Tối ngày 11/08/2016 (09/07/Bính Thân), Chương trình giao lưu nghệ thuật Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” đã diễn ra thành công tốt đẹp, thành tựu viên mãn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tiếp nối các chương trình truyền hình trực tiếp về Vu Lan đã được thực hiện trong các năm trước; năm 2016, Ban TTTT T.Ư GHPGVN kết hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông Miền Bắc tổ chức Chương trình Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc”, nhằm mục đích tôn vinh Đạo Hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc.
Đến tham dự chương trình, về phía chính quyền, có sự hiện diện của ông Ngô Văn Dụ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; ông Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ TT & TT; ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Thường trực điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư; ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN và đại diện các Bộ, Ban Ngành T.Ư và thành phố Hà Nội.
Về phía GHPGVN, có sự hiện diện của HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Nhiễu đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT T.Ư GHPGVN, Trưởng BTC Chương trình và quý Chư tôn đức Giáo phẩm cao cấp Lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo các ban, ngành, viện thuộc HĐTS GHPGVN, các nhà tài trợ và đặc biệt là các tác giả đạt giải Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu và hàng trăm phật tử ở các đạo tràng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mở đầu đêm giao lưu nghệ thuật chào mừng Vu Lan, Hòa thượng Thích Gia Quang đã phát biểu khai mạc Chương trình. Theo Hoà thượng, chương trình Vu Lan “Đạo hiếu & Dân tộc” là hoạt động xã hội cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc, với mục đích truyền bức thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc, đặc biệt là đạo Hiếu trong xã hội ngày nay. Thông qua chương trình trao giải cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo hiếu” nhằm tôn vinh những tấm gương hiếu thảo trong cuộc thi, đề cao và xiển dương tinh thần hiếu đạo, để nó trở thành sức mạnh của dân tộc. Đồng thời, thông qua chương trình còn nhằm quảng bá, giới thiệu để cho tinh hoa, phẩm chất truyền thống đó được tiếp sức, được lan toả và nhân lên bội phần trong đời sống mới.
Tiếp đó, ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ cũng có lời phát biểu và tin tưởng rằng GHPGVN tiếp tục đảm trách, điều hành công tác phật sự bằng cách dung hòa và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khéo léo giữa tôn giáo và tín ngưỡng sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong không gian thành kính và đầy xúc động của Pháp hội Vu Lan, tất cả người con Phật đều hiểu rằng, để có được ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương và nước mắt. Vẫn còn đó nỗi đau không thể nào nguôi, khi những người cha, người mẹ đã hy sinh khúc ruột của mình cho sự sống còn của đất nước. Các anh – những người chiến sĩ, những người con ưu tú của quê hương đất Việt đã đặt chữ Hiếu của công cha, nghĩa mẹ trong lòng chữ Hiếu với Tổ quốc, non sông. Các anh ra đi để đem lại hòa bình cho đất nước, mang lại hòa bình và hạnh phúc muôn đời cho đất mẹ Việt Nam. Với giai điệu trầm bổng và tiếng ca du dương, những tiết mục văn nghệ giúp cho khán giả thăng hoa trong cảm xúc, khơi gợi lên lòng tự tôn dân tộc, gợi nhớ đến ơn đất nước đồng bào, ơn chúng sinh vạn loại, ơn các anh linh chiến sĩ đã quên mình cho hòa bình, hạnh phúc của muôn người và làm bùng cháy tình yêu quê hương đất nước.
Xuyên suốt đêm giao lưu nghệ thuật, cả khán phòng đã được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ xúc cảm mãnh liệt, đầy tự hào về tinh thần tự hào dân tộc, đến rưng rưng vì nghẹn ngào, xúc động khi thưởng thức tiểu phẩm “Người đàn bà đeo kính đen”. Với ý tưởng từ câu chuyện người mẹ bị chột một mắt, các diễn viên đã xây dựng các tình tiết đầy cảm động và truyền tải một thông điệp hết sức sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng và đức hi sinh cao cả của người mẹ dành cho con cái.
Bên cạnh đó, một trong những hoạt động nổi bật của chương trình, là buổi tọa đàm về chủ đề Đạo hiếu cùng các vị khách mời. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Đại diện cho các tác giả tham gia Cuộc thi sáng tác Các tác phẩm về Đạo hiếu đã chia sẻ cảm nghĩ về cuốn sách “Những tấm gương hiếu thảo” được xuất bản dựa trên những tác phẩm tham gia cuộc thi nói trên do GHPGVN tổ chức. Theo ông, tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam chính là nguồn sức mạnh vô song khiến cho bao kẻ xâm lược nước ta phải lùi bước. Và việc các cán bộ cấp cao đứng đầu nhà nước đến tham dự chương trình Vu Lan hôm nay chính là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đến việc phát huy và giữ gìn giá trị truyền thống hiếu hạnh của dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có những chia sẻ rất chân thành và sâu sắc về vai trò của Phật giáo Việt Nam cũng như ảnh hưởng của Đạo hiếu trong quá trình lịch sử của Dân tộc: Chúng ta thường hay nói câu "Phật giáo đồng hành của dân tộc", câu nói này có ý nghĩa là Phật giáo luôn có mặt trên mọi phương diện phát triển của đất nước, trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Điển hình là tinh thần đề cao đạo hiếu trong nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Điểm đặc biệt trong chương trình Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” năm nay, đó chính là phần trao giải cho các tác giả có tác phẩm dự thi Cuộc thi sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu. Các tác phẩm tham gia cuộc thi chính là tâm tư, tình cảm của các tác giả đại diện cho những người con thể hiện lòng biết ơn tới công lao trời biển của cha mẹ, của cộng đồng tới những người có công với đất nước. Đọc các tác phẩm dự thi đôi khi chúng ta thấy hình ảnh của mình trong đó, có những lời tưởng chừng như đơn giản nhưng sao khó nói đến thế… Ban tổ chức đã tập hợp những tác phẩm tiêu biểu để in thành quyển sách, mang tên “Những tấm gương hiếu thảo” để dành tặng cho các em học sinh như món quà tặng có ý nghĩa nhất trong mùa Vu Lan 2016 – Phật lịch 2560.
Căn cứ theo nội dung và thể lệ cuộc thi, giải thưởng cuộc thi, trên cơ sở tư vấn, chấm điểm của Hội đồng Giám khảo, BTC quyết định trao:
Giải Nhất thuộc về tác giả Thượng tọa Thích Tâm Hiệp với tác phẩm "Đĩa ngô đầu mùa".
Hai Giải Nhì thuộc về tác giả Phan Thị Thanh Nga (Thanh Hóa) với tác phẩm "Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba"; và t
ác giả Chu Minh Khôi với tác phẩm "Bậc danh tăng chí hiếu".
Ba Giải Ba thuộc về: Tác giả Nguyễn Nguyên An với tác phẩm "Kim Hạnh con dâu hiếu thảo"; Tác giả Nguyễn Văn Thủy với tác phẩm "Những trang viết thơm thảo nghĩa tình"; Tác giả Hà Quang Đức với tác phẩm "Bà nội". 10 Giải khuyến khích và 2 Giải Hiếu Hạnh (dành cho 2 tác giả có nhiều bài dự thi nhất).
Cuộc thi không đơn thuần chỉ để tìm ra người xứng đáng để trao giải nhất, cuộc thi không chỉ dừng lại ở những cá nhân hay tác phẩm đạt giải, hay chỉ tôn vinh những người con hiếu đạo trong xã hội. Mà mục đích cuối cùng của Ban tổ chức cũng như Ban TTTT T.Ư muốn hướng đến thông qua cuộc thi là sự tôn vinh, đề cao đạo hiếu trong đạo Phật cũng như trong văn hóa dân tộc. Mong sao tinh thần hiếu đạo ấy sẽ lại tỏa sáng và trở thành hơi thở, nhịp sống trong mỗi gia đình và sống trong trái tim của mỗi người.
Phần cuối của chương trình, Ban TTTT T.Ư GHPGVN đã trân trọng trao tặng Bằng Tri ân Công đức và quà Kỷ niệm của chương trình để cảm ơn các Quý thức giả hộ pháp, Quý cơ quan, doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã hoan hỷ tài trợ/ủng hộ cho chương trình được thành công tốt đẹp.
Khép lại đêm giao lưu nghệ thuật với nhiều dư âm cảm xúc và thành công viên mãn. Trong buổi tối giao lưu nghệ thuật Vu Lan và trao giải cho các cá nhân đạt giải hay tác giả tác phẩm đạt giải, cũng có thể họ chưa phải là tấm gương điển hình nhất của tinh thần hiếu hạnh. Vì cuộc sống hiếu hạnh là cuộc sống vượt lên các quy luật thông thường của tự nhiên như trong Kinh sách đã mô tả. Trong muôn loài hương hoa, dù thơm bao nhiêu, hương thơm ấy chỉ bay theo chiều gió. Duy chỉ có gương hiếu hạnh tỏa thơm trong lành và đi ngược chiều gió, ngược cả quy luật tự nhiên trở thành hương thơm bất định, khó có thể mô tả được bằng ngôn ngữ. Đó chính là Tâm Hương – Hương Hiếu hạnh.
Chương trình Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” năm nay chính là nhịp cầu để kết nối yêu thương, gắn kết và đề cao tinh thần hiếu hạnh tốt đẹp của dân tộc. Chương trình như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc đối với mỗi cá nhân chúng ta, đánh thức những tình cảm thiêng liêng tưởng như đã bị lãng quên trước dòng chảy thời gian.
Chúng ta hãy một lần nhìn lại phía sau để cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn khi vẫn còn cha mẹ ở bên, cảm nhận thứ tình yêu vẹn nguyên và quý giá hơn hết thảy mọi thứ trang sức trên cõi đời này.
Sẽ không còn những giọt nước mắt phải rơi vì sự tiếc nuối hay dằn vặt khi không làm tròn được đạo hiếu làm con. Đó sẽ là nụ cười hạnh phúc, ấm áp của tình thân gia đình, khi mùa Vu Lan năm nay mỗi người được cài trên ngực mình bông hồng tươi thắm, sáng ngời sự hiếu hạnh khi vẫn còn bóng hình mẹ cha.
Mẹ là cả một trời thương
Cha là cả một thiên đường trần gian
Mẹ yêu quý, mùa Vu Lan đã đến
Con được cài hoa hồng thắm thương yêu
Lòng hân hoan con vui sướng thật nhiều
Vì con biết đời con còn cha mẹ.
Kim Tâm