Một tấm gương hiếu hạnh trong Ni giới Việt Nam
Cả cuộc đời không nghĩ cho riêng mình, Ni trưởng không chỉ đền đáp được ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mà ân Thầy Tổ, quốc gia dân tộc, chúng sinh muôn loài đều đã được Ni trưởng hết lòng đáp trả trong suốt cuộc đời.
Dẫn nhập
“Khoác áo nhu hòa thật khỏe không
Hiếu tình hai chữ trả đều xong
Thờ thân nuôi trẻ hai triêng nặng [1]
Mến đạo thương đời một điểm trong
Công quả đã tròn nền Diệu Đức
Phẩm tài chỉ kém bạn Phương dung
Nêu cao đuốc tuệ gương bồ liễu
Như mảnh trăng tròn giữa biển Đông”.
(Tặng Bà Diệu Không thọ giới,
Nữ sĩ Đạm Phương, 1936)
Đối với người xuất gia, chữ Hiếu được hiểu rất rộng và sâu sắc. Nếu như người bình thường cho rằng báo hiếu chính là vâng lời cha mẹ khi còn nhỏ tuổi, phụng dưỡng cha mẹ khi về già, sinh con cái để nối dòng dõi, thì với người xuất gia, còn có những bậc thang cao hơn của đạo hiếu. Chữ Hiếu trong đạo Phật rất rộng, bao hàm nghĩa trả tứ ân: ân cha mẹ, ân đất nước, ân chúng sanh, ân thầy bạn (ân Tam Bảo). Người nào báo đáp được cả tứ ân thì mới gọi là chí hiếu. Trong lịch sử Phật giáo có không ít tấm gương sáng ngời hiếu hạnh. Như Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã đích thân đem Phật pháp giáo hóa cha mẹ, thân nhân, dòng họ, làm cho họ được hạnh phúc an vui trong đạo giải thoát; Tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta) khi mẹ về già đã về nhà hóa độ cho mẹ; Tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna) đã tìm cách cứu khổ cho mẹ sau khi bà qua đời. Đức Phật và hai vị Tôn giả trên trong suốt cuộc đời đã dùng giáo pháp để mang lại hạnh phúc an vui cho biết bao người, lợi lạc cho những quốc gia nơi chư vị cư trú. Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng có rất nhiều những tấm gương ngời sáng về hiếu hạnh, như: Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711) là người khai thị cho vua Lê Hy Tông và góp công bảo vệ Phật giáo nước nhà khỏi pháp nạn, cũng là người được dân gian truyền tụng với biệt hiệu “hòa thượng cua” âm thầm độ cho mẹ mình tu tập được đắc đạo. Hoặc tấm gương hiếu thảo của Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847) tổ khai sơn chùa Từ Hiếu, từng là Tăng cang dưới thời nhà Nguyễn, được vua quan nhà Nguyễn kính trọng,… Đặc biệt, lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX ghi nhận một vị danh Ni mà hành trạng và sự nghiệp vuông tròn cả bốn ân lớn, đó là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không.
Xuất thân lá ngọc cành vàng
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, thế danh Hồ Thị Hạnh, húy thượng Trừng Hạ Hảo, hiệu là Nhất Điểm Thanh, sinh năm 1905, quê làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Bà vốn là một quận chúa, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. Cha bà là Đông Các Đại học sĩ, Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung. Mẹ bà là bà Châu Thị Ngọc Lương. Cụ Hồ Đắc Trung là Thượng thư bộ Học, bộ Lễ suốt ba đời vua Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Mẹ của ông Hồ Đắc Trung là Công Nữ Thị Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Tùng Thiện Vương lại là con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Ngoài ra, ông Hồ Đắc Trung còn là nhạc phụ của vua Khải Định.
Với một xuất thân như thế, cuộc đời của Ni trưởng thuở thiếu thời lớn lên trong nhung lụa, ấm êm, và cha mẹ của bà mong cho con gái sẽ có một cuộc hôn nhân vừa ý với một người môn đăng hộ đối. Bà đã từng lọt mắt xanh của một hoàng tử Cao Miên (Campuchia), nhưng lòng bà “dửng dưng trước bao nhiêu người ngang trang, ngang lứa, học cao, địa vị cao, con nhà “môn đăng hộ đối”, đang muốn được dạm hỏi mình” [2].
Hoạt động cứu tế đền ơn đất nước
Lý do của sự dửng dưng đó là vì trong lòng của bà chỉ có một tình thương chung “chỉ thương người khổ đau” [3]. Bà không muốn đi đến hôn nhân với những chàng trai giàu có vì những người đó theo bà là “thanh niên mà chỉ biết ăn chơi là con nít” [4]. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, bà đã âm thầm dùng uy tín và mối quan hệ rộng rãi trong xã hội để giúp đỡ cho những người làm cách mạng. Bà là người đề nghị cụ Đạm Phương (tên thật là Công Nữ Đồng Canh, cháu nội vua Minh Mạng, con của người con trai thứ 66 của vua Minh Mạng là Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện, là một vị nữ sĩ hoạt động xã hội sôi nổi thời bấy giờ, có nhiều bài báo với tư tưởng tiến bộ đăng trên các tạp chí thời đó) thành lập Hội Nữ công. Nữ công học hội khánh thành ngày 13/9/1926, bà Đạm Phương là hội trưởng, bà Trần Thị Như Mân được cử làm thư ký [5]. Hội vừa dạy nữ công gia chánh cho chị em phụ nữ, vừa là nơi tập trung lực lượng người nữ yêu nước. Tiền hoạt động do hội viên đóng góp một phần để lo chi phí cho hội, một phần dùng ủng hộ cách mạng. Những tài liệu mật của những anh chị em làm cách mạng, nhiều lúc nhờ bà cất giấu ngay trong bộ Học, nơi cha của bà làm việc.
Có một bài thơ bà làm tặng Hội Nữ công, đã thể hiện khẩu khí và tâm huyết của bà:
Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên
Kinh tế nâng cao bước nữ quyền
Gánh vác giang sơn thân gái Việt
Duy trì nòi giống đất Rồng Tiên
Công dung tinh tấn không lười biếng
Ngôn hạnh đoan trang ấy chính chuyên
Tất cả chị em nên gắng bước
Noi gương Trưng Triệu mãi lưu truyền
(Tặng Hội Nữ công)
Năm 1928, bà còn tổ chức đấu xảo hàng thủ công mỹ nghệ của phụ nữ, rồi mở cửa hàng hiệu “Nam hóa”, cổ xúy người Việt dùng hàng Việt. Lợi nhuận của hội đã giúp đỡ phong trào Cường Để ở Nhật, giúp những vị du học ở Trung Hoa, một phần đưa vào quỹ An Nam Du học hội, phần để giúp cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) ở Bến Ngự. Để dễ hoạt động hơn, bằng mối quan hệ rộng của mình, bà đã thành lập Hội cứu tế Lạc Thiện, quy tụ các bà chúa, phu nhân của các vị Thượng thư, các bà quan lớn và các bà đầm vợ của những vị quan Tây và còn mời được bà Toàn quyền làm hội viên danh dự. Với danh nghĩa Hội Lạc Thiện, bà làm được những việc khó làm, như là đi cứu trợ cho những gia đình các chí sĩ hy sinh ở Nghệ An năm 1930.
Cuộc hôn nhân báo hiếu mẹ cha
Vì mẹ khổ tâm lo bà không lấy được chồng đến nỗi sinh bệnh, nên cuối cùng để chiều ý gia đình, bà đã có một quyết định khó ai làm được là cưới một người mà bà không yêu. Chồng của bà là viên quan nhỏ tên Cao Xuân Xang, đang mang bệnh lao sắp chết, đã trải qua một đời vợ và đang có 5 đứa con mồ côi mẹ từ 3 đến 10 tuổi. Năm ấy, bà 23 tuổi (1928). Ngày làm lễ cưới, hai họ khóc như mưa. Nên bà làm bài thơ:
Đám cưới hay là một đám tang?
Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than
Chồng chung, bệnh hoạn tình phai lạt
Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng
Kẻ nói là ngu, người nói dại
Người cho là dở, kẻ cho gan!
Biết chăng chỉ có người trong cuộc
Gạt mái thuyền từ phải quyết sang.
(Đám cưới)
Chỉ 11 tháng sau, khi bà nằm cữ được 3 tuần, chồng trở bệnh nặng rồi qua đời. Bà an táng chồng ở lưng núi Ngự Bình. Ngày xây mộ cho chồng, nhìn cánh chim én tìm tổ, bà viết mấy vần thơ cảm khái:
Đắp điếm cho nhau thí gọi là
Hẳn người thanh khí thấu cho ta
Bơ vơ trên núi chim tìm tổ
Quanh quẩn bên mình trẻ gọi cha
Cây cỏ như cười người bạc mệnh
Non sông nào phụ khách tài hoa
Ví cho thử nắm quyền ông “Tạo”
Thì bể trầm luân lấp phẳng qua.
(Đắp mộ)
Tròn việc đời, lo việc đạo
Nhờ nhân duyên gửi hương linh chồng thờ ở chùa Trúc Lâm, bà có nhiều lần hầu chuyện Hòa thượng Trúc Lâm và được Hòa thượng khai thị: “Vua Minh Trị vì biết dạy dân về đạo đức nên dân mạnh và nước giàu. Đời Lý, Trần, nước ta cũng nhờ đạo đức mà 200 năm người Tàu không dám xâm lược. Vua Trần Nhân Tông một nhà cách mạng mà cũng là Đại Thiền Sư, tôi đã ra núi Yên Tử, đã được đọc lịch sử ấy. Tình hình nước ta bị đô hộ, họ muốn dân ta quên gốc và biến dân ta thành nô lệ. Những người ái quốc nổi lên chống trả đều bị giết. Nếu bà có tâm, nên lặng lẽ học Phật, tu tâm và dạy người. Có như vậy, và nhiều người như vậy mới mong thế hệ sau lo cho nền độc lập nước nhà.”
Giác ngộ ý nghĩa cao thâm của đạo pháp, bà gửi con cho người thân rAồi vào chùa xuất gia học đạo. Hàng ngày, bà được học lớp giáo lý ở chùa Trúc Lâm, tối về chùa Khải Ân ở Châu Ê, nơi có chị là ân phi của vua Khải Định đi xuất gia. Bà làm bài thơ nói về việc giao con, nhưng qua đó thể hiện chí xuất trần cao thượng:
Xin chị vì em nuôi lấy con
Để em lên núi mới vuông tròn
Tình nhà, tình đạo, tình dân tộc
Hiến trọn đời tình cho nước non.
Năm 1932, khi việc thành lập Hội An Nam Phật học hội gặp khó khăn, vì mãi không được xét duyệt, bà đã vâng lời Hòa thượng Giác Tiên vào cung hầu bà Thánh Cung mẹ vua Bảo Đại để xin vua ký duyệt cho.
Một đời hy sinh vì đạo, vì dân
Bà xuất gia năm 1932 (27 tuổi), làm Sa di Ni với pháp tự Diệu Không, nhưng vì gia thế và tên tuổi của bà rất thuận lợi để làm Phật sự, nên bà vẫn để tóc để dễ dàng lo việc đạo. Đến 12 năm sau (1944), bà mới thọ tam đàn Cụ túc tại đại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu. Từ khi thành lập An Nam Phật học Hội, bà đã đi khắp các tỉnh dưới danh nghĩa hội viên Hội Lạc Thiện, để qua đó kêu gọi thành lập chi các Tỉnh hội và chi hội khắp miền Trung. Cũng thời gian ấy, các ngôi chùa còn đóng vai trò che chở cho cán bộ cách mạng, nên nhiều người xuất gia bị bắt bớ, trong đó có Hòa thượng Đôn Hậu. Bà đã tìm cách cứu Hòa thượng Đôn Hậu thoát khỏi án tử hình và được chữa bệnh, trở về chùa Linh Mụ.
Bà cũng đã tích cực ủng hộ cả tinh thần và vật chất cho công tác đào tạo của các trường Phật học ở Huế và tiểu học Ni đầu tiên ở Từ Đàm. Bà đã tham gia sáng lập nên những Ni viện đầu tiên tại Huế (Diệu Đức, Hồng Ân, Từ Nghiêm); ngoài ra còn góp phần sáng lập và trùng tu nhiều Ni trường khác ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung như: Diệu Viên, Khải Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa (Huế); Bảo Thắng (Hội An); Bảo Quang (Đà Nẵng), Tịnh Nghiệm (Quảng Ngãi), Ni viện Diệu Quang (Nha Trang); Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc; Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp (Hố Nai, Long Thành); cơ sở mẫu giáo Kiều Đàm nay là chùa Kiều Đàm (TP HCM).
Cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Minh Châu, Nhất Hạnh và cư sĩ Ngô Trọng Anh,… bà tham gia khai sáng Viện Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh. Bà cũng đã tham gia thành lập Ni bộ Việt Nam đầu tiên năm 1952. Bà cũng là người đã đóng góp cho tiếng nói của Ni giới qua báo chí với nhiều bài viết và thơ ca, giữ chức vụ Quản lý Tòa soạn báo Viên Âm – Cơ quan ngôn luận của An Nam Phật học Hội. Ni trưởng đóng góp cho lĩnh vực in ấn và xuất bản qua việc tham gia sáng lập nhà in Liên Hoa năm 1952 và trực tiếp tham gia quản lý năm 1953 [6]. Nguyệt san Liên Hoa ra đời, do Hòa thượng Đôn Hậu làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Tâm làm Chủ bút, bà làm Quản lý và Biên tập viên, trở thành tờ báo Phật giáo sống lâu nhất tại miền Trung.
Thời kỳ 1954-1975, đất nước bị chia cắt, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Ở miền Nam, Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung điêu đứng trước những chính sách bạo tàn của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, tiếp theo đó là các đời chính phủ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Chùa chiền bị phong tỏa, tu sĩ và Phật tử bị bắt bớ, đàn áp trong cảnh đất nước tràn ngập khói lửa chiến tranh. Một phần nổi bật trong hành trạng của bà chính là những đóng góp cho công cuộc đấu tranh bất bạo động để kêu gọi bình đẳng tôn giáo, phát triển Phật giáo và hòa bình cho Việt Nam trong những giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt.
Trong những năm 1960, ngoài việc tiếp tục thành lập Ni trường Nha Trang (1962), trường mẫu giáo Kiều Đàm – Sài Gòn (1964), bà còn cùng chư Ni xây dựng nhiều cô nhi viện để cưu mang những trẻ em mồ côi do thiên tai bão lụt và chiến tranh. Từ năm 1964, bà đã khai sáng cô nhi viện Tây Lộc (Huế) và các cô nhi viện, ký nhi viện khắp miền Trung. Năm 1966, Ni trưởng viết và tự phát hành tập sách mỏng Pháp nạn 66 để nói lên tiếng nói của lương tri người con Phật khi nước nhà và Đạo pháp lâm nguy. Bên cạnh đó, Ni trưởng còn cùng quý Hòa thượng lập ra các ban cứu trợ nạn nhân chiến cuộc.
Đất nước được giải phóng, hòa bình và thống nhất lập lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ni trưởng được bầu vào làm Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam (nhiệm kỳ II), Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo Thừa Thiên – Huế. Ni trưởng đã chuyển nhà in Liên Hoa thành nhà máy mì sợi để lo cho đời sống của chùa chiền sau năm 1975. Cho đến tận những năm cuối đời, Ni trưởng Diệu Không vẫn miệt mài học tập kinh điển, đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật kinh luận. Trong suốt cuộc đời bà đã viết bài cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như: Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Bà đã dịch nhiều bộ kinh luận lớn như Thành duy thức luận, Du già Sư địa luận, Lăng già Tâm ấn, Di lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thọ), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư)…
Năm 1978, Ni trưởng vừa tắt thở, được chư Tăng tiếp dẫn, thì có tiếng khóc thét lên của sư cô Bảo Châu, vì bi nguyện mà Ni trưởng tỉnh lại, tiếp tục sống thêm 19 năm nữa. Ni trưởng thường dạy: “Khi đã thấy cảnh Tịnh độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả” [7]. Hai tháng trước khi qua đời (1997), Ni trưởng còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo hội sử dụng làm nơi đào tạo Tăng Ni.
Trọn đời viên mãn tứ ân đáo đền
Tất cả những hoạt động đó của Ni trưởng đã vượt khỏi tầm vóc của một tu sĩ Phật giáo bình thường, mà đã là sự dấn thân với hạnh nguyện Bồ tát “lăn lóc cõi Ta Bà” – như lời Ni trưởng từng nói. Cả cuộc đời không nghĩ cho riêng mình, Ni trưởng không chỉ đền đáp được ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mà ân Thầy Tổ, quốc gia dân tộc, chúng sinh muôn loài đều đã được Ni trưởng hết lòng đáp trả trong suốt cuộc đời. Đúng như lời bình về Ni trưởng trong Kỷ yếu tang lễ Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không:
Tóm lại, một đời sư: Ở trong phú quý mà không vướng vinh hoa, học nhiều mà không sở tri chướng, làm thơ mà không là thi sĩ, viết lách mà không là văn nhân, nghiên cứu mà không là học giả, giúp đời mà không là chuyên gia xã hội … Thuyết pháp mà không là pháp sư; tọa thiền mà không là thiền sư, xây dựng nhiều chùa mà không trụ trì một ngôi nào cả, giữ giới mà không câu nệ, độ người mà không vướng mắc đệ tử. Ở cảnh động không mất thiền, cảnh tịnh không bỏ rơi chúng sinh. Cuộc đời hành đạo của Sư thật đa dạng mà không lưu dấu vết, vì cõi lòng Sư như hư không. Sự nghiệp vật chất Sư lưu lại đã nhiều, nhưng cái đáng nói hơn, cái đáng nói nhất, cái thâu tóm cả cuộc đời Sư – Tấm lòng vì pháp và thương tưởng hậu lai – thì lại càng khó tả. Cho nên, dù có nói bao nhiêu về Sư, chúng con vẫn thấy thiếu và có lỗi với Sư, bởi vì cái đáng nói nhất đã không có ngôn từ diễn đạt. Có lẽ hai chữ tôn hiệu của Sư, (thượng) Diệu (hạ) Không đã biểu trưng quá đủ cuộc đời Sư. Hay nếu dài lời hơn, thì chỉ một câu này: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn sự môn trung bất xả nhất pháp”.
Tấm gương của Ni trưởng không chỉ là một vị Cao tăng thạc đức trong Phật giáo mà còn là một vị danh nhân văn hóa lịch sử của dân tộc. Hành trạng của Ni trưởng không chỉ xứng đáng để các thế hệ tăng ni trẻ học hỏi và tiếp nối mà còn là tấm gương chung cho tất cả những người yêu nước Việt Nam. Con người tinh hoa trong Phật giáo cũng đồng thời là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, điều này một lần nữa được chứng minh qua con người và sự nghiệp của Ni trưởng.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Triêng (tiếng Huế): quang, gánh.
[2] Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài (2009), Đường thiền sen nở, NXB. Lao Động, Hà Nội, tr.68.
[3] Sđd, tr.68.
[4] Sđd, tr.72.
[5] http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c274/n11120/Ban-gai-o-Hue-nhung-nam-20.html, truy cập ngày 27/7/2022.
[6] Vũ Trung Kiên, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không – một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX, https://thuvienhoasen.org/a34224/ni-truong-thich-nu-dieu-khong-mot-ky-nu-cua-viet-nam-trong-the-ky-20, truy cập 7/6/2022.
[7] Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế (1997), Kỷ yếu tang lễ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Wikipedia, Đạm Phương, https://vi.wikipedia.org/wiki/C4%90%E1%BA%A1m_Ph%C6%B0%C6%A1ng truy cập ngày 27/7/2022.
2. Chùa Hồng Ân (2017), Ái Đạo Dư Hương – tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Vũ Trung Kiên, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không – một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX, https://thuvienhoasen.org/a34224/ni-truong-thich-nu-dieu-khong-mot-ky-nu-cua-viet-nam-trong-the-ky-20, truy cập 7/6/2022.
4. Trần Thị Như Mân (1987), “Bạn gái ở Huế những năm 20”, Tạp chí Sông Hương số 24/1987, http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c274/n11120/Ban-gai-o-Hue-nhung-nam-20.html, truy cập ngày 27/7/2022.
5. Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài (2009), Đường thiền sen nở, Nxb. Lao Động, Hà Nội.
6. Thích Như Nguyệt (2007), Hành trạng Chư Ni Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Tỉnh Hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế (1997), Kỷ yếu tang lễ Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Quang (1895 - 1953)
Chân dung từ bi 08:42 25/12/2024Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, là đệ tử của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Xem thêm