Mất còn trong cõi sống chết
Chúng ta vừa trì niệm danh hiệu của đức Quan Thế Âm để cầu cho trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan này được thành công. Chúng ta đã nói rằng trai đàn này là để cầu nguyện cho “âm siêu” và “dương thái”. Tôi muốn bắt đầu buổi pháp thoại nói về sự liên hệ giữa cõi âm và cõi dương.
Chúng ta làm thế nào để tiếp xúc với cõi âm và chúng ta có thể tiếp xúc được hay không? Và những người ở cõi âm làm thế nào để tiếp xúc với chúng ta trong cõi dương? Hai cõi này – cõi âm và cõi dương – là hai cõi tách biệt hay là có dính líu tới nhau?
Cố nhiên chúng ta biết rõ rằng khi mà âm được siêu thì dương cũng được thái và khi dương được thái thì âm cũng được siêu. Cho nên chúng ta biết chắc rằng có một liên hệ rất mật thiết giữa hai cõi. Nhưng trong đầu óc của nhiều người, chúng ta thường nghĩ rằng cõi âm là cõi nó hoàn toàn khác biệt với cõi dương. Thường thường, chúng ta nghĩ rằng cõi âm chúng ta không thấy được, không nghe được, không sờ mó được. Và những gì mà chúng ta không thấy được, không nghe được, không sờ mó được, có khi chúng ta nghĩ là không có.
Chúng ta hãy tưởng tượng là trong không gian này, chúng ta biết rằng có những đài truyền hình, những đài phát thanh, luôn luôn phát ra những chương trình trên các làn sóng. Và trong không gian đang bao phủ chúng ta, có rất nhiều tín hiệu của các buổi phát thanh và truyền hình. Chúng ta biết rằng luôn luôn trong giờ phút này có những chương trình phát thanh và truyền hình. Những tín hiệu đó nó đầy dẫy trong hư không, nhưng mà chúng ta không thấy, chúng ta không nghe, chúng ta không sờ mó được những chương trình đó. Chúng ta cần phải có một máy thu thanh, máy thu hình để nó có thể nắm được những tín hiệu đó và nó chuyển dịch những tín hiệu đó ra những đối tượng mà mắt ta có thể tiếp xúc được và tai của ta có thể tiếp xúc được. Và những cái ta không thấy, những cái ta không nghe, những cái ta không sờ mó được, chúng ta không thể nói là chúng nó không có.
Trong kinh Thương Yêu, đức Thế Tôn có dạy rằng chúng ta phải phát khởi lòng từ bi của chúng ta đối với tất cả các loài, các loài ta thấy được và các loài ta không thấy được. Không thấy được không có nghĩa là không có mặt. Ngay những con vi khuẩn nó làm ra bệnh tật của chúng ta, chúng ta không có thể thấy được. Chúng ta phải cần kính hiển vi mới có thể thấy được những con vi khuẩn đó. Khi không thấy được những con vi khuẩn đó, chúng ta không thể nói rằng con vi khuẩn đó không có.
Chúng ta có sáu giác quan và những giác quan của chúng ta nó có giới hạn. Chúng ta có thể không nghe được những âm thanh mà con chó nó nghe được. Chúng ta có thể không thấy được những hình ảnh mà con chim nó thấy được. Cho nên chúng ta đừng vội vàng nói rằng những gì những gì tôi không thấy, những gì tôi không nghe, những gì tôi không có sờ mó được, tức là chúng nó không có. Có và Không là hai ý niệm, trong đạo Phật chúng ta thực tập để có thể vượt thoát được hai ý niệm Có và Không. Có hai ý niệm khác đi đôi với hai ý niệm Có và Không, đó là ý niệm Còn và Mất. Chúng ta không thể nào hiểu được sự liên hệ giữa cõi âm và cõi dương nếu chúng ta không nắm được sự thật về vấn đề còn, vấn đề mất.
Xin quý vị tôn đức, các vị khách quý và các vị đạo hữu hình dung ra một hạt mưa rơi. Hạt mưa đó có thể rơi xuống trên một tảng đá hay rơi xuống trên mặt đất. Có thể trong vòng mấy phút thì hạt mưa rơi xuống trên đất, nó được đất hút vào. Có thể đất hút vào liền lập tức và ta không thấy hạt mưa đó nữa, hạt mưa vừa có đó, bây giờ đã trở thành không có đó. Trước đó chúng ta thấy hạt mưa và bây giờ chúng ta không thấy hạt mưa và chúng ta nói hạt mưa không còn nữa. Đó là một tri giác sai lầm, đó là một vọng tưởng. Hạt mưa vẫn còn đó dưới một hình thái khác mà ta không thấy được thôi, ta không thể nói rằng hạt mưa đó không còn. Còn hạt mưa kia, nó rơi trên một tảng đá và chỉ trong vòng mười phút, mười lăm phút, hạt mưa đó nó biến mất, nó biến thành hơi nước, nó trở thành một phần của đám mây trên trời. Nhưng chúng ta không thấy hạt mưa đó cho nên chúng ta nói hạt mưa đó không còn nữa.
Người thương của chúng ta cũng vậy, chúng ta nói là không còn nữa nhưng kỳ thật điều đó là không đúng. Người thương của chúng ta vẫn còn đó và chúng ta vẫn có thể tiếp xúc được với người ấy nếu chúng ta có tuệ giác. Hãy tưởng tượng chúng ta nhìn lên trời, thấy một đám mây mà chúng ta rất ưa thích. Nhưng đám mây vô thường, cho nên mấy giờ đồng hồ sau, đám mây sẽ biến thành mưa và chúng ta không còn thấy đám mây ở trên trời nữa.
Tại vì chúng ta đã thương yêu đám mây, chúng ta đã lưu luyến đám mây cho nên bây giờ đám mây không còn trên trời, chúng ta buồn, chúng ta than khóc, chúng ta nghĩ rằng đám mây đã chết rồi, đám mây từ chỗ có đã trở thành không, đã từ chỗ còn đã trở thành mất. Trong khi chúng ta khóc than thì đám mây vẫn còn đó dưới dạng của một cơn mưa. Thật ra một đám mây không bao giờ có thể chết được, chúng ta không có thể nào làm đám mây từ có trở thành không, không có thể làm cho đám mây từ có trở thành không được. Đám mây chỉ có thể trở thành mưa thành tuyết, thành mưa đá nhưng mà đám mây không thể nào từ “có” trở thành “không” được.
Trong khi thương tiếc đám mây, chúng ta khóc, thì đám mây trong hình thái mới của nó là cơn mưa, gọi chúng ta, nói rằng anh ơi, anh có biết là em đang còn đây không, anh nhìn xem em đang con đây dưới một hình thái mới đó là một cơn mưa. Cho nên đám mây trong hình thái mới của nó đang gọi chúng ta mà chúng ta không nghe được, chúng ta không thấy được và chúng ta cứ tiếp tục than khóc, chúng ta cứ nghĩ đám mây thân yêu của chúng ta không còn nữa. Người thương của chúng ta, người yêu của chúng ta, người thân của chúng ta cũng thế. Chúng ta không còn thấy hình dáng quen thuộc của người đó trong giây phút này nữa nhưng mà người đó không phải là không còn, người đó không phải là đã mất. Giữa chúng ta với người đó có thể có liên hệ rất là mật thiết và nếu chúng ta quán chiếu thì chúng ta có thể tiếp tục tiếp xúc với người đó nói chuyện với người đó, cười với người đó và sống với người đó trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Cõi âm nó không có xa xôi gì đâu, cõi âm rất là gần gũi với chúng ta.
Chúng tôi xin hiến tặng quý vị một hình ảnh khác là một hạt bắp, hạt ngô. Chúng ta gieo hạt ngô xuống đất mềm và chúng ta đợi bảy hôm hay mười hôm thì hạt ngô đó nứt mầm và trở thành một cây bắp mới, cây bắp non. Khi cây bắp nó biểu hiện ba cái lá mới và một thân bắp mỏng manh của nó, chúng ta nhìn không có thấy hạt bắp hai ba tuần trước nữa. Hạt ngô hai ba tuần trước, bây giờ chúng ta không thấy. Chúng ta chỉ thấy – thay vì hạt ngô – thì là một cây bắp con và chúng ta có thể nói rằng hạt bắp đã chết rồi, hạt bắp không còn nữa. Nhưng chúng ta ai cũng biết rằng hạt bắp không có thật sự chết, hạt bắp vẫn còn nhưng mà hạt bắp vẫn còn trong một hình thái mới. Hạt bắp chỉ thay hình đổi dạng, hạt bắp không chết, hạt bắp không phải là từ “có” mà trở thành “không”. Nếu chúng ta có trí tuệ, nhìn vào cây bắp non, chúng ta thấy được hạt bắp vẫn còn trong hình thái mới của nó.
Tổ tiên, cha mẹ, ông bà chúng ta vẫn còn đó. Nếu chúng ta biết cách nhìn, chúng ta vẫn có thể tiếp xúc được với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và vẫn còn nói chuyện được với tổ tiên ông bà cha mẹ. Khi chúng ta nhìn vào cơ thể, chúng ta thấy rất rõ là trong mỗi tế bào của cơ thể, có sự có mặt của tổ tiên, của cha mẹ. Cha mẹ đã trao truyền cho chúng ta rất nhiều. Cha mẹ ta đã trao truyền cái gì cho chúng ta? Cha mẹ ta đã trao truyền chính bản thân của cha mẹ cho chúng ta. Trong mỗi cái tế bào của cơ thể, có sự có mặt đầy đủ của cha và của mẹ, tất cả những cái gien, những cái nhiểm thể của cha mẹ trao truyền lại. Chúng ta thấy sự có mặt của cha mẹ ở trong từng tế bào cơ thể.
Thường thường, chúng ta nghĩ rằng cha ta ở ngoài ta và mẹ ta ở ngoài ta. Nếu chúng ta giận cha, hay giận mẹ thì chúng ta giận cha ta ở ngoài ta, giận mẹ ở ngoài ta. Nhưng chúng ta ít khi nghĩ rằng cha ta đang có mặt trong ta, mẹ ta cũng đang có mặt trong ta, ở nơi mỗi tế bào cơ thể. Và mỗi khi chúng ta giận cha, tức là chúng ta giận bản thân của chúng ta. Tại vì chúng ta chỉ là sự tiếp nối của cha và của mẹ. Cũng như cây bắp chỉ là sự tiếp nối của hạt bắp. Nếu mà cây bắp nó giận hạt bắp tức là nó tự giận cái bản thân của nó.
Có một thiền sinh tới làng Mai ở bên Pháp và thiền sinh đó bị bệnh ung thư. Một sư cô khai thị cho thiền sinh đó và chỉ dẫn cho thiền sinh đó một phương pháp thực tập, thiền sinh này người Mỹ. Sư cô hỏi rằng này bác, bác nói cho chúng tôi nghe sơ lược về tổ tiên ông bà, cha mẹ của bác đi. Vị thiền sinh đó tiết lộ rằng bà ta có một ông nội rất là khỏe mạnh, sống tới chín mươi lăm tuổi. Sư cô làng Mai mới nói rằng ông nội của bà đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của bà. Ông nội của bà đã trao truyền cái hình hài rất là vững chắc, rất là khỏe mạnh của ông ta cho bà, mà tại sao bà không cầu nguyện ông nội đi. Bà cầu nguyện như thế nào? Ông nội ơi! ông nội đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể cháu, ông nội giúp cháu đi!
Phương pháp của sư cô làng Mai là giúp cho bà tiếp xúc được với ông nội của mình ở trong từng tế bào cơ thể của bà ta. Bà theo đó thực tập, mỗi ngày đều ngồi thiền, mỗi ngày đều tiếp xúc với ông nội trong từng tế bào, và gọi ông nội lên giúp mình, tại vì ông nội ngày xưa có những tế bào rất là khỏe mạnh. Nếu đánh động được những tế bào khỏe mạnh của ông nội thì những tế bào đó sẽ biểu hiện, sẽ hoạt động như thế nào để có thể giúp cho những tế bào bị ung thư nó rút lui, nó giảm thiểu. Một phép lạ đã xảy ra, mấy tháng sau thì bà hết bệnh ung thư.
Thành ra ông nội của mình, mình đừng tưởng rằng không còn nữa, ông nội của mình vẫn còn trong từng tế bào cơ thể của mình. Mình có thể tiếp tục nói chuyện với ông nội, cầu cứu ông nội mỗi khi mình cần đến ông nội. Ông nội mình có thể có một hình hài rất là khỏe mạnh, ông nội mình cũng có thể có những tài ba, những kinh nghiệm rất sâu sắc trong cuộc đời. Nếu chúng ta biết cách tiếp xúc với ông nội chúng ta thì chúng ta có thể thừa hưởng được năng lượng về hình hài, cũng như là năng lượng tinh thần của ông nội ta.
Cho nên truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt là một truyền thống cần phải bảo tồn. Tại vì khi mà chúng ta có bàn thờ tổ tiên ở trong nhà, chúng ta mỗi ngày thắp một cây hương và khấn nguyện thì chúng ta có cơ hội tiếp xúc với ông bà chúng ta, không phải trên bàn thờ mà ở ngay trong từng từng tế bào của cơ thể ta. Con cháu đi đâu thì ông bà đi theo đó, không phải là đi sau lưng mà đi ngay trong từng tế bào cơ thể. Điều này nó không có vẻ tôn giáo tín ngưỡng, nó là khoa học, rất là khoa học.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ sáu đến bảy triệu đồng bào chúng ta đã tử vong. Chúng ta có những chiến sĩ đã tranh đấu rất oai hùng cho nền độc lập quốc gia, cho tự do của đất nước. Hàng vạn chiến sĩ đã bỏ mình nơi chiến trường một cách uy hùng như thế. Nhưng cũng có những người đồng bào chúng ta đã chết trong những hoàn cảnh rất là tối tăm, rất là oan khuất, bom đạn, ngục tù, tù đày, tra tấn. Vậy nên nỗi oan khổ đó vẫn còn nơi cõi âm, và nó vẫn còn nơi cõi dương. Nó nằm ngay ở trong trái tim của chúng ta. Khi chúng ta dồn nén những oan khổ đó vào đáy lòng thì những oan khổ đó vẫn còn, không có tiêu tan được.
Có khi chúng ta hành xử hơi thô bạo với những người thương của chúng ta, chúng ta không hiểu tại sao chúng ta lại nói một câu thô bạo như vậy, hay là có một cử chỉ thô bạo như vậy đối với người thương. Thật ra động lực nó xui chúng ta nói những lời thô bạo, hay là có những lời thô bạo là tại vì chúng ta có những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng mà chưa chuyển hóa được.
Vậy nên theo nguyên tắc của tâm lý trị liệu, nếu chúng ta cho phép những nỗi khổ niềm đau đó đi lên trên mặt phẳng của ý thức, chúng ta công nhận nó, chúng ta ôm ấp nó, chúng ta chuyển hóa nó, thì chúng ta mới có thể làm tiêu tan những nỗi khổ niềm đau đó. Từ đó về sau, chúng ta sẽ không còn cư xử một cách nặng nề bạo động, thô bạo với những người chung quanh. Nếu không thì chúng ta có thể trao truyền lại những năng lượng tiêu cực đó cho con, cho cháu. Một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ cư xử một cách không có dễ thương đối với những người thân của họ, và họ sẽ không biết tại sao. Những nỗi khổ, niềm đau, những oan ức của chúng ta, chúng ta chưa chuyển hóa được và chúng ta đã trao truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Đại trai đàn chẩn tế giải oan bình đẳng là một cơ hội để chúng ta thực tập, đưa những oan khổ, những đau đớn đó lên trên mặt phẳng của ý thức, để công nhận nó, để ôm ấp lấy nó và để chuyển hóa nó. Đây là một thực tập cụ thể. nếu chúng ta chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau trong lòng thì những người thân của chúng ta cũng chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau trong lòng của họ, dầu những người đó đang còn sống hay là đã khuất. Khi chúng ta tới với nhau để cầu nguyện là chúng ta đem hết tất cả tâm thân để mà nhớ tới, để mà tưởng niệm tới những khổ đau, những oan khuất mà những người thân của chúng ta đã phải gánh chịu trong suốt bao nhiêu năm của chiến tranh.
Trong Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan ở tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như trong đại trai đàn bình đẳng chẩn tế giải oan thực hiện ở tại chùa Diệu Đế, chúng ta đã đọc lên những lời khấn nguyện của những người đang sống đối với những người đã khuất. Và để chuẩn bị cho trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan ở chùa Non Nước, chúng tôi xin đọc lại những lời khấn nguyện đó để quý vị thấy được tinh thần và phương pháp thực tập của chúng ta.
Lời khấn nguyện trong các trai đàn chẩn tế giải oan, đây là những lời của người sống nói với những người đã chết, những người ở cõi dương nói với những người ở cõi âm. Và chúng ta biết rằng âm dương tương tức, ở trong dương có âm và trong âm có dương. Chúng ta nói với những người thân của chúng ta đã qua đời, nhưng mà chúng ta cũng nói với chính bản thân của chúng ta.
“Kính thưa liệt vị hương linh. Quý vị là cha của chúng tôi, quý vị là chồng của chúng tôi, quý vị là anh trai của chúng tôi, quý vị là em trai của chúng tôi, quý vị là con trai của chúng tôi, quý vị cũng là mẹ của chúng tôi, quý vị cũng là vợ của chúng tôi, là chị gái của chúng tôi, là em gái của chúng tôi, quý vị cũng là con gái của chúng tôi.
Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài quý giá của quý vị mà đi, chúng tôi đã đánh mất quý vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu dũng cảm cho đất nước và đã chết một cách hào hùng không hề thương tiếc thân mạng, chúng tôi rất hãnh diện về quý vị.
Nhưng quý vị có thể cũng đã bỏ mình trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thương, Nỗi oan khổ không thể nào nói lên được. Trên rừng sâu, trong biển cả, nơi chốn tù đày, chết vì bom đạn hoặc vì kiệt sức, hoặc vì bị bức bách, bị hãm hiếp rồi bị sát hại mà không có phương tiện chống cự lại. Có biết bao nhiêu quý vị đã ngã quị mà nắm xương tàn không biết đang được chôn vùi ở đâu. Những tai ương mà đất nước và dân tộc ta phải chịu đựng trong bao nhiêu năm tranh đấu cho độc lập và cho tự do, chính quý vị là người phải gánh chịu nhiều nhất.
Chúng tôi những người thân thuộc và đồng bào của quý vị. Hôm nay tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị, hoặc thiết lập bàn thờ cho quý vị trước hiên nhà. Trong chúng tôi, cũng có những người vẫn còn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay cơn ác mộng đã qua, đất nước đã được hòa bình, dân tộc đang có cơ hội xây dựng kiến thiết trở lại. Nhờ phúc đức tổ tiên, chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau một cách chính thức, chắp tay nguyện cầu Tam Bảo, nhờ Pháp lực gia trì, thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ. Cùng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một vận hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Bắc Nam, gái trai, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo.”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuộc đời vô thường, bướm hoa chỉ là huyền ảo
Tư liệu 09:46 14/11/2024Sự sống và cái chết, sinh lão bệnh tử là sự tuần hoàn không thể thay đổi được của quy luật tự nhiên, là lẽ thường ai cũng phải trải qua. Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa được đề cập tới trong bài kệ “Thị tật” - “Dạy khi có bệnh” của Thiền sư Giác Hải khi răn dạy đệ tử.
Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tư liệu 13:19 13/11/2024Trong bài kệ cho đệ tử Cảm Thành, Thiền sư Vô Ngôn Thông mong muốn đệ tử giác ngộ vô thường và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy Phật pháp.
Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của Thiền sư Không Lộ
Tư liệu 09:36 13/11/2024Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ.
Từ bi thôi chưa đủ, cần có trí tuệ dẫn dắt
Tư liệu 11:46 10/11/2024Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ thì sao? Từ Bi vô nguyên tắc và mù quáng thì chỉ đem lại những tác dụng tiêu cực. Cho nên nói, chỉ có Từ bi thôi thì chưa đủ mà cần phải có Trí tuệ để dẫn dắt.
Xem thêm