Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Lột xác và tâm tình thầy tu

Có lẽ cái tên Thích Đạt Ma Phổ Giác cũng khá quen thuộc với quý phật tử vài năm gần đây. Mỗi bông hoa trong vườn thiền tuy màu sắc mùi hương khác nhau nhưng bông nào cũng đẹp cũng tô sắc cho cuộc đời thêm tươi thắm.

Người con Phật cất bước trên đường hành Bồ tát đạo, ai cũng mong cho cuộc đời này bớt khổ đau, nước mắt thôi rơi và nụ cười an lạc, muôn vật trong vũ trụ sống với nhau trong tình yêu thương, sự hiểu biết, tấm lòng đồng cảm sẻ chia... hướng đến sự giải thoát trên tinh thần từ bi mà đức Phật chỉ dạy. “Lột xác” là một tác phẩm tự truyện do NXB Phương Đông ấn hành đã để lại nhiều ấn tượng, gây xúc động mạnh trong lòng người đọc qua những câu văn mộc mạc chân thành ghi lại toàn bộ cuộc đời của tác giả - nhân vật tự sự từ khi sinh ra cho đến thời điểm hiện tại trở thành một vị tu hành chân chánh. Những thăng trầm trong cuộc đời của ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy giáo lý Vô thường - Khổ - Không - Vô ngã; Tứ Diệu Đế, Lý Nhân Duyên... mà đức Phật đã chỉ dạy.

Không “đao to búa lớn”, không màu mè phô trương, không cố gắng dấu diếm trong cách thể hiện nội dung và nghệ thuật ngôn từ của tác giả. Mọi thứ diễn ra hết sức giản dị tự nhiên, bình dị như chính cuộc đời thầy tu. Chính điều này đã gây ấn tượng mạnh đối với quý độc giả nhất là tầng lớp bình dân. Cuốn sách chỉ khoảng hơn năm mươi trang được chia thành ba phần chính rõ ràng: Phần một kể lại quãng đời nghiệp chướng, phần hai nói về sự thức tỉnh quay về bờ giác, phần ba dũng cảm và buông xả trong rửa nghiệp lột xác. Nội dung cuốn sách đã được trình bày hết sức rõ ràng, ở đây người viết chỉ xin ghi lại ý nghĩa nhân sinh, bài học đạo đức cao cả và triết lý đạo Phật thấm nhuần qua “Lột xác”.
Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác
Mỗi người đến với cửa chùa tùy theo nhân duyên không ai giống ai. Nhưng điều quan trọng là con đường đạo vị đó đi như thế nào. Ở phần đầu, ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác - Thầy kể rất thật về cuộc đời của Thầy từ khi cất tiếng khóc cho đến những năm tháng tuổi trẻ phân nửa cuộc đời sa đọa trong bế tắc đau khổ tuyệt vọng tưởng chừng như “sống cuộc đời thừa”, một kẻ giang hồ du côn mất hết nhân hình nhân tính gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trần Ngọc Long ngày đó đã khiến bao trái tim phải rỉ máu. Người mẹ già bất hạnh ở vùng đất Thái Bình xa xôi lặn lội vô Sài Gòn trong thời loạn “tha phương cầu thực” đã cạn nước mắt vì chuyện vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, cộng thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền lo cho một bầy con thơ dại. Vậy mà Trần Ngọc Long người con lớn trong gia đình đâu sớm hiểu, đâu sẻ chia được với nỗi đau của người mẹ bạc mệnh ngày đó. Cái nghèo, cái khổ, rong ruổi khắp Sài Thành nơi xứ người đè nặng lên đôi vai của bà. Đứt ruột đẻ con ra, người mẹ nào cũng mong con mình ngoan ngoãn và có ích cho xã hội, bà không phải là người mẹ thiếu trách nhiệm nhưng người mẹ ấy đã quá bất lực với đứa con hư hỏng mà nhiều lúc tưởng chừng như bà đã buông xuôi và coi như không có mặt Trần Ngọc Long trên cõi đời. Quả đúng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”! Thế nhưng, tấm lòng người mẹ ấy có bao giờ “ngủ yên”. Một ngày vất vả bán hàng rong chạy chợ với bề ngoài âm thầm nhẫn nhịn hiền hậu ít nói nhưng ruột gan bà lúc nào cũng như lửa đốt nghe ngóng xem thằng con trai mình hôm nay có gây ra tội gì cho mọi người nữa không.

Con cái là tài sản quý giá nhất của cha mẹ, vậy mà Trần Ngọc Long đã vô cảm không chỉ trước những nỗi đau khổ của những kẻ “người dưng nước lã” mà ngay cả người mẹ già đau khổ và đàn em nhỏ Trần Ngọc Long cũng không phút đoái hoài. Mới bắt đầu tám tuổi, đầu óc Trần Ngọc Long đã tiêm nhiễm đủ thứ nơi đất thị thành phồn hoa đầy hỗn loạn cạm bẫy. Hầu hết các tụ điểm băng cướp lớn nổi tiếng ở Sài Gòn Trần Ngọc Long đều có mặt hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với những việc như: cướp giật, lừa gạt, đánh chém.... Tuổi trẻ không ý thức được giá trị sự sống, thói tập tành ăn chơi hưởng thụ và “máu anh hùng hiệp sĩ theo kiểu xã hội đen” cứ ngày một len lỏi và lớn dần trong tâm hồn Trần Ngọc Long. Cho nên càng ngày, Trần Ngọc Long càng trở nên “nguy hiểm” cho xã hội bởi tâm tánh ương ngạnh lì lợm, tập tành chơi bời và liều lĩnh. Với bản chất lưu manh chuyên nghiệp nên chuyện Trần Ngọc Long tham gia vào đường dây Năm Can khét tiếng cả nước cũng là điều không bất ngờ.

Sai lầm nối tiếp sao lầm, lối chấp thủ tà kiến, vô minh đã che lấp cả bầu trời tư tưởng, không bao lâu sau ý nghĩ đổi đời trong lý tưởng Cộng sản (dù lý tưởng cao đẹp đó chỉ là “gượng ép” trong thời thế) nên khi trở thành cán Bộ Đảng, Trần Ngọc Long tiếp tục sa lầy trong thất tình lục dục của danh vọng tiền tài sắc đẹp. Không có gì bẩn thỉu đê tiện bằng kiếm tiền trên nỗi đau của kẻ khác, không có gì tiểu nhân bằng thái độ “trong nhơ ngoài sạch” biết sai mà vẫn cố ý trơ trẻn để làm, không có gì nhục nhã bằng “bịt mắt thiên hạ” đội lốt trên “cán cân công lý”. Thanh niên Trần Ngọc Long được giao một nhiệm vụ khá quan trọng là trông coi, giáo dưỡng những người trẻ tuổi nghiện ngập, hút chích, mại dâm, những thành phần “rác rưởi đang được tái chế” với chính sách khoan hồng của Nhà nước sau năm 1975. Thay vì “chăm sóc” giúp đỡ những con người lầm lỗi làm lại cuộc đời thì Trần Ngọc Long lại dung túng vào hùa với họ tạo tác đủ thứ ác nghiệp hơn cả quãng trời gian trước. Nếu như trước đây, thói lưu manh, côn đồ, trộm cắp...còn “e dè” trước “pháp luật” thì giờ đây lúp dưới cái mác Đảng Viên Đảng Cộng Sản, Trần Ngọc Long khiến bao người ngậm miệng mà oán hờn trước việc ăn hối lộ, lộng hành, dung túng cho cái bất thiện hoạt động một cách trắng trợn. Khẩu súng mà Trần Ngọc Long mang theo bên mình được “quý cấp trên” giao cho với lệnh “sử dụng tùy ý” khi cần thiết làm Trần Ngọc Long càng ngông ngược. Bản chất tráo trở bịp bợm sẵn có cộng thêm sự liều lĩnh, Trần Ngọc Long đã “qua mặt” những cán bộ cấp cao thời bấy giờ.

Khi được ban lãnh đạo “nhìn mặt gửi vàng” chấm điểm, “cây kiếm đặt trong tay”, không làm hiệp sĩ anh hùng dẹp loạn, cây kiếm đó đã “chém” biết bao người dân vô tội, đầu tầu đã sai nên cả một trại giáo dưỡng không những thanh niên không hồi đầu lương thiện trái lại họ càng lấn sâu hơn trong vũng lầy tội lỗi. Các hoạt động hút chích ma túy, cần sa, rượu chè, mại dâm, bài bạc, trộm cắp, gây lộn... được hoạt động một cách công khai trong trại dưới sự “bảo hộ” của Trần Ngọc Long. Biết bao người mẹ nghèo khó ở khắp các nơi đang hàng ngày hàng giờ tin tưởng tại trung tâm cai nghiện mong rằng con mình sẽ hoàn lương trở về hòa nhập với cuộc sống mới để có chỗ cậy nhờ, biết bao người vợ trẻ đang ngày đêm mong ngóng chồng sớm từ bỏ con đường tội lỗi, về đoàn tụ lại trong mái ấm gia đình thân thương mộc mạc mà nặng nghĩa tình, biết bao đứa con thơ dại giương tròn đôi mắt ngây ngô chờ mong cha mẹ xum họp để vỗ về yêu thương chăm sóc chúng, biết bao những tấm lòng anh em họ hàng cô bác xóm trên làng dưới cảm thông và mong chờ thành viên của cộng đồng trở về hội tụ “sau lũy tre làng” yên tịnh thanh bình. Trần Ngọc Long lúc đó đâu ý thức được tội ác của mình. “Gần mực thì đen”, những cám dỗ của tinh thần vật chất đã làm Trần Ngọc Long quên đi những cảnh đời ngang dọc xung quanh mình, ngay cả người mẹ già, đàn em thơ, người vợ trẻ và những đứa con ruột của mình Trần Ngọc Long cũng đều thể hiện thái độ vô trách nhiệm.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, nói như Nguyễn Minh Châu: “ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người luôn luôn có cả rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”. Những tưởng rằng tâm hồn Trần Ngọc Long đã chai sạm và con người sống cuộc đời thừa ấy sẽ chẳng bao giờ làm gì được cho cái xã hội này tươi sáng hơn bởi người đời vốn hay tư duy “thói quen khó đổi bản chất khó dời”. Khi bắt đầu ý thức được chút xíu về sự vô thường của cuộc đời, Trần Ngọc Long sau những đam mê chơi bời tung hoành thỏa sức vẫn thấy cuộc đời này “không đủ”, có một cái gì đó cứ mơ hồ bàng bạc và khó cắt nghĩa trong tâm hồn người đã nửa cuộc đời nếm mùi đời. Quyết định tự vẫn “chết là xong”, vội vã với hai mươi viên thuốc ký ninh và hành động ngay sau đó nhảy sông để tự vẫn. Nhưng số phận chưa định đoạt, mạng sống chưa kết thúc, Trần Ngọc Long tự tử không xong mà di chứng để lại sau lần rửa ruột và ảnh hưởng của hành động dại dột đó cùng hậu quả của những ngày tháng phung phí sức lực tuổi trẻ đã đeo đẳng Trần Ngọc Long đến tận bây giờ trong những cơn đau khủng khiếp mỗi khi trái gió trở trời. Đó cũng là cái giá phải trả cho việc “sống mà như tồn tại” trong sự thỏa mãn chiều theo các giác quan. Nhân quả rõ ràng, di chứng để lại là quả đắng tất nhiên Trần Ngọc Long phải gánh chịu, dù sau này có thức tỉnh “nhận biết sai lầm” cũng đã là quá muộn, hoa đã nở, quả đã chín kiếp này, đành nhờ nhân kiếp này hái quả ngọt kiếp sau.

Điều gì làm lên sự kỳ diệu để có một ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác tuyệt vời ngày hôm nay? Không thể không nói đến vai trò của người mẹ, chính người mẹ già đã khuyên Đạt Ma Phổ Giác quay về bên cửa thiền sau lần tự tử mà không thành và bản thân bà sau khi “trả nợ đời” xong bà cũng xuất gia tu hành. Câu chuyện tâm sự của hai mẹ con bên quán hàng rong vệ đường thật khiến người ta phải xúc động.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

“Chỉ có gia đình là nơi tổ ấm bình yên để con người ta sau những vấp ngã trắng đen của cuộc đời quay về nép mình bên lưng mẹ”. Lời khuyên của người mẹ chính là liều thuốc “cải tử hoàn sinh”, là yếu tố chính khiến Trần Ngọc Long quyết tâm rũ bỏ tất cả, buông xuống vạn duyên để tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Tất nhiên, bàn về vấn đề trần Ngọc Long xuất gia tu hành thì không thể nhìn phiến diện một chiều, hoặc chỉ giới hạn trong kiếp sống nhân sinh hiện đời. Bởi thời mạt pháp bây giờ Phàm Thánh đồng cư thật khó cắt nghĩa bằng mắt trần.

Sau những cố gắng nhẫn nhục và sự quyết tâm cao độ, mang bên mình chỉ với một tờ giấy giới thiệu của TT.Thích Nhật Từ ngày đó, Trần Ngọc Long đã vượt qua chướng ngại thử thách ban đầu và được Sư phụ ở thiền viện Thường Chiếu chấp nhận cho xuất gia. Đức Phật nói rằng, sống ở đời có ba điều khó: “Phật Pháp khó nghe, tín tâm khó sanh, thiện tri thức khó gặp”. Ngày hôm nay duyên lành hội đủ, Trần Ngọc Long - con người tội lỗi lầm lỡ ngày nào giờ đây đã là Đại đức Thích Phổ Giác được đông đảo quý phật tử yêu mến kính nể và tăng thân tin tưởng thán phục.

Thầy phát nguyện nhận việc khó làm trong chùa, đó là lo phụ trách nấu cơm cho vài trăm tăng chúng ở thiền viện, kiêm Chủ nhiệm Hội từ thiện ấn tống tủ sách Duyên Lành. Không để cuộc đời tu hành ê a theo kiểu “bèo dạt mây trôi” giống quãng ngày ở đời, ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác giờ đây đã là con người của quần chúng, Thầy không bỏ qua bất kỳ một cơ hội phước thiện nào, miễn điều đó không trái với chánh đạo, không trái với những lời dạy của đức Phật và mang lại an vui giải thoát cho chúng sinh. Người xuất gia không quan trọng ở thời gian sớm hay muộn, quy luật lượng chất đã nói rõ trong sự tiến tu tìm đạo, dù một ngày một tháng ở chùa mà thực sự tu cũng bằng cả tháng cả năm, bằng bao nhiêu năm sống trong chùa mà vô cảm, giống như lò xo càng nén sức bật càng mạnh, dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng trụ trì Thích Thanh Từ, của Sư phụ thầy và huynh đệ tăng thân, ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác đã thực sự “Lột xác”. Một cửa đã mở các cửa khác cũng đều khai thông, nụ hoa đào đã hé nở, những giọt sương xung quanh rất nhiều tưới mát tẩm ướt cho hoa kia khoe sắc, một giọt sương rơi đúng nhụy và hoa kia bừng tỉnh.

Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác hôm nay giống như nụ hoa đào, những giọt sương xung quanh cũng giống như những người thầy, những vị thiện tri thức đang trợ duyên thanh lọc tâm tướng cho Thầy tu đạo và sương kia rơi đúng nhụy cũng như sự giác ngộ bừng tỉnh giáo pháp để thực hành trong lời nhắc tâm: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Nói như Tiến sĩ Thích Nhật Từ trong lời tựa: “Này các bạn! Không có gì gọi là kết thúc. Không có gì không thể làm được. Miễn là ta không nản lòng, không thất vọng, hay bỏ cuộc giữa chừng. Với một quyết tâm cao độ, với ý chí sắt đá, với nhận thức làm mới. Tôi tin chắc rằng, ta sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được vận mệnh của mình.

Hãy đứng dậy sau khi vấp ngã. Hãy tinh tấn mãi không ngừng. Bạn sẽ nắm lấy tương lai ngay trong giây phút hiện tại. Nói cách khác, chính ta là người biên kịch, người đạo diễn và cũng là diễn viên cho bộ phim cuộc đời mình. Chỉ cần khởi lên tâm huyết làm mới, bạn có thể biến nó trở thành sự thật.” Đó cũng chính tư tưởng của Đạo Phật: “Khi mê thì Phật độ, khi ngộ thì tự độ”, “Không thể nhờ thần linh/ Hay các đấng tối thượng/ Nếu đã chót vấp ngã/ Phải tự mình đứng dậy”. Giờ đây, ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác đã trở thành một nhà tu hành thực sự, những việc Thầy làm, những lời thầy nói và sự thực hành nghiêm túc trong tu tập đã chứng minh cho tấm lòng của vị tu sĩ “ nợ đời manh áo bát cơm/ tặng đời với cả tấm lòng thanh cao”.

Quan điểm phụng sự Phật pháp của Thầy rất rõ ràng. Thầy luôn tâm niệm ý thức trách nhiệm cao trong vai trò của người con Phật “trên đền bốn ơn nặng/dưới cứu khổ chúng sinh”, Thầy có hạnh nguyện hoằng pháp, coi việc “pháp thí thắng mọi thí” là trên hết, với Thầy, chỉ có ánh sáng của giáo lý đức Thế Tôn mới thực sự đem lại cho chúng sinh sự an lạc thực sự và chân lý vĩnh cửu.

Suốt mấy năm qua Thầy không quản mệt nhọc ngược xuôi làm từ thiện suốt vùng Đông Nam Bộ. Công tác từ thiện và viết sách của Thầy dần có tiếng vang lan ra tận Miền Bắc, quý phật tử ngoài Bắc giành rất nhiều ưu ái và tâm đắc trước những bài viết của Thầy. Như đã nói ở trên, văn chương Thầy mộc mạc, gần gũi, dễ đọc, dễ đồng cảm, Thầy đã từng có những thời gian vấp ngã hơn ai hết Thầy hiểu đồng cảm và chiêm nghiệm tư duy rất đúng về cuộc đời muôn hình vạn trạng, lại có duyên với quần chúng nhân dân nên dễ được lòng dân ủng hộ. Bởi đọc sách Thầy, nhiều khi người ta có cảm giác như mình đang ngồi trực tiếp đối diện với con người thật của chính mình một cách trần trụi mà ở đó cái tham lam, sân si, ngu muội, dối trá, dơ bẩn... được soi thấu, cũng như cái phần thanh cao, tốt đẹp, tích cực của nhân cách và phẩm chất cũng được đưa ra “cân đo đong đếm”, đánh giá một cách xác đáng. Tòa án là lương tâm tối cao của con người, cũng như kẻ tu hành, (tu là sửa chứ không phải hình thức cạo đầu mặc áo gõ mõ tụng kinh, lim dim đôi mắt làm ra vẻ tâm linh bí hiểm trước con mắt người thế gian), bởi “ai ăn người đó no, ai tu người đấy chứng”, “đồng thanh tương khí đồng ý tương cầu”, trong tâm đã có sẵn môn ngàn hạt giống, muốn trồng loại gì thì ra thứ đó, cây bồ đề trước sau gì cũng là cây bồ đề nhưng nếu trồng ớt ắt ra trái ớt, nhân quả rõ ràng không thể sai khác được.

Bàn thêm tác phẩm “Lột xác” nói riêng và 16 tập sách xuất bản trong Hội Từ thiện Duyên Lành nói chung (tính đến tháng 7 năm 2012), người viết muốn đề cập đến những ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau những “đứa con tinh thần” ra đời với mục đích “tốt đời đẹp đạo”. Chúng ta không nên nhìn Phật pháp và nhìn những vị chân tu ở bề nổi của phép thế gian. Sở dĩ Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác từ một người “bất khả chiến bại”, “một con sâu” trong xã hội đã trở thành một vị Thầy tu chân chính và đích thực bởi nhân quá khứ từ trong vô lượng kiếp Thầy đã có duyên với Phật pháp, phước quá khứ vẫn còn cho nên nghiệp huân tập trong kiếp này không đủ mạnh để lấn át phần phước nghiệp quá khứ, cho nên hành động “buông đao thành Phật” cũng là điều không lạ lẫm trong thiền môn. Dù nhân duyên ban đầu Thầy đến với cửa Phật vì thấy cuộc đời bế tắc trong bước đường cùng nhưng trải qua thời gian tu tập Thầy đã nhanh chóng nhận ra giáo lý cao siêu và sự nhiệm màu của Phật Pháp để có một bước “lột xác” quyết liệt mạnh mẽ. Đã là con Phật trước sau gì cũng về với Phật, quả xanh trên cây hái gượng ép bao giờ cũng chát chua, quả chín ắt tự rụng.

Ngày hôm nay Thầy có được một lối nhìn đúng đắn, một cách hành Pháp thiết thực là kết quả của những chiêm nghiệm, những từng trải, những đau đớn mà Thầy đã trải qua. Thật đúng là hoa sen mọc lên từ bùn dơ mà tỏa hương thơm ngào ngạt mới quý. Những trải nghiệm, những đau đớn, những bế tắc tuyệt vọng trong quá khứ chính là những bài học đắt giá để Thầy nhận ra chân lý Tứ Diệu Đế và sự Vô Thường của tâm thức cũng như sự tướng vạn vật để bây giờ Thầy có thể cất tiếng hát với những tâm hồn đồng điệu đang “bâng khuâng đi tìm lẽ yêu đời” rằng: “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày mới để yêu thương”, “dù đục dù trong con sông vẫn chảy/ dù cao dù thấp cây lá vẫn xanh/ dù người phàm tục hay kẻ tu hành/ cũng phải sống từ những điều rất nhỏ”, “bước vào đời có dại mới lên khôn/ không ai khôn mà chẳng dại một đôi lần”. Cuộc đời dù thuận hay nghịch với kẻ tu hành đã có sự học và sự hiểu thì Pháp nào của thế gian cũng biến thành vị Cam Lồ. Tùy theo căn tánh của chúng sinh có sai khác mà dùng những phương tiện độ sinh gieo duyên với đời, cho nên ý nghĩa “Phật pháp bất ly thế gian” là ở đó. Tinh thần nhập thế này của Thầy cũng mang nặng dấu ấn của Thiền Phái Trúc Lâm phát triển mạnh thời Nhà Trần.

Không một loài hương nào bay ngược chiều của gió
Chỉ hương người đức hạnh bay tỏa khắp muôn phương
hoa thơm ong bướm tự bay đến”.

Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác giờ đây không phải là cậu bé hay chàng thanh niên Trần Ngọc Long nghịch ngợm côn đồ trước kia nữa, “vô thường tấn tốc, nhất sát na gian”(Quy Sơn Cảnh Sách), vô thường thay đổi trong từng sát na, đức Phật cũng đã chỉ dạy: “Quá khứ đã qua rồi / tương lai không ước vọng/ chỉ có nơi hiện tại/ an trụ trong hiện tại”. Hiện tại chính là chánh niệm, tỉnh thức trong từng hơi thở và và việc làm, “đời và đạo song song khi gặp nhau ở điểm chân thiện mỹ”, đời và đạo tuy hai mà một tuy một mà hai, nhờ đời chướng ngại mà kẻ tu hành nhận ra mình thực tập đến đâu để tự lợi lợi tha, tùy theo đạo lực mà dẫn dắt chúng sinh dần thoát khỏi vô minh mê mờ.

Bản thân tôi cũng không sao quên được ngày làm từ thiện tại Trung Tâm Y Tế dự phòng giành cho người cai nghiện và nhiễm HIV tại huyện Giao Thủy Tỉnh Nam Định. Dù chưa một lần được gặp trực tiếp ĐĐ Thích Đạt Ma Phổ Giác nhưng hơn một trăm người có mặt và được đón nhận tập sách “Lột xác’ cũng đều xúc động. Có người không dấu được lòng mình, xúc động nghẹn ngào khi cầm cuốn sách trên tay mà nước mắt lưng tròng nói với tôi: “Con sẽ cố gắng Niệm Phật thật nhiều, con sẽ cố gắng sống có ích, sau này con mong cả hai mẹ con con được xuất gia như Thầy Đạt Ma Phổ Giác ”.

Những người dân vô tội, bao giờ họ cũng đáng thương hơn đáng trách, bản chất của một con người gần như tạo ra bởi ba yếu tố: gia đình, môi trường sống và chính tự bản thân người đó. Gia đình bao giờ cũng là nền tảng của xã hội, đứa con mới sinh ra huân tập và ảnh hưởng rất nhiều những tư tưởng của cha mẹ chỉ dạy, cho nên hầu như tuổi thơ, em bé nào cũng dễ thương bởi cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành người đạo đức sống có ích. Lớn hơn chút nữa, khi tư tưởng nhận thức thế giới xung quanh bắt đầu hình thành thì đứa trẻ có phần ương bướng khó dạy và ít nghe lời người thân, lúc này trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ảnh hưởng rất mạnh của môi trường xã hội. Theo như phân tích của các nhà tâm lý học, nữ thường khoảng mười tám tuổi thì tâm tính lập trường mới dần ổn định, nam thường phải ngoài hai mươi. Có một số trường hợp đặc biệt thì có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào nhận thức của từng người. Khoảng thời gian từ hai mươi lăm tuổi đến ba mươi tuổi, ở cái tuổi phân nửa cuộc đời này tâm lý của nam hay nữ hầu như đã “nếm trải” khá đầy đủ bản chất của cuộc sống. Có một nhà văn nào đó cũng đã đưa ra rất xác thực về vấn đề này: “Khi tôi hai mươi tuổi tôi chỉ biết có tôi, khi tôi bốn mươi tuổi tôi biết tôi và Môza, khi tôi sáu mươi tuổi tôi chỉ còn biết có Môza”. Ở đây Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác cũng không nằm trong vòng ngoại lệ lắm, nói như Nguyễn Hữu Thỉnh trong bài thơ “Sang thu”: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ trên hàng cây đứng tuổi”. Điều đáng nói, Thầy Đạt Ma Phổ Giác cũng sinh ra bằng xương bằng thịt như bao người, cuộc sống đầy cạm bẫy cám dỗ Thầy hết vấp ngã này đến sa đọa khác như những mắt xích sai lầm cột chặt vậy mà Thầy đã đứng lên bằng đôi chân của mình, thanh lọc chính mình bằng nghị lực và ý chí hướng thượng. Tấm gương của Thầy là bằng chứng chứng minh “không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền”.

“Lột xác” giống như bức tâm thư, tâm tình ghi lại những mảnh vỡ cuộc đời và sự bừng tỉnh khi bắt gặp ánh sáng của Phật Pháp nhiệm màu. Cuốn sách như một thông điệp gửi đến cho những ai đã, đang và có nguy cơ bị “quỷ thần” dẫn dụ hãy tỉnh táo, cảnh giác khi chưa sa lưới và những ai đã sa lưới hãy mạnh mẽ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật đối diện với nó đừng bao giờ lẩn trốn. Nếu thực sự muốn “lột xác”, chúng ta ngã từ chỗ nào hãy ngẩng mặt đứng lên từ chỗ đó. Bởi xung quanh ta còn biết bao người tốt dang tay trợ duyên cho những tâm hồn lầm lỡ. Tình thương sự cảm thông sẻ chia đó thực sự xuất phát từ trái tim chứ không hề màu mè gượng ép cho nên ai đã từng có hoàn cảnh giống như Đại Đức trước kia xin đừng bao giờ từ bỏ tin yêu, đừng bao giờ tuyệt vọng, đừng bao giờ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt màu xám, sự sống là quan trọng... Cho nên: “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, bạn hãy cứ tin rằng cuộc sống này là một điều kỳ diệu”, cõi an lạc của đức Phật A Di Đà sẽ ở ngay cõi thế gian này chứ không phải cách xa mười muôn ức kiếp về phương Tây.

Tp.HCM, tháng 7 năm 2012 - viết tại tu viện Huệ Quang!

Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hóa giải ác mộng

Phật giáo thường thức 19:40 04/11/2024

Hỏi: Hiện tôi có chút vướng mắc là thường xuyên gặp ác mộng, mỗi lần như vậy thì thân thể mệt mỏi, tâm tư khá bất an và lo sợ. Mong được hướng dẫn cách thức tu tập thế nào để chuyển hóa những ác mộng đó?

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Phật giáo thường thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Con quan sát nhưng không thay đổi được gì?

Phật giáo thường thức 15:00 04/11/2024

Hỏi: Khi con chán nản thấy mọi sự điều vô nghĩa thì con nên làm gì? Dù con quan sát tâm nhưng không thay đổi được gì và tình trạng này kéo dài mấy ngày. Xin Sư giúp con!

Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết

Phật giáo thường thức 13:30 04/11/2024

Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.

Xem thêm