Kinh luân là gì? Khi nào sử dụng kinh luân và những lợi ích của thực hành kinh luân?
Ở Tây Tạng trước đây, bất kỳ nơi đâu bạn đi qua, bạn sẽ bắt gặp mọi người nhất là người già, tay quay kinh luân từ sáng đến tối, trong lúc miệng đọc tụng câu chú Om Mani Padme Hum (là câu kinh Tây tạng bằng tiếng Phạn đầy năng lực) để làm vơi nỗi khổ của mọi chúng sanh.
Lẽ sống của đời tôi là bảo tồn cả văn hóa và Phật giáo Tây Tạng. Kinh luân là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa và thực hành tâm linh Phật giáo Tây Tạng. Mặc dù sanh ra và lớn lên ở Tây tạng, nhưng hiện nay tôi sinh sống tại nước Mỹ và quanh tôi là những học trò thông thạo công nghệ máy tính mà tôi không thể tưởng tượng ra khi còn ở quê nhà.
Mục đích ban đầu của thực hành kinh luân của truyền thống Phật giáo Tây tạng là xoa dịu mọi chúng sanh đang đau khổ. Với việc thực hiện một kinh luân Tây tạng ở tu viện Sakya, chúng tôi đã nối kết sự tuyệt hảo của thực hành tâm linh Tây tạng với công nghệ máy tính hiện đại bậc nhất để tạo ra một “nghi thức của nghệ thuật mới” qua sự kết hợp tâm linh – công nghệ hiện đại hoặc như đệ tử của tôi Chuck Pettis gọi vắn tắt là ‘Tibet-Tech’.
Kinh luân lớn nhất ở Tây tạng, Om Mani Dunkhor, chứa 100 triệu thần chú Mani.
Kinh luân Tibet-Tech, nhỏ gọn nhưng chứa đựng số lượng thần chú nhiều hơn bất kỳ những cái đã từng được làm trước đây. Với 1,349,580,000,000 thần chú trong mỗi vòng quay, Kinh luân Tibet-Tech có khả năng tạo ra vô số công đức, niềm an bình và từ ái vô biên xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sanh.
Việc chú tâm quay kinh luân với số lượng 1,300 tỷ thần chú tạo ra một lượng công đức và lợi lạc tương đương với việc trì tụng 1,300 tỷ thần chú. Điều này được thành tựu nhờ quay kinh luân theo chiều kim đồng hồ sẽ kích động và phóng xuất năng lực của những thần chú bên trong. Giả sử tụng một câu chú mất một giây, thì phải mất xấp xỉ 42,776 năm để đọc tụng 1,300 tỷ câu chú. Nhưng chỉ với một lần quay, kinh luân Tibet-Tech (100 vòng / 1 lần quay) sẽ phát ra 27,000 thần chú cho mỗi người trong số 5 tỷ người trên hành tinh. Nếu xếp nối đuôi nhau, những câu chú này sẽ trải dài từ trái đất đến mặt trăng rồi quay lại được 607,500 lần!
Để hiểu rõ năng lực của các kinh luân, chúng ta phải thấu hiểu năng lực của các thần chú (mantra). Chữ mantra bắt nguồn từ tiếng Phạn mà nghĩa đích thực của nó là “bảo vệ tâm”. Trong văn hóa Tây Tạng, các thần chú được giải thích là những chủng tự tâm linh được ban năng lực của các bậc giác ngộ, đem lại lợi lạc cho hữu tình chúng sanh.
Nhiều Phật tử trì tụng Om Mani Padme Hum, thần chú Lục-tự của Chenzerig, vị Bồ tát của lòng từ bi. Mặc dầu thật khó thành tựu, song một số Phật tử tinh tấn đã trì tụng 100 triệu biến chú Om Mani Padme Hum trong suốt cuộc đời của họ. Lợi ích phát sinh từ khối công đức đó, là họ hiển lộ sự thành tựu và an định, có khả năng cứu giúp người khác và không còn sợ hãi cái chết. Số khác thậm chí mọc răng mới khi họ đã 80-90 tuổi. Tự bản thân tôi biết có người đã làm được như vậy.
Trong Phật giáo Tây tạng, việc trì tụng thần chú là một trong những phương pháp hiệu quả nhất nhờ đó họ thực sự đạt được sự an lạc, xả ly và hạnh phúc trong tâm hồn.
Về mặt tinh thần, các thần chú làm hiển lộ và là chất xúc tác cho tâm giác ngộ xuyên qua những âm thanh thiêng liêng cùng với sự cầu khẩn các Bổn tôn, Chư Phật, Chư vị Bồ tát, các Dakini và các đấng linh thánh khác. Năng lực của kinh luân phát xuất từ lòng từ bi vô lượng của các bậc linh thánh luôn muốn dẫn dắt mọi chúng sanh đến giác ngộ càng sớm càng tốt.
Những lợi ích của kinh luân
Sự thực hành Kinh luân có rất nhiều lợi ích kỳ diệu. Tương truyền, kinh luân được mang đến trái đất từ thế giới của loài Rồng (là những chúng sanh sống trong các đại dương) nhờ bồ tát Long thọ vì ngài được mách bảo bởi bồ tát Quan-Âm trong một linh kiến rằng “những lợi ích của nó đối với chúng sanh là vô cùng to lớn”. Ngài Long Thọ đã trao cho vị Dakini mặt sư tử phương pháp thực hành kinh luân, về sau vị này dạy lại cho Đức Liên-Hoa-Sanh, người đã truyền nó vào Tây tạng.
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni dạy rằng một lần quay kinh luân còn tốt hơn là nhập thất trong nhiều năm, dù đó là một thực hành tâm linh mãnh liệt. Ngài bảo “Chuyển bánh xe pháp còn tốt hơn lắng nghe, suy tư và thiền định trong một tỷ năm”.
Đức Phật A-Di-Đà dạy “Kẻ nào trì tụng thần chú Sáu âm trong lúc quay kinh luân phước của kẻ đó ngang với 1000 vị Phật”. Đức Liên-Hoa-Sanh nói rằng: “ngay cả với kẻ thiếu kiên trì, vẫn có được những năng lực kỳ diệu. Những ai tinh tấn trì tụng Sáu âm và quay kinh luân thì không nghi ngờ gì nữa họ sẽ đạt được thập địa”.
Sử dụng kinh luân là một trong những cách thức dễ dàng nhất để tịnh hóa nghiệp tiêu cực trong quá khứ, mọi ác hạnh, nhiễm ô và những chướng ngại ngăn che chúng ta nhận ra tự tánh của mình và vạn pháp. Đức Phật dạy “Lợi ích nhất chính là mọi nghiệp lực và vô minh phiền não tích tập trong chuỗi tái sinh dài vô tận được tịnh hóa dễ dàng không nhọc công”.
Chiêm ngưỡng Đại Bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới tại Lâm Đồng
Những lợi ích khác của thực hành kinh luân:
• Chuyển thân, khẩu, ý của hành giả thành thân, khẩu, ý của một vị Phật. Thân của người đó trở thành cõi tịnh độ.
• Chuyển nhà cửa và của cải của hành giả thành cõi tịnh Potala an lạc và quý báu hoặc cảnh giới cao của chư Thiên.
• Cứu mọi chúng sanh trong khu vực chung quanh kinh luân không đọa vào các cõi thấp (như súc sanh chẳng hạn).
• Tịnh hóa thân, khẩu và ý của hành giả.
• Tích lũy lượng công đức bao la cho chính mình và mọi chúng sanh trong vùng
• Ngăn chặn những tai họa gây ra bởi các tinh linh và ác ma.
• Chữa lành mọi bệnh tật và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sau đây liệt kê những lợi lạc của việc quay kinh luân được mô tả trong hai bản văn Phật giáo Tây Tạng cổ. Trước hết là những lợi ích đề cập đến trong “Ma ni’i phan yon” hoặc “Lợi lạc của Mani”:
• Những bổn tôn thiền định, chư Dakini và hộ pháp sẽ tự nhiên gia hộ bạn khi quay kinh luân.
• Quay kinh luân có năng lực ban phước nhanh chóng; nó có sự thiện xảo thật lớn lao về mặt phương tiện; hành động của nó thật nhanh chóng; nó có năng lực giải thoát khỏi những chướng ngại ma quỷ, ngoại đạo, phá giới, 80,000 loài ma, 360 tinh linh xấu, 18 cái chết phi thời, ngăn ngừa mọi chướng ngại và sẽ bảo hộ chúng ta. Mọi kẻ thù đều vượt qua.
• Kinh luân như viên ngọc báu : bất cứ điều gì bạn muốn, nó sẽ hoàn thành những thành tựu thông thường và siêu việt.
• Quay kinh luân với sự ăn năn sám hối lớn lao sẽ loại trừ 5 hành động bị báo ứng nhãn tiền, 4 trọng tội, 8 tà kiến, 10 hành vi bất thiện.
• Trong lúc bạn quay, bất kỳ ai nhìn thấy bạn quay kinh luân, chạm vào bạn hoặc kinh luân, nhớ nghĩ đến bạn hay kinh luân, được bóng của bạn hoặc kinh luân phủ lên sẽ không bao giờ đọa vào 3 đường ác, và được đưa vào con đường của Phật quả.
• Quay kinh luân có năng lực mạnh mẽ hơn 100 vị tăng tụng kinh và thần chú Trường thọ, và mãnh liệt hơn 100 yogi đang thiền quán về vòng bảo vệ kim cang.
• Bất kỳ nam hay nữ quay kinh luân sẽ đạt được mọi điều họ ước muốn vì điều đó hòa hợp với pháp.
• Bất kỳ ai quay kinh luân sẽ không tái sanh làm một gia chủ tà kiến, người què, mù, câm, điếc hoặc nghèo khổ.
• Bạn sẽ đạt được trí tuệ giác ngộ bình đẳng hành động vì lợi ích của chúng sanh.
Những lợi ích của việc quay kinh luân theo " Lợi lạc của kinh luân":
• Quay kinh luân 1 lần tương đương với việc đọc 1 lần Tanjur (luận giải về giáo lý của Phật)
• Quay 2 lần đồng đẳng với việc đọc Kanjur 1 lần (kinh Phật)
• Quay 3 lần sẽ loại bỏ những chướng ngại của thân, khẩu, ý.
• Quay 10 lần sẽ loại bỏ khối ác hạnh to lớn như núi Tu-di.
• Quay 100 lần sẽ sánh ngang Yama, vua Pháp.
• Quay 1000 lần sẽ nhận ra ý nghĩa của Pháp thân, làm lợi ích cho chính mình.
• Quay 10,000 lần sẽ có khả năng làm lợi ích cho kẻ khác
• Quay 100,000 lần sẽ được sanh làm người hầu của Đức Chenrezig.
• Quay 1 triệu lần, chúng sanh trong sáu cõi sẽ đạt được đại dương hạnh phúc.
• Quay 10 triệu lần, sẽ cứu thoát tất cả chúng sanh hữu tình khỏi địa ngục.
• Quay 100 triệu lần, bạn sẽ đồng đẳng với Đức Chenrezig tôn quý.
• Theo “Chu klung chen po ′i m do” (Kinh dòng sông vĩ đại) mỗi lần quay kinh luân sẽ có lợi lạc nhiều hơn việc thiền định trong 7 năm. Quay 1 lần lợi lạc to lớn hơn việc giảng, học giáo lý và thiền định trong 1 tỷ năm; lợi lạc hơn hẳn nỗ lực thực hành lục độ trong 1 tỷ năm, đạt ích lợi vượt trội hơn cả giảng dạy và học hỏi Tam Tạng kinh điển và 4 cấp độ Tantra trong 1 tỷ năm. Trì tụng thần chú Lục tự và quay kinh luân vào những ngày thiêng liêng thì có phước ngang bằng với 1000 vị Phật. Những ai quay kinh luân sẽ trở thành những bậc Bồ tát thân cận của 1000 vị Phật.
• Vào lúc chết, khi đặt kinh luân ngay trên lỗ Brahma sẽ tạo ra sự chuyển di thần thức.
Liệt kê trên chỉ sơ lược một vài lợi lạc mà thôi, không thể mô tả hết diệu dụng của việc hành trì kinh luân.
Quán tưởng đúng đắn khi quay kinh luân
Việc quay kinh luân không phải là một thực hành với tâm lơ đãng. Việc hành trì kinh luân phải được thực hiện với những mục đích đúng đắn. Việc quay kinh luân phải quán tưởng nó như sự hiển lộ của thân, khẩu và ý của chư Phật. Trên phương diện thân, tay của chúng ta quay và chuyển động kinh luân. Về phương diện khẩu, miệng chúng ta trì tụng một trong những thần chú của kinh luân (vd. Om Mani Padme Hum).
Về phương diện ý, chúng ta chuyên chú vào việc quán tưởng hoặc trì tụng, phát khởi động lực của chúng ta là vì lợi lạc của chúng sanh và sự an bình của xung quanh và toàn thể pháp giới.
Quán niệm trong lúc quay kinh luân bao gồm:
• Trì tụng Om Mani Padme Hum trong khi quay kinh luân. Việc này giúp tâm chúng ta trở nên kiên cố và tập trung tốt nhất vào thực hành và tăng trưởng lợi lạc vì tất cả chúng sanh.
• Chuyên chú tâm của bạn vào lòng từ bi, bình đẳng và lợi ích vì tha nhân,không phải cho bạn.
• Quán tưởng những tia sáng rực rỡ như mặt trời, phóng ra từ kinh luân chiếu sáng mười phương. Những tia sáng này phá hủy mọi ác nghiệp và đau khổ không chỉ của loài người, mà tất cả chúng sanh bao gồm súc sanh, ngạ quỷ,địa ngục, a-tu-la và chư thiên. Mọi ác nghiệp bị thu hút vào kinh luân và tiêu tan.
• Tập trung vào một vấn đề, chẳng hạn chiến tranh hoặc thảm họa, quay kinh luân nghĩ tưởng đang hóa giải nỗi đau thương của chúng sanh đang gặp nạn.
• Hồi hướng công đức của việc thực hành kinh luân nhằm tịnh hóa nguyên nhân căn bệnh của ai đó để điều trị bệnh.
Đức Phật đã từng dạy rằng không hồi hướng công đức giống như giọt nước rơi trên đá,nó nhanh chóng bay hơi và biến mất. Hồi hướng công đức như giọt nước rơi vào biển cả, nó còn mãi cùng với đại dương bao la. Sau khi quay kinh luân, thật lợi lạc khi hồi hướng công đức của việc thực hành thiêng liêng này vì sự giải thoát của chúng sanh hữu tình, đánh thức Bồ đề tâm, vì sự trường thọ và truyền bá giáo pháp của các vị Thầy.
Khi nào sử dụng kinh luân?
Bạn có thể quay kinh luân khi đang thực hành thiền định và trì tụng thần chú hàng ngày. Nó cũng có thể được sử dụng trong những đàn tràng trì tụng Chenrezig, Bát nhã tâm kinh, Thập nhị nhân duyên của Đức Phật, v.v… Kinh luân không được quay khi Đạo sư đang nói hoặc giảng dạy giáo lý. Kinh luân có thể quay khi đang kinh hành bảo tháp, thánh địa và thậm chí trong lúc xem tivi hay nghe radio hoặc âm nhạc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyển đổi số phận
Kiến thức 08:30 15/11/2024Đại sư Vân Cốc bảo: Những người không có ý chí, không chịu sửa đổi, chẳng biết tu tâm, làm phúc, lại gây nhân xấu thì bị số mạng cột chặt không thể thoát ra. Nếu ông quyết chí, ta dạy ông phép cải đổi số mệnh, chuyển xấu thành tốt, hưởng phú quý muôn đời, nếu cầu giải thoát, sẽ thành tựu giác ngộ.
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 21:00 14/11/2024Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.
“Muốn biết nhân đời trước hãy xem quả đời này”
Kiến thức 15:20 14/11/2024Ngày nay tai nạn trong đời sống rất nhiều, thường gặp phải những chuyện không vừa ý, quả báo bệnh khổ, chết yểu. Nguyên nhân là gì?
Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”
Kiến thức 14:45 14/11/2024Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã "Xem thường bảo vật trong tay" như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ... Để rồi "Dày đạp lên trên hạnh phúc" mà đi, thật xót xa vô cùng.
Xem thêm