Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 22/04/2021, 15:41 PM

Làm sao để chấm dứt mọi mong cầu?

Nếu chỉ cần có những nhu cầu thiết yếu thôi thì bài toàn về cuộc đời có lẽ đã có giải đáp từ lâu rồi. Nhưng khổ nổi, khó ai biết được, khó ai chỉ bảo cho ai được, cái gì mới là thiết yếu, như thế nào mới là vừa đủ, đừng quá nhiều, đừng tham.

Ranh giới giữa mong cầu và tham cầu trở nên nhập nhằng và đánh đố con người không rõ tự bao giờ?!

Mong muốn hôm nay là ngày đẹp trời – không quá nắng cũng không quá ảm đạm, ra đường không bị kẹt xe và lỡ vượt quá tốc độ mà không bị cảnh sát phát hiện, đến bưu điện không phải xếp hàng chờ đợi và giải quyết mọi chuyện chỉ trong chốc lát, tiệm hang hiệu kia vẫn chưa đóng cửa và đôi giày muốn mua vẫn còn đó, chưa ai chiếm chỗ ngồi quen thuộc trong quán cà phê ấy và sẽ tìm được vài phút giây bay bổng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không. Dư thừa. Còn cả khối điều tạo nên một ngày tốt đẹp.

Mong muốn những đóng góp của mình được cấp trên quan tâm và ghi nhận, công việc làm ăn ngày càng tiến triển và không bị ai ganh ghét hay chèn ép, mau chóng tích góp được số tiền lớn và chắc chắn sẽ đi du lịch nước ngoài trong năm nay, phải giảm cân vài ký nữa hay phải tìm được cách gì đó tăng chiều cao thêm chút nữa mới thấy tự tin, người ấy phải thay đổi tính lầm lì ít nói ngay thì mình mới sống chung được, đám cưới của mình phải tổ chức thật linh đình và đãi khách trong nhà hàng thật sang trọng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không hẳn. Có thì tốt, không có cũng không sao cả.

Mong muốn sức khỏe thật tốt và không bao giờ bị bệnh tật, con cái đứa nào cũng ngoan hiền và ít nhất phải tốt nghiệp đại học, vợ chồng lúc nào cũng quan tâm nhau và không có bất cứ xung đột gì xảy ra, không ai được bội tín và gây tổn thương cho nhau, có thể hiểu hết trái tim của người thân yêu để cảm thông và giúp đỡ, trở thành một người chuẩn mực để làm gương cho kẻ khác, tâm hồn luôn được bình yên và thanh thản… Đó có phải là những nhu cầu cần thiết không? Phải, nhưng không phải hễ cái gì cần thiết là nhất thiết phải có, không có là không được hay không thể sống và hạnh phúc.

Mong cầu là khổ

Ta lại tỉnh ngộ về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ bên ngoài, nên có khuynh hướng quay về nương tựa chính mình.

Ta lại tỉnh ngộ về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ bên ngoài, nên có khuynh hướng quay về nương tựa chính mình.

Người niệm Phật không mong cầu phước báu thế gian

Là con người, dĩ nhiên, ai mà không mong cầu. Vì dù muốn dù không thì bản năng tự nhiên cũng thúc đẩy ta tìm tới những điều kiện an toàn và thuận lợi để sinh tồn và phát triển. Thế nhưng, ta đã mắc phải những sai lầm rất lớn trong việc mong cầu, và vô tình để nó trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn tới mọi rắc rối và khổ đau trong đời.

Sai lầm cội rễ của mọi sai lầm, đó là ta đã tạo ra sự khác biệt đến đối lập một cách tuyệt đối giữa những ý niệm vốn tương đối như: đẹp-xấu, hay-dở, cao-thấp, sang-hèn, còn-mất… Từ đó, ta đã tạo ra cái gọi là “văn minh nhân loại” mang tính phân cực mãnh liệt, đó là luôn muốn nắm bắt những gì ưa thích và loại trừ những gì không ưa thích.

Do lầm tưởng rằng cảm giác sung sướng từ sự hưởng thụ vật chất và tinh thần (bao gồm tình cảm, danh dự và quyền lực) chính là nhu cầu cao cả nhất – tức hạnh phúc chân thật – nên thay vì chỉ tìm kiếm những điều kiện căn bản và thiết yếu thôi, thì ta lại không ngừng tích góp những thứ ấy mà bất chấp mọi phương cách.

Chính vì thói quen đeo bám những cảm xúc mới lạ và hấp dẫn, nên khi đặt ra mong cầu ta liền đồng nhất cả đời sống của mình với nó, quên hết những phẩm chất cao quý trong tâm hồn và những điều mầu nhiệm đang hiện hữu xung quanh. Đến khi những cảm xúc ấy tan biến đi, ta rơi vào lạc lõng và cô đơn mà vẫn không rõ nguyên do.

Dù biết rằng bản chất của cuộc đời là bất như ý, tức là nó vận hành theo một số nguyên tắc tự nhiên nào đó chứ không chiều theo ý muốn của bất cứ ai, thế nhưng ta lại hy vọng may mắn sẽ luôn mỉm cười với mình. Nên khi mong cầu bất thành thì ta không sẵn sàng chấp nhận, than oán, rồi tự biến mình thành nạn nhân của khổ đau.

Sai lầm không đáng mắc phải nhưng lại thường mắc phải, đó là ta không biết chắc điều mong cầu có thực sự cần thiết hay không. Cũng có khi ta đã thấy rõ giá trị thiết thực của nó, nhưng khi sở hữu được rồi thì ta lại nhận ra đó chỉ là thói quen tích góp, tâm tưởng tượng và lo lắng thái quá, hoặc cảm xúc yêu thích hay tranh đua nhất thời.

Và đến một lúc nào đó, ta lại tỉnh ngộ về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ bên ngoài, nên có khuynh hướng quay về nương tựa chính mình. Nhưng sai lầm vẫn cứ tiếp tục xảy ra và khổ đau vẫn chưa chấm dứt, vì ta lại đặt ra và đeo bám vào những mong cầu lớn lao khác về giá trị tâm hồn như: bình yên, thảnh thơi, nhẫn nhục, từ bi… Nghĩa là tâm mong cầu cho cái tôi vẫn nguyên vẹn, chỉ có đối tượng mong cầu là thay đổi.

Thái độ mong cầu đúng đắn không bao giờ được sinh ra từ tâm tham lam

Thái độ mong cầu đúng đắn không bao giờ được sinh ra từ tâm tham lam

Vậy đến bao giờ ta mới thôi mong cầu và chấm dứt hết mọi khổ đau?

Thực ra, mong cầu ít hay nhiều, nhỏ hay lớn, vẫn chưa phải là yếu tố quyết định nên khổ đau. Mong cầu ít và nhỏ, dù chỉ là những nhu cầu căn bản và thiết yếu, nhưng nếu không phù hợp với khả năng và hoàn cảnh hiện tại, cùng với thái độ nôn nóng và quyết có cho bằng được, thì nó vẫn làm ta khổ như thường. Mong cầu nhiều và lớn, nhưng chỉ để tập trung đi tới và hoàn thiện, cộng với tinh thần sẵn sàng buông bỏ bất cứ lúc nào nếu nó trở thành áp lực và điều khiển ta, thì không có lý do gì khiến ta phải khổ vì nó. Huống chi, ta còn phải phấn đấu để vươn tới chân-thiện-mỹ và còn thể hiện tình thương và trách nhiệm với gia đình và xã hội, thì mong cầu là điều phải có, phải xảy ra.

Con người mong cầu điều gì nhất?

Do đó, nguyên nhân dẫn tới mọi khổ đau chính là thái độ mong cầu, chứ không phải là nội dung mong cầu. Nói cách khác, phương thức để sống mà không khổ đau đó là cần có thái độ mong cầu đúng đắn, chứ không phải chấm dứt hết mọi mong cầu.

Thái độ mong cầu đúng đắn chỉ đến từ nhận thức đúng đắn (về thân phận và cuộc đời) và lối sống tỉnh thức. Thái độ mong cầu đúng đắn không bao giờ được sinh ra từ tâm tham lam – chỉ muốn gia tăng thêm sự hưởng thụ thỏa mãn cho cái tôi ích kỷ.

Dù sao cũng nên nhớ rằng, trà dù đựng trong cái tách lớn hay nhỏ, tròn hay vuông, màu đỏ hay màu đen, làm bằng thủy tinh hay bằng đất, thì chất lượng cũng như nhau. Phẩm chất đời sống chính là trà, còn tiện nghi vật chất và tinh thần chỉ là những cái tách đựng trà. Thế nhưng, hằng bao thế kỷ qua, người ta cứ mải mê chế biến ra đủ kiểu tách trà với hy vọng sẽ làm cho trà ngon hơn. Thật điên rồ! Nếu không biết cách thưởng thức trà, thì dù có đủ loại tách thượng đẳng cũng không thể nếm được hương vị thật của trà.

Cho nên, người khôn ngoan chỉ chọn cho mình những cái tách nào thích hợp nhất, vừa có thể uống trà vừa không bị dính mắt vào. Và, người hiểu biết chỉ giữ lại những cái tách nào cần thiết nhất, vừa có thể thanh thản thưởng thức trà vừa có thể san sẻ cho những kẻ khát cháy ở khắp mọi nơi đang không có cái tách nào để sử dụng.

Chén trà trên tay đó

Chịu khát đến bao giờ

Cuộc đời là bể khổ

Hay tham muốn vô bờ?

Thích Minh Niệm

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm