Lễ Phật như thế nào để được liên tục và tiện lợi?
Lạy Phật, một pháp tu đơn giản, giúp ta có cơ hội “Quán chiếu nội tâm, triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình”.
Phát nguyện và thực hành ngay
Khi đã thấy được sự lợi ích thiết thực và cao đẹp, cũng như dễ dàng, không hao tốn của việc lễ Phật, hãy sắm một tấm nệm mỏng để cho êm đầu gối, lễ lạy nhiều sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Theo đó, phát nguyện lạy từ từ các bộ sám, tiến lên lạy Ngũ bách danh, Tam thiên Phật, Vạn Phật, rồi phát nguyện lạy từng vị trong Đại Bi sám pháp, từng chữ trong Bát Nhã tâm kinh, tiến lên lạy mỗi chữ một lạy bộ kinh Pháp hoa với hơn 60 ngàn chữ, kinh Đại Bát Niết-bàn gần 300 ngàn chữ.
Nếu mỗi ngày lạy 200 lạy, thì bộ kinh Pháp hoa phải lạy liên tục trong 1 năm, bộ kinh Đại Bát Niết-bàn phải hơn 4 năm hoặc vừa niệm Phật vừa lạy...
Với phát nguyện như vậy, ta sẽ lạy được liên tục, lâu dài, vừa tu tập, vừa thâm nhập kinh tạng, vừa tránh xa được những thị phi, cám dỗ của vật chất thế gian và tất nhiên sẽ thành người đoan chính.
Lễ lạy tại nhà là pháp tu rất nhiều lợi ích, nhất là vào mùa mưa, lạnh, không thể đi ra ngoài đường hay đến công viên hoặc các nơi tập luyện được, sẽ tránh được thời tiết xấu, các phiền toái hay những tiêu cực phát sinh, khi phải tiếp xúc với nhiều người chưa tốt.
Lễ lạy khỏi phải tốn kém mua sắm những dụng cụ để tập luyện, như các môn thể dục, thể thao khác, chỉ cần nơi trang nghiêm, thanh tịnh, giúp ta có cơ hội đối diện với Phật nhiều hơn và Phật tánh của ta cũng có nhiều cơ hội hiển lộ.
Lễ lạy là pháp tu cũng là pháp dưỡng sinh, có thể tranh thủ lễ lạy vào lúc khuya, tối hay lúc rảnh rỗi, ta thực hành yên tịnh, âm thầm không ảnh hưởng đến chung quanh, nếu nhiều người cùng lạy cũng không gây ồn náo.
Lợi ích của Lạy Phật
Ta lễ lạy chân thành “tu thân” sẽ cảm ứng được với Tam bảo và cảm hóa được thân nhân gia đình - “tề gia” - hay những người chung quanh, “Phật hóa gia đình hay dòng họ” - cũng là một cách hoằng pháp hữu hiệu, một phần của “bình thiên hạ”.
Lễ lạy ta sẽ tiêu trừ được nguồn gốc của vô minh đó là bệnh “chấp ngã”, luyện tập được tâm khiêm cung, hành xử trong cuộc sống sẽ có được nhiều tốt đẹp, thân thiện và giúp ích được nhiều người, phước đức từ đây sinh khởi. Lễ lạy tại nhà với nhiều sự nhiệm mầu giúp ta củng cố niềm tin Tam bảo, sẽ vững vàng trong sự hưởng thụ cao đẹp với Phật pháp.
Lễ Phật tại nhà giúp ta ẩn dật tu hành, nếu nhập thất rất là thích hợp, vừa có cơ hội và điều kiện để “tịnh tu” mặc cho bao “thị phi” của cuộc đời vùi dập và lòng người với nhiều “đố kỵ”, “phân biệt, đối xử” cũng không chi phối, vừa rèn luyện được sức khỏe và ý chí. Khi sống với nội tâm, tự tin và cắt lần hồi các duyên trần, chính là lúc này chúng ta sống đúng theo Phật, Tổ đã dạy: “ngoài dứt chư duyên, trong không toan tính, tâm như tường bích, khả dĩ nhập đạo”!
Khi ta chưa giúp ích gì cho xã hội được nhiều, hãy ở một chỗ, tu pháp lễ lạy sẽ giữ tâm được an lạc! “Tâm bình thế giới bình”, “tâm an vạn sự an”, hương vị giải thoát của Phật pháp ta cũng nếm mùi thọ hưởng. Lúc đó ta sẽ nhìn đời rất đáng yêu và quý kính mọi người, không dám xem thường một ai!
Tâm ta tốt sẽ chiêu cảm được nhiều người tốt, giúp ta sống tốt, thì ta cũng đã âm thầm góp phần giúp cho xã hội này được đẹp và bình yên phần nào rồi, hơn là phải bon chen chạy theo danh lợi, hay đua đòi theo vật chất vô thường, để phải nhiều lo toan tính toán, rốt cuộc rồi cũng không giữ và mang theo được gì, nhưng khiến tâm mình và tâm nhiều người phải loạn động, làm xã hội thêm sự bất an.
Có ăn sẽ no, có tu ắt chứng, có đi sẽ đến, có bơi lội sẽ không bị chìm và lên được bờ, có lễ Phật sẽ được mạnh khỏe, được Phật gia hộ.
Sống “cư trần lạc đạo, tùy duyên, ít muốn, biết đủ” - tiến hành lễ lạy thường ngày, được như vậy, tức là đã giữ Giới, tâm ta sẽ từ từ được Định, Tuệ sẽ phát sinh. Thân, khẩu, ý hằng thanh tịnh, lo gì không đồng Phật vãng Tây phương.
“Chạy theo ngũ dục”, “Cống cao ngã mạn” - là trở ngại lớn nhất của người tu và trong mọi quan hệ xã hội. Hằng lạy Phật sám hối một cách chân thành là phương pháp ‘hạ ngã’ và giải trừ nghiệp chướng một cách thù thắng nhất, vì “tội từ tâm khởi, đem tâm sám, tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu…”.
Lạy Phật chúng ta có cơ hội thực hiện “phận sự chính” đó là “quay lại với chính mình”, để không “hướng ngoại tìm cầu”, thường “sám hối” tức tự cứu lấy mình, để không lệ thuộc vào ai, bớt ham muốn, ta sẽ sống cuộc đời an lạc giải thoát, tự tại không bị ngũ dục kéo lôi và mây mờ của ngã chấp che phủ, Phật tánh sẽ lần hồi hiển lộ.
Lạy Phật, một pháp tu đơn giản, giúp ta có cơ hội “Quán chiếu nội tâm, triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình”. Qua đây ta soi rọi lại mình, rèn luyện được sức khỏe với nhiều lợi ích, làm cho sự lưu thông máu huyết thêm thông suốt, hóa giải được nhiều bệnh hoạn, cũng là một pháp tu giúp ta tiêu trừ được “bản ngã” một cách hiệu quả nhất.
Nhờ lạy Phật, ta ‘tự thấy mình nhỏ thôi, việc tu còn kém cỏi’, để cố vươn lên cũng như phải tu đến “vô ngã” mới đạt đến được Niết-bàn tịch tịnh và có được “năng lượng”, lòng “từ bi hỷ xả, bao dung” mở ra. Lúc đó ta mới mạnh dạn sẻ chia, mới tròn được hạnh nguyện ‘thượng cầu hạ hóa’ - giúp ta thực hiện đúng lời Phật dạy: “Sức khỏe là lợi ích. Biết đủ là thời gian. Thành tín là giàu sang. Niết-bàn là hạnh phúc” (PC 204). Nếu còn ‘tự tư tự lợi’, ‘không có của mà đòi cho ra’, thì chỉ là chuyện ma mị, ảo tưởng viễn vông mà thôi!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm