Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 19/09/2017, 10:37 AM

Kính lão đắc thọ

Kính lão đắc thọ là thành ngữ của người Việt Nam có ý khuyên chúng ta nên kính trọng người lớn tuổi hơn mình, thì sau này chúng ta lớn tuổi cũng sẽ được thế hệ sau kính trọng. Ngày nay, xã hội rơi vô tình trạng lớp trẻ không kính trọng người lớn. Nếu hiểu theo luật nhân quả, sở dĩ người lớn hôm nay không được kính trọng vì trước kia, họ đã từng đối xử không tốt như vậy với người lớn.

Vì vậy, trong đạo tràng chúng ta, nếu có ai lớn tuổi mà thế hệ trẻ và con cháu trong gia đình không kính trọng, thì hãy nhớ lại xem trước kia mình có kính trọng ông bà cha mẹ hay không; nếu trong hiện đời mình biết kính trọng các bậc Trưởng lão mà vẫn không được người nhỏ quý kính, thì nên quán tưởng đời trước mình có phạm tội bất kính với người lớn hay không. Nếu có thì nên sám hối, không nên nổi giận; vì mình đã phạm lỗi lầm này.

Đức Phật dạy rằng tất cả mọi việc xảy đến với chúng ta đều phát xuất từ luật nhân quả ba đời, không phải một đời. Thuở nhỏ, tôi đã đọc câu chuyện người nông dân làm một chiếc xe. Đứa con hỏi bố nó làm xe để làm gì. Người cha trả lời rằng để đưa ông nội lên vùng tuyết phủ cho gấu trắng ăn thịt. Đứa con mới nói sau khi đưa ông nội đi rồi, bố nhớ đưa xe này cho con, mai mốt con cũng dùng chiếc xe này để chở bố lên vùng có tuyết cho gấu trắng ăn thịt bố. Câu chuyện ngụ ngôn này muốn nói rằng những gì chúng ta làm cho người trước thì người sau sẽ làm cho chúng ta như vậy. Vì vậy, nếu ta biết kính trọng, giúp đỡ người lớn tuổi thì mai kia sẽ được thế hệ kế tiếp kính trọng chúng ta.

Thiết nghĩ chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn rằng về mặt xã hội, người lớn tuy có thể không bằng ta về học vị, về khả năng làm việc; nhưng ta vẫn kính trọng họ được về tuổi tác. Ngoài ra, người lớn là đạo đức lớn hơn chúng ta và trí tuệ vượt hơn chúng ta; cho nên ta kính trọng là kính trọng đạo đức và trí tuệ của họ. Dù họ nhỏ tuổi hơn ta, nhưng sự uyên bác của họ, sự nghiêm túc tu hành của họ hơn ta. Vì vậy, ta kính trọng trí hiểu biết và thành quả tu hành của họ.

Trong Phật giáo, Xá Lợi Phất là người lớn tuổi được gọi là Trưởng lão; nhưng La Hầu La cũng được gọi là Trưởng lão. Thuở nhỏ, tôi ngạc nhiên vì Xá Lợi Phất là vị Thầy thế phát xuất gia cho La Hầu La, nhưng tại sao La Hầu La cũng được tôn kính là Trưởng lão bằng với Xá Lợi Phất. Sau này tôi mới nhận ra trong con người trẻ tuổi của La Hầu La đã tiềm ẩn tư chất của vị Trưởng lão, vì ngài có tinh thần ham tu, ham học vượt trội, không ai sánh bằng. Thực tế cho thấy có người lớn, nhưng không đắc quả, vì không tu, không học. Còn La Hầu La thì mỗi sáng bốc một nắm cát tung lên trời, người không biết mới nghĩ rằng ngài nghịch ngợm; nhưng trong thâm tâm, làm như vậy để tự nhắc rằng còn có vô số việc không biết, thì phải lo học, học mãi cho đến khi đạt được Vô thượng Bồ đề, không có gì không biết mới thôi. Thấy bề ngoài có vẻ hơi nghịch của cậu bé, nhưng bên trong ngài là sự nỗ lực phát huy trí giác không ngừng. Ngài học ở Thầy, ở bạn và học được bao nhiêu, ngài vào Thiền định để gạn lọc lại. Điều này thể hiện việc học được kết hợp với việc tu hành; nghĩa là học kinh nghiệm của người đi trước, nhưng phải biết ứng dụng trong thực tế cuộc sống của mình để gạn lọc thân tâm cho thanh tịnh. Vì pháp Phật nhằm thanh tịnh hóa thân tâm, không phải học nhiều để bị kẹt pháp làm tâm rối thêm, làm thân trở thành bệnh.

Học theo La Hầu La là như vậy, nhắc chúng ta nghe pháp và trong Thiền quán, dùng pháp đối trị tâm, chuyển hóa tâm thành trong sạch để đạt được trí tuệ vô lậu. Với cách học hoàn toàn đúng đắn, cho nên La Hầu La đã đắc quả vị A la hán ở tuổi trẻ nhất, trong khi các Trưởng lão khác phải có quá trình tu học rất lâu; còn La Hầu La đắc Thánh quả từ khi chưa đủ tuổi làm Tỳ kheo.

Thuở nhỏ, tôi nghe Hòa thượng Tắc Phước kể về La Hầu La, tôi chợt nhận ra trong con người trẻ tuổi của La Hầu La đã hàm chứa tư cách của bậc Trưởng lão già dặn trong đạo và tôi lấy đó làm tấm gương tiến thân cho mình. Có một lần đức Phật bảo các Trưởng lão đi độ vua Ba Tư Nặc, họ đều từ chối; nhưng La Hầu La còn là Sa di mà đã nhận trách nhiệm Phật giao, thể hiện rằng Ngài đã đắc Thánh quả khi còn là Sa di. Câu chuyện Ngài độ vua Ba Tư Nặc rất đơn giản. La Hầu La gọi Sa di Kiết Tường cùng đi với Ngài tới bãi biển và cởi y xuống tắm biển. Lúc đó, vua Ba Tư Nặc đứng trên lan can lâu đài nhìn ra bãi biển, thấy hai chú tiểu đang đùa giỡn dưới nước. Ông vội vàng nói với hoàng hậu ra xem Thầy của bà như vậy đó. Hoàng hậu rất kính trọng Chư tăng, nhưng trước cảnh đó, bà chỉ biết im lặng. Khi hai huynh đệ tắm xong, đắp y vào, rồi vận thần thông bay về tinh xá. Khi hai Sa di này bay ngang qua mặt vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu, bà liền nói với vua rằng bệ hạ coi Thầy của tôi tài giỏi vậy đó.

Còn là Sa di, tôi nghe câu chuyện này rất thích thú và cố gắng lập chí tu hành theo La Hầu La, để phát huy được thế mạnh của tuổi trẻ là tài năng, trí tuệ và đạo đức thì đã đầy đủ tư cách của vị Trưởng lão.

Có ba thứ Trưởng lão, một là tuổi tác lớn được kính trọng, hai là đạo đức lớn thì dù tuổi nhỏ cũng được kính trọng và ba là có trí tuệ lớn cũng được kính trọng.

Ở Nhật Bản tu học, tôi nhận ra ý nghĩa của tinh thần Bồ tát. Người Nhật tự khẳng định rằng họ tu Đại thừa, thì kính trọng người lớn tuổi là điều đương nhiên; nhưng với họ, bậc Trưởng lão có trí tuệ và có đạo đức mới quan trọng hơn trong đạo và trong xã hội. Vì tuổi tác lớn và tu lâu, nhưng không làm được gì cho thế hệ sau bắt chước thì không nên. Tuổi lớn mà tâm nhỏ và trí kém sẽ bị người ta chê bai là người già lẩm cẩm.

Vì vậy, ta kính trọng người lớn tuổi, nhưng đạo đức lớn quan trọng hơn. Trong xã hội, nhiều người có đạo đức lớn là điều quý báu; trong đạo cũng vậy, có nhiều người đạo đức lớn thì đạo sẽ thịnh. Khi tôi ở Nhật về nước, lúc đó thầy Minh Phát còn là Sa di, chưa tới 20 tuổi, nhưng được nhiều người kính trọng; trong khi một số vị lớn mà không thành công bằng chú Sa di này. Theo tinh thần Đại thừa, kiếp này thầy còn nhỏ, nhưng trong những kiếp trước, thầy đã là người tu nhiều đời, nên tuy mang hình tướng trẻ mà đạo đức bên trong lớn rồi.

Nhận thức như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người Tây Tạng thường nhận các vị Lạt Ma tái sinh còn rất trẻ mà họ tôn làm lãnh đạo. Tôi sang Trung Quốc, thấy vị Lạt Ma quá trẻ, mới 20 tuổi, nhưng được các Lạt Ma khác kính trọng lễ bái, vì họ cho rằng vị này là Ban Thiền Lạt Ma tái sinh.

Người đạo đức lớn và trí tuệ lớn, đã tu hành nhiều đời, nay tái sinh mang thân nhỏ tuổi mà thực ra tuổi đạo họ đã lớn. Theo Thanh văn, tuổi đạo được kể từ ngày thọ giới Tỳ kheo; nhưng theo Đại thừa, tính tuổi đạo từ ngày phát tâm Bồ đề. Người đã phát tâm một kiếp cho đến mười kiếp trước, nên tái sinh lại, họ thể hiện ngoại hình giải thoát và đạo đức lớn. Như vậy, kính lão là kính trọng tuổi tác già nua của người lớn để sau này, chúng ta cũng được tôn kính. Và thứ hai là theo Đại thừa, người trẻ, nhưng đức hạnh và hiểu biết của họ lớn thì càng quý hơn.

Trong gia đình, chúng ta thấy các bậc trưởng thượng của mình từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ cho đến anh chị tạo thành cây nhân sinh có cùng một cội gốc. Quán sát sự hiện hữu của chúng ta qua cây nhân sinh này sẽ thấy có hai phần, một là thấy được gene di truyền của chúng ta, tức trong thân này của ta có sự di truyền của cha mẹ, của ông bà, của tổ tiên mình, tất cả đã hội nhập vào con người ta. Phần thứ hai quan trọng hơn, đó là ta mang di truyền tâm linh của gia đình mình. Và tâm linh cũng có hai phần, một là phần di truyền của vọng thức, gọi là nghiệp. Nghiệp của tổ tiên, của ông bà, của cha mẹ ở trong con người ta hôm nay. Phần tâm linh thứ hai rất quan trọng là căn lành.

Trên bước đường tu hành, chúng ta sẽ phát hiện được sự kết nối của di truyền vọng thức với mình. Điều này thể hiện rõ nét qua việc Mục Kiền Liên vào định, ngài đã nhận ra người mẹ đang bị đọa ở chốn ngạ quỷ. Có bao giờ quý vị nhận ra huyết thống của ông bà, cha mẹ chúng ta trong chốn sinh tử hay không. Riêng tôi, trong Thiền quán đã nhận ra điều này. Tự nhiên tôi cảm thấy lòng buồn man mác thoáng qua thôi, nhưng kiểm tra lại sự kiện thực tế trên cuộc đời này thì không có gì để mình buồn. Tuy nhiên, khi kiểm tra tâm linh thì nhận ra được huyết thống và nghiệp của ông bà tác động đến tôi. Thật vậy, khi tôi vụt nhớ đến người nào trong gia đình, tôi linh cảm có sợi dây vô hình đang kết nối họ với tôi; vì vật chất và vô hình có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, cho nên nếu không có vật thể thì vô hình sẽ không thể hiện vào được.

Nhờ vật thể là gene di truyền của chúng ta, hay huyết thống của chúng ta có liên tục, thì làn sóng điện của cha mẹ, ông bà, tổ tiên sẽ nương theo đó mà tác động vô tâm chúng ta, làm rung động tâm ta, khiến ta có cảm nhận buồn hay vui. Vì vậy, nếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ tái sinh trong thế giới lành và tu hành được công đức, thì công đức đó cũng đánh thẳng làn sóng điện vào tâm chúng ta sẽ khiến lòng ta cảm thấy an lạc.

Nhận thức sâu sắc lực nối kết như vậy, chúng ta sẽ thấy thân tứ đại nhiều lúc mình nhàm chán nó, nhưng thật sự nó rất cần thiết cho ta, giúp ta nhận được lực vô hình, cũng giống như nhờ máy vi tính mà chúng ta tải được thông tin từ khắp thế giới chuyển về.

Thân tứ đại cũng vậy, nhờ nó mà chúng ta nhận được những tín hiệu của người thân, của bạn bè, hay của chúng sinh gửi về cầu cứu, hoặc chia sẻ; nhưng chỉ tại chúng ta không phát huy đời sống tâm linh, nên không nhận được, hoặc chúng ta chỉ nhận được sự buồn vui từ thế giới vô hình gửi đến nhưng không giải mã được, nên không biết đó là cái gì. Nếu siêng tu pháp Phật, chúng ta sẽ giải mã được, gọi là chứng được Túc mạng minh. Còn đức Phật thì giải mã được tất cả sự gắn kết của chúng sinh với Ngài như thế nào trong vô lượng kiếp.

Giữa ta và nhiều người trong nhiều đời có mối quan hệ sâu xa có thể giải được như sau. Một là mối quan hệ về huyết thống. Nếu ông bà hay cha mẹ của người nào tu đắc đạo thì người đó vào đạo rất dễ; vì trong gene di truyền của họ đã có phần tu này rồi. Hoặc người làm cách mạng không có niềm tin tôn giáo, nhưng trong gene di truyền của họ đã có hạt giống tu hành rồi. Điển hình như gần đây, tôi gặp Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù là người Cộng sản, nhưng tôi thấy tâm đạo của ông rất lớn và tự nhiên nhận thấy nơi ông hình ảnh Hòa thượng Trường Lạc. Tôi mới hỏi ông có quen Hòa thượng Trường Lạc không. Ông đáp rằng đó là ông nội của ông. Như vậy, ông này đã thừa hưởng cái gene của ông nội là Hòa thượng Trường Lạc, người đã tu chung với tôi 50 năm trước. Những người trong dòng họ biết tu thì họ sẽ hiện vào trong tâm của người thân, nếu có trực cảm dễ nhận ra điều này.

Ngoài phần nối kết bằng huyết thống vật chất, chúng ta còn có huyết thống tâm linh là căn lành, hay căn tu rất quan trọng. Có thêm huyết thống thứ hai này mới gắn kết được với Phật và tiến tu tốt đẹp được.

Người không có căn lành, không đắc đạo thì dù có tu cũng chỉ có thể trồng căn lành thôi, nếu có niềm tin. Người đã trồng căn lành là nhiều đời đã tu, hay có nối kết với người tu; cho nên căn lành đó mới thôi thúc họ tu hành miên mật.

Hệ thống nối kết thứ hai này không nằm trong hệ thống dòng họ, mà tôi cảm giác nó thuộc về vô hình. Khi sang Nhật tu học, Hòa thượng Ito là Trưởng ban Phật giáo Quốc tế của Phật giáo Nhật Bản. Tôi thấy ông thì sinh tâm kính trọng và ông cũng rất thương tôi. Mặc dù chúng tôi không cùng một quốc tịch, nhưng tôi có cảm giác giữa ông và tôi có mối quan hệ đặc biệt về vô hình.

Về sau, Hòa thượng Ito nói với tôi rằng tôi và thầy tuy khác dòng họ, khác huyết thống, khác quốc gia; nhưng có cái chung là đã cùng ở hội Linh Sơn. Nghĩa là ông khẳng định chúng tôi đã cùng nghe pháp ở hội Linh Sơn và tái sinh lại ở hai quốc gia khác nhau, nhưng đều tôn kính Phật là nhất.

Ngoài huyết thống dòng họ, chúng ta có quyến thuộc Bồ đề, hay huyết thống Bồ đề không cần nói, nhưng hiểu nhau và kính trọng nhau. Nếu có quyến thuộc như thế cùng làm bạn tu hành, chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Có được bậc trưởng thượng theo tinh thần này ở trong đạo lại càng quan trọng hơn.

Đương nhiên chúng ta kính trọng người lớn trong gia đình và trong xã hội, nhưng chúng ta còn có huyết thống Bồ đề đưa chúng ta ra khỏi sinh tử. Vì vậy, Ngài Nhật Liên nói rằng ơn Tam bảo lớn nhất, vì Ngài nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của huyết thống Bồ đề.

Ngày nay, người ta tu hành không đạt được kết quả, vì chỉ đi theo hình thức, không đi theo con đường tắt là huyết thống tâm linh mà phải vào Thiền quán mới nhận ra được. Thật vậy, đức Phật Thích Ca cách chúng ta hơn hai ngàn năm, nhưng chỉ một niệm tâm thanh tịnh là chúng ta nhận được sự nối kết thân thương với Ngài. Chẳng những với đức Phật Thích Ca, mà cả đối với chư Phật quá khứ như Tỳ Bà Thy, Nhật Nguyệt Đăng Minh, Oai Âm Vương, trong một niệm tâm thanh tịnh, chúng ta cũng nhận được mối tương quan mật thiết.

Nhật Liên Thánh nhân nói rằng theo lịch sử hiện thực cũng tốt, nhưng nếu biết phát triển phần lịch sử tâm linh để tu thì tốt hơn nhiều. Trong lịch sử tâm linh, sẽ thấy được các vị Trưởng lão hiện hữu đầy đủ. Khi chúng ta phát tâm Bồ đề, sẽ nhận diện được chư Bồ tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và Bồ tát Đẳng giác cho đến trên hết là chư Phật. Nói cách khác, thấy người lớn trong đạo thì trí tuệ và đạo đức của chúng ta mới lớn được. Kính trọng những ông bà lão trên trần gian này, chúng ta sẽ được tuổi thọ của trần gian. Kính trọng những vị Trưởng lão trên con đường tâm linh, thì tâm linh chúng ta mới lớn dần cho đến thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Thích Trí Quảng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm