt tất nhiên hành giả trở về với chánh đạo; Đối với bậc hạ trí phải chuyên niệm lời Phật, tâm mong thấy Phật và nguyện sanh nước Phật. Ngày đêm siêng năng không thối chuyển, sau khi mạng chung tùy thiện niệm của mình mà sinh về nước Phật. Chư vị tổ sư cũng từng dạy niệm Phật một câu có thể diệt được tám muốn bốn ngàn trần lao phiền não. Trong lời tựa kinh A Di Đà yếu giải Thích Tuệ Nhuận cũng khẳng định rằng: tu thiền tông mau chóng thành Phật nhất. Tu Tịnh độ còn mau chóng và chắc chắn hơn. Tu môn nào cũng phải thấy rõ Phật tánh rồi mới có thể thành Phật. Tu Tịnh độ thì mỗi tiếng niệm Phật danh là thấy rõ Phật tánh hiện tiền. Thấy rõ Phật tánh là thành Phật quả, khi đó chuyển hóa được Ta Bà thành Cực Lạc... trả lại tự do, hòa bình, hạnh phúc, bình đẳng cho tất cả muôn loài”.

01

2. Nội dung

Kinh A Di Đà hay nói chung là tư tưởng Tịnh Độ từ xưa đến nay luôn nhận được sự quan tâm lớn của phần lớn tín đồ Phật tử ở các nước mà Phật giáo Đại thừa đi qua. Kinh A Di Đà là bài kinh quan trọng của Tịnh Độ tông nên khi nào có sự xuất hiện của Tông Tịnh Độ hay Hồng danh Ngài thì cũng dần khẳng định có sự xuất hiện sớm hay muộn của kinh A Di Đà. Như vậy, Tịnh Độ tông hay Hông danh A Di Đà Phật xuất hiện, định hình và phát triển ở một số quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... như sau:

Ở Ấn Độ kinh A Di Đà hay tư tưởng Tịnh Độ không tạo được phong trào lớn mạnh như ở Trung Hoa, Việt Nam hay một số quốc gia khác. Một số kinh đề cập tới Đức A Di Đà và cõi Tịnh Độ ở giai đoạn đầu như sau: kinh Pháp hoa trong phẩm hóa thành dụ: kinh kể về một trong 16 vị vương tử của đức Đại Thông Trí Thắng từng thọ trì, giảng dạy kinh Pháp Hoa sau đó thành Phật có tên là A Di Đà ở thế giới Tây phương. Trong phẩm Dược Vương Bồ Tát: Sau khi Như Lai diệt độ 500 năm sau có người dù là người nữ nghe kinh điển này như lời dạy mà tu hành thì khi mạng chung sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức A Di Đà. Trên nền tảng tư tưởng Pháp Hoa kết nạp tín ngưỡng A Di Đà vào tư tưởng nhất thừa. Thế giới cực lạc của Đức A Di Đà cũng giống như cũng như thế giới của các đức Phật khác tùy theo hạnh nguyện mình và căn cơ chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh đi qua biển khổ sanh tử. Đối với Pháp Hoa, Tịnh độ của Phật A Di Đà chính là những hóa thành cho chúng sanh nghỉ ngơi, tu tập.

Trong kinh Hoa Nghiêm: Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện có đoạn “nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà, tức đắc vãng sanh an lạc quốc”. Đoạn này được trích ra và trở thành kinh nhật tụng cảm động của các nhà Tịnh độ sau này. Nhưng ý nghĩa vãng sanh trong kinh Hoa Nghiêm không dừng lại ở đó mà được lý giải trên tư tưởng duy tâm. Trong kinh có đoạn “các đức Như Lai không đi đến đây, ta cũng không đi đến đó. Khi nào muốn thì khi ấy ta liền thấy Như Lai Vô Lượng Quang ở thế giới Cực Lạc...”. Đây là cơ sở cho thuyết tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ, nội dung vãng sanh chính ở bản tâm chúng sanh chứ không đi đâu xa.

Trong kinh Dược Sư có nói: nếu có người nào vâng giữ giới pháp, nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, nhưng nếu chưa quyết định. Khi mạng chung nếu có thể nghe danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai sẽ có tám vị Đại Bồ Tát từ trên không trung đi đến đưa đường chỉ lối cho chúng sanh ấy đến thế giới Cực lạc.

Ngài Long Thọ (khoảng thế kỷ thứ 2) có tác phẩm Thập trụ Tỳ Bà Sa luận với nội dung giải thích phẩm thập địa (mười giai đoạn tiến tu của hàng Bồ tát) trong Kinh Hoa Nghiêm; trong tác phẩm này có một phẩm đáng chú ý là phẩm “dị hành đạo” đây cũng là cơ sở cho tuyết tự lực và tha lực sau này. Trong đó từ nữa địa thứ hai về sau ngài Long thọ đã giới thiệu và trình bày về Tịnh độ giúp hành giả tịnh độ có cơ sở thực hành. Tịnh độ tông của Nhật Bản căn cứ vào Thập trụ tỳ bà sa luận này mà trước tác và tôn vinh ngài Long Thọ là tổ sư Tịnh độ tông của Nhật Bản.

Ngài Thế Thân là một đại luận sư Ấn Độ sống vào khoảng thế kỷ thứ 4-5 và là em Ngài Vô Trước. Ngài Thế Thân trước tác rất nhiều tác phẩm trong có Vãng sanh luận hay trong Nhiếp đại thừa luận... cũng hướng hành giả về Tịnh Độ. Ngài Thế Thân đã bài tỏ tín ngưỡng A Di Đà qua lời nguyện trong Nhiếp đại thừa luận rằng: nguyện tất cả chúng sanh đều thấy Phật A Di Đà. Còn trong Vãng sanh luận quan điểm của Thế Thân như một nhà Tịnh Độ giáo được biểu lộ một cách trọn vẹn, đây như một bản văn nguyên thủy để sớ giải sau này. Trong tác phẩm có đoạn:

“Thế Tôn ngã nhất tâm

Quy mạng tận thập phương

Vô Ngại Quang Như Lai

Nguyện sinh An Lạc Quốc”

Như vậy ở Ấn Độ, đến thời Ngài Long Thọ tín ngưỡng A Di Đà chỉ là một bộ phận giữa các tín ngưỡng các đức Phật khác. Đến thời Ngài Thế Thân tuy tư tưởng này đã tiến lên chiếm một vị trí nổi bật nhưng rồi sau đó ít thấy luận sư nào ở Ấn Độ đề cập đến nữa. Dẫu vậy, công trình của hai Ngài đã trở thành nền móng vững chắc cho những phát triển về sau của Tịnh Độ Tông ở các quốc gia khác.

Ở Trung Quốc kinh A Di Đà cũng như tư tưởng Tịnh Độ xuất hiện rất sớm cụ thể như sau:

Năm 117 Chi Lâu Ca Sấm dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ tác phẩm Ban châu tam muội (3 quyển) và Phật thuyết ban châu tam muội (1 quyển), hiện trong Đại Tạng kinh 13. Trong tác phẩm xuất hiện danh từ A Di Đà rất nhiều lần.

Đầu thế kỷ thứ 3, tác phẩm Phật thuyết A Di đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh (2 quyển) với dịch giả là Ngô Chi Khiêm. Tác phẩm được lưu trong Đại Tạng Kinh 12.

Đầu thế kỷ thứ 5 đời Diêu Tần, có ngài Cưu Ma La Thập dịch tác phẩm Phật thuyết A Di Đà kinh (1 quyển). Đây là một trong những tác phẩm được các bậc đại sư, cao tăng, dịch giả ở Việt Nam lựa chọn để chuyển Việt ngữ nhất cho đến hiện nay. Tác phẩm được lưu trong Đại Tạng Kinh 12.

Tịnh Độ tông được Trung Quốc đón nhận, tu tập và phát huy mạnh mẽ trở thành một trong những tông phái lớn có sức ảnh hưởng cả trong và ngoài nước từ lúc mới hình thành đến nay (thế kỷ 21) thì các bản dịch, luận giảng, sớ sao, sớ giải.vv.. được hình thành rất nhiều. Chư vị tổ sư, các bậc tiền bối cao tăng, các nhà dịch thuật... nối tiếp nhau xây dựng hệ tư tưởng Tịnh Độ cùng hình ảnh Đức A Di Đà thêm phong phú và lớn mạnh bằng rất nhiều đầu sách có giá trị để lại hậu thế.

Ở Trung Quốc tuy Ngài Huệ Viễn được xem là sơ tổ của Tịnh Độ Tông. Nhưng Trước ngài Huệ Viễn đã có những vị thực hành giáo lý Tịnh độ đầu tiên được ghi lại như sau: vào thế kỷ thứ 3 có Triết Công Tắc, Vệ Sĩ Độ và mẹ ông là những người tu niệm Phật đầu tiên; Sau đó có thầy Tăng Hiền và Chi Tuần bắt đầu viết sách truyền bá giáo lý Tịnh độ, xây tượng Phật Di Đà phát nguyện sanh về tây phương cực lạc. Và còn một số vị khác tu tập theo pháp môn tịnh độ trước Ngài Huệ Viễn.

Đến đầu thế kỷ thứ 5 vào năm 402 ngài Huệ Viễn cùng 11 người nữa đứng trước tượng Phật Di Đà phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc. Giai đoạn này chỉ thiền quán chưa có phong trào niệm Phật thành tiếng. Quán về đức hạnh của đức Phật Di Đà hay quán thế giới của Phật Di Đà. Bạch liên xã do ngài Huệ Viễn thành lập với hơn 100 vị ở giai đoạn đầu. Sau đó có các vị tổ Tịnh Độ được sử sách Trung Quốc ghi chép lại như sau: nhị tổ là Thiện Đạo, tam tổ là Thừa Viễn, tứ tổ là Pháp Chiếu, ngũ tổ là Thiếu Khang, lục tổ là Diên Thọ, thất tổ là Tỉnh Thường, bát tổ là Châu Hoằng, cửu tổ là Tỉnh An.

Khoảng thế kỷ thứ 6 có ngài Đàm Loan khi được Bồ Đề Lưu Chí (một vị sư Ấn Độ) giới thiệu và khai ngộ về pháp môn Tịnh Độ. ngài Đàm Loan cũng bắt đầu tu tập và xiểng dương giáo lý ấy. Đến thời nhà Đường Tịnh Độ mới được phát triển rầm rộ. Ngài Đạo Xước giai đoạn đầu dùng hạt đậu để đếm số niệm Phật sau đó phát triển thành tràng hạt như ngày nay. Đệ tử Ngài Đạo Xước là Thiện Đạo phát triển khẩu xưng niệm Phật. Từ đây về sau Tịnh độ tông cũng như kinh A Di Đà và danh hiệu Ngài được phát triển mạnh mẽ đến hôm nay cả trong và ngoài nước.

Định nghĩa cõi Tịnh Độ theo các kinh và tiến trình lịch sử kết tập Kinh A Di Đà

02

Đối với người Phật tử Việt Nam Kinh A Di Đà cùng hồng danh A Di Đà Phật từ lâu đã trở thành nơi hướng tâm về để gởi trọn niềm tin trong đời sống tâm linh và pháp môn tu tập. Sức lan tỏa của pháp môn Tịnh độ và hình ảnh đức Phật A Di Đà đã đi sâu vào tâm thức người Phật tử Việt biểu hiện cả trong cách chào hỏi tạo thành nét đẹp đặc sắc trong ứng xử văn hóa Phật giáo, song song đó kinh A Di Đà hay hồng danh của Ngài từ xưa đã xuất hiện trong các khóa lễ trì tụng kinh văn nhất là các buổi lễ cầu siêu và trong cả các pháp môn tu tập của phần lớn giới tu sĩ và cư sĩ.

Có lẽ vì dân tộc Việt Nam vốn xem trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Dựa trên nguyên tắc tương tác âm siêu dương thới nên người Phật tử thường tụng niệm siêu độ cho thân nhân khi qua đời. Mà bộ kinh được lựa chọn nhiều nhất chính là kinh A Di Đà vì những đại nguyện của Ngài đối với chúng sanh. Đối với sự tu tập của hành giả trong mọi thời đại thì phương thức thực hành nhanh và hiệu quả nhất là nắm lấy danh hiệu Phật A Di Đà để trì niệm cho tâm dễ đạt được tịnh niệm và chuyên chú. Đến khi mạng chung thì cầu siêu tụng niệm cầu vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Tịnh độ cõi Phật Di Đà như thế phù hợp với nhu yếu tâm thức phần đông người con đất Việt chúng ta.

Phật giáo vào thời Lý – Trần, đã kết hợp thiền vào tịnh tạo thành pháp môn Tịnh Độ phù hợp cho mọi căn cơ từ bậc thượng trí, trung trí đến hạ trí khiến đạo Phật có thể lan rộng, thấm sâu trong đời sống của mọi tầng lớp xã hội Việt bấy giờ. Tuy dòng chảy tư tưởng Phật giáo Việt Nam được sử sách ghi chép lại phần lớn là thiền tông, chư vị Tổ sư ở Việt Nam liễu ngộ nhờ tham thiền cũng rất nhiều. Nhưng các Ngài vẫn không thấy trở ngại khi truyền dạy niệm Phật, sự lồng ghép kết hợp Tịnh độ trong Thiền tạo thành thiền tịnh song tu của chư vị tổ sư đã được kế thừa ứng dụng và phát huy đến ngày hôm nay. Đây quả là nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam trong sự dung hợp Thiền-Tịnh. Thiền với trí tuệ của sự định tĩnh làm cho tinh thần Phật giáo phóng khoáng, không cố chấp vào điều hữu hạn ở một tư tưởng nào. Tịnh độ làm cho Phật giáo trở nên gần gũi bình dị mà chứa chan tình cảm dễ ngấm sâu và lan rộng vào đời sống tâm thức mọi người dân ở nhiều tầng lớp trong xã hội. Chúng ta thấy trong thời hiện tại có Hòa thượng Thích Trí Tịnh tuy khuyên người niệm Phật A Di Đà và lập hội Cực Lạc Liên Hữu nhưng theo lịch sử lại thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41, Hòa thượng Thiền Tâm chủ trương tu theo pháp môn Tinh độ nhưng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời 43,.v.v.. đây chính là sự dung hợp tạo thành nét đặc thù cho tư tưởng Tịnh độ ở nước ta.

Xét về phương diện lịch sử còn lưu lại trong sử sách, dòng chảy tư tưởng về đức Phật A Di Đà ở Việt Nam đã xuất hiện rất sớm. Trước thế kỷ thứ III, theo Cựu tạp thí dụ kinh, danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội dịch khi ở Giáo Châu.

Đến thế kỷ thứ V, thiền sư Đàm Hoằng (mất năm 455) đã sang Việt Nam, ngài ở tại chùa Tiêu Sơn truyền đạo. Đàm Hoằng là nhà sư Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh cực lạc. Từ đây, hồng danh A Di Đà Phật đã dần trở thành dòng chảy tư tưởng trôi chảy miên viễn trong lòng dân tộc Việt. Tuy nhiên, lịch sử với sự ghi chép cụ thể của pháp tu này bị ngắt quãng.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (cuối thế kỷ thứ 6), đây là một hệ phái có ảnh hưởng của Mật giáo. Nhưng tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì. Ngay trong phần đầu của kinh, là những câu chuyện ca ngợi Tỳ kheo Tịnh Mạng, một tiền kiếp của Phật A Di Đà. Các vị thiền sư của hệ phái này dù thực hành thiền với ảnh hưởng của Mật pháp lại xưng tán Phật A Di Đà để làm biểu trưng và đưa pháp môn Tịnh độ vào trong lòng đời sống xã hội.

Vào thời Lý, khi xem lại các văn bia trong quá trình khảo cứu về các vị thiền sư thì tất cả các văn bia còn lại nói chung đều có chữ mở đầu là A Di Đà Phật; hiện tại vẫn còn một pho tượng A Di Đà hoàn thành năm 1057 tại chùa Vạn Phúc tỉnh Hà Bắc.

Đến thời Trần (thế kỷ 12) song song sự phát triển vững mạnh của thiền tông thì Tịnh độ tông cũng được lồng ghép và phát triển không kém. Thể hiện rõ trong tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông - Ông là ngọn đuốc thiền tông thời Trần. Tác phẩm Khóa hư lục có nói nhiều về Tịnh độ và pháp môn niệm Phật. Trong tác phẩm này có đoạn “nay hành giả muốn khởi chánh niệm để dứt tam nghiệp thì cũng cần mượn công phu niệm Phật... khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng không hành tà đạo, đó là dứt thân nghiệp. Miệng tụng niệm Phật, không nói lời tà ngữ đó là dứt trừ khẩu nghiệp. Ý duy trì tinh tấn (niệm Phật) không khởi tà niệm đó chính là dứt trừ ý nghiệp”.

Thời vua Tự Đức (1874-1883) có Sa môn Thông Duệ (trụ trì chùa Phước Long, làng Phù Lãng, huyện Vũ Giang, tỉnh Bắc Ninh) đã khắc bản ấn hành kinh A Di Đà.

Vào giữa thế kỷ thứ 19 do hoàn cảnh xã hội của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long bấy giờ, Minh Huyên hiệu Pháp Tạng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 38 (được người đời tôn xưng là Phật Thầy Tây An) khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1949 và từ mạch nguồn ấy có Ngô Lợi khai sáng giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng giáo phái Phật giáo Hòa Hảo. Truyền thống các giáo phái này đều cùng một Tông chỉ, do Phật Thầy Tây An chủ xướng: “Phật Phật tu nhân” làm nổi bật giáo lý “tứ trọng ân” nhưng phải đặt ân tổ quốc trên hết khi đất nước lâm nguy – sơn hà nguy biến, chỉ thuần niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Đầu thế kỷ 20 vào thời chấn hưng Phật giáo thì có Phật tử pháp danh Minh Trí sáng lập Tịnh Độ Cư Sĩ.

Vào đầu thập niên 50 giữa thế kỷ 20 Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, với chí nguyện hoằng dương Tịnh Độ Ngài đã dịch cũng như trước tác nhiều tác phẩm liên quan Tịnh Độ tông như dịch kinh A Di Đà và soạn thuật sách Đường về Cực Lạc... Năm 1953, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đích thân thành lập hội Cực lạc liên hữu tại chùa Liên Trì (Bà Rịa); năm 1957 thành lập hội Cực lạc liên hữu tại chùa Vạn Đức (Thủ Đức).

Năm 1957 có Hòa thượng Thích Thiện Phước hiệu Nhựt Ý, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41 sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Hòa thượng Thích Thiện Phước sáng lập môn phái này ở Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh (núi Bồng Lai), nay là Ấp Phước Thành, Xã Tân Hòa, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một môn phái kế thừa chánh pháp bằng pháp môn Tịnh Độ và pháp hạnh Khất sĩ. Sau đó Hòa thượng Thích Thiện Phước lập nên đạo tràng Tịnh độ và soạn thuật những tác phẩm liên quan. Hiện nay, môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 186 chùa, tịnh xá, tịnh thất, đạo tràng ở hơn 12 tỉnh thành phố và vẫn đang phát triển tư tưởng Tịnh độ.

Thiền sư Thích Duy Lực là người chuyên hoằng dương Tịnh độ, hướng dẫn người Hoa tu Tịnh độ mấy mươi năm và Ngài là người khởi xướng Niệm Phật Thất tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Và rất nhiều bậc tôn túc lớn thời hiện tại vẫn thường tu tập và khuyên hành giả nên tu Tịnh độ.

03

Như vậy, kinh A Di Đà hay Pháp môn Tịnh Độ đối với người Phật Tử Việt luôn giữ được sự quan tâm rất lớn. Dù năm tháng có qua đi với bao cuộc chiến tranh tàn phá thì dòng chảy tư tưởng Phật A Di Đà luôn là nơi để trái tim người Phật tử Việt gởi đến và hướng về. Cho nên, từ đầu thế kỷ 20 đến nay chư vị tổ sư, các bậc Đại sư, chư Tăng, nhà nghiên cứu... luôn tiếp nối nhau dịch thuật tác phẩm kinh A Di Đà ra chữ quốc ngữ để hành giả tu tập, nhà học thuật, đọc giả... có thể dễ tiếp cận ngữ nghĩa của kinh. Công trình dịch thuật, giảng giải, chú sớ về kinh A Di Đà... của chư vị tiền bối được thể hiện qua một số tác phẩm như sau:

Bản Việt dịch kinh A Di Đà xuất hiện trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 là bản dịch của Thích Huệ Đăng (1873-1953) được đề cập đến trong tác phẩm dịch giải kinh A Di Đà của Hòa thượng Thích Trí Quảng và tác phẩm của Thích Nhật Từ. Đây là một trong những bản dịch theo thể thơ kệ về kinh A Di Đà được Việt ngữ ở giai đoạn đầu chuyển sang chữ La tinh. Tuy tác phẩm đã ra đời rất lâu nhưng một số tự viện vẫn lựa chọn bản dịch này để tụng đọc. Có thể vì trong tác phẩm ấy được tác giả dịch theo thể thơ kệ vần điệu cùng sự bình dị giúp hành giả dễ dàng đọc tụng và dễ hiểu nghĩa lý kinh văn.

Năm 1952 Tuệ Nhuận hoàn thành tác phẩm Kinh Phật thuyết A Di Đà yếu giải. Tác phẩm do ngài La Thập dịch ra chữ Hán và ngài Trí Hút giải thích những nghĩa thiết yếu trong kinh. Mở đầu tác phẩm là phần thiết lập quyết tâm tu hành bằng phần: khi biết đời là bể khổ muốn thoát khổ phải tu, vậy tu là gì? Tiếp theo nói về Phật tính rồi mới dịch kinh văn. Trong tác phẩm Kinh Phật thuyết A Di Đà yếu giải Tuệ Nhận nêu lên tôn chỉ của kinh A Di Đà. Tôn chỉ kinh văn chính là đường lối thiết yếu tu hành, là then chốt để nhận rõ lấy thực tướng của tâm tính mình. Nó là cương lãnh muôn vạn đức hạnh tu trì. Kinh này lấy cái tâm tín và nguyện với trì danh làm tôn chỉ thiết yếu tu hành. Nếu không có tín tâm thì không thể phát nguyện nếu không phát nguyện thì không đủ sức đến chỗ thực hành. Trong kinh này cốt chỉ cho người thấy rõ phần y báo là chỗ trong sạch tức tịnh độ, và phần chánh báo là thân trong sạch tức tịnh thân. Từ đó người tu thấy và hiểu rõ làm tiền đề sanh lòng tịnh tín chắc thật. Sau rồi chỉ bảo cho pháp trì danh, là pháp niệm danh hiệu Phật để hành giả lên thẳng ngôi bất thối.

Năm 1953 hoàn thành tác phẩm Kinh A Di Đà sớ sao, tác giả Thích Hành Trụ và được Phước Bình tuyển tập, tác phẩm tương đối đầy đủ với 550 trang, xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Nội dung tác phẩm ngoài lời giới thiệu, lời tựa và lời nói đầu. Tác phẩm A Kinh Di Đà sớ sao gồm hai quyển. Quyển 1 gồm Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao, Phật Thích Ca nói kinh A Di Đà, Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao (quyển nhất chung). Quyển hai gồm: Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao, Phật Thích Ca nói kinh A Di Đà, Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao (quyển đệ nhị chung). Trong phần tổng danh Cực lạc có giải thích vì sao gọi là Cực lạc. Vì nơi ấy chúng sanh chỉ hưởng những điều vui, không có các việc khổ nên gọi là cực lạc. Trong đây có đoạn giải thích khái niệm “Cực lạc” như sau: từ không vô minh cho đến không lão tử nghĩa là không khổ khổ (khổ khổ là một trong tam khổ cơ bản của chúng sanh). Không 12 món ấy (12 món ấy là 12 nhân duyên) chính là bậc chơn giải thoát, nghĩa là hưởng sự vui. Kinh nói: quả Vô Thượng Bồ Đề là vui, giác pháp cõi vô thượng Niết Bàn là vui. Nếu bám theo lời kinh khổ và vui đối đãi thì đâu gọi thật cảnh vui.  Như thật mà luận: nhiễm nếu không lập tịnh cũng không do đâu có. Tịnh uế đều không khổ vui bình đẳng. Cái vui như thế mới đúng nghĩa là “Cực lạc”.

Năm 1953, Thích Trí Tịnh thành lập Hội Cực Lạc Liên Hữu có lẽ trong thời gian này hoặc sớm hay muộn hơn một vài năm Ngài đã dịch xong tác phẩm kinh A Di Đà. Thích Nhật Từ cho rằng đây là bản dịch kinh A Di Đà sớm nhất bằng văn xuôi. Bản Việt dịch này từ bản Hán văn của Cưu Ma La Thập. Trong tác phẩm chia từng đoạn như Kỳ Viên đại hội, y báo trang nghiêm, chánh báo vô lượng thù thắng, sáu phương Phật đồng thuyết kinh,.v.v.. Đây là một trong những kinh văn được tác giả Việt dịch với mục đích trì tụng tại các khóa lễ. Tác phẩm Kinh A Di Đà của Thích Trí Tịnh với lời văn gần gũi dễ hiểu và vần điệu dễ tụng nên được nhiều tự viện thuộc Bắc truyền lựa chọn để trì tụng hằng ngày. Trong bản dịch có đoạn ở phần chánh báo trang nghiêm như sau: “Từ đây qua thế giới phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu A Di Đà hiện nay đang nói pháp”.

Tác phẩm Kinh A Di Đà do Đoàn Trung Còn (1908-1988) Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải do Nguyễn Minh Tiến hiệu đính được xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Tuy chưa rõ năm tác giả hoàn thành bản dịch nhưng Ông cũng là một trong những tác giả dịch kinh ra chữ Quốc ngữ từ những giai đoạn đầu thế kỷ 20. Tác phẩm gồm có phần âm Hán Việt của Ngài Cưu Ma La Thập đời Dao Tần dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ, phần Việt dịch do tác giả dịch và có những cức chú làm rõ nghĩa bản dịch. Như trong cước chú có phần giải thích “nhất tâm bất loạn” là ý chỉ cốt yếu của toàn kinh này. Không những trong khi ngồi mà khi đi, khi đứng, khi nằm lúc nào hành giả cũng giữ nơi lòng một câu Nam mô A Di Đà Phật, lòng tưởng nhớ đến Phật không để một tâm niệm nào xen vào đó gọi là nhất tâm bất loạn.

Năm 1965 Đỗ Thuận Hậu dịch và chú giải tác phẩm có tựa đề là kinh A Di Đà. Tác phẩm này được chú giải theo pháp lý vô vi khoa học huyền bí của Phật. Nội dung tác phẩm gồm hai phần chính là giải thích kinh A Di Đà và phần Phật học vấn đáp. Đây là một hướng nhìn rất khác về kinh A Di Đà.

Năm 1985 Thích Chơn Thiện hoàn thành tác phẩm Tư tưởng kinh Di Đà. Tác phẩm có 135 trang với hai chương chính là nội dung kinh A Di Đà và Tổng luận về kinh A Di Đà. Ở phần phụ lục có nguyên bản Phạn ngữ, bản dịch hán ngữ của Cưu Ma la thập và bản Anh ngữ của F. Max Muller. Trong tác phẩm Tư tưởng kinh Di Đà Thích Chơn Thiện có phần lý giải về câu hỏi kinh: kinh A Di Đà chỉ xiển dương tha lực với những câu niệm Phật suông là có thể được Phật Di Đà tiếp dẫn? Đây thật là sự tin tưởng không có căn cứ. Không giáo lý nào của Phật lại không xây dựng trên căn bản tự lực. Kinh A Di Đà tiếp nối truyền thống của giáo lý nguyên thủy với tinh thần tu tập nền tảng “hãy là hòn đảo, là nơi nương tựa chính mình” nên trong kinh Di Đà nhấn mạnh “bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Như vậy, kinh A Di Đà chỉ xác nhận khả năng tu tập như thế nào mới được vãng sanh, mà không đảm bảo những người chỉ niệm suông danh hiệu Ngài. Nhân đây Thích Chơn Thiện nhấn mạnh trì niệm A Di Đà là nhiếp niệm, nhiếp tâm vào giới-định-tuệ để hàng phục các vọng tưởng, vọng niệm của mình. Cầu nguyện ở đây không phải bạch suông mà nội dung cầu nguyện là hành giới-định-tuệ (nói gọn là hành thiền định Phật giáo) để loại trừ chuyển hóa tham-sân-si cho đến mức độ tâm bất thoái chuyển đối với mục đích giác ngộ giải thoát khổ đau hoàn toàn. Đức Phật A Di Đà chỉ cứu khổ những ai nổ lực tu hành phạm hạnh, tu tập trí tuệ và từ bi. Chúng ta không thể chờ đợi một tha lực nào khác giải thoát khổ đau sanh tử do tham sân si của chính chúng ta đưa đến.

Năm 1999 tập sách Nghi thức tụng niệm đại toàn do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sựu tập và Việt dịch. Tập sách này tập hợp những nghi thức tụng niệm và những bài kinh trì tụng quan trọng được Thích Nhất Hạnh Việt dịch một cách dễ hiểu, rõ ràng, đượm màu sắc ngôn ngữ dân tộc. Tập sách này ra đời đầu tiên năm 1989 và được tái bản lần hai năm 1994 nhưng đến năm 1999 mới được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới thêm vào kinh A Di Đà và một số kinh khác như kinh Hạnh phúc, kinh Diệt trừ phiền giận... Trong bản dịch kinh A Di Đà có đoạn Thiền sư Nhất Hạnh dịch như sau: Xá Lợi Phất! Thầy nghĩ sao? Tại sao gọi kinh này là kinh mà tất cả các Bụt đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm? Sở dĩ như thế là vì người con trai hoặc người con gái nhà lành nào nghe được kinh này và nghe được danh hiệu Bụt A Di Đà, hết lòng hành trì và thực tập theo phép niệm Bụt thì những vị ấy sẽ được tất cả các vị Bụt hộ niệm và tất cả sẽ đạt tới quả vị giác ngộ cao tột không còn bị thối chuyển. Vì vậy, hãy tin lời tôi đang nói và lời chư Bụt đang nói.

Năm 2001 tác phẩm Di Đà huyền chỉ được nhà xuất bản Tôn giáo in và nợp lưu chiểu. Tác phẩm Di Đà huyền chỉ thuộc tủ sách Kinh Đài. Thay vì chia chương như những sách khác tác phẩm này chia hoa sen từ hoa sen 1 đến hoa sen 8. Trong đó hoa sen 1 là giới thiệu thiền Di Đà, hoa sen 2 là mật chỉ thiền Di Đà, hoa sen 3 là niệm Phật thập lực, hoa sen 4 là so sánh cõi Ta bà với cõi Cực lạc, hoa sen 5 là phần tiện lợi, hoa sen 6 là ngoài tâm vô pháp, hoa sen 7 là Vĩnh Minh tư liệu giảng, hoa sen 8 là Di Đà sám pháp.

Năm 2002 Thích Nhật Từ hoàn thành bản dịch kinh Di Đà được tập hợp trong Tủ sách Đạo Phật ngày nay và trở thành quyển kinh tụng hằng ngày ở một số tự viện với tinh thần chuyển Việt ngữ các kinh điển để tụng niệm. Trong bản dịch này Thích Nhật Từ nhấn mạnh Thế giới Cực lạc là thế giới vắng bóng hoàn toàn mọi khổ đau, một thế giới hoàn toàn thanh tịnh, an lạc và lý tưởng. Sự an lạc được thể hiện trên hai phương diện là an lạc nội tâm và thịnh vượng về vật chất. Nói đến Cực lạc là nói đến trạng thái tâm thanh tịnh và vô nhiễm không còn khái niệm về khổ và con đường đưa đến khổ. Về vật chất thì hưng thịnh về cơ sở hạ tầng và dung hòa với thiên nhiên môi trường sống. Điều kiện vãng sanh về thế giới Cực lạc không phải chỉ trì niệm suông mà được, người với chướng nặng nghiệp dày lòng tin non kém sẽ khó vãng sanh về đó được. Như vậy, người muốn sanh về cõi ấy phải với niềm tin chân chánh là con đường dẫn đến sự nhiếp tâm và chánh niệm “nhất tâm bất loạn” thì mới có cơ hội vãng sanh. Niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn chính là thiền định và giải thoát. Niệm Phật cốt yếu là để thanh tịnh hóa tâm thức ở hiện tại, sống an lạc và thảnh thơi thiết lập Tịnh độ tại trần gian đau khổ này. Hay nói cách khác, Tịnh độ ở phương tây là tiêu chí cụ thể giúp cho hành giả thiết lập tịnh độ trong tâm, trong mỗi hành vi và trong cuộc sống ở mọi nơi và mọi chốn.

Năm 2003 tác phẩm Di Đà hợp giải được Như Hòa dịch. Tác phẩm này là kết quả của quá trình nghiêm cứu và có tham khảo nhiều tác phẩm như Phật thuyết A Di Đà giảng lục của Đạo nguyên, Phật Thuyết A Di Đà của Nam Đinh Hòa thượng, Phật tuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Thân văn ký do pháp sư Bảo Tịnh giảng và một số tác phẩm khác. Sau đó Như Hòa chọn lấy ý chính và hoàn thành tác phẩm Di Đà hợp giải này. Tác phẩm có 491 trang giải thích rõ từng phần đặc sắc và dễ hiểu. Tuy vậy bản gốc để hoàn thành tác phẩm Như Hòa chọn bản của pháp sư Bân Tông, còn phân chia chương mục thì làm theo Văn pháp sư. Đến năm 2013 đệ tử của Như Hòa hợp dịch tại chùa Bửu Quang thêm một tác phẩm mang tự đề A Di Đà Kinh hợp giải. Nhưng tác phẩm này so với tác phẩm trước của Thầy tương đối có nhiều điểm giống nhau. Trong tác phẩm Di Đà hợp giải của Như Hòa dịch có giải thích một đoạn trong kinh Di Đà rất ấn tượng: “thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn sướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần, như thị đẳng pháp.” Tuy âm thanh hòa nhã khiến lòng người vui sướng nhưng không làm người nghe sanh mê tâm tham đắm. Chính vì thuyết pháp không vướng mắc khiến người nghe phát sanh tuệ giác làm tăng trưởng đạo tâm. Chúng sanh cõi cực lạc phát sanh đạo tâm bất thoái chuyển cũng nhờ tăng thượng duyên này. Những pháp mà các loài chim này thuyết là những pháp trọng yếu của người tu hành nhập đạo. Các pháp ngũ căn, ngũ lực ..., như thị đẳng pháp chính là 37 phẩm trợ đạo. Muốn chứng đạo quả mà bỏ qua 37 phẩm trợ đạo này có khác chi mò trăng đáy nước. Như trong luận Đại Trí Độ xác quyết 37 trợ đạo phẩm vừa kể bao trùm vô lượng pháp môn, là căn bản hết thảy đạo pháp.

Năm 2004 xuất bản quyển Kinh A Di Đà sớ sao do Châu Hoằng thuyết và Tiến sĩ Nguyên Hồng dịch giải. Tác phẩm gồm phần trì tụng với nghi thức tiếng Việt, giải nghĩa bằng bản dịch kinh A Di Đà sớ sao, chú thích bằng bản dịch các từ Phật học. Tác phẩm có 503 trang. Đây là một trong nhiều tác phẩm nghiên cứu về kinh A Di Đà một cách tỉ mỉ và tương đối dễ hiểu. Tác phẩm Kinh A Di Đà sớ sao do Châu Hoằng thuyết và Tiến sĩ Nguyên Hồng dịch giải nhấn mạnh: tín nguyện, hạnh được coi như hành trang không thể thiếu khi cất bước trên con đường về Tịnh độ. Ba hành trang này như đỉnh ba chân dù thiếu một cũng không được. Tín chính là tin chúng sanh và Phật không hai. Chúng sanh niệm Phật nhất định vãng sanh, cứu cánh thành Phật. Như trong kinh nói “các ông hãy tin nhận lời ta nói”. Nguyện chính là không chỉ tin suông mà phải như đứa con nhớ mẹ, triều mến ngóng trông, nên quyết ý muốn vãng sanh. Như trong kinh nói “cần phải phát nguyện sinh về nước ấy”. Hạnh nghĩa là không phải nguyện một cách trống trơn không là gì cả mà phải tinh tiến niệm niệm nối nhau không gián đoạn. Như trong kinh nói “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”.

Năm 2006 Thích Tuệ Hải hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Lược giải kinh Di Đà tại chùa Long Hưng, nhà xuất bản Tôn giáo. Tác phẩm có 155 trang bao gồm những nội dung như sau, phần 1 nhân duyên lý giải kinh Di Đà, Phần 2 lược giải kinh Di Đà, phần 3 là phần kết luận.

Năm 2006 Nguyên Tánh dịch tác phẩm Kinh A Di Đà Phật. Tác phẩm Kinh A Di Đà này gồm có chữ Hán, âm Hán Việt, Việt ngữ, Anh ngữ giúp người nghiêm cứu dễ dàng đối chiếu ngôn ngữ.

Nhóm Tuệ Quang biên dịch các tác phẩm liên quan kinh A Di Đà như: tác phẩm Kinh đại A Di Đà Phật được Thích nữ Liên Hương Việt dịch năm 2006; tác phẩm A Di Đà cổ âm thanh vương đà la ni kinh ra đời năm 2007. Tác phẩm do Thích nữ Chơn Tịnh Việt dịch; Năm 2007 tác phẩm Kinh Phật thuyết A Di Đà tam da tam Phật tác lâu Phật đàn quá độ nhân đạo ra đời. Tác phẩm do Thích Tuệ Quảng Việt dịch. Các tác phẩm này đều được Thích Phước Nghiêm biên tập và lưu trong Đại tạng kinh Việt Nam.

Năm 2008 hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Lược giải kinh A Di Đà. Tác phẩm này với nguyên tác bằng văn bạch thoại của tác giả Ngô Đức Trọng được Thích Thiện Phước chuyển sang Việt ngữ. Quyển sách Lược giải kinh A Di Đà với ngôn từ ngắn gọn dễ hiểu nhưng nghĩa lý thật sâu xa đã tạo nên sự thu hút và giá trị cao cho tác phẩm, bên cạnh đó tác phẩm kết hợp những tranh ảnh để người đọc dễ hiểu và dễ hình dung.

Năm 2009 Thích Hạnh Tuệ và Thích Thanh Quế cho ra mắt các sách thực giải về những bộ kinh quan trọng trong đời sống tu học của Phật giáo Việt Nam như Kim Cang, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng già, Hoa Nghiêm, Địa Tạng, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Phổ môn, Pháp hoa, Di giáo, Tứ niệm xứ, Duy thức tam thập tụng. Đặc biệt trong loạt sách này có tác phẩm kinh Di Đà thực giải với lời văn cô động nhưng vẫn rõ nghĩa nên nhận được nhiều sự quan tâm của đọc giả.

Năm 2009 khóa hạ mậu tý (in và lưu chiểu năm 2012) tác phẩm Kinh Di Đà lược giải viên trung sao được Thích Phổ Tuệ dùng để giảng cho hạ trường Tăng Ni thuộc tỉnh Hà Tây cũ và được các học chúng ghi chép lại. Sau đó Thích Tiến Đạt chùa Cư Đà xin ấn tống lại để làm tài liệu. Tác phẩm Kinh Di Đà lược giải viên trung sao được xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Tác phẩm có 306 trang tương đối dễ hiểu và gần với đời sống tu tập của hành giả, mang giá trị về mặt nghiên cứu học thuật và tu tập tâm linh. Nội dung tác phẩm gồm có: lời tựa, lời dẫn đầu khắc ván, Di Đà lược giải viên trung sao tựa, Phật thuyết A Di Đà kinh lược giải tựa, trình bày duyên khởi, trình bày tên kinh, thể của kinh, tông yếu kinh, lược nội dung kinh, Di Đà lược giải viên trung sao quyển trên và Di Đà lược giải viên trung sao quyển dưới.

Năm 2011 xuất bản quyển sách Kinh A Di Đà bạch thoại giải thích tại nhà xuất bản Phương Đông. Kinh A Di Đà bạch thoại giải thích là bản dịch từ tác phẩm của Huỳnh Trí Hải và được Thích Trí Minh Việt dịch. Nội dung tác phẩm gồm kinh văn, âm, nghĩa, giải thích và tóm tắt lại phần giải một vài câu để người đọc dễ nắm bắt nội dung chánh. Cuối cùng có phần giải thích danh từ trong bài học để người mới tìm hiểu có thể dễ tiếp cận hơn. Trong tác phẩm có đoạn nhầm nhấn mạnh tính quan trọng của Kinh A Di Đà như sau: “thánh giáo Thế Tôn chỉ có Hoa nghiêm là vua trong ba tạng. Trong đó Hoa Nghiêm thuyết minh về việc một đời viên mãn Phật quả. Trọng tâm của việc viên mãn ở quyển cuối bộ Đại Hoa nghiêm là Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện. Trong mười nguyện ấy đều nguyện về an dưỡng (một tên khác của cõi cực lạc).

Để tưởng niệm đức Thế Tôn thành Đạo năm Tân mão (2012) Thích Minh Điềm hoàn thành tác phẩm Lược giải kinh A Di Đà với 62 trang. Nội dung tác phẩm gồm có: lời tựa, phần lược giải và cuối cùng là kinh A Di Đà bằng chữ Hán. Trong phần lược giải có chánh văn, giải thích từ ngữ, lược giải và chú thích. Tác phẩm tương đối dễ hiểu và chi tiết vì những từ khó đã được giải thích rõ cũng như những ý chánh kinh đã được làm sáng tỏ cụ thể ở phần lược giải.

Năm 2012 Thích Trí Quang biên tập, tác phẩm mang tựa đề Tôn kính đức A Di Đà, nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nội dung gồm hai phần là hành pháp kinh Di Đà và kinh Đại Di Đà. Tác phẩm có 302 đây là một trong những bản dịch thuật mang màu sắc trí thức với dạng nghiên cứu học thuật cao.

Năm 2012 ấn hành tác phẩm Những bản văn căn bản của Phật giáo Tịnh độ (A Di Đà) Nhật Bản. Tác phẩm này được dịch tại Úc Châu với tác giả Việt dịch là Thích nữ Như Điển dịch từ bản tiếng Đức ra bản tiếng Việt có so sánh với bản tiếng Nhật. Tác phẩm dài hơn 330 trang với nhiều nội dung quan trọng đáng chú ý.

Năm 2013, Thích Hạnh Tuệ và Thích Thanh Quế biên soạn kinh A Di Đà thực giải. Bản thực giải này nằm trong seri các bản thực giải các bộ kinh quan trọng và phổ biến nhất ở Việt Nam với chủ trương giải thích kinh luận một cách trực tiếp, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành hướng cho người đọc thời hiện đại dễ dàng tiếp nhận, thực hành Phật giáo.

Năm 2019 Thích Thái Hòa hoàn thành tác phẩm Phật thuyết A Di Đà kinh. tác phẩm có 660 trang rất đầy đủ, rõ nghĩa và có thể trở thành một trong những quyển sách quan trọng cho đọc giả khi nghiên cứu về kinh A Di Đà. Tác phẩm Phật thuyết A Di Đà kinh này là kết quả của tác giả với hơn 40 năm thọ trì, nghiền ngẫm, đọc tụng đối chiếu kinh A Di Đà với nhiều ngôn ngữ như Phạn ngữ, Anh ngữ, Hán ngữ cũng như các bản chú sớ của các bậc cao đức. Khi dịch tác phẩm này tác giả đối chiếu hai bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập và Huyền Tráng kết hợp các bản của các Ngài Khương Tăng Khải, Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Pháp Hiền, Khuy Cơ,.v.v.. để tham khảo thâm ý của kinh từ tuệ giác chứng nghiệm của các bậc tổ đức để khi luận giảng không rơi vào những tri kiến và kinh nghiệm chủ quan. Nội dung tác phẩm có những phần ấn tượng như: giáo hạnh lý quả, A Di Đà nhất tự chân ngôn, giới định tuệ trong kinh A Di Đà,.v.v.. cuối tác phẩm có phần ngữ vựng để giúp đọc giả dễ nghiên cứu đối chiếu.

Năm 2020 in và lưu chiểu quyển sách Thiết lập tịnh độ do Thích Nhất Hạnh giảng giải theo phong cách thiền. Tác phẩm Thiết lập tịnh độ này giống như cánh cửa giúp đọc giả mở ra khung trời mới để có thể nhìn ngắm thế giới Tịnh độ qua nhiều tầng nghĩa khi tiếp xúc với kinh A Di Đà. Đặc biệt trong tác phẩm thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh rằng: đọc kinh A Di Đà ta nghe nói Tịnh độ do đức A Di Đà sáng tạo ra bằng 48 lời nguyện của Ngài. Nhưng thật ra Tịnh độ là một sáng tạo phẩm cộng đồng không những của đức A Di Đà mà còn của dân chúng trong nước ấy có an lạc và thảnh thơi không. Dù đức Phật Di Đà có an lạc, yêu thương, vững chãi cách mấy nhưng chúng sanh trong ấy vẫn bận rộn, vẫn chưa nói được với nhau những lời ái ngữ thì cõi đó chưa thể gọi là cõi Tịnh độ. Cho nên, dù đang trong cõi Ta bà chưa sinh về Tịnh độ nhưng nếu chúng ta đi được từng bước vững chãi và thảnh thơi, nếu chúng ta biết sử dụng ái ngữ, biết thương yêu và đùm bọc cho nhau, thì Tịnh độ đã có thể có mặt ngay tại đây rồi và chuyện gia nhập vào cõi Tịnh độ của đức A Di Đà sẽ trở thành một chuyện rất dễ. Khi càng thực tập ta càng thấy rõ ràng rằng đức A Di Đà và cõi Tịnh độ là sáng tạo phẩm của tâm. Khi thuần thục rồi thì nếu ta đi đến đâu thì Tịnh độ xuất hiện ở đó.

Năm 2022 ấn hành tác phẩm Kinh A Di Đà của Đạo tràng Liên Hoa tại USA. Tác phẩm bao gồm kinh A Di Đà âm Hán Việt, Việt ngữ và Anh ngữ. Đây là một trong những bản dịch kinh A Di Đà với nhiều ngôn ngữ giúp người đọc có thể dễ so sánh đối chiếu.

Tác phẩm kinh A Di Đà được Thích Trí Quảng dịch. Tác phẩm này được tác giả dịch ngắn gọn với mục đích trì tụng. Kinh tụng A Di Đà này với văn phong có phần khác với những bản dịch trước kia và sau này, tuy ngắn gọn nhưng lại rất vần điệu dễ đọc tụng và dễ thuộc. Trong bản dịch có đoạn “cõi nước cực lạc dùng bảy thứ báo kiến tạo hạ tầng, xây dựng lầu các gồm cả vàng bạc, mã não, sang hô, hổ phách trân châu,...  này Xá Lợi Phất, ở nước Phật ấy mỗi khi gió nhẹ xao động hàng cây và màng lưới báo tạo ra âm thanh vi diệu hơn cả nhạc trời làm cho người nghe ưa thích niệm Phật niệm pháp niệm tăng”. Hiện tại đạo tràng Pháp Hoa do Thích Trí Quảng thành lập vẫn thường trì tụng quyển kinh A Di Đà dịch nghĩa này. 

Tác phẩm Yếu giảng kinh A Di Đà do Thích Thiện Tài soạn dịch. Tác phẩm có 144 trang với 29 bài giảng tương đối dễ hiểu. Tác phẩm Yếu giảng kinh A Di Đà giúp cho người đọc hiểu hơn về kinh Di Đà với nhiều phương diện như thâu kết nội dung ý nghĩa, hiểu rõ nghĩa chân thật Tịnh độ hay Phật A Di Đà là ai.v.v.. sau đó nêu âm nghĩa và giải thích từng đoạn.

Tác phẩm Phật Thuyết Kinh A Di Đà của Hòa thượng Tuyên Hóa lược giải và được nhóm Vạn Phập Thánh thành Việt dịch. Đây là một trong những tác phẩm tương đối dễ hiểu với lối hành văn gần gũi, cộng thêm uy tín của Hòa thượng Tuyên Hóa. Tác phẩm cũng nhận được rất nhiều sự đón nhận của đọc giả. Giai đoạn đầu sách này chỉ lưu hành nội bộ đến năm 2008 mới chính thức được xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn Giáo.

Kinh Phật thuyết A Di Đà do Tổng hội Phật giáo Pháp giới Vạn Phật thánh thành Việt dịch. Tác phẩm chỉ thuần Việt dịch tương đối ngắn gọn và dễ hiểu. Đầu tác phẩm có kệ khai kinh và cuối tác phẩm có kệ tán Phật A Di Đà.

Tác phẩm A Di Đà sớ sao diễn nghĩa của Pháp sư Tịnh Không chủ giảng, Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao, Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa, được Như Hòa chùa Bửu Quang chuyển ngữ. tác phẩm có 9 quyển mỗi quyển có trên dưới 600 trang có quyển lên tới hơn 900 trang. Đây là một công trình tương đối lớn về kinh A Di Đà và tư tưởng Tịnh Độ với những lời giảng bình dị mà uyên thâm của một vị cao tăng lỗi lạc ở Trung Hoa thời cận đại.

Kinh A Di Đà được hệ phái Khất sĩ chuyển qua thể kệ để tụng đọc rất vần điệu. Trong bản kinh có đoạn: “A-Di-Đà thậm thâm công đức/ Nên kinh này chư Phật hộ trì / Xá-Lợi, ngươi ý xét suy / Chư Phật hộ niệm kinh này cớ sao? Này Xá-Lợi, người nào nam nữ / Nghe kinh này tín sự phụng hành / Với nghe chư Phật kim danh / Đặng phần hộ niệm đạo thành chẳng lui”.

Ngoài ra còn vô số tác phẩm được dịch giải, chú sớ, giảng nghĩa, và các luận án, bài viết,.v.v..liên quan kinh A Di Đà và Tông Tịnh Độ cũng như thế giới Cực lạc đơn cử như: Tịnh Tông nhập môn, Khai thị niệm Phật, Vãng sanh luận,.v.v.. của Hòa thượng Tịnh Không; Quê hương cực lạc của Hòa thượng Trí Tịnh; Xác minh vấn đề sự niệm Phật, Niệm Phật mật nghĩa, Bất thiểu thiện căn.vv.. của Thích Thiện Huệ,..v.v.và còn vô số tác phầm của chư vị tiền bối khác. Như vậy,  kinh A Di Đà luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với phần lớn chư vị tổ sư, các bậc cao tăng, nhà nghiên cứu... của Tịnh Độ tông và các học giả muốn tìm hiểu nghiên cứu về tông này. Cho nên từ xưa đến nay kinh A Di Đà luôn được tiếp nối dịch thuật, chú giải, giảng nghĩa... dần xây dựng thành công trình tri thức đồ sộ về hệ thống tư tưởng kinh A Di Đà. Mỗi một tác phẩm lại có chỗ sở đắc và góc độ tiếp cận riêng của từng tác giả. Trên nền tảng đó, công trình dịch thuật giảng giải này không những đồ sộ về mặt số lượng mà còn phong phú về cách tiếp cận, ngữ nghĩa những hình ảnh ẩn dụ trong kinh, song song đó còn đa dạng về các tầng nghĩa sâu mầu với nhiều góc độ thông qua sự nghiên cứu, tu tập thực chứng của chư vị tiền bối. Những Công trình tri thức ấy dần trở thành vô giá đối với thế hệ sau.

Theo lời giới thiệu của đức Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà: Thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cùng y báo chánh báo trang nghiêm thù thắng. Ở đây chúng sanh ngày đêm sáu thời được nghe pháp, tu tập, cúng dường, thọ thực, đi kinh hành... đặc biệt được gần chư thượng thiện nhân. Đây là những tăng thượng duyên để chúng sanh trên đó có thể bất thối chuyển nơi đạo Bồ Đề, được chân thật an lạc nên gọi là cực lạc. Thế giới ấy là sáng tạo phẩm do hạnh nguyện và công đức thù thắng của đức Phật A Di Đà cùng những chúng sanh được hóa sanh lên ấy. Những điều kiện vãng sanh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà nhất tâm bất loạn và đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên. Với phương pháp tu tập là tín - hạnh - nguyện kết hợp tu tập giới - định - tuệ để chuyển hóa tham sân si trên nền tảng các pháp tu trợ đạo như 37 phẩm trợ đạo, thiền định.... Khi tu tập thuần thục như vậy, hành giả xây dựng được tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ “tịnh độ là lòng trong sạch/ Di Đà là thể tánh sáng soi”. Được như vậy thì dù người đó đi đến đâu nơi ấy cũng biến thành Tịnh độ. Quốc độ tương lai của hành giả được định đoạt bằng ngay chính tại trần gian này. Khi thực tập được như vậy thì lúc mạng chung nhất định sẽ vãng sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà. Trong kinh nhấn mạnh về những điều kiện để vãng sanh. Điều kiện quan trọng để vãng sanh là khi hành giả đầy đủ phước báo nhân duyên thì có thể đắc sanh bỉ quốc. Vậy như thế nào là đầy đủ phước báo nhân duyên Đại sư Thái Hư nói rằng: thế nào là nhiều thiện căn, nhiều phúc đức để được sanh về Cực lạc? thông thường nghĩ thiện căn là tâm Bồ Đề mình có năm căn là tín, tiến, niệm, định, tuệ. Pháp tu Tịnh độ là pháp môn rất khó tin. Người nào có tâm tin sâu mới chịu dốc lòng phát nguyện sinh ở Tịnh độ chỉ người ấy mới có đủ thiện căn (đã có tín căn và tấn căn). Lại thêm có tâm niệm Phật luôn luôn không ngừng là có niệm căn. Niệm mãi thì tâm trở về với định là định căn. Thế là năm thiện căn đã có bốn chỉ còn chờ đợi ngày vãng sanh Tịnh độ. Nếu có thể thì trước khi sinh về Tịnh độ có thể tỏ ngộ “vô sanh” ấy là huệ căn. Như vậy năm căn đầy đủ lại tu thêm các pháp tư lương Bồ đề là bố thí, trì giới,.v.v.. cho có được nhiều phúc đức thì mới đúng nghĩa là “đa thiện căn, đa phúc đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Ngoài ra hành giả cũng phải “nhất tâm bất loạn” tức giữ gìn chánh định. Do đó có sự xuất hiện của phương pháp thiền tịnh song tu.  Kỳ thực, khi thực hành niệm Phật là đã có sự xuất hiện của định tâm tĩnh lự tức là khi tu tịnh đã có thiền. Những chư vị tổ sư vì sự chấp mắc danh tự và pháp môn của chúng sanh nên mới nói thiền tịnh song tu. Kỳ thực trong tịnh đã có thiền. Ngài Thái Hư đại sư từng nói với Tuệ Nhuận rằng: khi tu Tịnh Độ đến chỗ nhất tâm bất loạn thì thiền tông của Ngài Quan Thế Âm hay của Ngài Đại Thế Chí cũng ở cả trong ấy.

3. Tạm kết

Tóm lại, Kinh A Di đà nói riêng hay tư tưởng Tịnh độ nói chung đã tạo dựng được phong trào lớn mạnh với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.... cũng có rất nhiều chư vị tổ sư, chư tăng, tín đồ Phật tử đã ngộ đạo, vãng sanh với những điềm lành khi tu tập theo phương pháp này. Việt Nam là một trong những nước có số tín đồ tụng đọc kinh A Di Đà và tu tập theo giáo lý Tịnh Độ tương đối nhiều. Hiện nay bài kinh gần như được trì tụng thường xuyên nhất tại các tự viện từ miền Bắc, niềm Trung đến miền Nam chính là kinh A Di Đà. Pháp môn niệm Phật cũng có thể nói là pháp môn được nhiều hành giả lựa chọn để hành trì. Kinh A Di Đà không chỉ với niềm tin chạy trốn thực tại khổ đau để sanh về cõi khác an vui mà có thể đứng vững như vậy với bao thế kỷ đi qua. Kỳ thật bản kinh A Di Đà tuy rất ngắn nhưng chứa đựng giáo lý uyên áo trọng tâm của Phật Đà lại có thể phổ cập mọi tầng lớp tín đồ. Nếu như hệ thống Bát Nhã với tâm kinh Bát Nhã làm bài kinh tóm yếu hệ tư tưởng thì giáo nghĩaTịnh độ có kinh A Di Đà làm bản kinh tóm lược hệ thống giáo lý ấy.

Sự viên thông giữ lý và sự cùng những hình ảnh ẩn dụ và hiện thật đã xây dựng nên niềm tịnh tín về thế giới cực lạc ở phương tây cũng như thế giới cực lạc trong tâm thức mỗi hành giả. Khi một tâm thức mà không có pháp hành trì thì chắc chắn là nó chạy lung tung và một tâm thức xao động bất an như vậy là một tâm thức vô cùng bất hạnh. Hòa thượng Thích Minh Thông - bậc tôn túc lão thông luật tạng thời hiện đại cũng đã nhiều lần khẳng định và khuyên mọi người trên con đường tu học nên chọn điểm tựa tinh thần cho mình.

Điểm tựa ấy là phương tiện giúp tâm vọng có chỗ nương khi chúng sanh hiện tại chưa thấy và sống được với tâm chơn. Đức Phật tùy theo căn cơ mà dạy rất nhiều phương pháp giúp vọng tâm yên lắng. Một trong các con đường ấy không gì hơn là pháp môn niệm Phật A Di Đà vì hạnh nguyện của Ngài phù hợp với căn cơ và nghiệp lực của chúng sanh trong thời mạc pháp này. Như vậy, dù trải qua thời gian lâu xa với bao cuộc chiến tranh tàn phá hay sự chống quá nghi ngờ của ngoại đạo hay thậm chí chịu sự nghi ngờ của chính cộng đồng Phật giáo. Nhưng kinh A Di Đà vẫn có thể đứng vững và khẳng định vị trí của mình trong lòng tín đồ Phật tử. Đây có thể là câu trả lời tốt nhất giải tỏa tất cả sự nghi ngờ.

Nghi thức tụng kinh A Di Đà Việt nghĩa chuẩn nhất

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Niềm tin và sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo

Nghiên cứu 15:10 02/05/2024

Mục đích bài viết nhằm phân tích để thấy rõ niềm tin của con người và sự khủng hoảng về niềm tin Phật giáo hiện nay, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt hơn trong tương lai.

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

Xem thêm