Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 05/10/2019, 11:46 AM

Mát lòng từ những bình trà đá miễn phí ở Sài Gòn

Đã từng đi đến nhiều vùng miền của đất nước ta, nhưng tôi vẫn nhận thấy một điều rằng: Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh là mảnh đất của những con người thân thiện, phóng khoáng. Bởi vậy, giữa vòng xoáy của bao bộn bề lo toan, ở đó vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng hào hiệp…

 >>Gieo mầm thiện

Trà đá miễn phí… Sài Gòn

Bài liên quan

Hiếm có nơi nào như ở Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy sự hào sảng, tương thân tương ái trong từng hành động nhỏ. Điều đó không chỉ được thể hiện qua rất nhiều tấm lòng nhân ái của những con người, những mạnh thường quân cùng chung tay làm nên những bếp ăn từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu may mắn đỡ đói lòng bằng các hộp cơm, suất cháo, chiếc bánh mỳ, thùng nước trà đá phục vụ miễn phí…

Đi dọc các con đường tại những quận trung tâm của TP.Hồ Chí Minh, tôi bắt gặp rất nhiều bình nước trà đá được đặt ngay ngắn trên vỉa hè, có trang bị đầy đủ ly, cốc phục vụ mọi người vào uống… miễn phí. Đa số các con đường có từ 1-2 địa điểm phục vụ trà đá miễn phí ra, cá biệt có một số đường phố lớn, với lưu lượng đông đúc người qua lại như: Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Hậu Giang, Bạch Đằng, Hồng Bàng… thì các bình, thùng trà đá miễn phí xuất hiện với số lượng dày đặc, nghĩa là có những chỗ khoảng cách từ điểm trà đá miễn phí này, tới điểm trà đá phục vụ miễn phí kia trên cùng một đường phố, chỉ là vài ba trăm mét.

Ví dụ như tại đường Ba Tháng Hai, đoạn từ Ngã Sáu Dân Chủ tới điểm giao cắt với đường Lê Hồng Phong (quận 10), chỉ dài chừng 400 mét vậy mà tôi thấy xuất hiện tới 3 điểm đặt bình trà đá miễn phí. Hay như dọc hai bên đường CMT8, đoạn từ Ngã Sáu Dân Chủ (quận 10) tới Ngã Tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), với chiều dài chừng gần 3 km, vậy mà có tới hơn chục bình, thùng trà đá miễn phí của các hộ dân, hộ kinh doanh đặt để phục vụ mọi người có nhu cầu uống.  

Bình trà đá miễn phí phía trước bếp ăn từ thiện, trên đường Rạch Bùng Binh đã có mặt 26 năm

Bình trà đá miễn phí phía trước bếp ăn từ thiện, trên đường Rạch Bùng Binh đã có mặt 26 năm

Bài liên quan

Một ngày cuối tháng 9-2019 mới đây, khi cùng một người bạn chạy xe gắn máy qua khu vực phường Thạnh Lộc (quận 12), đang đi trên đường, tôi khát nước và kêu bạn ghé vào một tiệm tạp hóa, hay siêu thị mi-ni nào đó để mua chai nước suối. Bạn tôi cười bảo: “Vẽ chuyện, khu vực này cũng như nhiều nơi ở Sài Gòn thiếu gì bình trà đá miễn phí mà phải mua nước suối cho tốn tiền. Chịu khó quan sát, lát gặp chỗ có bình trà đá ghé vào uống…”. Khi bạn tôi vừa dứt lời, thì quả thật, tôi thấy một bình trà đá miễn phí đặt ngay ngắn bên vỉa hè đường Hà Huy Giáp, và chúng tôi vào đó uống thỏa thích, mỗi người vài ly… Ngay khi rời điểm đặt bình trà đá vùa uống, chạy xe dọc con đường Hà Huy Giáp, cũng như một số con đường khác trong phạm vi phường Thạnh Lộc nói riêng, cũng như các phường khác của quận 12 nói chung, tôi để ý thấy bình, thùng trà đá được đặt khá nhiều.

Không chỉ trong các quận trung tâm, dạo quanh các quận, huyện vùng ven, ngoại thành như: Thủ Đức, Tân Phú, 2, 7, 9, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… hình ảnh các thùng, bình trà đá miễn phí cũng thấp thoáng xuất hiện bên lề đường hay phía trước cửa tiệm của các gia đình, dẫu số lượng không nhiều như trong khu vực trung tâm thành phố, nhưng cũng đủ để người lao động nghèo có thể ghé vào uống, nếu như cảm thấy khát. 

Tại nút giao thông Ngã Tư Thủ Đức, thuộc địa bàn quận 9 và Thủ Đức, từ khoảng 5 năm nay, tôi cũng thấy xuất hiện 2 điểm phục vụ trà đá miễn phí cho người qua đường, khi một điểm nằm trên đường Lê văn Việt, còn điểm kia tại khúc cua trên xa lộ Hà Nội, ngay sát trụ sở công an quận 9.

Xuất phát từ tình thương

Khi đi sâu tìm hiểu, tiếp xúc, trò chuyện với “chủ nhân” của những bình, thùng nước trà đá miễn phí bên vỉa hè, phục vụ người dân nói chung, và người lao động nghèo nói riêng, tôi được biết một số người thì mới làm công việc từ thiện này được khoảng vài, ba năm. Tuy nhiên, có không ít người đã “làm phúc” cả trên dưới chục năm, thậm chí cá biệt như trường hợp bà Nguyễn Thị Phương, năm nay 76 tuổi, chủ một bếp ăn từ thiện trên đường Rạch Bùng Binh (quận 3).

Bà Phương cho biết, từ hơn 20 năm nay, ngoài việc “nhóm lửa” lo bữa ăn hàng ngày cho người già cô đơn, người nghèo bệnh tật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bà vẫn đều đặn đun nước trà, bỏ đá lạnh vào chiếc bình i-nok sạch sẽ, chuẩn bị những chiếc ly, cốc rồi đặt bên vỉa hè, phía trước bếp ăn từ thiện để phục vụ người qua đường ghé uống. Bà Phương kể: “Những ngày trời mưa thì thường là sáng hết một bình 20 lít, chiều cũng cỡ ngần ấy, còn trời nắng nóng có khi sáng châm 2 bình, chiều cũng vậy mà vẫn hết…”. 

Trò chuyện với hai chị nhân viên tại bếp ăn từ thiện, thường ngày vẫn phụ bà Phương đun nước pha trà để duy trì bình nước miễn phí từ bao nhiêu năm nay, tôi được biết các chị cũng cảm thấy vui khi mỗi ngày phục vụ được nhiều người vào uống nước, và dẫu có phải đun thêm nước, pha thêm trà các chị cũng không nề hà gì…

Anh Nên và nhân viên tiệm massage Việt Hồng châm thêm nước trà

Anh Nên và nhân viên tiệm massage Việt Hồng châm thêm nước trà

Trường hợp của anh Phạm Văn Nên, chủ cửa tiệm massage mang tên: Việt Hồng, tại địa chỉ số 275 đường CMT8, phường 12, quận 10, thì mặc dù anh và các nhân viên chỉ mới có ý tưởng và thực hiện đặt bình trà đá miễn phí từ 3 năm nay, nhưng đều đặn mỗi ngày, trước khi mở cửa tiệm là bao giờ anh không quên sửa soạn nước pha trà, đá lạnh để châm vào bình, sau đó mang ra đặt ở lề đường, phía trước cửa tiệm. Chỉ trừ bữa nào cửa tiệm có việc đột xuất phải đóng cửa thì mới không có bình trà đá đặt phía trước, còn thì hôm nào cũng có trà đá phục vụ mọi người. 

Bài liên quan

Anh Nên cho hay, vì là con đường có lưu lượng người, xe cộ qua lại rất đông đúc, nên bình trà đá của tiệm anh luôn… “đắt hàng”. Anh Nên cho biết: “Việc đặt bình trà đá miễn phí như vậy thực ra cũng không nhiều tiền, khi ngoài công đun nước, chuẩn bị, mỗi ngày tiền mua trà, đá lạnh cũng chỉ tốn khoảng trên, dưới 30 ngàn đồng và 1 tháng cỡ 1 triệu đồng”.Anh Lê Huy Ân, chủ cửa tiệm mắt kính Lan, tại số 147 đường Trương Định, phường 9, quận 3 cho biết, anh đặt thùng nước phục vụ miễn phí từ 4 năm nay. Mỗi ngày trung bình anh đặt 1 bình nước lọc tinh khiết, với giá mua sỉ 15.000 đồng, vị chi 1 tháng anh cũng “tiêu tốn” vào công việc làm từ thiện của mình chừng hơn 300.000 đồng. Một số tiền không lớn, nhưng theo anh Ân thì kể cả có tốn nhiều tiền hơn nữa, anh cũng cảm thấy vui vì được mang tấm chân tình của mình phục vụ, mang lại niềm vui nho nhỏ cho mọi người, nhất là những người lao động, người nghèo mưu sinh phải kiếm từng ngàn.

Chủ cơ sở thẩm mỹ viện Sao Hàn, tại số 138 đường Ba Tháng Hai, phường 2, quận 10, từ 9 năm nay đã đầu tư mua một máy tự lọc nước, với giá gần chục triệu đồng (chưa kể mỗi năm chi thêm tiền triệu cho việc sục rửa bảo dưỡng máy lọc nước) để phục vụ mọi người. Theo nhân viên cơ sở này cho biết, nước sau khi lọc sạch sẽ, được chiết vào bình đá lạnh, có pha trà, hàng ngày đặt bên vỉa hè, phía trước cơ sở, và thi thoảng nhân viên cảm nhận sắp hết nước thì lại châm thêm vào. Bình nước trà đá lạnh miễn phí của cơ sở thẩm mỹ này phục vụ bà con từ khoảng 7 giờ sáng và kéo dài cho tới tối muộn…

Điểm chung của “chủ bình nước từ thiện” là xuất phát từ tấm lòng, tình thương đối với những người nghèo khổ. Như, bà Phương, anh Nên, chủ tiệm massage Việt Hồng, thì nghĩ rằng: “Khi đặt bình trà miễn phí chắc chắn mỗi ngày mình sẽ giúp đỡ được vài ba chục người, thậm chí là nhiều hơn nữa, không phải bỏ tiền ra mua nước uống. Họ uống nước miễn phí, tiết kiệm được tiền để chi tiêu vào việc khác là mình cảm thấy vui lắm. Chẳng vậy mà có nhiều hôm phải châm nước, mua đá lạnh bỏ thêm vào nhiều lần, mình cũng vẫn vui…”. Tôi cũng nhớ mãi câu nói giàu lòng nhân ái của bà Phương là: “Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà hầu như ai đã có tấm lòng làm làm từ thiện cũng chỉ mong góp chút sẻ chia yêu thương đối với người nghèo, hoàn cảnh kém may mắn, để họ đỡ khổ…”.

Người nghèo được chia sẻ

Khi có rất nhiều các điểm phục vụ nước trà đá miễn phí bên lề đường, hẳn nhiên là những người lao động nghèo được chia sẻ thiết thực nhất. Người lao động nghèo như: bán vé số, chạy xe ôm, buôn bán vặt… sẽ mất không dưới 20.000 đồng/ngày. Đó chỉ là nước lọc, còn nếu khát mà uống nước mía, nước mát các loại thì mức chi ra còn lớn hơn nữa.

Anh Nguyễn Văn Tân chiết nước từ bình trà đá miễn phí trên đường CMT8

Anh Nguyễn Văn Tân chiết nước từ bình trà đá miễn phí trên đường CMT8

Anh Nguyễn Văn Tân, năm nay 48 tuổi, quê xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định, làm nghề chạy xe ôm công nghệ grab, người thường xuyên uống trà đá miễn phí, kể: “Từ gần chục năm nay, tính từ lúc vào Sài Gòn chạy xe ôm truyền thống, và mấy năm gần đây là xe ôm công nghệ, tôi đều giải khát từ những thùng trà đá miễn phí bên hè phố. 

Các điểm phục vụ nước miễn phí khá nhiều nên cứ khi nào khát là ghé vô lề uống. Không những uống, tôi còn mang theo 1 cái chai loại 500 ml để hứng vào đầy, phòng khi khát mà chưa gặp điểm có nước miễn ph!”. Anh Tân cho hay, hàng ngày anh phải uống tới hơn 3 lít nước, vì thời tiết trời nắng nóng, chạy suốt ngày ngoài đường, mồ hôi luôn chảy ra như tắm nên mất nước.

Bài liên quan

Cũng giống như anh Tân, ông Dương Tuấn Hà, năm nay 57 tuổi, quê Gia Lai, người đã chạy xe ôm ở đất Sài Thành với “thâm niên” gần 20 năm, bảo: “Mảnh đất Sài Gòn có nhiều tấm lòng hào sảng và sống có tình thương lắm. Tôi sống và mưu sinh ở đây mấy chục năm, thi thoảng không chỉ sống nhờ những hộp cơm, ly cháo từ thiện của những nhà hảo tâm tặng, mà ngần ấy năm tôi đâu có mất tiền mua nước, khi đều uống nước miễn phí từ những bình, thùng trà đặt bên lề đường của những người có tấm lòng nhân ái. Nếu tính sơ sơ mỗi người một ngày phải bỏ ra chừng 20.000 đồng để mua nước uống thôi, thì 1 tháng cũng mất năm sáu trăm ngàn là bình thường, và một năm thì số tiền không phải là ít”.

Chị Lê Thị Bình, năm nay 43 tuổi, quê Phú Yên, hiện làm công việc bán vé số tại địa bàn các quận trung tâm thành phố, bảo rằng, vào Sài Gòn mấy năm rồi nhưng chưa bao giờ chị Bình phải mất một đồng nào để mua nước uống. Mỗi ngày đi bộ bán vé số, khi khát chị đều ghé vô các điểm có phục vụ nước miễn phí để uống. 

Hay như bà Lương Thị An, 68 tuổi, quê Thanh Hóa, làm công việc bán hàng rong với các món đồ lặt vặt, hàng ngày đi rong ruổi bán hàng trên khắp nẻo đường, bà An đều uống nước trà đá miễn phí. Bà An cười, cho hay: “Tôi đã từng đi bán hàng này tại một số tỉnh thành là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… nhưng phải công nhận không đâu sướng như ở Sài Gòn, vì ngoài cái ăn từ thiện người ta cho, tặng, thì nước uống miễn phí cũng được phục vụ ở mọi chỗ…”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người

Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024

Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.

Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90

Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024

Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng. 

5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ

Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024

Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.

Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời

Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Xem thêm