Theo các vị sư sãi vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), đây là loài cây gắn liền với sự tích “đức Phật Thích Ca thành đạo”, bông trổ rộ từ tháng Hai đến tháng Năm Âm lịch. Khoảng thời gian này, các chùa lại diễn ra lễ cổ truyền Chol Chnam Thmay (giữa tháng Ba) và kế tiếp là Đại lễ Phật Đản (giữa tháng Tư) hàng năm.
Giải thích nguồn gốc cây sala, Hòa thượng Danh Thiệp (sãi cả chùa Vĩnh Thành, huyện Châu Thành), Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang cho biết, từ lúc ra đời (Đản sinh dưới cây sala) đến khi đi tu đắc đạo (ngồi thiền dưới cội bồ đề) và nhập Niết bàn (viên tịch dưới cây sala) của đức Phật đều gắn liền 2 loài cây này. Sự kiện được ghi chép bằng kinh kệ và truyền tụng qua sử sách. Phần lớn các chùa trồng cây bồ đề, phật tử biết nhiều cây bồ đề; còn sala thì người ta chỉ nghe, mà ít ai để ý.
|
Cây sala trổ bông |
|
Đồng bào Khmer gọi là hoa đầu lân |
Mùa nhập Hạ 2007, Hòa thượng Danh Thiệp được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn cử đi du học ở Myanmar. Từ đây, có dịp đi tiếp Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan… và diện kiến cây sala nguồn cội. “Cả đoàn chư tăng được đưa đi nghiên cứu, tham quan, chụp ảnh lưu niệm… mới biết thêm đôi điều về loài cây thiêng này. Những cây sala các chùa Khmer vùng Bảy Núi đang trồng, không khác gì so với bên đó” – Hòa thượng Danh Thiệp kể. Cây sala thân gỗ cứng, tên Couropita Guianensis, thuộc họ Dipterocarpaceae; chiều cao lên đến 15m, bông mọc từ thân, màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, thành chùm trên cọng dài có khi tới 3m.
Cây sala trổ bông quanh năm, nhưng rộ từ tháng Hai đến tháng Năm Âm lịch, bông có nhiều màu sắc rực rỡ, mùi thơm dịu, nhất là chiều và chạng vạng lại càng tỏa hương mạnh. Còn trái rất lớn, nhiều hạt có thể lấy phơi, ươm giống. Hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So), Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Tri Tôn nói: “đối với vùng Bảy Núi thì cây sala trổ bông có ý nghĩa đặc biệt hơn, đó còn là dịp đón lễ cỗ truyền Chol Chnam Thmay (mừng năm mới) hàng năm, vị thế loài cây thiêng càng được đồng bào và phật tử quý trọng, xem như “báu vật” của chùa để cộng đồng phum, sóc chiêm ngưỡng”.
|
Trái sala có khả năng trị bệnh |
|
Cây sala còn tạo cảnh quan |
Hồi triển khai Chương trình 327 (trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc), Chi cục Kiểm lâm An Giang phát hiện cây sala đầu tiên vùng Bảy Núi tại chùa Pông Rô (ấp Bằng Rò, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), với tuổi thọ khá cao. Song, chùa thay đổi qua nhiều vị trụ trì, không ai nhớ rõ nguồn gốc và xuất xứ cây sala này, các vị tà cha và phật tử cao niên chỉ biết có từ lâu đời. Đồng bào Khmer còn phát hiện thêm công dụng của sala, khi bông rụng mới lượm từng cánh đem phơi khô, nấu nước uống phòng nhức mỏi đối với nam và một số bệnh ở phụ nữ.
Mừng lễ cổ truyền Chol Chnam Thmay (mừng năm mới) và chuẩn bị Đại lễ Phật Đản năm nay (PL.2561 – DL.2017), viếng chùa Pông Rô thấy sala trước sân trổ bông rực rỡ, Đại đức Chau Si Tha (sãi cả) cho hay, cây được chăm sóc nên phát triển tốt, trở thành bóng mát, tạo thêm cảnh quan. Các ngày viếng chùa và lễ Phật thường nhật, phật tử hay lượm bông sala về làm thuốc thông thường. “Ban đầu chưa biết, ai nấy cũng coi bình thường. Khi tìm hiểu kỹ, bà con quý lắm, chung tay bảo vệ, nhân giống thêm” – Đại đức Chau Si Tha chia sẻ. Tương tự, tại chùa Tứk Phốs (ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) trồng 2 hàng sala ngay mặt tiền, tạo cảm giác dễ chịu đối với khách khi đến cúng, viếng.
Thượng tọa Chau Hắk (sãi cả chùa Tứk Phốs) bảo, sala không chỉ là cây thiêng, biểu tượng nguồn gốc Phật giáo, mà còn gắn liền với vùng đất và con người Bảy Núi, bởi ảnh hưởng đời sống và sinh hoạt. “Trồng cây gây bóng mát, cảnh quản cho đồng bào, phật tử thưởng ngoạn khi viếng chùa, lễ Phật. Nhìn thấy cây sala, chắc ít nhiều bà con cũng nhớ tới nguồn gốc Phật pháp” – Thượng tọa Chau Hắk bày tỏ. Có lẽ, với ý nghĩa đó, nhiều chùa Khmer vùng Bảy Núi đã ươm giống và trồng cây sala. Vào chùa mừng lễ Chol Chnam Thmay và đón Đại lễ Phật Đản, nghe mùi bông sala tỏa ngát, mọi người dấy lên tấm lòng hoan hỉ đến lạ kỳ.
|
Cúng dường chư tăng |
Theo Hòa thượng Danh Thiệp, Phó BTS Phật giáo tỉnh An Giang cho biết, ngày nay cây sala đã phổ biến, với nhiều tên gọi khác nhau. Cùng với cây bồ đề, cây sala được trồng nhiều các chùa Khmer vùng Bảy Núi, đồng bào Khmer tiếp tục phát huy công dụng của bông và trái sala. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình còn chọn sala làm cây cảnh và cây kiểng trong các phum, sóc.
Phan Trọng Ân