Muốn xây dựng tình yêu chân thật phải thực tập giới thứ ba
Mình chỉ chia sẻ những gì sâu kín nhất trong tâm mình với người mà mình tin tưởng, với người tri kỷ. Đối với thân thể của mình cũng vậy. Nếu không có tình yêu sâu sắc với một người thì mình không bao giờ phó thác cái thân này cho người ấy. Do vậy, tình yêu trở thành rất thiêng liêng.
Theo tuệ giác của đạo Bụt, thân và tâm không tách biệt. Nếu thân bị ô nhiễm thì tâm cũng trở nên chán chường, ô nhiễm và thương tích. Nếu thân được nguyên vẹn thì tâm cũng được nguyên vẹn.
Trong giới tiếp hiện, có đề cập đến thân như đền thờ tâm linh. Thân cũng linh thiêng như tâm vậy. Nếu thân không còn linh thiêng thì tâm cũng không còn linh thiêng nữa. Mình cần gìn giữ thân như việc gìn giữ tâm và ngược lại. Có lẽ trong quá khứ, quan niệm về sự gìn giữ thân và tâm giữa Tây phương và Đông phương không khác biệt là bao nhiêu.
Thông thường, mình chỉ chia sẻ những gì sâu kín nhất trong tâm mình với người mà mình tin tưởng, với người tri kỷ. Đối với thân thể của mình cũng vậy. Nếu không có tình yêu sâu sắc với một người thì mình không bao giờ phó thác cái thân này cho người ấy. Do vậy, tình yêu trở thành rất thiêng liêng. Nó nuôi dưỡng được cả hai phía yêu nhau. Nếu coi xác thân người kia là dụng cụ phục vụ cho sự khoái lạc của mình thì tình yêu bị đánh mất đi yếu tố linh thiêng.
Người Đông phương rất coi trọng việc giữ gìn thân thể của mình. Khi bị lạm dụng trong chuyện tình dục, họ có cảm tưởng như bị đánh mất đi những gì rất quý giá của đời mình. Đối với những em bé gái, bé trai khi bị lạm dụng, các em đau khổ rất nhiều, và niềm đau ấy có thể đeo đuổi suốt cuộc đời của các em. Cơ thể của mình có những vùng linh thiêng mà không có ai được quyền chạm tới. Sự toàn vẹn của cơ thể có liên hệ tới sự toàn vẹn của tâm hồn.
Cái thấy thân tâm nhất như rất quan trọng. Thân nằm trong tâm và tâm nằm trong thân. Nếu không kính trọng thân thể thì không thể nào kính trọng được tâm hồn. Thân thể không thể là một món đồ chơi của chính mình và người khác. Điều này có liên hệ đến hạnh phúc của mình và con cháu của mình. Giữ gìn thân thể không phải chỉ để cho riêng mình mà còn cho con cháu của mình nữa.
Tình yêu đích thực cần bốn yếu tố quyện hòa
Giới thứ ba có liên hệ đến tình yêu, và sự liên hệ giữa hai người đứng về phương diện tình dục. Đức Thế Tôn dạy về tình yêu rất sâu sắc và đầy đủ. Tình yêu chân thật có chứa những yếu tố: từ, bi, hỷ và xả. Phải thấy mình và người kia là một. Những khổ đau của người kia là những khổ đau của mình, và khổ đau của mình cũng là khổ đau của người kia. Mình không loại trừ người kia ra khỏi hạnh phúc và khổ đau của mình.
Muốn xây dựng tình yêu chân thật thì phải thực tập giới thứ ba. Đi tìm thú vui trong tình dục mà phá đổ những yếu tố của tình thương đích thực, là phạm giới. Phải thấy rằng, sự an ninh và toàn vẹn của người kia là sự an ninh và toàn vẹn của chính mình.
Phải thấy rằng, cái thân và cái tâm của người kia là nơi linh thiêng, và cần phải tôn trọng thì lúc đó tình thương chân thật mới thật sự có mặt. Sự toàn vẹn của cơ thể liên hệ tới sự toàn vẹn của tâm hồn. Với nền văn hóa xưa thì mình chỉ giao phó thân tâm cho người kia khi người ấy trở thành bạn tri kỷ của đời mình.
Tuy hai người đã cưới nhau, nhưng vẫn phải luôn luôn kính trọng lẫn nhau, không được có những cử chỉ, hành động thô lỗ với người bạn hôn phối. Phải thấy, thân thể của mình cũng linh thiêng như của người kia, và mình vẫn tiếp tục khám phá ra những cái hay cái đẹp ở nơi người kia thì lúc đó tình yêu mới kéo dài được.
Tình yêu là một quá trình của sự khám phá, đi tìm khoái lạc trong tình dục sẽ chỉ làm phá vỡ hạnh phúc mà thôi. Tuổi trẻ bây giờ không được hướng dẫn về tình yêu, nhà trường chỉ dạy về sinh học thôi, nên các bạn trẻ biết tình dục mà chưa kịp biết tình yêu. Các nhà giáo dục cần xét lại điều này. Nếu chỉ dạy cho học trò về sinh học mà không dạy về tình thương thì e rằng, cái đẹp, cái linh thiêng nơi họ sẽ bị đánh mất.
Trong xã hội ngày nay, năng lượng tình dục quá nhiều, những hình ảnh, âm thanh độc hại trong sách báo, truyện trò tràn lan. Vì vậy chúng ta phải nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của mình. Người nào cũng có năng lượng tình dục, và chính Đức Thế Tôn cũng có năng lượng tình dục. Ngài thành đạo hồi 35 tuổi, và dĩ nhiên ngài vẫn còn những năng lượng tình dục, nhưng ngài biết cách chăm sóc năng lượng ấy nên nó không gây hại đến ngài. Ngài đã biết hướng toàn bộ năng lượng của ngài về phía độ đời, thương người.
Vậy chúng ta cần chăm sóc năng lượng tình dục ấy thế nào?
Chuyện ăn uống cũng có liên quan đến năng lượng tình dục. Người xuất gia không còn làm chuyện dâm dục, nhưng làm thế nào để quản lý năng lượng ấy?
Bụt có dạy, người xuất gia không ăn mặn, không uống rượu. Đây là một phương pháp rất hay để hỗ trợ cho việc quản lý năng lượng này. Bên đạo Bụt nguyên thủy, mỗi ngày các thầy, các sư cô chỉ ăn một bữa vào buổi trưa, đây cũng là phương pháp hay. Trước khi ăn, mình luôn nhớ, ăn như thế nào cho có chừng mực và điều độ.
Mỗi thầy, mỗi sư cô đều có chiếc bình bát để làm ứng lượng khí. Khi lấy thức ăn phải chừng mực, phải nhận diện được tâm hành tham ăn của mình. Chuyện ăn uống có ảnh hưởng rất quan trọng đến năng lượng tình dục.
Trong đạo Bụt còn có phương pháp đệ nhị thân, tức là không được đi ra ngoài một mình, không chuyện trò với người khác phái một mình, mà phải luôn có một người cùng giới bên cạnh để bảo hộ. Đây cũng là một phương pháp hữu hiệu để quản lý năng lượng tình dục khi đi ra ngoài. Ngoài ra, thực tập sám pháp và thực tập khí công cũng là những cách chăm sóc những năng lượng tình dục. Không phải chỉ người xuất gia mới học hỏi phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của mình mà người tại gia cũng phải học. Bởi những người tại gia trong cuộc sống hằng ngày tiếp xúc quá nhiều với những yếu tố kích thích như phim ảnh, sách báo, âm thanh…
Do vậy, người tại gia thực tập vấn đề chăm sóc năng lượng tình dục khó hơn nhiều so với người xuất gia. Giới tà dâm đôi khi lại khó thực hiện hơn giới bất dâm. Bất dâm là hoàn toàn không có dâm dục, còn giới tà dâm là chỉ có liên hệ với vợ hay chồng của mình thôi. Người cư sĩ cũng phải ăn uống như thế nào để không chế tác quá nhiều năng lượng tình dục…
Thực tập giới là giúp bảo hộ đem lại cho mình bình an và hạnh phúc. Trong giới bản năm giới mới chúng ta sẽ bổ xung thêm vào giới thứ ba như sau: “Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của con, để thấy được tính bất nhị của thân và của tâm” – thân và tâm là một. Nếu không kính trọng thân là cũng không kính trọng tâm. Những điều này phải học hỏi và thực tập mới thấy được, chứ không phải chỉ đọc là đã hiểu. Sau khi thọ giới, người hành trì giới phải pháp đàm và học hỏi một tháng hai lần.
Tu tập để chế tác thêm các chất liệu từ bi hỷ xả. Bốn yếu tố căn bản của tình yêu chân thật có công năng làm lớn lên hạnh phúc của mình và của người khác. Xã hội ngày nay, tình yêu thì ít mà tình dục thì nhiều. Do vậy mà khổ đau trong gia đình, xã hội rất lớn. Mỗi người cần phải tập chế tác tình yêu chân thật, để làm giảm thiểu năng lượng tình dục nơi mình và nơi người kia.
Trích "Thân thể là đền thờ tâm linh"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Xem thêm