Làm chủ cuộc chơi
Hôm nay, tôi nghe người chị tâm sự về chuyện gia đình. Chị than với tôi con cháu thời này nó suốt ngày ôm cái điện thoại, không biết phụ giúp công việc gì cho gia đình.
Đã thế chúng lại hay nói dối, có những ứng xử ngỗ nghịch, mất kiểm soát. Thấy tụi nhỏ như vậy chị lo cho tương lai chúng nó không biết lớn lên sẽ ra sao đây?
Trước khi trách mắng con cái về hành vi, thái độ, và những sai trái của chúng thì cha mẹ cũng nên nhìn nhận lại khuyết điểm của bản thân mình. Chính người lớn cũng có một phần trách nhiệm đối với việc hình thành hành vi của con trẻ. Bởi cũng do bạn bận - bận lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Việc nuôi dạy con cái bạn nghĩ chỉ cần chu cấp tiền bạc, nơi ăn chốn ở là đủ nên phó mặc chuyện dạy bảo, khuyên răn con cho nhà trường và xã hội lo. Bạn đều đặn hằng tháng chuyển tiền vào tài khoản của chúng, nghĩ thế là xong trách nhiệm.
Để rồi khi nhà có của ăn, của để thì con cái đã trượt dài trên những sai lầm không thể nào cứu vãn. Khi ấy, bạn sẽ ân hận, ai oán: “giá như… giá như… có thể quay trở lại từ đầu”.
Việc nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, hiếu kính cha mẹ, biết suy nghĩ tích cực là điều mà cha mẹ nào cũng đều mong muốn.
Bạn muốn con tốt? Bạn cho con đi học các trường quốc tế, các lớp năng khiếu, các khoá tu tại chùa. Nhưng bạn có thật sự hiểu con mình cần hay thích thứ gì hay không?
Có bé sau khi tham dự khoá tu tại chùa tâm sự: “Ba mẹ ơi! Dạo này con thấy ba mẹ không còn thương hai anh em con nữa. Ba mẹ không còn dành thời gian cho anh em con như xưa. Ba đi làm về thì xem Tivi, mẹ ăn cơm tối xong cũng ôm cái điện thoại lướt Facebook, chơi game. Con hỏi sao ba mẹ dùng Tivi và điện thoại nhiều vậy? Ba mẹ lại bảo để hỗ trợ cho công việc. Công việc gì mà nhiều vậy ạ? Anh em con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc từ ba mẹ. Con mong ba mẹ dành thời gian cho chúng con nhiều hơn. Con yêu ba mẹ!”
Đừng bao giờ bạn nghĩ mình làm gì mà con cái không biết nhé. Chúng thông minh và tinh ý lắm. Việc làm dù bạn đúng hay sai chúng đều có khả năng bắt chước rất nhanh – vì chúng là bản sao từ bạn sinh ra cơ mà.
Bạn có nhớ khi tầm bé, mỗi lần ba mẹ dỗ dành mình ăn, là bồng bế đi khắp xóm. Chưa hết, rồi nào là chỉ vào: “máy bay kìa con, ô tô kìa con… ùm ùm miếng rồi mẹ đưa con đi xem. Còn khi ta khóc, ta bị té thì như thế nào? Ba mẹ mặc kệ, khóc mệt thì nín, té có đau thì cũng tự đứng dậy. Còn bây giờ, cái điện thoai, ipad có thể thay thế bạn tất cả. Khi con khóc, con không muốn ăn chỉ việc đưa nó cái điện thoại, ipad là giải quyết được ngay! Phải chăng ngay từ khi con còn nhỏ, bạn đã tập cho nó một thói quen lệ thuộc vào các thiết bị điện tử đúng chứ? Vậy khi con nghiện các thiết bị điện tử, mạng xã hội thì lỗi đâu chỉ từ con của bạn?
Các bạn trẻ thời nay, có thể nói là may mắn hơn thời chúng ta rất nhiều. Chúng được tiếp cận với môi trường học tập hiện đại, được hỗ trợ bởi những thiết bị tiên tiến. Chiếc điện thoại, ipad, laptop,… là cầu nối để con bạn tiếp cận phương tiện truyền thông, mạng xã hội, kết nối bạn bè,… chúng như bước đệm giúp bạn trẻ tiến bộ trong học tập, văn hóa ứng xử, tư duy tích cực. Vì vậy, cho con sử dụng các thiết bị điện tử trong thời buổi hiện nay là điều không thể ngăn cấm. Nhưng chúng ta phải quản lý thời gian sử dụng, theo dõi hoạt động con cái, quan tâm nhắc nhở, để khi lỡ con có đi sai đường lạc lối mình kịp thời chỉnh sửa, dạy bảo, khuyên răn chúng lại.
Nhưng thực chất bạn biết đấy, mạng xã hội và thiết bị điện tử là một con dao hai lưỡi. Không thể phủ nhận mặt tích cực của chúng trong thời kỳ đại dịch đó là giảng dạy, truyền trao tri thức, kết nối mọi người,… giúp cho việc học tập, nghiên cứu không còn bị giới hạn bởi không gian hay khoảng cách. Nhưng đồng thời, chúng cũng dẫn đến nhiều tác hại, hệ luỵ nếu không sử dụng đúng cách:
Thứ nhất: sự vô cảm, giảm tương tác giữa mọi người ở ngoài đời thực. Vì bạn quá chú ý đến các thiết bị điện tử, các trang mạng xã hội và dành ít thời gian, sự quan tâm đối với những người hiện diện trong cuộc sống thực của mình.
Thứ hai, tăng cảm giác muốn được mọi chú ý đến. Đăng những trạng thái mơ hồ, khó hiểu trên Facebook để thu hút sự chú ý của người khác đang trở thành một thói quen gây khó chịu của những người sử dụng mạng xã hội. Cuộc chiến cạnh tranh lượt like và thông báo sẽ không có hồi kết.
Thứ ba: Xao nhãng những mục tiêu thực của cuộc sống. Thật dễ dàng để có thể tóm tắt những gì đang xảy ra trên mạng xã hội, mọi người sẽ dần xao nhãng những mục tiêu thực của cuộc sống. Thay vì cố gắng để hiện thực hóa ước mơ bằng cách trở thành một người thực sự tài năng, giỏi giang thì giới trẻ có xu hướng phấn đấu trở thành ngôi sao trên Internet.
Thứ tư: Có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Theo các nghiên cứu gần đây, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội thường có cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, bao gồm cả trầm cảm. Sử dụng mạng xã hội đặc biệt có hại với những người tiền sử mắc bệnh trầm cảm. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy buồn bã, bi quan, nên ngừng sử dụng mạng xã hội một thời gian.
Thứ năm: Chuyện tình cảm dễ bị tan vỡ. Bạn không nên dán mắt vào màn hình, tiếp tục ghen tuông và rình mò. Mạng xã hội là lựa chọn dễ dàng để công khai mối quan hệ nhưng thực tế thì lợi bất cập hại. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy những người thường sử dụng Facebook để theo dõi nửa kia của họ dẫn đến những suy đoán, tưởng tượng, nghi hoặc, hiểu lầm lẫn nhau, cuối cùng là chuyện tình cảm tan vỡ.
Thứ sáu: Xuất hiện những “anh hùng bàn phím”. Mọi người cảm thấy quá thoải mái trên mạng xã hội và bắt đầu nói những điều họ thường không nói trong cuộc sống thực. Nếu bạn không thường xuyên nói tục, chửi thề, chắc chắn bạn sẽ phải tiếp xúc với điều này trên mạng xã hội. Nếu bạn thường xuyên nói những điều như vậy, hãy dừng lại ngay. Bạn không vô danh trên mạng xã hội như bạn nghĩ đâu. Với sự xuất hiện của các “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội, mọi người đang trở nên thô lỗ hơn bình thường.
Thứ bảy: Thường so sánh bạn với những người khác trên mạng sẽ làm bạn đau khổ. Với sự giúp sức của công nghệ, hình ảnh cũng như hành động hiển thị trên Facebook có thể khác xa với cuộc sống đời thực của người đó. Sau một thời gian, có thể bạn sẽ nghĩ rằng những người quen trên Facebook đẹp và tốt hơn bạn, điều này tạo ra một khoảng cách xã hội. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tất cả mọi người trên mạng xã hội cũng chỉ là con người như bạn.
Ngoài ra, sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo, mất ngủ, sức khỏe suy yếu, thiếu sự riêng tư,…
Ngẫm nghĩ tuổi thơ tôi lại thấy mình may mắn, vì không có điện thoại, không có mạng xã hội. Nên đã tô vẽ tuổi thơ của chính mình những gam màu hạnh phúc mỗi khi nhớ về…
Tuổi thơ tôi - khó khăn, nhưng chính trong cái khó khăn ấy mà tôi luôn có cho mình những niềm vui riêng. Đó là những kỷ niệm rất đẹp cùng đám bạn thời thơ ấu: Những trưa trốn ngủ đi bắn bi, tắm suối. Chiều chiều đi thả diều, tán lon, bắn vòng thun. Hòn đá cành cây cũng dễ dàng trở thành những vật dụng thân thuộc để tạo niềm vui. Không có điện thoại liên lạc nhưng vẫn biết lũ bạn đang ở đâu và chơi những gì. Giờ lớn hơn, điều kiện bớt khó khăn, bạn bè thơ ấu cũng mỗi người một nơi, một cuộc sống, nhưng trong mỗi kỷ niệm của mình đều có sự hiện diện của từng người.
Nhớ lại khi ấy, mỗi lần đi chơi, ngồi uống nước là tụm năm tụm bảy hàn huyên tâm sự đến lúc về vẫn chưa hết chuyện. Còn giờ, ngồi đối diện nhau đấy, nhưng mỗi người một thế giới riêng trong chiếc điện thoại, thỉnh thoảng nghe tiếng rột roạt của những viên đá trong tách cà phê va vào thành ly, tiếng du dương của bản nhạc, đôi chân giữ nhịp, miệng khẽ nụ cười hòa chung cung bậc cảm xúc sung sướng trong cái thế giới ảo, mà quên đi thế giới hiện thực với người bạn xung quanh.
Hiện nay, mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người. Vì vậy, bậc làm cha mẹ hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh theo tinh thần chánh niệm để cùng góp tiếng nói chung, những hình ảnh tốt đẹp để tuyên truyền xây dựng xã hội văn minh. Để làm tấm gương cho con cái, bạn hãy tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội. Bạn hãy xem mạng xã hội chính là căn nhà nhỏ của mình, để chăm chút, xây dựng cho căn nhà ngày càng đẹp hơn. Một khi căn nhà nhỏ đấy vững chãi, thì bạn mới có khả năng tái tạo, truyền cảm hứng cho những người thân yêu của bạn.
Bạn có biết ngày xưa, Đức Phật hằng dạy các đệ tử không nên sử dụng thần thông một cách bừa bãi, bởi Ngài biết thần thông sẽ làm thui chột các đức tính chân thiện mỹ của người xuất gia cầu giác ngộ giải thoát. Ngày nay, phải chăng điện thoại cũng là một thứ thần thông... mà thế giới con người đang dính mắc? Để tìm lại chính mình, bạn nên nhớ lời đức Phật dạy, cần sáng suốt và bình tĩnh để làm chủ khoa học, làm chủ cuộc chơi thay vì làm nô lệ cho nó.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Xem thêm