Mối liên hệ giữa chánh niệm và các pháp khác
Bất cứ một pháp nào trên thế gian này đều tồn tại trong mối liên hệ với vô số pháp khác. Không có pháp nào có thể tồn tại một mình nó. Cũng vậy, Chánh niệm cũng có mối liên kết hữu cơ với rất nhiều pháp khác.
Mối liên hệ giữa Chánh niệm với Từ bi:
Từ là đem niềm vui đến cho người, bi là lấy nỗi khổ của người ra. Chúng ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu "thương người như thể thương thân", ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng lượng dồi dào. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị, vướng mắc nên không gây khổ đau phiền não. Chất liệu của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của người kia, làm một với họ, với mọi niềm đau nỗi khổ của họ.
Có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an lạc hạnh phúc. Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi tỏa ngát hương thơm.
Tác phẩm “Chế ngự cơn giận, trải rộng lòng từ” nói về mối liên hệ giữa Chánh niệm và từ bi như sau: “Luyện tập lòng yêu thương Metta và Chánh niệm có thể là sự kết hợp hùng mạnh. Ví dụ: trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể Chánh niệm càng nhiều càng tốt vào những hoạt động hàng ngày và những trạng thái tinh thần thay vì để cho tâm chúng ta bay nhảy đây đó. Sau đó đôi lúc chúng ta cũng có thể xen lẫn giữa Chánh niệm với rải tâm từ Mettà, bằng cách này tâm của chúng ta sẽ được giữ trong sạch và lành mạnh hơn. Với sự luyện tập ban rải lòng yêu thương Mettà và Chánh niệm. Chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào những công việc hàng ngày. Chúng ta sẽ ít lo âu và sống vui vẻ, thoải mái hơn”.
Qua đoạn trích trên, chúng ta thấy nhờ có Chánh niệm mà lòng từ bi được nuôi lớn và lòng từ bi cũng làm cho Chánh niệm được tăng trưởng, nhờ kết hợp luyện tập Chánh niệm và tâm từ mà tâm chúng ta sẽ trong sạch, lành mạnh, ít lo âu và chúng ta sẽ sống vui vẻ thoái mái hơn.
Mối liên hệ giữa Chánh niệm và Trí huệ:
Trong tác phẩm Những Lời Dạy Của Ngài Ajahn Chah có nói về mối liên hệ giữa Chánh niệm và Trí huệ như sau: “Khi tâm vững chắc không lay chuyển thì Chánh niệm phát sanh nhanh chóng, dễ dàng, và Trí tuệ cũng phát sanh. Mặc dầu vậy, đôi khi Trí tuệ không đủ năng lực hoặc không phát sanh đúng lúc. Chánh niệm và hiểu biết rõ ràng mà thiếu Trí tuệ ắt không đủ khả năng kiểm soát tình hình. Thông thường, có Chánh niệm và hiểu biết rõ ràng làm nền tảng thì Trí tuệ phát sanh để hỗ trợ. Nhưng dầu sao, phải kiên trì gia công khai triển Trí tuệ bằng pháp hành thiền Minh Sát (Vipassanà). Như vậy có nghĩa là bất cứ gì phát sanh trong tâm cũng có thể là đối tượng của sự chú niệm và hiểu biết rõ ràng. Ta thấy rằng nó chỉ giản dị là một cảm giác phát sanh, không phải tự ngã, không có thực chất, và rồi tự nó sẽ biến tan. Chỉ có thế! Người còn mê hoặc, người không có Trí tuệ sẽ bỏ lỡ cơ hội. Người ấy không thể xử dụng hoàn cảnh để tạo lợi ích cho mình”.
Trong Chú giải Kinh Nipàta có nói về mối liên hệ giữa Chánh niệm và trí huệ như sau: “Chỉ có những sự vật (Pháp) nào đã được Chánh niệm quán xét mới có thể được trí tuệ hiểu biết, chứ những gì rối mờ thì không thể được”.
Qua hai đoạn trích trên ta thấy: Chánh niệm cần phải đi đôi với Trí tuệ, nếu Chánh niệm mà thiếu Trí huệ thì Chánh niệm không thể kiểm soát tình hình và ngược lại, nếu trí huệ mà thiếu Chánh niệm thì Trí huệ ấy không thể gọi là Trí huệ. Vì vậy chúng ta không thể chỉ luyện tập Chánh niệm mà không rèn luyện Trí huệ. Hai pháp này phải được rèn luyện song hành.
Mối liên hệ giữa Chánh niệm và Tinh tấn:
Trong tác phẩm “Giới thiệu Kinh Ðại Niệm Xứ”, Hòa thượng Silananda có nói về mối quan hệ giữa Tinh tấn và Chánh niệm như sau: “Ðiều quan trọng đầu tiên trong việc hành Thiền Minh Sát là chú tâm Chánh niệm vào đề mục đang xảy ra trong hiện tại. Ðôi khi bạn bị thất niệm, bạn hãy lấy sự thất niệm này làm đề mục và ghi nhận "quên, quên" hay "thất niệm, thất niệm" rồi trở về với đề mục chính. Bạn phải luôn luôn Chánh niệm trong mọi lúc, trong mọi nơi, và nếu bạn có thể giữ Chánh niệm liên tục, tâm khắn khít trên đề mục thì bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng và sẽ bắt đầu thấy được bản chất của sự vật; có nghĩa là bạn sẽ thấy được đề mục sinh và diệt. Muốn vậy, bạn cần phải Tinh tấn. Không có Tinh tấn không thể đạt được kết quả tốt đẹp. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật dạy: Phải có Tinh tấn, ý thức sáng suốt và Chánh niệm trong khi hành thiền minh sát. Khi chúng ta có thể thực hành trọn vẹn, đầy đủ những điều kiện này - Tinh tấn, Tỉnh giác, Chánh niệm - và tâm định thì chúng ta có thể chế ngự được tham ái và ưu phiền trên đối tượng chúng ta đang quán sát”.
Qua đoạn văn trên ta thấy giữa Tinh tấn và Chánh niệm cũng có mối liên hệ rất mật thiết. Nhờ Tinh tấn mà Chánh niệm sanh khởi. Mức độ Tinh tấn càng cao thì Chánh niệm càng vững và ngược lại, Chánh niệm càng vững chãi thì sự Tinh tấn càng tăng.
Trong tác phẩm “Mặt hồ tĩnh lặng”, Thiền sư Ajahn Chah có trình bày về mối liên hệ giữa Chánh niệm và Tinh tấn như sau: “Cách cuối cùng và tốt nhất để làm phát sanh tinh tấn là kiên trì hướng tâm vào việc phát triển đức tinh tấn. Chìa khoá của việc thực hành này là phải đề ra một quyết tâm. "Tôi sẽ cố gắng Chánh niệm trong từng giây từng phút. Tôi không để tâm trượt khỏi đề mục trong khi ngồi, đứng, đi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi không để một phút giây Chánh niệm nào bị vất bỏ".
Qua đoạn trích trên, ta thấy tinh tấn chính là giữ Chánh niệm một cách liên tục, không gián đoạn và như vậy nghĩa là tinh tấn và Chánh niệm không thể tách rời nhau. Nơi nào có mặt Chánh niệm thì nơi đó có tinh tấn và nơi nào có tinh tấn thì nơi đó có Chánh niệm.
Mối liên hệ giữa Chánh niệm và giới luật:
Trong tác phẩm Mặt hồ tĩnh lặng, Thiền sư Ajahn Chah có nói về mối quan hệ giữa Chánh niệm và Giới luật như sau: “Không cần lo lắng là phải giữ giới như thế nào, làm sao để khỏi phạm giới, v. v. Hãy tự nhiên trong mọi tác động. Không quá lo lắng về Giới luật sẽ khiến bạn khỏi suy nghĩ. Thay vào đó bạn chỉ cần chú tâm Chánh niệm là đủ. Giới luật giúp chúng ta cùng sống hoà hợp với mọi người, một cách êm thắm, hài hoà. Giới luật là những viên gạch lót đường để tiến đến định tâm và phát triển trí tuệ. Giữ giới luật và hành hạnh đầu đà khiến chúng ta sống đời sống đơn giản, không bám víu vào vật chất và của cải. Do đó, sống ở đây chúng ta có thể thực hành trọn vẹn những lời dạy của Đức Phật: tránh xa điều ác, làm điều lành, sống đơn giản (chỉ sử dụng những nhu cầu vật chất cần thiết), thanh lọc tâm. Muốn thế chỉ cần chú tâm theo dõi mọi tác động của thân và tâm bạn trong mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi”.
Qua đoạn trích trên, chúng ta thấy Chánh niệm và Giới luật cũng có quan hệ thật mật thiết. Nhờ có Chánh niệm mà Giới luật sẽ được giữ gìn một cách tự nhiên không chút khó khăn, mệt nhọc và khi Giới luật được thanh tịnh thì Chánh niệm cũng dễ dàng tăng trưởng.
Tuy là khi chúng ta có Chánh niệm thì tự nhiên giới luật sẽ được thanh tịnh theo nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thèm tìm hiểu, học hỏi giới luật. Ngược lại chúng ta cần phải học kỹ về giới luật và các oai nghi tế hạnh để khi tâm ta có muốn phạm thì ta biết rõ ta đang muốn phạm giới hay phạm oai nghi rồi dùng Chánh niệm rọi vào tâm ấy để chuyển hoá nó chớ nếu không học thì làm sao biết được ta đang chuẩn bị phạm giới mà chuyển hoá. Chẳng hạn, khi đi đường thoáng thấy bóng dáng một cô gái từ đằng xa đang đi lại, tâm ta khởi lên ý nghĩ muốn nhìn. Nhờ đã học luật và biết rằng cố ý nhìn người nữ là phạm luật của nhà tu nên ta lập tức chuyển hoá ý muốn ấy ngay từ trong trứng nước không cho nó dẫn đến hành động “nhìn” bằng cách ghi nhận trực tiếp cái tâm muốn nhìn hoặc vừa ghi nhận vừa niệm thầm “muốn nhìn à, muốn nhìn à”. Cái tâm muốn nhìn ấy do đã bị ta phát giác nên không có cơ hội để tạo thành hành động nhìn nữa mà bẻn lẻn rút lui. Nhờ thế mà ta giữ giới luật được thanh tịnh.
Nếu khi tâm muốn nhìn đó khởi lên ta giận dữ quở trách nó: “mày không được nhìn vì mày là tu sĩ, mày không biết hổ thẹn à” thì nó cũng có thể nghe ta một vài lần nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ như cái lò so càng nén càng thêm mạnh, nó sẽ không còn đếm xỉa đến lời quở trách của ta nữa mà sẽ nhìn một cách thoải mái. Còn khi chúng ta dùng Chánh niệm nhìn thẳng vào nó, chỉ nhìn một cách tự nhiên, không bực tức xua đuổi nó, cũng không làm theo sự sai khiến của nó thì nó sẽ như một giọt sương trước ánh nắng mặt trời sẽ tan biến không còn để lại dấu vết. Cũng bằng cách này, ta có thể dễ dàng chuyển hoá tất cả các phiền não khác như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Khi chúng xuất hiện, chúng ta chỉ việc dùng Chánh niệm rọi thẳng vào chúng thì chúng sẽ nhẹ nhàng tan biến. Đối với các cảm thụ đau đớn, khổ não, bất an ta cũng dùng cách tương tự để chuyển hoá chúng. Khi chúng xuất hiện thì ta chỉ cần dùng Chánh niệm rọi thẳng vào chúng, theo dõi sự sanh diệt liên tục của chúng, đừng bao giờ sanh tâm xua đuổi chúng thì tác động của chúng đối với ta sẽ giảm dần và chấm dứt. Nếu lúc ấy ta sanh tâm xua đuổi thì chẳng những chúng không đi mà còn gây phiền toái cho ta mạnh mẽ hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm