Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam
Dù bất cứ chúng ta lưu lạc ở phương trời nào, mỗi khi chúng ta không quên được tiếng nói của quê hương, tiếng nói suối nguồn trong khiết của đạo lý, thì “chính thân thể mình là quê hương” như ngài Huệ Năng đã nói....
Trước khi đi đến những dữ kiện, tài liệu lịch sử để chứng minh Huệ Năng là người Việt Nam, tôi xin cụ thể gợi lại đây cho ta thấy “bản lai diện mục” của ngài Huệ Năng qua cái nhìn của tôi từ những dữ kiện rõ ràng có thể thấy được, dưới một luồng ánh sáng khác chiếu rọi trên con đường cô độc của một đạo sĩ Việt Nam cách đây trên 13 thế kỷ.
Điều sai lầm lớn nhất là mỗi khi ta nhắc đến ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung rằng ngài có hình dáng một cụ Hòa thượng già nua, mường tượng như những hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu; tất cả những hình ảnh của ngài và ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của ngài đều là những hình ảnh do những đời sau nguỵ tạo. Chúng ta cần phải thành kính thờ lạy tất cả những hình ảnh về ngài do những thế hệ đã qua để lại, vì tất cả những di ảnh ấy đều là những biểu tượng cần thiết hữu hình về ngài; chúng ta phải cần có những biểu tượng hữu hình để thờ lạy, vì cơ cấu tâm thức của chúng ta cần phải nương tựa thành kính vào một hình tượng cụ thể để mới có khả năng vượt qua hình tượng, chứ không thì dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô. Nhu yếu vô hình và siêu hình của tâm hồn phải cần nương tựa vào một hình tượng nhất định để rồi siêu hóa và chuyển hóa tất cả những hình tượng. Chính ngay đương thời với ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, có đệ tử tạc tượng ngài, nhưng chính ngài Huệ Năng ngó tượng và mỉm cười: “Ngươi chỉ có tài nặn hình mà chẳng hiểu được tánh Phật”. Dù đây chỉ là đoạn văn do người sau thêm vào Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn kinh, nhưng vẫn nói lên được cụ thể cái tinh thần vô tướng của nguyên ngữ khí của Huệ Năng. (Bản Tông Bảo có điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng, đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, đến trước Huệ Năng năm đời Tổ). Chúng ta thường hình dung nét mặt của ngài Huệ Năng là nét mặt hiền hậu của một cụ già, nhưng chúng ta đã quên rằng Huệ Năng đã từng rất trẻ, và chính tuổi trẻ của Huệ Năng quyết định hết tất cả sự nghiệp tâm linh vĩ đại của Huệ Năng, vì tất cả những bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn kinh đều giống nhau ở chỗ nói lên tuổi trẻ của Huệ Năng, khi ngài đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ba điều cần nhấn mạnh về tuổi trẻ của ngài Huệ Năng:
– Thứ nhất: Huệ Năng đã đắc đạo vừa lúc mới nghe người lạ tụng kinh Kim Cang trước khi ngài đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn;
– Thứ hai: Huệ Năng là một thanh niên đầy tự tin, hãnh diện về sự chứng ngộ tâm linh của mình và không hề có một mặc cảm tự ti nào cả khi mới vừa gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Theo tiêu chuẩn lễ nghi, lễ phép ở tông môn thì cách đối đáp của Huệ Năng (vừa mới gặp Ngũ Tổ lần đầu tiên) quả thực là rất “vô lễ”.
Ngay ở Việt Nam ngày nay, cũng không thấy một thanh niên trẻ măng mới đến chùa xin đi tu mà dám cả gan đối đáp như vậy với một vị Hòa thượng nổi tiếng (như Hoằng Nhẫn), huống chi đây là một thanh niên ngoại quốc ở vùng nhược tiểu “man rợ” mà dám đối đáp với Đại lão Hòa thượng đại cường quốc thống trị Trung Hoa thịnh Đường như vậy; Hoằng Nhẫn giả vờ hỏi một câu chê trách về nguồn gốc Việt Nam của Huệ Năng thì Huệ Năng trả đũa ngay lập tức như một kẻ đã chứng ngộ rồi mới dám khẳng định rằng: “Con người tuy có Tàu có Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh trong Hòa thượng và trong tôi chẳng có gì là sai biệt”. (Chúng ta phải hiểu chữ “Bắc” trong kinh có nghĩa là “Trung Quốc” và “Nam” có nghĩa là Việt Nam; ngày xưa người Trung Hoa coi nước Việt Nam là thuộc địa miền Nam của họ);
– Thứ ba: Huệ Năng không được Hoằng Nhẫn dạy đạo gì cả và chỉ ở chùa với Ngũ Tổ có tám tháng mà thôi, và được Ngũ Tổ trao truyền y pháp và ngôi Lục Tổ, lúc Huệ Năng mới có được khoảng 22 tuổi và chỉ non khoảng 23 tuổi. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ giữ vai trò danh dự là ấn chứng cho Huệ Năng, vì thế Ngũ Tổ mới lén lút kêu gọi Huệ Năng đêm khuya vào gặp riêng Ngũ Tổ để ngài trao y pháp và giảng cho một thời kinh Kim Cang gọi là lấy lệ thôi, rồi sau đó Ngũ Tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Trung Hoa, vì Ngũ Tổ đã làm một việc can đảm phi thường nhất đáng ngại: trao ngôi vị lớn nhất của Thiền tông (lúc đó chưa có tên là “Thiền tông” mà chỉ có tên là Đông Sơn pháp môn) cho một thanh niên “mọi rợ” mới chưa đầy 23 tuổi.
Có một điều không nên quên đó là lần đầu tiên và có thể là lần cuối cùng độc nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa mà ngôi vị Tổ sư của một tông pháp lớn nhất của Phật giáo lại được trao truyền cho một người ngoại quốc còn rất trẻ tuổi và chưa thọ giới xuất gia gì cả (Huệ Năng chỉ làm lễ thế phát xuất gia theo điệu hình thức lúc gần 40 tuổi, vì “phương tiện thiện xảo”, vì từ bi để hoằng pháp và gìn giữ ý nghĩa siêu việt của chữ “Tăng” trong Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhưng chi tiết này cũng do những bản đời sau của Pháp Bảo Đàn kinh thêm vào để cho “cụ túc” hình tướng cần thiết hóa độ). Chúng ta phải tán thán công đức siêu phàm của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở đây: Hòa thượng đã nhìn nhận ra tất cả vĩ đại phi thường của một anh con nít, chưa đầy 23 tuổi, lại thuộc giống người “mọi rợ”, chưa xuất gia; và Hòa thượng khéo léo kín đáo trao truyền tất cả trách nhiệm tâm linh nặng nề nhất của đạo pháp, khéo léo khuyên Huệ Năng lui trở về Việt Nam và trốn tránh ở Việt Nam, chứ đừng ra mắt xuất hiện ở đất Trung Hoa nữa; Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ Tổ và đã mất dạng ở đất Trung Hoa trong vòng mười sáu năm; ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng núi Việt Nam và đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên cương hai nước để thuyết pháp.
Từ ba điều cần nhấn mạnh trên, bây giờ chúng ta thử hình dung người thanh niên Huệ Năng. Chúng ta thử hình dung cách đây trên 13 thế kỷ, lúc đó tại vùng miền Bắc nước Việt Nam, quanh quẩn đâu đó thuộc vùng thượng du Bắc Việt, có một đứa con nít Việt Nam ra đời khoảng năm 638, tại vùng đất gọi là Lĩnh Nam, tức là Việt Nam, lúc đó nước Việt Nam đã mất chủ quyền độc lập, gọi là thời Bắc thuộc lần thứ ba, vào thời nhà Đường (cuộc Bắc thuộc dã man này kéo dài từ năm 603 cho đến năm 939). Tất cả những gì huy hoàng nhất của Việt Nam trong giai đoạn ấy đều bị Trung Hoa đồng hóa sát nhập vào sở hữu của họ). Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây: Phật giáo Việt Nam lúc ấy rất huy hoàng và có nhiều vị sư Việt Nam đã được triệu thỉnh về triều đình Trung Hoa để dạy đạo Phật cho vua quan học; đó là chưa nói đến Trung tâm Phật giáo Đại thừa có từ trước đời Đường ít nhất ba, bốn thế kỷ là nước Vu Điền (Khotan) ở Trung Á đã sản xuất bao nhiêu đạo sĩ truyền giáo Đại thừa cho Trung Hoa, hầu hết tất cả những vị này đã mang kinh điển Phật giáo đến Trung Hoa từ thế kỷ thứ hai và mấy thế kỷ sau; hầu hết tất cả những vị truyền giáo vùng Trung Á này đều đi bằng đường biển đến Trung Hoa và bắt buộc phải ghé Việt Nam trước khi đổ bộ sang Trung Hoa (ngay cả Bồ Đề Đạt Ma, người vùng Trung Á, chứ không phải Ấn Độ, vì không có sách Phật giáo Ấn Độ nào nói đến Bồ Đề Đạt Ma cả, ngay cả tài liệu Tây Tạng về Phật giáo Ấn Độ cũng không có nói đến Bồ Đề Đạt Ma), ngay đến Bồ Đề Đạt Ma, người vùng Trung Á, cũng phải đi đường biển và mất hết ba năm trời mới đến Trung Hoa, như thế trong thời gian ba năm đó, Bồ Đề Đạt Ma cũng phải lưu lại Việt Nam trước khi sang Trung Hoa. Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng mạnh về hình thức Phật giáo Trung Hoa, nhưng ngược lại Việt Nam đã ảnh hưởng lại Trung Hoa rất mãnh liệt mà ít ai thấy được, và trường hợp Huệ Năng là một thí dụ điển hình. Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Phật giáo nước ngoài, như một trường hợp điển hình khác ít ai biết: năm 735, Thiền sư Việt Nam tên là Phật Triệt đã đến Nhật Bản và dạy chữ Phạn cho những Tăng sĩ Nhật Bản, và đồng thời Tổ sư trao truyền nhạc Phật giáo cho nền vũ nhạc triều đình Nhật Bản mà ngày nay người Nhật rất hãnh diện đã giữ lại nền vũ nhạc tuyệt vời ấy và coi như “một trong những kỳ quan của thế giới” và chính người Nhật cũng công nhận rằng đó là nền vũ nhạc mà chính một người Việt Nam đã trao truyền cho họ vào thế kỷ thứ VIII đang khi đó ở Việt Nam chúng ta đã quên mất hết tất cả những gì gọi là tinh túy của dân tộc(1). Đây là một trường hợp đáng lưu ý cho những người quan tâm đến quốc học mà tôi sẽ đề cập trong dịp khác. Bây giờ xin đóng dấu ngoặc lại và trở về ngài Huệ Năng.
Chúng ta thử tưởng tượng hình dung một đứa con nít Việt Nam khi sinh ra đời thì nước Việt Nam đã trở thành lãnh thổ của nước Trung Hoa. Chúng ta chỉ biết đứa con nít ấy tên là Năng (chữ “Huệ” có thể do Ngũ Tổ đặt thêm cho Năng). Không ai biết rõ tung tích của đứa bé ấy, chỉ biết rõ rằng đứa bé ấy là người đất Lĩnh Nam (tức là Việt Nam). Ngay đến tên tuổi cha mẹ của Huệ Năng trong bản Đôn Hoàng và những bản sau của Pháp Bảo Đàn kinh đều do những thế hệ sau thêm vào (bản Đôn Hoàng Pháp Bảo Đàn kinh xuất hiện sau năm viên tịch của Huệ Năng ít nhất trên một thế kỷ sau). Khi đứa trẻ ấy lớn lên khoảng ngoài hai mươi tuổi, ở vùng gần biên giới Trung Hoa, nghèo khổ, phải đi bán củi nuôi sống, người nhỏ bé, ốm yếu, gầy đét, nhưng thông minh siêu phàm xuất chúng; tình cờ chỉ nghe một người tụng kinh Kim Cang mà giác ngộ; Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm: dữ kiện lịch sử đã chứng minh rằng Huệ Năng nói không rành tiếng Tàu (đã được những hậu bản kinh Pháp Bảo Đàn ghi chép) dù Huệ năng có nói tiếng Tàu theo giọng Quảng Đông đi nữa thì không có lý do gì mà Huệ Năng phải cần tự biện hộ (ngài đối đáp với Hoằng Nhẫn) lúc Ngũ Tổ đưa ngài đến trạm Cửu Giang để trở về Việt Nam, nhất là trong một lúc nghiêm trọng như sắp vĩnh biệt Ngũ Tổ. Chẳng hạn đọc lại bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn kinh:
“Lúc vào canh ba, Huệ Năng lãnh được y bát rồi thì mới hỏi: “Năng này gốc gác là người Việt Nam, vốn chẳng biết đường đi vùng núi này, làm thế nào mà ra vàm sông?”. Ngũ Tổ đáp, con chẳng cần đi, tự ta sẽ đưa con đi. Tổ đưa Huệ Năng thẳng tới trạm Cửu Giang. Rồi Tổ bảo Huệ Năng lên thuyền, ngài cầm mái chèo lấy, nhưng Huệ Năng nói: “Xin Hòa thượng ngồi và hãy để đệ tử chèo lấy mới phải”. Tổ nói: “Đáng lẽ ta độ cho người”. Huệ Năng trả lời: “Khi mê thì thầy độ cho, ngộ rồi thì mình độ lấy mình. Chữ “độ” tuy có một mà chỗ dùng chẳng giống nhau. Huệ Năng này sinh ở chốn biên thùy xa xôi, thành ra tiếng nói không được đúng. Nhờ thầy truyền pháp rồi và nay đã đắc ngộ rồi thì chỉ tự mình mà độ lấy mình thôi”. Chúng ta thấy gì trong lời ghi chép trên? Hiển nhiên chữ Hán “độ” có nghĩa là “đưa” mà cũng có nghĩa là “cứu độ”.
Khi Huệ Năng trả lời: “Lúc mê thì Tổ sư độ, ngộ rồi thì tự độ lấy mình. Huệ Năng này sanh tại xứ dã man và giọng nói không đúng, nhờ Tổ sư truyền pháp, nay đã được tỏ sáng thì chỉ nên mình tự độ lấy mình”. Đoạn này mới nghe qua tưởng dễ hiểu. Nếu chúng ta biết nhìn thấy qua bên trong sự việc thì chúng ta sẽ thấy được mật ý của đoạn văn. Đây không phải lúc mà Huệ Năng có thể “chơi chữ” với Tổ sư, vì đây là giây phút vô cùng nghiêm trọng và ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ bí mật giữa hai thiền sư; ngôn ngữ bí mật nằm giữa hai biên giới, biên giới Sống và Chết: một Tổ sư rút lui về sự Chết và một Tổ sư khác mới khai sinh. Huệ Năng đã hiểu mật ý của Ngũ Tổ và muốn nói với Ngũ Tổ rằng: “Thầy muốn đưa con về Việt Nam là để cứu thoát con để khỏi bị lâm nạn ở đất Tàu, vì con nói tiếng Tàu không rành, là người mọi rợ, lại lên ngôi vị Tổ sư, nhưng thầy đưa con đi đây có nghĩa rằng thầy muốn cứu thoát con, dù con nói không rành tiếng Tàu, nhưng con cũng hiểu ý của thầy khi thầy muốn “đưa” con đi và đồng thời muốn “cứu thoát” con (“độ”), con đã hiểu ý thầy rồi thì con phải tự cứu thoát lấy mình và trở về Việt Nam”.
Tất cả mật ý trên chỉ muốn nói lên điều duy nhất: Huệ Năng hiểu lý do tại sao Ngũ Tổ đưa trả Huệ Năng về Việt Nam, vì rất nguy hiểm cho tính mệnh của một người thanh niên trẻ tuổi, người “man rợ dã man” mà được trao truyền ngôi vị Tổ sư thống lãnh tất cả Đông Sơn pháp môn, trường phái nổi tiếng nhất của Trung Hoa hồi đó. Chỉ có thể hiểu như vậy mới không thấy cái “lố bịch” của Huệ Năng khi tỏ vẻ “khôn vặt” chơi chữ với chữ “độ” trong một giây phút linh thiêng nhất, lúc giã biệt thầy. Sau đó, chàng thanh niên Huệ Năng phải mai danh ẩn tích ở rừng núi Việt Nam trong khoảng mười sáu năm trời, rồi mới dám xuất đầu lộ diện thuyết pháp ở vùng biên giới Trung – Việt.
Ngài Huệ Năng thuyết pháp trên ba mươi mấy năm trời chung quanh vùng Quảng Đông và vùng biên giới Trung – Việt, và cả nước Trung Hoa lúc ấy không ai biết đến tên tuổi ngài cả, lúc ấy Thần Tú được trọng đãi ở triều đình Trung Hoa và được chính thức coi như Lục Tổ của Đông Sơn pháp môn (lúc đó chưa có phân biệt “Bắc Tú, Nam Năng” như ta thấy trong bản Đôn Hoàng và những hậu bản Pháp Bảo Đàn kinh). Danh tiếng, uy thế của Thần Tú và đệ tử Phổ Tịch lẫy lừng vang dội và được vua Trung Hoa coi như Quốc sư, đang khi ấy ngài Huệ Năng chỉ là một ông đạo sĩ “man rợ” tối tăm ở biên cương, chỉ có được một số môn đệ người Trung Hoa trung thành sùng bái, trong số đó có một người tên là Thần Hội; chính Thần Hội sau này đã khôi phục lại ngôi vị Tổ sư thứ sáu cho Huệ Năng và rao truyền đạo lý Đốn ngộ Bát nhã của Huệ Năng và đẩy lùi tất cả những trường phái Thiền tông khác đi vào bóng tối của lịch sử. Tất cả tư tưởng đạo lý của Thần Hội đều được rút ra trực tiếp từ Huệ Năng. Vai trò quyết định của Thần Hội đối với lịch sử Phật giáo Thiền tông Trung Hoa và Nhật Bản chỉ mới được Hồ Thích khám phá ra từ những tài liệu đào ra được ở động Đôn Hoàng, lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Paris.
Tác phẩm của Thiền sư Thần Hội đã thất lạc từ lâu ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ nhờ Hồ Thích khám phá ra ở thư loại Pelliot tại Paris mà lịch sử Phật giáo Thiền tông Trung Hoa đã được viết lại hết, chẳng những tài liệu của Hồ Thích thôi mà còn bao nhiêu tài liệu khác từ Đôn Hoàng đã giúpc ho các học giả Nhật và phương Tây thấy rằng sự thực lịch sử về sự thành hình của Thiền tông không giống như những tài liệu lịch sử Phật giáo Trung Hoa như chúng ta từng quen biết từ lâu. Những gì chúng ta biết được về những Tổ sư Trung Hoa từ Bồ Đề Đạt Ma cho đến Huệ Năng đều do những truyền thuyết nguỵ tạo ở những thế hệ sau. Tất cả những sử gia Trung Hoa và ngoại quốc muốn viết gì về Huệ Năng đều lấy tài liệu chứng minh từ bộ Toàn Đường văn (Đài Bắc, 1961, 20 cuốn), nhưng theo giáo sư Yampolsky thì bộ “Bộ sách Toàn Đường văn” được biên soạn vào năm 1814 và sử dụng tạp nhạp tất cả những tài liệu một cách bừa bãi, và nhiều tài liệu đã được viết ra sau này và rất gần đây, thành ra không thể tin vào giá trị của những tài liệu ấy” (Yampolsky, op. cit., trang 31). Sau khi khảo xét rất kỹ lương xtất cả tài liệu liên quan đến Huệ Năng trong bộ Toàn Đường văn, Yampolsky phải đi đến kết luận rằng tất cả đều là ngụy tạo (op. cit., trang 59). Sau khi đã duyệt qua hàng ngàn tài liệu Trung Hoa và Nhật Bản, cùng những tài liệu khai quật ở Đôn Hoàng, Yampolsky đi đến kết luận rằng:
“Chúng ta không có được những dữ kiện nào về Huệ Năng cả… (For Hui-Neng we have no facts…” op. cit., trang 60). “Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng thực ra gần như không có gì để chúng ta có thể nói thực sự về Huệ Năng” (“We may only conclude that there is infacts, almost nothing that we can really say about him”, op. cit., trang 69). Theo Yampolsky, chúng ta chỉ biết chắc có một điều là có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam Trung Hoa”. Theo Yampolsky, chỉ có hai tài liệu đáng tin cậy: thứ nhất là Lăng Già sư tử ký (khai quật ở Đôn Hoàng), và tài liệu này chỉ nhắc đến tên Huệ Năng như là một trong mười học trò của Hoằng Nhẫn, chỉ thế thôi và không có ghi chép sự kiện gì khác; tài liệu thứ hai là bia ký của thi hào Vương Duy vào khoảng năm 740. Còn tất cả những tài liệu khác đều do những thời đại sau ngụy tạo. Trong bia ký của thi hào Vương Duy mà Yampolsky đã trích dịch ở trang 66-67 (op. cit.), chúng ta chỉ thấy Vương Duy ghi rằng:
“Nơi quê quán của Thiền sư Huệ Năng không ai biết. Thiền sư sinh sống ở một thôn làng mọi rợ. Khi trẻ, học đạo với Hoằng Nhẫn, thiên tài của ngài được Ngũ Tổ ghi nhận và được trao truyền y pháp; Ngũ Tổ bảo ngài phải lìa bỏ (tức là lìa bỏ đất Trung Hoa), và trong mười sáu năm, ngài sống ẩn trốn với phường buôn bán dân ngu khu đen (tức là phường dân ngu khu đen ở Việt Nam). Từ hai dữ kiện lịch sử trên và dựa theo tất cả những bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn kinh, và loại bỏ tất cả những gì có tính cách thần thoại hay truyền thuyết (và ngay cả bản Đôn Hoàng Pháp Bảo Đàn kinh chỉ được chép vào năm 830-860, gọi là do Pháp Hải ghi lại, chưa hẳn là nguyên bản của Pháp Bảo Đàn kinh mà những học giả Nhật cho rằng đã có một nguyên bản khác đã được viết vào khoảng năm 713-714 sau khi Huệ Năng viên tịch, bản này đã mất và chưa tìm lại được); dựa vào tất cả những dữ kiện kiểm chứng được, chúng ta chỉ có thể có những kết luận sau đây:
– Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam;
– Lĩnh Nam là đất Việt Nam (ngày xưa Lưỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây cũng thuộc Việt Nam). Ngay đến Yampolsky cũng đã chú thích rất rõ: “Lĩnh Nam là những vùng ở Quảng Đông, Quảng Tây, và miền “Bắc Đông Dương Việt Nam” (“Ling-nan indicates the areas of Kwangtung, Kwangsi, and Northern Indochina”, op. cit., trang 126). Còn địa danhh “Nam Hải” ghi trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh thì theo Yampolsky đó là Phiên Ngung, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày xưa (xin đọc Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, trang 37: “Triệu Đà đánh được An Dương vương, sát nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ vương, đóng đô ở Phiên Ngung”).
Ngoài ra, còn một điểm đáng lưu ý mà Yampolsky đã nêu ra: Bài thuyết pháp quan trọng nhất của Huệ Năng là ở chùa Đại Phạm, nhưng theo Yampolsky thì, không ai có thể truy tìm cho ra chùa Đại Phạm ở đâu, chỉ biết chùa ấy còn có tên là chùa Báo Ân. Ngôi chùa quan trọng nhất, nơi xảy ra bài thuyết pháp quan trọng nhất của Huệ Năng và là nội dung quan trọng nhất của tất cả các bản Pháp Bảo Đàn kinh mà không có học giả nào truy ra được địa điểm đích xác, đang khi đó, một sự kiện lạ lùng, là chúng ta đã thấy cái tên chùa Báo Ân rất nhiều lần trong quyển Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, cuốn 1, trang 342 và 344; và điều lạ lùng nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: trong Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi có hai tên khuyết lục vào thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu, vào thế kỷ thứ VII và thế kỷ thứ VIII, đồng thời với Huệ Năng và Thần Hội (mà Thần Hội ở chùa Hà Trạch, Hà Trạch nào, phải chăng là Hà Trạch ở Lạc Dương hay Hà Trạch ở Việt Nam?), vì trong Lĩnh Nam chích quái có ghi rằng:
“Thiền sư Không Lộ kết làm đạo hữu với Giác Hải, lần đến chùa Hà Trạch nương thân…” (trang 90). Và riêng về tài liệu Phật giáo Việt Nam có một nghi vấn mà chưa ai trả lời được và còn ghi lại trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (trang 224 và 98): có hai hệ phái Đại Điên và Bát Nhã không được chép vào lịch sử những thế hệ truyền thừa. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Huệ Năng và Thần Hội thuộc vào hệ phái Bát Nhã và chống lại hệ phái Lăng Già của Thần Tú và Phổ Tịch. Có một điều đáng nói hơn nữa, đang khi Huệ Năng đương thời không được người Trung Hoa biết đến, và mãi sau đến sự xuất hiện hoằng pháp của Thần Hội (sau khi Huệ Năng đã chết lâu rồi) thì ảnh hưởng của Huệ Năng lớn mạnh như vũ bão quét sạch tất cả tông phái khác ở đất Trung Hoa, đang khi ấy nước Trung Hoa không có một tổ đình nào mang tên là Lục Tổ thì trái lại tại Việt Nam đã có một tổ đình rất lâu đời, mang tên là Tổ đình Lục Tổ (xin đọc Nguyễn Lang, trang 218, trang 98, trang 101).
Như trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Tổ đình Lục Tổ đã có tới trên 400 năm, tính kể từ cuối thế kỷ thứ XII, tức là Tổ đình Huệ Năng đã có từ thế kỷ thứ VIII, thời đại của Huệ Năng (Huệ Năng viên tịch vào thập niên đầu thế kỷ VIII, tức khoảng năm 713) (Nguyễn Lang, op. cit., trang 101). Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Huệ Năng chỉ xuất hiện ở những kinh đô Trung Hoa để vũ bão quét sạch tất cả những tông phái Thiền của Phổ Tịch (đệ tử Thần Tú) và lấy lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng, bắt đầu từ năm 732, và Thần Hội đã chiến thắng vẻ vang rực rỡ và mất đi vào năm 758 hay 760, thì đang lúc đó ở Việt Nam đã có một tổ đình mang tên là Lục Tổ. Còn một điều nữa là quyển Nam Tông tự pháp đồ (ghi lại lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam) đã bị mất, và chính mấy chữ “Nam Tông” đáng cho chúng ta lưu ý, vì mấy chữ ấy chỉ xuất hiện với sự xuất hiện của Thần Hội vào khoảng từ năm 732 trở đi. Còn một điểm lịch sử vô cùng quan trọng đáng cho chúng ta suy nghĩ:
“Thiền sư Việt Nam La Quý An quyên góp tài sản và đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan để khỏi bị trộm cắp, dặn rằng khi nào có bậc minh vương ra đời để giúp dân cứu nước thì đào lên”. Đây có ngụ ý chính trị gì đối với dân tộc Việt Nam lúc ấy, và nhất là một điểm khác sau đây: “Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn hoàng đế trong cung thì Thiền sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ (đọc Nguyễn Lang, op. cit., trang 243-24). Nơi đây chứa đựng những bí mật nào về lịch sử của dân tộc mà chúng ta không còn để ý tới? Nhất là phải cần nhớ rằng Huệ Năng là đại diện cho ý thức độc lập của Việt Nam chống lại Trung Hoa, chẳng những về phương diện đạo lý mà còn đại diện ý thức độc lập tự chủ chính trị của chính trị Việt Nam đối với Trung Hoa; chúng ta phải cần nhớ lại rằng Thần Hội đã bị triều đình Trung Hoa bắt giam và lưu đày vì bị kết án là “muốn âm mưu chính trị có hại cho chính quyền Trung Quốc”. (cf. Yampolsky, op. cit., trang 36). Và chính Thần Hội đã tạo ra vai trò Bồ Đề Đạt Ma (truyền thừa y bát của Bồ Đề Đạt Ma cho đến Huệ Năng) và cũng chính Thần Hội lật đổ vai trò tối ư quan trọng của Thần Tú và Phổ Tịch (đệ tử Thần Tú) lúc bấy giờ và giành lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng và đưa Thiền Việt Nam của Huệ Năng thống trị cả Phật giáo Trung Hoa. Đây không phải chỉ là sự chiến thắng về mặt ý thức đạo lý Việt Nam mà cũng là sự chiến thắng của tư tưởng Bát nhã đối với tư tưởng Lăng già (của phái Lăng Già tông, tức là tất cả trường phái Thiền Trung Quốc đương thời mà đại diện là Pháp Như, Thần Tú và Phổ Tịch). Tất cả bản kinh khác nhau của Pháp Bảo đàn kinh đều xác nhận hai điều quan trọng:
Thứ nhất: Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu;
Thứ hai: Huệ Năng sinh trưởng tại Lĩnh Nam và hoằng pháp chung quanh vùng Nam Hải, tức là Phiên Ngung (thuộc lãnh thổ Việt Nam thời đó).
Và điều quan trọng là tất cả các bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn kinh đều còn giữ lại ít nhất hai lần, nếu không muốn nói là năm sáu lần những câu đại loại sau đây để chứng tỏ Huệ Năng không phải là người Hán tộc mà là người Việt Nam:
– Hoằng Nhẫn mắng Huệ Năng: “Mi là dân Lĩnh Nam, vốn là đồ mọi rợ, làm thế nào thành Phật được?” (phân đoạn 3, bản Đôn Hoàng).
– “Thực không ai ngờ nơi đất Lĩnh Nam lại được phúc có Phật sinh ra nơi ấy” (phân đoạn 37, bản Đôn Hoàng).
Mấy chữ “đồ mọi rợ” ở đây là dịch mấy chữ chửi thề ở đời đường “các lão” mà Yampolsky đã chú thích như sau: “Ko-lao” (các lão) là một tiếng mắng chửi, có nghĩa là dân dã man, gần như súc vật ở phương Nam nước Trung Hoa (tức là Việt Nam)” (op. cit., trang 127).
Chỉ nội mấy chữ “các lão” trên cũng đủ để chứng minh Huệ Năng không phải người Trung Hoa mà là người Lĩnh Nam. Và riêng mấy chữ “Lĩnh Nam”, chúng tôi xin trở lại Lĩnh Nam chích quái: theo giáo sư Lê Hữu Mục, dịch giả Lĩnh Nam chích quái thì “Lĩnh Nam chích quái còn mang nhiều giá trị lịch sử, lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước” (trang 28). Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng: Nếu nói Lĩnh Nam là của Trung Hoa thì chúng ta phải bôi hết Lĩnh Nam chích quái và phải bôi hết “lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước” (Lê Hữu Mục). Nếu có người Việt Nam nào lên tiếng nói rằng Huệ Năng người đất Lĩnh Nam là người Trung Hoa, thì tôi phải kết luận rằng “người Việt Nam” ấy cho tới thế kỷ thứ XX vẫn chấp nhận “sự Bắc thuộc lần thứ ba” của Trung Hoa, vì lúc đó vào thời Huệ Năng, chúng ta bị coi như lệ thuộc Trung Hoa. Mặt khác, nếu có người Trung Hoa nào muốn chứng minh Huệ Năng là người Trung Hoa thì phải bôi mấy chữ “các lão” và “Lĩnh Nam” trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh được chép ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ.
Giữa những khó khăn lớn lao đang xảy đến cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại quê hương, giữa những ngày khó khăn trong thời gian phải đối diện và hóa giải những thử thách gay gắt dành cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ mà tôi là đại diện lãnh đạo, mỗi khuya tôi đã thức dậy tụng kinh Lăng Nghiêm, sau đó, tôi đã kiên nhẫn âm thầm yên lặng trong ba tháng An cư kiết hạ ngồi dịch lại tiếng nói của ngài Huệ Năng, trả lại tiếng nói của ngài về đúng tiếng mẹ đẻ của ngài: tiếng Việt Nam, để cho tất cả chúng ta, những người Phật tử Việt Nam ở hải ngoại, trong tình cảnh sống tha phương trên đất khách, được nghe lại tiếng nói của hồn Dân tộc và Đạo pháp, tiếng nói của một thiên tài vĩ đại nhất Việt Nam và một trong những thiên tài tâm linh lớn nhất của nhân loại. Dù bất cứ chúng ta lưu lạc ở phương trời nào, mỗi khi chúng ta không quên được tiếng nói của quê hương, tiếng nói suối nguồn trong khiết của đạo lý, thì “chính thân thể mình là quê hương” như ngài Huệ Năng đã nói, và dù có ai đã đem vô minh đen tối đến cho quê hương và đạo pháp, nhưng chơn lý vẫn luôn luôn chiến thắng như ngài Huệ Năng đã nhắn lại với chúng ta: “Cũng như một ngọn đèn có thể trừ được một ngàn năm bóng tối thì một ánh sáng của trí tuệ cũng có thể diệt được một vạn năm ngu si đen tối”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm