Bài ca thu kính ơn từ chánh niệm
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh vừa là Thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình. Các nhà báo phương Tây đánh giá ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Cuối năm 2012, nhật báo Huffington Post - tờ báo lâu đời nhất ở Washington, D.C (Hoa Kỳ) gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "con người điềm đạm nhất thế giới".
Tháng 7/ 2019, tại New Delhi, Ấn Độ, Quỹ Gandhi Mandela đã trao giải thường niên đầu tiên về Hoà bình của Quỹ này cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong bài diễn văn của mình, ban tổ chức giải đã phát biểu rằng giải được trao cho Thiền sư Nhất Hạnh vì “Ảnh hưởng tâm linh” và sự nghiệp giảng dạy của thiền sư đã làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa". Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như: Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới, Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu, Bông hồng cài áo…
Giải sách hay năm 2019 (do Viện Giáo Dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức) diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 vừa qua, bộ sách “Con gà đẻ trứng vàng” và “Mỗi hơi thở, một nụ cười” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng vừa được trao Giải sách hay cho hạng mục văn học thiếu nhi.
Thiền sư Nhất Hạnh gọi ngày Khánh tuế (sinh nhật) là Ngày tiếp nối của mỗi cuộc đời. Và ngày 11/10 hàng năm, các tăng thân, Phật tử trong và ngoài nước đều thành kính hướng về Ngày tiếp nối của thiền sư với thật nhiều sự thương kính và biết ơn qua mỗi lời cầu nguyện, bức hình và những dòng xúc cảm được viết trên trang giấy.
Mời quý vị đến với chùm thơ của nhà thơ – cư sĩ Lương Đình Khoa - bên thềm Ngày tiếp nối lần thứ 94 (năm 2019) của Thiền sư Nhất Hạnh. Những thông điệp về sự “Hiểu và Thương”, “an khi thở, lạc khi đi” của Thiền sư đã được tiếp nối, thể hiện trong ngôn ngữ, hình ảnh, xúc cảm của người viết.
1. Thầy luôn trên lối hoa vàng chờ con
Nắng đã lên và hoa vàng đã thắm
Sáng lung linh như vạn vạn mặt trời
Mặc cánh đồng mây trôi
Mặc cánh đồng gió thổi
Trên cánh đồng luôn có Thầy đứng đợi
Đã trăm năm, qua vạn kiếp lặng thầm
Dìu dắt đôi bàn chân
An vui không đi lạc.
Thầy dìu bằng ánh mắt
Thầy dìu bằng trái tim
Thầy - biển cả bao dung
Thầy - non ngàn vững chãi
Bài hát vang qua đêm đọng lại
Giọt trăng trong
Con là một giọt trăng
Qua luân trầm ngàn lâu xa vẫn ấm
Mạch tâm linh mãi đập
Đừng ngập ngừng bước chân.
Cánh đồng này muôn kiếp đã chờ con
Muôn kiếp thủy chung
Dù ngày con đến có nhận ra Thầy hay không - con đừng lầm nản
Xác thân này vay mượn
Rồi cũng trả một ngày
Thầy có trong mây bay
Thầy ở trong lá biếc
Thầy còn trong muôn hằng hà nối tiếp
Sứ giả mặt trời đang thắp sáng nhân gian.
Một nụ cười an lạc từ tâm con
Thành hạt mầm đắp vun cho tình Thầy xanh mãi
Thở thong dong trong phút giây hiện tại
Lối con về mây trắng sẽ đơm bông
Và nhân gian đã tràn hương tịnh độ.
Bước đi con, cho mê lầm giông gió
Dưới mặt trời ý thức - khẽ tan êm...
2. Thầy còn đó cho con về nương tựa
Thầy còn đó cho con về nương tựa
Dẫu nơi xa cũng đã hóa thật gần
Như cánh én ngàn năm
Chưa ngơi nghỉ - mang xuân tràn nhân thế!
Có những dòng người đi tìm Phật trên non cao hùng vĩ
Tìm dưới động sâu...
Tìm nơi chùa rộng, tháp cao
Con tìm Phật nơi tim Thầy hạnh phúc.
Con tìm Phật trong tim mình tỉnh thức
Bước thong dong an lạc giữa Ta-bà
Mỗi lộ trình, mỗi cuộc đởi con gặp
Có nụ cười đang hé nở ngàn hoa
Cánh rừng này con biết đã sinh ra
Hạt mầm nhỏ dưới bao tầng lá úa
Dưới tán đầy những cái cây bản ngã
Tháng năm trôi ru khẽ gió mê lầm
Thầy đường dài đi tìm gọi chúng con
Khi non sông còn mệt nhoài tăm tối (*)
Khi mọi loài ôm giấc mơ chờ đợi
Mặt trời lên tự chiếu sáng đến mình
Vượt non ngàn, vượt biển cả mênh mông
Vượt khắp nhân gian rộng dài muôn ngàn kiếp
Đón bình minh trong khu vườn Đức Phật
Chia cho đời – từng bước nở hoa sen
Tiếng tù và giục con vươn mình, theo gió an lành rời khỏi cánh rừng đêm đen
Hiểu và Thương vượt mù sương sân hận
Mỗi hơi thở tự sáng bừng hạnh phúc
Mỗi nụ cười là bát nhã chân như.
Dẫu cuộc đời còn đó những gió mưa
Bàn chân ngu ngơ đôi lần lạc lối
Thầy còn đó – như ánh trăng chờ đợi
Trên đỉnh trời tỏa ánh sáng Như Lai
Con ngước nhìn cụm mây trắng chiều nay
Đang thầm thì tìm về thầy neo đậu
Ngàn kiếp lâu xưa – mây trắng cũng từng là con, bên bên thầy không phiền não
Bước an nhiên qua vạn kiếp vô thường!
Con trở về với suối nguồn yêu thương
Sớm xuân nay, gần thầy qua chỉ một tấm ảnh
Thầy còn đó – tâm từ hòa soi sáng
Một nhà sum họp
Khắp chốn yên vui
Và…
Bên mé rừng mãi nở rộ hoa mai! (**)
(*), (**): Ý từ bài thơ “Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
3. Nguyện xuôi về bờ giác đến ngàn sau
Nơi phiền não, hận thù, hơn thua vắng bóng
Trí tuệ từ bi vô lượng kiếp ngời tròn
Nơi nẻo về hiện hữu trái tim con
Ánh đạo vàng Đức Thế Tôn soi chiếu
Con bao kiếp mê mờ trong bóng tối
Bước vô minh lạc lối với mộng dài
Đời hưởng thụ nào biết có chi ai
Sắc lợi danh mang hình hài tri kỷ
Thầy đã đến bên con và gõ cửa
Dứt cơn say qua bến giác ngọt lành
Áo nâu sòng là đất mẹ bao dung
Sợi tóc rơi mở một trời chí nguyện.
Lối như Lai hôm nay con tìm đến
Bởi nhân duyên ươm vạn kiếp Bồ Đề
Lời Bát Nhã đưa cõi sáng chân như
Tâm Phật Đà như Tu Di vững chãi
Tạ ơn đời hôm nay con là mới
Được tái sinh trong Phật pháp nhiệm màu
Tạ ơn Người bên con và chỉ lối
Nguyện xuôi về bờ giác đến ngàn sau…
Chén thơ đựng mộng vô thường
Ai nâng rót khẽ... Tan đường lợi danh
Nâu sòng, lìa tóc... Tái sinh
Ai vừa cúi xuống chân mình... Chợt sen...
4. Bài ca thu kính ơn từ chánh niệm
(Kính lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh và khoảnh khắc Thầy trở về thăm viếng và tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu – chiều 28/10/2018)
Bông đại trắng bên hiên chùa thức giấc
Thấy xôn xao hạnh phúc khắp sân vườn
Mây trắng cũng thong dong
Chiều nay về nương tựa
Thầy mỉm cười bên hồ thu và thở
Giữa tăng thân với địa xúc non ngàn
Trong vòng tay tổ tiên xưa chắp cánh
Vạn chân trời đã thấm nhuận hồng ân
Thầy còn đó cho Hiểu - Thương neo đậu
Lối con đi mặt đất hóa an bình
Cả hàng cây thảnh thơi cười trong gió
Mùa từ hòa tịnh độ khắp nhân gian
Gần 80 năm
Trái tim Việt Nam - cánh chim không mỏi
Chở ánh đạo vàng xua bóng tối u minh
Gieo mầm xanh cho thế giới hòa bình
An khi thở
Lạc khi đi…
Hôm nay – Thầy trở về
Thông tùng xưa bên thềm rêu đọng mật
Trăng thơm bát ngát
Bão lặng từ bi
Con chim xanh hót dưới mái hiên chùa
Bài ca thu kính ơn từ chánh niệm.
Hôm nay – con hạnh phúc
Dẫu con ở miền Bắc, thầy nơi đó miền Trung
Nhưng có chi đâu – khi Thầy vẫn thật gần
Trong mỗi bước chân,
Trong từng hơi thở
Nhận ra bông đại trắng thơm lời kinh cổ tự
Đang hiền hòa hé nở trong con
Như nụ cười của Thầy
Như nụ cười Thế Tôn
Như vạn loài nhân gian
Đã sang bờ tỉnh thức.
Và lòng con như chim xanh reo hát
Ngọt vạn giấc mơ
Bài ca thu kính ơn từ chánh niệm…
5. Trong mưa
(Cảm tác từ bức ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh đội nón điềm nhiên bước trong mưa bên một vị đệ tử đang cầm ô che để mưa không ướt tới Thầy).
Tâm tĩnh lặng dưới mưa điềm nhiên bước
Nón quê hương ấm áp giữa quê người
Chiếc ô nhỏ là một áng mây trôi
Bàn chân êm gieo nụ cười trên cỏ.
Cỏ đang thở và mưa chiều đang thở
Thầy đang thở an cho cỏ và mưa
"Thở đi con..." - tự sẽ thấy đường về
Thấy phép lạ là đi trên mặt đất
Đừng bận tâm cơn mưa làm ta ướt
Biết ơn mưa đã hiến tặng đất trời
Rộn ràng bài ca vui
Và rửa trôi những muộn phiền đang cũ.
Thương cơn mưa, thương mọi điều nhỏ bé
Thương chính mình, yêu mỗi bước chân qua
"Cười đi con...", trong mưa hoa sen nở
Trái tim là tịnh độ đến chân như.
6. Tiếng chuông ngân
“Dừng lại đi con..."
Khi tiếng chuông vẫn còn bu-uông, hay binh-boong ngân mãi
Gặp chuông nào thì cũng nên dừng lại
Để trở về với thực tại xung quanh.
Những ồn ào triền miên
Những tính toan nhuốm muộn phiền không dứt
Dừng lại đây – một phút giây hạnh phúc
Có mặt cho mình, có mặt cho nhau
Tiếng chuông thức tỉnh nhiệm màu
Thở chậm, đều và sâu
Nghe thiên nhiên đất trời cùng hòa nhịp
Mình và thiên nhiên là một
Quyện hòa và rong chơi
Thở vào – một dòng sông
Sóng bâng khuâng hiền hòa tươi mát
Thở ra tâm thanh thản
Như mây trời nương gió hát phiêu du.
Thở vào – nhẹ nhàng thu
Hôn lên trái na, thị, hồng trong vườn chín rộ
Thở ra – hoa sen nở
Rất an nhiên thanh khiết giữa bùn lầy
Thở vào – một mầm cây
Ung dung vươn dưới nụ cười ấm nắng
Thở ra – thong dong bước
Trên con đường hoa trắng níu chân thơm
Giản đơn thế thôi – nuôi dưỡng một tình thương
Bằng hơi thở của an vui, hạnh phúc
Tiếng chuông ngân – hay tiếng gọi của Bụt
Đưa ta về gặp được chính ta…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm