Đặc tính của chánh niệm
Chánh niệm là sự nhận diện đơn thuần. Nó không phải là suy nghĩ, nó không có liên quan gì đến tư tưởng hoặc ý niệm. Nó không dính líu gì đến ý tưởng, ý kiến hoặc ký ức. Nó chỉ nhìn và quan sát. Chánh niệm ghi nhận hết những kinh nghiệm nhưng không hề so sánh.
1. Chánh niệm là một tấm gương soi thực tại.
Nó phản ánh những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại này y như nó đang xảy ra, không có thiên kiến.
2. Chánh niệm là một sự quán sát không phán xét.
Nó là một khả năng quán sát nhưng không phê bình của tâm. Nhờ vậy, ta có thể nhìn sự vật mà không chỉ trích, không lên án. Không có một điều gì làm cho ta ngạc nhiên. Ta chỉ đơn giản quân bình chú ý vào sự việc như nó thật sự là, trong trạng thái tự nhiên của nó. Ta không cần phải quyết định và cũng không phê phán.
Chúng ta không thể nào quán sát những gì đang xảy ra trong ta nếu không cùng một lúc chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm mình. Điều này đặc biệt đúng đối với những tâm thức tiêu cực. Muốn quan sát nỗi sợ của mình, trước nhất ta phải chấp nhận là mình sợ hãi. Chúng ta không thể nào khám xét được nỗi khổ của ta nếu ta không chịu chấp nhận nó trọn vẹn. Những nhức nhối, buồn lo, bực tức, và tất cả những cảm thọ bất an khác cũng y như vậy. Chúng ta không thể nào quan sát được một sự việc gì trọn vẹn nếu ta cứ lo chối bỏ sự có mặt của nó. Bất cứ một kinh nghiệm nào đang có mặt trong ta, Chánh niệm sẽ chấp nhận nó.
3. Chánh niệm là một sự quan sát vô tư.
Nó không thiên vị một bên nào. Nó không bị dính mắc vào những gì nó nhận thức. Nó chỉ nhận thức một cách đơn giản. Chánh niệm không bị những trạng thái tốt đẹp làm mê đắm, và cũng không tránh né những trạng thái xấu xa. Không nắm bắt những gì dễ chịu, cũng không xua đuổi những gì khó chịu. Chánh niệm đối xử với tất cả kinh nghiệm, mọi tư tưởng, mọi cảm thọ đều bình đẳng như nhau, không có gì được đưa lên, cũng không có gì bị đè xuống. Chánh niệm không có sự thiên vị.
4. Chánh niệm là một ý thức không cần ý niệm hay nói cách khác.
Chánh niệm là sự nhận diện đơn thuần. Nó không phải là suy nghĩ, nó không có liên quan gì đến tư tưởng hoặc ý niệm. Nó không dính líu gì đến ý tưởng, ý kiến hoặc ký ức. Nó chỉ nhìn và quan sát. Chánh niệm ghi nhận hết những kinh nghiệm nhưng không hề so sánh. Nó không dán nhãn hiệu hoặc phân loại chúng. Nó quan sát mọi việc như là chúng đang xảy ra lần đầu tiên. Đây không phải là một sự phân tích dựa trên ký ức và những suy tưởng mà đó chính là một kinh nghiệm trực tiếp và tức thì về bất cứ một điều gì đang xảy ra, không cần đến tư tưởng. Chánh niệm có mặt trước tư tưởng trong tiến trình nhận định.
5. Chánh niệm là sự ý thức trong giây phút hiện tại.
Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm quan sát những gì đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Nó luôn luôn ở trong giây phút hiện tại, lúc nào cũng đứng ngay trên đầu ngọn sóng thời gian đang lướt qua.
Để rõ đặc tính này chúng ta có thể đọc qua câu chuyện do Hòa thượng Nhất Hạnh kể lại như sau:
“Một hôm, có vị vua nọ nghĩ rằng: "Giá mà vua trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:
1/ Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2/ Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3/ Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?
Nghĩ thế vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó.
Các bậc hiền thần đọc chiếu liền tìm đến kinh đô nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau. Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không đồng ý với vị nào cả và chẳng ban thưởng cho ai hết. Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định chất vấn một ông Đạo. Ông Đạo này nổi tiếng là người có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi gặp ông Đạo và hỏi ba câu hỏi kia vì vị Đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo. Chẳng bao giờ ông chịu tiếp những người quyền quí. Nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình vua trong y phục một thường dân trèo lên am của ông Đạo. Nhà vua gặp ông Đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ ông Đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông Đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông Đạo đã già yếu. Mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hổn hển. Nhà vua tới gần ông Đạo và nói: "Tôi tới đây để xin ông Đạo trả lời giúp ba câu hỏi: làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả? và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước?".
Ông Đạo lặng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói: "Ông Đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát". Vị Đạo sĩ cảm ơn, trao cuốc cho vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vòng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông Đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: "Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc", nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất.
Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua, rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông Đạo:
"Tôi tới để xin ông Đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông Đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà".
Chợt lúc đó, ông Đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: "Bác thử xem có ai chạy lên kìa", nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng, máu chảy ướt đẫm cả hai tay. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động, miệng rên rỉ. Vua và ông Đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy. Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước.
Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống, khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông Đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông Đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi nhà vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng. Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì cất giọng rất yếu: "Xin bệ hạ tha tội cho thần!" , vua đáp: "Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha?", người kia đáp: "Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ. Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được, bởi vì ngày xưa trong chinh chiến Bệ hạ đã giết mấy người anh và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa. Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông Đạo sĩ nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường xuống núi. Nhưng đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ. Hạ thần lại gặp bọn vệ sĩ. Bọn này nhận mặt được hạ thần cho nên đã xúm lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được, chạy lên đây. Nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần, hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho Bệ hạ suốt đời và hạ thần cũng sẽ bắt các con hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho thần".
Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những hứa tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gởi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.
Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông Đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lập lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông Đạo đang quỳ gối xuống đất mà gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp: "Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà". Vua hỏi trả lời bao giờ đâu nào. Ông đạo đáp: "Hôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi và nhà vua sẽ tiếc là đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hoà giải với ổng, cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này nhé: chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống".
6. Chánh niệm là ý thức không có một cái ngã.
Nó xảy ra không cần đến cái tôi nào hết. Với Chánh niệm, chúng ta nhìn mọi hiện tượng mà không cần phải cộng thêm những ý niệm như là tôi hoặc của tôi. Ví dụ có một cái đau nơi chân, bình thường, tâm bạn sẽ nói “ tôi bị đau” Với Chánh niệm, ta chỉ đơn giản ghi nhận cảm giác ấy như là một cảm giác. Ta sẽ không gắn thêm lên đó một ý niệm về một cái tôi dư thừa. Chánh niệm ngăn chặn không cho ta thêm bất cứ một cái gì vào nhận thức của mình hoặc bỏ bớt ra.
7. Chánh niệm là một ý thức về sự thay đổi.
Nó quan sát dòng biến chuyển không dừng của mọi hiện tượng. Nó theo dõi sự vật trong khi chúng đang thay đổi. Chánh niệm nhìn thấy được tiến trình sinh ra, lớn lên và già dặn của mọi hiện tượng. Nó nhìn chúng tàn hoại và tiêu diệt. Chánh niệm theo dõi sự vật trong từng giây phút, không gián đoạn. Nó quan sát tất cả mọi sự kiện dù đó là vật lý, tâm lý hay cảm thọ. Nó quan sát sự sanh lên diệt đi. Nó thấy được phản ứng và cảm xúc của mình đối với chúng. Trong Chánh niệm, ta là một người quan sát vô tư, không thành kiến với một công việc duy nhất là ghi nhận hết những gì đang đi ngang qua thế giới nội tâm của mình.
8. Chánh niệm là sự quan sát có tham dự.
Hành giả vừa là người quán chiếu mà cũng vừa là người tham dự. Nếu ta theo dõi cảm thọ hoặc cảm xúc của mình, thì cũng ngay trong lúc ấy ta đang cảm nhận nó. Chánh niệm không phải là một chức năng thuộc về tri thức. Nó chỉ thuần tuý là một ý thức. Chánh niệm rất vô tư và khách quan, nhưng không có nghĩa là nó dửng dưng hay lạnh lùng, ngược lại nó là một kinh nghiệm sống rất sinh động, một sự quán chiếu có tham dự trong quá trình của sự sống.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Xem thêm