Lược giải về Phật giáo
Phật giáo là một tôn giáo lâu đời, khởi thủy từ một vị là Tất đạt Đa Cồ Đàm. Đạo Phật là một học thuyết hướng tới giải thoát và chấm dứt mọi đau khổ của con người.
Khi Đạo Phật truyền sang đất Giao chỉ (Việt Nam), Đức Phật được gọi là Bụt, danh từ có gốc từ chữ Phạn là sa., pi. Buddha. Từ “Phật” có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh. Sách cổ của Phật giáo và các chứng tích của Khoa học khảo cổ đã chứng minh, Phật Tổ là một nhân vật lịch sử vĩ đại đã sống cách đây hơn 2,600 năm tại phía đông Ấn Độ. Ngay từ buổi đầu, Đức Phật Tổ Thích Ca đã tổ chức được một Giáo hội với các giới luật chặt chẽ.
Phật giáo chính thống do Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập và truyền dạy, sau khi Phật Tổ nhập Niết bàn, các đệ tử chia nhau đi truyền dậy giáo lý của Phật Tổ mà thành Đạo. Sang thế kỉ thứ 4 Tr.CN, Đạo Phật bắt đầu phân hóa ra nhiều Tông phái khác nhau về giáo pháp. Trải qua nhiều tông phái với giáo lý, sự hành đạo, tu trì cũng có phần khác nhau. Tổng quan có các Tông phái sau đây:
1/Thượng Tọa bộ (Theravada, Sthaviravada), còn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Nam truyền, Tiểu Thừa.
Tông phái này hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn . Chữ Theravada nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thượng”. Vì vậy còn gọi là Trưởng Lão bộ. Sri Lanka (Tích Lan) là nơi bảo tồn được truyền thống của Thượng Tọa bộ mặc dù đạo Phật tại đây là sự kế thừa từ Ấn Độ. Phật giáo Tiểu Thừa phát triển mạnh ở Sri Lanka và Đông Nam Á ở các nước như Thái Lan, Lào, Campurchia, Myama,…
2/ Đại thừa (Mahayana) hay Phật giáo Bắc truyền
Từ thế kỉ thứ 1 Tr.CN, tư tưởng Đại thừa đã xuất hiện và thuật ngữ Mahayana, hay Đại thừa, chỉ thực sự có khi được đề cập trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tư tưởng Đại thừa có xu hướng rộng rãi và tự do hơn các phép tắc ràng buộc của Thượng Tọa bộ. Đến thế kỉ thứ 3 sau CN, giáo lý Đại Thừa được xác định qua trước tác của Bồ Tát Long Thọ trong Trung Luận kinh (Trung Quán Luận kinh). Trong Đại Thừa có các Tông phái khác như Trung quán tông, Duy thức tông. Phật giáo Đại Thừa phát triển ở Đông Á và một phần Đông Nam Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Việt Nam, Singapore,…
3/ Mật tông (Tantrayana), còn gọi là Kim cương Thừa (Vajrayana), còn gọi là Phật giáo Tây Tạng
Mật tông thường giữ bí mật các thông tin, xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 6, thế kỉ thứ 7 sau CN. Mật tông có rất nhiều pháp môn thực hành được gọi là phương tiện hay phương tiện thiện xảo, trong đó bao gồm Mạn đà la, Chân ngôn, Ấn, Thần thể, Ngũ trí Như Lai (Dhyani-Buddha), Chủng tử, Đại thủ ấn, Kim cương chử và Kiền trùy (Ghanta). Kinh sách Mật tông rất đồ sộ và chưa được biết đầy đủ. Trong đó, cần kể đến Đại Nhật kinh, Kim Cương Đỉnh kinh, Tô Tất Địa kinh,Du kỳ kinh, Yếu lược niêm tụng. Phật giáo Mật tông phát triển ở Tây Tạng và Mông Cổ. Theo một cách phân loại khác, Mật Tông được xếp vào Đại Thừa.
4/ Tịnh Độ Tông hay Tịnh Thổ Tông còn gọi là Liên Tông
Xuất hiện vào giữa thế kỉ thứ 4 sau CN từ sự truyền bá của nhà sư Huệ Viễn, thuyết giáo Tịnh Độ đã có trong Phật giáo Ấn Độ nhưng tới khi sang Trung Hoa đã phát triển thành một Tông phái. Kinh sách là các Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, A Di Đà, Vãng sinh Tịnh độ. Tu học có 3 nguyên tắc: Tín, Nguyện và Hành. Đây là một trong các tông phái tương đối dễ tu học nên ở Đông và Nam Á có rất nhiều Phật tử trong vùng theo tông này, nhất là những người lớn tuổi.
5/ Thiền Tông là cách tu tập có từ khi Đức Phật Tổ Thích Ca truyền giảng
Sau này được Đức Bồ Đề Đạt Ma đưa vào Trung Hoa đầu thế kỉ thứ 6 sau CN. Đến thế kỷ thứ 8 thì Thiền Tông đã thực sự phát triển sâu rộng hơn các tông phái khác. Thiền tông được xem là một nhánh của Đại Thừa. Cách tu học được nhấn mạnh là sự tự nỗ lực để phá bỏ các định kiến trước, các kinh nghiệm hay lề lối suy diễn cũ của bản thân để trực tiếp chứng nghiệm chân lý. Thiền Tông còn được chia ra thành nhiều Tông phái, quan trọng nhất là Lâm Tế Tông và Tào Động Tông.
6/ Các Tông phái khác
Các Tông phái khác tầm mức nhỏ hơn đáng kể là Luật Tông (Vinaya), Duy Thức Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông hay Hiền Thủ Tông, Thành Thật Tông và Chân Ngôn Tông.
Ngày nay, Đạo Phật đã khác nhiều so với buổi hình thành đã chia ra rất nhiều tông phái. Ngay ở Nhật Bản, Phật giáo có rất nhiều tông phái khác nhau, được chia thành mười ba tông phái chính.
Từ nửa cuối thế kỉ thứ 8, vua Al-Mahdi (775-785) của triều đại Hồi giáo Abbasad đã tấn công Ấn Độ cướp bóc, phá hủy nhiều kinh sách và kiến trúc Phật giáo trong đó nghiêm trọng nhất là Trung tâm Phật học Valabhi (Valabhī).Sau đó là sự truy diệt Phật giáo tại Ấn Độ, Afghanistan và Trung Đông. Cuộc chinh phạt Hồi giáo của Muhammad Ghuri kéo dài đến 1178, ở Ấn Độ.
Vào năm 1197, tàn phá hoàn toàn trung tâm Phật giáo Nālandā. Vikramaśīla cũng bị chiếm năm 1203, chấm dứt một thời đại Phật giáo tại Ấn Độ. Sau thế kỷ 14, Phật giáo gần như bị tiệt diệt ở Ấn Độ, nơi phát tích của Đạo Phật. Thời kỳ này kéo dài đến thế kỷ 19 mới xuất hiện sự chấn hưng Đạo Phật ở Ấn độ.
Các Tôn giáo đều có biểu tượng của Đạo pháp. Với Phật giáo có biểu tượng một bánh xe thể hiện giáo lý chính yếu của Phật giáo là Nhân – Quả và Luân hồi với Giáo pháp là Tứ diệu đế, Bát chính đạo,Trung đạo.
Nền tảng của truyền thống Phật giáo là Tam Bảo: Phật Bảo (Buddha), Tăng Bảo (Sangha) – và Pháp Bảo (Dhamma). Để trở thành người Giác Ngộ – Bồ đề, Phật tử phải thụ giới Tam quy và Ngũ giới.
Kinh Đại bát Niết bàn Phật giáo quy định Ngũ giới thuộc về Cương yếu Giới Luật là năm điều răn cấm không được làm của hàng tu sĩ xuất gia và tu sĩ tại gia khi đã xin phát nguyện thụ nhận 5 giới này (Giới: là ngăn cấm những việc xấu của thân, khẩu, ý). Người Phật tử thu lĩnh năm giới này trong buổi lễ quy y hoặc phát nguyện. Năm giới là Cấm chỉ người tu trì không nhập vào đường ác, tội lỗi để sa xuống Địa ngục. Ngũ giới là 5 bậc tu trì để đưa người tu hành (Tỳ Kheo và Cư sĩ) cùng rèn luyện các Pháp đến Giác ngộ – Bồ đề.
Nguyên văn chữ Phạn như sau:
Pànàtipàtà veramanì: Không được sát sinh là không giết, hại từ con người đến các sinh linh động vật mấu nóng, máu lạnh cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến, cây cỏ, không được làm tổn thương đau đớn con người và các sinh linh.
Adinnàdàna veramanì: Không được trộm cắp, nghĩa là không cho thì không được dùng thủ đoạn lấy tiền của cho đến tình cảm con người.
Kàmesu micchàcàrà veramanì: Không được tà dâm là không được dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái. Người xuất gia tu hành cấm hẳn quan hệ tình dục.
Musà vàdà veramanì: Không được nói dối. Nói dối là nói láo, nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có làm cho người nghe bị tai hại. Không nói dối còn cả ba điều khác của miệng là không nói lời hai lưỡi, đòn càn (xóc) hai đầu, làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau. Không được nói lời thêu dệt, thêm bớt, có ít xít ra nhiều, nói châm chọc, bóng bẩy làm cho người nghe buồn phiền, thù hận. Không được nói lời độc ác, thô tục, nguyền rủạ chửi mắng thậm tệ làm cho người nghe sợ hãi, đau khổ.
Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì: Không được uống rượu và các chất say. Từ sự uống rượu say mất lý tính mà có thể gây phạm bốn giới cấm trên là sát sinh, cướp của, nói dối, hiếp dâm.Sau khi đã thụ giới phải tự rèn luyện để không còn phạm đạo đức (Giới), rèn luyện Thân Tâm bằng các pháp hành gồm 37 phẩm trợ đạo, chăm việc thiện, tránh ngăn việc ác,… để có được cuộc sống bình an, giữ tâm hồn thanh tịnh khi xuất gia (Định), là một cách tu trì để giải thoát mọi đau khổ (Tuệ). Giáo lý của Đạo Phật nhận ra con người thác sinh nơi Trần thế phải sống trong kiếp khổ đau. Khổ đau là một cảnh giới con người ai cũng cảm nhận được. Khổ đau đều có nguyên nhân từ tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ.
Giáo lý Phật giáo dậy rằng một người đạt Giác ngộ Bồ đề khi người đó có được một cái nhìn vạn vật như chúng đích thật là (Như thật tri kiến sa. yathābhūtadarśana), có tâm thức thoát khỏi phiền não (sa. kleśa) và si mê (sa. moha). Trong các loại phiền não thì Tham Ái (sa. tṛṣṇā) và Vô Minh (sa. avidyā), cũng được gọi là Si (sa. moha), là nặng nhất. Tham (sa. rāga), Sân (sa. dveṣa) và Si được gọi chung là Tam độc là nguyên nhân của Phiền não.
Cách thực hành trong Phật giáo cũng được phân chia theo Tam học (sa. tisraḥ śikṣāḥ), cụ thể là tu học về Giới (tăng thượng giới học, sa.adhiśīlaśikṣā), Định (tăng thượng định học, sa. adhicittaśikṣā) và Huệ (tăng thượng huệ học, sa. adhiprajñāśikṣā).
Trước hết Phật tử phải phát Đức Tin (tín, sa. śraddhā) vào Tam bảo, giữ giới luật đúng theo địa vị của mình (cư sĩ, sa-di hoặc tỉ-khâu). Tam độc làm che mờ Tâm thức khiến con người không thể sáng suốt để Giác ngộ (Bồ đề). Để diệt Tam độc trong nhận thức tinh thần con người phải tu trì để có được tri kiến Chân chính (Trung quan) bằng cách thực hành Bát chính đạo là giáo lý căn bản của Ðạo đế trong Tứ đế. Ðây là cách duy nhất để giải thoát khỏi Luân Hồi giải thoát toàn vẹn như lời dạy của Thế Tôn ở Trung Bộ Kinh I. Bát Chánh Đạo là một trong 37 Bồ-đề phần hay 37 giác chi ( bodhipākṣika-dharma).
Bát chính đạo gồm có:
1/ Chính kiến (samyag-dṛṣṭi, bo. yang dag pa`i lta ba): Phá vỡ vô minh nghiệp tập ngàn đời ngàn kiếp, cái thấy cái nhìn đúng với chân lý đúng với sự thật về trần gian này. Tự thân vượt qua ngã và pháp, vượt qua không gian và thời gian, được gọi là chính kiến.
2/ Chính tư duy (samyak-saṃkalpa, bo. yang dag pa`i rtog pa): Suy nghĩ sáng rõ, không vướng mắc trong tam giới để tìm cách cứu giúp chúng sinh trong tam giới thoát khỏi Luân hồi.
3/ Chính ngữ (samyag-vāk, bo. yang dag pa`i ngag): Là những lời nói theo chân lý thoát khỏi tam giới để cho người nghe thấu hiểu được chân lí để thoát khỏi Luân hồi.
4/ Chính nghiệp (samyak-karmānta, bo. yang dag pa`i las kyi mtha`) Suy nghĩ cùng lời nói và hành động đúng với chính kiến thể hiện đầy đủ Giáo lý Giác ngộ giải thoát để khai mở trí tuệ cho chúng sinh được gọi là chính nghiệp.
5/ Chính mạng (samyag-ājīva, bo. yang dag pa`i `tsho ba): Là phần Tâm thức con người đã được Giác ngộ nên trường tồn được siêu thoát khỏi Luân Hồi.
6/ Chính tinh tấn (samyag-vyāyāma, bo. yang dag pa`i rtsal ba): Sau khi Tâm thức con người tu trì Giác ngộ trở nên thông tuệ được trường tồn là Tinh Tấn.
7/ Chính niệm (samyak-smṛti, bo. yang dag pa`i dran pa):Con người đạt sự Giác ngộ, Tâm thức đã giải thoát nhận niệm được Chân lý của quy luật Trời Đất thì không còn gì thay đổi được nữa đó là Chính Niệm.
8/ Chính định (samyak-samādhi, bo. yang dag pa`i ting nge `dzin): Sự nhận biết rõ quy luật trường tồn của Vũ trụ để Tâm thức con người đã đạt tới Bồ đề nhận được, theo đó mà trường tồn thì đó là Chính Định.
Theo từng Tông phái Phật giáo mà sự phân tích, giải nghĩa, định luận về Bát Chính Đạo của Tiểu thừa, Đại thừa có khác nhau. Phật Giáo Nam Tông (Tiểu Thừa, Nguyên Thủy) tuyên rằng người tu trì Phật giáo phải suy xét, thông hiểu rõ chân lý của Bát Chính Đạo. Nếu sự tu trì sai định nghĩa Bát Chánh Đạo thì sẽ không Giác ngộ, chứng đắc Niết Bàn.
Chân Kinh Phật pháp là Tứ Diệu đế là sự lý giải về bản chất của bốn sự Khổ đau trong Luân hồi, tìm ra chính căn nguyên của khổ và cách giải trừ khổ. Khổ Đế là sự đau trên thân xác và tâm thức gồm: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Khổ Tâm là phải sống chung với người mình không ưa, xa lìa người thân yêu, mong muốn mà không đạt được, chấp vào thân Ngũ Uẩn.
Ngũ uẩn (zh. wǔyùn, sa. pañca-skandha, pi. pañca-khandha, bo. phung po lnga), còn gọi là Ngũ ấm, là năm thể (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố Thân Tâm của một con người. Ngoài Ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là ” Nhân thân”.
Ngũ uẩn gồm:
1/Sắc (pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, gốc là Tứ đại chủng (pi. mahābhūta) tạo nên từ lửa, nước, gió và đất.
2/Thụ (pi. vedanā) là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
3/Tưởng (saṃjñā, pi. saññā) là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết sự hiện diện của ý thức.
4/Hành (saṃskāra, pi. saṅkhāra), là những hoạt động tâm lí sau khi có Tưởng như là sự chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, thức tỉnh về tinh thần. Hành nguyên nhân tạo nên Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác.
5/Thức (vijñāna, pi. viññāṇa), gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Không có Thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh, nóng, lạnh. Đặc tính của Ngũ Uẩn là Vô thường, Vô ngã, Khổ. Vô Thường và Khổ là một luận thuyết quan trọng trong giáo lý Phật học.
Giáo lý Phật giáo là để hướng dẫn con người thoát khỏi khổ đau, siêu thoát khỏi vòng Luân Hồi. Vì vậy có hai học thuyết quan trong nhất của Phật học là Luân Hồi và Nhân quả.
Luân Hồi: Con người khi sinh ra trong cuộc đời – Cõi Trần gian, từ khi sinh đến trưởng thành rồi chết là kết thúc một kiếp. Thể xác như cái áo, cởi ra để lại trong mồ rồi sẽ tan thành bụi đất, chỉ có Tâm thức vẫn tồn tại mang theo Nghiệp là sự tốt, xấu, thiện, ác của kiếp trước đi tái sinh vào một kiếp mới của sinh linh ở các cõi như cõi súc sinh, cõi người, cõi a tu la,… Luân Hồi là một vòng chuyển động vô tận, vì vậy một kiếp rồi chuyển kiếp trong Luân Hồi vẫn phải chịu khổ nạn của các kiếp trước và nhận lấy Kết Quả, sự định ra có từ Nguyên Nhân cuộc sống của kiếp trước. Con người còn trong Luân Hồi không thể hết khổ đau, vì vậy Giáo lý Phật là dậy con người tu trì để Giác Ngộ (Bồ đề) tìm ra căn nguyên dẫn các kiếp vào Luân hồi, từ đó thoát ra khỏi Luân Hồi. Đó là sự giải thoát trong giáo lý của Phật pháp.
Nhân Quả: Giáo lý của Phật giáo mọi sự vật, sự việc đều có Nguyên Nhân và Kết Quả. Như khi ta reo trồng vậy, reo trồng cây gì sẽ có Quả của cây đó. Nhân còn được gọi là Duyên hay Nghiệp. Trong quá trình sống tạo ra nghiệp có nhiều sự khác biệt nên có luận thuyết về sự Thuận Duyên, Nghịch Duyên, một quá trình sống một đời kiếp người tạo ra Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác để sau khi chết đi, Tâm thức rời khỏi thân xác để tiếp tục thác sinh vào một kiếp sống mới sẽ nhận được Kết Quả – Quả của Nghiệp do kiếp trước tạo thành. Nếu con người biết sửa mình ở kiếp mới thì sự sửa mình hướng Thiện đó sẽ chuyển cho kiếp kế tiếp, còn kiếp đang sống vẫn phải chịu Quả của Nghiệp kiếp trước truyền sang. Vì vậy sự tu trì hay còn gọi là Tu Thân, Tích Đức của kiếp này chỉ giảm nhẹ được Nghiệp báo của kiếp trước còn Đức Thiện làm được của kiếp này là để cho kiếp sau. Một kiếp sống con người chỉ là một mạch liên tục của Thân Tâm được chuyển tiếp bởi kiếp trước rồi sẽ còn chuyển tiếp vô tận các kiếp sau nếu không tu trì để Giác ngộ thoát khỏi luân hồi. Khi nào con người không tu trì giác ngộ để thoát khỏi luân Hồi thì vẫn phải chịu kiếp nạn trùng trùng của Nhân – Quả.
Muốn chấm dứt khổ đau phải tự xét mình để có sự nhìn nhận rõ căn nguyên của Tam Độc. Đức Phật Tổ dậy con người sự tu trì để tự giải thoát khỏi Luân hồi mới chấm dứt được đau khổ.
Để tu trì, Phật học dậy bốn trạng thái Thiền (tứ thiền, sa. caturdhyāna). Phương pháp thực hành để hỗ trợ bốn cấp thiền định là Tứ niệm xứ (sa. catvāri smṛtyupasthānāni), Tứ tâm vô lượng , tức là trau dồi bốn tâm thức Từ, Bi, Hỉ, Xả (sa.catvāry apramāṇāni, cũng được gọi là Tứ Phạm trú (sa. brahmavihāra). Tứ vô lượng (Từ bi hỷ xả – catvāryapramāṇāni, pi. catasso appamaññāyo), là “Bốn trạng thái Tâm thức vô lượng”, còn được gọi là Tứ phạm trú (sa.caturbrahmavihāra) nghĩa là bốn cách an trú trong cõi Phạm, hay gọi là Tứ vô Lượng Tâm thường nói rút gọn là Từ Bi Hỷ Xả. Là thuật ngữ chỉ một phép Thiền định. Khi thực hành, người tu trì phải làm cho bốn tâm thức cao thượng phát sinh. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về phép thiền định này như sau:”Có bốn Vô Lượng. Hỡi các Tì – Khâu, một người tràn đầy Tâm Từ (bi, hỉ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với Tâm Từ (bi, hỉ, xả), Tâm thức Vô lượng sẽ không còn Sân Hận và Phiền Não”.
Bốn Tâm Vô lượng là:
1/ Từ vô lượng ( maitry-apramāṇa, pi. metta-appamaññā) là Từ Tâm – sự Nhân từ có ở trong Tâm thức không thù hận, yêu Thiện mà ghét Ác, rộng lòng tha thứ.
2/ Bi vô lượng ( karuṇāpramāṇa, pi. karuṇā-appamaññā) là sự thương xót cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của chúng sinh. Là sự cứu giúp chúng sinh thoát được Luân Hồi.
3/ Hỉ vô lượng (muditāpramāṇa, pi. muditā-appamaññā) Tự thân Tâm thức đã Giác ngộ, gột sạch Tam độc, hết mọi Phiền Não để vui sướng khi chứng sự vui sướng của chúng sinh.
4/ Xả vô lượng (upekṣāpramāṇa, pi. upekkhā-appamaññā) Sự Giác Ngộ – Bồ đề không còn chấp nhất mọi sự thuận nghịch trên cõi Thế gian.
Tông phái Đại thừa gọi là Bốn Hạnh Ba La Mật Đa (pāramitā, Lục độ). Đó là Tâm thức của Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh. Thực hành Tứ Vô lượng tái sinh tại cõi Thiên (deva).
Thiền định ở cấp này chia ra: Một là Chỉ (sa. śamatha) là phương pháp lắng đọng Tâm. Thứ hai là Quán (sa. vipaśyanā, vidarśanā) là cách Thiền Quán trên cơ bản của Thiền Chỉ. Như vậy có an định được Chỉ thì mới đạt đến công phu Quán. Phần thứ ba của Tam học là Huệ học, được lập nên từ sự an định của Thiền Quán. Để chế định được quán chiếu trong Thiền định phải xuất phát từ Tứ diệu đế, quy luật của Duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda ) hay Ngũ uẩn. Phải tu trì hoàn thiện Tam học mới đạt được Tâm thức về Giải thoát (sa. vimuktijñāna), khi người tu trì đã đạt Giải thoát là kết diệt hết mọi Phiền não, các Lậu (vô lậu, sa. anāsrava) người đó đã đắc quả Tứ Thánh A La Hán.
Những tư tưởng cơ bản của Phật Tổ đều được nhắc lại trong các kinh sách, nhưng lại được luận giải nhiều cách khác nhau, vì vậy ngày nay có nhiều trường phái khác nhau, hình thành một hệ thống triết lí hết sức phức tạp trong Phật giáo. Tất cả các tôn giáo trên Thế gian, Phật giáo là tôn giáo có hệ thống kinh sách nhiều nhất, đồ sộ nhất. Vì thế, trong lịch sử Phật giáo, các Vị chân tu của Giáo Hội Phật giáo đã nhiều lần tổ chức các hội nghị tổng soát, chỉnh lý kinh sách Phật học. Các hội nghị này được gọi là Kết Tập.
Kết tập lần thứ nhất: Khi Phật Tổ còn sinh tiền giảng kinh pháp đều bằng lời nói, cách giảng lại tùy theo trình độ và hoàn cảnh mà rao giảng. Sau khi Đức Phật Tổ nhập Niết bàn, để bảo tồn giáo luật trọn vẹn nên Đệ tử Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa) tổ chức hội nghị tổng kết vào mùa Hạ năm Đức Phật nhập Niết-bàn toàn bộ lời dậy của Phật Tổ viết thành kinh sách để thống nhất, tránh sai lầm về giáo lý. Hội nghị tổ chức tại thành Vương Xá (Rājagaha), có 500 A-la-han Arhat, được vua A Xà Thế (Ajatasatru) trị vì xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) bảo trợ. Những điều ghi nhận tại Hội nghị Kết tập lần thứ nhất sau đó được viết lại thành 4 bộ kinh: 1/ Kinh Trường A Hàm (Digha agama). 2/ Kinh Trung A Hàm (Majjhima agama). 3/ Kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara agama).4/ Kinh Tạp A Hàm (Samyutta agama). Đây là bốn bộ kinh cổ nhất của Phật giáo.
Kết tập lần thứ hai: Sau kỳ Kết tập lần thứ nhất, có nhiều Vị Cao tăng muốn thay đổi một số nội dung ghi trong Giới Luật, vì vậy phải triệu tập Hội nghị Kết tập lần thứ hai để loại trừ các tư tưởng giáo lý của tôn giáo khác xâm nhập vào giáo lý Phật giáo. Hội nghị họp vào tháng Tám tại Vesali có 700 Vị Tỳ Kheo và được sự bảo trợ của vua Kalasoka. Những vị Tỳ Kheo không đồng ý giữ nguyên Giáo lý nguyên thủy đã bỏ về lập hội nghị Kết tập khác và thành lập Đại Chúng Bộ (mahāsāṅghika). Số người còn lại vẫn tiếp tục kết tập kinh điển, sau hội nghị thành lập Thượng Tọa Bộ (Theravada).
Kết tập lần thứ ba: Vào giữa thế kỉ thứ 3 Tr.CN, Phật giáo đã phát triển ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Sự phát triển rộng đã dẫn đến phân hóa nội bộ. Hội nghị họp vào năm 225 Tr.CN, thời gian là 9 tháng ở thành Pataliputta thuộc Vương quốc Magadhan do vua Asoka khởi xướng và trợ giúp. Hội nghị có tới 1,000 các Vị Tỳ Kheo tham dự dưới sự chủ trì của Moggaliputta Tissa. Lần đầu tiên Tam Tạng Kinh bao gồm Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng được hoàn thành. Moggaliputta Tissa đã phân tích rõ Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu) để bác bỏ luận thuyết ly khai. Sau Kết tập lần thứ ba, Tam Tạng Kinh có các chú giải được con trai vua Asoka là Mahinda đem tới Tích Lan (Sri Lanka). Các kinh điển này sau đó đã được dịch sang tiếng Pali và còn nguyên vẹn cho đến nay. Thời kỳ này, các đoàn truyền Đạo Phật đã đi sang Châu Âu, Châu Á và Trung Đông. Ngày nay trong giới khoa học đang tranh luận về dự kiện Tăng đoàn do vua Asoka phái đi đã đến đượcViệt Nam?
Kết tập lần thứ tư: Về kỳ Kết tập này hiện không thống nhất về sử liệu. Có hai sử liệu được truyền lại thời kỳ này:
1/ Vua Kanishka là tín đồ rất nhiệt thành của Phật giáo, ông thường nghe thuyết pháp và nhận thấy có nhiều khác biệt khi các Tăng gia giảng kinh nên đã khởi tâm bảo trợ cho Hội nghị Kết tập lần thứ tư. Hội nghị Kết tập lần thứ tư họp tại vùng Kasmira miền Tây Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 1 Tr.CN, được Parsva bảo trợ để Vasamitra chủ tọa. Hội nghị có 500 vị Tỳ Kheo và Học giả chuyên về Kinh Tam Tạng. Sau khi kết thúc kỳ Kết tập, nhà vua Kanishka đã cho khắc toàn bộ Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng lên trên những lá đồng, bảo quản cố định, không cho mang ra ngoài. Sau nhiều biến cố, gần hết bộ kinh này đã bị mất, nay chỉ còn phần Thích luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (Abhidharma Mahavibhasa sastra), sau này thời Nhà Đường được nhà sư Trần Huyền Trang đi 17 năm lấy mang về Trung Hoa rồi dịch sang tiếng Hán, gồm hai trăm quyển.
2/ Cũng có sử liệu ghi rằng Hội nghị Kết tập lần thứ tư vào khoảng 400 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, do vua xứ Tích Lan là Vattagàmani hỗ trợ. Kì kết tập này đã đọc, hiệu đính và sắp xếp lại thứ tự của Tam Tạng kinh, cũng như dịch bộ kinh này sang tiếng Pali. Thuyết này được nhiều học giả công nhận chính là kết tập lần thứ tư của Thượng Tọa Bộ (Theravada).
Sau đó còn tiến hành các Kỳ Kết tập khác do Tông phái Thượng Tọa Bộ ( còn gọi là Nam Truyền) thực hiện
Kết tập lần thứ năm: Hội nghị Kết tập lần năm họp vào năm 1871, thời gian họp là 5 tháng tại thủ đô Mandalay của Miến Điện lúc đó. Có tất cả gần 2.400 Tỳ Kheo và Học giả tham dự, được bảo trợ của vua Mindon. Kết quả là 3 Tạng kinh được hiệu đính lại và đem khắc trên 729 phiến đá hình vuông cất vào trong chùa tháp Kuthodaw.
Kết tập lần thứ sáu: Hội nghị họp nhân dịp lễ Phật Đản ngày 17 tháng 5 năm 1954, trong suốt thời gian là 2 năm. Địa điểm kết tập là phía Bắc của Ngưỡng Quang (Yangon), trên núi Nghệ Cố. Dưới sự khởi xướng của Giáo hội Phật giáo Miến Điện và bảo trợ của chính phủ Miến Điện. Kết quả là sự tham khảo lại tất cả kinh điển của các nướcPhật giáo Nam truyền, rồi đúc kết và đem xuất bản để truyền bá. Đại hội ủy nhiệm Tôn giả Upali tuyên đọc giới Luật y của Đức Phật Tổ đã dạy cho tín đồ là Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni Sau đó vị chủ tọa và hội nghị nêu các câu hỏi chất vấn để xác minh tính chính xác của lời tụng như điều ấy Phật dạy cho ai, lúc nào, ở đâu? Ngài Upali phải tụng 80 lần như thế mới được hội nghị công nhận, vì thế còn gọi tên là Bát Thập tụng Luật. Đây chính là phần căn bản của giới luật. Về sau, các vị tổ sư mới làm căn cứ để thêm các bộ luật như Tăng Kỳ luật, Tứ Phần luật, Ngũ Phần luật,…
Giáo pháp Đạo Phật được tập hợp trong Tam tạng (tripiṭaka, pi. tipiṭaka) gồm có:
1/ Kinh tạng (sutta-piṭaka, bo. mdo sde`i sde snod ) bao gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử. Kinh tạng Pali được chia làm năm bộ: 1/ Trường bộ kinh (dīgha-nikāya), 2/ Trung bộ kinh (majjhima-nikāya), 3/ Tương ưng bộ kinh (saṃyutta-nikāya), 4/Tăng chi bộ kinh (aṅguttara-nikāya) và 5/Tiểu bộ kinh (khuddaka-nikāya).
2/ Luật tạng (vinaya-piṭaka, bo. `), chứa đựng lịch sử phát triển của Tăng-già (saṅgha) cũng như các giới luật của người xuất gia, được xem là tạng sách cổ nhất được viết rồi truyền bá vài mươi năm sau khi Phật Tổ nhập Niết-bàn.
3/ Luận tạng (abhidhamma-piṭaka, bo. mngon pa`i sde snod ) còn gọi là A Tì Đạt ma ghi các luận thuyết của Phật giáo về triết học và tâm lí học. Luận Tạng được viết sau thế kỷ thứ 7 khi Phật giáo đã hình thành nhiều Tông phái nên sự thống nhất về luận giải không còn như các Bộ Kinh cổ.
Tăng già (saṅgha) của Phật giáo gồm có các Pháp danh: Tỳ Kheo (bhikṣu, pi. bhikkhu), Tỳ Kheo Ni (bhikṣuṇī, pi. bhikkhunī) và giới Cư sĩ.
Phật Tổ dạy rằng con người cần tu trì để luyện giữ, phát triển được Năm Đức:
1/ Đức hiếu sinh yêu thương sự sống.
2/ Đức trung thực.
3/ Đức chung thủy.
4/ Đức tránh sự gian tham.
5/ Đức thông tuệ sáng suốt.
Giáo lý Phật giáo có nhiều khác biệt với các tôn giáo có trước và sau Phật giáo. Trong các Tôn giáo nói chung, các tín đồ, các chúng sinh có thực hành tu trì theo Giáo pháp của Tôn giáo đó nhưng không bao giờ được sánh ngang với Bậc Tối Cao cả ở nơi Trần thế cũng như trên Cõi Trời. Trong Phật giáo lại khác, Phật là danh từ để gọi một người đã Giác ngộ giải thoát khỏi Luân hồi, hoàn toàn trong sạch và hơn nữa phải là người có lòng từ bi thương yêu, cứu giúp tất dù phải hy sinh cả bản thân mình để cứu độ chúng sinh mà không có sự phân biệt. Đây là giáo lý Bình đẳng chỉ có trong Đạo Phật. Sự suy tôn trong Đạo Phật từ sự cảm phục trước Tâm từ bi, đức độ và công hạnh của Người đã đạt đến bậc Vô Thượng Bồ đề. Là sự tự nguyện noi theo Đức độ và Giải thoát chứ không bắt buộc, phục tùng, cầu lợi. Chính Phật Tổ đã truyền rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Học thuyết của Phật giáo cho rằng ngoài Cõi Niết Bàn là bất tử còn tất cả mọi sự vật, sinh linh, các hiện tượng đều là vô thường, không thể tồn tại vĩnh hằng. Có Sinh thì có Diệt. Duyên khởi thì Sinh, Duyên tận thì Diệt. Ngay cả Không gian, Thời gian vũ trụ cũng có khởi đầu, biến đổi và cuối cùng là kết thúc để chuyển sang một Sinh mới – Đó là luận thuyết Vô Thường của Phật giáo.
Phật giáo cho rằng Thế gian cũng như các hành tinh vũ trụ khác chỉ là một trong muôn vàn các thế giới đang hiện hữu, loài người cũng chỉ là một kiếp sống như các sinh linh khác, tất cả đều phải chịu Luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Phật Tổ từng nói: “Trên vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, trong một ly nước cũng có vô số những con trùng trong đó”. Đó là Tính vô lượng của Giáo lý Phật giáo, thời cổ đại không thể chứng nghiệm, nhưng ngày nay đã được Khoa học Vật lý Thiên văn chứng minh là đúng.
Tư tưởng bình đẳng của Phật giáo là Tự do và Tự nguyện trong nghi lễ của Phật giáo. Các Giáo pháp Phật giáo không ép buộc phải thờ cúng Phật cho bất kỳ tín đồ nào. Sự cúng dàng và bái lạy Phật thể hiện sự ngưỡng mộ, noi theo đối với Đấng Thế Tôn Phật Tổ đã hướng dẫn chúng sinh cách tu trì để giải thoát khỏi Luân Hồi với Trí lực Từ bi Vô lượng. Giáo lý và Tín điều Phật giáo nói lên sự thật khách quan để đi tới chân lý Giác ngộ và Giải thoát mọi Khổ đau. Sự cao quý của Phật là ở chỗ xem tất cả chúng sinh là bình đẳng và hoàn toàn có thể thành Phật. Khi Tu trì đạt đến Giác Ngộ sẽ nhận rõ Tâm thức được khai mở để trở về với bản nguyên chân lý của Tạo hóa.
Tín đồ Đạo Phật tính theo cách đã quy y Pháp bảo có khoảng 360 triệu người, tính theo cách làm Lễ Phật thì có tới khoảng 1 tỷ 600 triệu người.
Nhà bác học Vật lý Albert Einstein có nhắc qua về Đạo Phật trên tờ New York Times số ra 09.11 năm 1930 như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó… Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình theo xu hướng khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học… Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì tôi phải là một Phật tử. Vì những gì tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi”.
Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm năm 168-189 Tr.CN, trước khi vào Trung Quốc, nhà sư Ấn Độ. Sách Thiền Uyển tập anh có ghi lời Quốc sư Thông Biện dẫn lời sư Đàm Thiên năm 542-607 sau CN, nói với vua Tùy Cao Tổ, Trung Hoa: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì-ni-đa-lưu-chi, truyền tông phái của tam tố, là người trong làng Bồ-Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người,…”. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.
Những năm sau thời kỳ Đổi Mới, cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế làm Thế giới phải kinh ngạc, chính sách tự do hóa tôn giáo đã tạo điều kiện tôn giáo Việt Nam phát triển, đặc biệt là Phật giáo và với các chùa được trùng tu tôn tạo, xây mới thì các Điện, Đền, Phủ tôn giáo bản địa Đạo Thánh Mẫu cũng phát triển rộng khắp. Nhiều chùa có quy mô rộng lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đã được xây dựng với kinh phí lớn từ Ngân sách Nhà nước và từ Nhân dân đóng góp đã tạo môi trường đức tin Tâm linh bình an trong sinh hoạt cộng đồng người Việt. Nhưng sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện một số hiện tượng suy thoái như về kinh sách do một số Nhà sư viết, giảng pháp có cách viết mơ hồ, khó hiểu, diễn giải theo một duy thức xa rời Giáo lý căn bản, nguyên thủy Phật giáo nhưng lại cho rằng Phật dậy. Đã xuất hiện tình trạng tu trì, sinh hoạt không theo Đạo giới Phật giáo trong một số chùa, một số Nhà Tu hành như chính báo chí Phật giáo trong nước, ngoài nước. Chính sử Việt Nam đã ghi lại “ Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu hành thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân,… chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm” – trích Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim.
“Sự thịnh suy của Phật giáo hầu như phụ thuộc vào hàng Tăng bảo, tại sao Phật giáo có hai chúng gồm xuất gia (Tỳ kheo) và tại gia (Cư sĩ) nhưng khi chúng xuất gia mất thì Phật pháp không được duy trì? Theo sử liệu, Phật giáo dưới hai triều đại Lý và Trần được thừa nhận là cực thịnh và được gọi là thời vàng son của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, điều không may mắn là Phật giáo đã không thể duy trì vị thế ấy. Từ cuối đời Trần trở đi, Phật giáo suy đồi và có lúc phục hưng nhưng chưa thể so bằng với Phật giáo dưới hai triều đại ấy. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chùa chiền nhiều nên không thể quản lý tốt; Tăng chúng đông nhưng thiếu học; thành phần bất hảo trà trộn vào Tăng đoàn làm mất thanh danh; Tăng sĩ kiêu hãnh khi được cúng dường hậu hĩnh; chùa tượng quá nhiều gây lãng phí và do Phật giáo ỷ lại quá nhiều vào sự ủng hộ của thế quyền. Những Tỳ Kheo Phật giáo hiện tại rơi vào tình trạng mục nát, họ bằng lòng sống một đời thụ động trong những công việc tẻ nhạt hằng ngày của đời sống tu viện, nơi đó còn một vài dấu hiệu tôn giáo bề ngoài, nhưng không còn sự tha thiết nồng nhiệt trong sinh hoạt thiếu sinh khí của những công việc tẻ nhạt hằng ngày” – trích Vài suy nghĩ về nguyên nhân thịnh, suy của Phật giáo của tác giả Thích Hạnh Chân, Nguyệt san Báo Giác Ngộ ngày 23/05/2013.
Mặt khác, theo đúng giáo lý nguyên thủy của Phật giáo đã lược giải ở trên thì sự tu trì đạt đến Giác ngộ – Bồ đề để được giải thoát khỏi Luân Hồi là một sự khó, ngay cả người xuất gia cũng không dễ thực hiện được. Vậy nên mong muốn của chúng sinh tu trì Phật pháp để thoát khỏi trầm luân trong Luân Hồi sinh tử là không thể thực hiện. Có không ít Phật tử chỉ hiểu đơn giản là ăn chay, niệm Phật, đi lễ chùa đều đặn thì được giải thoát. Đó là một sai lầm trong giáo hóa xã hội loài người trải qua hơn 2,500 năm vẫn tràn ngập tệ nạn và tội ác.
Khi tại thế, Ðức Phật Tổ Như Lai đã sử dụng thực phẩm hàng ngày do Ngài đi khất thực hay do những người ủng hộ mời Ngài đến nhà dùng bữa, Đức Phật Tổ đã ăn những gì được dâng cúng. Ðức Phật Tổ rất hiện thực vì thế giáo lý và tín điều Phật giáo cũng rất thực tiễn. Đức Phật Tổ Như Lai chỉ ra những giới luật nào mọi người có thể tuân theo, có thể gìn giữ được. Về việc chư Tăng (Tỳ Kheo) ăn thịt, Đức Phật Tổ dạy: “Này chư Tỳ-kheo, Ta cho phép các vị dùng thịt cá trong ba truờng hợp sau đây: thịt này phải chưa được các vị nhìn thấy, các vị chưa được nghe biết, hoặc giả chư vị không có gì phải nghi ngờ là con vật đó đã được sát sanh chỉ nhằm mục đích thiết đãi cho chư vị. Nhưng các vị không được cố tình sử dụng thứ thịt đã được giết chỉ dành cho các vị sử dụng mà thôi.” Ba loại thịt này gọi là Tam tịnh nhục. Trong kinh Jivaka, Ngài dạy: “Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng (tam tịnh nhục): không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng” ( Kinh Jivaka, Trung Bộ II, tr.71). Như vậy, chư Tăng thời Phật Tổ Như Lai chưa nhập Niết Bàn, sống nhờ vào khất thực, hoàn toàn không phân biệt chay mặn, ngoại trừ Tam tịnh nhục. Một Phật tử tu hành tại gia hay xuất gia chỉ biết ăn chay, tụng niệm suốt đời, không tìm biết mục đích cứu cánh của đạo Phật, chưa xứng đáng là người thực hành giáo lý giải thoát của đức Phật. Sự tu thân, tích đức, làm điều Thiện, tránh và chống lại điều Ác phải là việc hằng ngày của người Phật tử tại gia và xuất gia của đạo Phật. Hiện thực vấn đề ăn mặn và ăn chay, đều là các lương thực, thực phẩm do lao động gian khó mới có, vì thế người Phật tử tại gia hay xuất gia, khi ăn, uống cần phát tâm từ bi, tìm cách cứu giúp những người đã tạo ra thức ăn cho mình, và luôn nhớ rằng ở cõi Trần thế này còn biết bao người nghèo khổ, cơ cực. Vì thế người tu hành dù tại gia, xuất gia cũng phải phát tâm cứu độ chúng sinh ngay trong kiếp sinh thời.
Ăn chay cùng xuất xứ hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình truyền Đạo Phật. Rõ rệt nhất là sự khác biệt của Tông phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) không có quan niệm ăn chay và Phật giáo Đại thừa (Mahayana) chủ trương ăn chay là để trưởng dưỡng lòng từ bi. Khảo cổ học đã tìm thấy bia đá có ghi chỉ dụ của Vua Asoka ( Thế kỷ thứ III Tr.CN) nghiêm cấm mọi hành động giết thú vật, cả trên trời, trên đất và dưới nước.
Sau khi xuất hiện tông phái Đại Thừa, trong tất cả kinh sách giáo lý Đại thừa không có kinh nào đề cập đến việc cho phép ăn thịt. Các giáo lý, luật kinh Đại thừa đều cấm ăn thịt. Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), chương 8, Về sự ăn thịt, Phật Tổ Như Lai: “Này Mahàmati, thức ăn của người trí không gồm thịt và máu. Do đó, thịt của một con chó, một con bò… hay thịt người, hoặc là thịt của bất cứ chúng sanh nào khác, vị Bồ tát không nên ăn thịt. Này Mahàmati, vị Bồ tát an trụ trong Đại bi, thương chúng sanh như đứa con độc nhất, do đó phải kiêng ăn thịt…”. Phật Tổ chứng giải tám nguyên nhân vì sao người Phật tử không nên ăn thịt. Trong đó, lý do sau cùng Phật Tổ thừa nhận đã: “ Nói giáo pháp cho ăn Tam tịnh nhục và Ngũ tịnh nhục” nhưng “Nay ở Kinh này, xóa bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loại thịt chúng sanh, thảy đều đoạn dứt”. Có thể nói kinh Lăng Già đã kết túc toàn bộ việc người Xuất gia (Tỳ Kheo) đã bỏ giới luật về Tam tịnh Nhục trước đó. Các kinh sách sau đó như Lăng Nghiêm kinh (Suramgama – Thích Duy Lực, trang 162), Phật Tổ lại nói đến việc cấm ăn thịt: “Những người ăn thịt dù được khai ngộ nhưng khi hết phước báo, ắt phải chìm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật”, vả lại “Làm sao người có lòng đại bi mà ăn thịt chúng sanh?”. Trước khi nhập Niết bàn, Phật Tổ Như Lai còn truyền Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 1, tr.137: “Này Ca Diếp, từ nay trở đi, ta không cho phép hàng Thanh văn đệ tử ăn thịt. Nếu đàn việt dâng thí, phải xem thịt ấy như là thịt của con mình. Ta cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt”. Như vậy, đã có một quá trình chỉnh sửa giáo luật Đạo Phật từ khi Đức Phật Tổ Như Lai thuyết pháp tới khi Ngài nhập Niết bàn. Riêng việc cấm người tu hành không được uống rượu, không được dùng các chất gây say đã được thống nhất ngay từ đầu quy định tại Ngũ giới.
Sự không giản lược, làm cho dễ hiểu tinh hoa của Kinh sách Phật giáo cùng với sự Bình đẳng, Tự do sau trở thành thái quá trong Phật giáo đã làm sự tuân theo giáo luật trở nên tùy tiện, sai phạm. Không những như vậy, việc không mấy cải tiến hệ thống tổ chức, giám sát Tăng đoàn để thực sự là chân tu đức hạnh như một dấu hiệu báo trước suy thoái Phật giáo Việt Nam như lời dậy trong Kinh Đại bát Niết Bàn. Lẽ thường tạo hóa “ Mặt Trời cao rồi lặn, Trăng tròn rồi khuyết”, Nhân quá thành Nhu nhược, Lễ quá thành Giả dối, giữ Nước phải lấy Đức làm đầu, … đều vốn là sự chuyển vần quy luật Trời – Đất, với Phật pháp vô biên, hy vọng sẽ có những vị Trưởng Lão Chân tu trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấn hưng được Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Lược giải về Phật giáo
Nghiên cứu 13:09 24/11/2024Phật giáo là một tôn giáo lâu đời, khởi thủy từ một vị là Tất đạt Đa Cồ Đàm. Đạo Phật là một học thuyết hướng tới giải thoát và chấm dứt mọi đau khổ của con người.
Trời thu, lá úa, vọng niệm vô thường
Nghiên cứu 09:11 24/11/2024Bài thơ “Cảnh mùa thu” của Thanh Sĩ (1928 – 1973) là viết theo thể thơ đường luật, vần bằng, tám câu. Với những câu tả cảnh đối nhau, tác giả giúp người đọc nhận thức rõ và sâu sắc về tính biến hóa vô thường ở vạn vật...
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Xem thêm